Popular Posts

Wednesday, April 15, 2015

Oan Nghiệt



From: Binh Ty <
Date: Sun, 12 Apr 2015 23:52:22 +0000
Subject: Để nhớ lại ngày 30-4-1975, xin mời đọc truyện "Oan Nghiệt" về cái chết của LM Lý Văn Hảo

 
Oan Nghiệt
 Phạm Quang Trình
 Trong căn phòng nhỏ của đồng chí Út Cu, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Xã Tam Binh, các đồng chí trong chi bộ Đảng đang bàn thảo một kế hoạch hết sức quan trọng là làm sao đẩy cái bọn Bắc Kỳ di cư này đi vùng Kinh Tế Mới. Dưới áng sáng lờ mờ của một ngọn đèn điện, vẻ mặt ai cũng nghiêm trọng. Vấn đề đặc biệt nên các đồng chí quyết định họp về đêm để tránh sự dòm ngó của dân chúng quanh vùng kể cả cán bộ không có trách nhiệm. Đồng chủ tọa hôm nay là các đồng chí Một Chuẩn và đồng chí Nguyễn Văn Đề, Trưởng phòng Công An. Có mặt tại phiên họp thì ngoài đồng chí Út Cu, còn có các đồng chí Ba Bồi, đồng chí Bẩy Quới, Xã đội trưởng Du Kích Nguyễn Văn Đực, đồng chí Kim Nguyên nằm vùng giờ thứ 25 và Trưởng Ban An Ninh xã Tam Bình Nguyễn Văn Đẩu tức Tư Đẩu.

Mở đầu, đồng chí Út Cu lên tiếng:
-         Thưa các đồng chí, trong chiến dịch vận động vừa qua, Ủy ban Nhân Dân Cách Mạng xã chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, hô hào và dùng cả đến các biện pháp mạnh với dân chúng mấy ấp này mà đa số là bọn Bắc Kỳ di cư năm tư. Nhưng bọn chúng lì lợm, lần lữa không chịu đi nên không đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch trung ương đã đề ra. Xã chúng tôi có gần hai chục ngàn người, làm sao phải cho đi Kinh Tế Mới một nửa. Hiện nay qua mấy tháng vận động, tất cả mới có được trên hai chục gia đình tình nguyện ra đi. Nếu không có sự tiếp tay của các đồng chí thì tôi e rằng khó lòng đạt được mục tiêu của kế hoạch…

Một Chuẩn cắt ngang:
-         Vấn đề vận động đồng bào đi Kinh Tế Mới, mình phải xét các thành phần mà vận động. Đối tượng thứ nhất là mình nhắm vào mấy tên phản động chế độ cũ, thành phần tư sản mại bản có cơ sở làm ăn lớn trái với đường lối chính sách của Nhà Nước. Phải vận động, đe dọa và ép chúng đi. Nhân lúc chúng còn hoang mang và e ngại về những biện pháp trừng trị cùa Nhà Nước, thì mình ép chúng mới dễ dàng.

Một Chuẩn nói thế, nhưng thâm ý của lão là muốn đẩy mấy tên có máu mặt đi và kiếm căn nhà lầu để ở thay vì cái túp lều ở mãi trong ấp Bình Phú. Út Cu thì đã chiếm được một căn nhà ở gần xã. Nguyễn Văn Đề làm Trưởng phòng Công An thì ở ngay nhà ông Hoạt đã đi Mỹ. Bẩy Quới lò dò chiếm được căn nhà của em lão Oanh ở ấp Tam Hà. Đồng chí nào cũng có nhà xây tươm tất.

 Riêng chỉ có Một Chuẩn thì vì muốn giữ cái “phẩm chất cách mạng” nên chưa dám. Con lão làm việc ở Huyện Thủ Đức đã gửi đơn xin Huyện Ủy cấp cho căn nhà lầu của lão Oanh ở trại Ba bỏ đi Mỹ nhưng còn chờ cứu xét.

Việc hô hào đồng bào đi vùng Kinh Tế Mới, ngoài việc tản dân, Đảng bộ Thành Phố còn muốn chiếm giữ một số cơ sở Tôn giáo theo chính sách làm chủ tập thể của Nhà Nước hơn là cá thể của “bọn Mỹ Ngụy” trước đây. Xét lại vùng Tam Hà Thủ Đức này chẳng có cơ sở nào đáng giá, trừ cái cơ sở nhà in Sao Mai có 9 cái ao cá của Dòng Đồng Công. Các trường học thì đã “được dâng hiến” cả rồi.

 Phía bên trong Dòng Đồng Công thời toàn là những dẫy nhà lợp tôn ọp ẹp. Giải phóng xong, họ rỡ tôn đem bán giờ nhìn thấy quang lơ. Mà có chiếm ngụ thì cũng không tiện vì chung quanh dẫy nhà mười tám gian này toàn là mấy ấp Băc Kỳ di cư. Có việc gì xẩy ra, bọn chúng vác dao vác gậy rượt thì Công an Bộ đội cũng không còn đường nào mà tháo chạy.

Đề, Trưởng Phòng Công An quay sang hỏi Xã đội Trưởng Du Kích:
-         Yêu cầu đồng chí cho Chi bộ biết nội vụ sáng nay tại Khu Ao Cá.
Nguyên Văn Đực lên tiếng:
-         Theo kế hoạch dự trù, có sự phối hợp ngầm của Ban Công An thì chúng tôi sẽ tấn công bắt cái lão thầy Cương đang làm Giám Đốc của cơ sở này để nhờ đó mình có cớ tịch thu toàn bộ cơ sở như đồng chí đã cho hay trước. Tin tức bên Công An cho biết lão thầy Cương ngụ ở phòng đầu trên lầu sát lề đường, bên cạnh đám ruộng muống nhà bà Tằng. Mình sẽ tấn công bắt hắn ở đó. Đúng 5 giờ sáng, tui dẫn Tiểu đội Du Kích từ ngã Bình Phú lên. Gần đến mục tiêu, tui ra lệnh cho thằng Huỡn bắn một phát M.79 nổ đùng một cái ở trên lầu ngay phòng lão thầy Cương và tức thì tui cho tiểu đội Du kích chạy ào tới mục tiêu, nhẩy qua hàng rào qua khu ao cá, rồi chạy thẳng lên lầu khám xét. Trong khu có mấy thằng thầy sợ hãi chạy ra đón hỏi cái gì? 

Tui nói gay gắt: “Du kích đi tuần tra, thấy có tiếng nổ ở căn phòng đầu, chạy vô đây khám xét có phải bọn phản động phá hoại hay không?” Mấy thằng thầy Dòng mặt xanh le không nói gì. Tui cho Du kích chạy ập đến phòng lão thầy Cương thì không có gì cả, trống trơn. Lão và đồ đạc của lão đã dọn qua phòng khác từ bao giờ. Hòn đạn M.79 nổ phá bể một một chút cánh cửa sổ. Thế nên mình không thể bắt nó.

Thật ra mấy bữa này, ông thầy Cương được Sở Công An Thành Phố gọi lên để yêu cầu nhường cơ sở ao cá cho Thành phố để thành lập Câu Lạc Bộ Thanh Niên. Cơ sở gồm một dẫy lầu lớn, một nhà in, một Nhà Nguyện và 9 cái ao cá. Thầy Cương hỏi lại người phụ trách:
-         Thưa quý ông, tôi muốn hỏi quý ông một điều là luật lệ về nhà đất ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước đây có áp dụng cho Miền Nam bây giờ mới được giải phóng không?
Người công an phụ trách thản nhiên trả lời:
-         Đương nhiên.
-         Vậy thì chiếm hữu cơ sở của chúng tôi đã có trên hai mươi năm theo pháp luật Nhà Nước, chúng tôi sẽ được tiếp tục cư ngụ?
-         Anh nói đúng. Chúng tôi biết, nhưng vì nhu cầu chung, chúng tôi yêu cầu anh và Nhà Dòng tự nguyện nhường lại Khu Ao Cá này cho Thành Phố để làm Câu Lạc Bộ Thanh Niên chứ Nhà Nước có ép buộc gì đâu.

Thầy Cương phản ứng liền:
-         Chúng tôi sẵn sàng nhường lại, nếu Nhà Nươc giúp chúng tôi phương tiện nuôi sống một số các Cha già đang ở Nhà Hưu Dưỡng. Tại Khu Sao Mai, nhà in không còn làm việc. Chỉ còn 9 cái ao cá, hằng ngày anh em chúng tôi phải lội xuống ao lo ép cá, nuôi cá mới đủ nuôi sống các Cha. Vậy xin quý ông xét cho.

Hắn trầm ngâm suy nghĩ rồi bảo:
-         Thôi anh cứ về, chúng ta sẽ bàn lại sau.

Thầy Cương về tỏ ra lo ngại, nên đã ra Nhà Nguyện Thánh Tâm xin giáo dân khấn khứa cho được bằng an. Thầy đến trước bàn thờ trưng ảnh Thánh Mac-Tin, thì thầm cầu khấn với ông:
-         Thánh Mác-Tin ơi. Tôi xin giao Nhà Nguyện Thánh Tâm này cho Ngài. Ngài giữ được thì chúng tôi nhờ. Bằng không thì chúng tôi xin vâng theo Thánh ý Chúa.
Có tên Công An giả vờ đến xem Lễ chiều về báo cáo với Trưởng Phòng:
-         Cái lão thầy Cương đã ra Nhà Thờ nói hết cả. Rồi chúng nó đọc kinh cầu nguyện với nhau um cả lên.

Trưởng Phòng Công An báo cáo lên Sở Công An Thành Phố. Nhưng chúng lý luận: “Nếu mình cưỡng chiếm thì nhân dân sẽ cho mình cậy thế mạnh của Nhà Nươc để đàn áp Tôn giáo, nhất là mấy tháng nay, chiều nào dân Công Giáo cũng đến cầu nguyện ở cái Nhà Nguyện Thánh Tâm. Tốt hơn là mình chụp cho nó cái mũ phản động, cho nổ súng và ập đến bắt là xong chuyện. Mà cần bắt cái lão thầy Cương trước nhất.”

Kế hoạch được vạch ra nhưng đem thi hành thì thất bại. Hồ sơ đất cát thời Ngụy chúng không nắm vững. Phòng Công An nghe phong phanh dân chúng nói rằng khu đất vùng Tam Hà này thuộc quyền sở hữu của bà Hồ, một người Việt có chồng Pháp ở bên Tây đã lâu. Khí giám Mục Phạm Ngọc Chi đưa dân di cư vào Nam đã đề nghị với bà Huỳnh Ngọc Hồ cho dân di cư ở và trả với giá thuê thật rẻ.

 Bà Huỳnh Ngọc Hồ đồng ý và Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã giao toàn quyền cho Linh mục Lý Văn Hảo lo việc định cư và phân phối đất thuê cho đồng bào. Nhưng lúc này đã già cả, lại thêm bệnh hoạn, cha Hảo đã xin về hưu, ở một căn nhà ngói cũ kỹ trong khu vườn soài đối diện với Dòng Đức Mẹ Phù Hộ tức là Dòng Sa-lê-diêng Nữ bên ấp Tam Hà II. Hằng ngày, Cha ra làm Lễ ở Nhà thờ Tam Hà do Cha Đặng Văn Đào làm Chánh Xứ.

Giữa không khí có vẻ căng thẳng, Đề lên tiếng:
-         Chúng ta phải làm gì với tên Linh mục Lý Văn Hảo này để nắm được các hồ sơ đất cát?
Hắn hỏi để thăm dò thái độ của các đồng chí trong Chi Bộ, chứ thực tình Đề đã nhận đuợc chỉ thị ngầm của Sở Công An Thành Phố cùng với Một Chuẩn là phải thanh toán tên Linh mục Lý Văn Hảo để lấy các hồ sơ đất cát, nếu cần có thể dùng biện pháp mạnh với y, rồi đuổi đám dân di cư đi vùng Kinh Tế Mới. Nói tóm lại, vì mục tiêu, mọi biện pháp đều có thể thi hành.
Út Cu trả lời:
-         Chúng tôi xin tuân theo mọi quyết định của thượng cấp và đồng chí.
Đề ghé miệng vào tai Bẩy Quới nói nhỏ điều gì rồi tuyên bố:
-         Vậy là xong. Chúng ta có thể giải tán. Đồng chí Bảy Quới, đồng chí Ba Bồi và Xã đội trưởng Du kích lo giùm công tác đêm nay. Có gì báo cáo cho tôi biết ngay để kịp thời trình lên Sở Công An Thành Phố.
                                                        *      *
                                                            *
Chín giờ đêm, Bẩy Quới, Ba Bồi, Tư Đẩu trưởng Ban An Ninh, Xã đội trưởng Du kích Nguyễn Văn Đực và tiểu dội Du kích mang súng đạn, vũ khí từ văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Xã Tam Bình về ấp Tam Hà. Bảy Quới vào phòng Ban An Ninh lấy một sợi dây thừng cuộn lại rồi gài vào cạp quần mà Kim Nguyên đã chuẩn mang lên Xã từ hôm trước. Tất cả bọn lầm lũi đi trên đường bộ. Đám Du kích đi trước, bốn tên kia đi sau. Bảy Quới bảo Xã Đội Trưởng Du kích:
-         Năm à, tới nơi, mày cho Du kích chặn mấy ngả đường nghe. Phía trước cổng, phía đầu Nhà Thờ Tam Hà, phía ngõ vô Trung Tâm Đắc Lộ. Mấy thằng còn lại đi vô trong vườn canh phía sau.
-         Được mà anh Bẩy. Nghề của tui, rành sáu câu mà.

-         Làm ngon đi. Xong việc, tao có con gà trống thiến, mai anh em mình lại nhậu chơi.
Cả bọn vẫn tiến lầm lũi trên đường, rồi tới chùa Vạn Đức Tự lúc nào không hay. Ngôi chùa này nằm cạnh Hương lộ 15 nối liền từ quận Thủ Đức tới xã Tam Bình rồi quẹo ra phía Quốc lộ 13 đi về Bình Dương. Ở một địa thế thuận tiện cho các Tín đồ  cũng như những ai muốn vãn cảnh, ngôi chùa được xây dựng khang trang vuông vắn ngay chính giữa khu vườn. Ở phía trái trên lối đi vào Chùa, có một cái tháp cao “Một Cột” được xây trên một cái ao nhỏ có ba cầu thang uốn vòng từ tháp xuống bờ ao. Cảnh đẹp thơ mộng không những cho các tín đồ và lại là địa điểm hẹn hò cho những cặp nam nữ thanh niên, học sinh đang tuổi mới lớn biết yêu. 

Dù không phải là “Chùa Một Cột” như ở Hà Nội hay “Nam Thiên Nhất Trụ” ở cạnh Làng Đại Học lối đi ra Xa Lộ Sài Gòn – Biên Hòa, nhưng vì có cái tháp một cột nên dân địa phương nhiều người theo thói quen cứ gọi là Chùa Một Cột. Khung cảnh thanh bình êm ả đang diễn ra thì thình lình xẩy ra cuộc đảo chánh 1-11-1963 với nhiều vụ tự thiêu trước và sau đó. Rồi không hiểu vì lẽ gì một ngôi chùa êm ả như vậy lại ở xa thành phố cũng có một vị sư ở trong chúa Vạn Đức Tự bất ngờ tự thiêu ngay giữa sân trước chùa mà không một lời trăng trối.

 Lúc nghe tin có ông sư tự thiêu thì một số dân chúng quanh vùng phần lớn là đàn ông con trai, lác đác kèm vài phụ nữ vì hiếu kỳ rủ nhau lên Chùa xem. Đám đông bàn ra tán vào đủ chuyện. Người thì nói vị sư này tự thiêu để cầu nguyện cho Việt Nam sớm có hòa bình. Người khác bảo là vị sư lỡ yêu một tín nữ, và người này đã đi lấy chồng nên ổng chán đời muốn chết cho rồi. Trong đám người đến coi có mặt vài nhân viên làm việc trên Xã như ông Già Nguyên, ông Phán Chư, ông Chánh Tố. Nhìn vào vị sư tự thiêu nằm giữa sân Chùa với thi thể cháy nám đen, ai cũng cảm thấy rùng mình. 

Chỉ vài ba lít xăng tưới lên mình và một que diêm bật lên trong vòng dăm ba phút đã có thể cất đi một mạng người. Mới ngày hôm qua, vị sư còn vận áo cà sa màu vàng, còn ngồi nghiêm trang trong Chánh điện tung kinh. Vậy mà sáng hôm nay ông đã thành một cái xác đen thui nằm co quắp ở giữa sân chùa, một chân duỗi ra, một chân co lại, quần áo, tóc tai cháy rụi. Người đến coi xúm lại, đi vòng quanh lẩm bẩm nói nhỏ. Bỗng có một thằng bé la rầm lên: “Coi kìa, con chim của ổng còn nguyên, đen, trụi nhủi à…” khiến đám đông trố mắt nhìn vào cái phẩn giữa ấy rồi cười um lên. Của quý vị sư lúc này co lại tròn như quả cau nhẵn nhụi đen thui vì khói! Nhưng chưa hết và như muốn bồi thêm cho có ý nghĩa, ông Chánh Tố cầm cái gậy ba toong chỉ ngày vào cái phần ấy của ông sư nói to lên: “Nguời ta thì con tim bất diệt. Ông này thì con chim bất diệt!!!” làm cả đám đông cười ngặt nghẹo.

Chết là hết chuyện, chuyện đời là thế, Nhưng chuyện ông sư tự thiêu thì chưa hết. Vì từ sau đó có tin đồn cứ về ban đêm, hồn nhà sư hay hiện về đi quanh sân, quanh chùa. Có người nói còn nói chính mắt họ thấy ổng ngồi bên bờ ao dưới cái cây tháp một cột. Thế là tứ đấy, đám thanh niên nam nữ đến cái tuổi biết yêu cũng không còn cặp nào dám bén mảng đó về đêm để tỏ tình, tâm sự. Nhưng có điều chắc chắn là từ đó thỉnh thoảng Việt Cộng đã lén về rải truyền ngay trước cổng chùa. Nhóm Việt Cộng nằm vùng đó do chính Ba Bồi từ ấp Bình Phú dưới làng Nam cầm đầu ban đêm lén ra hành động. Nay giải phóng rồi, Nguyễn Văn Tươi tức Ba Bổi được Chi Bộ Xã Tam Bình cứ lảm Trưởng ấp Tam  Hà đang cùng cả bọn đang trên đường đi cạnh chùa Vạn Đức Tự. 
Đêm tối, bầu trời âm u, không một vì sao. Nhà dân chúng đóng cửa hết cả. Tử trong chùa, tiếng mõ tụng kinh của vị sư nào vẫn lạnh lùng rơi nhẹ đều vào quãng không. Xa xa, chỉ con tiệm bán nước mía của lão Vạn còn đang dọn dẹp.  Nhà lão năm đối diện với Khu Áo Cá của Dòng Đồng Cộng do Thầy Cương quản lý. Ông thầy khỏe mạnh, nhưng có cái thân hình hơi thấp thuờng hay cuốc bộ hay đạp xe ngang qua đây. Mà mỗi lần đi ngang qua nhà lão, thấy vợ chổng lão đang lui cui cán nước mía ở cái xe để trước nhà, ông lại cười hỏi vọng vào với cái giọng diễu diễu:

-         Nhà ông có mấy vạn đấy?
Vợ lão mau mắn:
-         Chả có vạn nào đâu thầy ơi.
-         Dỡn mà! Cứ ba vạn là được rồi.
Ông vừa nói vừa cười ha hả rồi vội vã đi thẳng lên nhà thờ Châu Bình.
Vào giờ này, trời đã tối, lão Vạn cầm cái chổi quét gom các bã mia, hốt bỏ vào trong một cái càn-xế lớn rồi kéo sang đầu nhà. Nghe tiếng chó sủa và nhìn xa xa thấy bóng Du kích vác sung thấp thoáng đi lại gần, lão vội vàng vô nhà khép cửa lại. Qua khe cửa nhỏ, ghé mắt nhìn thấy Ba Bồi, Bẩy Quới và đám Du kích, lão hồi hộp bảo vợ:
-         Đêm tối, mấy ổng đi đâu thế này?
Vợ lão gắt nhỏ:

-         Thôi ông ơi, kệ người ta. Tắt đèn, đi ngủ đi ông ơi.

Tới ngã ba Châu Bình, toàn Du kích và mấy tên Công an đi thẳng vào hướng trường Đồng Công, bây giờ gọi là trường Thái Văn Lung, rồi quẹo tay mặt, bọc theo mí ấp Tam Hà. Khu Nghĩa địa Công Giáo thuộc giáo xứ Tam Hà hiện ra trước mắt với những mộ bia và hàng cây Thánh Giá sơn trắng cao gần đầu người. Qua nghĩa địa là đám vườn khoai của mấy nhà lân cận. Thấy tiếng người đi, chó từ mấy nhà sủa oang. Khi tới gần con đường lớn dẫn ra đầu Nhà Thờ Tam Hà, Đực chạy lẹ lên phía trước dặn mấy thằng Du kích làm theo lệnh của Bẩy Quới. Mấy tên khẽ dạ rồi đi đến các địa điểm. Bẩy Quới, Ba Bồi, Đực và Tư Đẩu tiến vô phía cổng vườn xoài. Ba Bồi thò tay gẩy cái then rồi khẽ đẩy cánh cổng bước vào. Căn nhà ngói cũ kỹ của Cha Hảo lù lù hiện ra trước mắt. 

Những cây xoài đứng im lìm bất động như chờ đón một cái gì nghiêm trọng. Đực dặn hai tên Du kích:
-         Có gì phản ứng liền nghe!
-         Tuân lệnh.
Bốn tên đi thẳng vào nhà Cha Hảo. Ánh đèn điện nê-ông còn bật sáng, ý chừng chủ nhà vẫn còn thức. Con chó con thấy tiếng động sủa oang oang nhưng chủ nhà chẳng thèm để ý. Đêm nào chả vậy, người đi chó sủa. Trong nhà, Cha Hảo vừa ăn cơm tối xong. Mâm bát ông đã để ra bồn rửa để cô cháu gái di dệt trễ ở hãng Sakymen về dọn dẹp sau. Cha mặc một cái áo sơ mi trắng và một cai quần dài đen rộng. Ông lấy cặp kiếng đeo vào, rồi ngồi vào ghế dựa, lấy tờ báo Sài Gòn Giải Phóng ra đọc. Cha đọc chưa hết trang đầu thì có tiếng gõ cửa “Cạch! Cạch!”. Cha lên tiếng;
-         Ai đó?
Ở ngoài, Ba Bồi trả lời:
     -    Công an khu vực. Mở cửa ra coi!
     -    Da, xin chờ một chút.
Cha Hảo chậm chạp buông tờ báo xuống bàn rồi đứng dậy ra mở cửa. Ở ấp Tam Hà hay các Khu, Cha đã quá quen cảnh này nhiều rồi. Công an Khu vực vẫn có thể đến bất cứ giờ nào, ngày hay đêm để kiểm tra hộ khẩu. Cha tuổi già về hưu, ở đây với một cô cháu gái đã lỡ tuối lấy chồng. Ba lăm, ba sáu tuổi gì đó, cô Hoa vẫn ở vậy, ngày đi dệt ở hãng Sakymen mãi ngoài cậu Bình Lợi, tối về nghỉ và chăm sóc ông Cha Bác.
-         Mở cửa lẹ!
Ba Bồi giục. Cha Hảo kéo cái then sắt rồi mở cửa toang ra thì thấy lù lù bốn tên Công An bận đồ kaki xám của Bộ đội. Linh tính như báo cho thấy điều gì không lành, Cha lên tiếng với giọng run run:
-         Thưa có việc gì đấy quý ông?
Bẩy Quới rút sung ra, chĩa thẳng vào ngực Cha đe dọa:
-         Im ngay!
Cha Hảo rùng mình, toát mồ hôi, vội lùi lại hai bước thì nhanh như cắt, Ba Bồi lấy miếng vải đen trùm lên mặt Cha kéo ra đằng sau gáy đồng thời Tư Đẩu và Đực đẩy mạnh Cha ngồi xuống ghế, bẻ gập hai tay ra phía sau giữ chặt. Bẩy Quới liền vứt súng, rút sợi dây thừng quấn vào cổ cha xiết thật mạnh. Bốn tên đánh một chẳng chột cũng què. Cha hảo bị chúng tấn công bất ngờ chẳng kịp hô lên được một tiếng. Ông ọ ọe, dẫy dụa, hai con mắt trợn trừng và hai bên mép ọc ra những máu tươi. Cha càng dẫy, chúng càng xiết chặt hơn. Chỉ ba phút sau thân thể Cha bất động, mềm như sợi bún. Mấy tên kia buông ra. Bẩy Quới vẫn giữ sợi dây thừng, bảo Xã đội trưởng Du kích:
-         Năm, mầy buộc thân nó vào thành ghế dùm tao. Tao giữ cái dầu.

Đực buộc chặt sợi dây thừng, xiết cần cổ Cha Hảo vào thành ghế. Nhưng xác Cha nặng quá như muốn kéo đổ cả ghế nên Ba Bồi và Tư Đảu phải nâng kéo cái ghế lại sát đầu bàn để xác chết có thêm chỗ tựa.
Bẩy Quới thở phào một cái, bảo đồng bọn:
-         Rồi! Tiếp tục!
Một tên tự động vô mở các tủ và các ngăn kéo, có giấy tờ gì thì vơ hết. Mấy cuốn Sách Lễ ở trên bàn chúng bỏ lại. Ba Bồi đẩy cửa phòng của cô cháu gái, nhìn vô trong chẳng thấy gì trừ cái giường gỗ con và một va li quần áo. Hắn mở rồi giũ tung ra giưởng bề bộn.
Giấy tờ, hồ sơ của Cha Hảo được dồn vào một cái bao vải giao cho Đực vác đi. Bốn tên tắt đèn, khép cửa lại rồi rút êm cùng đám Du kích. Con chó con từ nãy giờ thấy người lạ đã chạy ra xa quay đầu lại vẩn sủa oăng oẳng. Tư Đảu nhặt một hòn đất đáp mạnh. Nó chạy mất hút vào bờ giậu.

                                                                 *      *
    *
Cô Hoa, cháu gái Cha Hảo, dệt ca chiều ở hãng Sakymen gần cầu Bình Lợi từ 2 giờ đến 10 giờ đêm. Ở với Cha cả gần chục năm nay, cô lo chăm sóc cho ông Cha Bác già cả không hề có điều tiếng gì. Vậy mà sao chiều nay cô cảm thấy lòng bồn chồn lạ. Có cái gì khiến cô nôn nao, buồn buồn! Ngày nào cũng thế, chiều đi làm, tối về trễ. Lầm lũi ăn bữa cơm tối mãi đến 12 giờ đêm cô mới được đi nghỉ.

 Xong ca dệt thì thường 11 giờ đêm cô mới về đến nhà. Giờ đó, Cha Hảo còn thức, và theo thói quen, Cha vẫn ngồi ở bàn đọc báo dưới anh đèn nê-ông. Hôm nay cũng 11 giờ, về đến nhà cô thấy nhà tối om. Cô đoán Cha đi ngủ sớm. Con chó con chạy từ bờ giậu trở lại sủa lên mấy tiếng. Khi nhận ra cô, nó kêu ư ử, vẫy đuôi mừng rỡ. Cô định luồn tay mở then cửa như thói quen nhưng kìa sao then cửa đã bị gạt qua bên như có người đẩy sẵn. 

Cô nghĩ hay hôm nay Cha mở sẵn cho cô về. Một luồng gió lạnh thổi qua làm cô rùng mình. Cô đẩy cửa bật đèn lên: Một cái xác lù lù, đầu bịt kín vải đen, bị cột dây vào thành ghế bên cạnh cái bàn Cha vẫn ngồi đọc báo. Tờ Sài Gòn Giải Phóng nhàu nát nằm bất động dưới đất…. Cô liền hét to lên rồi chạy phóng ra ngoài. Vừa sợ vừa khóc, cô gọi nhà bên cạnh:
-         Bác Rong ơi! Bác Rong ơi!
-         Cái gì thế? Cái gì thế cô Hoa?
-         Ai vào giết Cha chết rồi này…
-         Ô! Thật  sao?
Mấy nhà hàng xóm nghe tiếng la thất thanh của cô vội chạy tuốn ra. Họ xông vào nhà cô, mở toang cửa ra nhìn. Xác Cha Hảo vẫn ngồi bất động trên cái ghế. Cổ bị xiết bằng sợi dây thừng, đầu oặt ra phía sau. Mặt sưng vù, hai bên mép, máu tươi nhỉ ra chảy xuống vai áo. Cái miếng vải đen trùm hờ bị gió lùa vào đã rơi xuống đất. Hai mắt Cha trợn trừng toàn lòng trắng đục.

Cô càng khóc to thì hàng xóm càng tuốn đến coi đông. Họ bảo cô:
-         Phải đi báo Công An lập tức. Đừng có động đến người Cha.
Họ mới nói thế, chưa kịp báo thì tên Công An Khu vực đã tới. Hắn vừa đi ra Huyện Thủ Đức về và lấy làm lạ tại sao có thể xẩy ra án mạng rùng rợn như thế này. Chắc lá thứ cướp ghê gớm lắm. Hắn nhớ lại tuần trước có đám ma vừa chôn cất xong ở nghĩa địa thì tối đến, bọn trộm đã đào mả lên ăn cắp cỗ hòm rồi vất xác người chết lại. Thời buổi khó khăn đủ thứ trộm đạo!
Hắn vội bảo:
-         Bà con đừng có đụng dến. Để tôi về Phòng Công An báo cáo đồng chí Trưởng Phòng xuống khám xét lập biên bản.

Hắn tức tốc chạy xe đạp đến Phòng Công An, vô thẳng bàn trực báo cáo:
-         Báo cáo đồng chí. Ở ấp Tam Hà, khu vực tôi trách nhiệm có xẩy ra án mạng. Cha Lý Văn Hảo bị người lạ mặt giết chết. Tôi vừa được tin đến coi, vội vàng chạy lên báo cáo cho các đồng chí hay.
Tên Công an trực ngạc nhiên chạy vào phòng trong gặp đồng chí Đề cùng với Bẩy Quới và Ba Bồi đã ngồi sẵn ỏ đó. Hắn lên tiếng:
-         Báo cáo đồng chí Truởng Phòng, có án mạng xẩy ra. Công An Khu Vực thuộc ấp Tam Hà lên trình.
Đề làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại:
-         Ở ấp nào?
-         Dạ, ở Tam Hà.
-         Được!
Hắn nói một cách lạnh lùng rồì vội kéo Bẩy Quới, Ba Bồi và Kim Nguyên cùng đi. Cả ba lấy hai xe Honda chạy thẳng về hướng Dòng Salesien để khám xét án mạng và lập biên bản.
Dân chúng thấy Công An đến thì chạy giạt sang một bên. Nhiều người bấm nhau về nhà đóng cửa ngủ kẻo đứng đó mà mang họa. Quay đi quay lại chỉ còn trơ cô Hoa, vợ chồng bác Rong và mấy tên Công An.

Đề, Bẩy Quới, Ba Bồi và tên Công An Khu Vực mở cửa đi vào nhà. Xác Cha Hảo vẫn ngồi bất động, mặt xưng vù, mắt trọn trừng, máu nhỉ ra hai bên mép. Đề lấy bút giấy ra ghi tên tuổi nạn nhân, chủ nhà, cô cháu gái và vợ chồng bác Rong như những nhân chứng. Hắn hỏi vợ chồng bác Rong có nghe thấy gì không khi xẩy ra án mạng. Bác run run trả lời không biết. Thật ra trong đêm tối ấy, khi Công an Du kích vào nhà Cha Hảo, bác thấy rõ từng tên nhưng không dám nhận. Đề kết luận: “Nạn nhân Lý Văn Hảo bị kẽ lạ mặt đến hạ sát và ăn cướp.” Lập biên bản xong, hắn bảo tên Công An Khu vực:
-         Đồng chí chạy lên xã kêu Xã Đội Du kích phái bốn người xuống đây canh gác.
-         Tuân lệnh.

Hắn lại bảo bác Rong phụ với Ba Bồi, Bẩy Quới và hắn cởi dây thừng ra rồi đặt thi hài nạn nhân lên giường. Nhà cửa bật đèn sáng choang.
Bốn tên du kích đến canh. Còn tất cả đều ra về.

               *    *
                  *
Cái tin Cha Hảo bị cướp xiết cổ chết rồi lục đồ lấy của làm chấn động cả xã Tam Bình. Dư luận đồn thổi hoang mang. Có người bảo: Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc. Hoàn cảnh đói khổ sinh ra trộm cướp.

Tuần trước có đám ma của một người khá giả. Thân nhân mua cho người quá cố một cỗ hòm tốt, nhưng chỉ chôn ở nghĩa địa được có một ngày. Đêm hôm sau, kẻ gian đã đến đào mả, ăn trộm cỗ hòm rồi vất xác nạn nhân xuống hố lấp lại. Nghe vậy ai cũng ngán. Thế nhưng có người lại trách:
-         Chết rồi thi chôn đại khái. Dùng của tốt, chúng đến đào trộm đem bán lại thì có gì lạ.
Nhưng án mạng xẩy ra cho Linh mục Lý Văn Hảo thì có quá nhiều nghi vấn. Có người bảo chắc tụi trộm nó nghĩ Cha Hảo có nhiều của nên nó mới mò tới ăn cướp. Nhưng kẻ khác bảo có của sức mấy mà ổng để ở nhà. Thầm quyền điều tra là của Nhà Nước, của Công An. Dân chúng không được quyền bép xép. Người biết nhiều nhất là vợ chồng bác Rong thì không dám nói ra sợ bị mất đầu hoặc đi cải tạo mút chỉ. Càng ngày dư luận càng đồn thổi và những gì người dân nghi ngờ đếu có cơ sở. Dù là mang danh nghĩa “Độc lập - Tự do” đấy nhưng chẳng ai dám nói lên sự thật!
Bữa sau, với lệnh của Công An, thi hài Cha Hảo được phép đem về quàn ở Nhà thờ giáo xứ Tam Hà để cho giáo dân đến viếng. Đức Cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Giáo Khu Sài Gòn đích thân về dâng Thánh Lễ đồng tế cũng với quý Linh Mục ở địa phương. Giáo dân các xứ quanh vùng đến dự đám tang Cha Hảo đông nghẹt. Người ta khóc thương Cha rồi cùng nhau đưa Cha ra Đất Thánh an nghỉ. Cuộc đời Linh mục của Cha được kết thúc bằng cái chết oan nghiệt!

Chính quyền địa phương đã cử các đồng chí trong Chi Bộ Đảng, Ủy ban Nhân Dân Cach Mạng Xã Tam Bình và Mặt Trận Tổ Quốc đến dự đám tang Linh mục Lý Văn Hảo. Tại Đất Thánh, dân chúng nhận thấy sự hiện diện của các đồng chí Út Cu, đồng chí Bẩy Quới, đồng chí Ba Bồi, và Kim Nguyên. Trong niềm chia sẻ những đau thương mất mát về sự ra tức tưởi của Linh mục Lý Văn Hảo cùng đồng bào Công Giáo, đồng chí Út Cu, Đại diện cho Chính Quyền Cách Mạng được cử ra đọc điếu văn rất lâm ly và thống thiết. 

Đồng đã nhiệt tình nói lên công trạng to lớn của người quá cố. Và cuối cùng để kết luận đồng chí khẳng khái tuyên bố: “Chi Bộ Xã, Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc xã Tam Bình chúng tôi xin thành kính nghiêng mình trước anh linh của Linh Mục Lý Văn Hảo, người đã có công lón lao giúp cho đồng bào nơi ăn chốn ở trong mấy chục năm qua. Chúng tôi cực lực lên án bè lũ phản động tay sai đế quốc âm mưu phá hoại nền an ninh của chúng ta, làm thiệt hại đến sinh mạng và tài sản của đồng bào, ly gián và gây chia rẽ, nghi ngờ giữa nhân dân và Chính quyền Cách Mạng.”
Đồng chí hô to:
-         Đả đảo bọn Đế quốc phản động và bè lũ tay sai âm mưu sát hại Linh mục Lý Văn Hảo!
-         Đả đảo! Đả đảo! Đả đão!
Tiếng “Đả đảo” vang dội cả khu Đất Thánh.

                                                            *       *
                                                                 *
Chiều tối, trong căn nhà thấp lè tè của Bẩy Quới, cạnh xưởng dệt nhà ông Oanh đã bỏ đi Mỹ, các đồng chí Út Cu, Đề, Tư Đẩu và Ba Bồi cùng ngồi nhậu với gia chủ để ăn mừng kế hoạch thành công là đã thanh toán xong một tên “địa chủ ác ôn” bằng một con gà trống thiến và hai lít rượu đế. Chỉ riêng có đồng chí Một Chuẩn cáo bệnh không đến được. Cả đồng chí tỏ ra vui mừng vì đã chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của Đảng. Trên bàn, đồ ăn được bày la liệt bằng những tô sáo măng, mấy dĩa gỏi gà, một dĩa thịt quay, hai dĩa sá lách... Các đồng chí ăn uống vui vẻ nhưng hình như trong đầu mỗi người mang theo một ý nghĩ riêng. Rượu ngà ngà say, Bẩy Quới quay sang hỏi Trưởng Phòng Công An Nguyễn Văn Đề:
-         Anh Hai coi giấy tờ của thằng Cha Lý Văn Hảo có gì quan trọng không?
Đề trả lời tỉnh bơ:
-         Toàn là giấy rác!

Baton Rouge tháng 6-1987



__._,_.___


Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw==?= 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List