Da dao Cong San Viet Nam
Da dao Ho Chi Minh và tay sai
Sự Thực Về Cái Gọi Là "Đại Thắng Mùa Xuân" Phần 1
CVA Trần Bá Hợi
Tháng 7 năm 1976, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đúc kết những câu chuyện của tướng cộng sản Văn Tiến Dũng đã kể trên báo Nhân Dân và phát hành cuốn Đại Thắng Mùa Xuân. Khởi đầu, lời nhà xuất bản đã sặc mùi tuyên truyền rẻ tiền như sau: "Cuốn Đại Thắng Mùa Xuân xuất bản góp phần giúp chúng ta hiểu rõ sự chỉ đạo đứng đắn, sáng suốt, kiên quyết, nhạy bén của Bộ Chính Trị Trung ương Đảng và Quân Uỷ Trung Ương, đường lối và nghệ thuật quân sự xuất sắc của Đảng ta, đồng thời góp phần cổ vũ quân và dân ta phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao lòng tự hào, tin tưởng, tiến lên giành nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước."
Và ngay trong lời nói đầu, tướng Dũng đã bịa đặt huênh hoang: "Một năm đã qua kể từ ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam."
Đoạn áp kết tướng Dũng tiếp tục xuyên tạc sự thực: "Cuốn sách này còn nhằm kịp thời bác bỏ những luận điểm sai trái, phản động do những kẻ xuyên tạc lịch sử, những bọn cướp nước và bán nước thua trận đang dựng lên hòng bào chữa cho thất bại thảm hại của chúng và hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta."
Khi phát hành cuốn sách đầy luận điệu tuyên truyền vô giá trị nêu trên 31 năm về trước, có lẽ nhà xuất bản, tướng Dũng và đảng cộng sản Bắc Việt nghĩ rằng những sự thực về cuộc chiến quốc cộng từ 1954 đến 1975 sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi theo thời gian. Do đó, họ nghĩ rằng họ có thể xuyên tạc sự thực để bóp méo lịch sử. Đảng cộng sản tại Hà Nội lại càng muốn che dấu sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Ba Lê và man rợ tấn công Việt Nam Cộng Hòa sau khi đã ký kết Hiệp Định tại Ba Lê ngày 27 tháng 1 năm 1973. Họ cố gắng lừa bịp hậu thế hầu trốn tránh tội lỗi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa bằng chiêu bài chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, Việt Nam đã lâm vào tình trạng nghèo đói khủng khiếp. Kinh tế bế tắc trầm trọng đến độ chủ nghĩa Mác Lê và đỉnh cao trí tuệ của đảng cộng sản Bắc Việt không cứu vãn nổi. Người Việt quốc gia di tản ra hải ngoại để tránh nạn cộng sản đã phải gửi tiền và phẩm vật về để cưu mang thân nhân và bằng hữu còn kẹt lại. Dân chúng từ Nam ra Bắc đã thấy rõ Hoa Kỳ không hề xâm lăng Việt Nam để áp đặt chế độ thực dân như đảng tuyên truyền. Và toàn dân đều mong muốn Hoa Kỳ trở lại Việt Nam để đời sống được dễ thở hơn. Nếu không có nguồn tài trợ của người Việt quốc gia hải ngoại và nếu Hoa Kỳ không bãi bỏ cấm vận năm 1994 mở đường cho nhiều nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác vào Việt Nam, chắc chắn chế độ cộng sản không tránh khỏi nạn nghèo đói thảm khốc. Chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước" trước đây của đảng đã lộ nguyên hình là mánh khoé tuyên truyền bịp bợm. Vì đảng và toàn dân hai miền Nam Bắc đã và đang Van Xin Mỹ Trở Lại Để Cứu Nước.
Khi viết những dòng này, một vài chiến hữu cũa tôi đề nghị nên bỏ qua chuyện cũ. Với tinh thần dân tộc cực đoan, họ muốn cứ để nhập nhằng như vậy rồi sau này lịch sử sẽ ghi rằng Việt Nam đã đánh bại quân Pháp và đập tan đế quốc Mỹ cho rạng danh dân Việt. Tôi tôn trọng ý kiến của vài bạn đó, nhưng không thể toa rập với nhóm người lãnh đạo cộng sản Bắc Việt để bóp méo lịch sử. Là người Viêt, tôi rất tự hào về quá trình chống ngoại xâm của tiền nhân. Tôi thường hãnh diện kể lại cho các bạn Hoa Kỳ đồng sở về những chiến công hiển hách của tổ tiên nhiều lần đại thắng đám xâm lăng hung hãn từ phương Bắc. Những Thành Cát Tư Hãn, Thoát Hoan, Hốt Tất Liệt và nhiều nữa đã bao phen đại bại trước những danh tướng Việt. Tôi hãnh diện vì tổ tiên tôi đã chiến đấu chống ngoại xâm thực sự và chiến đấu với lòng ái quốc chân chính cùng với chiến thuật, chiến lược vàphương tiện độc lập . Nhưng tôi không hãnh diện với nhóm lãnh đạo cộng sản Bắc Việt hay xuyên tạc và gian dối!!! Một sự thực lịch sử khó chối bỏ là nếu không có cuộc Nhật đảo chánh Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Minh không thể trục được Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng nhóm lãnh đạo Việt Minh đã mạo nhận như chính họ đã giành lại độc lập cho quốc gia. Về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 họ đã lừa bịp quần chúng như chính họ đã đơn phương chiến thắng quân Pháp. Sự thực Việt Minh được Trung Cộng cố vấn và viện trợ tối đa nhưng họ đã cố tình che dấu. Với sự cố vấn của hai tướng Trung Cộng Wei Guo-qing và Li Cheng-hu, Võ Nguyên Giáp phát động chiến thuật biển người tấn công Điện Biên Phủ. Nhưng chỉ trong ba ngày đầu, từ 13 đến 16 tháng 3, tướng Giáp đã nướng 9000 quân trong đó có 2000 tử vong (1). Kể cả cái gọi là Đại Thắng Mùa Xuân mà tướng Dũng huyênh hoang cũng không đáng được coi là một chiến thắng vẻ vang. Đó thực ra chỉ là một kết quả tất nhiên khi Hoa Kỳ, đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, thay đổi chính sách đối ngoại. Để tái lập bang giao với Trung Cộng hầu khai thác thị trường to lớn trong lục địa, ngoài việc không muốn tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt, Hoa Kỳ còn rút quân và bỏ ngỏ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó Hoa Kỳ cắt quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa trong khi cộng sản Bắc Việt được Nga và Tầu Cộng tiếp tục yểm trợ tối đa để cưỡng chiếm miền Nam. Trong hoàn cảnh thiếu thốn tận cùng về vũ khí và nhiên liệu, không riêng gì Việt Nam Cộng Hòa mà bất cứ quân lực của một quốc gia nào vào hoàn cảnh tương tự cũng phải chịu bó tay. Tương quan hỏa lực và phương tiện giữa hai phe lâm chiến quá chênh lệch.
Một thực tế đau lòng không phủ nhận được là Việt Nam Cộng Hòa chịu nhiều thiệt thòi từ khi Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Nam Việt Nam. Về chính nghĩa, Hoa Kỳ tạo cơ hội cho Cộng sản Bắc Việt dùng chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước" để lừa dối dân chúng miền Bắc. Về tâm lý, dân chúng Hoa Kỳ bị xúc động mạnh vì sự tổn thất nặng về nhân mạng. Về quân sự, kinh phí nuôi dưỡng hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thật quá cao (2). Thêm nữa, sự hiện diện của Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại miền Nam đã khiến Việt Nam Cộng Hòa gần như bị tước đoạt đi sự độc lập về quyết định chiến thuật, chiến lược của cuộc chiến. Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ được đơn phương hành quân trên không hoặc dưới bộ ra miền Bắc. Sau vụ đụng độ giữa Hoa Kỳ và cộng sản tại Vịnh Bắc Việt ngày 2 tháng 8 năm 1964, Hoa Kỳ quyết định oanh tạc miền Bắc để trả đũa nhưng rất giới hạn. Sau đó, tới ngày 8 tháng 2 năm 1965 Không Lực Việt Nam Cộng Hòa mới được tham dự chiến dịch oanh tạc miền Bắc lần đầu tiên nhưng rất hạn chế. Không Lực Việt Nam Cộng Hòa không được quyền chọn lựa mục tiêu để oanh tạc và không được vượt quá vĩ tuyến 19 đã định bởi Hoa Kỳ. Chính Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cùng Không Lực và Hải Quân cũng không được toàn quyền quyết định. Tất cả mục tiêu quan trọng dù mới hay cũ đều phải do chính Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson chấp thuận mới được oanh kích (3). Người viết đã thi hành nhiều phi vụ oanh kích ngày và đêm trên lãnh thổ Bắc Việt nhưng chưa bao giờ được phép bay qua vĩ tuyến 19. Sau đó ít lâu, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không được phép oanh kích trên miền Bắc. Đã không có thực quyền lãnh đạo cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa còn bị ảnh hưởng tai hại bởi đám báo chí thiên tả và nội tình chính trị rối loạn của đồng minh Hoa Kỳ. Thiển nghĩ, nếu Hoa Kỳ chỉ cần trang bị hiện đại cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tăng quân số lên mức cần thiết và chỉ đóng vai trò cố vấn khách quan, kết quả cuộc chiến có thể đã khác biệt rất nhiều.
Trong khoảng hơn một thập niên vừa qua, rất nhiều tài liệu tối mật của Hoa Kỳ liên hệ tới cuộc chiến đã được giải mật. Một trong số những tài liệu vô cùng quan trọng liên hệ tới vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa là biên bản buổi họp ngày 20 tháng 6 năm 1972 tại Bắc kinh (4). Trong buổi họp này, Tiến Sĩ Henry Kissinger, Phụ Tá An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon, và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai đã thảo luận nhiều vấn đề thế giới và đặc biệt là giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Tài liệu gồm 37 trang dưới đây cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới. Từ trang 1 đến trang 26, Hoa Kỳ và Trung Cộng bàn thảo về tương quan giữa các quốc gia cùng an ninh toàn cầu. Đặc biệt từ trang 27 đến trang chót, Kissinger và Chu Ân Lai bàn luận kế hoạch giải quyết vấn đề Đông Dương. Khai thác sự rạn nứt Trung - Nga năm 1969, Hoa Kỳ muốn tái lập bang giao với Trung Cộng. Bang giao với Trung Cộng sẽ giúp Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, lấy lại hết tù binh, giải quyết những bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ và còn được khai thác thị trường to lớn trong lục địa. Để tái thiết ngoại giao với Trung Hoa, Kissinger đã nói với Thủ Tướng họ Chu: "Nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Đông Dương". Ngoài ra Kissinger cũng gián tiếp cam kết với Chu Ân Lai Hoa Kỳ không có ý định tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt. Hiển nhiên đây là ngôn ngữ của kẻ mạnh. Và cũng là một phản bác hùng hồn lột trần những luận điệu trơ trẽn, lộng ngôn và khoác lác của nhóm lãnh đạo cộng sản Bắc Việt cố tình thổi phồng một chiến thắng đã được Hoa Kỳ dàn xếp và bố thí. Ngoài ra tôi lại có dịp về thăm Hà Nội vào mùa hè năm 1999 sau 45 năm xa cách. Trong thời gian này tôi có dịp gặp vài sĩ quan cao cấp của quân đội nhân dân đã về hưu, và một số cư dân Hà Nội ở tuổi trên dưới 60. Trong số những sĩ quan này có người đã từng tham chiến trong trận Điện Biên Phủ. Sau khi có dịp tham quan Sàigòn họ đều tỏ ra rất ngạc nhiên vì miền Nam thịnh vượng quá. Theo nhận xét của họ, miền Nam đã đi trước miền Bắc cả mấy chục năm, đâu có nghèo đói và lạc hậu như đảng tuyên truyền. Đa số cư dân Hà Nội cho biết là vào mùa Giáng Sinh năm 1972, nếu Hoa Kỳ tiếp tục oanh tạc miền Bắc thêm vài ngày nữa, Hà Nội sẽ phải chấp nhận bất cứ điều kiện nào Hoa Kỳ đưa ra.
Là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tôi đang nghỉ hưu sau 28 năm bận rộn để tái tạo cuộc sống tại Hoa Kỳ. Ở tuổi 72, tôi dành thời giờ còn lại để tìm hiểu thêm về cuộc chiến quốc cộng năm xưa. Hàng triệu chiến hữu của tôi, và riêng cá nhân tôi đã dâng hiến 22 năm đẹp nhất của đời, để bảo vệ một lý tưởng: bảo vệ tự do và dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt chiều dài cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng đập tan nhiều cuộc tổng tấn công qui mô của tập đoàn cộng sản khát máu Bắc Việt. Nhưng tiếc thay, vào những ngày tháng chót, chính trị quốc tế đã lấn áp sự hy sinh của chúng tôi khiến chúng tôi không đạt được mục đích. Hơn ba thập niên đã qua, tôi đã quên hận thù những cán binh cộng sản. Nghĩ cho cùng, đại đa số họ chỉ là những nạn nhân của một chế độ toàn trị, khắc nghiệt và tàn ác. Thêm nữa, là quân nhân họ bắt buộc phải thi hành quân lệnh. Tôi không oán trách Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế của 300 triệu công dân Hoa Kỳ. Tôi cũng không đổ lỗi cho Kissinger vì ông này chỉ là kẻ thừa hành một chính sách được giao phó. Nhưng tôi oán hận những người lãnh đạo cộng sản Bắc Việt. Vì chính họ đã đưa quê hương vào vòng binh lửa khiến cả triệu đồng bào hai miền Nam Bắc phải vong thân. Trên lý thuyết và thực tế, Bắc Việt đã hoàn toàn độc lập sau Hiệp Định Geneva ký năm 1954. Tại miền Nam, do lời yêu cầu của Việt Nam Cộng Hòa, toàn bộ quân đội Pháp triệt thoái ra khỏi miền Nam ngày 28 tháng 4 năm 1956. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Việt Minh đã dùng khẩu hiệu Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc để khích động tinh thần ái quốc của toàn dân. Và toàn dân không phân biệt già trẻ, trai gái, giầu nghèo, đã hăng say hy sinh cho đại nghĩa. Vì vậy, khi Việt Nam đã dành được độc lập, dù với hai thể chế chính trị khác nhau, Hồ Chí Minh nên chú trọng đến việc thực hiện hai phần còn lại là Tự Do và Hạnh Phúc cho toàn dân miền Bắc mới đúng. Ngược lại, Hồ Chí Minh và đồng bọn chỉ luôn luôn mưu toan thôn tính Việt Nam Cộng Hòa trong khi Việt Nam Cộng Hòa đang sống trong Tự Do và Hạnh Phúc yên lành. Nếu Hồ Chí Minh là người thực sự yêu nước thương dân và dồn tất cả nỗ lực cùng tâm huyết vào việc tái thiết miền Bắc, chắc chắn cả hai miền Nam Bắc đã rất phú cường! Tôi hiểu rằng thời gian đã trễ để nhắc lại chuyện xưa, tuy nhiên tôi nghĩ rằng không bao giờ trễ để hiệu chính dữ kiện đứng đắn hầu bảo tồn sự chính xác của lịch sử.
Vì tài liệu quá dài, tôi chỉ chuyển ngữ 10 trang quan trọng liên hệ tới Việt Nam (từ 27 đến 37) để quí độc giả theo rõi cuộc thảo luận giữa Kissinger và Chu Ân Lai. Đọc xong tài liệu này chúng ta đều thấy rõ ràng hơn, tướng Dũng đã gian dối không nói đúng sự thực. Cuộc "chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ" hoàn toàn không có như lời tướng Dũng. Thêm nữa, "Cái gọi là Đại Thắng Mùa Xuân" mà tướng Dũng khoe khoang, sự thực, chỉ là một sự bố thí của Hoa Kỳ sau khi thỏa thuận với Trung Cộng để Hoa Kỳ đạt những mục đích chính trị và kinh tế to lớn hơn. Tướng Dũng và nhà xuất bản quân đội nhân dân mới đích thực là những kẻ xuyên tạc lịch sử. Nếu quí độc giả muốn đọc nguyên bản Anh Ngữ, quí vị có thể vào một trong hai trang mạng dưới đây:
1 - www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB193/HAK%206-20-72.pdf
2 - Bản Ghi Nhớ Tòa Bạch Ốc Hoa Thịnh Đốn Tối Mật / Nhậy Chỉ Để Xem Mà Thôi
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại
Những Nhân Vật Tham Dự: Thủ Tướng Chu Ân; Lai Ch'iao Kuan-hua Phó Tổng Trưởng Ngoại Giao; Chang Wen-Chin, Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao; Tang Wen-sheng, Chao-chu, Thông Dịch Viên Hai nhân viên ghi chú biên bản, Tiến Sĩ Henry A. Kissinger, Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia; Winston Lord, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia; John D. Negroponte, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Ngày và Giờ: Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 năm1972, 2:05 - 6:05 chiều
Dưới đây là cuộc đàm thoại, thương lượng và trả giá giữa Henry A. Kissinger Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai về tương lai VNCH.
Từ trang 27
Tiến Sĩ Kissinger: Đó không phải là ý định của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định thành lập một chế độ công quản - - nó đòi hỏi một hoàn cảnh khác thường để chúng tôi thực hiện điều này. Không phải là ý đồ của chúng tôi để tạo ra một chế độ công quản. Chúng tôi thực có ý định tạo dựng một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng, dù về chính trị hay là thực thể vật chất. Điều khiến chúng tôi quan ngại nhất là khi cường quốc khai thác những xung đột địa phương cho mục đích riêng của họ.
Thủ Tướng Chu: Trong những phản đối của Nga Sô về bản thông cáo giữa chúng tôi với quí quốc hình như họ đặc biệt bày tỏ sự phản đối về nguyên tắc chung: "Không bên nào nên làm bá chủ." Họ có nghĩ là điều đó nhắm vào họ không?
Tiến Sĩ Kissinger: Họ không nói, nhưng hình như họ nghĩ rằng điều đó có thể nhắm vào họ. Chúng tôi cho rằng nó nhắm vào những quốc gia muốn tạo chế độ công quản. Tôi có một thắc mắc lý thú từ Ấn Độ - không biết Thủ Tướng có nghĩ vậy không. Họ nói rằng khi Á Châu - Thái Bình Dương không bao gồm Ấ Độ, vậy những gì chúng tôi nói tức là chúng tôi thỏa thuận để Trung Hoa công quản Ấn Độ (cười). Nên tôi nói với họ là không đúng. Tôi mong Thủ Tướng không phật ý.
Thủ Tướng Chu: Ấn Độ là một quốc gia hết sức mập mờ. Đó là một quốc gia rất to lớn. Nhiều khi họ làm ra vẻ một quốc gia lớn, nhưng nhiều khi họ có mặc cảm tự ti.
Tiến Sĩ Kissinger: Họ bị khống chế bởi ngoại bang qua gần hết lịch sử của họ.
Thủ Tướng Chu: Vâng, đó có thể là một trong những nhân tố lịch sử. Và một nhân tố nữa là quá nhiều cạnh tranh vĩ đại trên thế giới. Bây giờ chúng ta sang tới vấn đề Đông Dương - - Tôi muốn nghe ông trình bày.
Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng có nói ông có vài nhận định muốn nói với tôi. Có lẽ chúng ta nên đổi vị trí để Thủ Tướng phát biểu trước.
Thủ Tướng Chu: Có những vấn đề cần tranh luận, và chúng tôi muốn nghe ông trước để biết giải pháp của ông cho vấn đề.
Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng muốn gợi ý là sau khi nghe tôi trình bày tôi sẽ thuyết phục được khiến mọi tranh luận sẽ biến mất, và sẽ không còn điều gì thêm để Thủ Tướng phải nhận định?
Thủ Tướng Chu: Tôi không có những dự tính đó, nhưng tôi thực sự mong sẽ giảm thiểu được những tranh luận.
Tiến Sĩ Kissinger: Tôi sẽ trình bày sự thẩm định thật vô tư của chúng tôi. Tôi biết không hợp với ý Thủ Tướng, nhưng tôi nghĩ dù sao nó cũng ích lợi để Thủ Tướng hiểu quan điểm của chúng tôi về hiện tình. Và tôi sẽ trình bày tình hình từ khi Bắc Việt bắt đầu vụ tấn công ngày 30 tháng 3.
Tôi tin rằng tôi đã giải thích vói Thủ Tướng những mục tiêu tổng quát của chúng tôi ở Đông Dương. Hiển nhiên không phải mục tiêu của chính phủ này là sẽ duy trì vĩnh viễn những căn cứ tại Đông Dương hoặc tiếp tục chính sách khởi xướng bởi vị tổng trưởng ngoại giao đã từ chối bắt tay Thủ Tướng. Không phải như vậy? chúng ta đang ở một giai đoạn lịch sử khác. Chúng tôi tin rằng tương lai quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh quan trọng vô biên cho tương lai của Á Châu hơn là những gì xảy ra tại Phnom Penh, tại Hà Nội hoặc ở Sài gòn. Chắc Thủ Tướng còn nhớ khi Tổng Thống Johnson đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam ông biện minh rằng vì một phần những gì xảy ra tại Đông Dương đã được kế hoạch tại Bắc Kinh và là một phần của âm mưu thôn tính toàn cầu. Dean Rusk đã diễn đạt như vậy trong một bản tuyên bố. Rồi quí quốc tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa và không, với những gì tôi đọc, nhấn mạnh đến phiêu lưu ra ngoại bang.
Với thực tế chúng ta đang ngồi họp trong phòng này đủ thay đổi nền tảng mục đích của cuộc can thiệp đầu tiên tại Đông Dương. Là người thừa hưởng cuộc chiến vấn đề của chúng tôi là tìm cách thanh toán nó với một phương thức không ảnh hưởng đến uy tín toàn cầu của chúng tôi và - - đây không phải là mối quan tâm chính của Thủ Tướng - - để ổn định nội bộ tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi đã chân thành cố gắng để chấm dứt chiến tranh, và Thủ Tướng có thể biết hoặc không biết, tôi đã đích thân khởi xướng thương lượng với Bắc Việt năm 1967 khi tôi còn ở ngoại biên của chính quyền khi không được quần chúng ưa thích, vì tôi tin rằng phải có một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến. Rồi từ khi chúng tôi nắm chính quyền chúng tôi đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến. Và chúng tôi hiểu, như tôi đã thưa với Thủ Tướng trước đây là, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nhân tố vĩnh viễn trên bán đảo Đông Dương và có thể là một thực thể mạnh nhất. Và chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ. Sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi sẽ triệt thoái xa 12 ngàn dậm. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn chỉ cách Sài gòn 300 dậm. Đó là một thực tế mà họ có vẻ không hiểu.
Thủ Tướng Chu: Điều mà họ quan tâm tới là vụ gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh của quí quốc.
Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng họ có một sự thiếu tự tin kỳ lạ. Chúng tôi đã cố gắng làm gì? Chúng ta hãy quên "họ là bậc thầy về phân tích những điểm khác nhau nhưng quên những khái niệm toàn bộ". Chúng tôi đã cố gắng tách rời hậu quả quân sự ra khỏi hậu quả chính trị để rút ra khỏi vùng và để những thế lực địa phương tự xếp đặt tương lai của họ. Thật rất kỳ lạ, phía Bắc Việt đã cố níu chúng tôi ở lại để chúng tôi giải quyết vấn đề chính trị cho họ. Thí dụ như ngày 30 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị là chúng tôi sẽ triệt thoái tất cả lực lượng nếu có sự ngưng bắn và hoàn trả các tù binh. Đúng là ngày 31, không phải 30. Phía Bắc Việt sẽ ở đâu ngày hôm nay nếu họ đã chấp thuận dề nghị này. Tại sao? Vì họ muốn chúng tôi lật đổ chính quyền và đặt để chính quyền của họ vào. Chúng tôi không thương lượng. Tôi cố gắng giải thích điều chúng tôi suy nghĩ. Hậu quả thực tế của những đề nghị của chúng tôi vẫn là để chúng tôi triệt thoái. Hậu quả thực tế của những đề nghị của họ là giữ chúng tôi ở lại.
Họ có hỏi chúng tôi "có một đòi hỏi họ đưa ra mà chúng tôi đã không đáp ứng, không thể đáp ứng và sẽ không đáp ứng, dù phải trả với giá nào với những quan hệ khác", và đó là chúng tôi lật đổ những nhân vật chúng tôi vẫn thường giao thiệp và cũng là những người tin tưởng ở chúng tôi, đã có một hành động nào đó. Đây không phải là sự ưa thích cá nhân của một nhân vật nào đó đối với những nhân vật liên hệ. Không phải vì chúng tôi muốn có một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn. Tại sao chúng tôi lại muốn một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn khi chúng tôi có thể sống với những chính quyền không thân Mỹ tại các quốc gia to lớn hơn nhiều ở Á Châu? Vì rằng một quốc gia không thể bị đòi hỏi để ràng buộc vào một hành động phản bội to lớn và coi đó như một nền tảng cũa chính sách đối ngoại.
Thủ Tướng Chu: Ông nói triệt thoái những lực lượng. Ông muốn nói triệt thoái toàn bộ Lục quân, Hải quân, Không quân, các căn cứ và tất cả?
Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái khi tôi ở đây, Thủ Tướng đã hỏi tôi điều này. Tôi đã trình Thủ Tướng chúng tôi muốn lưu lai một số cố vấn. Rồi Thủ Tướng có nói một câu rất hay về hậu quả của cái mà Thủ Tướng gọi là "để cái đuôi ở lại." Phần lớn do lời nói đó, chúng tôi, trong vòng một tháng, đã thay đổi đề nghị của chúng tôi nên bây giờ bao gồm luôn việc triệt thoái toàn bộ cố vấn trong những loại Thủ Tướng nêu lên bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị triệt thoái tất cả lực lượng.
. . . . . .
No comments:
Post a Comment