Popular Posts

Thursday, November 20, 2014

Chúa Nhật 34: Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ Năm A


  
Audio- Thirty-fourth  Sunday, November 23, 2014 Daily Mass Readings Year A

Chúa Nhật 34 Quanh Năm Năm A
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17
"Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.
"Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.
"Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. - Ðáp.
2) Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28
"Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.
Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46
"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.
"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta".
"Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta".
"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"
"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".
Ðó là lời Chúa.

The Solemnity of Our Lord Jesus Christ, King of the Universe
Lectionary: 160

Reading 1EZ 34:11-12, 15-17

Thus says the Lord GOD:
I myself will look after and tend my sheep. 
As a shepherd tends his flock
when he finds himself among his scattered sheep,
so will I tend my sheep.
I will rescue them from every place where they were scattered
when it was cloudy and dark. 
I myself will pasture my sheep;
I myself will give them rest, says the Lord GOD. 
The lost I will seek out,
the strayed I will bring back,
the injured I will bind up,
the sick I will heal,
but the sleek and the strong I will destroy,
shepherding them rightly.

As for you, my sheep, says the Lord GOD,
I will judge between one sheep and another,
between rams and goats.

Responsorial Psalm PS 23:1-2, 2-3, 5-6

R/ (1) The Lord is my shepherd; there is nothing I shall want.
The LORD is my shepherd; I shall not want.
In verdant pastures he gives me repose.
R/ The Lord is my shepherd; there is nothing I shall want.
Beside restful waters he leads me;
he refreshes my soul.
He guides me in right paths
for his name's sake.
R/ The Lord is my shepherd; there is nothing I shall want.
You spread the table before me
in the sight of my foes;
you anoint my head with oil;
my cup overflows.
R/ The Lord is my shepherd; there is nothing I shall want.
Only goodness and kindness follow me
all the days of my life;
and I shall dwell in the house of the LORD
for years to come.
R/ The Lord is my shepherd; there is nothing I shall want.

Reading 21 COR 15:20-26, 28

Brothers and sisters:
Christ has been raised from the dead,
the firstfruits of those who have fallen asleep. 
For since death came through man,
the resurrection of the dead came also through man.
For just as in Adam all die,
so too in Christ shall all be brought to life,
but each one in proper order:
Christ the firstfruits;
then, at his coming, those who belong to Christ;
then comes the end,
when he hands over the kingdom to his God and Father,
when he has destroyed every sovereignty
and every authority and power. 
For he must reign until he has put all his enemies under his feet. 
The last enemy to be destroyed is death.
When everything is subjected to him,
then the Son himself will also be subjected
to the one who subjected everything to him,
so that God may be all in all.

Gospel MT 25:31-46

Jesus said to his disciples:
"When the Son of Man comes in his glory,
and all the angels with him,
he will sit upon his glorious throne,
and all the nations will be assembled before him. 
And he will separate them one from another,
as a shepherd separates the sheep from the goats. 
He will place the sheep on his right and the goats on his left. 
Then the king will say to those on his right,
'Come, you who are blessed by my Father. 
Inherit the kingdom prepared for you from the foundation of the world. 
For I was hungry and you gave me food,
I was thirsty and you gave me drink,
a stranger and you welcomed me,
naked and you clothed me,
ill and you cared for me,
in prison and you visited me.’
Then the righteous will answer him and say,
'Lord, when did we see you hungry and feed you,
or thirsty and give you drink? 
When did we see you a stranger and welcome you,
or naked and clothe you? 
When did we see you ill or in prison, and visit you?’
And the king will say to them in reply,
'Amen, I say to you, whatever you did
for one of the least brothers of mine, you did for me.’
Then he will say to those on his left,
'Depart from me, you accursed,
into the eternal fire prepared for the devil and his angels.
For I was hungry and you gave me no food,
I was thirsty and you gave me no drink,
a stranger and you gave me no welcome,
naked and you gave me no clothing,
ill and in prison, and you did not care for me.’
Then they will answer and say,
'Lord, when did we see you hungry or thirsty
or a stranger or naked or ill or in prison,
and not minister to your needs?’
He will answer them, 'Amen, I say to you,
what you did not do for one of these least ones,
you did not do for me.’
And these will go off to eternal punishment,
but the righteous to eternal life."

Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm A
Chúa Nhật Lễ Chúa Yêsu Kitô Vua
Vị Vua Mục Tử
(Ez 34,11-12.15-17; 1C 15,20-26a.28; Mt 25,34-41)

Phúc Âm: Mt 25, 31-46
"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.
"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta".
"Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta".
"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"
"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A - Chúa Nhật Lễ Chúa Yêsu Kitô Vua
Ez 34,11-12.15-17; 1C 15,20-26a.28; Mt 25,34-41
Hôm nay lễ Chúa Yêsu Làm Vua. Từ ngữ này có vẻ lỗi thời, không khoái tai nhiều người, khiến nhiều người cũng ngại đọc lên. Nhưng nếu tất cả đã nghe Lời Chúa hôm nay và tìm hiểu ý nghĩa, người ta sẽ thấy việc Chúa Yêsu làm Vua không có gì động đến chính trị và từ ngữ kia có một ý nghĩa rất phong phú.

A. Vị Vua Mục Tử
Trước hết, bài sách Êzêkiel đưa chúng ta về quan niệm "Vua" ở trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên trong quá trình lịch sử, Dân Chúa cũng như mọi dân tộc khác đã đi qua chế độ quân chủ. Và từ ngữ "Vua" ở trong Kinh Thánh cũng ám chỉ vị hoàng đế cai trị một quốc gia. Nhưng ngay từ khi Dân Chúa nghĩ đến chế độ ấy, Kinh Thánh đã có một lập trường và một lý luận rất đặc biệt.
Chúng ta nhớ câu truyện Dân đến xin tiên tri Samuel thiết lập chế độ quân chủ. Ông đã bắt đầu phản kháng như thế nào. Ông khẳng định đó chỉ là chế độ bóc lột làm khổ dân. Nhưng cuối cùng ông đã nhượng bộ trước sức ép. Nói đúng hơn, ông đã vâng lời Chúa. Và chính Chúa cũng tỏ ý phải chiều theo sự cứng lòng cứng dạ của một dân bướng bỉnh. Nghĩa là ngay từ đầu, Thánh Kinh đã không có cảm tình với chế độ quân chủ.
Và kinh nghiệm cho thấy vị vua đầu tiên đã không tốt. Vì thương dân, Chúa đã phải ra tay cứu vớt. Người không áp đặt ý tưởng của Người, nhưng sửa chữa ý tưởng của người ta và nâng nó lên đến chỗ hoàn thiện. Chúng ta hãy cảm mến thái độ quảng đại chiếu cố cũng như quyền năng êm ái của Người.
Người không hủy bỏ quân chủ, nhưng ban cho Dân một vị vua lý tưởng. Ðó là Ðavít. Hồi ấy, chàng còn là đứa trẻ tóc hoe, đang chăn chiên ngoài đồng. Chúa đã gọi chàng và xức dầu cho chàng làm vua. Mặc dầu đời vua Ðavít không tránh khỏi mọi lỗi lầm, nhưng tựu trung, đó vẫn là vị vua lý tưởng của Kinh Thánh vì ông kính sợ Chúa, rất khiêm nhu và từ tâm, luôn nhớ nguồn gốc và các đức tính chăn chiên của mình. Hành động đặc sắc nhất người làm sau khi được phong vương là đi đương đầu với tên địch thủ Golyat. Ðavít đã thắng y với phương pháp và tâm hồn một cậu bé chăn chiên đạo đức.
Thành ra khi ví các bậc lãnh đạo dân tộc như mục tử, Kinh Thánh không phải chỉ dùng thể văn thời bấy giờ và quan niệm hoàng đế cai trị dân giống như mục tử săn sóc đoàn chiên. Luôn luôn không nhiều thì ít, Kinh Thánh vẫn muốn gợi lại hình ảnh Ðavít, vị vua mục tử rất đẹp lòng Thiên Chúa. Ðặc biệt khi loan tin Ðấng Thiên Sai sẽ có huy hiệu hoàng đế, Kinh Thánh không nghĩ đến vua chúa của các nước lân bang, nhưng chỉ nghĩ đến Ðavít và quan niệm Ðấng Thiên Sai sẽ là vua nhưng là một vua mục tử, khiêm cung, tận tụy, từ tâm.
Bài sách Êzêkiel hôm nay chứng thực điều đó. Nhà tiên tri loan báo ơn Chúa cứu dân. Người sẽ cứu dân ra khỏi cảnh lưu đày và tái lập quốc gia của họ ngay trên xứ sở của họ. Người sẽ làm thế nào? Êzêkiel đáp: Người sẽ làm như một mục tử. Người coi dân lưu đày như đàn chiên tản mác. Người sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán trong ngày mù tối, ra khỏi các dân mà chúng đang nô lệ. Người đưa tất cả về trên Núi Thánh cho chúng được gặm cỏ nơi những cánh đồng xanh rì và được nghỉ ngơi bên những dòng suối mát. Chính Người chứ không phải ai khác sẽ chăn dắt chúng; tức là chính Người sẽ lãnh đạo dân, làm vua của dân chứ không ai khác nữa. Chúa tuyên bố Người là vua. Nhưng là vua mục tử và là mục tử tốt sẽ săn sóc từng con chiên, đáp ứng yêu cầu của từng con; đồng thời sẽ không để dê cừu lẫn lộn kẻo chúng húc và làm hại nhau, tức là Chúa sẽ phân biệt kẻ dữ người lành, để đàn chiên của Người, Dân thánh của Người được bình an hạnh phúc.
Ðó là lời sấm của Êzêkiel. Ông loan báo việc Chúa dắt dân trở về, nhưng có thể nói chẳng khi nào để họ lại trở thành một vương quốc có vua cai trị nữa, mà để họ làm thành một dân có sứ mạng thiêng liêng, phổ biến ơn cứu độ của Chúa và có Chúa lãnh đạo một cách vô hình.
Nhưng Thánh Thần đã dùng Êzêkiel để nói về những việc xa hơn. Và đoạn tiên tri hôm nay vẫn được coi như là lời loan báo thời đại Thiên sai. Chúa Cứu thế đã đến không phải chỉ để tập họp một dân tản mác lại, mà là muôn dân thiên hạ làm thành một Hội Thánh. Và Người đã xưng mình là mục tử tốt, cắt đặt các bậc lãnh đạo trong Hội Thánh làm mục tử.
Tuy nhiên viễn tượng của bài tiên tri còn đi xa hơn, đi đến tận cùng lịch sử. Chỉ ở đó, vào thời cánh chung, mọi chiên tản mác của Chúa mới vĩnh viễn được thu về Núi Thánh, để được nghỉ ngơi vô tận bên các dòng suối hạnh phúc từ lòng Thiên Chúa Ba Ngôi chảy ra. Khi ấy người ta mới thấy rõ Người là Vua mục tử cụ thể như thế nào! Và người ta sẽ hân hoan sung sướng nhận Người làm Vua một cách thắm thiết biết bao!
Dĩ nhiên bài sách Êzêkiel chưa nói rõ được tất cả. Nhưng nó đã gợi lên; và có thể giúp ta đi vào hai bài đọc sau.

B. Vị Vua Vâng Lời
Bài thư Phaolô đưa chúng ta đến thời đại cánh chung. Chúa Yêsu sống lại là hoa quả đầu mùa. Người sẽ lôi theo tất cả loài người và tạo vật sống lại. Người như Ađam mới. Nếu Ađam cũ đã lôi cả loài người - và qua loài người - cả tạo vật vào hư hỏng và chết chóc, thì Ađam mới lại càng kéo được toàn thể nhân loại sa ngã và tạo vật hư hoại đi vào cõi sống muôn đời... Bây giờ chưa xảy ra như thế. Chúa Yêsu đang còn phải lôi kéo tất cả ra khỏi vòng nô lệ của mọi thứ thù địch để kết hợp tất cả vào Thân Mình Người. Khi nào làm xong công việc ấy; Người sẽ tiêu diệt kẻ thù cuối cùng là sự chết. Bấy giờ tất cả sẽ sống lại. Và Chúa Kitô sẽ dâng tất cả lên cho Thiên Chúa để Người là mọi sự ở trong tất cả.
Ðối với chúng ta bản văn trên đã quen thuộc. Và chúng ta hiểu rằng hiện nay Ơn Chúa đang làm việc trong lịch sử để dần dần tất cả được quy lại dưới một Ðầu là chính Ðức Yêsu Kitô. Người là Vua vô hình của toàn thể Hội Thánh là Thân Thể của Người. Người là Vua của toàn tạo dựng được cứu chuộc nhờ mầu nhiệm Thập giá.
Nhưng theo lời thư Phaolô, chúng ta có thể tự hỏi: như vậy Chúa Yêsu không là Vua vĩnh viễn sao? Vào lúc cánh chung, Người sẽ dâng vương quốc của Người cho Thiên Chúa. Vương quyền của Người sẽ không vô tận như chúng ta vẫn tin!
Không! Ai có thể tách rời Chúa Kitô ra khỏi Thiên Chúa? Vương quyền mà Người đã nhận được sau mầu nhiệm tử nạn phục sinh có tính cách vĩnh viễn. Thánh Phaolô viết như trên để nói lên một chân lý: Ðức Kitô đã được làm Vua trong mầu nhiệm Thánh giá vì đức vâng lời của Người. Người luôn luôn làm theo Thánh ý Thiên Chúa và đã vâng lời cho đến chết trên thập giá, nên đã được tôn vinh trên hết thảy, để từ đó nghe Danh Yêsu, trên trời dưới đất đều thờ lạy... Vậy như Người đã làm Vua vì vâng lời, thì chúng ta muốn vào Nước của Người, muốn được kết hợp vào Thân thể của Người, chúng ta cũng phải có lòng vâng lời Thiên Chúa, tức là thi hành mọi huấn giới của Người. Có như vậy, Chúa Yêsu mới là Ađam mới và chúng ta mới là dòng dõi Ađam mới, khác với Ađam cũ và dòng dõi cũ của ông ở điểm: Ađam cũ và dòng dõi ông đã hư đi vì bất vâng phục, thì Ađam mới và dòng dõi mới của Người sẽ được tôn vinh nhờ đức vâng lời. Khi nói: sau khi đã làm cho tất cả suy phục mình thì Ðức Kitô dâng tất cả cho vương quyền Thiên Chúa, thánh Phaolô không có ý nói đến những công việc trước sau, nhưng chỉ muốn gợi lên ý nghĩa sâu xa và điều kiện căn bản của việc chúng ta thuộc về Ðức Kitô, vì suy phục Người và muốn được Người làm Vua thì phải vâng lời Thiên Chúa, tức là thi hành Thánh ý của Người, như chính Ðức Kitô, vì vâng lời Thiên Chúa, mà được đặt lên thống lĩnh mọi tạo vật. Cũng một hành vi đã đưa Chúa Yêsu lên làm Vua, cũng đưa chúng ta vào Nước của Người, cũng là Nước Thiên Chúa.
Chúng ta hãy dựa vào bài Tin Mừng hôm nay để xác định thêm về hành vi này.

C. Vị Vua Nhân Ái
Cũng như thánh Phaolô, trong bài Tin Mừng này, thánh Matthêô muốn có một cái nhìn tiên tri về ngày chung thẩm. Vì quen với văn Cựu Ước, nên khi nghĩ đến ngày của Thiên Chúa, người nhớ ngay tới hình ảnh Con Người mà tiên tri Ðaniel đã vẽ ra. Do đó, người viết: khi Con Người sẽ đến trong vinh quang của Người, có mọi thiên thần của Người hầu cận, thì Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người.
Chúng ta thấy ngay thánh Matthêô đã muốn ám chỉ Con Người thật là một vị hoàng đế uy nghi, có tất cả mọi sự thuộc về mình. Nhưng vị hoàng đế ấy lại như một mục tử đang kêu mọi dân tộc đến với đàn chiên. Người là Chúa Con vì Người gọi những kẻ lành là kẻ được Cha Người chúc phúc. Như vậy, vào ngày chung thẩm chính Chúa Yêsu sẽ đến phán xét chúng ta. Người ngự trên ngai vinh hiển như một vị Vua. Nhưng cách làm việc của Người lại như một mục tử. Người là Vua mục tử như Êzêkiel đã loan báo. Người phân các dân tộc ra hai bên tả hữu của Người như mục tử phân chiên ra khỏi dê.
Ðể làm công việc này, Người chỉ có một tiêu chuẩn: bên những người lành là những kẻ đã thi hành lòng nhân ái; còn bên kẻ dữ là những kẻ thiếu lòng nhân đạo. Ðiều khó hiểu là Người đã xét xử người ta theo lòng nhân ái và nhân đạo đối với chính Người. Nhưng có ai đã gặp Người ở trần gian mà thi hành lòng nhân ái? Câu Người trả lời còn lạ lùng hơn nữa. Người nói: Khi các ngươi làm hay không làm gì cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Người là làm hay không làm cho chính Người.
Truyền thống đã cắt nghĩa từ ngữ "các anh em hèn mọn nhất" ám chỉ mọi con người thiếu thốn, đau khổ mà chúng ta gặp. Quả thật, hết mọi người đã trở thành anh em của Chúa Yêsu kể từ ngày Người mặc lấy bản tính nhân loại. Và khi hiểu như vậy, chúng ta có lý để khẳng định rằng sau này Chúa sẽ phán xét chúng ta theo thái độ bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Và đó chính là lệnh truyền Người đã để lại cho chúng ta trước khi về trời. Và như thế chúng ta thấy thánh Matthêô và thánh Phaolô đã hợp ý với nhau khi nói rằng muốn được nhận vào Nước của Chúa Yêsu sau này, chúng ta phải vâng lời Người mà yêu thương bác ái với anh em.
Nhưng dường như thánh Matthêô hiểu từ ngữ "các anh em hèn mọn của Chúa" một cách hẹp hơn. Người nghĩ đặc biệt đến các môn đệ tông đồ của Chúa vì người chỉ dùng từ ngữ này trong hai trường hợp khác (ở đoạn 12,50 và 28,10) đều để nói về môn đệ. Họ thật là những người hèn mọn vì gia thế của họ không có gì cả. Và nhất là vì họ phải nên giống như Người là Ðấng đã tự hạ để trở thành tôi tớ. Cụ thể, ở thời Matthêô, các Tông đồ thừa sai của Chúa bị tầm nã, bắt bớ, đánh đập, phỉ báng vì Danh Chúa. Họ đang sống mầu nhiệm Thập giá là mầu nhiệm cứu thế của Chúa. Những ai đón nhận họ quả thật là đón nhận Chúa. Và những ai cho họ một ly nước lã vì họ là môn đệ thì quả thật là như ban cho chính Chúa. Người ta săn sóc các môn đệ trong hoàn cảnh bắt bớ là săn sóc chính Chúa và xứng đáng với Nước Trời rồi vậy.
Giải thích từ ngữ trên cách nào cũng rất hợp lý. Và giữ cả hai cách lại còn hợp lý hơn. Muốn vào Nước Trời, người ta phải đón nhận các Tông đồ của Chúa, cho dù bề ngoài họ chỉ là những con người hèn mọn. Bấy giờ người ta mới thật sự không đón nhận họ như người phàm và sứ điệp của họ như sự khôn ngoan của thế gian, nhưng như các anh em của Chúa và như Tin Mừng cứu độ. Lúc ấy người ta cũng sẽ khám phá ra rằng theo đạo là hội nhập một cộng đoàn khiêm tốn gồm phần lớn những người nghèo khó, bởi vì chính Chúa, tuy là Vua nhưng cũng đã sống như một mục tử, đến nỗi đã bỏ mạng sống mình vì đàn chiên của Người. Và người ta sẽ hiểu rõ vì sao lệnh truyền của Người là bác ái và có tuân giữ lệnh truyền của Người mới được vào Nước Trời.
Giờ đây Chúa cũng ngự đến trong Bí tích Thánh Thể. Người thật là Vua của chúng ta. Nhưng Người lại chia sẻ Thịt Máu Người cho đàn chiên. Nhận lấy ơn thiêng của Người chúng ta phải muốn xả kỷ hy sinh cho anh em. Và khi làm như vậy chúng ta thống trị được bao khuynh hướng xấu xa phát xuất từ căn bản tội lỗi do nguyên tổ để lại, tức là óc kiêu ngạo, không muốn vâng phục và chỉ muốn đè trên người khác. Chúng ta sẽ làm cho vương quyền của Chúa Yêsu lan ra nơi con người và đời sống của chúng ta. Chắc chắn xã hội sẽ được nhờ ảnh hưởng của Vương quyền đó và dần dần hết mọi người sẽ thấy Chúa chỉ là Vị Vua Mục Tử rất đáng mến và không có gì phải sợ cho các quyền lợi trần gian.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


__._,_.___

Posted by: Tracy Dong 

2 comments:

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List