Trai mà chi" Gái mà chi",
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
Đây là thư của người cha già gửi con gái
nhân ngày Fathers Day, được viết với rất nhiều xúc động.
Theo nội dung bài viết, tác giả là một vị cao niên đã 80 tuổi: cựu sĩ quan
VNCH, cựu tù chính trị, cựu thuyền nhân, vượt biên tới Mỹ trước đây 18 năm
( 1987 ). Bài viết được chuyển tới bằng e-mail, mong tác giả sẽ có thêm những
bài viết mới và vui lòng bổ túc chi tiết tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Father's Day 2005.
* * * *
Con gái của Ba,
Còn bốn tháng nữa con tròn 56 tuổi. Nhưng
trong lòng Ba con vẫn còn trẻ như tuổi 15.
Ba nhớ lại cũng ngày nầy 18 năm về
trước, cha con mình đùm túm dắt nhau đi vượt biên rồi sang Mỹ.
Ba nói là "đùm túm" vì hồi đó Ba
từ trại tù cải tạo về thì con đã gần 40 tuổi.
Khổ. Nghèo. Nhìn con gái Ba héo úa dung
nhan mà Ba khóc ròng.
Tại ba! Tại Ba hết thảy! Làm con gái của một
"sĩ quan nguỵ" nên từ trường Đại Học ra con không có việc
làm.
Hàng ngày, ngồi ở góc chợ Bàu Hoa vùng Ngã
Tư Bảy Hiền-Sài Gòn để bán từng tô bún mắm.
Cứ ba tháng một lần lặn lội ra Bắc thăm
Ba.
Năm 1975 Mẹ con mới 50 tuổi. Người vẫn nghĩ
rằng Ba chỉ đi "học tập ít ngày". Thành ra, nghe Ba đi Bắc, Mẹ
con bị shock. Cộng thêm bệnh cao huyết áp sẵn có Mẹ còn "nhất định nằm
một chỗ!".Thế là con gái của Ba vừa lo cho Me, vừa lo cho Ba. Ba ở tù
8 năm thì Mẹ con mất. Phải đến 4 năm gian khổ đời con nữa Ba mới được trở về.
Buổi tối đoàn viên ấy, cha con mừng mừng tủi
tủi. Nhìn ảnh Mẹ con vẫn như tươi cười Ba tan nát cả lòng.
Nhưng biết nói làm sao" Vận mệnh cá
nhân mình gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc.
Cả thời tuổi trẻ của Ba hầu như đi khắp 4
vùng chiến thuật. Mẹ con cứ bồi hồi theo dõi đường Ba đi. Không biết mình sẽ
thành goá phụ lúc nào. Thời gian ở nhà của Ba rất ít. Con là con đầu lòng.
Lại là con gái. Cảm ơn con gái của Ba. Một đứa con gái có lòng hiếu thảo.
Trong một lần thăm nuôi tại trại tù, con kể Ba nghe: Từ nhà mình tới chợ
Bàu Hoa chừng non 1 cây số. Sáng nào con cũng bày hàng bún mắm ra. Mùi mắm
kho thơm lừng. Có cả tôm thẻ lột, thịt quay, cà tím. Có cả những rau nhúc,
cây bông súng, rau đắng, húng cây, giá sống và bắp cải bào. Khách hàng đông
lắm!
Con còn cười vui nói với Ba:
Khi nào Ba về con sẽ mở một tiệm bún mắm và rau VÂN KHANH cho Ba ngồi thu
tiền.
Ba nghe với lòng se sắt.
Con gái của Ba,
Trớ trêu thay, lúc Ba về con đã là con gái lỡ thì. Ba buồn lắm. Nhờ ơn Thượng
Đế mình vượt biên một lần trót lọt. Ba đặt chân đến đất Mỹ vào cái tuổi người
ta sắp nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà con lại khổ vì Ba. Con không muốn Ba đi
làm ca đêm giữa trời rét buốt. Con nói cái lạnh miền Bắc Việt Nam đã cứa
nát thịt da Ba cả chục năm trời cũng đủ lắm rồi. Ba hãy để con lo. Nhưng Ba
đâu đành lòng như thế.
Buổi sáng con ra khỏi nhà là Ba cũng đi.
Tiệm giặt ủi gần nhà mình quá mà. Ba nhận phần việc ủi và xếp quần áo. Đi tới
đi lui xem máy giặt nào ngưng. Máy sấy nào đồ đã khô. Chỉ vậy thôi. Một
ngày, tính ra Ba đi cũng gần 5 cây số. Tội ngiệp con gái của Ba. Lúc người
ta báo tin Ba bị xỉu thì con khóc ròng. Ba về nhà ở không cho con nuôi tiếp.
Thật người xưa nói đúng! "Trẻ cậy cha, già cậy con" mà.
Vân Khanh con,
Cho đến một buổi chiều, con đưa về nhà một
trung niên trẻ. Trung niên mà Ba cho là "trẻ". Vì Ba thấy diện mạo
anh ta cũng dễ nhìn. Ba mừng vì con của Ba rồi cũng có một bến đợi để neo
thuyền. Ba cầu mong cho con hạnh phúc.
Chồng của con cũng là chiến hữu của Ba.
Gia cảnh cũng không may mắn giống như Ba. Vợ anh đã chết trong lần đi thăm
chồng. Cả chiếc xe lăn xuống vực. Từ đó anh dở dở ương ương. Qua Mỹ rồi anh
vẫn sống như người mộng du. Cho tới ngày gặp con. Tình yêu thật là kỳ diệu!
Chẳng những khiến cho con gái của Ba trẻ lại mà anh chàng "dở
hơi" kia cũng chừng như mới cải lão hoàn đồng. Cứ 4 giờ khuya , anh thức
dậy đi bỏ báo. Tới 9 giờ sáng về. Nghỉ ngơi rồi 5 giờ chiều đi vào hãng. 1
giờ đêm mới trở về nhà. Ba cảm ơn Thượng Đế lần nữa vì con có người chồng
hiền lành và độ lượng. Chứ vào tuổi của Ba không bị đưa vào nhà dưỡng lão
là hiếm lắm. Con nhớ gia đình Bác Th. không" Hai bác cưới vợ cho anh Cảnh
từ lúc còn ở Việt Nam. Vậy mà qua Mỹ rồi Bác Thanh bị cô dâu xem như gánh nặng.
Nhất định đòi anh Cảnh phải đưa Mẹ vào Nursing home cho đến chết.
Vân Khanh con,
Cả một thời trẻ tuổi của con đã dành để sống cho cha mẹ. Bây giờ con hãy sống
cho con đi. Ba rất cảm động mỗi lần khách đến thăm nhà con hay nói: vợ chồng
con có phước lắm nên suýt soát tuổi 60 mà vẫn còn có cha để phụng dưỡng. Phải
! Hồi đó ba khó nghĩ mỗi lần nghe người ta cho rằng sự sống con người tính
theo công thức: 5 năm, 6 tháng, 7 ngày. Nghĩa là ở tuổi đời 5 bo', tuổi thọ
tính theo năm. Đến 6 bó thì tính theo tháng , mà 7 bó thì tính theo ngày.
Ba đã 80, chắc phải tính theo giờ quá!
Cảm ơn vợ chồng con đã chăm sóc Ba mỗi
ngày.
Con nói: Ba ơi ! Với chúng con ngày nào cũng là Father's
Day cả.
Ba thật có lỗi với con. Hồi đó Ba vẫn buồn
thầm trong lòng khi mẹ con sinh con là con gái. Ông Nội con sợ Ba chết trận
thì không có con trai nối dõi tông đường. Còn nếu Ba già mà yếu đau thì con
là gái không thể chăm cho Ba được.
Ca dao có câu:
Trai mà chi" Gái mà chi"
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
Nói đến đây Ba chợt nhớ loáng thoáng câu
chuyện "Tấm đắp mông ngựa" mà Ba đã đọc từ rất lâu:
Chuyện kể :
Một người cha đã đem cả gia tài còn lại của mình cưới cho con cô vợ giàu,
trẻ đẹp. Một thời gian đầu sống vui. Rồi những đứa cháu nội lần lượt ra đời.
Người cha mỗi ngày một già yếu. Người con trai rất yêu và nể vợ. Dần dần
quên đi trong nhà còn có người cha. Mùa Đông lạnh lẽo mà sức già chịu không
thấu những ngày giá tuyết phũ phàng.Trong khi những con ngựa nuôi trong chuồng
thì được giữ ấm bằng những tấm đắp mông. Đến chừng không thể chịu đựng được
nữa người cha bèn gọi con trai để nói rằng:
- Con ơi , hãy cho cha một tấm đắp mông ngựa đễ cha dễ ngủ vì mùa Đông nầy
lạnh quá!
Con dâu nghe được bèn nói với chồng:
- Anh hãy lấy tấm đắp cũ ngoài sân kia mà cắt cho cha một nửa.
Người con trai làm theo lời vợ. Trong lúc cố dùng sức cắt đôi tấm đắp ra
thì đứa con nhỏ đến gần, hỏi:
-Cha ơi, sao không cho ông Nội cả tấm đi" Cha cắt ra làm chi "
Người cha trả lời:
- Để dành con à.
Hôm sau, người con trai thấy đứa con mình cũng
đem tấm đắp mông ngựa khác cắt ra làm đôi. Người con trai giận dữ hỏi:
- Con làm cái gì vậy" Tại sao con cắt nó ra"
Đứa con nhỏ đáp:
- Nửa tấm nầy con cho ông Nội. Còn nửa nầy để dành khi nào cha già con sẽ
cho cha.
Người cha giật mình hối hận. Từ đó, hết
lòng chăm sóc cha mình cho đến cuối cuộc đời.
Vân Khanh,
Ba ước ao những người cha khác cũng có con hiếu thảo như con gái của
Ba.
Ba rất tự hào về con. Trong lúc có biết
bao gia đình, cha mẹ ngậm đắng nuốt cay vì những đứa con Việt Nam sống theo
kiểu Mỹ. Rất tự do! Thậm chí đã khước từ hai chữ HIẾU KÍNH cha mẹ, làm cho
các bậc sinh thành hàng ngày sống "nước mắt chan cơm" thì Ba đã
được vợ chồng con hết lòng chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ.
Người xưa nói: "Hiếu thuận huờn sinh
hiếu thuận tử. Ngỗ nghịch huờn sinh ngỗ nghịch nhi".
Ba ước nề nếp gia đình mình là như vậy.
Ba của con,
HOÀNG YẾN
|
No comments:
Post a Comment