Tiếng Việt lạ lùng!!!
Thứ Hai, 28 Tháng Một 2013
Tiếng Việt Trong Sáng là một đề tài –
không phải mình tôi – mà đã có rất nhiều người lên tiếng và lên tiếng từ lâu. Cứ
thử vào Google rồi đánh máy “Tiếng Việt Trong Sáng” chúng ta sẽ thấy biết bao
bài viết ở trong lẫn ngoài nước than phiền, kêu cứu về nguy cơ tiếng Việt có thể
bị biến dạng.
Sở dĩ tiếng Việt bị biến dạng vì nó được dùng chen với tiếng Tây
tiếng Mỹ “ba rọi”, sáng tác những từ ngữ lạ lùng, câu văn què, câu văn tối nghĩa,
câu văn làm dáng, câu văn dùng chữ không chính xác. Nếu tệ nạn này không được
chấn chỉnh kịp thời, với sự ra đời của cả ngàn trang thông tin điện tử trong và
ngoài nước, với số lượng người đọc có thể lên tới cả triệu, loại “tiếng
Việt lạ lùng”, “tiếng Việt kinh hoàng” này sẽ lần hồi trở
thành “tiếng Việt chính thống” và khi đó ngôn ngữ Việt vô phương
cứu chữa.
Do đó sau bài viết “Thế Nào Là Tiếng Việt Trong Sáng” phổ biến ngày
2/1/2013 tôi thấy cần viết thêm về đề tài này không ngoài mục đích đóng góp phần
nhỏ bé của mình vào gia tài ngôn ngữ Việt Nam.
Đọc một đoạn văn gẫy gọn, súc tích, giản
dị, trong sáng, ý nhị, bóng bẩy người ta thích thú bao nhiêu thì đọc một đoạn
văn lai căng, hổ lốn, què cụt, dị hợm người ta khó chịu bấy nhiêu. Ngày xưa các
cụ nhà Nho thường khen ngợi, nào là “văn hay chữ tốt”, lời văn như “nhả
ngọc phun châu”. Tại sao bây giờ cháu con lại phải đối đầu với vấn nạn “Tiếng
Việt Trong Sáng”?
Văn chương và ngôn ngữ không phải là
chuyện đùa rỡn. Nó là di sản văn hóa, là kết tụ tinh hoa bao đời do cha ông
truyền lại, chúng ta phải kế thừa và phát huy cho mỗi ngày thêm sáng đẹp. Hiện
nay với trào lưu toàn cầu hóa, việc trao đổi du học sinh là chuyện bình thường.
Cứ thử tưởng tượng các sinh viên từ Nhật Bản, Mỹ, Úc Châu, Âu Châu với một nền
văn hóa rất cao, tới Việt Nam họ phải học hoặc tiếp cận với loại “tiếng
Việt lạ lùng” này họ sẽ nghĩ thế nào?
Rồi mỗi ngày tùy viên văn hóa của
cả trăm tòa đại sứ phải đọc sách báo Việt, dịch tin chuyển về nước, họ sẽ nghĩ
sao? Câu nói “Nước Việt ta có 4000 ngàn năm văn hiến” có còn giá trị nữa
không? Hay nó chỉ như bức hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy treo đó để cháu
con vái lạy rồi bức hoành phi mỗi ngày mỗi mục nát?
Rất may, bên cạnh dòng thác lũ “tiếng
Việt lạ lùng” đó, đọc những bài viết, biên khảo, những bản dịch của những
học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, một số trang điện tử đứng đắn
như Nghiên Cứu Biển Đông, chúng ta thấy ấm lòng rằng tiếng Việt mẫu mực vẫn còn
đó nhưng khốn thay, nó lại rất cô đơn và đang bị xâm hại, sói mòn bởi dòng thác
lũ tiếng Việt lai căng, hổ lốn.
Nghị luận về “Tiếng Việt Trong Sáng”
không phải là chuyện mỉa mai công kích. Mỉa mai, công kích nhau để làm gì? Cái
nguy hiểm của bất kỳ xã hội nào là thấy điều sai mà không nói ra. Do đó đây chỉ
là cách “chẩn bệnh” và bảo nhau tìm phương chữa trị. Nếu đã gọi là “chẩn bệnh”
thì phải làm tới nơi tới chốn. Bệnh trầm kha mà nói cảm cúm sơ sài là giết người
ta.
Nếu chúng ta viết thư cho bạn bè, người yêu rồi gửi qua đường bưu điện chỉ
có bạn hoặc người yêu của ta đọc thì…viết sao cũng được. Nhưng nếu bài viết được
đưa lên một trang thông tin điện tử thì có thể có cả triệu người đọc. Nếu nó lại
là loại “tiếng Việt ba trợn” thì nguy hại vô cùng. Thế hệ trẻ
không rành tiếng Việt tưởng đó là tiếng Việt mẫu mực cứ thế bắt chước thì tiếng
Việt không còn ra thể thống gì nữa.
Hiện nay loại loại “tiếng Việt lạ
lùng”, “tiếng Việt kinh hoàng” xuất phát nhiều nhất từ
các báo điện tử. Nội dung của các trang tin này bao gồm: quảng cáo thương mại,
các vụ tai tiếng, các buổi trình diễn ca nhạc, ca sĩ, tài tử, người mẫu, chuyện
phòng the pha chút dâm ô, ghen tuông, ly dị, ngực to, chân dài, son phấn v.v…
Còn tin tức trong nước thì do các thông tín viên gửi về, có khi cũng “cóp”
(chép lại) từ bản tin địa phương. Tin thế giới thì dịch vội từ các bản tin của
AFP, UPI, AP, Reuters hoặc trên Yahoo. Ngoại trừ các trang nghiên cứu quốc
phòng và Biển Đông, hầu hết các báo điện tử ở trong nước đều đưa tin về bóng đá
khắp thế giới như thể bóng đá là món ăn không thể thiếu của 89 triệu dân Việt
Nam.
Tôi thông cảm với nghề làm báo phải chạy
đua với thời gian, phải cạnh tranh với đồng nghiệp trong việc loan tin sớm sủa,
hấp dẫn, do đó sản phẩm đều thuộc loại “mì ăn liền”. Khi đã là sản phẩm “mì ăn
liền” thì thường hối hả và không được kiểm soát chặt chẽ do đó có nhiều sơ hở,
khuyết điểm. Tuy nhiên báo chí là một bộ phận của văn chương, nếu cẩu thả sẽ
gây nguy hại cho ngôn ngữ của dân tộc. Trên tinh thần đó tôi mong quý vị chủ
biên, chủ nhiệm, chủ bút các báo điện tử hãy coi lại.
Hãy thảo luận và kiểm
soát thật kỹ trước khi một bài viết, một bản tin được đưa lên. Ai cũng phải học
hỏi thêm, ai cũng phải thận trọng, đó là quy cách làm việc đúng đắn ngàn đời. Nếu
mình chưa “chắc ăn” về trình độ Việt Ngữ của mình thì nên ghi danh theo học một
lớp Văn Chương Việt Nam ở các đại học. Ỡ Mỹ này, tu nghiệp, học thêm là điều rất
tốt để mở mang kiến thức. Vả lại “Học vô tiên hậu, đạt giả vi sư”, tức là
chuyện học không cần biết trước-sau. Ai thành đạt đều kể là bậc thầy và có thể
dạy kẻ khác- kể cả người học trước mình.
Trong bài viết phổ biến ngày 02/1/2013
tôi đã gợi ý muốn có một câu văn trong sáng thì chúng ta cần tránh một câu văn
tối nghĩa, một câu văn què, một câu văn gây hiểu lầm, một câu văn thừa, một câu
văn không chỉnh, một câu văn thô tục và một câu văn lai căng. Dưới đây là một số
ví dụ điển hình.
Câu văn tối nghĩa:
Câu văn tối nghĩa làm người đọc nhức đầu
vì không hiểu người viết nói gì, chẳng hạn như:
- Báo Lao Động ngày 17/1/2013: “Trung
Quốc tức giận vì Myanmar lại lạc đạn.” Đây là câu văn tối nghĩa hoặc chẳng
ra làm sao cả. Câu văn rõ nghĩa là “Trung Quốc tức giận vì Myanmar bắn lạc đạn
qua họ.”
- BBC tiếng Việt ngày 06/12/2012: “Kêu
gọi hủy buộc tội tài xế TQ ở Singapore.” Thú thực đọc tiêu đề trên tôi muốn
nhức đầu và không hiểu tác giả muốn nói gì. Sau khi đọc nội dung tôi mới rõ nghĩa.
Thì ra ông ký giả muốn đưa tin một nhóm nhân quyền ở Singapore kêu gọi hủy bỏ
cáo buộc (của chính phủ) đối với một số công nhân Trung Quốc đình công trái
phép. Do đó câu văn rõ nghĩa hơn phải là, “Kêu gọi hủy bỏ cáo buộc tài xế TQ
ở Singapore.”
- Báo VnExpress (Tin nhanh Viêt Nam)
ngày 17/1/2013: “Sát thủ cuồng bạo tiếp tục bị phạt tử hình.” Đây là câu
văn hết sức tối nghĩa. Sau khi đọc kỹ nội dung tôi mới hiểu ra Tòa Án Nhân Dân
Tối Cao đã y án tử hình mà tòa dưới đã tuyên đối với một sát thủ hiếp dâm em bé
8 tuổi và cầm dao chém chết em bé 4 tuổi đang khóc. Như vậy thì tiêu đề trong
sáng, rõ nghĩa hơn phải là “Sát thủ cuồng bạo bị y án tử hình”.
- Báo Kinh Tế Saigon Online ngày
29/12/2012: “Bay TPHCM-Bangkok với giá không đồng.” Đây là câu văn nghĩa
tối mò. Dù đã đọc phần giải thích dài dòng ở dưới tôi vẫn không hiểu tác giả
nói gì. “Đường bay TPh. HCM- Bangkok giá đặc biệt”? (trong khoảng thời
gian nào đó). Hoặc giá cả khác nhau? Hoặc có giá khác (trong khoảng thời gian
quảng cáo)? Không ai hiểu ra làm sao!
- Báo Phụ Nữ Today ngày 19/1/2013: “Bất
thường về chất lượng đàn ông, quảng cáo cường dương thịnh”. Chỉ đọc tiêu đề
này thôi và không đọc phần nội dung, tôi dám cam đoan không ai hiểu tiêu đề nói
gì. Sau khi đọc kỹ phần nội dung tôi mới hiểu, à thì ra: Do khả năng sinh con
không bình thường (khá nhiều nơi quý ông) cho nên nở rộ chuyện quảng cáo bán
thuốc cường dương (để hốt bạc).
Thế nhưng tác giả đã viết một bản tin thật “kinh
hoàng”. Câu “quảng cáo cường dương thịnh” hoàn toàn là tiếng Tàu
100%.
- Báo Phụ Nữ Today ngày 19/1/2013: “Nguyễn
Nhật Ánh: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ”. Thật kinh hoàng! Từ lúc
cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa nghe người ta nói “con chữ” bao giờ mà
chỉ nghe người ta nói con chó, con mèo, con tôm, con cua v.v..Thế mà ngày nay lại
có ông “nhà văn” gọi chữ là “con chữ”! T
hực ra ông “nhà văn” này muốn
nói nhà văn bắt đầu từ “chữ nghĩa”, nhưng vì thiếu ngữ vựng cho
nên ông mới phang bừa là “con chữ”. Thật là một câu văn để đời!
- BBC Tiếng Việt ngày 21/1/2013: “Bộ
trưởng Kinh tế người Đức gốc Việt sắp thôi dẫn dắt đảng Tự do Dân chủ vì
thiếu ủng hộ trong đảng.” Đây là đề tài chính trị lớn mà chữ dùng lại “bình
dân” quá. Ngoài ra hai chữ “sắp thôi” không tìm thấy trong Từ
Điển Việt Nam và nó cũng không phải tiếng Việt. “Sắp thôi” nghĩa là “sẽ
không còn”.
Nếu đúng vậy thì câu văn sẽ gọn nhẹ như sau, “Bộ trưởng
Kinh tế Đức gốc Việt sẽ không còn lãnh đạo Đảng Tự Do Dân Chủ vì thiếu sự
ủng hộ trong đảng.”
Câu văn què
Câu què là câu văn chưa đủ nghĩa, chẳng
hạn như:
- BBC tiếng Việt ngày 16/1/2013: “Thủ
tướng VN cứu trung tâm gấu”. Câu hỏi đặt ra ở đây là, “trung tâm gấu”
là trung tâm gì? Nếu có “trung tâm gấu” thì sẽ có “trung tâm chó,
trung tâm mèo, trung tâm voi” v.v… Đây là câu văn què vì nó chưa đủ nghĩa.
Câu văn đủ nghĩa là “Thủ tướng VN cứu trung tâm bảo vệ gấu”.
Câu văn gây hiểu lầm hoặc có thể hiểu
theo hai nghĩa:
- Báo Tuổi Trẻ Online ngày 17/1/2013: “CSGT đeo thẻ xanh mới được dừng
xe.” Câu văn này có thể gây hiểu lầm là CSGT có đeo thẻ xanh mới được ngừng
xe ở một chỗ cấm ngừng xe nào đó. Câu văn rõ nghĩa hơn phải là, “CSGT đeo thẻ
xanh mới được quyền chặn xe.” Viết một câu văn gây hiểu lầm hết sức tai hại
trong các lãnh vực như: luật pháp, hiến pháp, khế ước, cam kết, các hiệp ước,
công ước, các tuyên bố chung v.v…
Câu văn thừa:
- VOA tiếng Việt ngày 17/1/2013: “Tài xế xe buýt chở học sinh ở New York
đình công…”. Chữ “buýt” ở đây thừa vì ở Mỹ xe chở học sinh chính là xe “ bus”.
Do đó câu văn không thừa là “Tài xế xe chở học sinh ở New York đình công…”
- Báo VOV Online ngày 18/1/2013: “Tân
thủ tướng Nhật thăm chính thức Thái Lan.” Tôi không rõ thế nào là “thăm
chính thức” và thế nào là “thăm không chính thức”? Theo tôi, khi vị
thủ tướng vừa lên máy bay thăm viếng nước A chẳng hạn thì báo chí có thể loan
tin “Thủ tướng đã chính thức lên đường thăm…”
Thế nhưng khi vị thủ tướng
đã đến rồi và báo chí có bài tường thuật cùng hình ảnh thì không cần hai chữ “chính
thức”nữa (vì đã chính thức quá rồi). Dùng thêm hai chữ “chính thức”
là thừa. Khi đó tiêu đề sẽ là, “Tân thủ tướng Nhật công du/thăm Thái Lan.”
- Báo Kinh Tế Saigon Online ngày
18/1/2013: “Việt Nam sẽ phải nhập tôm nguyên liệu nhiều hơn.” Thú thực
khi đọc xong tiêu đề này tôi không hiểu “tôm nguyên liệu” là tôm gì.
Sau
khi đọc phần chi tiết tôi mới vỡ lẽ ra đây là tôm mua về không phải để ăn mà để
chế biến sản phẩm như bánh phồng tôm, mắm tôm v.v…Nếu đúng như vậy thì hai chữ
“nguyên liệu” là thừa. Câu văn gẫy gọn hơn sẽ là, “Việt Nam sẽ phải
nhập cảng nhiều tôm để chế biến sản phẩm.”
- BBC tiếng Việt ngày 19/1/2013: “Thêm
vụ thảm sát đẫm máu ở Syria”. Câu văn này thừa bởi vì “thảm sát”
đã là kinh hoàng, máu đổ thịt rơi rồi mà còn thêm “đẫm máu” nữa
là thừa. Nói “thảm sát đẫm máu” cũng giống như nói “Một cuộc biểu
tình vĩ đại thật đông người.”
Câu văn làm dáng:
- Báo VnExpress.net ngày 1/10/2012: “Đường
phố ngập nặng vì triều cường.” Câu văn quý ở chỗ giản dị, trong sáng và
không nên dùng chữ “đao to búa lớn”. Câu văn giản dị là, “ Đường phố
ngập nặng vì nước dâng cao.”
- Báo Vietnam.net ngày 24/4/2012: “Xe
siêu trường siêu trọng chất đầy gỗ cao vút…” Nên giản dị hóa bằng câu “Xe
quá nặng quá dài chất đầy gỗ cao vút…”
- BBC tiếng Việt ngày 19/1/2013: “Các
tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc đã ngày càng tăng tần
suất xuất hiện tại khu vực quần đảo này.” Các chữ “tần suất
xuất hiện” có vẻ như để làm dáng và lủng củng, nên thay bằng những chữ giản
dị hơn, chẳng hạn như “số lần xuất hiện”.
Nếu thế, câu văn sẽ gọn lại
như sau: ”Số lần xuất hiện của các tàu hải giám và máy bay tuần
tra Trung Quôc ngày càng gia tăng tại khu vực quần đảo này.” Hoặc giản dị
hơn nữa, chúng ta có thể viết: “Các tàu hải giám và máy bay tuần tra Trung
Quốc ngày càng gia tăng hiện diện tại khu vực quần đảo này.”
- Báo VnExpress.net ngày 20/1/2013 “Nghỉ
Tết dài ngày, nhiều gia đình lên kế hoạch du lịch”. Các chữ “lên
kế hoạch” nên dùng trong các lãnh vực thuộc nhà nước, chính phủ, công ty to
lớn v.v…Còn đối với, cá nhân, gia đình thì chỉ cần nói, “Nghỉ Tết dài
ngày, nhiều gia đình tính chuyện du lịch.”
Câu văn dùng chữ không chỉnh:
- BBC tiếng Việt ngày 16/1/2013: “Sinh
viên VN ở Singapore bị tội sàm sỡ.” Không ai nói “bị tội” cả,
mà là “phạm tội” chẳng hạn như: phạm tội biển thủ, phạm tội hiếp dâm, phạm
tội lường gạt. Nhưng người ta lại nói, “bị phạt, bị kết tội..” Cho nên câu văn
chỉnh phải là: “Sinh viên VN ở Singapore phạm tội sàm sỡ.”
- Báo RIF (Radio France International)
ngày 18/1/2013: “Về phần Liên Hiệp Châu Âu, Ngoại trưởng 27 thành viên đã nhất
trí gửi gần 500 giảng viên quân sự qua Mali.” Từ “giảng viên
quân sự” không đúng mà phải nói là “huấn luyện viên”. Nếu
là sĩ quan thì gọi là “sĩ quan huấn luyện”. Nếu hạ sĩ quan thì gọi là “hạ
sĩ quan huấn luyện”.
- BBC tiếng Việt ngày 18/1/2013: Tour
de France đã được Ban Việt Ngữ BBC dịch là “Vòng đua nước Pháp”.
Tour de France có từ 1903 và đã được Miền Nam phiên dịch ra từ hơn 60 năm nay
là “Vòng Pháp Quốc”. Có thể Ban Việt Ngữ BBC gồm những bạn trẻ
cho nên ít hiểu biết về những gì xảy ra cách đây khoảng nửa thế kỷ.
- Báo Phụ Nữ Today ngày 22/1/2013: “Mỹ
Tâm thua thuyết phục Hà Hồ”. Tại sao có chuyện “thua thuyết phục”
và “thắng thuyết phục”? Mà thuyết phục ai ở đây?
Tiếng Việt có nhiều
cách nói giản dị, dễ hiểu hơn sao không dùng? Chẳng hạn như” “Mỹ Tâm thua Hà
Hồ rõ ràng”, hoặc “Hà Hồ thắng Mỹ Tâm rõ ràng”, hoặc “Không thể
chối cãi/biện minh là Mỹ Tâm đã thua Hà Hồ”.
Câu văn chen tiếng Tây tiếng Mỹ “ba rọi”
- BBC tiếng Việt ngày 13/11/2012: “Vì
sao sếp Window 8 ra đi?”. Để bảo vệ tiếng Việt trong sáng nên viết “Vì
sao người đứng đầu Window 8 ra đi?”
- Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 16/1/2013:
“Bí mật tú bà ‘điều hàng’ bằng nickname ‘tiền ơi về đây rồi’”. Thực
ra tác giả tiêu đề này muốn viết: Tú bà dùng mật khẩu ‘tiền về đây rồi”
để cho các em nhận ra khách thật, nhưng lại viết chen tiếng Mỹ “ba rọi” là
nickname.
- Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 08/1/2013:
“Top 10 đại học ít tốn kém nhất Vương quốc Anh.” Là cơ
quan giáo dục dạy học trò về Việt Ngữ lại không biết dịch Top 10 = Mười đại học
đứng đầu. Thật đáng buồn!
- Báo Phụ Nữ Today ngày 11/1/2013: “Chắn
pô làm đẹp xe nhưng lại cắt chân người.” Pô ở đây là “ống khói”. Tại
sao không dùng tiếng Việt cho trong sáng?
- Báo NgoiSao.vn ngày 18/1/2013: “Ngắm
sao nữ mặc bikini khoe body đẹp hoàn hảo giữa tuyết lạnh.” Thật lai
căng hết chỗ nói! Giống hệt như con nít nói tiếng Việt ở Mỹ.
- Báo 6ix.vn ngày 18/1/2013: “Giảm sốc
70% tất cả các sản phẩm. Đừng bỏ lỡ.” Bây giờ các từ “giảm giá kinh
hoàng”, “giảm giá không tưởng tượng nổi”, “giá rẻ mạt” được dịch
từ “ Shock Sale” thành “Giảm Sốc”. Thật là một loại “tiếng Việt
kinh hoàng”.
- Báo Thanh Niên Online ngày 19/1/2013:
“Ngắm “phiên bản” cực dễ thương của sao Hollywood”. Mở bất cứ cuốn
từ điển English-Chinese nào ra chúng ta sẽ thấy chữ “copy”
được người Tàu dịch là ”phiên bản”. Trong khi đó từ điển
English-Vietnamese chữ “copy” được dịch là “bản sao, bản chép lại, bản chụp”.
Học tiếng Anh tại sao chúng ta không dùng từ
điển Anh-Việt mà lại dùng từ điển Anh-Hoa? Đây là lối tự ti mặc cảm, bắt chước
Tàu. Cái gì Tàu hay ta bắt chước cũng chẳng sao. Nhưng cái tệ hại của Tàu sao
ta rước về?
Câu văn thô tục:
Trên các diễn đàn của người Việt hải
ngoại ngày hôm nay xuất hiện quá nhiều những tiếng chửi thề và ngôn ngữ thô tục.
Đây là hiện tượng bất thường không thấy cách đây khoảng 15 năm. Thói quen dùng
lời lẽ thô bỉ phản ảnh sự tức giận và hận thù quá độ.
Dĩ nhiên sự thô bỉ không
làm người ta chết, nó không gây bạo lọan, không giết người như bệnh AIDS, Cúm
Gà, Cúm Heo, Sóng Thần, Cuồng Phong… nhưng nó làm ô nhiễm đời sống tinh thần và
từ từ giết đi tình đồng lọai cao quý.
Tại các quốc gia cực đoan Hồi Giáo người
ta đang giết nhau bằng bom tự sát. Tại hải ngoại, một số người đang “hạ” nhau bằng
những ngôn từ thô bỉ nhất.
Chưa biết cái nào di hại hơn cái nào. Bom nổ chết,
chôn rồi qua đi. Bài viết muôn đời còn nằm đó trong bộ nhớ của Google!
(California ngày 24/1/2013)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment