Popular Posts

Friday, August 9, 2013

Mưa Sài Gòn trở về


 

                                                           Mưa Sài Gòn trở về

                                                                                                                                                         Văn Quang

 

                                             

 

Đêm giữa mùa mưa Sài Gòn, nằm nghe nhạc xưa chẳng còn gì thú vị hơn. Bỏ quên tất cả lại phía sau, bỏ quên được cái thân phận của kẻ lưu lạc trên chính quê hương mình. Mọi thứ như đang trở về trước mặt. Tiếng Bích Huyền quen thuộc, dịu dàng, ve vuốt đưa dẫn lạc vào trong dòng văn chương của Nguyễn Thị Hàm Anh.
 
Tôi ngỡ ngàng, không còn nhận ra đó là Hàm Anh tôi đã quen biết từ vài chục năm nay. Một cô giáo rất chừng mực từ lối sống, cách giao tiếp đến cách viết. Tôi đọc Hàm Anh không nhiều chỉ qua vài truyện ngắn, một số bài viết về thời sự gửi ra nước ngoài, dưới một bút hiệu khác. Đọc “trở về” của cô hôm nay, tôi không biết định nghĩa là gì.
 
Tạp ghi, tùy bút, hồi ký hay chỉ là một đoản văn. Có lẽ điều đó không cần thiết. Cũng như một bài thơ hay, không cần phải là thơ Đường, lục bát, tứ tuyệt hay thơ mới. Thể loại nào cũng được, miễn là một tác phẩm hay. Cô giáo Hàm Anh như từ trong Tự Lực Văn Đoàn bước ra nhưng lại mặc chiếc áo rất mới. Có sự lãng mạn trẻ trung và cũng có sự chừng mực thường lệ.
 
Tôi chưa bao giờ nghe Hàm Anh nói hay viết về một chuyên tình của chính mình. Ngay cả ở Trở về cũng là chuyện của một “nàng ca sĩ” và một “anh chàng nhạc sĩ”. Cô viết cho một người nào đó quen hoặc không quen, và cũng có thể mượn một nhân vật nào đó để nói về tâm trạng của chính mình. Điều đó lại cũng không quan trọng. Điều đáng qúy nhất là đoản văn trở về gợi cho tôi trở lại với những quá khứ rất xa xưa bỗng trở thành rất gần.

 

Lời dẫn của chị Bích Huyền với những bản nhạc chọn lọc rất “khôn ngoan” tinh tế càng khiến tôi trở nên mụ mẫm bởi hình bóng của ký ức tưởng đã xanh rêu. Nhạc phẩm bất hủ hay bất tử của những Phạm Duy, Phạm Đình chương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Hoàng Thi Thơ… đan xen đưa đẩy làm ký ức nào cũng phải sống dậy cùng với mưa Sài Gòn. Một số lớn những người ấy là bạn tôi. Riêng với “Nửa hồn thương đau” nhạc phẩm chính của phim Chân Trời Tím của Phạm Đình Chương; “Tiếng hát học trò” và “Ngàn năm mây bay” của Nguyễn Hiền cũng đều liên hệ tới 2 cuốn truyện dài của tôi đã chuyển thể thành phim.

 

Tôi có nhiều kỷ niệm với những người bạn ấy. Hãy kể về “nhắm mắt chỉ thấy một khung trời tím ngắt” làm nhớ tới Phạm Đình Chương nhắm mắt khi anh ngồi vào piano ở phòng trà Đêm Màu Hồng của ông bạn Trần Quý Phong, nhắm mắt khi anh ngồi với Mai Thảo, Thanh Nam ở một quán rượu vắng vào một đêm khuya. Giờ này chắc mấy ông bạn tôi cũng đang ngồi trong một quán rượu nào đó ở miền cực lạc và tôi cứ cam đoan rằng mấy ông đó nhớ Sài Gòn hơn nhớ Cali. Bao giờ mấy ổng mới đón tôi tới cùng ngồi đây?

 

Và nhắc tới Chân Trời Tím, lại không thể quên Nhật Trường, sáng tác bản nhạc này khi vừa đọc xong cuốn truyện, khi than thở “mỗi lần đi chơi với người yêu, tôi phải bài binh bố trận khổ sở lắm mới đến được với người tình”. Loáng thoáng ẩn hiện hình ảnh mũm mĩm của Minh Hiếu khi hát Chân trời tím đầu tiên ở dancing Olympia của ông chủ Tú Vopco. Rồi Nguyễn Hiền, rồi tiếng hát Họa Mi đưa ta trôi về chốn cũ tự bao giờ.

 

Rồi đọc Hàm Anh lạc lõng với “Những căn nhà từa tựa giống nhau, không có lầu, chỉ tầng trệt với mái ngói đỏ cũ kỹ, đa số đều đóng cửa như thiêm thiếp ngủ trong khoảnh vườn rộng với hàng rào vấn vít huỳnh anh hay bìm bìm. Màu vàng và tím của những bông hoa điểm chút khởi sắc cho con đường cô quạnh.”

 

Tôi tưởng đó là Pleiku của năm 1957, tôi từ Sài Gòn lên nhận nhiệm vụ thành lập Đại Đội 3 Văn Nghệ ở thành phố cao nguyên heo hút này. Những phố không ra phố, những nhà chẳng ra nhà. Nhưng ở đấy cũng có một nữ ca sĩ như Nguyệt Ánh, một nhạc sĩ như Anh Bằng gần giống trong câu chuyện “trở về” của Hàm Anh.

Lạ lùng hơn khi tôi đọc: “Tôi yêu chàng và chàng yêu tôi, như là điều đương nhiên. Có thể nào tình yêu không nảy nở trong một thế giới tuyệt vời như vậy? Tôi ngất ngây trong hạnh phúc rung vang mang tới niềm xúc cảm diệu kỳ...”.

Tôi chưa bao giờ nghe Hàm Anh kể hay viết về một điều rất lãng mạn, rất “ướt” như thế cả, dù cho vẫn ở trong chừng mực của cô giáo.

 

Bích Huyền và Hàm Anh cho những “anh già” như tôi được sống lại trọn vẹn trong cái thế giới tưởng chừng đã mất. Một đêm thôi, một đêm mưa Sài Gòn cũng là quá đủ, tôi có cần nói lời cảm tạ không ?

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn (08-8-2013)

 

 

                                             RedRose

                                                                                   Ultimate Paul Mauriat

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List