Popular Posts

Thursday, January 24, 2019

PHẢN BIỆN LỜI NÓI CỦA TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

----- Forwarded Message -----
From: Tien Do <>
To: PSXH <>; Duc Lam <>
Sent: Wednesday, January 23, 2019, 8:33:19 PM PST
Subject: Hành Hương đất Phật Kỳ 7A...Nói về Phật Di Lặc.

PHẢN BIỆN
LỜI NÓI CỦA TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không
 (Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.7, TG.2011, tr.252-255)
Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ, đức Phật Di Lặc có thật hay không?
1. Trưởng Lão Thích Thông Lạc Đáp: Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một đức Phật tưởng tượng của các kinh sách phát triển Bà La Môn. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho phật tử hiểu rõ.
PHẢN BIỆN:
     Cuối năm 2012 chúng tôi đã có dịp PHẢN BIỆN việc Trưởng Lão Thích Thông Lạc đả phá Phật Giáo Bắc Truyền trên mạng đã xẹp xuống. Mấy bữa nay, trên mạng PSXH lại thấy xuất hiện một bài của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, do các vị tên Đức Lâm và Khai Võ đưa ra. Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi xin mời qúy vị cùng đọc những dòng phản biện vắn tắt dưới đây, xin cảm ơn qúy vị. Toàn Không.
     Tác giả Thích Thông Lạc là người tu hành theo Nam Truyền mà lại không đọc Kinh điển Nguyên Thủy Nam Truyền nên đã nói sai; sự thật thì trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavati Sìhanàda Sutta) thuộc Kinh Trường Bộ Nam Truyền (Majjhima Nikàya) nơi trang 346, do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch như sau:
 “Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya (Di Lặc) sẽ ra đời, là vị A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; như Ta nay sinh ra ở đời này, là bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng, và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người; như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời và loài Người. Vị này sẽ thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; như Ta hiện thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hành hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn; như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỷ kheo Tăng đoàn vậy…
     Như vậy mà nói: “Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một đức Phật tưởng tượng của các kinh sách phát triển Bà La Môn” của Phật giáo Bắc Truyền thì thật là oan Thị Kính, cũng giống như có người ngồi trong đáy giếng mà nói việc xảy ra ở trên trời vậy!
2. Hòa Thượng Thông Lạc nói tiếp:
 Nếu bảo rằng quá khứ đã có bảy vị Phật thì khi đức Phật Thích Ca đi tu phải có đạo Phật, tại sao lại chỉ có lục sư ngoại đạo mà không có cái tên là Phật giáo?
PHẢN BIỆN:
     Các vị cổ Phật đã xuất hiện từ lâu rồi, và nên biết rằng thời Phật Thích Ca tại vùng Ấn Độ vẫn chưa có chữ viết, cho tới vài trăm năm sau mới có chữ viết, nhờ vậy các vị Thánh Tăng đã kết tập lời Phật dạy bằng chữ Sanskrit và Pali để lưu truyền đến ngày nay và lâu dài về sau. Do đó những gì các vị Phật trước giảng đều không còn lưu lại là vì không có Kinh sách vậy.
3. Tác giả nói tiếp:
Thật ra, mãi đến khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả. Nhờ mọi người hiểu biết cung kính và tôn trọng đức Phật nên dựng ra tôn giáo Phật giáo, bấy giờ chúng ta mới có tôn giáo mang tên là Phật giáo.
PHẢN BIỆN:
     Chẳng phải Đạo Phật chỉ có từ thời Phật Thích Ca đâu, mà Đạo Phật đã có trên trái đất này từ lâu lắm rồi, lúc thịnh lúc suy, lúc có lúc không vì không có chữ viết để lưu truyền vậy.
4. Tác giả nói tiếp:
Thế mà kinh sách phát triển dám bảo quá khứ có bảy vị Phật, rồi gán cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói thì rất oan cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Kinh Tương Ưng đức Phật nói: “Nếu ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì Ta có nói láo trong Ta”
PHẢN BIỆN:
     Chẳng có người Phật tử hiểu rõ giáo pháp nào dám gán ghép vì mang tội địa ngục do nghiệp lừa gạt, mà thật sự thì Phật Thích Ca nói các vị Phật trong qúa khứ.
Chứng minh:
1. Như trong “Kinh Đức Phật Báo Ân Cha Mẹ” có nói: “Về thời lâu xa, bấy giờ có một nước nọ tên là Ba Na Lại, trong đó có Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai”. Kinh “Nhân Duyên Quang Minh” cũng nói đến Phật Tỳ Bà Thi.
2. Trong bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, trang 257 ghi  Phật Thích Ca nói  tiền kiếp của Tôn giả Thi Bà La về thời Phật Tỳ Bà Thi từ 91 kiếp về trước. Rồi vô số đời về sau Thi Bà La là một thương gia có tên Thiện Tài lại gặp Phật Thi Khí ra đời từ 31 kiếp về trước khi con người sống 7 vạn tuổi. Rồi nhiều đời sau, Thi Bà La là một Trưởng giả có tên là Thiện Giác lại gặp Phật Tỳ Xá Bà cũng 31 kiếp về trước khi con người sống còn 6 vạn tuổi.
3. Kiếp hiện tại:
     Rồi tới kiếp hiện tại, Thi Bà La là một Trưởng giả có tên là Đa Tài lại gặp Phật Câu Lưu Tôn ra đời khi con người sống 4 vạn tuổi.
     Trong Bộ Tạp A Hàm, quyển 3, Kinh số 953, 955, 956, từ trang 387 đến 382, Đức Phật nói về Vô Thường của thành Vương Xá dưới chân núi Tỳ Phú La tại nước Ma Kiệt như sau:
- Thuở xưa có Phật hiệu Câu Lưu Tôn ra đời khi con người sống 4 vạn tuổi (Cách nay khoảng 4 triệu năm), người dân sống dưới chân núi Trường Trúc là xóm Đề Di La. Ngày nay Phật Câu Lưu Tôn đã nhập Niết Bàn từ thuở ấy, tên núi Trường Túc đã biến mất, tên xóm Đề Di La cũng không còn.
- Thời sau đó, có Phật hiệu Câu Na Hàm ra đời khi con người sống 3 vạn tuổi (Cách nay khoảng 3 triệu năm), khi ấy núi Tỳ Phú La này gọi là núi Bằng Ca, người dân sống dưới chân núi gọi là Ấp A Tỳ Ca. Nhưng tên núi Bằng Ca đã biến mất, tên Ấp A Tỳ Ca không còn và Phật Câu Na Hàm cũng đã nhập Niết Bàn.
- Sau nữa, có Phật hiệu Ca Diếp ra đời khi con người sống 2 vạn tuổi (Cách nay khoảng 2 triệu năm), khi ấy núi Tỳ Phú La gọi là núi Túc Ba La Thủ, dân sống dưới chân núi gọi là Thôn Xích Mã. Nhưng ngày nay, tên núi Túc Ba La Thủ biến mất, tên Thôn Xích Mã không còn và Phật Ca Diếp cũng đã nhập Niết Bàn.
Đây là nói có Kinh điển chứng minh chứ không phải là nói mò vậy.
5. Tác giả nói tiếp:
Rồi về vị lai, các kinh sách phát triển sản xuất ra một người có tên là Từ Thị hiệu là Di Lặc, muốn tranh chức giáo chủ với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giống như các nhà vua phong kiến ở thế gian tranh ngai vàng. Thật là danh lợi ghê quá.
PHẢN BIỆN:
Xin miễn bàn thêm cho mất thời giờ vì Tác giả không đọc Kinh điển của Phật giáo, nên nói sai như đã chứng minh ở trên.
6. Tác giả nói tiếp:
Theo như kinh sách phát triển, đạo Phật có chín vị giáo chủ:
1- Bảy vị Phật làm giáo chủ ở quá khứ như:
1, Tỳ Bà Thi (Vipassĩ.)
2, Thi Khí (Sikhĩ).
3, Tỳ Xá Bà (Vessabhũ)
4, Câu Lâu Tôn (Kakusandha)
5, Câu Na Hàm (Konãgamana)
6, Ca Diếp (Kassapa)
7, Cổ Phật Nhiên Đăng (Angira).
2- Một vị Phật, giáo chủ ở hiện tại tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
3- Một vị Phật, giáo chủ ở vị lai tức là đức Phật Di Lặc.
PHẢN BIỆN:
Các vị Phật ra đời trên qủa đất này theo thời gian như sau:
Cổ Phật:
1. Cổ Phật Nhiên Đăng (Angira).
2. Tỳ Bà Thi (Vipassĩ.) 91 kiếp về trước.
3. Thi Khí (Sikhĩ). 31 kiếp về trước, khi con người sống 7 vạn tuổi.
4. Tỳ Xá Bà (Vessabhũ), 31 kiếp về trước, khi con người sống 6 vạn tuổi thọ.

Phật trong kiếp này: (Một kiếp =  16,798,000 năm)
5. Câu Lâu Tôn (Kakusandha), khi con người sống 4 vạn tuổi thọ.
6. Câu Na Hàm (Konãgamana), khi con người sống 3 vạn tuổi.
7. Ca Diếp (Kassapa), khi con người sống 2 vạn tuổi.
8. Thích Ca (Sakya), khi con người sống 100 tuổi.
9. Di Lặc (Metteyya), trong tương lai (khoảng 8,800,000 năm) khi con người sống 8 vạn tuổi.
     Đây chỉ là các vị Phật ra đời ở cõi Sa Bà chúng ta từ khi lập địa và trải qua nhiều lần đại tai (Hỏa, Thủy, hoặc Phong) cho qủa đất, chứ chưa nói tới vô số các vị Phật trong mười phương.
7. Tác giả nói tiếp:
Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách phát triển nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các kinh sách phát triển, thành lập đức Phật Di Lặc để làm một cuộc cách mạng Phật giáo, lật đổ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc.
Hội Long Hoa, tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà thuộc kinh sách phát triển lãnh đạo. Khi đức Phật Di Lặc lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo thì toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu, tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị đốt sạch.
Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến đức Phật Di Lặc, và các bậc Thánh Tăng đệ tử của đức Phật không có ai tên là Di Lặc. Đối với kinh sách Nguyên Thủy, tên Di Lặc là một tên xa lạ, vậy mà bây giờ sắp lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo! Xin quý vị phật tử suy ngẫm để khỏi lầm lạc.
Hội Long Hoa, được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử đức giáo chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu, dựa vào gốc kinh sách phát triển và tưởng ấm của con người thể hiện qua “cơ bút” cho biết ngày tận thế và Hội Long Hoa sắp mở bày.
Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này. Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại”. Quá khứ và vị lai không cần biết đến, chỉ làm mọi việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.
Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của những kinh sách phát triển, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng vì thế lực Phật giáo Nguyên Thủy còn mạnh, cho nên họ không thể làm gì được.
Hiện nay, Phật giáo cả thế giới đều chấp nhận kinh sách phát triển là giáo pháp của Phật giáo. Đó là một bước thắng lợi thứ nhất của kinh sách này. Đến khi các sư Nam Tông, tức là các sư Phật giáo Nguyên Thủy, dần dần chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển và lần lượt các sư Nam Tông sẽ tu tập theo giáo pháp của kinh sách phát triển. (Ghi chú: Ngày nay các sư Miến Điện bắt đầu dạy thiền Nguyên Thủy giống như thiền Đông Độ. Sau một thời gian dạy (Tứ Niệm Xứ) quán thân, thọ, bây giờ các sư bắt đầu dạy quán tâm giống như Thiền Tông Trung Hoa) thì giáo pháp Nguyên Thủy sẽ bị đốn tận gốc. Lúc bấy giờ, người ta bảo rằng Hội Long Hoa ra đời thành lập Phật giáo mới và đức giáo chủ là đức Phật Di Lặc.
Đó là một thâm ý sâu sắc của kinh sách phát triển dựng lên đức Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc, mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, Nam Tông lẫn Bắc Tông, đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.
Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết soạn ra, rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết. Lợi dụng lúc Phật giáo kết tập kinh sách nhiều lần chưa thành văn bản, người ta đã tùy tiện thêm bớt thật dễ dàng. Cho nên người nghiên cứu kinh sách Phật giáo hiện nay gặp phải khó khăn là có nhiều bài kinh mâu thuẫn nhau, khiến chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả không phải Phật thuyết.
PHẢN BIỆN:
     Làm sao có thể thay thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng Phật tương Lai Di Lặc được, trong khi ở tất cả các Chùa Bắc Truyền đều thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, hành theo Kinh của Phật Thích Ca. Nếu có thờ Phật Di Lặc (tương lai) và Phật A Di Đà (qúa khứ) thì Phật Thích Ca là chính và ở giữa. Thời gian từ Phật Thích Ca cho đến khi Phật Di Lặc ra đời không có một vị Phật nào ở giữa; như vậy giáo lý của Phật Thích Ca là độc tôn của Phật giáo cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời, thì làm gì có vụ lật đổ như tác giả dựng lên.
      Có muốn lật đổ Phật giáo là các đạo khác dựng lên một Thượng Đế tưởng tượng theo ý con nguời mà thôi, họ muốn lật đổ Phật Thích Ca Mâu Ni để thay bằng Thượng Đế tưởng tượng của họ. Họ đã chiếm đốt phá chùa chiền, họ đã giết Phật tử, tiêu diệt Phật giáo suốt từ Trung Đông, Ấn Độ tới Nam Dương rộng lớn như thế từ ngàn xưa.
      Bây giờ người xuất gia tu hành không chịu nghiên cứu giáo lý kỹ lưỡng để rồi nói sai viết bậy như thế, thì  Đức Phật nói gì về mấy người này? Đừng trách các Phật tử tại gia không đọc đầy đủ Kinh sách của Phật, không hiểu giáo lý nên một số người đổi đạo, vì ngu si, vì ép buộc, vì những lời dụ dỗ và những quyền lợi vật chất nhỏ nhặt…
      Cũng không trách nhiều tác giả Thích Thông Lạc về vấn đề âm mưu dựng Phật Di Lặc lên để thay thế lật đổ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì cái nạn ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ về trước có người tuyên bố vỗ ngực tự xưng là hiện thân của Đức Di Lặc, rồi họ viết in sách mập mờ đánh lận dùng một số kinh sách của Phật giáo làm chính, lồng xen vào trong những phần không phải của Phật, làm cho người đọc nhẹ dạ tin theo nên tưởng là Phật giáo thật, tưởng là Đức Di Lặc ra đời.
      Việc này xảy ra cũng là bởi từ khoảng hơn ba phần tư thế kỷ về trước có người dùng chiêu bài Phật giáo viết và phổ biến Hội Long Hoa sắp tới rồi để hành ngoại giáo, họ nói: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đón Hội Long Hoa của Phật Di Lặc giáng thế!” Một tiếng nói ấy làm cho nhiều người tưởng thật vì si mê, nên tạo ra trăm nghìn người tin theo về mở Hội Long Hoa; họ chẳng biết rằng Đức Di Lặc ra đời còn tít mù tăm khoảng trên 8 triệu năm nữa! Như thế thì mở hội để đón ai chứ?
     Bởi vậy để đáp ứng điều mong mỏi của những người ấy liền có người tự xưng là hiện thân Đức Di Lặc. Đối với Phật giáo các người vỗ ngực tự xưng rằng: “Ta đã đắc đạo, ta là vị này vị kia” là kiêu mạn, những người như thế Đức Phật bảo là người “ngu si tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn, cần phải dẹp bỏ”.      
     Tác giả lo rằng Phật Giáo Nguyên Thuỷ Nam Truyền sẽ bị mai một, điều này không đúng, vì hầu hết những gì có nói trong Kinh điển Nam Truyền, cũng được nói đến trong Kinh điển Bắc Truyền. Tất cả những gì ghi trong Kinh điển Nam Truyền đều là căn bản của Phật giáo Bắc Truyền như Bốn Diệu Đế, Tám Chính Đạo, Bốn Như ý Túc, Bốn Chính Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Bốn Niệm Xứ, Bốn Thiền Tám Định, v.v…
     Ngoài ra có những điều có trong Kinh điển Bắc truyền mà trong Kinh điển Nam Truyền không có, như thế có phải Kinh điển Bắc truyền đã bổ túc cho sự thiếu sót không? Đừng có ý nghĩ sai lầm mà nói rằng Kinh điển Bắc truyền là của Bà La Môn hay Lão Giáo, chỉ vì không hiểu lời Phật dạy trong Kinh mà nói đó là Kinh ngụy tạo của Bà La Môn hay Lão Giáo, điều này chỉ chứng tỏ sự si mê của mình mà thôi.
     Người mới học Phật có thể thấy trong giáo lý có những chỗ mâu thuẫn là lẽ thường, nhưng nếu người học tới thâm sâu rồi thì chẳng còn thấy mâu thuẫn nữa. Đây chỉ là theo từng trường hợp, tầng bậc khác nhau mà thôi, do đó người học Phật nên ráng kiên nhẫn nghiên cứu lâu dài; tới lúc đó hành giả hiểu ra ý nghĩa mà Phật muốn nói thì những gì có vẻ mâu thuẫn ấy tan biến và sẽ vui vẻ vô cùng vậy. Xin cảm ơn.

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List