Popular Posts

Tuesday, February 26, 2013

Đừng lo trời sập đè người


 

Đừng lo trời sập đè người

Đăng bởi lúc



VRNs (26.02.2013) – Sài Gòn – Của rơi từ trời, ai là chủ?

 

Năm ngày sau khi trận động đất rung chuyển dữ dội và tàn phá thủ đô Port-au-Prince của Haiti làm chết 316.000 người, từ trời cao lại xẩy ra một biến cố ngoài tầm tay kiểm soát của loài người.

Chiều 18/01/2010, ba cục đá từ ngoại tầng không gian lao vào trái đất, vẽ một đường khói khi vật thể chạm vào bầu khí quyển với tốc độ cực nhanh. Trong ngành thiên văn học, các hòn đá có tên gọi “vẫn thạch” đã rơi xuống đất cách dinh tổng thống Mỹ 17 dặm về phía tây bắc, đúng chóc địa chỉ 9500 Richmond Highway, thuộc thị trấn Lorton, tiểu bang Virginia, lọt vào phòng khám số 2 của các bác sĩ Marc Gallini và Frank Ciampi khi cả hai ông đang làm việc.

Hai ông thầy thuốc sau khi nghe những tiếng động giống như tủ sách bị đổ xuống đã lục soát cơ ngơi của mình và tìm thấy ba hòn đá, hòn lớn nhất có kích thước 8 cm x 5 cm x 5 cm cân nặng 329.7 grams (gần bằng một lon sữa bò nặng 397 grams), đục qua mái, xuyên suốt lớp thảm và lớp gạch nền, cắm sâu xuống nền xi măng của phòng khám.
 
Cái tên của thị trấn bé nhỏ của tiểu bang từ đó được vinh dự đi vào lịch sử, sau khi thế giới đồng lòng gọi viên lớn nhất bằng nắm tay ấy là “viên vẫn thạch Lorton”, tiếng Anh là chondrite meteorite, tiếng Việt chưa có, và tiếng Hán gọi là cầu lạp vẫn thạch (球粒隕石) trong đó ch vn du ngã () dng danh t có nghĩa viên, động từ là rơi. Cái tên của hòn đá dừng lại ở đó, nhưng giá trị của nó thì không, sau khi Viện Smithsonian đề nghị trả cho hai ông bác sĩ 10.000 đô để mang viên đá về.

Viện Smithsonian (Smithsonian Institution) là một học viện chuyên nghiên cứu và là bảo tàng viện của chính phủ Hoa Kỳ, có trụ sở chính tại Washington, DC và các phân viện ở Panama, tiểu bang Virginia và thành phố New York, nơi họ triển lãm 142 triệu di vật trong các bộ sưu tập của viện.

 


 

Nhưng tới đó, viên đá mới bắt đầu số phận long đong, sau khi luật sư của phía chủ nhà thưa 2 ông bác sĩ ra tòa để đòi quyền sở hữu viên đá, và đòi viện Smithsonian hoàn trả viên đá. Hai bác sĩ bèn mướn luật sư Keith Marino để biện hộ, nhưng vụ kiện vẫn chưa tưng bừng bằng khi luật sư Marino, một cựu sinh viên của Viện đại học Luật khoa William & Mary ở Virginia tìm gặp thầy cũ của mình là khoa trưởng Ronald Rosenberg để vấn kế. Giáo sư Rosenberg thay vì tự mình đứng ra làm việc với cựu sinh Marino, lại mang thông tin về vụ kiện vào lớp, cỗ võ học trò mình nghiên cứu quyền sở hữu về thiên thạch rơi xuống từ trời.

Các sinh viên của trường luật cổ kính hàng thứ nhì của Hoa Kỳ đã kết luận rằng vì vẫn thạch rơi trực tiếp từ ngoại tầng không gian xuống, trường hợp nầy giống y như một tài sản đã bị đánh mất hay bị bỏ rơi. Vì thế, quyền sở hữu tài sản nầy thuộc về cá nhân nào tìm thấy được.
 
Một viên vẫn thạch không giống trường hợp của một món nữ trang hay một cái ví bị đánh rơi, nó không có chủ thực sự, nên quyền sở hữu phải thuộc về người phát hiện ra nó, đặc biệt trong trường hợp nầy là thuộc về người thuê mướn căn nhà (tenant).

Vụ án kết thúc ngày 24/03/2011, khi phía chủ nhà biết cãi không thắng được với trường luật danh tiếng W&M, nên xin bãi nại. Viện Smithsonian ký cho hai ông thầy thuốc cái chi phiếu 10 ngàn, và toàn bộ số tiền nầy được trao qua cho hội thiện nguyện Thầy thuốc Không Biên giới để sử dụng vào công tác cứu trợ nạn nhân bị thiên tai động đất ở Haiti.

Viên vẫn thạch Lorton có độ tuổi khoảng 4 tỉ rưỡi năm lơ lững trong khoảng không gian giữa Hỏa tinh và Mộc tinh, nay nằm an nghỉ trong một hộp nhựa trong Phòng Trưng bày Vẫn thạch Mason-Clarke ở Viện Smithsonian với hàng ngàn đồng loại của mình, trong đó có ba viên khác đến từ Hỏa tinh.
 
Do xuất xứ của viên đá được ghi nhận thành văn bản rõ rệt và có một không hai, giá trị của nó trên thị trường đá quí thế giới nay vọt lên tới 50.000 Mỹ kim.

Chuyện nhiễu nhương về vẫn thạch chẳng hiếm hoi gì trong giới săn lùng đá rơi từ trời, mặt hàng được nói tới bằng giá cả hàng chục ngàn Mỹ kim, trong đó chuyện viên đá ở Claxton, tiểu bang Georgia là một thí dụ.

10g30 đêm 10/12/1984, trời đang chuyển mưa và mây vần vũ khi cựu chiến binh Don Richarson bước ra khỏi căn nhà di động của mình. Một tiếng hú ghê rợn làm ông Don nhớ tới tiếng đạn đại bác hồi còn tham chiến bên Việt Nam.
 
Ba mươi sáu mét cách chỗ ông đang đứng, một vật cứng đã táng mạnh vào đuôi thùng thư, đánh văng thùng xuống đất, để lại một vệt đất bị đào bới.
 
Đào sâu xuống 28 cm, người ta tìm thấy một viên vẫn thạch hình kim tự tháp với bốn cạnh đáy và mặt trên phẳng, nặng 1.455 grams. Viên đá được một người sưu tầm mua, rồi bán lại cho bộ sưu tập Macovich hồi 2007 với giá 82.750 đô. Nặng ngót một ký rưỡi, nhưng viên đá của Don Richarson chưa nghĩa lý gì so với tảng vẫn thạch Willamette, tìm được ở tiểu bang Oregon.
 
Đây là khối vẫn thạch lớn nhất tìm thấy trên lục địa Hoa Kỳ, lớn vào hàng thứ sáu trên thế giới, nay đang triển lãm cho công chúng xem tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, có người trả giá tới 300.000 đô nhưng không mua được, vì phía chủ cho là còn quá bèo.

Trong trường hợp độc giả tìm gặp được một viên vẫn thạch ở chỗ công cộng, bạn cần liên lạc để đăng ký ngay với Sở Quản lý Đất đai, địa chỉ: Phòng 5665, 1849 C Street NW, Washington DC 20240. Cơ quan nầy thuộc Bộ Nội vụ, có trách nhiệm quản lý khoảng 253 triệu mẩu đất công (1 triệu cây số vuông), tức một phần tám diện tích quốc gia Hoa Kỳ, phần lớn nằm trong các tiểu bang miền Tây, nhất là tại Alaska.
 
Sở Quản lý Đất đai có bộ luật cho phép săn lùng miễn phí các viên vẫn thạch trên đất công để sử dụng vào mục đích riêng, nhưng nếu khai thác vẫn thạch vào mục đích thương mãi thì cần xin phép và đóng lệ phí trước.


Khối vẫn thạch vừa rơi xuống đất Nga

Ngày xưa bên Tàu, có câu truyện truyền tụng “Kỷ nhân ưu thiên” về một người nước Kỷ đêm ngày âu sầu khổ não, đến mất ngủ quên ăn vì thường xuyên lo đất long trời sập rồi bản thân mình không biết nương tựa vào đâu. Chuyện lo con bò trắng răng ấy nay đã bị khoa học đánh bật. Ngược lại, thời đại nầy, con người lại ước ao nhặt được dăm ba viên đá rơi xuống từ trời, để giàu mà khỏi mua vé số. Lần nầy, người Nga không cầu, mà lại được.

Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) cho biết hệ thống mạng máy cảm ứng liên kết với nhau trên toàn thế giới đã cho phép các khoa học gia chắt lọc các dữ kiện để đi đến kết luận về kích cỡ của vật thể từ ngoại tầng không gian du nhập vào khí quyển địa cầu và vỡ vụn trên bầu trời Chelyabinsk thuộc nước Nga lúc 10 giờ 20 phút 26 giây giờ New York, tối thứ Năm 14/02/2013. Theo thông tin giờ chót, vật thể ấy được ước lượng trước khi va vào bầu khí quyển của trái đất có đường kính từ 49 feet (15 mét) đến 55 feet (17 mét), tức là chỉ bằng một phần ba thiên thạch 2012 DA14, sáng hơn mặt trời, với sức nặng khoảng 10 ngàn tấn. Đồng thời, khi chạm vào khí quyển, sự cọ xát đã làm nó đã phát ra một khối năng lượng từ 30 kiloton tới 500 kiloton. Những thông số kỹ thuật nầy được phổ biến sau khi kết hợp các thông tin thu thập được tại 5 trạm ghi sóng hạ âm (infrasound recording station) đặt rải rác quanh trái đất, và thông tin được ghi nhận trước tiên là tại Alaska, nằm cách xa thị trấn Chelyabinsk khoảng 6.500 cây số.
 
Thông tin sóng hạ âm ghi nhận rằng biến cố nầy đã kéo dài 32.5 giây đồng hồ, tính từ khi vật thể nhập vào khí quyển đến khi vỡ tan trên không trung. Con số nầy dựa trên các thông tin sóng hạ âm phân tích bởi giáo sư Peter Brown của Viện Đại học Tây Ontario, thuộc Canada. Dựa vào thời gian kéo dài của biến cố, các nhà khoa học kết luận rằng vẫn thạch Nga đã xâm nhập địa cầu với góc mỏng, mặc dù nó có thể tích lớn hơn khối vẫn thạch rơi xuống Indonesia hôm 8/10/2009.

Bình luận về biến cố nầy, khoa học gia Paul Chodas thuộc Văn phòng Đặc trách Vật thể Cận địa của NASA tại Viện Sức đẩy Phản lực ở Pasadena, California cho biết: “Chúng ta chỉ nên trông chờ một biến cố ở tầm cỡ nầy xẩy ra trung bình chỉ một lần trong mỗi trăm năm. Và khi chúng ta có một quả cầu lửa ở độ lớn nầy, chúng ta có thể nói tới một số lượng lớn vẫn thạch rơi xuống mặt địa cầu, trong đó hẳn là có những tảng lớn”.
 
Trái cầu lửa tuần qua bay xuyên qua bầu trời để lại vệt khói trắng có thể được trông thấy từ thành phố Yekaterinburg cách xa đúng 200 cây số, làm còi báo động nổi lên inh ỏi, các ô cửa sổ bị đánh vỡ và tất cả điện thoại di động đều tắt ngấm.

Đường đạn đạo của vẫn thạch Nga vừa rồi khác biệt rõ ràng so với lộ trình của thiên thạch 2012 DA14 xẩy ra sau đó 15 tiếng đồng hồ, là thiên thạch cận địa có đường kính phỏng chừng 50 mét (160 ft), do đài thiên văn Sagra ở Granada thuộc Tây Ban Nha phát hiện hôm 23/02/2012, với dự kiến là trong năm 2013 nó sẽ lướt qua cách xa trái đất chúng ta 27.700 km, và đường đi cũng như quỹ đạo của nó chỉ thực sự đe dọa an toàn của địa cầu trong thời gian giữa năm 2026 và 2069.

Vẫn thạch Nga tuần qua được nhân loại ghi nhận là khối đá lớn nhất xâm nhập địa cầu, kể từ khi khối vẫn thạch đâm vào trái đất gần mé sông Podkamennaya ở Tunguska thuộc miền Tây Bá Lợi Á cũng bên Nga lúc 7g17 sáng ngày 30/06/1908.

Thông tấn xã Novosti cho hay khối vẫn thạch tuần qua đã bay xuyên qua không phận rặng núi Urals kéo dài từ đông Âu sang tới vùng bình nguyên phía tây Tây Bá Lợi Á lúc 9:20 sáng thứ Sáu giờ địa phương, trước khi nổ tung dữ dội và bắn các mảnh vụn xuống đất, làm vỡ hàng hà sa số cửa kính, sụp đổ và hư hỏng khoảng 3.000 cao ốc, và gây thương tích cho 1.200 người, trong đó một phần sáu là trẻ em, chủ yếu là nhân dân trong các bệnh viện và nhà trẻ vùng Chelyabinsk. Khoảng 24 ngàn công nhân chuyên môn đã được huy động để tiến hành công tác cấp cứu. Cú nổ được so sánh với một phần ba triệu tấn thuốc nổ TNT bị kích hỏa cùng một lúc, hay lớn hơn trái bom nguyên tử ném xuống Hirosima trong Đệ nhị Thế chiến tới 30 lần.

Hình ảnh do các tay quay phim nghiệp dư thâu được cho thấy vệt khói trắng cắt nhanh trên bầu trời, trước khi nổ tung gây ra một vùng sáng chói hơn và tiếng động điếc tai. Ở Nga, rất nhiều xe cộ có gắn sẵn các máy quay video vì nhiều lý do, kể cả những vụ tranh tụng có khả năng xẩy ra do tai nạn lưu thông hay để đối phó với nạn công an đòi tiền hối lộ cho những vi phạm. Rất phổ thông, chủ xe gắn sẵn máy quay để tự bảo vệ cho mình khi ra trước tòa.
 
Nhưng lần nầy, các máy quay đã vô tình ghi được những hình ảnh của hiện tượng thiên văn sống động trăm năm một thủa. Một công dân tên Max Chuykov đã gởi cho đài CNN hình ảnh vệt vẫn thạch kéo dài từ thành phố Yekaterinburg kéo suốt tới chân trời, trong khi cô Ekaterina Shlygina ghi chú đoạn băng của mình rằng “Bên trên thị trấn Chelyabinsk quả cầu lửa nổ tung, và đó không phải là một máy bay phát nổ”.

Cơ quan không gian Nga Roscosmos cho hay vẫn thạch rơi xuống đất trải dài trong ba vùng địa lý kéo suốt từ Chelyabinsk sang tới Kazakhstan. Thị trưởng Chelyabinsk nói với thông tấn xã Novosti rằng một mảnh vỡ lớn đã được tìm thấy dưới hồ gần thị trấn. Riêng với những người thích ngắm tinh tú trên trời, hiện tượng thiên văn lần nầy gợi nhớ ký ức họ về biến cố Tunguska khi vẫn thạch phát nổ hồi 1908 đã thổi bay cây cối và thiêu rụi nhà cửa, con người và súc vật trong bán kính 20 km từ tâm vụ nổ, cũng như cắt cụt ngọn cây trong một diện tích rộng 820 dặm vuông, tức bằng hai phần ba mặt bằng của tiểu bang Rhode Island. Dạo ấy, 82 triệu thân cây đã bị đốn, nhưng không một hố sâu nào để lại làm chứng tích trên bề mặt địa cầu.

Vẫn thạch rơi xuống từ trời là chuyện không lạ, nhưng khi nó rơi xuống sa mạc hay ngoài đại dương thì người ta chóng quên. Lần nầy, nó rơi xuống một vùng đông dân cư, và vì vẫn thạch di chuyển với tốc độ 30 km mỗi giây nên khi nó lao vào trái đất, chúng ta khó lòng đoán biết trước được.

Theo lời các nhân chứng, khi bay ngang vùng trời Chelyabinsk và nổ tung, thiên thạch tạo ra một trận mưa lửa trên một khu vực rộng lớn; sóng xung kích của cú nổ gây cho nhiều cửa sổ bằng kính vỡ vụn và hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại. Viện Hàn lâm khoa học Nga xác nhận vụ nổ mới nhất này là một hiện tượng tương đối hiếm hoi trong vài thế kỷ qua, có trọng lượng khoảng 10 tấn phần lớn là sắt, sau khi xâm nhập vào khí quyển đã nổ tung cách bề mặt đất giữa cao độ 30 đến 50 km.

Ngày hôm sau vụ nổ rền trời, một đạo quân lao động đã ra quân vào ngày cuối tuần để nhanh chóng thay kính cho các cửa sổ.

Thị trấn Chelyabinsk có tên húy là Tankograd, vì đây là cái nôi sản xuất xe tăng T-34, cũng là nơi mùa đông triền miên tuyết phủ, với cái lạnh 30 độ âm Celsius. Hồi 1957, dân địa phương đã một lần hoảng hồn khi một chiếc xe tăng ở nhà máy vũ khí nguyên tử Mayak phát nổ, làm nhiễm bẩn 9.200 dặm vuông và chính quyền địa phương phải di tản 10.000 dân cư sống quanh điểm nổ.
 
Ngày nay, Chelyabinsk được chính phủ chọn làm địa điểm chủ yếu để thải bỏ vũ khí hạch tâm, và khu vực khổng lồ để hủy bỏ vũ khí hóa học chỉ cách thị trấn 50 dặm về phía tây, nên cũng chẳng lạ gì khi cú nổ vẫn thạch làm người dân hoảng loạn, và gây thiệt hại vật chất cho họ tới 1 tỉ đồng rúp (33 triệu đô).

Trong khi đó, chiến dịch săn lùng các mẩu đá vẫn thạch đã mở màn, nhộn nhịp nhất là tại thị trấn Chebarkul, nằm ở phía tây Chelyabinsk. Ở đấy, trong cái lạnh cắt da, thợ lặn đang gồng mình chui cái lỗ bề ngang 7 mét đục xuyên qua lớp băng đá cạnh cái lều tập thể để xuống đáy hồ hòng cố tìm một chút khoáng sản gì đó để đổi thành tư bản, hay nôm na là… tiền.

 

Các biến cố vẫn thạch ấn tượng nhất

Do đề tài thiên văn trong người Việt chúng ta chưa là vấn đề phổ cập hoặc là môn học chính thống, vẫn thạch đến nay vẫn là cái gì đó tương đối kỳ dị với những bí ẩn về vũ trụ bao la. Thực ra, hàng ngày vẫn có vô số vẫn thạch bay chạm vào vỏ khí quyển của địa cầu, tạo thành những vệt sáng mà chúng ta gọi là sao băng hay sao rơi.
 
Trong vô số các vẫn thạch bay tứ tán trong không gian, tảng nào chui lọt được vào vành khí quyển, cọ xát và nổ tung rồi rơi xuống bề mặt địa cầu, các khối đá hay viên đá ấy được gọi chung là thiên thạch, hay vẫn thạch, hoặc thậm chí là vẩn thạch (chữ vẩn được viết bằng dầu hỏi mang nghĩa vẩn đục).

Lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều biến cố vẫn thạch lớn; ngoài biến cố Tunguska vào năm 1908 đã đề cập ở trên, chúng ta còn có:

 

1. Vẫn thạch Ensisheim: vụ thiên thạch va chạm vào địa cầu được loài người ghi nhận sớm nhất xẩy ra hôm 7/11/1492 tại thị trấn bé nhỏ Ensisheim thuộc nước Pháp khi một tiếng nổ kinh hồn phát ra làm rung chuyển mọi thứ quanh vùng trước khi tảng đá nặng 150 kí từ trời cao roi tỏm xuống đồng lúa mì. Người duy nhất chứng kiến hiện tượng nầy là một cậu bé trẻ. Nghe tin, dân quanh vùng rũ rê nhau lại gỡ một vài mảnh mang về kỷ niệm.
 
Vua Maximilian của Đức trên đường từ chiến tuyến về cung cũng đã dừng chân xem, và cho là điềm lành của nhà trời báo hiệu ông sắp chiến thắng quân Pháp. Ngày nay, nhiều phần của tảng vẫn thạch đang được trưng bày ở nhiều nhà bảo tàng trên thế giới, nhưng phần lớn nhất vẫn còn lưu trữ tại Điện Nhiếp chính Ensisheim.

 

2. Vẫn thạch Peekskill: Ngày 9/10/1992, chị Michelle Knapp đang ở nhà mình tại Peekskill, New York, bỗng nghe một tiếng va chạm đinh tai làm chị giật bắn người. Chạy ra sân để xem xét, chị bắt gặp thùng sau chiếc Chevy Malibu của mình bị táng dập bởi một hòn đá lớn bằng quả bóng túc cầu và nền lối đi bị đào một lỗ sâu hoắm. Cảnh sát được gọi đến đã thu hồi viên đá và chuyển tới Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở khu Manhattan để xét nghiệm.
 
Kết quả, đó chính là khối vẫn thạch khi đang rơi xuống đã được các tay quay phim nghiệp dư ghi nhận được. Chiếc xe bị móp của Michelle đã được Công ty Vẫn thạch R. A. Langheinrich mua lại để bỏ vào bộ sưu tập, chở đi lưu diễn vòng quanh thế giới trong các cuộc triển lãm do các viện khoa học tổ chức.

 

3. Vẫn thạch Park Forest: khi ngồi vào bàn máy computer của mình tối 26/03/2003, Colby Navarro không hề biết một tảng vẫn thạch đang trên đường lao tới phía nhà mình ở Park Forest, tiểu bang Illinois, chui qua lớp mái, táng vào máy in, va vào tường và dội ngược trở ra, rơi xuống nền nhà sát tủ đựng giấy tờ hồ sơ. Viên đá có chiều dài khoảng 10 cm, là một phần của trận mưa vẫn thạch vừa làm hư hại sáu căn nhà và ba chiếc xe hơi khác. Các nhà khoa học cho biết đó là phần vỡ rời ra từ từ một tảng nguyên thủy lớn bằng một chiếc xe hơi. Nhiều người đã âm thầm cảm ơn thượng đế vừa ra tay ban phát một ân huệ nhỏ cho các sinh mạng gia đình Navarro nầy.

 

4. Vẫn thạch Hoba: mẩu vẫn thạch được tìm thấy tại một nông trại ở Namibia là tảng đá từ trời nặng nhất từ trước đến nay, có trọng lượng 66 tấn, được các khoa học gia ước tính đã rơi xuống địa cầu hơn 88.000 năm trước. Nghịch đảo với sức nặng quỷ quái của mình, khối đá to đùng đã không để lại hố thẳm do nó ấn xuống mặt đất, nên các nhà chuyên môn đã đưa ra lập luận rằng nó đã “trôi dạt” vào bề mặt lớp khí quyển bằng một góc rất mỏng và kéo dài, rồi nhẹ nhàng đáp xuống địa cầu.
 
Nó nằm vùi dưới đất và im hơi lặng tiếng cho đến năm 1920 khi một nông dân đi một đường cày trúng vào nó. Theo thời gian, tảng đá bị nắng mưa xói mòn, bị các tay vô loại, và các nhà khoa học tới thay nhau lấy mẩu thử nghiệm, làm thân thể nó bị teo tóp lại chỉ còn 60 tấn. Vào năm 1955, chính phủ Namibia quyết định biến địa điểm nầy thành đài tưởng niệm quốc gia.
 
Ngày nay, nơi đây là một điểm du lịch lôi cuốn rất nhiều du khách thế giới.

Kể về khối lượng, ngoài vẫn thạch Hoba, chúng ta còn có vẫn thạch rơi xuống Quận Norton thuộc tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ năm 1948, nặng 1 tấn; vẫn thạch Cát Lâm rơi xuống gần Mãn Châu, phía đông bắc Trung quốc hôm 8/03/1976, trong đó có tảng lớn nhất với trọng lượng 1.77 tấn, cày xới một hố sâu 6 mét; vẫn thạch Cape York tìm thấy ở Savissivik, thuộc quốc gia Greenland.

 

5. Vẫn thạch Barwell: mùa lễ Giáng sinh năm 1965, có lẽ Ông Già Noel phải giành giật khoảng trống không gian để đi phát quà cho con trẻ, trong thời gian mà trận mưa vẫn thạch lớn nhất lịch sử nước Anh rải hàng ngàn mẩu đá trời lớn nhỏ xuống khu vực Barwell ở miền Leicestershire.
 
Các viện bảo tàng đã nhanh chóng đưa ra các giá biểu để hỏi mua những phiến đá hiếm quí ấy, làm thị trấn vốn ngủ vùi quanh năm nay ngập tràn dân săn tìm thiên thạch và khách hiếu kỳ từ bốn phương trời tấp nập tuôn tới. Nhiều thập niên sau, hiện tượng nầy vẫn còn thu hút dân mê vẫn thạch, và các mẩu đá nhỏ lớn vẫn đều đặn được rao mua chào bán online.

 

6. Vẫn thạch Barringer: Arizona sẽ bớt được nhân loại chú ý đến nếu tiểu bang nầy thiếu đi cái hố sâu do tảng thiên thạch bề ngang 49 mét nhấn xuống mặt đất cách đây 50 ngàn năm, để lại cái di tích bề ngang hơn một cây số rưỡi, sâu 174 mét. Tên gọi của nó là Hố Barringer, hay Hố Vẫn thạch, nơi mà các khoa học gia đồng ý với nhau là tảng đá đã lao tới với vận tốc 45.760 km/giờ khi tông vào địa cầu, tạo nên cú nổ 150 lần lớn hơn quả bom nguyên tử thả ở Hirosima năm 1945.

 

7. Vòm Vredefort: với bề rộng suýt soát 300 cây số ngàn, Vòm Vredefort ở Nam Phi là địa điểm xảy ra hố sâu lớn nhất do chấn động vẫn thạch trên trái đất, với ước tính khoảng 2 tỉ năm tuổi. Ngày nay, cái hố nguyên thủy do vẫn thạch tạo ra thủa nào với bề rộng gần 10 cây số, đã bị xói mòn và thay hình đổi dạng quá nhiều, phần còn lại chỉ là cái vòm được tạo dáng khi vách đá của hố sụp xuống, làm các phiến đá granite như từ tâm điểm của hố trồi lên.

 

8. Lòng chão Sudbury: với kích thước chỉ kém Vòm Vredefort, lòng chão Sudbury là một trũng dài 62 km, rộng 30 km, sâu 15 km, hình thành bởi khối vẫn thạch khổng lồ có lẽ mang đường kính khoảng 10 tới 15 cây số, tông vào trái đất khoảng 1.85 tỉ năm trước đây, tại Sudbury, trong tỉnh bang Ontario, Canada. Mảnh vụn của vụ nầy văng xa tới phần đất ngày nay là tiểu bang Minnesota của Hoa Kỳ. Theo các nhà chuyên môn, lòng chão Sudbury chỉ nhỏ hơn Vòm Vredefort của Nam Phi nhưng rộng hơn hố Chicxulub ở Yucatán thuộc Mexico.


 

Nếu bạn vồ được một miếng vẫn thạch

Cũng như trúng số độc đắc, chuyện ấy không phải không thể xảy ra. Và nếu trong túi bạn đã thủ đắc một mẩu vẩn thạch, bạn phải thư thả tìm hiểu, đừng vội cho nhà báo biết, cứ tự mình định giá thay vì vội vàng chạy tới tiệm vàng. Càng phải đề phòng nhiều hơn nếu bạn đang sống ở Việt Nam, nơi các mẩu chuyện về lừa đảo khi mua bán vẫn thạch trong thời gian gần đây khiến bất cứ ai cũng phải cảnh giác.

Đại để, vẫn thạch là một cái tên chung chung đặt một cách tổng quát cho bất cứ vật thể nào từ ngoại tầng không gian va chạm vào bề mặt trái đất. Danh từ này cũng được sử dụng thoải mái cho một số vật thể không gian khác nhau như tiểu hành tinh, lưu tinh thể, hay vẫn thạch. Về mặt khoa học, tiểu hành tinh là các khối có thể rắn trôi nổi trong vũ trụ, nguồn gốc chưa được thống nhất, có kích thước thay đổi, dài từ vài trăm đến vài ngàn cây số.
 
Các hành tinh nhỏ nầy lang thang bất định trong vũ trụ, một khi chúng theo lộ trình nhắm vào địa cầu thì được cải danh thành lưu tinh thể. Đâm vào bầu khí quyển của trái đất với vận tốc cao, khi ma xát với bầu khí quyển giàu oxy, lưu tinh thể bị bốc cháy. Qua quá trình đốt cháy, các lưu tinh thể cỡ nhỏ, tức sao băng, cháy và tiêu hủy hoàn toàn. Nếu là dạng có kích cỡ lớn, các lưu tinh thể sẽ không bị tiêu hủy hết, sẽ đâm xuyên qua lớp vỏ khí quyển bao bọc trái đất, nổ tung và rơi xuống, để chúng ta gọi là vẫn thạch.

Chẳng là chuyện họa hoằn, mỗi năm có từ 30 ngàn tới 80 ngàn vật thể từ bên ngoài không gian lao vào địa cầu chúng ta, nhân đó, báo chí bên Việt Nam “tường thuật” rằng vẫn thạch “được tìm thấy nhiều nơi tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan với độ tuổi khoảng 700 ngàn năm, được gọi tên là vẫn thạch pha lê Đông Dương. B
 
iển Hồ Campuchia đã từng là vị trí được các nhà khoa học nêu ra. Gần đây, các nghiên cứu khác cho thấy vị trí vẫn thạch rơi có thể ở vùng miền trung Việt Nam hoặc một phần lãnh thổ Lào.” Báo nhà nước kết luận: “thiên thạch có thể tìm thấy dễ dàng khắp nơi trong cửa hàng lưu niệm đá quý tại nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á.” Tin hay không là tùy người đọc.

 

Người săn vẫn thạch

Nghe tin vẫn thạch rơi xuống đất Nga, các tay săn vẫn thạch trên thế giới cho đó là cơ hội ngàn năm một thủa. Một viên đá từ không gian rơi xuống, nếu vồ được, sẽ có giá bạc ngàn. Nếu tảng lớn, phải nói đến số tiền bằng cả trăm ngàn đô. Anh Michael Farmer, người chủ trang mạng Thợ săn Vẫn thạch tâm sự: “Mấy ngày hôm nay tôi không tài nào chợp mắt.
 
Theo tôi thì hơn một trăm năm qua, chúng ta không có một cơ hội bằng vàng thế nầy”. Anh ta đã lên kế hoạch bay sang Chelyabinsk ngay khi đọc bản tin đầu tiên. “Sáng hôm sau, tôi đã ngồi suốt với cái điện thoại để xoay xở cái chiếu khán nhập cảnh vào đất Nga. Tôi nôn nóng lấy visa càng sớm càng tốt. Khi chuyện xảy ra như thế nầy, quý vị thừa biết là sớm phút nào hay phút đó”.

Ở Mỹ, có một nhân vật chuyên săn lùng vẫn thạch. Một viên trong bộ sưu tập mà anh ưa ý là vẫn thạch Sikhote-Alin, miếng sắt rơi từ không gian xuống đông Tây Bá Lợi Á hồi tháng 2/1947. Trong biến cố nầy, hàng ngàn mảnh vụn chìm sâu xuống lớp tuyết dày, tạo nên trận mưa thiên thạch lớn của lịch sử. Miếng sắt của người chủ nhân nặng tới 1.650 gram.
 
Tên của người chủ là Geoffrey Notkin. Trong một chuyến đi săn khác ở một cánh đồng trong tiểu bang Kansas, Notkin đã tìm được một khối vẫn thạch nặng tới 104 kí. Bên cạnh đó, bộ sưu tập của anh còn có mẩu vẫn thạch của các vụ nổ thiên thạch nổi tiếng trong lịch sử: mẩu Allende (Chihuahua, năm 1969), mẩu Holbrook (Arizona, năm 1912), mẩu huyện Quyên Thành (tỉnh Sơn đông, năm 1997) mẩu Millbillillie (Australia, 1960), mẩu Ash Creek (Texas, 2009), và từ nhiều địa phương khác.

Khi được báo chí hỏi về bộ sưu tập, anh kể từ nhỏ, anh đã mê sưu tập đồ hiếm quí. Anh bắt đầu bằng bộ sưu tập báo hoạt họa, bích chương phim ảnh, kỷ vật Thế chiến Thứ Nhì, đàn guitar, sách hiếm, dụng cụ nhiếp ảnh cỗ điển, và cả đồ chơi trẻ con.
 
Săn lùng vẫn thạch đòi hỏi kiên nhẫn tột cùng, khổ công nghiên cứu tìm tòi, và quyết đoán bản thân, nhất là trong va chạm với người lạ vật lạ. Ví dụ khi cắm lều trên sàn của hố vẫn thạch Monturaqui có độ tuổi 100.000 năm ở sa mạc Atacama bên Chí Lợi, anh bắt gặp cảm giác đang có mặt tại một nơi kỳ diệu như thế còn hơn cả cảm tưởng khi cầm trong tay mảnh đá quí.

Hố sâu Monturaqui mà anh nhắc tên được nhà địa chất học Joaquin Sanchez khám phá hồi năm 1962 sau khi phân tích các tấm không ảnh chụp khu vực nầy, và chỉ được xác định 3 năm sau bằng các cuộc nghiên cứu thực địa về kết cấu chất sắt. Hố sâu nầy nằm dài trên những quả đồi sa mạc khô cằn không bóng cây của rặng núi Monturaqui bị cắt chéo bởi một con đường của giới thương hồ, nối liền bờ Thái Bình Dương với thị trấn San Pedro de Atacama ở bắc ngạn Á Căn Đình.
 
Hệ thống dẫn thủy nhập điền hiện nay bao quanh bờ rìa của hố vẫn thạch, và điểm thấp nhất là nơi được thiên nhiên đánh dấu bằng màu sắc tươi sáng của lớp cát bùn và đất sét thô. Hố vẫn thạch Monturaqui nằm cách 120 km về hướng chính nam của thị trấn San Pedro de Atacama, cách Salar de Atacama 30 km về phía nam.

Nếu bạn có máu giang hồ và muốn làm giàu qua việc săn lùng vẫn thạch, mời bạn đút túi cuốn sách gối đầu giường “Săn lùng vẫn thạch: Làm thế nào để khui kho báu đến từ không gian” do chính Geoffrey Notkin viết, và vác ba lô lên đường.

NgyThanh
http://www.chuacuuthe.com/index.php/2013/02/26/dung-lo-troi-sap-de-nguoi/

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List