Người vũ nữ múa cột.
Tôn Nữ Thu Nga
Tôn Nữ Thu Nga
Người
đàn bà trẻ hôm nay vào bệnh viện thăm con. Cô ta đã khoẻ sau mấy hôm về nhà
dưỡng sức; được ngủ nhiều, không phải thức khuya dậy sớm nên cô mau lại sức,
sau cơn bệnh cúm.
Sáng nay cô mặc áo sơ mi trắng và
quần jean. Áo không trắng lắm, quần xanh bạc màu, cũ và xơ xát; phía bâu dưới
áo, lòi ra cái áo lót chẽn, vàng vọt, cáu bẩn. Thấy tôi nhìn, cô bẽn lẽn giải
thích rằng vì cô vừa mới bị mổ nên phải dùng loại áo này để bó bụng cho khỏi
đau. Tôi gật gù: Thế cũng tốt đấy!. Cô mĩm cười, chớp chớp đôi mắt có gắn hàng
lông mi giả lướt thướt, cô nhẹ nhàng bước đến bên lồng kính, cúi nhìn đứa con
bé nhỏ như củ khoai lang, đang thoi thóp, mệt nhọc với những hơi thở
yếu ớt. Đôi giọt lệ ứa ra trên
viền mi, chuyển những vệt chì than đen chảy chầm chậm xuống gò má còn xanh xao
. Bóng tối từ hàng mi làm khuôn mặt cô buồn thê thiết, ảm đạm trong ánh sáng âm
u của căn phòng dưỡng nhi. Nơi đây, tôi và cô y tá đang túc trực từng giờ, từng
phút săn sóc đứa bé con mà cô vừa cho ra đời cách đây hai tháng và năm ngày, chỉ
cân nặng 730 gr., sau hai mươi lăm tuần thai nghén. Hôm nay, chú nhỏ chỉ mới vừa
hơn một ký. Sau mấy mươi năm kinh nghiệm trong ngành, dạo này tôi thường nhận lãnh những ca bệnh thập tử nhất sinh như thế, cần dùng các phương thức và máy móc tối tân nhất để trị liệu. Ngoài việc săn sóc em bé, bảo trì máy hô hấp, thuốc men, giúp các cô y tá tắm rửa, cấp cứu mổi lần bé đứng tim, tắt thở ...cùng trăm chuyện tỉ mỉ khác, chúng tôi còn là người cho các bà mẹ tâm sự rỉ rả hàng ngày. Vì phải quanh quẩn mãi bên cạnh bệnh nhân trong căn phòng chật hẹp, sự liên hệ của gia đình bệnh nhân với chúng tôi cũng trở thành mật thiết.
Sau nhiều lần nghe cô tâm sự, tôi biết là cô ta đang sống một mình, chồng cô đang ngồi tù vì tội gây ra tai nạn lưu thông . Có lẽ cô đang túng quẩn lắm vì nhân dáng cô hơi bệ rạc mặc dầu cô đã cố gắng trang điểm mổi lần cô vào bệnh viện thăm con.
Mỗi khi vào phòng em bé, cô hỏi thăm người điều dưỡng nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng sức khỏe của em bé. Ngày này qua ngày nọ, chúng tôi cứ nghe những câu hỏi giống nhau, đôi khi rất lẩm cẩm của cô, vì thế nhiều người có vẻ khi dể trí thông minh của cô ấy và nói nho nhỏ cho tôi biết là có thể cô ấy bị nghiện thuốc nên mới trở thành lú lẫn như vậy.
Dĩ nhiên là cô ấy có nghiện thuốc, hồ sơ bệnh án rành rành trước mắt, vì thế mà cô sanh ra đứa bé con thiếu tháng, còi cọt và yếu ớt như con mèo và cũng vì trên đời này có nhiều người như cô cho nên các cô Y tá, các bác sĩ chuyên ngành dưỡng nhi, các chuyên viên hô hấp mới có việc làm, mới có cơm ăn áo mặc, nhà cửa sự nghiệp!
Đôi khi tôi nhìn khuôn mặt xanh xao và đôi gò má hốc hác của cô, tôi thương cảm lắm, tôi lẩn thẩn so sánh cô ta với cô con gái khỏe mạnh, tươi vui và xinh đẹp của mình. Hai mảnh đời quá khác biệt ấy làm tôi mủi lòng ! Lâu lâu tôi tiếp tế cho cô ly nước cam, vài cái bánh ngọt khi thấy cô mệt và đói. Cô thường tỏ vẻ rất xúc động. Một hôm cô thiếu tiền đi xe bus về nhà, cô xin người y tá một đồng bạc. Các cô y tá khác và người kiểm sự xã hội xì xào: Coi chừng nó quen tật xin hoài ...Có cô y tá bỉu môi: Sao nghe nó nói là nó muốn mua xe BMW kia mà! Bà y tá già Anita thì thầm: Chắc chồng nó say rượu, lái xe cán chết người nên mới ngồi tù như vậy! .Cô y tá Lorena ngó quanh rồi ghé mồm vào tai tôi: Cô có biết là con nhỏ này làm nghề múa quanh cây cột trong mấy quán rượu không?. À , bây giờ tôi mới hiểu được một chút về cuộc đời của cô, thể hiện ra từ bộ lông mi giả , gò ngực tròn vun trên cơ thể gầy guộc, quá trình nghiện rượu mạnh và thuốc amphetamine trong lúc mang thai. Tất cả các yếu tố đó đã làm cho bé Angel bị sanh thiếu tháng.
Nghe cho vui rồi bỏ ngoài tai, trong một thế giới nhỏ hẹp nhiều đàn bà như nơi tôi đang làm việc; các cô y tá giống như các con mèo, khi thì dịu dàng ẻo lã dể thương, khi thì răng nanh và móng vuốt giương ra làm mình chạy không kịp!.
Nhiệm vụ của tôi là giữ cho bé Angel được an toàn, dưỡng khí đầy đủ, áp suất đúng mức, thán khí vừa phải, khí quản sạch sẽ , ống trợ khí nằm đúng chổ khi nhìn qua phim x quang. Xong phần ấy, tôi phải thường xuyên lấy máu thử nghiệm hoặc phải đo lượng thán khí từ da. Nếu kết quả máu và x quang cho biết rằng phổi em bé tiến triển khả quan, tôi phải giảm số lượng khí, để trong tương lai gần có thể dứt được máy khi em tự thở một mình. Với những ca bệnh nặng như bé Angel, chu trình theo dỏi và chữa trị cho em sẽ kéo dài rất lâu. Nếu không có biến chứng gì, cũng cả ba, bốn tháng mới có thể xuất viện và tiền phí tổn bệnh viện có thể lên cả triệu đô.
Bé Angel không phải là một em bé may mắn như nhiều em khác, Bé nhiễm trùng rất nặng, khi bị mổ lồng ngực để chữa mạch máu bị hở trong tim, vết mổ làm độc một thời gian rất lâu. Tiếp theo là máu chảy trong não, thận suy cấp tính và kinh phong. Có nhiều ngày tôi phải đứng bên em cả mười hai giờ, liên tiếp cấp cứu vì em cứ đứng tim hoài, túc trực bên tôi là người bác sĩ dưỡng nhi và mấy cô y tá tiếp nhau chuyền thuốc . Những ngày đen tối ấy, người mẹ trẻ bấu tay vào khung cửa kính nhìn chúng tôi làm việc trong phòng, cô liên tục gọi: Angel, Angel, mẹ yêu con, trở về với mẹ , mẹ không còn ai bên mẹ nữa, con ơi, đừng đi nghe con...Tiếng kêu cô khàn đục, nước mắt cô tràn trề , cô giống như cô bé lọ lem tội nghiệp, những tiếng kêu xé lòng của cô cũng làm bầm dập trái tim tôi.
Bé Angel quả là một thiên thần bị đọa. Bé không chết vì mẹ em không chịu cho em ra đi, mặc dầu bao nhiêu buổi họp đã diễn ra, bao nhiêu lời khuyên của các bác sĩ chuyên gia rằng nếu em bị đứng tim lần nữa thì xin để em từ trần vì em không thể nào trở thành một đứa trẻ bình thường cả. Cô cương quyết yêu cầu rằng bằng giá nào cũng phải cứu em cho đến khi cô xin được cho chồng ra khỏi tù để thấy mặt bé Angel . Mấy hôm sau đó, nhằm lúc tôi nghĩ nhà, nghe nói rằng người tù nhân được dẫn vào thăm con, tay vẫn bị còng và hộ tống là hai anh cảnh sát vũ trang.. Ai cũng khen rằng ông chánh án có lòng nhân từ mới cho người cha đến bệnh viện thăm con như vậy.
Sau đó, tự nhiên sức khỏe bé Angel tăng tiến một cách kỳ diệu: cơ quan bài tiết làm việc điều hòa, bé không bị giật kinh phong nữa, cơ thể không còn nhiễm độc sau ba lần thử nghiệm. Máy hô hấp cũng không cần tiếp thêm dưỡng khí nữa, hơi thở bé mạnh mẽ hơn, tôi chuyển phương pháp trợ khí và rút ống để em tự thở một mình. Em từ từ lên cân, khuôn mặt trở nên bầu bỉnh hồng hào. Mẹ em cũng tươi tắn vui vẻ hẳn lên mỗi khi đến thăm con.
Hôm nay ngày chủ nhật, vào giờ ăn trưa, cả bọn rủ nhau mua bánh mì thịt và trà Thái tại Bánh Mì, Chè Cali. Để chia vui với cô, tôi mua tặng cô một ổ bánh mì thịt và ly trà, cô rất cảm xúc, cám ơn luôn miệng. Cô y tá nói với tôi: Cô thật là tử tế với người đàn bà ấy!
Không phải tôi tử tế đâu, tôi thương cô ấy vì tôi nghĩ tới con gái mình, vì tôi đã bước đi một quảng đường đời quá dài và nhìn thấy nhiều điều bất hạnh; vì tôi đối diện những điều bất công xảy ra quá thường xuyên mà tôi phải quay mặt ngó lơ vì bất lực; vì bên tai tôi vẫn còn văng vẵng tiếng gọi: con ơi, con ơi, trở về với mẹ, mẹ không còn ai bên cạnh nữa, con ơi!.
Không có gì mạnh bằng tình yêu và không có gì cô độc hơn khi bị mất tình yêu. Tuy người vũ nữ ấy hàng đêm múa may, quay cuồng quanh cây cột trong tiếng nhạc mê hồn, lòng cô vẫn trống vắng và hoài mong một tình yêu không cần đáp ứng từ đứa con thơ tật nguyền, bé nhỏ. Tôi hiểu vì sao cô từ chối , không chịu ký tờ giấy "No Code" * cho Angel. Chỉ vì cô bám víu vào niềm hy vọng rằng mai sau cô sẽ có người yêu mình với trái tim thanh khiết của một thiên thần.
Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas, 01-17-2014
San Dimas, 01-17-2014
Chú thích: *No Code: Miễn
cấp cứu
Múa cột: Pole dancer
__._,_.___
No comments:
Post a Comment