Popular Posts

Sunday, April 19, 2015

Những chuyện sau 30.4.75 không thể nào quên được Ốc đảo Tân Lập - Vĩnh Phú (địa ngục trần gian)





http://nguyentran.org/BMTT/Hinh/NgayQH7.jpg


Những chuyện sau 30.4.75 không  thể nào quên được
Ốc đảo Tân Lập - Vĩnh Phú (địa ngục trần gian)

Kẻng báo thức sáng, Cán bộ Trực Trại  “Thi Đua” đi mở cửa các nhà giam, họ đi vòng hết nhà này đến nhà kia mãi 30 phút sau mới đến lượt Đội Đại tá chúng tôi được mở cửa cho ra sau cùng. Anh Trực Nhà và 2 anh Trực phụ (thay phiên hàng ngày) tất tưởi dắt nhau chạy đi lãnh phần ăn sáng và nước uống chín ở Nhà Bếp của trại đem về chia cho anh em.
Chia vội vã vừa xong, kẻng tập họp đi lao động cũng bắt đầu gióng lên, ai nấy cầm phần ăn của mình vừa đi ra sân tập họp vừa ăn. Khi tới sân tập họp, người nào ăn chưa kịp hết phải bỏ vào túi, chờ lúc ra khỏi cổng trại vừa đi vừa ăn tiếp. Nếu không ăn như vậy, ra tới hiện trường phải lao động ngay đói không làm việc được “năng nổ” tối về sẽ bị “phê bình xây dựng”. Nếu bị anh em góp ý kiến “xây dựng” hoài, hậu quả tai hại sẽ đến với bản thân là bị phạt giảm phần ăn hàng ngày trong một tháng.

Phần “sắn duôi” ăn sáng chẳng được bao nhiêu, ém gọn lại được vừa bằng một nắm tay, chỉ đôi người có dạ dầy yếu phải nhai chậm rãi như Tôi mới gặp trở ngại, còn nhiều bạn khác bụng dạ khoẻ, ăn uống nhậm lẹ thì chả thấm tháp gì.
Sáng nào cũng vậy, trong thời gian ngồi chờ Cán bộ Trực Trại đến đọc lệnh gọi các Đội lần lượt xuất trại, mấy người “Thi Đua” đi vòng “kiểm tra” xem áo quần của ai chưa đóng dấu sơn “ám số Trại” thì họ đem con dấu bằng gỗ to dài hơn bàn tay có tẩm sơn đen pha lẫn dầu đến đóng lên lưng áo và 2 bên ống quần. Người nào quầo áo đã đóng dấu, nhưng lâu ngày sơn bị phai bạc mờ đi thì đóng chồng lên cho được rõ ràng. Đây là biện pháp phân biệt Tù với người thường ngoài trại để dễ lùng bắt nếu Tù trốn trại.

Hôm nay, Đội chúng tôi và nhóm anh em mới tới xuất trại lao động lần đầu tiên nên được “Thi Đua” “quan tâm” “chiếu cố” trước nhất. Họ đến đóng dấu sơn “ám số trại” lên quần áo chúng tôi, ngay khi chúng tôi vừa tới ngồi tại sân tập họp.
Sau này Trại phát cho mọi người loại quần áo Tù bằng vải thô Nam Định, cả áo lẫn quần đều bị may ghép lẫn lộn bằng những mảnh vải nhuộm 2 mầu khác nhau, nếu nửa thân và tay áo bên Phải mầu xanh nước biển, thì nửa thân và tay áo bên Trái mầu trắng, quần cũng một ống trắng một ống xanh. Thật rõ ràng lồ lộ chẳng lẩn đi đâu lọt, thế mà cả quần lẫn áo vẫn phải đóng dấu “ám số trại”. Cứ mỗi 6 tháng mỗi người được lãnh 1 bộ, nếu rách sớm hơn thời gian quy định phải tự vá víu mà mặc. Có thể mặc quần áo riêng của mình, nhưng dĩ nhiên là phải bị đóng dấu sơn “ám số trại” lên trên.

Đội chúng tôi bắt đầu tham gia lao động tại K1 Trại Tân lập với công tác đi chặt cây xim và cây muông đem về làm củi đun cho Nhà Bếp. Xim được chặt trên những ngọn đồi cách xa trại khoảng 3 cây số, bó gánh về chất đống dài sát tường phiá ngoài cổng trại giam. Nhà Bếp Tù ra lấy vào dùng đun nấu thực phẩm và nước uống chín phát cho Tù. Nhà bếp của Cán bộ canh Tù cũng lấy củi ở đây về dùng hàng ngày.

Trước khi lên đường, anh em phải ghé vào đống củi cao như núi bên cạnh tường ngoài cổng trại, lấy mỗi người 1 cây dài 2 mét đường kính khoảng 10 phân đem theo làm đòn gánh củi mang về.
Củi xim thân cây nhỏ, cỡ lớn nhất chỉ bằng ngón chân cái, xum xuê cành con và nhiều lá, cao chừng 1 mét rưỡi. Chặt củi chẳng khó khăn gì, nhưng muốn có dây để cột củi thành từng bó thì phải cắt cỏ tranh dài rồi bện nối lại với nhau thành những sợi dây nhợ dài ngắn tuỳ theo nhu cầu. Không biết cách cột cho chắc, khi xốc đòn vào đưa lên vai bó củi sẽ xổ tung ra, hoặc tụt rơi vãi từ từ dọc đường rất phiền phức.

Gom xếp một gánh củi với 2 bó nhơ nhỡ vừa với sự chịu đựng của bắp thịt vai mình thì coi không được, cán bộ nhìn thấy chỉ trích là:
“-Bó củi gì mà chỉ bằng nắm tay, trẻ con nó còn chê nhẹ”.
 Nếu gom bó đủ lớn coi cho vừa mắt, dọc đường về sẽ bị chiếc đòn gánh và sức nặng của 2 bó củi hiệp nhau hành hạ bắp thịt vai, cổ, cột xương sống lưng của mình đau đớn chịu không nổi.

Không biết gánh, lúc nào cũng phải gồng vai gân cổ lên chịu sức nặng, cắn răng bước đi dồn dập như chạy, thì mỗi bước chân đạp xuống đường là một nhát dao cứa trên vai, đau buốt vào óc, dồn xương sống mỏi hông ngang thắt lưng. Ráng hết sức cũng chỉ đi được khoảng trăm mét, lại phải quăng gánh củi xuống đất để nghỉ. Sau mỗi lần nghỉ, lúc đưa gánh củi lên vai đi tiếp cho kịp bạn bè là một lần khổ nạn, vì sẽ cảm thấy hình như gánh củi nặng gấp đôi trước, bắp vai nóng rát đau chẳng khác nào bị vọp bẻ (chuột rút) chịu hết muốn nổi.
Bị bắt buộc phải làm mãi, rút kinh nghiệm lần rồi cũng “giác ngộ” biết được là khi gánh phải hơi cúi đầu khòm lưng về phiá trước, để cho đòn gánh đè tréo từ giữa bả vai bên này qua u thịt sau cổ sang gần bả vai bên kia, bắp thịt vai sẽ không bị đau. Bước đi phải nhịp nhàng, theo đà nhún nhẩy lên xuống của 2 bó củi ở 2 đầu đòn gánh.

Nhiều bạn cả đời chưa có dịp phải gồng gánh, thấy những người buôn thúng bán bưng làm hàng ngày cứ tưởng dễ dàng như mình ngồi lái xe hơi, nay phải làm mới thấm thiá và thán phục cái tài xốc vác chịu đựng của những người “lao động chân tay” trần ai cực nhọc đến mức nào.

Đi cắt củi được hơn một tuần lễ, Trại phát động Kế hoạch “Thi đua làm Cách mạng xanh”. “Mục đích yêu cầu” là làm cho tất cả những khoảng đồi núi trong phạm vi đất dành cho Trại đang trơ trụi không cây cối, phải được phủ kín bằng một mầu xanh của các ruộng sắn (khoai mì) gồm 2 loại khác nhau: 1.-công nghiệp, 2.-để ăn, và miá re thân nhỏ vỏ cứng nhưng rất ngọt, ép lấy nước cô thành “mật đường” để cất rượu trắng. Đây là “kế hoạch làm kinh tế” để Trại có tiền tự túc nuôi Tù và Cán bộ canh Tù, theo lệnh của Nhà nước đã ban hành từ hồi đầu năm 1977.

Đội chúng tôi phải đi đào hố trồng sắn, ngay trên những ngọn đồi đã chặt củi xim. Mỗi buổi lao động sáng cũng như chiều, mỗi người phải đào 15 hố vuông cạnh 70 phân sâu 80 phân, các hố cách nhau một mét. Trên mặt đồi, cỏ dại cỏ tranh dầy đặc cao cả thước phải phát sạch trước khi đào hố. Đất đỉnh đồi cứng chắc nịch lẫn đá lổn nhổn, không có xẻng nên mỗi người phải múc đất từ dưới lòng hố lên bằng cuốc của mình.
Vất vả vô cùng cho những người lãnh phải cây cuốc cũ, lưỡi bị mòn nhỏ cùn hoặc xứt mẻ. Chỉ có 3 anh bạn Tù cấp úy tăng cường nhân số Đội, và vài người khác khoẻ như anh Đội trưởng Lê Đình Luân, Mục sư Dương Kỳ, anh Tôn Thất Hùng... là đạt chỉ tiêu quy định, buổi lao động nào họ cũng dư ít phút ngồi nghỉ ngơi, còn đa số anh em chẳng bao giờ hoàn tất đủ “chỉ tiêu” trước lúc mãn giờ lao động.

Mỗi người tham gia lao động được Quản giáo Đội “ghi điểm tính công” hàng ngày. Ai đau ốm nghỉ bệnh nhiều không tham gia đủ số ngày công hay lao động hàng ngày không “đạt chỉ tiêu”, sẽ bị phạt giảm mức ăn quy định hàng tháng xuống. Những người lao động “năng nổ vượt chỉ tiêu”, hàng đêm được anh em trong Đội “bình bầu” là “gương mẫu” nhiều lần, sẽ được Quản giáo quyết định thưởng tăng phần ăn. Người được thưởng sẽ được ăn tăng thêm 2 kí lô một tháng, tức là 14 kí lô thay vì 12 kí lô như mọi người. Người bị phạt phải giảm mức ăn xuống còn 11 kí lô, tức là bớt đi 1 kí lô.
Mức ăn quy định cho mỗi người bình thường hàng tháng là 12 kí lô ngũ cốc (gạo, hoặc các loại khác như: bột mì, hột bo bo, sắn, bắp, khoai).

Thời gian chúng tôi tới trại này, phần gạo được thay thế bằng “sắn duôi” theo tiêu chuẩn một đổi một, tức là 1 kí lô “sắn duôi” khô tính bằng trị giá 1 kí lô gạo. “Sắn duôi” là sắn tươi bào thành sợi nhỏ như sợi bánh phở, sấy hoặc phơi khô cho bốc hết hơi nước. Tôi không biết tại sao gọi là “sắn duôi”, nghe anh em Tù cũ tại đây gọi vậy thì nhận biết như vậy. Để làm cho “sắn duôi” chín, người ta rửa nước như vo gạo rồi để vào các vỉ tre đan và đem hấp từng chồng nhiều vỉ một lượt trên những vạc nước đun sôi. Lúc còn sống “sắn duôi” mầu trắng đục rời rạc như gạo, khi chín trở thành trong và dính quện với nhau như cơm nếp, những sợi sắn không chín vẫn giữ nguyên mầu trắng đục. Không biết tại sao lúc nào “sắn duôi” hấp cũng bị nửa chín nửa sống.

Phần “sắn duôi” ăn sáng được nấu cùng lúc với phần ăn chiều, xúc riêng ra để qua đêm đến sáng mới phát. Gặp mùa lạnh thì không sao, đến mùa nắng thời tiết oi nóng “sắn duôi” để qua đêm bị thiu nhơn nhớt và có mùi chua, ăn vào nhiều người yếu dạ bị đau bụng tiêu chẩy. Tù vẫn phải lãnh về ăn, vì chẳng có gì khác để nhồi vào bao tử duy trì sự sống cho cơ thể mà lao động.

Việc hớt tóc cho Tù ở K1 trại Tân Lập này khác hẳn với bên các Trại do Quân đội quản lý. Ở đây, Trại mua 1 bộ đồ hớt tóc gồm Tông-đơ, kéo và lược, trao cho Ban “Thi Đua” cất giữ. Hàng ngày, theo lịch trình quy định luân phiên cho các Đội mượn đem ra “hiện trường lao động” hớt tóc cho nhau. Hồi còn ở K2 (trại cây khế) Liên trại 1 xã Việt Cường Yên Bái, sau khi bị sốt vàng da hành không chết Tôi mất sức nhiều không ra ngoài lao động nặng được, Quản giáo Đội đã trình Phân trại trưởng cho Tôi ở trong trại phụ trách phòng hớt tóc một thời gian. Anh em trong cùng Đội hiện nay ai cũng biết, do đó ngày nào đến phiên Đội được xử dụng bộ đồ hớt tóc thì anh Đội trưởng cũng trình Quản giáo Đội cho Tôi miễn lao động để hớt tóc cho anh em.

Quản giáo bằng lòng, nhưng buộc anh em trong Đội phải gồng mình làm bù đắp phần của Tôi, nhằm “bảo đảm chỉ tiêu chung” của Đội phải “đạt” trong ngày. Giống hệt trường hợp anh phụ trách nấu nước chín tại “hiện trường lao động” cho Đội, anh em cũng phải làm nhiều hơn để bao phần “chỉ tiêu” hàng ngày của anh ấy.

Việc hớt tóc giữa trời, có nhiều kỷ niệm khó quên cho cả thợ hớt và người được hớt. Không có ghế cho khách ngồi, nên cả thợ lẫn khách đều phải đứng. Hai người cao xấp xỉ ngang nhau, do đó khách buộc phải đứng dưới ruộng hoặc rãnh bên luống, chịu đựng ướt chân và ống quần để nhường cho thợ đứng trên bờ đất cao không phải vói tay nghển cổ mới hớt được dễ dàng. Thời tiết dù mưa hay nắng, cả 2 người cùng phải đứng giữa đồng mà hớt cho nhau, không có một tán cây bóng mát nào để núp. Lúc nắng còn đỡ, gặp trời mưa thì thật là một cực hình cho cả 2 người, mặc dù ai cũng có khoác áo mưa. Khách phải dùng hai tay cằm chiếc nón lá dơ cao hơn đầu, để cho mưa không làm ướt đầu và chui qua cổ áo làm ướt người. Thợ luôn luôn phải giơ 2 tay cao ngang vai, nước mưa cứ tự do theo 2 cổ tay áo mưa, dù đã cột chặt bằng dây, để trôi vào làm ướt tay áo vải bên trong, thật là trần ai không bút nào tả xiết.

Chúng tôi đến đây được khoảng ba tháng, bắt đầu có dịch kiết lỵ lan tràn trong trại. Các khu vệ sinh công cộng dùng thùng đựng phân lộ thiên, ruồi nhặng sinh sôi nẩy nở nhanh chóng bay đi khắp trại nhất là khu nhà bếp. Có thể là trăm phần trăm nhân số Tù đã bị mắc bệnh. Những người khoẻ sức đề kháng trong cơ thể còn mạnh, chỉ bị sơ sơ vài 3 ngày rồi hết. Những người suy nhược nhiều, sức đề kháng yếu bệnh ngày một tăng, từ đi đại tiện có phân lần lần chỉ còn nước nhờn và máu. Ngày đêm đi liên tục cả 2, 3, 4 chục lần, mệt mỏi hốc hác tiều tụy mà vẫn phải đi lao động như thường. Chỉ những ai ngày đêm đi từ trên năm mươi lần ra toàn máu và thêm sốt nóng lết đi không nổi nữa, thì mới được Đội trưởng ghi danh cho đi khám bệnh.

Khi nộp sổ khám bệnh, Tù “Thi đua”  làm Y tá tại Bệnh xá buộc Tù phải ra góc sân ngồi rặn ra mũi và máu còn nóng hổi trình cho Cán bộ Y tế thấy rõ ràng, mới được cho vào Bệnh xá nằm chữa trị. Rất nhiều anh em khai bệnh nhưng không được Cán bộ Y tế cho vào điều trị tại Bệnh Xá, chỉ được cấp thuốc uống tại chỗ rồi trờ ra theo Đội tiếp tục đi lao động mặc dù họ rất mệt mỏi đuối sức.
Những người bị kiết lỵ nặng nhưng không bị phù thũng thì có hy vọng sống, còn những ai vừa kiết lỵ vừa phù thũng thì chỉ ít ngày sau là đi về với Tổ tiên. Tôi đã bị ở trong trường hợp kiết lỵ và sốt nặng đến nỗi bị ngất xỉu bên thùng phân trong phòng giam ban đêm, phải kêu cấp cứu mới được đưa vào Bệnh xá nằm điều trị.
Bệnh xá có 2 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 16 mét vuông kê 5 giường nhỏ loại 1 người nằm. Tôi và những người kiết lỵ nằm trong phòng “bệnh truyền nhiễm”. Lúc cấp cứu đưa vào, Tôi phải nằm tạm dưới đất vì tất cả 5 giường đều đã có 2 người nằm chung. Gần sáng có người chết, sau khi bệnh nhân khiêng anh ấy ra túp lều chứa xác chết nơi giữa bãi đất trống phiá sau Bệnh xá, Tôi được lên giường nằm thế vào đó.

Thuốc chữa trị hàng ngày, chỉ là 1 bát nước đủ loại lá thuốc Nam do nhân viên bệnh xá lên rừng kiếm về, băm nhỏ, phơi khô, bỏ vào vạc ninh nhừ để qua đêm đến sáng lấy nước phát cho bệnh nhân uống. Đây là loại thuốc trị Bá Bệnh, ai đau ốm ra sao không cần biết, hễ cứ đến xin khám bệnh là được cho uống 1 bát. Nếu ai có sốt thì được thêm dăm chục viên Xuyên Tâm Liên, mầu vàng xậm như nghệ trộn với gì không biết vê thành viên tròn nhỏ bằng hột đậu xanh, bỏ vào miệng cảm thấy mùi vị hắc hắc the the lưỡi.
Ban ngày, mưa cũng như nắng lúc nào ở góc sân Bệnh xá phiá sau gần bếp cũng có để một thùng gỗ để cho bệnh nhân ra xếp hàng thay phiên nhau ngồi rặn è è, ôm bụng rên đau quằn quại. Còn ban đêm, cửa các phòng bệnh bị khoá trái bên ngoài y như các láng giam, nên có một thùng gỗ để nơi góc phòng cho mọi người tiện dụng. Lúc nào cũng có 4, 5 người ngồi chồm hổm ôm bụng, chụm đít quanh thùng nhăn nhó rặn, cổ bạnh ra mặt mũi đỏ gay.

Tại Bệnh xá, có anh Tù Hình Sự được Cán bộ Y tế dùng làm “Thi Đua” cho ở thường xuyên ngày đêm trong Bệnh xá, để kiểm soát bệnh nhân thay Cán bộ. Nếu bệnh nhân nào không gọi anh ta là Bác sĩ hoặc không khéo lời tâng bốc anh ta, thì dù bệnh tình chưa thuyên giảm cũng sẽ bị đề nghị cho xuất viện ngay để nhường chỗ cho người khác. Ai biết điều và nịnh bợ anh ấy, thì dù đã hết bệnh rồi cũng vẫn được ở nghỉ thêm vài 3 ngày mới phải rời Bệnh Xá.

Theo tin tức thâu lượm được qua những anh em nằm tại Bệnh xá trước Tôi, và phối kiểm qua những lời ba hoa của anh ta trong thời gian Tôi nằm tại Bệnh xá, biết được anh Tù Hình Sự này bị án tù trung thân vì tội “làm giấy bạc Cụ Hồ giả”. Hồi còn ở ngoài xã hội anh ta làm nghề Chăn Nuôi chuyên trách về thiến Heo, thiến Gà trống, nên anh ta tự coi mình là Bác sĩ Thú Y.

Có một chuyện ly kỳ liên quan đến anh “Thi Đua” này, làm anh em Đội chúng tôi hoảng sợ không bao giờ quên được. Số là, Đại tá Tô văn Vân phụ trách nấu nước ngoài “hiện trường lao động” của Đội chúng tôi, một đêm kia tự nhiên bị đau bụng giữ dội phiá bên Phải, nghi là sưng ruột dư phải kêu cấp cứu và được đưa vào Bệnh xá.

Sáng hôm sau là ngày Chủ nhật nghỉ lao động, Đội chúng tôi bị tập họp lên Hội trường để nghe anh “Thi Đua” này cùng Cán bộ Y tế nói cho nghe về tình trạng nguy kịch của anh Vân, cần phải giải phẫu gấp nếu không thì chết. Họ đưa ra “phương án hành động khẩn trương, thực hiện ca mổ ngay tại Phân trại”, vì thời gian chuyển qua K5 (Trại trung ương) làm thủ tục đưa ra Tỉnh e không còn kịp. Họ tỏ ra rất tự tin nhờ có rất nhiều kinh nghiệm về mổ sẻ súc vật (cũng chẳng khác gì người ta), nên rất bảo đảm không có gì phải lo ngại. Họ yêu cầu chúng tôi góp ý kiến quyết định, đồng thời hỏi ai có lưỡi dao bào râu còn mới thì cung cấp cho họ xử dụng làm dao mổ.

Chúng tôi ngỡ ngàng, dứt khoát xin miễn góp ý kiến vì mạng sống của anh Vân không thuộc phần trách nhiệm của chúng tôi quyết định. Đây là việc thuộc quyền quyết định của Nhà nước và thân nhân của anh ấy. Hơn nữa, trong chúng tôi không ai có lưỡi dao bào râu còn mới để cung cấp.
Buổi trưa ngày hôm sau là Thứ Hai, khi anh em đi lao động về, anh Trực Buồng cho biết hồi sáng lúc đi ngang qua khu Bệnh Xá xuống bếp lãnh thực phẩm cho bữa trưa, đã gặp anh Vân đứng bên bờ rào Bệnh xá. Anh Vân cho biết đã hết đau nhờ hồi hôm mửa ra mấy nùi giun đũa, trước khi mửa có con đã chui ra từ lỗ mũi. Thật khủng khiếp !!!

Sau khi hết đau bụng, không biết anh Vân làm cách nào được “biên chế” vào Bệnh xá phụ giúp anh “Thi đua” nấu thuốc, cháo, và nước uống chín cho Tù nằm điều trị tại đây chớ không phải ra ngoài lao động theo Đội nữa.

Trong thời gian nằm tại Bệnh xá, Tôi còn phải chứng kiến một anh bị kiết lỵ và phù thũng nằm chung giường chết rất thương tâm. Anh ấy được đưa vào nằm cạnh Tôi sau giờ khám bệnh buổi chiều, đến nửa đêm thì chết. Ngay sau khi được vào Bệnh xá, anh ấy mở túi xách đựng dụng cụ ăn và mấy thứ lặt vặt cần dùng như bàn chải răng khăn mặt… ra xem, lấy mấy bức thư và ảnh của Vợ Con ra khoe Tôi và chăm chú đọc lại rất vui vẻ yêu đời.

Tôi thấy trong túi có hộp sữa bò đặc hiệu con chim và một hộp bánh quy. Tôi nói chúng ta bị bệnh là do thiếu dinh dưỡng mà ra, sao anh không dùng sữa và bánh mà “bồi dưỡng” cho nó khoẻ để dành làm gì, lỡ chết vì đói kiệt sức cơ thể không chống nổi bệnh hoạn thì chẳng phụ lòng Vợ Con lắm sao? Anh ấy cười trả lời chưa cần, Tôi còn đủ sức chịu đựng mà!
Đến khuya anh ấy lên cơn sốt nóng như lửa, rồi mê man, Tôi phải kêu cứu và xuống đất nằm để nhường nguyên chiếc giường cho anh ấy. Anh “Thi Đua” nằm ở phòng khám bệnh kế bên nói vọng sang trả lời:
 “-Để sáng sẽ tính”.
Đến gần sáng, anh Tù bệnh lịm dần không nghe tiếng rên rỉ nữa, anh ấy đã ra đi vĩnh viễn. Anh ấy là một Sĩ quan cấp Úy thuộc Công binh, Tôi không nhớ tên và đơn vị.
Phải đợi đến kẻng báo thức sáng, Cán bộ Trực Trại vào mở khoá cửa phòng giam bệnh và Cán bộ Y tế đến lập biên bản xong, chúng tôi mới được lệnh Cán bộ Y Tế để anh chết nằm vào chiếc chăn dạ riêng của anh ấy, rồi khiêng ra bỏ tại túp lều tranh chứa xác giữa bãi cỏ hoang cách Bệnh xá khoảng một trăm mét. Một lúc sau anh “Thi đua” vào lấy tứi đựng đồ riêng của anh tù chết trong đó có hộp sữa và hộp bánh quy, không biết đem nộp cán bộ hay giữ làm chiến lợi phẩm riêng? Người ta đem anh tù chết đi chôn lúc nào không ai thấy, chắc là ban đêm.
Tôi nằm Bệnh xá được một tuần lễ thì bệnh kiết lỵ thuyên giảm. Không biết nhờ 2 bát nước thuốc Nam và 60 viên Xuyên Tâm Liên mỗi ngày, hay nhờ 2 bát cháo gạo lỏng nêm muối của Bệnh xá cho Tù bệnh ăn hàng ngày thay vì “sắn duôi”, hay nhờ được nghỉ không phải lao động?

Theo quy định của trại, Tù bệnh nằm điều trị tại Bệnh xá được phát mỗi bữa 3 muổng đường để ăn với cháo, nhưng anh “Thi Đua” chặn lấy dùng riêng và nói rằng kiết lỵ mà ăn đường bệnh sẽ tăng chữa không được. Chẳng ai dám tố cáo vì sợ bị anh “Thi Đua” hại ngầm thì thiệt thân. Tôi biết được là nhờ anh Tô văn Vân nói nhỏ cho nghe lúc anh em gặp nhau tại bếp của Bệnh xá. (Anh Vân và Tôi biết nhau từ năm 1967, khi anh ấy còn là Thiếu tá được đưa về làm Chánh văn phòng cho Đại tá Hoàng Gia Cầu đang làm Tổng cục Trưởng Địa phương quân và Nghĩa quân tại Bộ Tổng Tham mưu thay thế Đại tá Trương văn Xương thuyên chuyển đi Vùng 4 Chiến thuật ở Cần Thơ. Lúc đó Tôi là Trung Tá đang giữ chức vụ Tổng cục Phó.)

Những người nằm điều trị kiết lỵ trước Tôi, khi nào họ hết hẳn không đi cầu ra máu nữa thì mới phải ra viện. Nhưng phần Tôi, không biết vì sao bệnh chỉ mới thuyên giảm chưa dứt, ngày đêm vẫn còn đại tiện ra mũi và máu khoảng 6, 7 lần, gầy ốm hốc hác, mệt đi bộ xa chưa nổi, thế mà Cán bộ Y tế nói là Cán bộ Quản giáo Đội đến yêu cầu phải cho Tôi ra khỏi Bệnh xá theo Đội đi lao động để bảo đảm ngày công quy định.

Tôi ra theo Đội đi phát cỏ và vun gốc sắn. Trong thời gian này, các anh Phạm Tài Điệt, Trần văn Thăng (2 người đều là An ninh quân đội), Nguyễn văn Phúc (Chính huấn Tổng cục Chiến tranh Chính trị) vì lao động lơ là kém năng xuất, và Tôi (Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị, Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến) với cái tội nằm Bệnh xá lâu không bảo đảm đủ ngày công, nên bị phạt giảm mức ăn hàng tháng xuống còn 11 kí lô. Hai người khác trong Đội “lao động năng nổ” được thưởng tăng mức ăn lên 14 kí lô là Mục Sư Dương Kỳ và anh Tôn Thất Hùng.
Bốn người bị phạt giảm mức ăn để tăng mức ăn cho 2 người lao động giỏi được thưởng, thật là bất ngờ làm mọi người xửng sốt. Người bị phạt buồn đã đành, người được thưởng cũng xốn xang áy náy.
Thoạt đầu các vị này chỉ muốn cố gắng “năng nổ lao động” để được coi là “ cải tạo tiến bộ” sớm được tha, đâu ngờ Cách Mạng lại thâm độc áp dụng luật bù trừ lấy của người bị phạt thưởng cho người “lao động năng nổ” để tạo thù hận chia rẽ giữa anh em Tù với nhau.

Việc xẩy ra rồi 2 người được thưởng mới tỏ ra hối hận, vì biết đã bị lừa mắc bẫy của “Vẹm” (Vẹm là chữ lóng dân chúng miền Bắc dùng để ám chỉ Việt Minh từ hồi 1946). Anh Tôn Thất Hùng thỉnh thoảng đưa nguyên phần ăn một bữa của anh ấy tăng cường cho chúng tôi để tỏ lòng hối hận. Còn Mục sư Dương Kỳ thì không dám, ông nói qua trung gian cho anh em biết là sợ làm như anh Hùng chằng may Cán bộ biết được sẽ buộc tội vi phạm Nội quy Điều lệ của Trại, nguy hiểm cho cả người nhận lẫn người cho!!!

Mới tới K1 Tân Lập được khoảng hơn 3 tháng, mà ai nấy đã hốc hác nhất là sau dịch kiết lỵ phù thủng, mọi người suy xụp rõ ràng chỉ còn da bọc xương bơ phờ. Ai cũng sụt đi phân nửa cân nặng của mình, trông chẳng khác nào những hình “nộm bù nhìn” trong những bộ quần áo tế thần lụng thụng. Ngày đi trình diện tập trung Tôi cân nặng 67 Kí lô, đến lúc này chỉ còn được 30 kí. Chiếc thắt lưng da mang theo, bây giờ muốn dùng để giữ quần cho khỏi bị tụt xuống, phải đục thêm lỗ cách lỗ cũ khoảng 20 phân. Biết chắc là mình chỉ còn nặng đúng 30 kí lô, vì thời gian Đội chúng tôi phụ trách phơi đong cân thóc cất vào kho, anh em đã lén đứng lên chiếc cân bàn để cân cho biết trước khi cân các bao thóc.
Lúc nào cũng đói, lại phải lao động vất vả với “chỉ tiêu” cao, thiếu dinh dưỡng trầm trọng, nên trong khi lao động ở ngoài đồng hễ thấy sinh vật nào nhúc nhích ăn được là vồ ngay, ngoé, nhái, ễnh ương, chằng hiêu, cóc, thằn lằn, rắn, cào cào, châu chấu, rế cơm, rế mèn, chuột nhắt, gì cũng chộp hết ngoại trừ điả và giun. Mặc dù biết làm như vậy là vi phạm Điều lệ Nội quy Trại giam, mọi người đã phải học thuộc lòng nhưng vẫn làm. Thà mưu sinh để sống còn cho tới ngày được cứu thoát, còn hơn tôn trọng Nội quy để chết trước khi thấy “ánh sáng ló dạng nơi cuối đường hầm”.

Thoạt đầu, bắt được nhái ngoé còn bỏ túi chờ tới giờ giải lao mò đến chỗ nấu nước, giả bộ hút thuốc lào để bỏ vào đống than nướng chín rồi mới ăn. Nhưng về sau, anh nấu nước sợ vạ lây không cho, đành lột da ăn sống tại chỗ hoặc nhét vào túi đem về ngâm nước muối trại phát 3 thià canh mỗi bữa để ăn với “sắn duôi”. Ăn vào thấy cũng rất ngon ngọt chẳng khác gì thịt gà cá gỏi.
Có lẽ trong số anh em mưu sinh linh tinh bất hợp pháp này Tôi là người “năng nổ” nhất, nên thường được anh Tổ trưởng (trước 30 tháng 4 năm 1975 làm Tỉnh trưởng Bình Dương) thương lo lắng cho sức khoẻ của Tôi, chiếu cố xây dựng hoài trong các giờ họp “kiểm thảo, phê và tự phê” trong Đội ban đêm, luôn luôn có sự rình nghe của “Thi Đua” và Quản giáo Đội từ phiá ngoài cửa sổ phòng giam.

Anh ấy cũng thường xuyên bị anh em bắt gặp lén mưu sinh như Tôi và nhiều bạn khác, nhưng chẳng ai góp ý kiến “xây dựng” anh ấy bao giờ. Có lẽ anh ấy làm như vậy, vì phải thi hành trọn vẹn trách nhiệm do Quản giáo giao phó cho các Tổ trưởng và Đội trưởng, là phải theo sát anh em trong Đội để báo cáo thì mới được coi là “cải tạo tiến bộ”. Tuy nhiên anh ấy cũng rất thông minh và khôn lỏi, mỗi lần “xây dựng” cho Tôi về vụ mưu sinh linh tinh, anh ấy luôn luôn “tự phê” trước để tự nhận rằng bản thân cũng có vi phạm nhưng hứa sẽ “khắc phục” không tái phạm. Anh ấy cũng phân bua, sở dĩ phải “xây dựng” cho anh em vì thương và muốn anh em giữ được sức khoẻ tốt “cải tạo cho mau tiến bộ” để về với Vợ Con.
Qua mùa Thu năm 1979, Đội chúng tôi bị chuyển về K5 nằm gần bên Trụ sở Ban Giám Thị chỉ huy toàn Trại Tân Lập, thì anh ấy bị cảm sốt nặng được vào Bệnh xá điều trị, ít ngày sau bị biến chứng ho sưng phổi rồi chết vì ngộp nước trong phổi tắc thở cứu không được. Người ta phải đâm kim vào ngực rút nước ở buồng phổi ra để cứu nhưng vô hiệu.

Vấn đề vệ sinh cá nhân ở K1, mỗi tuần lễ Tù chỉ được đưa ra sông cách trại khoảng 2 cây số để tắm rửa giặt giũ quần áo có một lần, vào sau giờ lao động chiều thứ bẩy. Ngày thường sau buổi lao động chiều, Tù được đưa tới hồ nước bên Đội Gạch cách trại 2 cây số để tắm rửa. Đây là hầm lấy đất làm gạch, lâu ngày sâu dần xuống và rộng ra thành hồ chứa nước mưa tù đọng, rong rêu cỏ rác đủ thứ xà bần dơ bẩn hôi tanh thế mà vẫn phải nhào xuống tắm rửa cho sạch mồ hôi bụi bặm và bùn đất bám đầy chân tay mặt mũi sau cả ngày lao động vất vả. Cả ngàn con người chờ đợi nối đuôi nhau, mỗi đợt chỉ cho 2 Đội cỡ 80 người xuống trong vòng 5 phút là phải lên. Những người xuống sau bao giờ cũng phải tắm rửa nước bùn đục ngầu vì phải đứng gần ven bờ, ra xa một chút là hụt chân ngập đầu không đứng được.

Làm xong các ruộng sắn, Đội chúng tôi đổi công tác đến kho phụ trách việc đập vò đạp các bó luá cho thóc rơi ra, ban mỏng trên sân gạch phơi cho khô, dồn vào bao cân và cất vô kho. Trước khi dồn thóc vào bao, còn phải quạt bỏ thóc lép. Một người xúc thóc vào thúng, nâng để lên một bên vai rồi từ từ nghiêng thúng cho thóc chẩy xuống đất, người khác đứng kế bên 2 tay cầm chiếc mẹt quạt liên tục cho thóc lép bay ra khỏi dòng thóc mẩy đang chẩy xuống. Công việc phải làm giữa sân gạch nắng chang chang cả ngày, bụi bặm bám đầy người phải dùng khăn bịt mồm mũi để bảo vệ buồng phổi. Những bó rơm đã rụng hết thóc phải đem chất thành đống cao cả chục mét ở góc sân gọi là cây rơm, sau này dùng làm gì không biết.

Lúa thóc do Tù reo, cấy, trồng, gặt, đập, phơi khô, xay xát ra gạo để Cán bộ canh Tù ăn hàng ngày, còn Tù thì quanh năm ăn toàn sắn, bắp. Trong mùa thâu hoạch ồ ạt sắn, bắp, thì một phần cấp cho Tù ăn tươi hàng ngày, phần còn lại, bắp thì phơi khô tách hạt ra khỏi cùi, sắn thì lột vỏ sắt lát mỏng hoặc chặt thành những khúc ngắn sấy khô, xong xuôi đem cất kho phát ra ăn dần về sau.
Sau khi hết lúa để đập để phơi, Đội chúng tôi được chỉ định vào quét dọn hót cám lẫn trấu trong nhà máy cà xát lúa ra gạo để nhồi vào bao tải. Cả ngày chìm đắm trong bụi bậm mịt mù, vất vả hơn đập phơi lúa ngoài sân rất nhiều, nhưng được cái may hàng ngày mỗi người được “bồi dưỡng” một túi cám lẫn trấu đem về sàng rây bỏ trấu đi, còn lại cám lẫn tấm nấu chín mà ăn.

Quản giáo Đội cho phép anh đun nước giúp anh em nấu chín trong giờ lao động. Ai muốn nhờ thì đổ tấm cám và nước vào Gô riêng, giao cho anh nấu nước vào lúc đầu giờ lao động, đến giờ nghỉ giải lao giữa buổi là có cháo bột tấm cám chín sền sệt để ăn. Mùi vị hơi đăng đắng hôi hôi khó ăn, nhưng phải ráng mà nuốt cho cơ thể có thêm chất bổ của bột gạo tấm và cám để chống phù thũng và cái đói triền miên vô tận.
Một tai họa thảm thương đã xẩy ra, làm ai nấy đau đớn và lo sợ vô cùng. Có anh ở một đội khác bị trướng bao tử, nghẽn ruột và chết vì ăn cám, trong khi anh em chúng tôi cũng ăn mà chưa có người nào làm sao cả. Sau này có tin từ Bệnh xá loan ra cho biết, anh bạn tử nạn vì không rây bỏ trấu vụn lẫn trong cám tấm, cứ để nguyên như vậy nấu ăn cho được nhiều, trấu không tiêu làm nghẽn đường tiêu hoá bể ruột chết. Cũng kể từ đấy, Tù không được mót cám về “bồi dưỡng” nữa.

Kho vừa hết “sắn duôi” cung cấp cho Nhà Bếp thì vừa đúng mùa thâu hoạch sắn tươi, mọi người được ăn sắn tươi luộc dài dài ngày 3 bữa. Sắn tươi dùng thay gạo theo tiêu chuẩn 4 kí lô sắn còn cả vỏ bằng 1 kí lô gạo. Ăn sắn tươi có một số người bị say. Nghe anh em nói, sắn trồng trên đồi tranh củ nào bị rễ tranh xuyên qua, ai chẳng may ăn phải những củ này thì khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi ăn là bị say. Khi say sắn, cơ thể cảm thấy nao nao buồn tiểu đại tiện, nôn khan, hoa mắt chóng mặt, người bải hoải như bị trúng gió, say nặng có thể ngất xỉu vài phút sau mới tỉnh lại.

Tôi chẳng may bị say sắn tới 2 lần.

Lần đầu vào khoảng 9 giờ đêm, lúc mọi người chuẩn bị đi ngủ, Tôi mót đại tiện, mò vào góc nhà nơi để thùng cho Tù đi vệ sinh ban đêm đứng xếp hàng chờ. Tự nhiên Tôi thấy ánh sáng ngọn đèn dầu đổi mầu từ vàng trong sang vàng đục rồi đỏ và tối xầm đi, ngã qụy xuống đất không biết gì nữa. Anh bạn đứng sau, thấy Tôi đang đứng bỗng dưng xỉu và ngã gục xuống đất, phải xốc nách bế đặt đại lên một chỗ nằm kế đó, hô hoán kêu mọi người xúm lại cạo gió cấp cứu, vài phút sau thì tỉnh lại.

Lần thứ 2 nguy hiểm hơn, nó xẩy ra vào khoảng quá nửa đêm. Chỗ ngủ của Tôi ở sàn gỗ trên cao cách mặt đất 2 mét, đang ngủ tự nhiên thấy bụng quặn đau mót đại tiện,Tôi chui ra khỏi mùng bò men theo bià sạp phiá chân của 3 bạn nằm bên để tới cái cột có các cục gỗ nhỏ làm thang bấu chân vào tụt xuống đất. Sau khi đạp được đầu bàn chân trái lên mẩu gỗ thứ nhất, bắt đầu xoay người tụt xuống để đặt đầu bàn chân phải lên cục gỗ kế theo, thì thấy choáng váng chân tay bủn rủn không kiểm soát được và rớt xuống đất cái rầm, rung động cả nền nhà làm mọi người giật mình thức giấc tưởng có động đất.
Tai nạn này đã làm cổ chân phải của Tôi sưng vù, đau đớn không đứng được bằng 2 chân, và cũng không leo lên chỗ ngủ ở tầng sạp trên cao của Tôi được. Anh Đội trưởng đã phải nói đi nói lại 2, 3 lần với các bạn nằm ở sạp dưới, vui lòng đổi chỗ cho Tôi nằm tạm qua đêm.

Sau mấy phút im lặng, có một bạn tốt bụng đã đáp ứng lời yêu cầu khiến Tôi vô cùng cảm kích, và nhớ ơn bạn ấy đến bây giờ vẫn chưa quên. Sáng ngày hôm sau, bạn ấy còn quyết định cho Tôi nằm tạm trên chiếc nệm cao su bơm hơi của bạn ấy thêm mấy ngày, đến khi Tôi chống gậy đi và leo lên sàn cao được mới thôi. Người tốt bụng này là Đại tá Nguyễn văn Hãn (An ninh Quân đội), Tôi chưa có dịp quen trước 30-4-1975. Anh Hãn không những bị cận thị nặng hơn Tôi nhiều, mà lại còn bị loạn thị nữa, thật vất vả làm gì cũng phải sờ sờ mò mò gần như người khiếm thị vậy.

Mỗi buổi sáng, ngay sau khi cửa phòng giam được mở, Tôi phải 2 tay vịn chiếc đòn gánh dư của anh trực nhà cho mượn, co chân phải lên cà nhắc nhẩy từng bước một với chân trái để xuống Bệnh xá khám bệnh. Khám xong lại vội vã cà nhắc nhẩy về sân tập họp, trình sổ khám bệnh cho anh Đội trưởng biết là mình được nghỉ lao động ngày hôm đó.

Những Tù bệnh được nghỉ không phải theo Đội ra ngoài lao động, sau khi các Đội xuất trại hết phải tập trung vào một nhà giam riêng ở cuối sân bên khu Hình Sự, cửa khóa trái bên ngoài cho đến hết giờ lao động các Đội trở về nghỉ mới được mở cửa cho ra.
Khoảng 2 tuần lễ sau, tình trạng chân của Tôi hết sưng có thể đi lại với chiếc gậy nạng, Cán bộ Y tế coi là lành không cho nghỉ nữa phải theo Đội đi lao động. Cũng may, lúc này Đội không còn làm Nông Nghiệp nữa mà phụ trách Cưa xẻ và Lò rèn, ở sát ngay bên cạnh Đội Mộc (đóng giường, tủ, bàn, ghế...) cách cổng Trại giam chừng 500 mét. Chúng tôi xẻ những cây gỗ to tướng ra ván cung cấp cho Đội Mộc, và nung sắt làm cuốc, xẻng, dao... theo “yêu cầu” của Trại. Tôi được cử vào toán Rèn do anh Đại úy gốc Cảnh sát làm Toán trưởng, anh Trịnh Đình Đăng phụ tá quai buá tạ, và Tôi được giao cho việc nhóm Lò, kéo Bễ thổi lửa cho than đá lúc nào cũng hồng đủ độ nóng để nung sắt.

Ít lâu sau, cổ chân của Tôi bình thường trở lại, Tổ Rèn không còn nhiều việc để làm, Tôi được chuyển qua Tổ Cưa xẻ gỗ đứng cặp với anh Phan Trọng Thiện. Vì anh Thiện đã làm lâu rành kỹ thuật kéo cưa xẻ gỗ, nên đứng trên cao để giữ mực cưa đi được thẳng tắp và bề dầy của tấm ván đều đặn, còn Tôi mới vào nghề nên phải đứng phiá dưới, phụ nâng cưa lên và kéo cưa xuống cho được nhịp nhàng đều đặn. Cái khổ của người đứng phiá dưới xúc gỗ đang xẻ là, từ lúc bắt đầu kéo cho đến khi ngưng, lúc nào cũng bị mạt cưa rớt ra bay phủ đầy người từ đầu xuống đến chân, miệng và mũi phải dùng khăn quàng bịt kín để lọc cho bụi không lọt vào phổi nên rất khó thở và mau mệt.

Từ ngày làm trong xưởng, không còn dịp mưu sinh linh tinh các sinh vật ngó ngoáy ngoài đồng nữa, Tôi chờ giờ giải lao giữa buổi lao động chạy ra các bãi cỏ sát hàng rào quanh sân để mót rau má, rau tầu bay đem về ăn độn với “sắn nút chai”. Đây là sắn nguyên củ, sau khi lột bỏ vỏ chặt thành từng khúc ngắn cỡ 2 đốt ngón tay đem phơi hoặc sấy khô rồi cất vào kho. Những mẩu sắn khô đổi mầu từ trắng lúc còn tươi sang nâu xám khi đã khô, trông như những mẩu xốp người ta thường dùng để làm nút miệng chai, do đó anh em đặt cho cái tên “sắn nút chai”. Muốn làm “sắn nút chai” chín để ăn, người ta rửa sạch rồi bỏ vào chảo nước luộc như luộc bắp luộc khoai. Thấy ngoài mặt các cục “sắn nút chai” luộc đổi mầu từ đục sang trong tưởng là đã chin, nhưng lúc ăn mới thấy trong lõi cục nào cũng còn sống nguyên.
Mùa Hè năm 1978, có lẽ là mùa tử vong cao nhất tại K1 trại Tân Lập-Vĩnh Phú. Có hôm, trong khi các Đội ngồi phơi nắng cả tiếng đồng hồ chờ gọi xuất trại lao động buổi chiều, có đến 3, 4 người ngất xỉu vì say nắng giữa sân tập họp, được anh em xốc nách đem vào Bệnh xá cấp cứu. Chiều tối lao động về nghe tin 1 người đã chết. Một buổi khác, một anh Đội trưởng Nông Nghiệp cũng cải thiện linh tinh ăn thịt Cóc và trứng Cóc vào bữa trưa, đến chiều ra tập họp đi lao động bị ngất xỉu, anh em cõng vào Bệnh xá cấp cứu không được nên anh ấy đã vĩnh viễn ra đi trước mọi người.

Đi lao động bị tai nạn chết tại K1 Tân Lập-Vĩnh Phú có trường hợp Trung tá Hưng (trước 30-4-1975 làm Tham mưu trưởng Trường Đại học Chiến tranh Chính trị ĐàLạt). Nghe anh em bạn cùng đi với anh Hưng theo xe tải của Trại công tác ngoài lãnh thổ trại giam trở về kể lại:
“-Xong công tác, lúc quay trở về trại trời đã tối mịt, Xe phải chạy băng qua khúc sông cạn đá lổn nhổn, chẳng may bánh xe bị kẹt đá ở giữa dòng sông nước chảy xiết không nhúc nhích được. Anh em Tù phải xuống xúm chung quanh đẩy cho xe tiến tới, anh Hưng chẳng may bị hụt chân chìm mất tích. Mãi mấy ngày sau dân chúng mới báo cho trại biết là thấy xác anh Hưng nổi lên tắp vào bờ sông ở phiá hạ lưu”.
Trại loan tin anh Hưng không biết bơi nên bị chết đuối.
Nữ Văn sĩ Bích Huyền là vợ Trung tá Hưng hiện đang định cư tỵ nạn tại Nam California đã viết một tuyển tập “Lối cũ chẳng sao quên”, trong đó có đoạn kể lại chuyện đi thăm nuôi anh Hưng tại K1 Tân Lập- Vĩnh Phú, phải lặn lội gian nan khổ cực như thế nào. Ít lâu sau có người nhắn tin về nhà cho biết là anh Hưng đã chết, chị ấy lại phải đi cùng 3 người anh ở Hà Nội (theo Cách mạng từ 1945) trở ra Tân Lập để kiểm chứng. Khi đến Phân Trại nơi gặp anh Hưng lần trước, người ta nói anh Hưng đã chuyển trại nhưng không cho biết tên trại mới. Mấy anh em phải chạy ngược chạy xuôi qua hết các Phân trại, chẳng nơi nào nhận đang “quản lý” anh Hưng. Sau cùng phải đến Ban chỉ huy Trại Tân Lập tại K5, mới được xác nhận là anh Hưng đã chết thật và đã xin được Trại cho phép bốc hài cốt anh Hưng đem về cải táng.

Vào đêm thứ Sáu mồng 7 tháng 1 năm 1994, Bà Bích Huyền đã được Tổng Hội Ái hữu Chiến tranh Chính trị Quân lực Việt Nam Cộng hoà Hải ngoại tại Nam California bảo trợ tổ chức “Ra Mắt” cuốn sách “Lối cũ chẳng sao quên” lần đầu tiên tại Vũ trường Ritz ở Quận Orange. Lúc đó Trung tá Nguyễn Ngọc Thông là Chủ tịch Tổng hội, Nhạc sĩ Nguyễn Hiền làm Phó Chủ tịch Nội vụ (hai Vị này đã qua đời ít năm sau đó) và Tôi làm Phó Chủ tịch Ngoại vụ của Ban chấp hành Tổng hội. Nhân dịp tổ chức Dạ Vũ Ra Mắt sách này, Tôi đã cảm đề một bài Thơ tặng Bà Bích Huyền như sau:
DÒNG KỶ NIỆM ĐẸP
Bích Huyền “Lối cũ chẳng sao quên”,
Lẻ bóng duổi dong một chiếc thuyền.
Xã hội nhiễu nhương lòng sắt đá,
Tình đời trao đảo dạ trung kiên.
Chồng đền nợ nước gương anh dũng,
Vợ giữ gia phong tiếng nữ hiền.
Trí sáng khéo ghi dòng kỷ niệm,
Bút tài giỏi họa khúc chuân chuyên.
Little Saigon, Quận Orange, Nam California, 7-1-1994
KHIẾT CHÂU NGUYỄN-HUY HÙNG.
Vào năm 2011, bà Bích Huyền đã cùng anh em cựu Sinh viên Sĩ quan hội Ái hữu Trường Đại học Chiến tranh Chính trị tổ chức Lễ tưởng niệm tại Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ ở thị xã Westminster quận Orange Nam California, và sau đó đưa di ảnh cố Trung Tá Hưng vào thờ tại chùa Điều Ngự do Văn phòng II  Viện Hoá Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ quản trị ở số 14472 Chestnut St. Westminster, CA 92683 USA.

Anh em Tù chết bệnh tại K1 trại Tân Lập thì nhiều, nhưng cấp bậc Đại tá chỉ có anh Phạm văn Sơn tác giả cuốn “Việt Nam tranh đấu sử Cận đại”. Anh Sơn chết vì bệnh tiểu đường biến chứng. Trước 30-4-1975 anh Sơn là một trong những người có công lớn trong việc nghiên cứu, biên soạn cuốn “Quân Sử Việt Nam Cộng hoà” gồm 4 Tập, và Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà đã ấn hành để phổ biến rộng rãi trong toàn Quân Đội. Hồi những năm đầu thập niên 1990 khi Tôi và gia đình mới tới định cư tỵ nạn tại quận Orange Nam California, thấy mấy tập Quân sử này được in lại và bầy bán tại các nhà sách trong Khu Little Saigon Quận Cam Nam California, Tôi đã mua lưu giữ để tham khảo khi cần.

Vào khoảng mùa Hè năm 1978, rất nhiều Tù bị giam tại các vùng Sơn La, Lào Kay, được chuyển về K1 Trại Tân Lập, nhờ thế Tôi có dịp được gặp Trung úy Nguyễn Trung Hoà bút hiệu Huy Vân Chủ bút tờ Nhật báo Tiền Tuyến thời Tôi làm Chủ nhiệm trước 30-4-1975. Ít ngày sau, Huy Vân cùng một số người mới đến bị chuyển sang Phân trại khác cũng thuộc trại Tân Lập. Qua khoảng cuối năm 1979, Đội các Đại tá chúng tôi cũng bị chuyển sang K5 nơi có Ban Giám thị chỉ huy toàn trại Tân Lập. Tại nơi trại mới này, Tôi có dịp gặp một số anh em trước 30-4-1975 cũng từng phục vụ tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị cho biết, anh Huy Vân đã qua đời trong mùa Hè chết chóc kinh khủng vừa qua vì bệnh không thuốc chữa.

NỖI LÒNG TÙ KHÔNG ÁN
Hùng Vương Quốc Tổ thấy không ?
Đồng bào cùng giống Tiên Rồng diệt nhau.
Vì không thần phục Nga Tầu,
Không theo Bác Đảng làm trâu kéo cầy.
Sa cơ bắt nhốt vào đây,
Hoà mình chịu nhục cùng bầy ác gian.
Đọa đầy cực khổ cơ hàn,
Sức mòn lực tận tiêu tan xác phàm.
Người vì Chính nghĩa chịu giam,
Bọn vô nhân đạo lên làm Chủ dân.
Giang sơn gấm vóc tiêu lần,
Nhân tài yêu nước chung thân ngục tù.
Đình, Chùa, Lăng, Miếu, Nhà Thờ,
Hoang tàn vì thuyết Tam Vô bạo tàn.
Nhân dân đói khổ lầm than,
Bởi bầy Cộng sản ác gian lọc lừa.
Nỡ nào Quốc Tổ làm ngơ,
Để cho lang sói dòng Hồ hại dân ?
K1-Tân Lập-Vĩnh Phú, Mùa Đông 1978
                                               NGUYỄN-HUY HÙNG

Cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Nhật báp Tiền Tuyến trước 30-4-1975.
Cựu Tù nhân chính trị 13 năm lao động khổ sai trong các trại tập trung cải tạo của đảng Việt Cộng và bạo quyền Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam trên cả 3 miền đất nước sau ngày Quốc hận 30-4-1975.

                                                                                              ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List