‘Gió sẽ mừng vì tóc em bay...’
Lm. Vĩnh Sang
Một lần nữa tôi có dịp
theo chân một đoàn từ thiện đến Tây Nguyên. Tìm được địa điểm để có thể tiếp
cận được đồng bào nghèo không phải dễ, những phẩm vật mang theo muốn trao đến
trọn vẹn cho đồng bào nghèo càng không dễ chút nào. Chẳng biết cái cơ chế nào,
cái luật lệ nào, cái thủ tục nào cứ phải phần trăm cho “các cấp, các ban ngành
đoàn thể”, chẳng hiểu cái truyền thống hào hùng nào, cái đạo đức cách mạng nào
biến những kẻ mang của cải chia sẻ cho người nghèo phải biết ơn “các cấp, các
ban ngành đoàn thể” vì họ bố thí cho chúng ta cái quyền... làm từ thiện! Nhưng
thôi, tất cả cái gian lao đó, tôi đã thấy, nó không làm chùn chân những anh chị
em Giáo Dân quảng đại, từ bi và nhân ái.
Tôi học được nơi họ –
những người thiện nguyện – rất nhiều, sự hy sinh, can đảm, kiên nhẫn và khôn
khéo. Họ không nề hà gian khổ, không kìm nén cảm xúc và không thu vén cho họ,
không tìm danh lợi. Chẳng ai, chẳng nơi nào lưu dấu tên họ, chẳng ai biết họ là
ai. Sau những chuyến xe gập ghềnh gian lao, những công việc nặng nhọc vất vả,
những buổi thăm viếng bị vắt kiệt sức, trở lại phố thị, vệ sinh gột rửa bụi
bặm, họ trở nên thoải mái khi trút sạch những gì không có nơi đô thị trừ một
cái, họ vẫn còn mang theo vào bữa ăn tối những giọt nước mắt hào sảng dành cho
những thân phận nghèo hèn, kém may mắn, mà họ đã gặp nơi các buôn làng, họ đã
khóc thật nhẹ nhàng, thật thoải mái khi cùng nhau nhắc lại những cuộc gặp gỡ
vừa qua.
Những buôn làng tôi đã
đi qua, thật nghèo, cái nghèo cùng kiệt không tả hết, những mái nhà hiu quạnh,
rách nát, những con heo tộc bụng gần sát đất rong chơi tìm kiếm thức ăn cùng
với những đứa trẻ mặt mày lem luốc ngơ ngác, những cái váy khô cứng xếp lớp như
những miềng nhựa quấn quanh người, những cái đầu tóc không thể nào bay cho dù
gió đại ngàn có cuồn cuộn kéo ngang, nó bện vào nhau, vàng cháy, khẳng khiu như
những nhánh rễ cây đan quyện trên mặt đất. Những mái đầu ấy nếu được tắm gội,
được chải chuốt, được đặt lên đó một nhánh hoa rừng, nếu những vòng tay đen cáu
được sạch sẽ, được mang sách vở đến trường, được những miếng bánh mì lót lòng
buỗi sáng, nếu những bàn chân trần có được đôi dép, tung tăng những bước chân
chim với bạn bè, xếp hàng ngay ngắn trước thầy cô, hẳn số phận họ được thay
đổi...
Những căn nhà bằng gỗ
tồi tàn không còn nguyên vẹn, dáng kiểu nghiêng nghiêng như những triền dốc của
núi đồi, hợp thành một bức tranh lạ kỳ, màu đen mốc thếch như những vạt đồi xa
xa còn trơ lại đất cát sau những đám cháy nhuộm đen những gốc cây trơ trọi. Cái
nghèo không thể xiết!
Chúng tôi mang đến một
số phần quà như đã được nhóm tiền trạm báo trước, không ngờ số người đến nhận
lại vượt quá con số dự trù. Tìm hiểu mới biết số người tăng thêm đến từ các
buôn làng khác. Dân thành phố mình quen tính toán, thi nhau đưa ra giải pháp,
bớt mỗi phần bao nhiêu ký để có thêm số phần cho đủ, nhưng người dân tộc tính
khác, họ bảo: “Đổ chung đi, rồi cứ chia đều, thế là tốt, cùng là đồng bọn mà!”
Chân chất và thật thà đến ngạc nhiên. Chúng tôi học được nhiều bài học từ núi
rừng, hồn nhiên và trong sáng như thế đó...
Về lại thành phố, lòng
tôi vẫn còn vương vấn, chuyến đi chớp nhoáng, thật nhanh và rút gọn, không biết
lần sau có đến được vùng này nữa không, tai tôi vẫn còn ray rứt lời dặn của
người môi giới: “Phát quà thôi, không được nói gì về tôn giáo”. Và một lời khác
nữa của già làng: “Cán bộ dặn là không theo đạo để được là xã anh hùng!” Chúng
tôi có nói gì về đạo đâu nhỉ, chỉ xin chia sẻ trong tình nghĩa làm người với
nhau mà cũng khó dễ sao!?!
Bao giờ thì... "gió
sẽ mừng vì tóc em bay?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
23.2.2014
Nguồn: VRNs
Chị tôi
Phạm
Thanh Nghiên
Viết tặng chi Bùi Thị Minh Hằng
Tôi là con út trong gia đình có 7 anh chị em, bốn chị
gái và hai anh trai. Tôi thường bông phèng rằng tôi là …con lớn nhất tính từ
dưới lên. Giới thiệu đôi chút về gia cảnh không gì ngoài mục đích …quảng cáo
nhà đông anh chị em, nhất là các chị gái. Thế mà tôi vẫn muốn có thêm những
người chị khác nữa. Bùi Thị Minh Hằng từng tâm sự rằng chị luôn coi tôi như một
tấm gương. Cả cái cách giăng biểu ngữ, băng rôn trong nhà khẳng định chủ quyền
biển đảo cũng là cách chị…học tôi, theo như lời chị nói. Viết những chi tiết
này ra tôi thấy mình hổ thẹn. Nhưng thật sự rất may mắn khi được chị coi như
một đứa em gái và “chị thương Thanh Nghiên từ lúc Nghiên còn ở trong tù,
chỉ mong em ra để chị em được gặp mặt”. Ngày đầu quen biết, chúng tôi
đã thương mến và coi nhau là chị em.
Khi tôi trải qua gần hai năm trong nhà tù thì chị gái
thứ hai của tôi (sống trong Sài Gòn) mới biết chuyện. Quả thật, tôi cũng lấy
làm ngạc nhiên tại sao chị lại bị…lừa dễ dàng như thế. Lần nào chị gọi điện về
mẹ tôi cũng bất đắc dĩ bịa ra vô số lý do để nói dối. Nào là em nó vừa chạy
sang hàng xóm, đi chơi, đang dở tay, đi có việc, đang mệt, điện thoại di động
tốn tiền nên nó không dùng… Chỉ tại chị yếu đuối quá nên không ai muốn chị bị
sốc.
Hồi chị chưa lấy chồng, chị chăm tôi như chăm con. Một
cơn đau đầu của tôi cũng khiến chị hoảng sợ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Năm
2001, tôi bị viêm thanh quản nặng đến mức suốt mấy ngày không nói được, tưởng
câm. Chị khóc sưng mắt, than thân trách phận, tự rủa xả bản thân với hy vọng
(ngốc nghếch) rằng làm như thế, Trời Phật sẽ cho tôi được bình an sau khi
đã…trừng phạt chị.
Chị gái lớn của tôi bằng tuổi chị Hằng. Chị đã có cháu
ngoại hơn bốn tuổi. Người ta nói, phụ nữ tuổi Giáp Thìn là người bộc trực, nóng
nảy, mạnh mẽ và rất có tài. Chị cả tôi không phải người có tài, nhưng là người
bộc trực. Thời gian tôi bị tạm giam, một nửa trong tổng số hơn hai chục thành
viên gia đình tôi liên tục bị công an mời, triệu tập để thẩm vấn. Từ mẹ tôi
ngoài bẩy mươi tuổi đến các chị gái, anh trai, anh rể, chị dâu, các cháu còn đi
học phổ thông cũng bị công an đón đường đưa đi thẩm vấn. Phiền nhất là chị cả,
sau mỗi cú điện thoại của công an lại phải lặn lội bỏ công việc từ Hà Nội về
Hải Phòng để “thực hiện nghĩa vụ công dân bất đắc dĩ”. Trong một buổi thẩm vấn,
một nữ công an thuộc phòng an ninh chính trị Hải Phòng hỏi chị:
- Thế theo chị, Hoàng Sa, Trường Sa là của ai?
Chị thản nhiên trả lời:
- Của Liên Xô.
Công an kia bất ngờ (và bực tức) hoạnh:
- Sao chị lại nói như thế?
- Thế tôi phải nói thế nào? Nếu nói là của Trung Quốc
thì không đúng và lương tâm tôi không cho phép. Còn nếu nói là của Việt Nam thì
tôi sợ đi tù. Em tôi nó nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thì bị các
người bắt. Giờ tôi cũng nói thế lỡ bị đi tù, mẹ tôi làm sao sống nổi.
Nhưng chị cả tôi không có được cái khí phách ngang
tàng như chị Bùi Thị Minh Hằng. Trong suy nghĩ của tôi, chị Hằng là người phụ
nữ thông minh, quả cảm, khí khái, mạnh mẽ, quyết liệt và luôn đề cao đức hy
sinh. Tất cả những điều đó chắc chắn là những tố chất hết sức đáng quý với một
người bảo vệ nhân quyền, chống chế độ độc tài. Tôi yêu mến chị, dù biết giống
như tôi và vô số những người đấu tranh khác, chị không hoàn hảo. Có lẽ, chính
cái không hoàn hảo ấy khiến tôi và chị trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Hôm
nay, đã gần nửa tháng chị và hai người bạn khác là anh Nguyễn Văn Minh, chị
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị bắt trong một vụ dàn cảnh mà hẳn nhiên tác giả kịch
bản là những đỉnh cao trí tuệ của đảng. Để rồi chắc chắn chị và hai người bạn
sẽ “được” đem ra xét xử và tuyên án trong một phiên tòa man rợ.
Sự góp sức của chị trong cuộc vận động Dân chủ, Nhân
quyền không hề nhỏ. Tất cả những việc chị làm đều khiến tôi ngạc nhiên. Nó quá
nhiều. Dường như chị có một nội lực rất dồi dào để làm việc không mệt mỏi.
Người ta thấy chị ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh. Từ các cuộc xuống đường biểu
tình ôn hòa chống quân xâm lược Trung Quốc đến những phiên tòa bất công xử
người yêu nước. Từ các phong trào khiếu kiện đòi công lý của những dân oan mất
đất, mất nhà đến những lần đi phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chưa kể
số lượng những bài viết, những bài tường trình, các hình ảnh được chị ghi lại
đều đặn sau mỗi sự kiện. Bùi Thi Minh Hằng thật sự là ký giả đường phố,
ký giả nhân dân. Không thể liệt kê hết những nơi chị đã đi qua, những
việc làm chị đã đóng góp (công khai hay âm thầm). Sôi nổi là thế, mãnh liệt là
thế nhưng Minh Hằng vẫn luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn thường trực. Hình như,
bất cứ ai chọn lựa con đường đấu tranh vì cộng đồng cũng phải trải nghiệm những
khoảnh khắc như thế. Ta sẽ cô đơn giữa vô số những con người. “Nhiều khi
bị tấn công tứ phía, cảm thấy mình lạc lõng em à”. Một lần, tôi nhận
được tin nhắn của chị.
Có nhiều điều lắm để viết về chị. Nhưng có lẽ tôi nên
kìm nén cảm xúc. Tôi nhớ về chị với những chuyện đời thường khác. Lần gặp đầu
tiên, hồi tôi mới ra tù tiện dịp đi Hà Nội khám bệnh. Mấy anh chị em chúng tôi
có hẹn ăn trưa cùng nhau: Các anh Ngô Nhật Đăng, Xuân Diện, Anh Chí, Hiếu Gió,
Lã Việt Dũng chị Hằng và một chị bạn. Vừa nhìn thấy tôi, chị lao tới ôm thật
chặt bằng một cánh tay (tay kia bị gãy đang bó bột). Sợ chị đau, tôi không dám
nhúc nhích, nhưng cảm giác sắp nghẹt thở vì chị ghì tôi rất chặt và như không
muốn buông ra. Chị khóc to, tựa như một đứa trẻ, bất chấp xung quanh là những
người lạ và cả những tên mật vụ đứng nhìn. Chị nói đủ thứ chuyện, về thời gian
nửa năm bị giam giữ trong nhà tù trá hình mang tên Cơ sở Giáo dục Thanh Hà.
Suốt cuộc gặp, chị nắm chặt tay tôi, thi thoảng lại đưa lên môi hôn. Tôi chưa
bao giờ thấy mình đựợc nâng niu và trân quý như thế.
Lần đầu gặp chị. Hình
chụpc cuối năm 2012.
Lần khác, tôi bệnh phải đi truyền nước. Đang thiu thiu
ngủ thì chuông điện thoại reo. Vừa kịp “alô!” đã nghe chị mắng một hồi. Chị xót
tôi!
Đầu tháng 1.2014 chị và Bạch Hồng Quyền tới Hải Phòng
thăm tôi. Chị bước vào nhà, thản nhiên như một người con vừa đi xa về. Chi gọi
mẹ tôi bằng mẹ. Đó là lần gặp cuối cùng không hẹn ngày hội ngộ. Từ hôm chị bị
bắt, ngày nào mẹ tôi cũng hỏi : “chúng nó thả chị Hằng ra chưa hả con?”. Mẹ tôi
buồn!
Lần thứ hai chị bị bắt. Lần này, có thể sẽ rất dài.
Tôi sẽ chờ để được sà vào lòng chị, hôn đôi bàn tay của chị. Trong lúc này, tôi
vẫn cảm nhận được hơi ấm từ trái tim nhiệt huyết của chị cùng lời tuyên bố đầy
ngạo nghễ: “CHÚNG TÔI NGÃ XUỐNG ĐỂ ĐẤT NƯỚC NÀY ĐƯỢC ĐỨNG LÊN”. Đúng, đất nước
này sẽ đứng lên nhờ những sự hy sinh nhỏ bé của chị và của tất cả những người
Việt Nam còn nặng lòng yêu nước.
Chị sẽ không ngã chị ơi! Cho dù phía trước đầy nguy
khốn.
Nguồn: Blog Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment