Popular Posts

Wednesday, February 26, 2020

BỒ TÁT DI LẶC

BỒ TÁT DI LẶC
Toàn Không
I). ĐỨC DI LẶC LÀ BỒ TÁT NÀO? 
   Đức Di Lặc là Đại Bồ Tát sẽ là Phật thứ năm trong đại kiếp này tại thế giới Ta Bà chúng ta, từ ngày tái lập qủa đất đến giờ đã có bốn vị Phật ra đời, đó là các Đức Phật: Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Ca Diếp, và Thích Ca Mâu Ni. Hiên tại đang ở kiếp thứ chín, tới kiếp thứ mười, Đức Di Lặc sẽ thành Phật, gọi là Nhất sinh bổ xứ Bồ Tát; hiện tại, Bồ Tát Di Lặc đang ở trên cung trời Đâu Xuất giáo hóa chư Thiên ở đó. 
II). ĐẶC ĐIỂM CỦA BỒ TÁT DI LẶC: 
   Theo sự họa hình bên Ấn Độ, Bồ Tát Di Lặc ngồi trên bệ, hai chân để trên đài hoa sen, hai tay ngón trỏ và ngón cái làm thành vòng, các ngón khác thẳng lên, lòng bàn tay phải quay ra, lòng bàn tay trái quay vào, cả hay tay đều bắt ấn chuyển Pháp luân trước ngực như thế, ngồi ở vị thế sẵn sàng ngồi xuống tòa sen, thân hình Ngài vừa phải không béo mập.  
     Nhưng theo truyền thuyết Trung Quốc, Ngài được biểu tượng là người béo mập, cười vui vẻ. Có hình, Ngài đứng tay trái cầm Thiền trượng có đeo túi vải bố vác trên vai, tay phải mang miếng vải đựng sáu đứa nhỏ phá phách. Có hình, có sáu đứa nhỏ đùa rỡn, đứa chọc mắt Ngài đang ngồi, đứa chọc lỗ tai, đứa kéo mũi, đứa móc miệng, đứa sờ bụng, đứa xoa đầu Ngài, tượng trưng cho sáu căn. Có hình, có tới 18 đứa nhỏ đang đùa rỡn vây quanh Ngài, tượng trưng cho sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu trần tượng trưng cho sắc, thanh, hương, vi., xúc, pháp, và sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; tổng cộng là 18 giới hết thảy. 
III). SỰ TÍCH BỒ TÁT DI LẶC: 
   Theo bộ Chư Kinh Tập Yếu, Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phó Thác (Chúc Lụy), từ trang 387 đến 389, nói về sự phó thác giáo pháp cho Bồ Tát Di Lặc như sau: 
   Một thời Đức Phật ngự tại vườn Am La xứ Tỳ Da Ly, có tám nghìn vị Tỳ Kheo, ba mươi hai nghìn vị Bồ Tát, mười nghìn vị Phạm Thiên Vương, mười hai nghìn vị Trời Đao Lợi. Ngoài ra còn có vô số chư Thiên, Long (Rồng), Thần, Dạ Xoa (Quỷ), Càn Thát Bà (Thần nhạc), A Tu La (Thần dữ), Khẩn Na La (Nghi nhân: Giống người mà có sừng), Ma Hầu La Già (Đại Phúc hành: mình người đầu rắn), Ưu Bà Tắc (Nam Cư sĩ), Ưu Bà Di (Nữ Cư Sĩ), Trưởng giả v.v… 
1). ĐỨC PHẬT PHÓ THÁC:  
     Sau khi Đức Phật giảng xong Kinh Duy Ma Cật, Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: 
1. PHÓ THÁC: Di Lặc, nay Ta đem pháp Vô Thượng Bồ Đề đã tích tụ từ vô lượng a tăng kỳ kiếp (vô số kiếp) phó thác cho ông. Sau khi Ta diệt độ nhập Đại Niết Bàn, trong thời “Mạt pháp”, các ông nên dùng thần lực giảng giải phổ biến giáo pháp của Ta khắp cõi Ta Bà này, chớ cho đoạn dứt. Tại sao? Trong đời vị lai sẽ có những thiện nam tử thiện nữ nhân, trời, rồng, qủy, thần, v.v… phát tâm “Vô thượng Bồ đề”; nếu họ không được đọc nghe giáo pháp của Ta, họ sẽ mất thiện lợi. Họ được đọc nghe giáo pháp sẽ phát tâm hoan hỷ tín thọ, ông nên tùy nhu cầu lợi ích chúng sinh ứng cơ thuyết giảng; rồi Đức Phật nói tiếp: 
2. CĂN CƠ: Di Lặc, ông nên biết căn cơ Bồ Tát có hai loại:
- Bồ Tát sơ học, ham tìm hiểu văn chương nghĩa câu, khi đọc nghe Kinh thâm diệu sinh tâm khiếp sợ, nghi hoặc chẳng tin, không thể tùy thuận, lại phỉ báng rằng: “Xưa nay chưa thấy nghe, Kinh này ở đâu ra?”. Hoặc gặp người giải nghĩa Kinh thâm diệu, không chịu thân cận, lại còn nói xấu người giảng; do vậy biết được Bồ Tát sơ học ấy tự làm tổn hại mình, không thể ở nơi pháp thâm diệu tự điều phục tâm.
- Bồ Tát đã tu lâu, có đạo hạnh. đối với Kinh điển thâm diệu, vô nhiễm không chấp trước, đọc nghe rồi tịnh tâm thụ trì, theo pháp tu hành, hay nhận thâm nghĩa, chẳng hề khiếp sợ. 
   Bồ Tát Di Lặc nghe xong liền bạch Phật:
- Thưa Đức Thế Tôn, Như lời Như Lai nói, con thụ trì pháp Vô thượng Bồ đề của Như Lai đã tích tụ từ vô lượng kiếp. Nếu đời vị lai, có Thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo, đọc tụng thọ trì, giảng giải cho người khác nghe, nên biết do thần lực của con hộ trì.
   Phật bảo:
- Lành thay, lành thay, Di Lặc! Như lời ông nói, Ta mừng cho ông. 
2). ĐỨC PHẬT THỤ KÝ CHO BỒ TÁT DI LẶC: 
   Theo quyển 2 Trung A Hàm từ trang 38 đến 48 nói về Đức Phật thụ ký cho Bồ Tát Di Lặc như sau:
   Khi Đức Phật du hóa tại nước Ba La Nại, Ngài ngự trong vườn Lộc Dã xứ Tiên Nhân; một hôm, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
- Một thời gian lâu dài ở tiểu kiếp vị lai, khi con người sống tuổi thọ xuống còn tám vạn tuổi, sẽ có Đức Phật hiệu Di Lặc có đủ 10 danh hiệu là: 1. Như Lai (Bậc đạt chính Đẳng Chính Giác). 2. Ứng Cúng (Thọ sự cúng dường của Trời và Người). 3. Chính Biến Tri (Trí Bát Nhã biết khắp không gian và thời gian). 4. Minh Hạnh Túc (Viên mãn vạn hạnh, đầy đủ Tam Minh). 5. Thiện Thệ (Đến chỗ vi diệu, không còn sinh trong ba cõi). 6. Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ: (Biết hết nhân sinh vũ trụ, không Trời Người hay Thần Linh nào sánh bằng). 7. Điều Ngự Trượng Phu (Điều phục tất cả chúng sinh). 8. Thiên Nhân Sư (Thầy của Trời và Người). 9. Phật (Trí tuệ đầy đủ, Ba Giác viên minh, biết hết các pháp và công hạnh). 10. Thế Tôn (Tất cả phàm thánh trời người đều tôn trọng), ra đời cũng như Ta ngày nay đã thành Như Lai.
   Đức Di Lặc Như Lai ở đời ấy giữa Chư Thiên (Trời), Phạm (Phạm Thiên), Ma (Thiên Ma), Sa Môn (người tu hành), Phạm chí (ngoại đạo), Người, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú (yên ổn). cũng như Ta đời này.
   Ngài thuyết pháp phần đầu, phần giữa, phần cuối đều vi diệu (tinh tế đến cực điểm)…, văn nghĩa đầy đủ, thanh tịnh phạm hạnh (khuôn phép) cũng như Ta thuyết pháp ngày nay.
   Ngài diễn tả rộng rãi, ban bố khuôn phép tu hành cho những chúng hội lớn lao nhiều trăm nghìn, từ hàng người tới hàng cõi trời, khéo phát khởi hiển hiện cũng như ta ngày nay. 
   Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc cũng ở trong chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy vái lễ Phật rồi thưa:
- Bạch Thế Tôn, một thời gian lâu xa ở tiểu kiếp tới khi con người tuổi thọ xuống còn tám vạn tuổi, con có thể thành Phật hiệu là Di Lặc Như Lai, có đủ mười danh hiệu cũng như Đức Thế Tôn bây giờ.
   Con ở đời ấy, giữa Chư Thiên, Phạm, Ma, Sa Môn, Phạm chí, Người, con tự tu tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú cũng như Thế Tôn đời này.
   Con sẽ thuyết pháp phần đầu, phần giữa, phần cuối đều vi diệu, có văn có nghĩa đầy đủ, thanh tịnh hiển hiện phạm hạnh cũng như Đức Thế Tôn thuyết pháp ngày nay.
   Con sẽ diễn tả sâu xa rộng rãi khuôn phép tu hành cho những chúng hội lớn lao nhiều trăm nghìn, từ hàng người tới hàng trời, khéo phát khởi hiển hiện cũng như Thế Tôn ngày nay. 
   Lúc ấy, Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc:
- Lành thay, lành thay, ông đã phát tâm vi diệu như thế. Ta thọ ký cho ông được như thế.
   Rồi Đức Phật bảo Tôn giả A Nan (Thị giả của Phật):
- Thầy hãy lấy chỉ vàng dệt thành tấm y (vải làm áo choàng) cho Ta.
   Tôn giả A Nan vâng lời Phật đi thực hành liền, xong mang dâng lên Phật. Ngài gọi Bồ Tát Di Lặc đến và bảo:
- Ông hãy đến chỗ Như Lai nhận tấm y chỉ vàng này mà cúng dàng Tam Bảo Phật Pháp Tăng, vì sao? vì thế gian mong cầu thiện lợi yên ổn mà các Đức Như Lai, Vô Sở Trước Chính Đẳng Chính Giác muốn cứu hộ.
   Bấy giờ: Bồ Tát Di Lặc đến lễ Phật, nhận tấm y xong cúng dường Tam Bảo Phật Pháp Tăng. 
3). ĐỨC PHẬT NÓI KINH DI LẶC:  
(Còn tiếp)


BỒ TÁT DI LẶC
Toàn Không
(Tiếp theo)
3). ĐỨC PHẬT NÓI KINH DI LẶC:  
Lược theo Kinh Di Lặc do Đức Phật Thích Ca nói như sau: 
   Lúc bấy giờ, nước biển lớn cạn xuống rất nhiều, đất đai rộng ra, ven biển trồng trọt được nhiều, lương thực dồi dào, nhân dân sung sướng. Đâu đâu dân chúng cũng giàu có, luật pháp phân minh, trai gái sinh ra đều do nghiệp lành mà ra đời, cỏ cây tốt tươi xanh rì, hoa qủa đầy cây; khi ấy con người sống trung bình 8 vạn tuổi, ít bệnh tật khổ não, thường vui vẻ an nhàn. 
   Tại thủ đô Diệu Tràng Tướng rộng lớn, chỗ Luân Vương (Vua, Tổng Thống) ở, dân chúng giàu sang, chim hót vang lừng, vườn hoa thơm ngát, cảnh vật thần tiên. Vua Hướng Khứ thống lãnh thế giới, nhân đức trí tuệ, dùng chính pháp trị dân, dân chủ bình đẳng, dân giàu nước mạnh, có các hàng Đại thần (Tổng trưởng) đều chân chính nghiêm nghị thi hành đúng đắn; lại có Đại thần (Thủ tướng) Thiện Tịnh thông minh tài giỏi, đức độ hơn người, có người vợ đẹp đẽ đoan trang. 
   Từ Thị đại trượng phu từ cõi trời Đâu Suất gửi nhờ (thác) vào phu nhân đại thần Thiện Tịnh mượn chỗ (thứ) để sinh thân mình; mang thai đủ mười tháng, một ngày kia Từ mẫu Tôn ra dạo vườn Diệu hoa, khi đang dạo trong vườn, bỗng sinh đức Từ Tôn, như mặt trời ló mọc, phóng ánh sáng khắp nơi nơi, như sen ra khỏi nước, soi sáng khắp ba cõi. 
   Lúc đó, trời Đế Thích nhìn thấy vội tới ngay trong chớp mắt, tay nâng Bồ Tát, tự nhiên đi bảy bước, đi trên hoa sen vừa mọc sẵn, quay qua ngoảnh lại xem khắp các phương bảo Trời Người: “Thân này là thân chót, không còn tái sinh, sẽ nhập Niết Bàn”; rồi Rồng phun nước trong sạch tắm rửa thân Đại Bi, Trời ngợi khen rải muôn hoa đủ màu sắc như bướm bay tuyết rơi. Chư Thiên cầm lọng báu che đức Đại Tôn, mọi người đều được tâm lành nhìn theo Bồ Tát có 32 tướng tốt, bồng ẵm trao cho phu nhân Đại thần.  
   Đại thần được tin vội cho đem xe đón, Trời nổi nhạc mầu dẫn đường về Dinh. Thiện Tịnh, cha Từ Tôn thấy con kỳ diệu, vui mừng vô hạn, nuông chiều chăm sóc lớn dần, càng tỏ thông minh tài cán, tự nhiên biết đủ thứ. 
   Bồ Tát thân vàng chói lòa, tiếng như chuông đồng, mắt xanh biếc, vai rộng thân cao, mặt tươi nghiêm nghị thanh tao; Bồ Tát thông hiểu nhiều nghề, khéo dạy người, vô số trai trẻ đến xin học. 
   Thuở ấy Vua Hướng Khư cho thiết lập bảo tràng, phát lòng đại xả, thí cho hàng Bà la môn (qúy phái giàu có). Bọn Phạm chí có tới cả nghìn người, được tràng báu này làm hư hại cả; Bồ Tát thấy thế nghĩ: “Thế tục là vậy, bị sinh tử trói cột, duy chỉ có xuất ly tìm đạo tịch diệt mới cứu được chúng sinh ra khỏi già bệnh chết 
   Ngày Từ Tôn phát nguyện, vô số người theo tu phạm hạnh, đêm đó Ngài lên bậc Chính Đẳng Chính Giác. 
   Từ Thị Đại Bi Tôn ngồi dưới gốc cây thành Phật, rồi Ngài nói diệu pháp độ chúng sinh khiến ra khỏi khổ, tu Tám chính đạo đến Niết Bàn. 
   Trong vườn Diệu hoa, vô lượng người nghe Đại Bi Tôn nói pháp, Vua Hướng Khư sau khi nghe pháp thâm diệu, phát nguyện xả hết của cải, ham mộ cầu xuất gia tu hành, có vô số người cùng theo xuất gia. Trưởng giả Tam Tạng, người đã thâm hiểu Luật, Kinh, Luận, mang một nghìn quyến thuộc đệ tử đến xin làm đệ tử đức Từ Tôn; lại có trăm nghìn người nghe Phật nói pháp mầu đến xin xuất gia. 
   Vô Thượng Sư Trời Người quán khắp tâm chúng sinh mà thuyết pháp rằng: 
Các vị cần biết Đại Từ Bi Thích Ca Mâu Ni đã dạy tu chính pháp, lại sinh trong pháp Ta; hoặc hương hoa cúng dàng Phật Thích Ca thì sinh trong pháp Ta; hoặc sơn phết tu bổ tượng tháp Phật Thích Ca, lại sinh trong pháp Ta; hoặc quy y Tam Bảo thân cận thường cung kính, làm các hạnh lành, lại sinh trong pháp Ta; hoặc trong Phật pháp thụ trì theo chỗ học, khéo giữ không thiếu sót, lại sinh trong pháp Ta; hoặc với Tăng Ni trong bốn phương bố thí đầy đủ, lại sinh trong pháp Ta; hoặc trong bốn thời chay, vâng giữ tám giới cấm, lại sinh trong pháp Ta”. . .
   Đức Phật Di Lặc thuyết pháp độ sinh khiến trừ hết phiền não được ba hội như sau: 
1/- Hội thứ nhất: độ được 96 ức (9,600,000) người khiến khỏi phiền não chướng.                                                                                          
2/- Hội thứ hai: độ được 94 ức (9,400,000) người khiến vượt khỏi biển vô minh. 
3/- Hội thứ ba: độ được 92 ức (9,200,000) người khiến lòng hay điều phục. 
   Các vị Trời Đao Lợi và Vua trời Đế Thích xưng tán Đại Từ Tôn Di Lặc là: “Thiên Thượng Tôn, Sĩ Trung Thắng, Bạc Già Phạm”. 
   Trời Đại Oai Đức: Vua của Thiên Ma quy tâm đảnh lễ chiêm ngưỡng Đức Đạo Sư. 
   Các Phạm Thiên Vương: đều là bậc A la Hán thường nhiễu quanh, ca tụng pháp nhiệm mầu của Phật Di Lặc. 
   Trời, Người, Long, Thần, La sát, Dạ xoa, Càn thát Bà v.v… đều hoan hỉ cúng dàng Phật Di Lặc. 
   Khi ấy: các đại chúng đều dứt nghi, trừ hoặc, lià nhiễm, xả của, bỏ lòng chấp ta, bỏ chấp cái của ta, tu nết trong sạch; lại còn phá lưới tham sân, tà kiến si mê, dẹp lòng hiếu thắng tranh giành, bỏ sự hơn thua hay dở, được tâm thanh tịnh. 
   Từ Thị Vô Thượng Sư Trời Người thương xót loài hữu tình hứa ở lại thế gian sáu vạn tuổi, nói pháp độ quần sinh vô lượng người, trời, qua khỏi biển phiền não; sau khi Đại Bi Tôn Di Lặc vào Niết Bàn, chính pháp của Ngài lưu truyền được sáu vạn năm. 
   Nếu người thông tuệ nghe nói việc như thế, ai lại chẳng vui mừng, nguyện được gặp Đức Từ Bi Tôn Di Lặc. Nếu người cầu qủa giải thoát, ngóng trông gặp hội Long Hoa, thường cúng dàng Tam Bảo, sẽ được gặp. 
   Đức Phật Thích Ca nói: “Nếu ai đọc tụng Kinh Di Lặc, hoặc giảng dạy, chép ra để phổ biến, thì người ấy sau này ắt gặp được Từ Thị Di Lặc hạ sinh, và ở một trong ba Hội được phần cứu độ
   Chúng ta cũng có thể tụng niệm hàng ngày: “Nam mô Long Hoa Giáo Chủ Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật”, để sẽ được gặp Ngài sau này vậy. 
4). SỰ TÍCH ĐỨC DI LẶC
     BÊN TRUNG HOA:
 (Còn tiếp)

BỒ TÁT DI LẶC
Toàn Không
(Tiếp theo)
4). SỰ TÍCH ĐỨC DI LẶC
     BÊN TRUNG HOA:
     Theo truyền thuyết ghi trong Phật giáo sử Trung Quốc,    
có hai lần Đức Di Lặc ứng tích, một lần tại Nhạc Lâm hiệu là Hòa Thượng Đại Bố, một lần xuất hiện tại Song Lâm hiệu là Phó Đại Sĩ. Chúng ta chỉ nêu một trường hợp khi Ngài Di Lặc xuất hiện tại Nhạc Lâm.
HÒA THƯỢNG ĐẠI BỐ:
   Thời Nhà Lương (Thế kỷ thứ sáu Dương lịch) bên Trung Hoa, tại huyện Phụng Hóa, Tỉnh Châu Minh, có vị Hòa Thượng trán nhăn, bụng to béo mập, không ai biết tên Ngài; mọi người chỉ thấy Ngài thường mang cái túi vải bố to, nên gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng.
   Tính Ngài hay khôi hài, cười nói vui vẻ, Ngài không ở một nơi nào nhất định, nhưng hay đến ở chùa Nhạc Lâm.
   Mỗi khi đi đường thường hay cầm Tích trượng và mang túi vải bố, nhiều trẻ con theo đuổi riễu cợt, làm Ngài cười hoài.
   Nếu có ai cho vật gì, Ngài ăn nếu còn dư đều bỏ vào túi ấy, khi tới chợ quán mở túi lấy những thứ ấy ra và hỏi những người xung quanh: “Các người xem đây là cái gì?” Một lúc bỏ lại túi mà đi.
   Một hôm, Ngài gặp một đám đông, có thầy Tăng hỏi: “Hòa Thượng ở trong đám đông người làm gì đó?” Ngài đáp: “Ta đương chờ một người”. Thầy Tăng hỏi: “Hòa Thượng chờ ai?” Ngài bèn thò tay vào túi vải, lấy ra một qủa quýt đưa cho, thầy Tăng dơ tay định lấy, Ngài rụt tay lại nói rằng: “Ông chẳng phải người ấy”, rồi Ngài bỏ đi.
   Một bữa khác, một thầy Tăng thấy Ngài đứng bên đường chỗ gần chợ, bèn hỏi: “Hòa Thượng đứng đây làm gì?” Ngài đáp: “Ta đi hóa duyên”. Thầy Tăng hỏi: “Hóa duyên ở đâu chỗ này?” Ngài đáp: “Chỗ này chính là chỗ ta muốn hóa duyên”. Thầy Tăng muốn hỏi nữa, nhưng Ngài cười ha hả và bỏ đi.
   Một hôm, Hòa Thượng Bạch Lộc đến gặp hỏi Ngài: “Thế nào là cái túi vải bố?” Ngài nghe hỏi vội để cái túi xuống, rồi khoanh tay đứng yên không nói năng gì cả. Hòa Thượng Bạch Lộc lại hỏi: “Công việc của cái túi ra làm sao?” Ngài liền mang cái túi lên vai mà đi mất không nói một lời.
   Lại ngày khác, Hòa Thượng Bảo Phúc gặp Ngài liền hỏi: “Thưa Ngài, duyên cớ tại sao xưa kia Tổ Sư Bồ Đề từ Tây Trúc qua đây là có ý gì?” Ngài nghe rồi để cái túi xuống, rồi đứng tự nhiên không trả lời. Hòa Thượng Bảo Phúc lại hỏi: “Chỉ như vậy hay còn cái gì khác nữa?” Ngài nghe hỏi như thế, liền khoác túi lên mà đi không trả lời.
   Từ đó, hễ Ngài đi đến đâu, người ta chặn đón, niú kéo mời Ngài vào nhà chứ không cho đi; bởi vậy, các hiệu tiệm quán đồ ăn thức uống, tiệm nào cũng muốn mời Ngài chiếu cố, vì khi có mặt Ngài hiệu quán đông đảo khách tới.
   Khi trời mưa lâu ngày không dứt, Ngài mang guốc cao gót (Không phải guốc phái nữ đâu) đến nằm ngửa trên cầu gỗ, co hai chân lại, dơ hai đầu gối lên, thì ngày hôm sau có nắng hết mưa; còn khi nào nắng nóng nực lâu ngày, người ta thấy Ngài đi dép cỏ đi tới đi lui nhiều lần, thì đêm đó có mưa.
   Ngài thường hay tới nhà một nông dân ăn cơm, một hôm người vợ cằn nhằn là: “Đang lúc có việc ruộng nương bận rộn, đâu có rảnh mà nuôi lão Hoà Thượng điên được”. Nghe nói những lời ấy, Ngài đương ăn, liền mang bát cơm ra đổ dưới gốc cây mà bỏ đi; một lúc lâu, người vợ thấy nồi cơm đầy lại như lúc chưa múc cơm ra, vội cho chồng biết, hai vợ chồng hoảng kinh, bèn cùng nhau đi tìm Ngài để xin sám hối tội lỗi.
   Khi Ngài đến xứ Mân Trung, có Cư sĩ họ Trần đãi Ngài cẩn trọng; lúc sắp từ giã, Trần cư sĩ hỏi tên họ và đạo hiệu, Ngài cho biết họ Lý sinh ngày mồng tám tháng hai rồi nói bài kệ:
Ta có cái túi vải,
Rỗng rang không quái ngại,
Mở ra khắp mười phương,
Thu vào Quán Tự Tại.
   Cư sĩ hỏi: “Ngài có đồ đoàn hành lý gì không?” Ngài đáp bằng kệ:
Bình bát cơm nghìn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua.
   Cư sĩ nói: “Đệ tử si mê, làm sao thấy tánh Phật được?” Ngài đáp bằng kệ:
Phật tức tâm, tâm ấy là Phật,
Mười phương thế giới hiện toàn chân,
Tung hoành diệu dụng biết bao nhiêu,
Cả thảy không bằng tâm chân thật.
   Trần cư sĩ thưa rằng: “Hòa Thượng đi, nên ở chùa chứ đừng nên ở nhà thế gian”, Ngài bèn đáp bằng kệ:
Ta có nhà Tam Bảo,
Trong vốn không sắc tướng,
Chẳng cao cũng chẳng đẹp,
Không ngăn cũng chẳng chướng;
Học vẫn khó làm bằng,
Cầu thì không thấy dạng,
Người trí biết rõ ràng,
Nghìn đời không tạo được,
Bốn môn bốn qủa sinh
Mười phương đều cúng dường.

   Trần cư sĩ nghe bài kệ lấy làm lạ, liền xá Ngài mà nói: “Xin Hòa Thượng ở nán lại một đêm mà dùng cơm chay với đệ tử, để tỏ lòng cung kính; xin Ngài từ bi nhận cho”. Đêm ấy, Ngài ở lại, đến khi đi, Ngài viết bài kệ trên cửa:
Ta có một thân thật,
Có ai được tường tận,
vẽ cũng chẳng tô,
Không chạm cũng không khắc;
Chẳng có chút đất bùn,
Không phải màu thế sắc;
Thợ vẽ, vẽ không xong,
Kẻ trộm, trộm chẳng mất,
Thể tướng vốn tự nhiên,
Thanh tịnh trong vằng vặc;
Tuy là có một thân,
Phân đến trăm nghìn ức.
   Khi đến huyện Tứ Minh, Ngài thường giao du với ông Trương Tôn Bá một cách thân mật, và bảo ông mỗi ngày trì niệm câu chú: “Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”, Vì vậy người ta gọi ông Trương Tôn Bá là cư sĩ Ma ha.
   Một hôm, cư sĩ Ma ha cùng tắm với Ngài tại khe suối Trường Đinh, Ngài đưa lưng bảo ông kỳ giùm, ông thấy lưng Ngài có bốn con mắt rực rỡ chói lòa, lấy làm kinh dị vô cùng, ông liền vái Ngài mà nói: “Hòa Thượng đúng là một vị Phật sống”, Ngài bảo: “Ông chớ tiết lộ, Ta cùng ông ở đã bốn năm nay, vốn có nhân duyên rất lớn, rồi đây Ta sẽ phải đi, ông chớ buồn rầu”.
   Khi về nhà, Ngài hỏi cư sĩ Ma ha: “Ông có muốn giàu sang hay không?” Cư sĩ thưa: “Sự giàu sang như mây như chiêm bao, chẳng có gì là bền chắc cả. Tôi chỉ muốn cho con cháu sau này đời đời được thịnh vượng mà thôi”. Ngài bèn lấy cái túi vải bố, thọc tay vào lấy ra một cái túi nhỏ, một cái hộp, và một sợi dây, rồi đưa cho Cư sĩ mà nói: “Ta cho ông mấy vật này mà từ biệt, ông phải giữ cho kỹ làm biểu tín những việc con cháu về sau của nhà ông”.
   Quả nhiên sau này con cháu của cư sĩ Ma ha đều được vinh hoa phú qúy nhiều đời.
   Ngài đi đến một nơi khác, gặp ông Trấn Đình Trưởng, ông này thấy Ngài nói cười huyên thuyên, mà không lo sự gì cả, ông có ý coi khinh, mỗi lần gặp là buông lời châm chọc, rồi giật lấy túi của Ngài mang đi đốt bỏ; hễ đốt bữa trước rồi, qua ngày sau lại thấy Ngài mang cái túi vải y như cái túi cũ. Ông Trấn Đình Trưởng nổi giận lại giật lấy túi mà đem đốt như thế đến ba lần, cũng còn thấy Ngài mang cái túi vải bố đó hoài; từ đó về sau, ông Trấn Đình Trưởng thấy Ngài có gì khác lạ, nên đem lòng khâm phục mà không dám bất kính đối với Ngài nữa.
   Ngài nhập diệt vào ngày mồng ba tháng ba, niên hiệu Trịnh Minh, Ngài không bệnh tật gì cả, Ngài ngồi trên bàn đá gần nơi mái chùa Nhạc Lâm mà nhập diệt; Ông Trấn Đình Trưởng lo mua quan tẩm liệm thi thể Ngài, là cố ý chuộc tội lỗi của ông. Nhưng khi khiêng đi mai táng, người khiêng rất nhiều mà nâng lên không được; trong số những người ấy có người họ Đồng, có lòng tôn kính Ngài từ lâu và biết chuyện ông Trấn Đình Trưởng đã làm khi trước đối với Ngài, và việc linh hiển như thế. Ông bèn vội vã đi mua chiếc quan tài khác mà khấn liệm lại thi thể của Ngài qua; đến khi khiêng, cũng bấy nhiêu người, mà khiêng nhẹ nhàng, ai nấy đều kinh sợ sự hiển linh thần diệu của Ngài, bấy giờ tất cả mọi người đều cung kính hết mực.
   Tiếng đồn về Ngài vang xa, mọi người trong Huyện lập ra hội lớn, xây tháp cho Ngài ở núi Phong Sơn. Núi ấy toàn đá lởm chởm, có hang động, trong ấy để những di tích của Ngài như Tích trượng, Bình bát v.v… Thật là linh hiển vô cùng!.,.




__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List