Những bài học quý giá từ cuộc cách mạng của tuổi trẻ Serbia
Bryan Farrell & Eric Stoner - Trần Quốc Việt dịch
Hỏi: Tại sao quan trọng cuộc phản kháng Milosovic phải là bất bạo động?
Srdja Popovic: Sự tuân thủ bất bạo động là một trong những nguyên tắc thành công chính trong công cuộc đấu tranh bất bạo động. Một khi bạo động nổ ra, phong trào sẽ mất số lượng, mất đà và mất sự tin tưởng - gây tổn hại đến các mục tiêu chung. Rất quan trọng là những người Serbia, vốn bị coi là "bạo động" trong thập niên 1990, phải chứng tỏ cho mình và cho thế giới thấy chúng tôi thừa khả năng để thay đổi chính quyền một cách văn minh, qua các cuộc bầu cử và bảo vệ các kết quả bầu cử một cách ôn hòa.
Hơn nữa, nếu ta nhìn vào cuộc nghiên cứu rất hay của Freedom House được công bố trong năm 2005 có tên "Làm thế nào giành được tự do", cuộc nghiên cứu này phân tích những cuộc thay đổi chính trị trong vòng 35 năm của thế kỷ vừa qua - một số cuộc thay đổi chính trị bằng phương tiện bạo động, một số bằng phương tiện bất bạo động. Cuộc nghiên cứu chứng minh rõ ràng những cuộc thay đổi chính trị đạt được nhờ đấu tranh bất bạo động rất có thể sẽ bảo đảm nhân quyền, dân chủ và ổn định chính trị lâu dài.
Hỏi: Sự sáng tạo và hài hước quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh làm sụp đổ Slobodan Milosevic?
Srdja Popovic: Tuyệt đối quan trọng. Hài hước và châm biếm, nhãn hiệu của Otpor, đã có thể tạo ra thông điệp tích cực, hấp dẫn lượng khán giả lớn nhất có thể, làm cho các đối thủ của chúng tôi - những quan chức chán ngắt và cổ hủ ấy-trông ngu ngốc và lố bịch. Quan trọng nhất, nó phá tan sợ hãi và khích lệ xã hội Serbia vốn mệt mỏi, thất vọng, và thờ ơ vào cuối thập niên 1990.
Hỏi: Diện mạo và hình ảnh của phong trào quan trọng như thế nào để tránh được sự chỉ trích từ chế độ và các phương tiện truyền thông?
Srdja Popovic: Những kẻ định hướng dư luận nói "nhận thức là hiện thực", mà rõ ràng không sai lắm. Vì đã lường trước chuyện những người tuyên truyền cho chế độ sẽ cố mô tả Otpor là "những tên lính đánh thuê của Tây Phương", "những kẻ không yêu nước" và "bọn phản bội cánh hữu", ngay từ đầu trong quá trình đấu tranh chúng tôi đã có thể chuẩn bị cho sự vu cáo này. Chúng tôi dùng nắm đấm, một biểu tượng thiên tả từ thời cộng sản xa xưa của thế hệ ông bà chúng tôi, những khẩu hiệu yêu nước đúng đắn, những khuôn mặt trẻ trung trong sáng luôn luôn đi hàng đầu cho Otpor, vốn tương tự những gì MLK thực hiện trong các cuộc tuần hành ở Nashville. Chế độ đã tốn rất nhiều thời gian nhằm thuyết phục công chúng rằng chúng tôi thật ra còn xấu xa hơn cả bọn khủng bố thực sự, nhưng nhìn thấy những khuôn mặt trong sáng trẻ trung mặc áo phông Otpor đã làm cho sự vu cáo trông lố bịch và, cuối cùng, nó rõ ràng còn hại ngược lại chính họ.
Hỏi: Làm thế nào Otpor đã thu phục được cảnh sát và lực lượng an ninh? Sự thuyết phục đóng vai trò gì trong cuộc phản kháng dân sự?
Srdja Popovic: Điều cốt lõi cho các phong trào bất bạo động là phải kéo được mọi người ra khỏi các trụ cột quyền lực như cảnh sát và quân đội, thay vì đẩy họ đến các trụ cột ấy và thay vì tỏ ra đe dọa và hiếu chiến. Otpor học được bài học này từ các cuộc xuống đường của sinh viên vào năm 1966 và 1977, nhưng cũng học được từ Gandhi. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi đã hành xử một cách rất thân thiết như thể anh em với cảnh sát và quân đội, chúng tôi mang hoa và bánh ngọt đến tặng họ, thay vì la hét hay ném đá. Mô hình này đã thành công trên khắp thế giới tại những nơi như Georgia và Ukraine. Một khi ta hiểu rằng "cảnh sát chỉ là những người dưới bộ đồng phục cảnh sát" thì nhận thức của ta thay đổi và sự thuyết phục sẽ diễn ra.
Hỏi: Cấu trúc lãnh đạo của Otpor khác với các phong trào bất bạo động khác như thế nào?
Srdja Popovic: Đó là "lãnh đạo tập thể" với cấu trúc của cuộc vận động "chính trị /bầu cử" mà rất hiệu quả trong việc thực hiện các quyết định. Lãnh đạo cũng hoàn toàn phân cấp, tạo ra nhiều lớp lãnh đạo để nếu 10 đến 15 người lãnh đạo cao nhất bị bắt, thì guồng máy phong trào to lớn không vì thế mà ngừng hoạt động. Cấu trúc như thế cũng cho các thành viên trẻ và mới gia nhập có cơ hội để công khai bày tỏ ý kiến thẳng thắn với tư cách "các nhà lãnh đạo của Otpor".
Hỏi: Phải chăng việc NATO ném bom Serbia đã làm Milosevich suy yếu và dù sao cũng làm cho phong trào bất bạo động can đảm hơn?
Srdja Popovic: Tấn công một quốc gia từ bên ngoài luôn luôn khiến nhân dân tập hợp lại quanh lãnh đạo. Điều đó đã xảy ra khi NATO ném bom Serbia trong năm 1999, rõ ràng càng làm Milosevich mạnh thêm. Nếu ta nhìn số lượng người ủng hộ George W. Bush, ta sẽ thấy số lượng người ủng hộ ông tăng cao nhất ngay sau vụ 11 tháng 9. Cho nên bất kỳ ai trong chính quyền Mỹ nghĩ ném bom Serbia sẽ làm suy yếu Milosevich là hoàn toàn sai. Rốt cuộc ném bom chỉ làm tổn thương quốc gia và dân thường. Còn tệ hơn nữa, Milosevich lấy cớ ấy để tấn công và tiêu diệt bất kỳ nhóm đối lập nào còn sót lại trong tình trạng khẩn cấp (Lệnh thiết quân luật được ban ra trong lúc bom rơi!). Nhà báo và biên tập viên nổi tiếng Slavko Curuvija bị giết ngay trước nhà ông sau khi bị tố cáo công khai "hợp tác với những kẻ ném bom Serbia." Nhà chính trị đối lập Zoran Djindjic và phần lớn lãnh đạo Otpor bị mật vụ đe dọa đánh đập đã phải trốn ra khỏi nước. Bài học ở đây là "dân chủ không đến từ nắp xe tăng."
Hỏi: Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Otpor quan trọng như thế nào cho sự thành công của phong trào và anh có khuyên các tổ chức bất bạo động khác nhận tài trợ từ chính quyền Mỹ hay từ các cơ quan được chính quyền tài trợ?
Srdja Popovic: Vai trò của Phương Tây ở Balkans có mặt sáng và mặt tối, nên tôi nghĩ những vấn đề này nên được xét riêng rẽ. Đúng, Mỹ và Liên Âu đã giúp đối lập Serbia về tiền bạc và vật chất trong những năm cuối cùng của thập niên 90. Quan trọng nhất, họ giúp về các phương tiện truyền thông tự do và đào tạo những nhân viên giám sát bầu cử. Họ cũng cung cấp dầu để sưởi ấm cho các công dân ở các đô thị do đối lập quản lý. Nhưng cũng chính "những nhà dân chủ Tây Phương" này ủng hộ Milosevic vào trước hiệp ước hòa bình Dayton năm 1995 ở Bosnia và ban hành luật cấm vận kinh tế vào năm 1992, mà gần như tiêu diệt giai cấp trung lưu ở Serbia và cho phép Milosevic và đồng minh của y trong cảnh sát và tội phạm có tổ chức nắm chắc sự kiểm soát hơn nữa. Các nhà ngoại giao Phương Tây cố gắng quản lý đối lập Serbia một cách quá tỉ mỉ và chi tiết, từ đấy đưa đến sự phân tán. Do cách hành xử như thế, trong suốt nhiều năm trời cộng đồng quốc tế là một phần của vấn đề thay vì một phần của giải pháp. Phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để sửa chữa điều đó.
Mặt khác, ta không được đánh giá thấp vai trò của nỗ lực đấu tranh cho dân chủ của Mỹ trên khắp thế giới, với tư cách là siêu cường dân chủ hàng đầu. Bài học từ Serbia - như tổ chức của tôi, Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng (CANVAS), nhìn thấy- là ta cần cố gắng có được càng nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài. Nếu ta muốn có các cuộc cách mạng thành công, ta cần đưa những người nước ngoài, như các nhà ngoại giao và những người gọi là "các chuyên gia", ra khỏi cuộc đấu tranh của chúng ta và không để họ tham gia vào quá trình ra những quyết định quan trọng. Nhưng kiến thức và kỹ thuật có thể có lợi, điều này chúng tôi biết nhờ chia sẻ kiến thức cùng kinh nghiệm với nhiều nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới, trong đó có những người Georgia, Ukraine, Lebanon, và Maldives (kể tên những người đã thành công trong cuộc đấu tranh cho sự thay đổi), cũng như những người Zimbabwe, Miến Điện, Iran, và Venezuela (những người mà cuộc đấu tranh của họ ta vẫn còn thấy rõ trên khắp địa cầu). Mỗi lần chúng tôi nhận câu hỏi này lời khuyên của chúng tôi vẫn trước sau như một: chính quyền nước ngoài không có bạn, chỉ có quyền lợi. Vì vậy hãy cố gắng có nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài, nhận kiến thức và tiền bạc và vật chất từ những ai muốn giúp và dùng nó cho sứ mạng của phong trào của ta. Nhưng coi chừng những lời khuyên chính trị của họ vì những cuộc cách mạng thành công đều là những cuộc cách mạng hình thành từ trong nước, được thiết kế và được thực hiện theo đấy bởi những người địa phương trong nước nào đấy.
Hỏi: Sau cách mạng phong trào đã làm gì để chính quyền mới chịu trách nhiệm?
Srdja Popovic: Otpor có một vai trò "người theo dõi" rất quan trọng sau cách mạng. Nó phát động hai chiến dịch quan trọng (Tháng Mười Một năm 2000 và mùa hè 2001) buộc chính quyền mới chịu trách nhiệm, đòi hỏi những cải cách dân chủ và bài trừ tham nhũng. Ít được biết đến là vai trò của phong trào rộng lớn nhằm chuẩn bị dư luận cho việc bắt giam cựu tổng thống Milosevic và giải giao y cho Tòa án Hague. Tên của chiến dịch, khởi động từ tháng Ba và đầu tháng Tư trước khi ông ta bị bắt giam, là "HẮN CÓ TỘI!" Đây là thời điểm rất quan trọng vì thủ tướng Serbia mới can đảm Zoran Djindjic vào lúc đó hầu như đơn độc trong nhiệm vụ cần thiết nhưng rất "mất lòng dân" này. Tất cả những điều này chứng minh rằng tự thân một cuộc cách mạng dân chủ hóa thật sự vẫn không đủ. Tiếp theo sau đó ta cần xây dựng khả năng và củng cố các thể chế dân chủ để đạt đến một xã hội dân chủ. Serbia may mắn đã đạt đến xã hội dân chủ, và đôi khi tôi nghĩ các quốc gia khác như Georgia thật sự đang thiếu phần nào sự ủng hộ "hậu chấn thương" từ các phong trào bất bạo động chính của họ và từ các nước dân chủ trên thế giới.
Hỏi: Ý nghĩa của Otpor hiện nay trên thế giới là gì và anh thấy nó tồn tại như thế nào trên thế giới ngày nay?
Srdja Popovic: Otpor và cuộc cách mạng bất bạo động đã thật sự trở thành hàng hiệu có thể nhận ra trên khắp thế giới. Ta có thể thấy những trường hợp thành công của các phong trào tương tự ở Georgia (2003), Ukraine (2004), Lebanon (2006) và xa tận Maldives (2008). Ta sẽ thấy vẫn các biểu tượng và sự giống nhau về hình ảnh ở Ai Cập và Kenya. Ta sẽ thấy các nhà sư Phật giáo đi đầu trong cuộc Cách mạng màu Vàng Nghệ (Saffron Revolution) được khích lệ từ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài. Ta sẽ thấy những phong trào dựa trên chiến lược tương tự ở Vennezuela và Việt Nam. Ta sẽ thấy sách và phim được phân phát rộng rãi ở Cuba và Iran. Có vẻ như tư tưởng và mô hình "cách mạng bất bạo động" đã khích lệ nhiều người và trong số họ có một số đã thực hiện thành công những chiến thuật thông minh và sáng tạo một phần nhờ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài, và những bộ sách bao gồm "Cuộc đấu tranh bất bạo động: 50 điểm cốt yếu", và phần rất lớn nhờ vào lòng can đảm và quan tâm của các nhà hoạt động dân chủ địa phương trên toàn thế giới. Điều đó làm cho chúng tôi tự hào vì chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng mỗi người nam hay nữ trên thế giới này đều có đầy đủ quyền mà cũng có bổn phận ủng hộ nhân quyền và dân chủ.
Srdja Popovic
Nguồn: tạp chí Wagingnonviolence 5/10/2010. Tựa đề của người dịch
http://wagingnonviolence.org/2010/10/bringing-down-serbias-dictator-10-years-later-a-conversation-withnonviolence-movement-leader-srdja-popovic./
Trần Quốc Việt
No comments:
Post a Comment