Popular Posts

Friday, March 28, 2014

Chuyện tắm rửa



Chuyện tắm rửa  

Huy Lâm       

tiendung0204

Trong ca khúc Rồi như đá ngây ngô củaTrịnh Công Sơn có câu: “Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho” – vậy hẳn khi người nhạc sĩ ngửi được mùi hương tóc đó cũng là lúc người thiếu nữ trong ca khúc vừa mới tắm, hay ít ra là nàng mới gội đầu. Những hương chanh, hương bồ kết còn ướp đậm vào tóc nàng nên người nhạc sĩ tài ba của chúng ta mới ngây ngất đến thế. 

Thử hỏi nếu nàng gội đầu cách đó mấy ngày, và với thời tiết vừa nóng vừa ẩm của Việt Nam thì có lẽ mùi mồ hôi, mùi dầu rịn ra từ những chân tóc của nàng đã thay thế cho “mùi cây trái thơm tho” mất rồi còn gì. Vậy thì chúng ta cũng nên cám ơn người thiếu nữ biết siêng gội đầu bằng thứ nước hoa quả đó để hôm nay ta còn được nghe một câu hát hay như vậy.

Bây giờ thì chắc chẳng còn ai mất công gội đầu bằng chanh hay bồ kết như xưa nữa vì ngoài siêu thị người ta trưng bày hàng núi những thứ dầu gội đầu như Head & Shoulder, Dove, Pantene, L’Oreál, Suave, v.v… Đó là chưa kể đủ loại conditioner để làm mềm, mượt cho tóc. Chưa bao giờ người ta chăm chút cho mái tóc đến thế. Nhưng dường như những thứ đó chỉ mang lại những mùi hương pha chế chứ không phải thiên nhiên nên chẳng còn thi sĩ, nhạc sĩ nào viết được thêm những câu tả mùi hương tóc độc đáo như trên.

Trong Lĩnh Nam chích quái có chép lại câu chuyện huyền sử Tiên Dung-Chử Đồng Tử. Chuyện này chắc hẳn ai cũng đã đọc hoặc đã nghe kể nên không chép lại ở đây. Trong câu chuyện có đoạn kể công chúa Tiên Dung một hôm đi chơi thuyền trên sông, đến một quãng sai người cập bến cho nàng lên bờ dạo chơi. Hôm ấy trời nóng nực nên dạo một lúc công chúa bèn sai người hầu quây màn cho nàng tắm. 

Không ngờ nơi Tiên Dung quây màn tắm lại đúng ngay nơi Chử Đồng Tử đang trốn dưới cát vì đang ở truồng nhường khố cho cha. Nước dội tới đâu cát trôi đi tới đó, dần lộ nguyên hình một Chử Đồng Tử không mảnh vải trên người. Nhưng cũng nhờ duyên kỳ ngộ mà Tiên Dung-Chử Đồng Tử nên vợ nên chồng. Trên đời này không ai hơn được cái may mắn như của Chử Đồng Tử.

Đây có lẽ là câu chuyện huyền sử duy nhất của Việt Nam có nhắc đến chuyện tắm rửa. Tuy nhiên, người Việt Nam từ xưa đến nay không phải là dân tộc lười tắm. Làng nào cũng có ít nhất một cái ao, vài cái giếng, nếu không thì cũng gần một con suối, con sông.

Người Âu châu thì ngược lại. Mặc dù được tiếng là văn minh nhưng kỳ thực, trong quá khứ, họ rất lười tắm.

Thời Đế quốc La Mã, người ta cho xây nhiều nhà tắm công cộng. Đàn ông La Mã mỗi lần đi tắm là phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Thời đó người ta chưa có xà phòng nên trước tiên người tắm phải cạo cho hết ghét trên thân thể bằng một miếng kim loại. Sau đó ngâm mình trong một bồn nước lạnh, xong qua ngâm trong bồn nước nóng, và cuối cùng quay lại bồn nước lạnh ngâm thêm một lúc. Việc tắm rửa thời đó quả là quá sức nhiêu khê. Mà việc bảo trì một nhà tắm công cộng cũng rất tốn kém. Thế nên, khi Đế quốc La Mã sụp đổ thì những nhà tắm công cộng này cũng dần biến mất.

Thực ra, từ xa xưa, người Ai Cập đã biết làm xà phòng bằng cách pha trộn mỡ động vật với dung dịch kiềm và sau đó làm cho nồng độ nhẹ bớt đi để có thể thoa lên da mà không bị phỏng rát. Nhưng người Âu châu, trong đó có dân tộc La Mã và Hy Lạp, được cho là văn minh nhất thời đó, thì chưa biết xà phòng là cái gì, do đó họ phải làm cái việc cạo ghét để tẩy uế. Sau này thì chỉ có nhà giầu mới dùng xà phòng, còn đa số dân chúng thì mãi đến cuối thế kỷ 19 mới biết miếng xà phòng ra sao.

Vào khoảng giữa thế kỷ 14, tại Âu châu xảy ra nạn dịch và giết chết một phần ba dân số tại châu lục này. Có lần, vị vua nước Pháp, lúc đó là Philip VI, hỏi các y sĩ ở Sorbonne: Nguyên do vì đâu đưa đến bệnh dịch hoành hành giết chết một phần ba dân số Âu châu, và làm cách nào để phòng ngừa nó? Các vị y sĩ trả lời rằng vì người ta tắm ngâm mình trong nước nóng làm lỗ chân lông nở ra đưa tới nguy cơ nhiễm dịch.

Do đó, ở Pháp và Anh cũng như nhiều quốc gia Âu châu khác, trong năm thế kỷ kế tiếp, người ta tin rằng tắm là một việc làm hết sức nguy hiểm, và cái lòng tin “nặng mùi” đó kéo dài mãi cho tới thế kỷ 19 mới chấm dứt. Trong khi đó những dân tộc ở Á châu, nhất là những người theo Hồi giáo hay Ấn giáo, đặc biệt coi trọng việc ở sạch.

Đến thế kỷ 17, dầu thơm bắt đầu thông dụng ở Âu châu và các nhà quý tộc tha hồ xức lên người, hương bay ngào ngạt, không phải để cho thơm mình mà để tránh không phải ngửi cái mùi khó ưa của người bên cạnh. Lúc này, người Âu châu vẫn lười tắm và vì ỷ có dầu thơm làm cứu cánh nên người ta càng lười tắm hơn. Vì vậy, có người đã gọi thế kỷ 17 là thế kỷ ở dơ nhất trong lịch sử của thế giới phương Tây. 

Người ta kể câu chuyện nàng Françoise-Athénaïs de Montespan, người tình của vua Louis XIV, luôn phủ trên người nàng một lớp dầu thơm để khỏi phải ngửi hơi thở nồng nặc của nhà vua. Nàng không chịu nổi mùi của chàng, còn chàng thì ghét mùi nước hoa vì nó làm chàng nhức đầu. Chẳng lẽ cứ mỗi lần gặp nhau, hai người lại bịt mũi. Thế mà không hiểu vì sao họ lại có với nhau tới bảy nhóc tì mới lạ.

Đến giữa thế kỷ 18, các y sĩ Âu châu mới hiểu biết thêm về môn sinh lý học và việc giữ vệ sinh cơ thể, và biết rằng lỗ chân lông của con người cần được thông thoáng để mồ hôi và các thứ khác trong cơ thể có thể thoát được ra ngoài. 

Nhưng cũng phải mất một thời gian rất lâu, dần dần người ta mới thay đổi được quan niệm ấu trĩ trong nhiều thế kỷ trước đó, và hiểu được sự liên hệ giữa sức khỏe và việc giữ vệ sinh cá nhân. Từ đó, người ta mới… chịu tắm. Tuy nhiên, một thăm dò mới đây nhất cho biết có đến 45% đàn ông Pháp và 25% phụ nữ Pháp không chịu thay đồ lót mỗi ngày, nghĩa là không tắm.

Ở Mỹ, trước đây nhà ở cũng không có phòng tắm. Đến khoảng thập niên 1840, các kiến trúc sư mới vẽ thêm vào cái thiết kế căn nhà một phòng nhỏ nữa, và lần đầu tiên, căn phòng này được gọi là phòng tắm (bath-room), nghĩa là, sau đó, người ta phải gắn thêm ống dẫn nước, vòi sen và ống thoát nước như chúng ta thấy hiện nay.

 Nhưng trong một thời gian rất dài, cho mãi tới thập niên 1920, ở những vùng nông thôn, mỗi khi muốn tắm, người ta chờ đến tối thứ Bảy mới lôi chiếc bồn bằng thiếc vào đặt ở giữa nhà bếp và đổ nước ấm đầy vào trong đó, và rồi mọi người trong nhà, lần lượt từng người một, tắm chung nước trong bồn ấy, bắt đầu là người có vai vế cao nhất trong nhà, tức ông bố, và đi dần xuống tới người có vai vế thấp nhất, tức cô con dâu. Ai dám bảo dâu Mỹ không bị bạc đãi đâu?

Mà lạ, tại sao lại tối thứ Bảy? Thưa vì sáng Chủ nhật cả nhà sẽ cùng đi xem lễ nên người ta cũng phải sửa soạn cho thơm tho chút chứ. Cả tuần làm việc quần quật ngoài đồng mà để nguyên như vậy tới nhà Chúa thì coi sao được.

Theo tác giả Katherine Ashenburg, người Mỹ bắt đầu sống sạch sẽ, siêng tắm gội hơn từ thời Nội Chiến, khi người Mỹ nhận thấy rằng nếu thường xuyên chịu tắm rửa cho thương binh, thay quần áo, chăn mùng cho họ, thay băng đều đặn, sẽ giảm thiểu số tử vong đáng kể vì tránh cho bệnh nhân bị nhiễm trùng cũng như các bệnh lây lan.

Trước Nội Chiến, người Mỹ cũng ở dơ không kém người Âu châu, và sau khi hết chiến tranh, họ thay đổi lối suy nghĩ, cho rằng sống sạch sẽ mới là lối sống mới mà lại không tốn kém bao nhiêu. Sống sạch là tiến bộ, là hướng tới tương lai, và kết quả tốt đẹp là cả một cộng đồng bớt… nặng mùi.

Rồi các công ty sản xuất xà phòng cũng như những đồ dùng vệ sinh cá nhân phát minh ra những cách thức quảng cáo mới tinh vi, hữu hiệu, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, đã gặt hái được nhiều thành công, đưa vào trong các gia đình người Mỹ, đặt trên kệ cơ man nào những xà phòng tắm, dầu gội đầu, kem đánh răng, nước súc miệng, thuốc tẩy trắng răng, phấn khử mùi, kem thoa da, v.v…

Các nhà làm quảng cáo tìm đủ cách để chỉ cho người ta đủ mọi chỗ trên cơ thể cần phải rửa ráy và giữ cho sạch sẽ thơm tho. Dần rồi người ta bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, đứng cạnh người nào mà hơi có chút mùi nồng nàn là nguời ta tỏ thái độ khó chịu ngay. Có thể nói rằng ở dơ ngày nay là một cái tội, nó làm cho những người xung quanh cảm thấy không thoải mái. Mỗi ngày phải tắm một lần trở thành thứ tiêu chuẩn tối thiểu. Có người tắm ngày hai lần.

Vào thế kỷ 19, Harriet Beecher Stowe, tác giả cuốn tiểu thuyết Uncle Tom’s Cabin (Túp lều chú Tom) nói rằng bà mơ một ngày nào đó mỗi căn nhà của người Mỹ có được một phòng tắm. Lúc đó nhiều người cho là ý tưởng điên rồ, xa xỉ. Nhưng nay thì một phần tư những căn nhà mới xây có ít nhất từ ba phòng tắm trở lên. Nhiều căn chúng cư loại cao cấp, phòng tắm nhiều hơn phòng ngủ.
Ở sạch là việc nên làm, nhưng sạch sẽ quá cũng không phải điều hay. 

Càng ngày càng có nhiều bác sĩ và khoa học gia tin rằng chúng ta đã không cho hệ miễn nhiễm trong cơ thể của chúng ta một chút bụi bặm và vi trùng đủ để cho nó hoạt động mạnh hơn để có thể đối phó với những triệu chứng dị ứng và ho suyễn.

Có một lúc, các nhà khoa học không hiểu vì sao tỉ lệ những người bị suyễn và dị ứng tăng vọt bất ngờ. Bây giờ thì nhiều giả thuyết cho rằng chúng ta tẩy rửa kỹ quá đến độ những đứa con đứa cháu hơi tí là ốm, hơi tí là ho sù sụ.
Đấy, ai dám bảo tắm rửa là chuyện không nhiêu khê.

Huy Lâm




No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List