24/11/12 |
Có thiệt các Ông sợ
… ?
Có những câu hỏi phức tạp, rườm rà hoặc gay cấn nhưng đều được trả lời gọn gàng, ý nghĩa trọn vẹn. Người đặt câu hỏi được thỏa mãn. Nhưng có những câu hỏi rất đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng mà lại khó trả lời hoặc trả lời không rõ ràng, không thẳng thắn, không đầy đủ ý nghĩa và người hỏi tự nhiên không thấy thỏa mãn. Như khi hỏi “Có thiệt các Ông sợ các Bà hay không?”. Có người nào đặt câu hỏi đó đã nhận được câu trả lời vừa ý chưa? Các ông có khi nào tự đặt cho chính mình câu hỏi đó và đã trả lời rõ ràng chưa? Mà tại sao đàn ông lại sợ vợ? Sợ bị vợ cho ăn đòn? Hay vì sống hoàn toàn phụ thuộc vào vợ?
Phải nói câu hỏi này thật khó trả lời cho đúng.
Ở thời đại internet mà người ta vẫn chưa giải thích dứt khoát có ma hay không? Và tại sao người ta sợ ma? Chẳng lẻ các ông sợ vợ cũng giống như người ta sợ ma?
Bị vợ bạo hành
Vấn đề người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình ở Âu châu hãy còn nặng nề và thường xuyên. Nhiều tổ chức phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền hoạt động tích cực để bênh vực người phụ nữ. Trong Chánh phủ có Bộ đặc trách về phụ nữ. Về mặt xã hội chánh trị, người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Luật pháp ban hành để nâng địa vị người phụ nữ ngang hàng với nam giới, xóa bỏ sự chênh lệch nam / nữ về mặt đối xử. Khi nói các “ông sợ vợ vì bị vợ bạo hành”, phải chăng là một nghịch lý? Vì hiện nay ở các nước văn minh như Huê kỳ, người ta điều tra thấy cứ mỗi năm phút có một phụ nữ bị bạo hành.
Vậy khi các ông bị vợ bạo hành là bị vợ đánh đập u đầu, sứt trán, bể môi, dập mũi?
Bạo hành cách này cũng có xảy ra ở đây đó. Có khi trường hợp bạo hành còn gia trọng hơn như ở Huê kỳ trong gần đây, báo chí đăng tin ở California có một ông chồng mỹ bị bà vợ Catherine Kiều thiến của quí, cho vào máy xay nhuyễn rồi đem đổ vào bồn cầu, giựt nước cho thoát đi mất. Ở Sài Gòn, một bác sĩ của Phòng cứu thương loại này một năm khâu vá lại cho ít nhứt mười ông nạn nhân. Thật kinh hoàng!
Nhưng còn một cách bạo hành khác cũng rùng rợn không kém. Đó là khủng bố tâm lý. Giống như vc bạo hành những người của Chánh phủ Sài gòn trong trại tập trung cải tạo sau 30 / 04 / 75. Cỏ May trích dẫn một đoạn thông tin về trường hợp một người đàn ông trẻ bị vợ bạo hành để thấy tâm trạng của nạn nhân:
“Đối với một người đàn ông tuổi ba mươi, tôi có tất cả: gia đình, sự nghiệp. Vậy mà mỗi khi nằm xuống, tôi chỉ ước mơ ngủ mà không phải dậy nữa. Bác sĩ bảo tôi bị trầm cảm, rối loạn thần kinh. Tất cả đều do nhu nhược, tôi là một con gà công nghiệp.
Thiên hạ họ nói tôi như thế.
Đời là bể khổ, Phật đã dạy như thế, nhưng ai nói tôi khổ. Tôi được bố mẹ nuôi ăn học đàng hoàng, ra trường làm việc ở thành phố, cưới vợ, làm nhà cho, giao chìa khóa ở riêng. Vậy mà mỗi khi nằm xuống, tôi chỉ ước ngủ mà không phải dậy nữa.
… Mỗi lần đi làm xong là tôi chẳng muốn về nhà. Nhà to, đẹp mà với tôi nó như một địa ngục.”
Trước kia mọi người vẫn quan niệm rằng cứ đánh nhau gây thương tích mới là bạo hành, và chỉ có người phụ nữ mới là nạn nhân. Nhưng thực ra các ông cũng có thể bị các bà bạo hành nhưng không phải bằng bạo lực, mà đó có thể là sự kiểm soát kinh tế, cấm vận mối quan hệ ái ân vợ chồng, khủng bố tinh thần…
Nguyên nhân có thể do người vợ có xu hướng thích tấn công người khác, nhưng người chồng lại không phản ứng gì hoặc phản ứng yếu ớt thì đó là môi trường thuận lợi phát triển xu hướng bạo hành .
Ngoài ra khi trong gia đình phụ nữ là người có quyền lực hơn, làm ra nhiều tiền hơn, thì lẽ dĩ nhiên họ càng muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bằng việc lấn át chồng. Đó thường là những phụ nữ có cá tính mạnh mẽ.
Bạo hành bằng bạo lực thật ra không ghê gớm bằng bạo hành bằng khủng bố tâm lý đối phương. Cỏ May mời bạn đọc thêm một đối thoại ngắn giữa cặp vợ chồng để thấy tội nghiệp cho người bị bà vợ âu yếm thỏ thẻ bên tai:
“Anh, anh thấy cái Phương xinh không?
- À, nhìn cũng xinh xắn đấy.
- Hả, anh muốn chết à, mà khen nó xinh trước mặt tôi. Có tình ý với nó thì đi yêu nó luôn đi.
- Anh, anh thấy cái Phương xinh không ?
- Không, anh thấy bình thường.
- Ðừng có mà dối lòng, nó xinh như thế mà chê à ? Sao không dám thừa nhận? Anh thích nó hả?
- Anh, anh thấy cái Phương xinh không?
- À, nhìn cũng xinh xắn đấy nhưng với anh thì em là người tuyệt vời nhất.
- Ủa, tại sao hôm nay tự dưng nịnh tôi ? Anh vừa làm chuyện gì mờ ám nên giấu tôi, phải không? Nói ra mau
- Anh, anh thấy cái Phương xinh không?
- …
Anh, anh thấy cái Phương xinh không
- …
– Ô sao không trả lời? Trả lời mau lên. Không thì chết dưói tay tôi bây giờ!”
(Trên Internet)
Nhờ phèn nước mới nên trong
Không riêng gì các ông là dân bình thường sợ vợ, mà ngay cả quan đại thần ngày xưa cũng răm rắp tuân theo ý vợ. Phải chăng vì vua là Thiên tử, con Trời. Mà ” Nhứt vợ nhì Trời “nên quan, dân, cả vua cũng phải sợ? Cỏ May mời bạn đọc qua một đoạn truyện xưa để thấy sợ vợ là nên việc nước:
“Thời Xuân Thu, nước Sở có Tôn Thúc Ngao là một nhà chính trị lỗi lạc, đã đưa ra những kế sách ích quốc lợi dân, khiến người người cảm phục. Một hôm, vua Sở cho gọi Thúc Ngao đến mà phán rằng:
- Xưa nay chẳng thiếu gì kẻ khôn ngoan, thừa hiểu lẽ phải, điều trái, nhưng lúc chưa có một địa vị quyền lợi nào thì sáng suốt, lòng dạ thật quang minh, mà đến lúc cầm trong tay một quyền lợi, địa vị thì lập tức bị ba cái phù du đó làm cho tối tăm mặt mũi. Còn ngươi. Trên thì hết dạ trung kiên. Dưới thì làm lợi cho bá tánh, nên ta muốn cất nhắc ngươi lên làm Lại Bộ Thượng Thư, để trông nom điều chính sự. Ngươi nghĩ thế nào?
Tôn Thúc Ngao dập đầu xuống, mà kính cẩn thưa rằng:
– Hạ thần ăn cơm vua, hưởng lộc nước, thì không thể ngại khó khăn mà lẩn trốn phần trách nhiệm. Có điều, hạ thần tuy hết lòng hết sức, nhưng khả năng yếu xìu không thể định muôn dân, thì sao dám há miệng nhận lời ngay cùng Thiên Tử!
Vua Sở liền đưa tay vuốt râu vài cái, rồi mạnh miệng nói rằng:
- Từ nào tới giờ ta hằng luôn để ý, là nhiều quan lại trong triều vì khí tiết hẹp hòi mà không chịu nỗi những cái tức giận nhỏ nhoi trước mắt, đến nỗi việc lớn phải hư. Còn ngươi. Làm việc gì cũng đắn đo suy nghĩ sao có lợi cho người. Chớ không phải cho thân, nên ta quyết trao trọng trách là vì căn duyên đó!
Thúc Ngao mặt cắt không còn hột máu, dập đầu thưa rằng:
- Kẻ có trí mà làm công việc gì, cũng phải về hỏi.. . vợ. Còn hạ thần. Tuy không dám nhận mình là kẻ trí, nhưng đụng chuyện này vợ chẳng biết chẳng hay, thì tự chốn tâm can đã mất phần an ổn!
Sở Vương nghe Thúc Ngao tỏ phân điều hơn thiệt, lấy làm đẹp dạ nghĩ rằng:
- Đối với vợ mà trăm sự tỏ tường. Ngàn lời minh bạch, để vợ khỏi bận lòng lo lắng, thì chuyện an dân, chẳng lo gì nữa cả.
Nghe Thúc Ngao lý giải như vậy, Sở Vương thấy nao nức trong lòng …”
Các Ông sợ vợ?
Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng. Có trả lời thì người trả lời sẽ không nói “sợ” mà dùng thể ẩn dụ “nể” vợ thôi. Đây vẫn còn là vùng cấm kỵ cực nghiêm ngặt . Ít ai muốn khơi ra chuyện này. Mà sợ vợ vì bị vợ bạo hành. Đây là một thực tế, dù không công khai thừa nhận nhưng ai cũng biết là có thật.
Nay là lúc cần phải phá vỡ bức tường im lặng để nói lên một sự thật từ lâu đời để giúp cho hai bên, tác nhân và nạn nhân, nhìn thấy sự thật mà sống hòa hợp với nhau thật sự để không còn kẻ phải chịu đựng và kẻ thừa thắng xông lên.
Câu hỏi các Ông có sợ các Bà không? Các Ông có bị các Bà bạo hành không? Câu hỏi này đem hỏi các ông thường không đưọc các ông trả lời rõ ràng. Nhưng phương pháp điều tra theo khoa học xã hội sẽ trả lời rõ ràng, cụ thể giùm cho các ông.
Thống kê các quốc gia phương Tây cho thấy nạn chồng bị vợ ăn hiếp rất phổ biến trong mọi gia đình thuộc mọi giai tầng xã hội, bất kể giàu nghèo, tướng tá, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà văn, nhà đạo đức, thầy chú hay dân đen khố rách… Địa vị càng cao thì càng phải giấu kỹ giấu kín hơn nữa.
- Bạo hành thể xác: 8% phụ nữ bị chồng bạo hành (bạt tai, xô đẩy…), và có 7% các ông chồng bị vợ đánh, bị vợ chọi chén đỉa, giày dép, …
- Bạo hành tinh thần: chà đạp nhân phẩm, chửi, mắng, nói xấu, cấm vận sex…; nạn nhân đàn bà 18%, nạn nhân đàn ông 19 %.
Đại Học Fribourg ở Thụy sĩ, cách nay khá lâu, có công bố kết quả một cuộc điều tra do Bà Sophie Torrent thực hiện với 7 ông chồng bị bạo hành để biết nạn nhân sợ thứ bạo hành nào nhứt. Tất cả đều cho biết là họ sợ khủng bố tinh thần là hơn hết: chửi bới, bắt lỗi, đay nghiến, chanh chua, sỉ nhục vô cớ, ghen bóng ghen gió, theo dõi kiểm soát từng cử động của chồng, điều tra bạn bè của chồng, …
Bạo hành tâm lý vô cùng gian ác. Người đàn bà trong trường hợp này nhằm khiêu khích anh chồng tức giận để phản ứng như tát tai bà vợ, xô bà vợ, …Lập tức ông chồng sẽ bị cảnh sát tới còng tay dẫn đi để bảo vệ nạn nhân. Người ta chỉ thường thấy người đàn bà là nạn nhân trong những vụ bạo hành gia đình.
Người ta không thấy hoàn cảnh của các ông bị các bà đay nghiến “Thứ đàn ông gì mà bất tài vô dụng, không xứng đáng làm chồng, làm cha. Các bà nói những lời sỉ nhục chồng trước mặt con cái, rồi tách rời con cái khỏi cha của chúng để cô lập ông chồng ngay trong nhà.
Hậu quả sự bạo hành sẽ vô cùng thảm hại cho ông chồng.
Theo tháng ngày chịu đựng không ngơi nghỉ, ông chồng bị tổn thương nặng cả về thể xác lẫn tinh thần, trong sinh hoạt hằng ngày, trong mối giao tiếp ngoài xã hội và cả trong lãnh vực chuyên môn nghề nghiệp nữa. Sau cùng ông chồng rơi dần vào trạng thái lo âu, buồn chán, trầm cảm, mất tự tin, hết biết còn ham muốn bất cứ việc gì, không còn nhớ tên mình là gì nữa, và mất luôn cả căn tính của mình. Nhiều lần ông tự hỏi có phải mình còn là một người đàn ông hay không?
Các Bà có nhiều tổ chức Nữ quyền bảo vệ. Khi bị ngược đãi, các Bà la lên là có ngay cảnh sát tới cô lập ông chồng, đưa các bà tới một Trung tâm tạm trú, ở thành phố nào cũng có, được mọi săn sóc về tâm lý, thuốc men, cơm nước. Khi các Bà ra về, ông chồng bị cấm tới gần nơi các Bà ở.
Các bà có Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Còn các Ông chồng nạn nhân những vụ bạo hành trong gia đình lúc nào cũng bị thua thiệt. Ba trăm sáu mươi lăm ngày, không có một ngày nào là Ngày Đàn Ông. Không có một tổ chức “Quyền làm Người Đàn Ông” để bảo vệ nhân quyền cho đàn ông.
Ngày nay, đàn ông bị các bà bạo hành trở thành phổ biến và khẩn trương nên ở Huê Kỳ và Nhựt bổn có lập ra những Trung tâm tỵ nạn để đón nhận các ông nạn nhân và bảo vệ các ông.
Vậy mà các ông vẫn không ngán các bà. Vẫn chủ trương phải sống ” o các bà, vì các bà, cho các bà”:
“Tạ ơn trời đàn bà vẫn còn đó
Để đàn ông vẫn còn có niềm vui
Chỉ đàn ông. Thôi chết quách cho rồi
Không đàn bà. Ôi chẳng thà tận thế.”
(không biết tác giả, cáo lỗi)
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment