Giận dữ và hận thù là những kẻ
thù đích thực. Chính đó mới thật là những kẻ thù mà ta cần phải chiến thắng và
khắc phục, không phải là những kẻ thù bất chợt do thời cơ xui khiến.
Khi nào
tâm thức chưa được luyện tập đầy đủ để khắc phục sức mạnh tiêu cực của giận dữ
và hận thù, thì những xúc cảm ấy vẫn còn tiếp tục khuấy động và hủy diệt mọi nổ
lực tìm kiếm sự an bình cho nội tâm.
Muốn loại trừ tiềm năng tàn phá của
giận Bạn và thù
Muốn phát huy lòng từ bi, lý trí và
sự kiên nhẫn, không phải chỉ nghĩ đến giá trị của những phẩm tính ấy là đủ.
Nhưng phải đem những phẩm tính ấy ra để ứng dụng mỗi khi gặp khó khăn. Nhưng
những ai đã tạo ra các khó khăn đó ?
Nhất định không phải là bạn hữu của ta,
nhưng chính là kẻ thù của ta. Chính kẻ thù là những người tạo ra phiền toái cho
ta. Vậy, nếu thực tâm muốn học hỏi, ta phải xem kẻ thù của ta như những vị thầy
tốt nhất !
Đối với bất cứ ai muốn tìm cách vun xới lòng từ bi và tình thương,
sự kiên nhẫn là cách tập luyện thiết yếu nhất và kẻ thù là một yếu tố không thể
thiếu sót được. Hơn thế nữa, ta còn phải biết ơn kẻ thù của ta, bởi vì chính họ
đã giúp ta tìm thấy sự an bình trong tâm thức, họ tích cực hơn bất cứ kẻ nào
khác ! Thật vậy, có phải ta vẫn thường nhận thấy qua đời sống cá nhân và trong
tập thể xã hội, nhiều trường hợp kẻ thù đã trở thành bạn hữu.
Nhất định, ai chẳng muốn được bạn bè
săn đón. Nhưng tình bạn hữu có phải đã phát sinh từ sự chống đối và giận dữ, từ
ganh tị và tranh đua quyết liệt hay không ?
Tôi không tin một chút nào cả.
Phương cách tạo ra bạn bè, chính là tình thân ái ! Chỉ có tình thân ái mới tạo
được những người bạn trung tín và thành thật. Hãy thật sự chăm sóc cho kẻ khác,
quan tâm đến sự an vui của kẻ khác, giúp đõ họ, phục vụ họ, tạo thêm bạn bè,
hãy làm nở thêm những nụ cười.
Những hành vi đó sẽ đem đến lợi lộc gì cho ta ?
Thật nhiều giúp đỡ khi ta cần đến.
Ngược lại, nếu ta không hề quan tâm đến hạnh
phúc của kẻ khác, trong lâu dài chính ta sẽ là người không tìm thấy hạnh phúc.
Trong một xã hội vật chất, tiền bạc
và quyền thế có vẻ như đem đến cho ta thật nhiều bạn hữu ; nhưng đó chỉ là bè
bạn của tiền bạc và uy thế mà thôi. Khi ta sa sút và quyền uy không còn nữa,
thì dù có muốn dò tìm tông tích của họ cũng không phải là chuyện dễ.
Khi mà mọi việc trong cuộc sống của
ta đều suôn sẻ, ta có cảm giác có thể tự xoay trở một mình, không cần đến bè
bạn. Nhưng khi địa vị xã hội và sự giàu sang sa sút, lúc đó ta mới nhận ra
trước kia ta đã hiểu lầm. Để phòng ngừa cảnh huống đó, và để tìm được những
người bạn đích thực có thể giúp đỡ trong khi cần đến, ta phải biết trau dồi
lòng từ bi !
Vậy thì, ta phải làm bạn như thế nào
? Nhất định không phải bằng hận thù và chống đối. Không thể nào tạo ra những
mối giây thân hữu khi đánh đập kẻ khác hay tuyên chiến với họ. Một tình bạn
đích thực phải xây dựng trên sự lương thiện và thành thật, nói một cách khác là
bằng một tâm thức cởi mở và một tấm lòng ấm áp. Theo ý tôi, cách giao tiếp với
kẻ khác trong cuộc sống thường nhật cũng đủ để chứng minh điều ấy.
Chiến thắng kẻ thù ẩn nấp trong ta dữ và hận thù, ta cần hiểu rằng
những xúc cảm đó bắt nguồn từ sự kiện ta chỉ biết quan tâm đến lợi ích và an
vui của cá nhân ta và quên đi hạnh phúc của kẻ khác. Thái độ chỉ biết đến mình
tiềm ẩn trong mỗi con người, thái độ ấy chẳng những dung dưõng sự giận dữ mà
còn làm phát sinh mọi thể dạng tâm thức tệ hại khác nữa.
Đấy là sự cảm nhận lừa
phỉnh không cho phép ta nhìn thấy bản chất đích thực của mọi vật thể, và từ
cách diễn đạt sai lầm này sẽ phát sinh ra mọi thứ khổ đau và bất toại nguyện mà
ta phải gánh chịu. Vì thế, người tu tập từ bi và tình thương yêu phải chận đứng
những tác hại của kẻ thù nội tâm, không cho phép những kẻ thù ấy tự động đưa
đến những hậu quả đổ vỡ không hàn gắn được.
Muốn lột trần quá trình tàn phá trên
đây một cách minh bạch, ta phải học tập để hiểu thấu bản chất của tâm thức, bởi
vì như tôi thường nói, tâm thức là một hiện tượng vô cùng phức tạp.
Triết học
Phật giáo nêu lên nhiều loại tâm thức hay là tri thức khác nhau, và đồng thời
cũng đưa ra các phương pháp thiền định giúp ta quen thuộc với tính cách biến
động không ngừng của những thể dạng tâm thần.
Theo các khảo cứu khoa học, vật chất
được cấu hợp từ những hạt cơ bản. Một số thành phần phân tử hoá học cũng như
một số cấu trúc nguyên tử hàm chứa một giá trị thực tiển nào đó thường được các
khảo cứu gia quan tâm nhiều hơn, trong khi những thành phần và cấu trúc nào
không hàm chứa các đặc tính hữu ích thì không được chú ý đến, hoặc bị đặt qua
một bên.
Phân loại bằng cách chọn lọc như thế đã đưa đến những kết quả thật
ngoạn mục.
Nếu người ta biết dồn thật nhiều nổ
lực như trên đây để nghiên cứu về tâm thức, về thế giới nhận biết và các hiện
tượng tâm thần, thì nhtấ định người ta cũng sẽ khám phá ra vô số những thể dạng
khác biệt nhau tùy theo cách nhận biết, đối tượng nhận biết và sức mạnh mà tâm
thức sử dụng để nhận biết. Có một số thể dạng tâm thức rất hữu ích và tốt đẹp,
ta nên xác định chúng một cách chính xác và phát huy tiềm năng của chúng. Hãy
bắt chước phương pháp của các nhà khoa học, khi ta phân tích và thấy rằng một
số thể dạng nào đó của tâm thức không mang tính cách tích cực, bởi vì chúng tạo
ra khổ đau và chướng ngại, ta nên tìm cách loại trừ chúng ngay.
Đấy là một
trong những phương pháp quan trọng nhất : dù sao đi nữa, điều ấy cũng là mối ưu
tư hàng đầu của người tu tập Phật giáo. Việc đó cũng tương tợ như mổ xẻ bộ nảo
để thực hiện các thí nghiệm trên những tế bào tí teo, tìm hiểu xem tế bào nào
làm phát sinh ra hân hoan, và tế bào nào tạo ra đau khổ. Cho đến khi nào những
kẻ thù như vừa kể trên đây còn ẩn nấp trong ta, thì ta vẫn còn gặp nguy cơ vấp
phải những hiểm nguy to lớn.
Trước khi bước vào kỹ thuật tu tập
tâm thức của Phật giáo, cần phải hiểu rõ và ước tính cẩn thận những khó khăn có
thể gặp phải trong các cách luyện tập ấy. Kinh sách Phật giáo có nói đến tám
mươi bốn ngàn loại tư duy độc hại, và đồng thời cũng có tám mươi bốn ngàn
phương thuốc để hoá giải chúng.
Do đó, xin chớ chờ đợi một giải pháp thần diệu
hiện ra như một thứ phù phép giải thoát ta ra khỏi tất cả những sức mạnh tiêu
cực. Ta phải thực hành thật nhiều phương pháp khác nhau trong một thời gian lâu
dài mới có thể nhìn thấy được những kết quả cụ thể. Cần nhất là phải có sức
mạnh của quyết tâm và thật nhiều kiên nhẫn. Trong những bước đầu trên con đường
Đạo Pháp, xin quý vị chớ nên mong đợi đạt ngay được Giác ngộ sau một tuần lễ tu
tập. Điều đó quả thật không thực tế một chút nào cả.
Một vị thánh vĩ đại của Phật giáo là
Long Thọ đã viết nhiều trang luận giải trình bày sự cần thiết của kiên nhẫn
trong quá trình tu tập tinh thần.
Ông khẳng định rằng – nhờ vào sự tu tập và kỷ
cương tâm thức, nhờ vào sự quán thấy sâu xa và những ứng dụng tinh thông – khi
nào ta đã tạo được cho ta một thể dạng thăng bằng và tự tin, thiết lập bằng một
phương pháp tu tập đích thực và rốt ráo, thì lúc đó thời gian cần thiết để đạt
được Giác ngộ không còn là một điều quan trọng nữa.
Tuy thế, khác với trường
hợp của Long Thọ, thời gian đối với chúng ta vẫn còn là một yếu tố quan trọng.
Khi nào ta vẫn còn phải gánh chịu những biến cố đau buồn không thể kham nổi, dù
chỉ là tạm thời đi nữa, thì lúc đó ta vẫn không có đủ kiên nhẫn và phải tìm một
lối thoát nào nhanh chóng nhất.
Vì chưng từ bi và tình thương yêu
chỉ có thể trả với một giá rất đắt bằng những cố gắng thật ý thức và liên tục,
cho nên cần phải xác định rõ ràng những điều kiện nào có thể giúp phát lộ những
phẩm tính của lòng ta và những cảnh huống bất thuận lợi nào sẽ ngăn cản không
cho phép ta vun xới những thể dạng tích cực.
Muốn thực hiện mục tiêu đó,
ta phải sống với một tâm thức bén nhậy và tĩnh giác. Ta phải tự chủ và cảnh
giác để mỗi khi có một biến cố xảy ra, ta có thể ý thức được ngay đấy là một
biến cố thuận lợi hay bất thuận lợi cho sự phát triển từ bi và tình yêu thương.
Tu tập được như thế, ta sẽ dần dần giới hạn ảnh hưởng của những sức mạnh tiêu
cực và đồng thời làm gia tăng những điều kiện thích nghi để phát huy hai phẩm
tính là từ bi và tình thương yêu.
Như tôi vừa trình bày trên đây, bất
cứ khổ đau nào hay hạnh phúc nào cũng đều thuộc vào hai lãnh vực, hoặc là thân
xác hoặc là tinh thần. Khi đau đớn phát sinh trên thân xác, một tâm thức tích
cực có thể làm bớt đi sự đau đớn đó.
Thực vậy, một tâm thức bình tĩnh có thế
hoá giải được sự đau đớn. Chấp nhận và quyết tâm chịu đựng sự đau đớn cũng cho
thấy những hiệu quả lớn lao. Ngược lại, đối với trường hợp khổ đau có tính cách
tinh thần, thì dù có cố gắng làm cho khoẻ mạnh thêm trên phương diện thân xác
thì cũng không vì thế mà có thể làm giảm bớt được khổ đau tinh thần.
Nhất định
ta có thể tìm cách làm quên bớt những khổ đau tinh thần bằng cách ru ngủ
giác quan bằng những thích thú, nhưng tình trạng đó không kéo dài và khổ đau
còn có thể trở nên trầm trọng hơn gấp bội.
Vì thế, phải cần luyện tập tinh thần
thường xuyên, nhưng không cần phải tu tập những gì liên quan đến cái chết hay là
con đường đưa đến Giác ngộ. Dù sao, nếu những tầm nhìn thật xa không đủ sức thu
hút ta, thì ta cũng nên chăm lo cho tâm thức, hơn là chỉ biết chú ý đến đồng
tiền trong túi.
Thật rõ ràng, Phật giáo không phải
chỉ giúp làm cho nhẹ bớt đớn đau, mà còn nhắm vào sự giải thoát tất cả chúng
sinh khỏi vòng đau khổ. Tuy nhiên, nếu như việc chịu đựng đau đớn cho chính
mình đã là việc khó, thì làm thế nào để đủ sức gánh chịu khổ đau cho tất cả
chúng sinh ?
Trong tập sách Hướng dẫn sự sinh hoạt của một vị Bồ-tát, một vị
thầy người Ấn thuộc thế kỷ thứ VIII là Tịch Thiên đã giải thích những khác biệt
trên phương diện hiện tượng học giữa những đớn đau mà ta cảm nhận được khi nhận
lảnh tất cả khổ đau của kẻ khác và những khổ đau trực tiếp của chính ta.
Loại
khổ đau thứ nhất hàm chứa tính cách bất an vì phải chia xẻ khổ đau của kẻ khác,
nhưng đồng thời ta vẫn giữ được một thể dạng thăng bằng nào đó trong tâm thức
bằng sự tự nguyện chấp nhận. Hành vi chủ ý chấp nhận khổ đau của kẻ khác hàm
chứa một sức mạnh và sự tự tin, trong khi đó đối với loại khổ đau thứ hai, sự
cảm nhận đớn đau và khổ nhọc vượt ra ngoài ý muốn của ta. Vì chưng những khổ
đau thuộc loại ấy thoát ra khỏi sự kiểm soát của ta, nên ta sẽ cảm thấy yếu
đuối và kinh hoàng.
Những lời giảng huấn của Phật giáo
về lòng nhân ái và từ bi thường sử dụng đến những câu châm ngôn như sau : «
Đừng nghĩ đến sự an vui của chính mình, hãy đặt sự an vui của kẻ khác lên trên
hết ». Những câu châm ngôn như thế có vẻ làm cho người nghe khó hiểu, nhưng
thật ra phải đặt những câu ấy vào đúng phối cảnh của chúng, tức là tình trạng
ta đang phải tu tập để tự nguyện nhận chịu khổ sở và đớn đau cho kẻ khác.
Thực ra, cũng phải đủ sức để yêu mến
chính mình trước khi chăm lo cho kẻ khác. Yêu thương chính mình không phải là
một thứ xúc cảm giống như một món nợ cá nhân đối với chính mình. Đúng hơn, yêu
thương có nghĩa là từ bản chất, tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc và
tránh khỏi khổ đau. Sau khi chấp nhận sự yêu mến chính mình, ta sẽ có thể trải
rộng sự yêu mến đó đến tất cả chúng sinh có giác cảm.
Vì thế, khi thấy những
lời giảng huấn khuyên ta không nên tìm kiếm an vui cho riêng mình mà hãy dành
ưu tiên cho kẻ khác, thì nên hiểu đấy là nguyên tắc quy định trong cách tu tập
về lòng từ bi lý tưởng. Nhất là ta không nên chọn lấy sự vui sướng khi chỉ biết
có ta, để đánh mất đi những gì tốt đẹp trong những hành vi hướng về kẻ khác.
Ta cũng nên tập đánh giá cao kẻ khác
bằng cách nhìn thấy tầm quan trọng nơi tình thương yêu của họ đã giữ một vai
trò quan trọng giúp ta tạo được hạnh phúc, hân hoan và góp phần đem đến sự
thành đạt của ta. Điều ấy phải là mối quan tâm hàng đầu của ta.
Tiếp theo đó,
ta phải phân tích để thấy rằng tất cả khó khăn và khổ đau đều xuất phát từ thái
độ ích kỷ, mặc kệ kẻ khác, chỉ cần biết đến sự an vui của riêng mình, và đồng
thời cũng phải nhận thấy là tất cả niềm hân hoan và sự tự tin của ta đều xuất
phát từ những tư duy và xúc cảm khi hướng về kẻ khác. Nếu đem ra so sánh hai
thái độ trên đây – chỉ biết nghĩ đến ta, hoặc lo âu cho kẻ khác – thì ta sẽ
nhận thấy hạnh phúc của kẻ khác quan hệ vô cùng.
Thái độ bình đẳng không phân biệt
Từ bi đích thực mang tính cách toàn
diện và vô tư, vì thế trước hết phải tu tập thế nào để giữ một thái độ công
bằng như nhau và không phân biệt giữa tất cả chúng sinh. Theo quan niệm Phật
giáo, đối với một người nào đó chẳng hạn mà ta xem là bạn hay là một người thân
thuôc trong gia đình, nhưng biết đâu trong kiếp trước họ đã từng là một kẻ thù
tệ hại nhất của ta.
Ta cũng có thể áp dụng lối suy luận trên đây đối với một kẻ
thù : nếu họ có làm điều sai trái và thiệt hại cho ta trong kiếp sống này,
nhưng biết đâu trong những kiếp sống trước họ từng là một người bạn tốt nhất
của ta, kể cả việc có thể họ đã từng là mẹ của ta.
Khi biết suy nghĩ về tính
chất bất định trong sự liên hệ giữa kẻ khác và ta và sự kiện mỗi chúng sinh đều
hàm chứa khả năng tùy theo lúc có thể là một người bạn tốt hay là một kẻ thù,
ta sẽ hiều rằng cần phải cố gắng để phát huy trong tâm thức một thái độ không
thiên vị hay « bình đẳng không phân biệt ».
Sự tu tập ấy đòi hỏi phải có một sự
siêu thoát nào đó, và ta cũng cần phải tìm hiểu ý nghĩa thật sự của chữ ấy là
gì. Đôi khi nghe nói đến « siêu thoát » trong Phật giáo, một số người lại hiểu
lầm đấy là một truyền thống tôn thờ sự dửng dưng. Hoàn toàn không phải như thế.
Đi tìm « siêu thoát » tức là loại bỏ những xúc cảm dựa vào sự cân nhắc hời hợt
về những khoảng cách xa hay gần phân chia giữa ta và kẻ khác. Thực hiện được
như thế ta mới có thể phát huy lòng từ bi đích thực mang tính cách toàn diện. «
Siêu thoát » không có nghĩa là « thờ ơ » với thế giới này và sự sống – ngược
lại thì đúng hơn.
Những kinh nghiêm sâu xa về sự siêu thoát sẽ tạo ra một mảnh
đất thuận lợi để xây dựng lòng từ bi đích thực hướng về tất cả chúng
sinh.
•No evil can happen to a good man. -- Plato
No comments:
Post a Comment