Popular Posts

Sunday, February 10, 2013

TẠI SAO GỌI RẮN LÀ TỴ?


 

TẠI SAO GỌI RẮN LÀ TỴ?


NGUYỄN XUÂN QUANG

 

Tên 12 con giáp không phải là do người Trung Hoa phát kiến ra.

 

 

 

Năm nay xuân lại về, chúng ta lại tìm hiểu tên con giáp của năm Tỵ. Tôi đã viết trước đây, tên 12 con giáp không phải là do người Trung Hoa phát kiến ra. Chúng ta là Việt Mặt trời rạng ngời, có một nền văn minh Hừng Việt chói chang, thờ mặt trời còn ghi khắc lại trong sử đồng Đông Sơn, có nền văn minh sông biển giỏi về thủy vận nên rất rành về niên lịch, năm tháng, thiên văn. Cổ sử đã ghi Việt Thường đã có Việt Dịch nòng nọc ghi trên lưng rùa về thời Đạo Đường, vua nhà Chu sai chép lại gọi là lịch rùa. Vì thế người Việt cổ có niên lịch, năm tháng mang tên bằng tiếng Việt là một chuyện có thật. Thật vậy, tác giả Bùi Huy Hồng trong bài “Mấy Nét Về Thiên Văn Học Thời Hùng Vương” đã viết “Ở Cam-pu-chia còn lưu lại đến ngày nay một cuốn lịch cổ nhất là lịch Bầu Ràn (634 AD) dùng 12 tên con giống tiếng Việt và tiếng Mường…” (Hùng Vương Dựng Nước, 1972, t. III, tr. 299).

Nếu tên 12 con giáp này của Việt Nam thì chúng bắt buộc phải có nghĩa thuần Việt, nghĩa là phải hiểu theo kiểu nôm na mách qué của những người Việt dân dã chứ không phải hiểu theo nghĩa bác học. Để chứng minh tên của 12 con giáp đều là tên thuần Việt, có nguồn gốc Việt Nam, ta không phải chỉ dựa vào Hán ngữ, mà ta phải dựa vào tất cả ngôn ngữ loài người trong đó có Ấn Âu ngữ (Anh, Pháp ngữ…) vốn ruột thịt với các từ thuần Việt.

Qua các bài viết vào những mùa xuân trước đây, chúng ta đã biết:

.Hợi là con hoi, con oi, con mỡ, con vật cung cấp mỡ. Hoi liên hệ với Pháp ngữ huile, oi liên hệ với Anh ngữ oil. Với h câm, hoi = oi (miệng coi hoi sữa hay oi sữa) = oil. Việt ngữ mỡ liên hệ với Thái Lan ngữ moo là con heo, con moo là con mỡ. Việt ngữ lợn biến âm với lờn, nhờn liên hệ với mỡ dầu. Việt ngữ sề chỉ heo nái liên hệ với Cổ ngữ Anh sù (lợn sề), Latin sùs (lợn sề), gốc Ấn-Âu ngữ *sù- (lợn, heo), Việt ngữ heo, hợi, liên hệ với Anh ngữ hog

Hợi là con heo, con hoi, con huile, con hog, con oi, con oil…

.là con chuột. Tí là tí ti, nhỏ, bé, lắt, nhắt. Tí biến âm với Pháp ngữ petit, bé tí. Theo t=s như sụt = tụt (giá), ta có tí = sí (nhỏ sí) = síu (nhỏ). Síu biến âm với Pháp ngữ souris, chột nhắt. Chuột biến âm với chút là nhỏ là tí, liên hệ với Phạn ngữ chutt, to become small (trở thành nhỏ). Vậy Tí là petit, là chút, là chuột. Anh Theo (r=l, róc = lóc), Pháp rat là chuột liên hệ với Việt ngữ lắt, nhắt (chuột lắt, chuột nhắt).

Tí là con bé tí, petit, con sí, con síu, con souris, con tí chút, con chuột…

.Sửu là con trâu. Sửu liên hệ với Việt ngữ sẩu là sừng (xin khúc đầu những xương cùng sẩu…), sậu (cứng), cứng liên hệ với sừng (c=s). Con trâu là con có sừng ở đầm ao nước. Trâu con gọi là con nghé hay con he:

Trâu he còn hơn bò khỏe

He có nghĩa là trâu con, trâu nghé còn khỏe mạnh, hữu dụng hơn là bò khỏe. He biến âm với hèo là cái roi, cái vọt:

Còn duyên anh cưới ba heo,

Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

ca dao

He biến âm với Mường ngữ “hẻo” là húc (bằng sừng). Theo h=k (bệnh hen = bệnh kèn) ta có he = ke, que, nọc. Con he là con que, con nọc, con sừng. Theo ngh = k, như nghịt = kịt (đen nghịt = đen kịt); nghẹt = kẹt; nghều = kều (cao nghều = cao kều)…, ta có nghé = kẻ. Con nghé là con kẻ, con quẻ, que, kèo, nọc (kẻ là cái kèo nhỏ, thước kẻ) tức con sừng. Mã Nam Dương ngữ kerbau là con trâu có ker- là kẻ. Gốc Hy Lạp ker- là sừng (keratine, chất sừng, keratitis, sưng màng sừng, giác mạc, keratomy, cắt màng sừng…). Rõ như ban ngày con trâu do con he, con nghé lớn lên mà thành là con kẻ con sừng.

Sửu liên hệ với cổ ngữ Anh , Anh ngữ hiện kim cow (bò cái), với gốc Phạn ngữ kar, to be hard (cứng), Av. srù, horn; sarah-, head; New Persian surù, horn ; Skt çrnga (r with a dot, n có huyền), çira, liên hệ với sừng.

.Dần là con cọp. Dần biến âm với dằn, vằn. Con Dần là con dằn, con vằn. Con cọp có lông vằn. Tôm vằn gọi là tôm cọp… Tiger có ti- biến âm với “tie” (dải dây, cà vạt) liên hệ với Việt ngữ tau, tao (dải, dây, tua), đai (dải dây cột), Pháp ngữ tigre có ti- biến âm với ty, tơ (dải dây)… Tiger, tigre là con dây, con vằn, con dần.

.Mão, mẹo là mèo. Mão, mẹo biến âm với Việt ngữ mấu, bấu, vấu, với Anh ngữ maul (cào xé bằng móng vuốt). Con mão, con mẹo, con mèo là con mấu, con maul, con cấu, con quào:

Tuổi mẹo là con mèo ngao,

Hay cấu hay quào, ăn vụng quá tinh

(vè)

Mã ngữ hari mau là con cọp. Hari là trời, mau rõ ràng chỉ loài có móng vuốt loài mấu, mauling. Cọp hari mau là mèo trời.

Con mão là con mấu, con mâu, con maul…

.Thìn:

Thìn biến âm với thắn, Mường ngữ có nghĩa là con rắn, với thận (con rắn nước lớn, con trăn nước anaconda).

Thìn cũng biến âm với thằn (lằn), với thìu (điu) (rắn nước) với thuồng (luồng). Theo biến âm in, iên = iu, iêu như diễn hành, diễn binh = diễu hành, diễu binh, ta có thìn = thìu (điu).

Thìn là thìu (điu), là thắn (rắn), là thận, là thằn (lằn, cá sấu), là thần (liên hệ tới nước), là thuồng (luồng), linh vật mang tính nam hóa của rắn nước, thằn lằn nước, cá sấu thời phụ quyền.

Con Thìn là con thắn (rắn), con thận là con rắn nước lớn, con trăn nước (anaconda), con thằn (có gốc thằn lằn, cá sấu), thìu (rắn nước), con thuồng (luồng)…

TỴ LÀ GÌ?

Ta thấy ngay

Trong Việt ngữ

.Tỵ biến âm với Việt ngữ tơ, tao, tau. Tao, tau có nghĩa là tua, giải, dây như thấy qua câu ca dao:

Hai tay cầm bốn tao nôi,

Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương.

Cầm bốn “tao nôi” là cầm bốn sợi dây của cái nôi để đưa con. “Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương” là sợi căng thẳng, sợi trùng, sợi nhớ, sợi thương. Có thể đây là tâm trạng của người mẹ cầm bốn sợi dây của cái nôi ru cho con ngủ mà nhớ thương tới người tình cũ.

.Đọc thêm hơi vào tao ta có thao. Nón quai thao là cái quai nón ở chỗ buộc vào vành nón có hai cái tua, cái tao, cái thao rủ xuống hai bên.

.Tỵ liên hệ với phương ngữ Thanh Nghệ Tĩnh te là lưới cá nhỏ:

Mặc ai lưới, mặc ai te,

Thì ta cũng vẫn dăng bè nghênh ngang.

(ca dao).

Lưới đan bằng dây liên hệ với tua, tao, thao. Theo biến âm thấy qua từ đôi te tua, ta có te = tua. Việt ngữ te, lưới liên hệ với Latin tela, lưới.

.Tỵ liên hệ với Việt ngữ dải, dây, dợ (dợ hay rợ có nghĩa là dây như dây dợ). Theo t=d, tỵ = ty = tơ = dợ. Theo qui tắc từ đôi dây dợ ta có dợ = dây = dải. Cổ ngữ Việt cũng gọi con rắn là con dải. Con rắn trông như một dải dây dợ. Ta thấy rất rõ qua vật tổ rắn nước của người Ngaju Dayak, Borneo. Họ có vật tổ tối cao tối thượng dòng Nòng là con rắn nước tên là Tambon liên hệ với tamban (rope, rein, bow string), dải, dây, dây cương, dây cung.

.Tỵ liên hệ với Hán Việt đai. Theo d = đ như cây da = cây đa, ta có dải = Hán Việt đai.

.Tỵ liên hệ với từ thị. Trong tên Việt Nam, chữ lót thị chỉ phái nữ. Ta biết rõ nữ là âm, thuộc dòng nòng, nước có một biểu tượng là con rắn nước. Ta thấy rất rõ qua mẹ tổ thế gian của chúng ta là Thần Long hay Long Nữ có mạng Khảm (nước) là vợ vua tổ thế gian đầu tiên Kì Dương Vương (mạng Li, Lửa đất). Long là rồng theo duy âm có cốt là con rắn nước. Cốt lõi văn hóa Việt là nòng nọc, âm dương Chim-Rắn, Tiên Rồng. Thị thuộc ngành Rắn Rồng.

Trong văn giáp cốt Trung Hoa, thị có nghĩa gốc là tên một tộc, sau dùng chỉ dòng họ (thị tộc) được biểu thị bằng hình con rắn trên đầu một cái cột, thể hiện rắn là vật tổ (Ly Jim). Rắn là con dải bò ngoằn ngoèo như dòng nước nên rắn là biểu tượng cho nước, các tộc nước. Anh ngữ snake, rắn có nak- = nác, nước, rồng naga của Ấn-Độ và của các dân tộc bị ảnh hưởng của văn hóa Ấn-Độ có gốc từ con rắn nước. Naga có nag- = nác, nước.

Cá lạc là loài cá mình dài như con rắn (Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị). Lạc ruột thịt với nác, nước với naga, snake.

Như thế thị chỉ phái nữ và các thị tộc thuộc ngành nòng âm, nước liên hệ với tỵ, rắn có một khuôn mặt là rắn nước, con dải.

Trong Ấn Âu ngữ

.Tỵ biến âm với gốc Tiền-Ấn Âu ngữ *ten-, liên hệ với Tân Latin taenia, Anh ngữ tenia có gốc từ Hy Lạp ngữ tainia, teino có nghĩa là band (băng), ribbon (dải), tape (băng dán). Từ này cũng chỉ con sán dẹp, sán dải, sán sơ mít. Tenia là loại ký sinh trùng ruột có hình dài và dẹp như cái dây, cái dải, như sợi dây sên, dây xích (vì thân có các đốt, các đoạn) nên gọi là con sán, con sên (khác với con ốc sên), Anh ngữ dân dã gọi là tapeworm, ký trùng dải. Việt ngữ sán, sên ruột thịt với Anh ngữ chain, Pháp ngữ chaine, dây chuyền, dây xích cũng hàm nghĩa dây, dải. Con sán dải có đốt trông giống như sợi dây sên, dây xích.

Taenia, tenia liên hệ với Pháp ngữ cổ tenie, dây cột, dải băng cột đầu tóc.

*Ten- có te- liên hệ với tua (như thấy qua từ đôi te tua), tơ, ty, tỵ.

Theo t=d, có te-, tae-, tai- = dải = dây.

Trung Nam gọi là con lải, con lãi. Theo l=d=t, con lải, con lãi = con dải, con dây. Lải là sán dẹp như cái dải (dây). Ta cũng có từ đôi sán lải nghĩa là lải = sán = sên = Anh ngữ chain, Pháp ngữ chaine.

Tương tự tỵ cũng liên hệ với tennis, quần vợt. Đa số các nhà tầm nguyên ngữ học cho rằng từ tennis liên hệ với Hy Lạp ngữ tainia, băng, dây cột, Pháp ngữ cổ tenie, dây cột, dải băng cột đầu tóc. Ta thấy rất rõ tennis có gốc từ gốc Tiền-Ấn Âu ngữ *ten-. Tennis là môn thể thao đánh quả banh qua một dải dây (sau là cái lưới) ở giữa sân. Tennis có ten-, te- = -tai = tae- = tape = tỵ = dải, dây, đai.

.Tỵ liên hệ với Latin tela, lưới, có cùng gốc với taenia, tainia, tennis. Tela có te- = Việt ngữ te (như đã nói ở trên te là lưới cá nhỏ). Từ tela chẻ đôi thành Việt ngữ te là lưới và Hán Việt la là lưới như thiên la địa võng.

.Tỵ liên hệ với Anh ngữ tie (dây, cột, cà vạt) với đai với dải. Rõ ràng con tỵ là con tie, con đai, con dải. Và tỵ liên hệ với Anh ngữ tape, dải, dây.

. Theo t=tr (tui luyện = trui luyện), Tỵ liên hệ với gốc Hy Lạp trich-, tricho-, tơ, tóc, dây dải như trichina, giun xoắn (ký sinh trùng hình con giun cuộn tròn như rắn), trichogen, thuốc mọc tóc, trichopathy, bệnh tóc…

Trong Hán ngữ

Về mặt Hán ngữ Tỵ biến âm với Hán Việt ty là tơ, dải, sợi, dây.

Như đã nói ở trên Tỵ liên hệ với dải. Theo d=tr như dàn = tràn, ta có dải = trãi. Bộ trãi trong Hán ngữ như thấy qua từ Lạc trong tên Lạc Long Quân viết với bộ trãi có nghĩa là con sâu không chân. Con sâu không chân mang hình ảnh con rắn tí hon. Điểm này thầy rõ qua từ worm, sâu, giun, trùn (giun, trùn Hán Việt gọi là địa long vì trông giống rắn).

Trong nhiều ngôn ngữ cổ Ấn-Âu worm cũng có nghĩa là rắn vì con sâu là những con rắn tí hon, bằng chứng là Việt ngữ sâu có gốc sa- cùng âm với , xà, rắn. Qua biến âm thấy ở từ đôi sâu sa, ta có sâu = sa = sà = xà.

Theo w = u, worm có wor- = uor- = uốn (éo), thấy rõ nhất qua từ Latin uermis, a worm, có uer- = uốn, éo. Sâu và rắn là con uốn éo.

Tỵ phát âm theo tiếng Bắc Kinh là Sì. Theo s=t như sụt = tụt; suốt = tuốt (lá); sí = tí (nhỏ), ta có tỵ = sì.

Tuy nhiên biên âm giữ t (sì) và t (Tỵ) chỉ là biến âm khác vần tức biến âm họ hàng trong khi tỵ biến âm với tơ, tua, tao, te, Anh ngữ tie, tenia, tennis, Hy Lạp ngữ tainia, Latin tela, gốc Tiền-Ấn Âu ngữ *ten-, Hán Việt ty… là biến âm mẹ con (giữa t và t) và có cùng một nghĩa như nhau. Như thế Tỵ không thể do Sì giọng Bắc Kinh của Tỵ đẻ ra.

Tóm lại, rõ như ban ngày Con Tỵ là con ty, con tơ, con tao, con tau, con thao, con tae- (tape), te- (tenia, tennis), con tai- (tainia), con tie, con *ten-, con dải, con đai, con dây, con thị, con tri-, tricho…

Những từ chỉ rắn và liên hệ tới rắn.

Để làm sáng tỏ thêm xin nói qua một chút về các từ chỉ rắn và liên hệ với rắn.

Thìu điu, liu điu.

Việt ngữ cổ gọi con rắn nước là con thìu điu hay liu điu:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,

Rắn đầu biếng học lẽ không tha.

Thẹn đèn hổ lửa, đau lòng mẹ,

Nay thét, mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,

Lằn lưng chẳng khỏi vết năm ba.

Từ nay Châu Lỗ xin siêng học,

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia

(Chiêu Lì, Lê Quí Đôn)

Châu là nước Châu, quê thầy Mạnh Tử và Lỗ là nước Lỗ, quê thầy Khổng Tử. Châu Lỗ cũng là tên một loài rắn. Bài thơ mỗi câu đều có tên một con rắn: liu điu, rắn, hổ lửa, mai gầm, rắn ráo, lằn lưng , châu lỗ, hổ mang.

hay

Cha hổ mang đẻ con thìu điu

hoặc

Cha thìu điu đẻ con hổ mang

(ca dao)

hay

Trứng rồng lại nỡ ra rồng,

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

hay

Đôi ta như thể thìu điu,

Nước chẩy mặc nước ta dìu lấy nhau

Ta cũng có từ thìu đìu chỉ một loại dây leo bò như rắn có lá rất nhám dùng làm giấy nhám đánh đồ gỗ (Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Diễn Âm Tự Vị).

Thìu biến âm thiu. Thìu cũng biến âm với thều, thào, thao là dải, con rắn thìu điu có hình ảnh của dòng nước, con sông. Thìu biến với thìn, thằn, thắn có nghĩa là rắn, với thần (bậc siêu phàm dòng nước), thẩn (rắn nước có sừng), thận (cơ quan lọc máu “làm nước” tiểu). Liu biến âm với lũ, lụt, Hán Việt lưu có một nghĩa là nước chảy. Liu biến âm với Mường, Tây Tạng ngữ tlu, rắn. Chú ý ta có liu láy với điu, thìu với điu nghĩa là liu = điu, thìu = điu tức liu = thìu = điu đề có nghĩa là dây dải liên hệ với nước. Vì thế thìu điu, liu điu thật sự là loài rắn nước.

Rắn

Rắn = lắn = lăn (r = l như người Trung Hoa nói fried rice thành fried lice). Con rắn là con lăn. Ta cũng thấy rắn biến âm với lằn (dải, dây như vết lằn), Anh ngữ lane, dải đường. Con rắn là con lằn, con dải. Rắn là con lằn, thằn lằn cùng họ bò sát nhà rắn. Mường ngữ thắn là rắn. Ta cũng thấy lăn = trăn (l=tr lòng=tròng, mắt, trứng). Trăn viết theo tiếng cổ là tlăn. Trăn là loài rắn lớn.

Như thế rắn cũng có nghĩa cổ tlăn là trăn, là con có hình dạng như vết lằn, vệt dài như dải như dây và có nghĩa chỉ động tác lăn, trăn (trăn trở) của con rắn.

Trăn

Trăn biến âm với lăn (tr=l) với rắn (tr=r). Con trăn là con lăn, con rắn. Mường ngữ tlu là rắn. Tlu là tlăn, trăn. Trăn liên hệ với Maya (Trung Mỹ) ngữ khan, chan, can là chăn, trăn. Maya có vật tổ chim cúc cu-trăn kukucan. Maya ruột thịt với cổ Việt đã được xác thực qua sự phân tích DNA cho thấy Maya và cổ Việt có cùng nhóm DNA (xem Sự Tương Đồng Giữa Cổ Sử Việt và Maya trên blog bacsinguyenxuanquang.wordpress.com). Vật tổ Chim Cúc Cu-Trăn Kukucan của Maya chính là hình ảnh vật tổ Chim-Rắn, Tiên Rồng của Việt Nam ở dưới dạng nhất thể.



Xà có nghĩa là rắn (bạch xà), phát âm Bắc Kinh là shé. Xà liên hệ với sa (sương) sả (cỏ, chim bói cá): “Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu nai, nào lưới dò chim sả” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo). Sả là nước như mưa sối sả là mưa sối nước; sả nước như sát xà phòng rồi sả nước; cỏ sả (lemon grass) là cỏ nước vì cỏ sả dùng nấu nước uống, trà sả, tắm hay gội đầu. Chim sả là chim “nước”, chim bói cá, chim thằng chài. Theo s=ch ta cói sả=chả=chà, chè. Chà là nước uống nấu bằng cỏ cây. Chà cá là chỗ nuôi cá. Chài lưới cũng liên hệ với chà, sả (nước). Chim sả, chim (thằng) chài là một. Chim bói cá, chim sả còn gọi là trả, phí thúy (theo s=ch=tr, sả = trả):

Con chim tra trả, ai vay mà trả,

Bụi gai sưng, ai vả mà sưng.

Đấy người dưng, đây cũng người dưng,

Cớ chi nước mắt cứ rưng rưng nhỏ hoài…

(hò Miền Nam)

Miền Nam có thứ lúa sạ nhà nông chỉ việc vãi hạt, cây lúa mọc ngoi lên theo mực nước dâng cao hàng ngày. Lúa sạ là lúa nước. Sả, sạ, trả, chà, chài liên hệ với Phạn ngữ sara, saras, nước như saroja, hoa sen (hoa mọc dưới nước).

Như thế xà là loài rắn liên hệ với nước có thể là loài rắn nước, những loại rắn nước khổng lồ có thể là loài anaconda ở Amazon.

Xà (rắn) liên hệ với Phạn ngữ sarpa-, Rumania sarpe (s có chấm dưới), Ý serpe, Pháp Anh serpent là rắn.

Ở đây ta thấy rõ shé (âm Bắc Kinh của xà) biến âm ruột thịt với sì (âm Bắc Kinh của Tỵ) hơn là giữa Tỵ với Sì.

Lươn

Lươn là loài “cá rắn”. Lươn tương đương với rắn. Lươn biến âm lăn, lằn, luồng với trườn, trăn.

Thuồng luồng

Luồng biến âm với lươn. Thuồng biến âm với luồng (th=l). Thuồng luồng biến âm với lươn, lăn, trăn, rắn. Thuồng luồng có gốc rắn nước. Thuồng luồng là dạng nam hóa, thần thoại hóa của rắn nước. Dựa theo thiên nhiên thì thuồng luồng có cốt rắn có sừng, có mào, cá sấu…, dựa theo thần thoại là con vật dòng rắn có gắn thêm các yếu tố thần thoại thêm vào như có cánh chim, có bờm…

Giun, Trùn

Giun trùn là loài sâu đất có hình rắn, Hán Việt goi là địa long (rồng đất) . Trùn biến âm với trằn, thằn, trăn, rắn . Giun biến âm với trùn (gi=tr; giăng = trăng), cổ ngữ trùn là tlun liên hệ với Mường, Tây Tạng ngữ tlu, rắn.

Lạc

Lạc là loài cá mình dài như con rắn (Huỳnh Tịnh Paulus Của,ĐNQÂTV). Từ Lạc trong tên Lạc Long Quân cũng hàm nghĩa nước, rắn mang dương tính lửa, mặt trời. Lạc liên hệ với Việt ngữ nác (nước), Phạn ngữ naga (rắn, rồng), nak (rắn nước), Anh ngữ snake (rắn)…

Ngo Ngoe

Việt ngữ có từ ngo ngoe chỉ động tác của rắn, sâu và từ ngoằn ngoèo chỉ hình dáng rắn uốn khúc. Ngo ngoe, ngoằn ngoèo tất cả đều có gốc ngo- liên hệ với Thái ngữ ngo, Thái Lan ngữ ngoo là rắn.

Khăn

Khăn là một vật hình dải dây như hình rắn, trăn. Theo k=c, khăn = chăn, trăn. Người Việt cả hai phái vấn khăn, quấn khăn, vắt khăn… là mang tộc biểu rắn của dòng Nước, Rắn nước Lạc Việt Lạc Long Quân Âu Cơ. Khăn liên hệ với Maya (Trung Mỹ) ngữ khan, chan, can là rắn (vật tổ chim cúc cu-trăn kukucan), với Pháp ngữ chal, chale, khăn “san”, Ấn ngữ shàl, Anh ngữ shawl, loại khăn choàng, choàng cổ hay vắt vai. Khăn choàng dài như một cái dải (như con rắn) có thể trùm đầu, vai và cánh tay được. Ta cũng thấy từ choàng liên hệ tới dây, dải, rắn. Choàng biến âm với chằng (dây, dải, cột), chăng (căng dây), chàng (dải, vòng như chàng pháo, chàng hoa, chàng hạt), với chăn, trăn. Điểm này cũng thấy rõ trong Anh ngữ: shawl gần cận với crawl (bò như rắn); scarf (khăn quấn cổ) liên hệ với Phạn ngữ sarp(a), với serp(ent), rắn. Việt ngữ chăn (vật đắp cho ấm) nguyên thủy là một thứ khăn lớn (người Aztecs có cái khăn lớn vắt vai cũng dùng là vật đắp ấm) liên hệ với Anh ngữ blanket. Từ blanket có blan- ruột thịt với cổ ngữ Việt blan với Việt ngữ hiện kim trăn (rắn lớn), chăn (vật đắp ấm).

Rồng

Rồng là con vật có cốt là con ròng, dòng (rắn nước) nam hóa, dương hóa bay lên trời được. Rồng có bản thể nước-khí, gió. Theo truyền thuyết Trung Hoa về mùa thu, đông con rồng ẩn mình ở dưới đáy nước (biển, vực sâu) đến mùa xuân bay lên trời làm ra mưa gió. Rồng có dương tính nên gió là gió dương, gió động, gió lửa tức dông. Con rồng là con dòng-dông. Đọc lồng hai từ dòng dông vào nhau ta có dồng, rồng. Theo qui luật biến âm r=l (róc mía = lóc mía, người Trung Hoa đọc r thành l), ta có rồng = long.

……

Rắn Và Chữ Viết Cổ

.Mẫu tự số 5 trong bảng 35 chữ cái của Mường Việt cổ ở châu Quan, Thanh Hóa là tô ngo (hàng trên cùng từ trái qua phải) (Vương Duy Trinh, Thanh Hóa Quan Phong in lại trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tr. 40). Tô là đồ, vẽ, tô ngo là chữ vẽ tức hình ngữ ngo vẽ hình con rắn.

Việt ngữ cổ ngo, ngoe, ngoằn, ngoèo (tất cả đều có gốc ngo-) ám chỉ rắn. Thái ngữ ngo, Thái Lan ngữ ngoo là con rắn. Rõ như ban ngày tô ngo (chữ ngo) vẽ hình con rắn.

Ở đây cho thấy rõ các chữ Mường cổ này là một thứ hình ngữ (pictogram).

.Trong các hình ngữ mẫu tự cổ Ai cập, hình ngữ dj vẽ hình con rắn thông thường.

Dj nếu phát âm theo tiếng Việt là dì, tì, tị, nếu coi d tương đương với th của Anh ngữ như trong “the” (phát âm đại để là “dờ”) thì dj phát âm là thì, thị, thằn, thắn…

.Chữ nòng nọc hình chữ S (thường gọi là hoa văn, “mô-típ” chữ S) trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn và chữ S của mẫu tự ABC có nguồn gốc là sóng nước là hình con rắn đang chuyển động như sóng nước (xem chữ Nòng Nọc và Mẫu Tự ABC).

Trong 12 con giáp ta có hai con thuộc loài rắn là Thìn và Tỵ nằm kề nhau. Vì các con giáp liên hệ với Vũ Trụ giáo, với Dịch, với lịch học, thiên văn học nên Tỵ và Thìn mang tính nòng nọc, âm dương khác nhau. Rắn có nguồn gốc nguyên thủy như thấy qua các truyền thuyết sáng thế Chim-Rắn, Tiên Rồng của Việt Nam và của nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Trong khi rồng là một con thú thần thoại hóa có cốt là con rắn nước hay cá sấu tức là một khuôn mặt xuất hiện muộn sau này.

Thìn là loài có cốt là rắn nước, nam hóa, dương hóa bay lên trời được (nước thái âm OO dương hóa một phần bốc thành hơi thành thiếu âm khí gió IO) biểu tượng nòng khí gió. Con rồng thìn là con nước-gió. Việt ngữ rồng là con dòng (nước) dông (gió). Bà Thần Long (Rồng Nước, Khảm) vợ Kinh Dương Vương (Chàng Núi Lửa đất Li) là Nàng Gió (Vụ Tiên là Nàng Nước, Âu Cơ là Nàng Lửa và vợ Hùng Vương Nàng Non) (KQKTCSHV).

Trong khi Tỵ là khuôn mặt thật sự của rắn còn ở dưới cõi đất trần gian mang trọn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh. Rồng chính là “vẽ rắn thêm chân”.

Kết luận

Tóm lại, rõ như ban ngày con Tỵ là con tơ, con tao, con tau, con thao, con ty, con tae- (tape), con te- (tenia, tennis), con tai- (tainia), con tie, con *ten-, con dải, con đai, con dây, con thị, con tri-, tricho…

Một lần nữa cho thấy về ngôn ngữ học từ Tỵ trong 12 con giáp ruột thịt và có gốc từ các từ thuần Việt, nôm Việt nôm na mách qué. Tên 12 con giáp không phải là do người Trung Hoa phát kiến ra.

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List