CUỐI NĂM, CHUYỆN PHIẾM VỀ CHỮ “LỘC”.
Thưa qúi vị,
Tôi có hỏi ý kiến một
vài bạn trẻ về ý nghĩa của chữ “Lộc”, chữ “Lộc” nên dịch ra tiếng Anh là gì.
Hầu hết các bạn đều cho biết nên dịch là “Luck”, là sự “May Mắn”.
Tôi cũng đã nghĩ như
vậy, nhưng phải vấn kế các bạn vì hình như ý nghĩa của chữ “Lộc” rắc rối hơn
nhiều, chứ không phải chỉ đơn gỉan nghĩa là sự May Mắn.
Trước nhất là cụm từ
“hái lộc". Nghĩa đen của nó là hái mầm non của cây, là hái những
cành cây mới “đâm chồi nảy lộc”. Tại vì cũng như hầu hết các vùng Ôn Đới khác,
ở miền Bắc nước ta, một năm đều có 4 mùa Xuân , Hạ, Thu, Đông rất phân minh rõ
rệt. Mùa Hè, cây cối um tùm xanh tốt. Mùa Thu lá cây vàng úa. Mùa Đông khí trời
lạnh buốt, cây cối cũng buồn trơ trụi. Nhưng khi Mùa Xuân đến, thì khí hậu trở
nên êm đềm ấm áp và cây cối cũng đồng loạt hồi sinh, chúng tưng bừng đâm chồi
nảy lộc để bắt đầu cho một chu kỳ mới tràn đầy sức sống.
Đầu Xuân, nhất là Ngày
Tết, nam thanh nữ tú thường rủ nhau đi hái những cành cây non mới hồi sinh này,
gọi là Hái Lộc...
Như vậy, “Lộc” trong cụm
từ “hái Lộc” nghỉa là hồi sinh, là sức sống mới, là trẻ trung yêu đời, là tương
lai tươi sáng…
Tuy nhiên, cũng thường
vào dịp Tết, chữ “Lộc” lại được hiểu là bổng lộc, là sự may mắn, là ân huệ của
các Đấng Bề Trên. Cho nên nghe nói, tại Lăng Ông Bà Chiểu chẳng hạn, mỗi dịp Tết
đến, thiện nam tín nữ đã hái trụi hết các cây kiểng quanh lăng,
sau này Ban Qủan Trị đã phải mua cả mấy chục ngàn bông hoa cho bà con
"hái lộc" mà khỏi tàn phá các cây hoa kiểng rất qúi giá đắt tiền
chung quanh. Tập qúan này cũng theo người Việt đi tỵ nạn ra ngoại quốc, nên
cũng nghe nói hiện nay, vào những này đầu Xuân, nhiều cơ sở tôn giáo cũng phải
mua rất nhiều cam qúyt để cho tín hữu...hái lộc.
Nhiều nhà thờ cũng có
cây mai...gỉa đặt cạnh bàn thờ, trên đó có treo nhiều bao lì xì để sau
thánh lễ, giáo dân sẽ lần lượt lên...hái lộc.
Dài dòng như vậy vì tết
năm nay, để thay đổi không khí, tôi đã bàn với bà xã là sẽ treo các bao lì xì
trên cây đào, mỗi bao sẽ có một ...tấm vé số, để sau lễ chúc Thọ, con cháu
sẽ…hái Lộc lấy hên. Nhờ các bạn trẻ nói, "Lộc là Luck", cho nên
kế hoạch đã được bà xã OK.
Câu chuyện tào lao này
có lẽ đã được chấm dứt nơi đây nếu tôi không ra sau vườn ngắm cái hòn non bộ.
Cũng như hầu hết qúi vị, vườn sau nhà tôi cũng có một cái hồ cá nho nhỏ với một
giòng suối róc rách ngày đêm. Trên hòn non bộ của cái hồ cá kiểng này, tôi đã
gắn ba pho tượng Phước, Lộc, Thọ.
Nhìn ba pho tượng này,
tôi lại lan man thêm về ý nghĩa của ba cái chữ Phước, Lộc, Thọ, nhất là
về chữ Lộc nói trên.
Phước, Lộc, Thọ là tiêu
chủân để xác định ai là người may mắn hạnh phúc trong xã hội, nhất là đối với
các cụ ngày xưa. Dĩ nhiên đó cũng là niềm mơ ước của các cụ ngày nay, của chúng
ta bây giờ
Trong ba chữ đó, chữ Thọ
là có ý nghĩa rõ ràng và phân minh tách bạch nhất, khỏi cần tranh luận bàn cãi.
Một ông cụ gìa với một chòm râu trắng bạc phơ, tay cầm một cây gậy trúc, cầm
gậy cho oai chứ không phải để chống. Tuổi già mà còn khỏe mạnh như vậy thì đúng
là Thọ rồi. Chắc là cụ cũng phải cỡ trên bảy chục, vì theo quan niệm ngày xưa
“Thất thập cổ lai hy”. Bảy chục là hiếm có, là…thọ.
Tuy vậy, với những tiến
bộ vượt bực của Y Học hiện đại, ngày nay “thất thập” không còn là “hi hữu”,
không còn là hiếm có nữa, mà phải sống đến trên…100 tuổi mới được gọi là “Cổ
lai hi”..
Bây giờ xin bàn tới cụ
Phước. (“Người Bắc chúng tôi” gọi là cụ Phúc). Cũng là một cụ gìa râu tóc bạc
phơ, nhưng tay thì ẵm một em bé. Như vậy “lắm con nhiều cháu, con đàn cháu
đống, con cháu đầy nhà… là có Phước”. Tuy nhiên tôi lại có cái thắc mắc này.
Không biết đứa bé mà cụ đang bế trên tay là cháu hay là… con của cụ. Xin
đừng cười vì đây là một nghi vấn vô cùng quan trọng liên quan tới hầu hết mọi
người trong… giới gìa chúng ta. Nếu đứa bé đó là con của cụ thì chắc
chắn là cụ phải có một… cô vợ bé còn trẻ trung lắm. Nếu đúng đấy là đứa con của
cụ, thì đại đa số chúng ta đều là…vô Phước, vì mấy ai đã có được một cô vợ trẻ
như cụ. Còn nếu đứa bé đó là cháu của cụ thì hầu hết chúng ta đều là
những người…có Phước, vì ai mà chả có cháu nội cháu ngoại đầy nhà.
Sau cùng, xin bàn về Cụ
Lộc.
Theo như những lời đã
lan man ở trên, thì cái tên của ông cụ Lộc này là rắc rối nhất. Nhưng ở đây,
trong bộ ba Phước Lộc Thọ này, trên tay ông cụ Lộc thì đang nâng niu một thỏi
vàng lớn. Như vậy, trong câu chuyện “Phước Lộc Thọ” này, thì đã rõ ràng,
thì thật là đơn gỉan, chẳng có chi là rắc rối cả. Theo ông bà ta ngày
xưa, “Lộc” ở đây nghĩa là lắm tiền nhiều của. Như vậy, Lộc nghĩa là Tiền, Lộc
nghĩa là sự giầu sang phú qúi. Và “Hái Lộc” nghĩa là lượm… tiền. (Chứ
không phải hái mầm non của sức sống mới hay là tìm kiếm sự may mắn của … tấm vé
số.)
Từ những suy nghĩ lẩm
cẩm về ba Cụ Phước Lộc Thọ nói trên, tôi lại lan man ra như thế này:
-
Tại sao không có ba “Bà, mà lại chỉ có Ba Ông Phước
Lộc Thọ”. Kỳ thị thấy rõ, lại còn đứng chình ình ngay giữ thủ đô tỵ nạn nữa
chứ, thế mà tại sao chả thấy các bà các cô lên tiếng bênh vực cho Nam Nữ Bình
Quyền gì cả?
-
Nếu Phước là đông con nhiều cháu. Nếu Thọ nghĩa là sống đến trên
bảy chục tuổi. Và nhất là nếu Lộc là “LUCK”, nghĩa là sự May Mắn (chứ không
phải giầu sang phú qúi). Thì hầu hết các cụ ông cụ bà hiện đang sinh sống tại
hải ngoại, đặc biệt là tại Mỹ, các cụ đều đang là các ông các bà Phước
Lộc Thọ. Nhất là những vị đang được hưởng Tiền Già SSI, đang ở Housing
và đang được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn hoàn toàn miễn phí trọn đời.
-
Không biết các bao lì xì gắn trên cây mai tại các nhà thờ vào dịp
Tết chứa cái gì bên trong? Một câu Lời Chúa trích trong Kinh Thánh? Một lời
khuyên bảo về ăn hiền ở lành? Một tiên đoán về hậu vận trong năm mới? Một Tấm
vé số? Một số tiền mặt?...
Cái vụ này cũng còn tùy
thuộc rất nhiều vào định nghĩa của chữ “Lộc”.
Cám ơn qúi vị đã bỏ thì
giờ đọc qua và xin mượn cây đào trước ngõ để kính chúc qúi vị một năm mới nhiều
Phước, nhiều Thọ và nhất là nhiều…Lộc.
Vũ Linh Châu
No comments:
Post a Comment