PHẠM CHÍ
NGHÈO KHÓ
Toàn Không
(Tiếp theo)
3). PHẠM
CHÍ XIN LÀM TỲ KHEO:
Khi ấy có Tỳ Kheo Ni Xá Cưu Lợi đến chỗ Phật, vái rồi bạch:
- Nay con nghĩ: “Không
biết có A La Hán lậu tận nào không tụ tập ở đây chăng?” Rồi con dùng thiên
nhãn xem xét bốn phương Đông Tây Nam Bắc, không còn thấy một ai không đến, nay
đại hội này thuần là A La Hán chân nhân tụ hội về đây.
Đức Phật bảo:
- Đúng thế, Xá Cưu Lợi!
Đúng như lời Tỳ Kheo Ni, đại hội này toàn là A La Hán chân nhân, từ bốn phương
tụ hội về đây; các Thầy có thấy trong hàng Tỳ Kheo Ni, người có thiên nhãn bậc
nhất là Tỳ Kheo Ni Xá Cưu Lợi không?
Phạm Chí Kê Đầu cúng dàng Đức Phật và Thánh chúng trong bảy ngày thức ăn, quần
áo, thuốc men, và vật dụng cần thiết; lại dùng hương hoa rải lên Như Lai. Khi ấy
Chư Thiên rải hoa cúng dường Phật và Thánh chúng trên hư không, hoa kết thành
hào quang cầu vồng bảy báu (đài giao lộ), Phạm Chí thấy thế vui mừng phấn khởi,
đến chỗ Phật ngồi, vái lễ rồi thưa:
- Cúi mong Thế Tôn cho
con được làm Tỳ Kheo.
Bấy giờ Phạm Chí Kê Đầu được Phật chấp nhận nhập đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc
áo Cà Sa, làm Tỳ Kheo tu phạm hạnh (khuôn phép). Tỳ Kheo Kê Đầu trừ bỏ thùy
miên (ngủ nghỉ), phòng hộ các căn, mắt thấy sắc không khởi tưởng niệm, cũng
không có tưởng ác; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm
chẳng khởi xúc chạm, ý biết pháp (mọi thứ) cũng thế.
Lại không có ý giết hại, không bảo người sát hại. Trừ bỏ tâm không cho mà lấy,
thường có tâm bố thí tất cả chúng sinh; xa lìa tâm dâm dật, cũng dạy người xa
lìa dâm dật; hằng nghĩ chí thành không dối trá, không hai lưỡi, không thêu dệt,
không lời ác. Tất cả gìn giữ như thế hằng tu phạm hạnh, các căn tịch tĩnh, tự
tu thanh tịnh tâm mình không còn tỳ vết, lúc ấy Tỳ Kheo Kê Đầu diệt được 5 kết
sử che đậy tâm.
Đối với cuộc sống và sự ăn uống, biết đủ, không cầu nhiều, chỉ muốn giữ thân thể
đủ sống để trừ tật hư cũ, không cho thói hư mới phát sinh ra. Tỳ Kheo Kê Đầu
hành đạo miên mật không ngưng nghỉ, chẳng để mất 37 đạo phẩm; hoặc ngồi hoặc
đi, hoặc đầu hôm (buổi tối) trừ khử thùy miên (buồn ngủ), trấn át trạo hối (tán
loạn không yên); hoặc giữa đêm nằm nghiêng bên phải hai chân chồng lên nhau, buộc
ý ở một chỗ quang tưởng (nhớ nghĩ về ánh sáng); hoặc cuối đêm (sáng sớm) ngồi
hoặc đi kinh hành, tịnh ý mình (hành thiền).
Tỳ Kheo Kê Đầu biết đủ, thực hành phạm hạnh đầy đủ, thiền định, kinh hành không
quên, trừ khử dục tưởng, xa lìa hạnh ác mà nhập Sơ thiền; rồi có giác (biết) có
quán (thấy), dừng niệm (dứt nhớ nghĩ), nương sự hoan lạc (vui vẻ) mà nhập Nhị
thiền. Thiền định tiếp theo, không có lạc (sung sướng), tự biết thân có lạc, chỗ
chư Thánh cầu, xả (bỏ) niệm thanh tịnh đạt Tam thiền; khổ vui đã diệt, không
còn sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào Tứ thiền.
Tỳ Kheo Kê Đầu hành thiền dần vào tam muội (định tĩnh, tuyệt thanh tịnh), thanh
tịnh không tỳ vết, được chỗ không sợ; được tam muội rồi tự nhớ vô số đời, một đời,
hai đời, ba đời, bốn đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời,
trăm đời, nghìn đời, vạn đời, vô số đời, kiếp thành, kiếp hoại v.v... Biết: “Ta
từng sinh chỗ kia tên họ là gì, khổ vui như thế, sống bao lâu, chết đây sanh
kia” Tất cả đều biết gốc ngọn tường tận.
Tỳ Kheo Kê Đầu lại dùng tâm tam muội, thanh tịnh không tỳ vết, dùng thiên nhãn
xem thấy chúng sanh, người sinh người chết, nẻo lành nẻo dữ, sắc đẹp sắc xấu,
đi theo loại nào thảy đều biết hết. Hoặc có chúng sinh thân miệng ý làm ác, phỉ
báng Thánh hiền, tạo tà nghiệp, khi chết sinh trong địa ngục; hoặc có chúng
sanh thân miệng ý làm lành, không hủy báng Thánh hiền, tạo nghiệp lành, khi qua
đời sinh vào chỗ lành, lên Trời.
Tỳ Kheo Kê Đầu lúc ấy như thật biết: Đây là Khổ, đây là Khổ tập (nguyên nhân
gây ra khổ), đây là Khổ diệt (cách diệt khổ), đây là Khổ xuất yếu (đạo đạt tới).
Thấy như thế rồi, tâm dục lậu (xấu xa của dục), tâm hữu lậu (xấu xa ở đời), tâm
vô minh lậu (ngu si) được giải thoát. Đã được giải thoát, liền được trí (tuệ)
giải thoát, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thụ
thân sau nữa, biết như thật như thế, Tỳ Kheo Kê Đầu liền thành bậc A La Hán, bậc
Thánh.
LỜI BÀN:
Chúng ta cũng nên coi lại một vài đoạn Kinh nói vắn tắt về Tỳ Kheo Kê Đầu tu
hành:
Câu: “Phòng hộ các căn, mắt thấy sắc không khởi tưởng niệm, cùng không khởi
ác tưởng; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp”,
là sao?
- Thế nào là phòng hộ
các căn?
Phòng là bờ đê, gìn giữ, hộ
là cửa, giúp đỡ, che chở, Phòng hộ là giữ gìn thủ hộ, ngăn che đề phòng,
các căn là 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Phòng hộ các căn là
giữ gìn đề phòng 6 cơ quan trên không cho dính mắc 6 trần là sắc, thanh, hương,
vị, xúc và pháp.
- Mắt thấy sắc không
khởi niệm cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi mắt thấy hình sắc
không sinh nhớ, không nghĩ yêu, mà cũng không nhớ nghĩ ác, ví dụ như khi thấy đẹp
muốn có, khi thấy xấu muốn gạt bỏ; nếu thấy rồi dù đẹp hay xấu cũng không sinh
yêu ghét, đó là phòng hộ mắt (nhãn căn).
- Tai nghe tiếng không
khởi niệm cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi nghe lời nói,
giọng ca, dù lời ngọt giọng hay, không sinh yêu đắm nhiễm nhớ nghĩ, dù lời
trái, giọng dở cũng không ghét sinh ác cảm, đó là phòng hộ tai (nhĩ căn).
- Mũi ngửi mùi không
khởi niệm tưởng cũng không khởi ác tưởng là sao? Là khi ngửi mùi thơm
không sinh yêu thích nhớ mãi, dù mùi khó chịu cũng không ghê tởm bực tức. Đó là
phòng hộ mũi (tỵ căn)
- Lưỡi nếm vị thông khởi
niệm tưởng, cũng không khởi ác tưởng là sao? Là khi ăn uống vị ngon ngọt béo bở
không sinh tâm yêu thích, đòi phải có thứ ấy mới được, hoặc khi ăn uống vị
không hợp miệng cũng chẳng chê bai cằn nhằn làm cho người nấu nướng phục dịch bất
an. Đó là thủ hộ lưỡi (thiệt căn).
- Thân xúc chạm không
khởi niệm, cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi thân tiếp xúc
dù dễ chịu hợp ý cũng không đam mê, dù khó chịu cũng ráng chịu đựng. Ví dụ khi
được xoa nắn dễ chịu không khoái cảm yêu thích nhớ mãi, khi gặp nóng lạnh quá
không gắt gỏng bực tức nhớ mãi, đó là thủ hộ thân (xúc căn).
- Ý biết pháp không khởi
tưởng, cũng không khởi ác tưởng là sao? Ý là Ý căn: Ý căn là nơi nương tựa của
Ý thức (Thức thứ sáu). Ý căn chính là nơi phát sinh ra sự phân biệt, đắn đo, nghi
ngờ, nó chính là Thức thứ bảy, rất tinh tế thuộc tinh thần nên không thấy (có
thể nói nó nằm trong bộ óc). Pháp là Pháp trần: Là những hình ảnh, tiếng,
mùi, vị, cảm giác của Năm căn tiếp xúc Năm trần ghi lại, lưu lại sau khi duyên
với Ý thức. Các hình ảnh, tiếng, mùi, vị ở đây không phải là vật chất của ngoại
cảnh mà chỉ là những hình bóng âm vang của ngoại cảnh sau khi lọc qua năm giác
quan và đồng thời được duyên bởi Ý thức.
Ví dụ như một người
dân thường bắt tay Tổng Thống hay một người thường tuổi trung niên bắt tay một
hoa hậu thế giới, không cho đó là hãnh diện, không nhớ mãi, hoặc người bị tù bị
hành hạ đánh đập tàn nhẫn cực khổ muôn phần không oán hận, không buồn nhớ hoài.
Đó là thủ hộ ý (Ý căn).
Đoạn Kinh kế tiếp nói: “Tỳ Kheo Kê Đầu thực hành mười điều thiện, tự tu
thanh tịnh tâm, không còn tỳ vết, lúc ấy diệt được 5 kết sử che đậy tâm.”
- Thế nào là 5 kết sử
che đậy tâm người?
Đây là những trở ngại
về tinh thần ngăn chặn hành giả tiến đến Niết Bàn, cũng gọi là Năm Triền cái
(Ngũ cái) hay Năm ấm (Ngũ ấm), gồm:
1- Tham ái: Tham ái là tham muốn
nhục dục, luyến ái Sáu trần, dính mắc bởi “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”.
Chúng là những cái mạnh nhất trói buộc con người vào vòng sinh tử. Muốn tận diệt
chúng, phải nhận thức mối nguy hại của chúng, kiên trì quán sát mối nguy hại,
kiểm soát Sáu căn “Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý”. Đây là những con rắn độc giết
hại tâm thanh tịnh, ngăn trở hành giả đạt tới bậc Thánh.
2- Sân hận: Sân giận, hận thù,
oán hờn, tật đố ganh ghét. Hành giả phải quán sát để thấy rõ nguồn gốc xấu xa tệ
hại của nó mà trừ bỏ xa lià nó. Đây là ngọn lửa dữ thiêu đốt con người, hành giả
dùng tâm Từ Bi để đối trị, khi đã trừ bỏ xa lià được rồi, lòng sẽ nhẹ nhõm, dễ
dàng tiến tới tâm định tĩnh vắng lặng.
3- Hôn trầm, thùy miên: Hôn trầm thùy miên
là dã dượi, uể oải, không vui, ăn nhiều, ợ ngáp, lười biếng, muốn ngủ nghỉ,
không muốn hành thiền, không muốn tinh tấn. Hành giả phải cố gắng ngăn chặn bằng
cách suy nghĩ tới sinh tử vô thường đến lúc nào không biết, không còn kịp nữa,
lại một kiếp trôi lăn không biết sẽ về đâu, nên phải cố gắng tỉnh thức, kiên
trì.
4- Trạo hối, phóng dật: Là hối tiếc, có trạng
thái buông xuôi, chao động của tâm khi đã làm những điều bất thiện, hành động
ác ấy đưa đến sự lo âu hối tiếc đã để xảy ra việc bất thiện, cũng có tình trạng
lo âu khi việc thiện để qua mất không làm nên đưa tới buông thả; lại có đủ thứ
khoái lạc ở đời, nên thường nhớ nghĩ không dứt được. Đối trị trạo hối phóng dật
bằng cách tự hứa hẹn sẽ không để tình trạng như thế xảy ra nữa. Quyết dứt bỏ xa
lià các điều lo âu và các điều vui thích ở đời, để đưa tâm trở lại an ổn trong
việc hành thiền.
5- Nghi ngờ: Nghi ngờ là do dự
trong qúa khứ, tương lai, và hiện tại, là nghi pháp hành trì, nghi Thiện tri thức
giảng dạy, nghi chính mình không đủ khả năng. Khi nghi ngờ sẽ có tâm bất định
làm cho việc hành trì bị trở ngại, hành giả phải chú tâm quán sát, tỉnh thức
theo dõi, quán sát để ra khỏi sự bất định của nghi ngờ.
Năm
Triền Cái trên nếu không dùng Chính tư duy để suy niệm chính xác, chúng sẽ làm
cho hành giả bị tối tăm, không còn con mắt sáng, không còn trí minh mẫn, nên chẳng
thể giải thoát đến Niết Bàn được.
Phần dưới nữa của bài Kinh có câu: “Tỳ Kheo Kê Đầu hành đạo miên mật, chẳng
để mất 37 đạo phẩm” là gì? Ba mươi bảy đạo phẩm gồm: “Bốn Niệm Xứ, Bốn
Ý Đoạn, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, và Tám Chính Đạo”.,.
__._,_.___
Posted
by: Tien Do <
No comments:
Post a Comment