Popular Posts

Tuesday, May 30, 2017

Nhân ngày Momorial Day 2017

 
..." Hãy xứng đáng với sự hy sinh cao cả, phi thường của những anh hùng tử sĩ VNCH đã bảo vệ quê hương Miền Nam cho đến giờ phút cuối....

 
Nhân ngày Momorial Day 2017

người lính già oregon
Inline images 1 

    1. Tại Hoa Kỳ, lễ Memorial Day, tức Chiến sĩ trận vong, có từ 1868, sau chiến tranh Nam-Bắc, mỗi năm được tổ chức vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5, để tưởng niệm những quân nhân Mỹ đã hy sinh trên các chiến trường,  từ hai cuộc thế chiến đến Cao Ly đến Việt Nam đến Afghanistan… cho chính nghĩa và lý tưởng tự do, nhân bản, và truyền thống hiệp sĩ của nhân dân Mỹ. Những tử sĩ Mỹ được người dân Mỹ, và dân bản xứ chịu ơn, muôn đời ca tụng, tưởng nhớ, trọng vọng. Dù ghét Mỹ đến đâu, không ai trên thế giới có thể phủ nhận công lao của Hoa Kỳ trong thế chiến I, và nhất là thế chiến II, đã hy sinh bao nhiêu tài vật và sinh mạng để cứu nước Pháp, Âu Châu, và cả thế giới, ra khỏi bàn tay của Sự Ác.


     2. Sáng ngày Memorial Day năm nay, tưởng niệm Những Chiến sĩ Trận Vong, Portland chợt hiu hiu nắng, và trời lạnh vừa, đủ để tự khoác cho mình chiếc áo ấm mỏng, sau những ngày nóng như thiêu, tiếp theo ba tháng mưa tầm tã. Tôi thức dậy sớm, đi dự thánh lễ tưởng niệm tại một nhà thờ Mỹ gần nhà, lòng nghĩ về, và cầu nguyện cho, những tử sĩ Mỹ, và nhân đó, những tử sĩ VN, trong số có người thân ruột thịt, bạn bè, đồng đội, đã nằm xuống vĩnh viễn, ở một nơi nào bên trời cũ, trên đồi, trong rừng, ven sông… Lệ không rơi, nhưng hồn sao bỗng thấy rưng rưng.

     Ngậm ngùi, về nhà, tôi mở xem lại phim truyện Saving Private Ryan, 1998, do Steven Spielberg đạo diễn và Robert Rodat viết lời.

     Chuyện xảy ra trong đệ nhị thế chiến, tại Normandie, Pháp quốc, sau cuộc đổ bộ ngày 6/6/1944. Binh nhì Nhảy Dù James Ryan (Matt Damon) là con út trong gia đình bốn anh em ruột đều là quân nhân. Trong một ngày, người mẹ nhận được ba điện tín báo tin ba người con của bà đã tử trận cách nhau vài hôm, hai ở Pháp, một người bị quân Nhật bắn chết ở New Guinea. Bộ Quốc Phòng biết tin, đã ra lệnh cho đại úy thuộc Tiểu đoàn 2 Dù tên John Miller (Tom Hanks) dẫn một toán gồm sáu quân nhân và một thông dịch viên tiếng Pháp và Đức đi tìm cho bằng được James Ryan, được ghi là mất tích (MIA) trên nước Pháp, để gửi về Mỹ, trả cho bà mẹ. Cuộc tìm kiếm rất gian nan, nguy hiểm, vì không ai biết Ryan ở đâu và toán Miller đã phải vài lần đụng độ với quân Đức, và hai toán viên bị bắn sẻ chết.

      Qua nhiều tình tiết gây cấn, hồi hộp, kể cả việc tìm lầm một James Ryan khác, cuối cùng thì Miller cũng gặp được James Ryan thật đang giữ một cây cầu cùng với một tiểu đội Dù. Ryan rất đau buồn nghe tin ba người anh đã tử trận, nhưng từ chối trở về. Ngước nhìn những đồng đội của anh đang chống giữ cây cầu, anh nói: “Về? Không có nghĩa gì hết, không có nghĩa gì hết, thưa đại úy. Tại sao… tại sao tôi lại đáng được rời mặt trận? Tại sao không phải bất cứ ai trong đám người kia? Tất cả họ đều chiến đấu cũng gian khổ như tôi… (It doesn't make any sense. It doesn’t make any sense, sir. Why...why do I deserve to go? Why not any of these guys? They all fought just as hard as me)”. Đại úy Miller hỏi: “Đó có phải là điều họ sẽ phải nói với mẹ anh khi họ gửi đến cho bà một lá cờ Mỹ nữa, được xếp lại không? (Is that what they're supposed to tell your mother when they send her another folded American flag?)”. Ryan đáp ngay: “Xin đại úy hãy nói với mẹ tôi rằng khi đại úy gặp tôi, tôi đã ở đây và tôi ở đây với những người anh em duy nhất còn lại của tôi. Và rằng không có cách chỉ tôi bỏ họ mà đi. Tôi nghĩ bà sẽ hiểu điều đó. Không có cách chi tôi bỏ cây cầu này (Tell her that when you found me, I was here and I was here with the only brothers that I have left. And that there was no way I was gonna desert them. I think she'll understand that. There's no way I'm leaving this bridge)”..


      Áp lực địch trên cây cầu càng lúc càng mạnh. Toán Miller sáp nhập chiến đấu cùng với toán Ryan, gây tổn thất nặng cho quân Đức, bảo vệ được cây cầu cho đến khi máy bay đồng minh tới giải cứu. Thêm một người nữa trong toán Miller gục ngã, tổng cộng ba trong số bảy người. Và chính Miller, cuối cùng, cũng bị địch bắn trọng thương. Trước khi chết, Miller thều thào nói với Ryan đang cúi sát mặt ông: "James... earn this. Earn it." (James... anh hãy xứng đáng với điều này [NLGO: sự hy sinh của ông và đồng đội]. Hãy xứng đáng với nó). Oan nghiệt thay, người đi tìm thì chết, người được đi tìm, tưởng chết lại còn sống, nhưng đó cũng là một phần trong văn hóa rất nhân bản, nhân đạo của Mỹ.

      Truyện phim kết thúc, có hậu: Nhiều năm trôi qua, giờ đây, James Ryan, trở thành một cựu chiến binh luống tuổi, cùng với gia đình, gồm đông đủ con cháu, một lần ghé viếng Nghĩa Trang Lính Mỹ tại Normandie, ở Colleville-sur-mer. Đứng trước mộ Miller, Ryan yêu cầu vợ mình hãy nói với ông và xác nhận rằng anh đã cố gắng hết sức để sống một cuộc đời tốt, để trở thành một người tốt, và như vậy, anh xứng đáng với sự hy sinh của Miller và những người khác, đúng như lời ông đã dặn dò anh trên cây cầu, trước khi vĩnh viễn rời bỏ cuộc chiến. Rồi Ryan đứng nghiêm, giơ tay chào mộ của đại úy Miller.

    3. Những Việt kiều hải ngoại bây giờ, những đồng hương thân mến của tôi, những người một thời là học sinh, là sinh viên đại học, là thương gia, là công tư chức, là văn sĩ, ca nhạc sĩ… rồi một thời là thuyền nhân, là tỵ nạn, đã nhận biết bao ơn nghĩa từ những chiến binh và tử sĩ VNCH, sau 42 năm, nay đã trở thành những Mỹ Giấy, Tây Giấy, Úc Giấy, Canada Giấy v.v..., công thành danh toại, hay không, tôi xin phép được lặp lời của đại úy Miller trong phim truyện: "Earn this... Earn it." Hãy xứng đáng với sự hy sinh cao cả, phi thường của những anh hùng tử sĩ VNCH đã bảo vệ quê hương Miền Nam cho đến giờ phút cuối. Cho dù quê hương hiện nay tức tưởi nằm trong tay giặc. Cho dù tất cả chúng ta chưa làm trọn lời thề với Mẹ Việt Nam yêu dấu, vì đã bại trận, qua lời than não nuột của thi sĩ Hà Huyền Chi trong bài thơ xin lỗi chính mẹ mình:

Mẹ ơi con mẹ đã già
Giữ quê quê mất, giữ nhà nhà tan…

    “Earn this…Earn it” không có nghĩa phải thực hiện những việc phi thường, đội đá vá trời, đem quân về diệt giặc thù chẳng hạn. Mà chỉ cần không có thái độ trở cờ, bỏ cờ, không phản bội quê hương, chính nghĩa, không trở về làm tay sai cho cựu thù, không trở thành Việt Gian –ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, suốt đời hèn mạt, ngu muội. Như thế cũng đủ là người tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của biết bao anh hùng đã chết thay cho chúng ta.


Portland, Memorial Day,
thứ hai ngày 29 tháng 5 năm 2017
NLGO
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Chiếc Ba Lô Để Lại


 
Chiếc Ba Lô Để Lại
 
Nguyễn Văn Sâm
1.
Sau cơn mưa, đường ngập linh láng như biển. Chiếc xe 14 chỗ ngồi của chúng tôi vừa lội vừa thở phì phò, xém tắt thở nhiều lần mới thoát được vùng ‘biển hồ’ Minh Phụng để quẹo vô đường 3 Tháng Hai. Khúc nầy tương đối ít ngập, chỉ tới nửa bánh, xe cộ vì vậy cũng nhiều hơn. Nước không còn tạt vũ bão ra hai bên hông như trước mà phóng ra với vẽ hiền thục dễ thương. Sau thời gian đụt mưa thiên hạ gấp về, nhiều anh vọt lẹ, lắm khi xẹt qua đầu xe lớn đương ngon trớn mà coi như không, khiến anh tài xế lâu lâu lại chắc lưỡi lắc đầu.
Bỗng nhiên có tiếng thắng mạnh.Mọi người bị giựt ngược, tỉnh ngủ. Tài xế mím môi, la lớn:
‘Khiến!’
Rồi anh xuống giọng như nói với mình:
‘Không mau chưn mau cẳng thì bà hú nó rồi!’
Hành khách trong xe nhớn nhác ngó nhau. Hai ba người đàn bà đưa tay vuốt ngực.
Chiếc xe gia tốc, chồm tới, cố gắng bắt kịp người thanh niên phóng bạt mạng kia. Đèn đường bật lên đỏ. Cả hai đậu song song chờ. Tài xế quay cửa kiếng xuống, chồm đầu ra ngoài, phun nước miếng cái phẹt xuống đường, nói lớn với kẻ làm anh giựt mình hồi nảy:
‘Mầy đứng lại cho tao lạy mầy mấy cái chớ mầy chạy kiểu đó chắc tao chết vì đứng tim. Mầy tội nghiệp tao với chớ! Tao đâu có muốn vô tù đâu!’
Người thanh niên nhăn răng cười rồi chỉ chờ đèn đường bên kia vừa bật qua màu vàng là phóng thẳng bất kể những chiếc chót của làn lưu thông ngược chiều chưa qua hết khoảng đường trước mặt.
Tôi cười thầm. Anh tài xế nầy nói chuyện có văn hóa giao thông ghê. Chẳng bù với tháng trước tôi ngồi trên xe buýt, cũng trường hợp tương tợ, tên nhóc tì phụ xế kiêm bán vé đã ló đầu ra ĐM lia chia rồi tuyên bố một câu xanh dờn:
‘Mấy muốn tự tử thì về nhà mà tự tử, ngon thì vô đồn công an mà tự tử. Mầy nên nhớ mạng mầy chỉ có ba chục triệu thôi không hơn đâu.’
Không khí im lặng nảy giờ trở nên sôi động bằng những lời bàn tán chung quanh chuyện chạy ẩu của xe nầy xe kia. Anh tài xế nói lớn:
‘Làm nghề nầy thấy cái chết của thiên hạ quá thường nên nhàm luôn, trở thành vô cảm trước máu me. Chết vì chạy ẩu xị, chết vì do xe lớn lấn đường, do tài xế mệt mỏi, xỉn xay, ngáo đá, hay do đường xá xấu hư làm lạc tay lái... Muôn ngàn lý do, kề tới mai chưa hêt!.’
Tôi lên tiếng cho vui:
‘Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn…. chuyện nầy xảy ra hà rầm.’
Anh tài xế dễ thương tuy nghe nói đụng chạm tới giới của mình nhưng vẫn làm thinh.
Tiếng ai đó, giọng của người đứng tuổi:
‘Thét rồi hết muốn ra đường. Sợ quá! Những cái chết nát thây không báo trước. Còn hơn là ngày xưa đi hành quân hay nhảy toán. Đời sống bây giờ thiệt là bất an!’
Không khí trong xe tới đây thì lắng xuống, ai nấy theo đuổi tư tưởng mình.
Khi xe quẹo vô đường Nguyễn Kim thì người bạn tôi nói vọng ra sau:
‘Nếu chừng mờ mờ sang đi tới đây, góc Nhật Tảo và Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng đơn vị của tôi ở Pleiku. Anh ta tên Thanh, bị lựu nổ mất nửa bàn tay mặt, đương chờ giải ngũ thì đứt phim. Lãnh lịch hết gần chục có đầu. Nay gặp lại bạn bè xưa nhiều khi anh làm lơ hay ngồi cho có mặt, thường ngó mông lung. Lạ lắm!’
Tôi ngạc nhiên hỏi lại vì cái chép miệng sau khi xuống giọng của bạn:
‘Chục có đầu sao không đi H.O. mà ở lại cho cực thân.’
‘Vậy đó!’
Tôi không biết gì thêm từ hai tiếng trả lời gọn lỏn kiểu miền Tây của bạn nhưng biết chắc chắn rằng người đàn ông phụ vợ bán bánh kia là người đặc biệt. Và tôi thấy mình cần phải tìm hiểu anh ta.
Vậy mà sau gần cả tháng tôi mới làm thân được với Thanh. Cũng nên kể ra đây lần gặp gỡ của tôi với Thanh.
 
2.
Sáu giờ sang trời còn lờ mờ nhưng thành phố đã thức. Những người lớn tuổi đi bán giấy số bắt đầu đổ xô ra đường. Mấy chiếc xe bán thức ăn nầy nọ đã được đẩy ra vị trí và đốt lò. Tôi thay quần sọt ra đi tới chỗ người bạn tôi chỉ hôm nọ và ngồi xuống một cái ghế nhỏ không thể nhỏ hơn để kế bên hai xửng bánh bao bánh giò của cặp vợ chồng nầy. Người vợ luôn tay lấy bánh bỏ vô bao xốp trao cho khác với nụ cười giao tế. Người chồng lãnh nhiệm vụ thâu tiền. Nụ cười cũng có trao đổi với khách nhưng hơi gượng gạo. Tiếng cám ơn luôn luôn thốt ra mỗi khi anh hoàn thành một dịch vụ.
Ngồi câu giờ cố ăn hết một cái bánh bao và một cái bánh giò nóng, tôi liếc chừng chừng quan sát con người đặc biệt kia.
Hình như anh ta cũng bắt thóp được ý định của tôi nên thỉnh thoảng đưa mắt ngó. Tôi phóng ra con bài ngoại giao bằng nụ cười và cả cái nheo mắt nhưng anh cố tình làm lơ. Ăn xong ý chừng đã ngồi hơi lâu tôi mua thêm một cặp bánh nữa và đưa cho anh tờ giấy nửa triệu, với câu nói nhỏ:
‘Anh khỏi thối, mình xin phép được chia sẻ với anh.’
Tôi nhận được câu trả lời lạnh băng như là người đối thoại cố tình làm cho mình tức giận:
‘Chúng tôi buôn bán, không ăn xin! Anh cầm tiền thối.’
Tôi vớt vát:
‘Mình cùng cảnh ngộ ngày trước’, tôi thấy mình hay ho tận mạng khi đem ra xài mấy chữ nầy, vừa nói vừa ren rén ngó mau về bàn tay phân nửa của anh ám hiệu rằng cùng là cựu quân nhân.‘Bây giờ khá hơn anh nên xin chia sẻ. Anh nhận để mua quà cho các cháu.’
Người bán hàng đẩy mạnh tay tôi ra với số tiền thối lại, quyết liệt:
‘Chúng tôi không có con. Xin lỗi anh. Anh cầm. Tôi còn phải thối tiền các khách khác.’
Thế mà tôi vẫn kiên nhẫn lập lại lời yêu cầu nầy hai lần tới sau đó nữa. Lần thứ ba thì anh chắc lưỡi, bỏ tiền thối vô xấp tiền anh cầm. Chắc là lần nầy nhờ tôi nhắc tên người bạn chung. Tôi ngồi nán lại để anh dãn khách, nói vài ba câu vô thưởng vô phạt rồi ra về. Hai bên nói chuyện tâm tình bên mấy ly trà nóng một cách tự nhiên những lần sau đó…

3.
Tôi ra trường với lon Thiếu Úy lúc 24 tuổi, tình nguyện vô binh chủng cọp ba đầu rằn.Thời chiến chinh, mỗi người làm hết bổn phận mình trong chức vụ mà xã hội phân công, cách nầy hay cách khác, đó là điều bắt buộc. Cam đảm hay hèn nhát gì cũng không bằng hên xui: bà độ hay bà xô vô chỗ tử. Phải giữ vững tinh thần, lương thiện và không nghĩ đến cái chết mới sống đúng nghĩa người trai. Hơn một năm sau khi ra trường tôi về tiểu đoàn sau khi lên Trung Úy.
Những lúc rảnh rỗi, ngó lại anh em dưới quyền trong đơn vị, so sánh với cuộc sống lạc điệu của hậu phương, tôi cũng văng tục thầm. Mẹ ơi, hậu phương làm mình giận muốn nổi cơn điên. Cho nên binh sĩ dưới quyền, tôi thương hết biết. Nhiều đứa đi phép về trễ vài ba ngày tôi cũng nạt nộ để tụi nó không lờn nhưng báo cáo hay làm gì đó nặng hơn thì không.
Cầm đầu phải làm gương, tôi xông vô nguy hiểm coi như đạn có bổn phận tránh mình. Cũng làm thơ hào hùng kiểu Hồ trường: Ta xông pha hề, trận mạc. Coi tử sinh hề, cỏ rác dưới chân. Thỉnh thoảng hớp ngụm rượu của đàn em rồi sảng khoái ngâm nga tử sinh hề, cỏ rác… vui đời lính, thương đồng đội, quên mình đương ở tuổi cần có bên mình một bóng hồng…
Trong trận Hạ Lào năm đó, Tiểu đoàn tụi tôi bị tụi nó cầm chưn. Được bỏ thêm để giải vây cho đồng đội, nhưng chúng tôi bị lún. Chúng pháo kích ngày đêm nhưng tấn công lần nào cũng bị tiêu diệt trọn. Bên mình cũng hao bộn do mỗi lần một ít. Tôi được lịnh là sáng mai lúc trời hơi tan sương mù thì trực thăng bốc, ưu tiên thương binh.
Vậy mà chuyện đau lòng xảy ra đêm đó.
Thằng Tánh trung sĩ thường trực, đệ tử ruột của tôi bị nạn. Cái thằng cũng trí thức lắm, nó rớt Tú Tài nên đi Trung sĩ. Khuya tôi đương thiu thiu ngủ sau ba ngày trắng dờ con mắt thì nghe báo cáo Tánh bị đạn nặng lắm. Tôi nói nó ngủ trong hầm mà bị đạn cái củ c. gì. Nãy giờ có trái nào nổ gần đâu.
Thiệt ra thì khuya thằng con bò ra ngoài đi tiểu. Miểng nhỏ pháo kích từ đâu bay ra cắt đứt mạch máu chủ ở háng.
Tôi tới thì anh em đương xúm bên nó, lo lắng. Quân y cố hết sức cầm máu. Thằng Tánh thấy tôi thì mắt sáng lên nói thiệt lẹ, rõ ràng:
‘Em không sao đâu Trung Úy. Chuyện nhỏ! Sẵn dịp lên trực thăng về thăm vợ luôn. Con vợ em đương có bầu ba tháng. Chắc nó cũng nhớ em.’
Tôi đuổi mấy đứa không có phận sự ra chỗ khác. An ủi nó. Nó cứ lập đi lập lại hoài điệp khúc ‘không sao đâu là không sao đâu’. Bác sĩ Quân Y ngó tôi với cặp mắt buồn, nói thiệt nhỏ trong khi thằng Tánh vẫn nói không sao đâu:
‘Không xong, máu ra nhiều quá, vết thương lớn không bịt được.’
Nó thấy mặt tôi buồn chắc là hiểu được điều chúng tôi trao đổi nên trở giọng:
‘Em lạnh quá Trung Úy! Có bề gì thì Trung Úy mang ba-lô em về cho bà xã em. Bả tên Trinh, địa chỉ ở trong đó. Tiền lương tháng nầy với phần còn lại từ trước cũng mấy ngàn. Nó cấn thai được ba tháng. Trung Úy giúp đỡ nó với con em giùm. Tụi em đồng ý đặt tên con là Trần Trinh Thảo Tánh. T tứ thừa đó Trung Úy. Cái tên tụi em nghĩ nát óc mới đặt được đó Trung Úy.’
Thằng Thạch Buôn, từ xa diễu dở bằng mấy tiếng ‘Nôm luôn! Hốt hụi chót!’ Tôi đứng rột dậy, lên cò súng quát lớn: ‘Mầy nói lại một lần nữa đi!’
Thạch Buôn lạy như tế sao rồi chuồn thẳng.
Tôi cởi áo trận đắp cho Tánh. Nó run lập cập than lạnh liên hồi. Hai tay tôi nắm hai bàn tay lạnh ngắt của nó nói: Không sao đâu để anh đem ba-lô về cho. Mà chắc không cần nữa, em lo được chuyện đó. Dễ mà! Nó nhắm mắt thì thào: ‘Coi tử sinh cỏ rác dưới chân…’ Tôi vuốt mắt nó, đứng dậy chùi nước mắt của mình. Chúng tôi ở kế nhau cũng hơn một năm. Mến tay mến chưn. Nó đoán biết ý của tôi, không bao giờ làm trái, cũng không sa đà trong chuyện cờ bạc, gái gú mỗi khi ra thị xã…
 

Đạn trung liên của địch bắn liên hồi nhưng chiếc trực thăng bốc quân điêu luyện luồn lách cũng hạ xuống an toàn. Chừng chục thương binh được di chuyển lên sàn phi cơ lẹ làng không thể tưởng. Viên Trung Úy trách nhiệm ra lịnh cho những ai lên trước lên sau sắp hàng thứ tự. Cuối cùng khi phi cơ vừa nhấc mình lên thì cũng là lúc ông chạy ra cố gắng cho phần mình.
Cái ba lô nặng làm ông chạy chậm, gió phần phật từ cánh quạt gần như đuổi ông ra xa. Cuối cùng trong lúc gần hụt thì hai tay giơ lên của ông được hai binh sĩ nào đó trên phi cơ chụp dính.
Phi cơ bốc lên cao, khỏi ngọn cây. Đạn bắn chéo chéo bên tai và gió thổi vù vù. Viên Trung Úy thấy mình càng lúc càng tuột ra khỏi tay người nắm. Cái chết đã cận kề. Bỗng nhiên ông thấy mình được nắm vững, thân mình ông với cái ba lô trên vai treo tòn teng song song với càng trực thăng. Một người thương binh nào đó đã cố nhoài mình ra nắm được hai cái quai đeo của ba lô. Chắc chắn.
Mọi người reo hò khi viên Trung Úy được kéo lọt vô sàn. Bên ngoài đạn vẫn vẽ những lằn đỏ cong cong. Tiếng người phi công nói:
‘Anh may mắn cùng mình, những trường hợp như vừa rồi một trăm phần trăm là rớt xuống.’
Viên Trung Úy lột ba lô ra, cúi xuống vỗ vỗ, nói trong sự ngạc nhiên của những người không biết chuyện Trung sĩ Tánh:
‘Cám ơn em đã cứu anh, anh sẽ làm tròn lời hứa…chắc chắn như đinh đóng cột.’
Tôi không thể nào chịu nổi cảnh người vợ khóc chồng. Cô ta ngã xuống như cái bị rách ai đó liệng xuống đất, đầu úp lên cái ba-lô, hai tay ôm choàng như ôm người tình.
Đau lòng như xé ruột tôi muốn bỏ đi nhưng nhà cô ta đơn chiếc quá, chỉ có một mẹ già, bà đương đứng xơ rớ với cặp mắt đỏ hoe, không biết thương cho số phần con cháu mình hay thương thằng rể vắn số. Chừng một giờ sau tôi kiếu, đi chập chạng như về từ đám tang người em ruột thịt của mình, không còn nhớ mình lang thang ngoài đường đã bao lâu.
 
4.
Tôi trở lại căn nhà đó chừng năm lần nữa mỗi khi về phép. Lần nào cũng vậy, tôi cố tình ngồi lại trong thời gian thiệt ngắn. Tôi sợ tình cảm trai gái nẩy nở. Mọi chuyện rồi không biết sẽ về đâu. Đúng hay sai. Con bé T tứ thừa học càng ngày càng giỏi. Mẹ bé cho biết cha bé ngày trước đùa là nếu anh hy sinh thì bất cứ giá nào em cũng xin cho bé vô trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Tôi có đến đó hỏi thì được biết phải chờ cho bé xong Tiểu Học mới được. Trường chỉ bắt đầu bằng lớp Sáu thôi.

Rồi tôi bị thương ở bàn tay nầy. Chưa kịp báo tin cho ai thì phải đi gỡ lịch. Trong thời gian dài tôi tập sinh tồn bằng cách quên hết mọi chuyện bên ngoài, nhắm mắt trước những bất công và vô lý, tập quên mình là ai.
Khi được thả ra thì biết bao nhiêu chuyện đổi thay đã ụp xuống vùng đất thua trận. Nhà cô ta đã đổi chủ hai ba lần. Không ai biết cái gia đình ba người đàn bà ba thế hệ đó trôi dạt về đâu. Ai  cô thế mà ở yên được với chánh sách dãn dân vô lý trong thập niên đầu họ từ rừng chui ra?
Nhiều khi ngủ tôi chiêm bao thấy lại cảnh thằng Tánh nói ‘Em lạnh quá’ rồi i ỉ ngâm nga ‘Coi tử sanh hề, cỏ rác dưới chân. Cảnh nầy đan chéo với cảnh cái bàn thờ đơn sơ có tấm hình nó cười, dưới chưn bàn thờ là người đàn bà tóc tai rũ rượi ngồi khóc, kế bên bàn thờ là cái ghế cao cẳng có đặt đứng cái ba lô của nó. Cái ba lô đã cứu mạng tôi. Cái ba lô tượng trưng cho tình yêu của nó và gợi cho mặc cảm của tôi về sự không làm tròn lời hứa. Tôi thấy mình như có lỗi với Tánh và với con bé T tứ thừa.
Đó cũng là một lý do khiến tôi không góp đơn ra đi theo dạng H. O. Lý do khác là tôi muốn chứng kiến tận mắt coi người ta đọa đày đất nước nầy tới nước nào. Tôi không phải là người được đào tạo để làm theo cách thế của bất kỳ ai khác dầu cho họ là đám đông khôn khéo tới mức nào, tôi có hệ thống giá trị của riêng mình. Và tôi theo nó tận cùng…
Nguyễn Văn Sâm
(San Diego, CA, 30-04-2017)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

NỖI NIỀM NGHIỆT NGÃ TRONG THƠ ĐINH HÙNG


NỖI NIỀM NGHIỆT NGÃ TRONG THƠ ĐINH HÙNG

ĐÀM TRUNG PHÁP


Đinh Hùng qua đời vì bạo bệnh vào mùa thu 1967 tại Saigon trong một ngày gió mưa tầm tã, lúc mới 47 tuổi. Vài tuần sau đó, Vũ Hoàng Chương (người anh rể cũng là thi hữu thân nhất của Đinh Hùng) đã nói chuyện rất cảm động về cuộc đời của nhà thơ yểu tử tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Qua bài nói chuyện “Nhớ Đinh Hùng” của ông, ta được biết vì đâu mà Đinh Hùng có cái “nguồn thi hứng ảm đạm bi thương đến rùng rợn tê điếng cả tâm hồn.” Năm Đinh Hùng 11 tuổi, chị Tuyết Hồng, một hoa khôi 18 tuổi đời, vì buồn chuyện tình duyên đã tự trầm tại Hồ Trúc Bạch. Vài tháng sau, thân phụ thất lộc khi chưa đầy 50 tuổi. Và 3 năm sau nữa, chị lớn nhất mang tên Loan cũng qua đời trong tuổi thanh xuân! Trại Trung Phụng, sản nghiệp to lớn nhà họ Đinh, vẫn theo lời Vũ Hoàng Chương, “quả là một gia tài đẫm lệ; bộ xương khô và lưỡi hái dài nanh ác lúc nào cũng như lẩn quất trong hang cây khế, cây cam.” (Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1969).


Đang học chương trình tú tài thì Đinh Hùng bỏ học để bắt đầu đi tìm những say mê của đời phóng khoáng:
Ta ném bút, dẫm lên Sầu một buổi,
Xa vở bài, mở rộng Sách Ham Mê,
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về,
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.
Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn,
Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương.
Ta ra đi tìm lớp học thiên đường,
Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc.
(Khi Mới Nhớn)

Cái “bóng hoa hương” quan trọng nhất đời Đinh Hùng là một người bà con có họ xa, mang tên Liên, mà nhà thơ đã yêu từ “độ em còn trèo cây khế, vin hai quả xanh bên tường.” Nàng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp và tươi tắn:
Nắng vàng năm xưa đã tắt,
Cô bé ngày xưa lớn rồi.
Hoa hồng vừa nở trên môi
Và một trời thu trong mắt.
. . . . .
Em là Tiên Nữ diễm kiều,
Vin hái hoa trong vườn quý.
Dò theo những bước hương yêu,
Còn tôi đi làm thi sĩ.
(Tiếc Bướm)

Tiên Nữ diễm kiều đã có với nhà thơ nhiều kỷ niệm khó phai:
Người đẹp ngày xưa tên giống hoa,
Mùa xuân cây cỏ biếc quanh nhà.
Thùy hương phảng phất sen đầu hạ,
Lén bước trang đài tới gặp ta.
. . . . .
Yểu điệu phương đông lướt dưới đèn,
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên.
Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng,
Lửa hạ lên rồi … Ôi Ý Liên!
(Liên Tưởng)

Bài thơ phảng phất chất thơ Charles Baudelaire, một nhà thơ Pháp thuộc thi phái Tượng Trưng mà Đinh Hùng ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng không ít (Đinh Hùng 1971). Thi phái Tượng Trưng yêu chuộng những biểu tượng riêng tư, giữa cả rừng biểu tượng trong thiên nhiên (Michel Quesnel 1987). Nhiều từ ngữ trong hai đoạn thơ ở trên chứa đựng ý nghĩ về “hoa sen” (tên giống hoa /sen đầu hạ / lửa hạ / Ý liên) đều là những biểu tượng riêng tư giữa nhà thơ và người yêu trong thơ. Những “mạch nguồn giao cảm” (ngôn từ của Đinh Hùng) thấy trong “Liên Tưởng” rất có thể là do ảnh hưởng trực tiếp của bài  “Correspondances” của Baudelaire – trong đó những mùi hương, những màu sắc và những âm thanh tương ứng.

Đinh Hùng và Ý Liên yêu nhau tha thiết trong tuyệt vọng. Nàng qua đời vì bệnh lao khi Đinh Hùng 20 tuổi (có lẽ lúc ấy Ý Liên tuổi chưa đến 20). Mất nàng, nhà thơ đau khổ đến điên dại. Cái ác nghiệt của Thần Chết lần này thực quá sức! Đã đến lúc nhà thơ chấp nhận cái chết, như thấy trong hai câu bi thảm trong thi tập “Mê Hồn Ca”:
Đi đi cho hết dương trần
Ngày mai tìm bóng Tử Thần mà yêu.

Từ cái định mệnh nghiệt ngã ấy, thi nhân đã viết lên những lời thơ âu yếm – nhưng cũng ma quái vô cùng – để nhắn vọng về thế giới bên kia, nơi có người yêu chàng hiện hữu:
Ta gửi bài thơ anh linh,
Trời cuối thu rồi … Em ở đâu!
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.
. . . . .
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?
(Gửi Người Dưới Mộ)



Làm sao quên được những cái chết quá sớm trong gia đình, nhất là cái chết quá phũ phàng của người tình thiên thu? Làm sao lẩn trốn được cái định mệnh nghiệt ngã phong tỏa đời mình, nếu không rút vào một thế giới siêu tưởng? Chính đó là điều nhà thơ đã làm. Chàng từ nay sẽ xuất trần, sẽ vượt ra ngoài vòng vũ trụ, và nhìn xuống dương trần với đôi mắt dửng dưng (Thi Vũ 1993).


Con đường ngắn nhất để đi vào thế giới siêu tưởng của Đinh Hùng cũng là con đường Charles Baudelaire đã chọn, đó là kết bạn với nha phiến. Trong bài “La Vie Antérieure” (Tiền Kiếp) của thi tập “Les Fleurs du Mal” (Ác Hoa), Baudelaire đã cho hồn phách phi lạc về kiếp trước để thấy mình như vua chúa sống trong cung điện nguy nga, an nhàn hưởng lạc thú đầy hương sắc. Nếu cái nhựa đắng thoát trần đã giúp Baudelaire quên đi nỗi buồn thế sự và trở về với cái quá khứ uy nghi giả tưởng của mình, thì nàng tiên nâu đã giúp Đinh Hùng chuyển cái tê mê nha phiến sang khoái cảm ái tình:
Trong im lặng, tôi rùng mình nín thở,
Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa.                                              
Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da,
Tình yêu rợn tự đầu mày chân tóc.
(Giáp Mặt Phù Dung)

Trong thế giới siêu tưởng, Đinh Hùng đóng hai vai trò mâu thuẫn, khi thì hiền lành lúc thì dữ tợn. Chàng đã gặp nhiều người đẹp mang tên nên thơ như Nữ Chúa Sầu, Em Huyền Diệu, vân vân, thường là những nhan sắc liêu trai trong thi tập “Đường Vào Tình Sử.”
Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em … Ôi, biển sắc rừng hương!
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em đến đây như đến tự thiên đường.
(Kỳ Nữ)

Đối với những giai nhân giả tưởng ấy, thi nhân lãng mạn và tình tứ lắm:
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Dành riêng em đấy khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
(Tự Tình Dưới Hoa)

Ngược lại, trong một bài thơ khác, chàng đóng một vai rất dữ tợn. Đó là một con người nguyên thủy vóc dáng cổ quái, từ thiên nhiên huyền bí trở về đô thị tìm người yêu:
Ta về đây, lạ hết các người rồi,
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống.
Trong bỡ ngỡ duy lòng còn chút mộng,
Ta đi tìm người thiếu nữ ngày xưa.
Nàng không mong, ta đi đến không ngờ,
Giây phút ấy thực mắt nhìn tận mắt,
Ta mỉm cười bỗng thấy nàng che mặt
Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa.
(Bài Ca Man Rợ)

Bị nàng ruồng rẫy, thi nhân điên lên như một con thú dữ, giết nàng tàn bạo, phá tan thành quách, rồi bình tĩnh trở về cõi nguyên thủy:
Ta thản nhiên, trở lại núi rừng,
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.

Phải chăng nỗi cô đơn bi thương trong cuộc sống trần thế đã xâm nhập cõi thơ siêu thực của Đinh Hùng, nơi mà nhà thơ chạy trốn cuộc đời? Ta thương cảm cho định mệnh thảm thê của Đinh Hùng, nhưng cũng chính nhờ vào cái kiếp sống tuyệt cùng vô vọng đó mà ta được đọc những vần thơ trác tuyệt nhất của ông – một nhà thơ lớn đã dùng thơ để bất tử hóa cái định mệnh quá bi thương của mình.


THƯ TỊCH
Đinh Hùng (1971) Đốt Lò Hương Cũ. Saigon: Lửa Thiêng.
Đinh Hùng (1972) Mê Hồn Ca. Saigon: Khai Trí.
Đinh Hùng (1961) Đường Vào Tình Sử. (Đại Nam in lại tại Mỹ, không đề năm nào).
Michel Quesnel (1987) Baudelaire, Solaire et Clandestin. Paris: Presses Universitaires de France.
Thi Vũ (1993) Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam. Paris: Quê Mẹ.
Trung Tâm VBVN (1969) Câu Chuyện Văn Chương. (Xuân Thu in lại tại Mỹ, không đề năm nào).
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay"

Monday, May 29, 2017

15 tuổi chìm nổi chốn lầu xanh, 27 tuổi thành đệ nhất phu nhân, cô đã làm gì để cả dân tộc phải ngưỡng mộ?



Envoyé de mon iPad

Le 28 mai 2017 à 16:52, 'Patrick Willay' > a écrit :
 

 
15 tuổi chìm nổi chốn lầu xanh, 27 tuổi thành đệ nhất phu nhân, cô đã làm gì để cả dân tộc phải ngưỡng mộ?
Image result for Eva Perón

Từ một cô gái đến bước đường cùng, chìm nổi trong chốn phong trần, về sau trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, bà chỉ sống đến 33 tuổi nhưng lại viết nên một trang sử huyền thoại.
Tháng ngày chìm nổi
Bà chính là Eva Perón, còn được biết đến với cái tên Evita, có một xuất thân nghèo khổ. Toàn bộ tuổi thơ của bà bị bao phủ trong màn đêm đen kịt.
Mẹ của Evita là người phụ nữ Argentina truyền thống, sống bằng nghề may vá, lại yêu say đắm một chủ trang trại đã có gia đình, còn sinh cho ông ấy 5 người con. Bà những tưởng người đàn ông từng nói lên những lời thề son sắt này sẽ chăm lo cho mẹ con bà cả đời, không ngờ trong một lần cãi vã, người đàn ông nhẫn tâm này đã bỏ nhà ra đi ngay khi Evita còn trong tã lót, và từ đó không bao giờ quay lại nữa.
Vì để nuôi sống mấy đứa con, mẹ bà đã ngày đêm làm việc cật lực. “Trong hồi ức tuổi thơ của tôi, tiếng máy may hầu như chưa bao giờ dứt quãng”, Evita từng hồi tưởng lại.
Nghèo khổ, túng quẫn trong thời gian dài, 5 chị em Evita bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Evita gầy còm, yếu ớt, bị người ta đặt cho biệt danh là “cô bé còi”.
Không có được tình thương và sự che chở của người cha, bà cùng với anh chị em thường phải chịu sự chế giễu của những bạn bè cùng trang lứa, bị  miệt thị là “đồ con hoang”… Dù vậy, mẹ của bà vẫn yêu say đắm người đàn ông đó, thậm chí khi hay tin ông ấy mất, còn dẫn theo các con đến viếng tang.
Không ngờ, khi đến nơi, mấy mẹ con bị người ta đuổi thẳng mặt, ngay đến nhìn mặt người quá cố lần cuối cũng không có tư cách. Ngay lúc đó, Evita đã thề rằng: “Tôi sẽ trở thành một người khiến tất cả phải nhìn bằng con mắt khác”.
Những người có mặt lúc đó, gồm cả mẹ bà đều cho rằng đây chỉ là lời nói bồng bột, ngây thơ nhất thời của một đứa trẻ, một đứa con riêng không có gia thế, làm sao nó có thể trở thành “nhân vật lớn” được đây?
Inline images 2
Nhan sắc Eva Peron thời trẻ.
Hiện thực dù sao cũng không giống như trong chuyện cổ tích, dù cho bạn có được dung mạo trời ban thì cũng không có ai bằng lòng giúp bạn vô điều kiện. Trong làng quê hẻo lánh cách biệt này, người duy nhất mà cô có thể dựa dẫm chỉ có bản thân mình mà thôi.
Năm Evita 15 tuổi, ca sĩ Agustín Magaldi đến quê bà biểu diễn. Gặp người đàn ông này, Evita dường như đã thấy được niềm hy vọng của cuộc đời mình. Suốt 15 năm qua, Evita đã chịu đủ mọi miệt thị khinh miệt, cô khao khát mong được nhìn thấy thế giới bên ngoài, càng muốn có được quyền bình đẳng: “Dù phải trả bất cứ giá nào, tôi cũng muốn rời khỏi nơi này”.
Người đàn ông đó cũng đồng ý dẫn cô đến thủ đô, nhưng ra điều kiện rằng Evita phải bằng lòng dâng hiến thân xác của mình.
Evita ngây thơ, hồn nhiên của tuổi 15 đã chấp thuận điều kiện đó để bản thân mình có được chỗ dựa dẫm từ người đàn ông đáng tuổi cha mình, mong sao từ đây có thể thay đổi vận mệnh. Nhưng chính điều này lại bắt đầu cơn ác mộng của cô. Chẳng bao lâu, Magaldi đã không còn hứng thú với cô nữa, ông ấy đã ruồng bỏ Evita để đi tìm kiếm thú vui khác.
Ở nơi đô thị phồn hoa đắt đỏ, không có lấy một người thân thích, bản thân bị lừa, trong lúc tuyệt vọng lại không có bất cứ kỹ năng sinh tồn nào.
Vì để sống sót, Evita đành phải bán nhan sắc và thân thể của mình để kiếm kế mưu sinh. Cô thường xuyên lui tới các nhà hát, quán bar. Những thương nhân, sĩ quan, đạo diễn… chỉ cần bỏ tiền là đều mua được nhan sắc thanh xuân của cô.
Bước ngoặt cuộc đời
Evita cứ như vậy đã chìm đắm trong vòng xoáy phồn hoa. Nếu không gặp được Juan Perón, có thể cô sẽ giống như biết bao kỹ nữ khác: “Một mai xuân tận hồng nhan già, hoa tàn người khuất chẳng ai hay“.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người họ hệt như được vận mệnh an bài. Trong một buổi tiệc, Thượng tá Juan Perón đàm luận hùng hồn trong phòng khách, mạnh mẽ lên án môi trường chính trị hiện thời, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lan rộng, thái độ hờ hững của những người giàu mà bất nhân, phê phán mạnh mẽ thói tham lam vô độ của họ.
Những tân khách có mặt ở hội trường chỉ trả lời một cách khách sáo “vâng, vâng, vâng” để ứng phó. Mọi người đều không chút động lòng, chỉ có Evita ở đằng xa để tâm đến. Chỉ có bà, người đã sa ngã đắm chìm trong phóng túng, đồi trụy một cách không tự biết bỗng nhiên nước mắt chảy ướt cả khuôn mặt.
Bà tin rằng đây mới chính là người đàn ông thực sự của đời mình. Đó là người đó có thể cứu vớt dân nghèo khổ của Argentina. Lau khô nước mắt, đè nén tâm tình kích động, bà từng bước từng bước đi về phía Thượng tá, nở nụ cười chân thành.

Vẻ đẹp sắc sảo của Eva Peron
.
Bà nói với Thượng tá Perón rằng: “Cảm ơn sự có mặt của ngài“. Hai người vốn là người của hai thế giới khác nhau, cứ như vậy bởi tâm ý tương đồng mà đến với nhau, bắt đầu tình yêu công khai.
Tin này vừa mới truyền ra, ngay lập tức đã dấy lên một làn sóng lớn trong xã hội thượng lưu ở Argentina. Một kỹ nữ, một người đàn bà phóng đãng không biết liêm sỉ, làm sao có thể bước chân vào xã hội thượng lưu được?
Dưới quan niệm bảo thủ thời bấy giờ, sự kết hợp của hai người họ, chẳng khác chi một đòn nặng của xã hội tầng thấp đánh vào tầng lớp quý tộc. Evita mới đầu cảm thấy e ngại, cô sợ Perón sẽ chê bai mình bởi những lỗi lầm mưu sinh ngày trước.
Những lúc ở một mình cùng Perón, bà thường chủ động kể hết cho ông nghe về toàn bộ những gì mà bà đã trải qua từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Nào ngờ Peron căn bản không chút quan tâm, nghe bà kể xong, ông đưa tay vuốt nhẹ mái tóc của bà, nói rằng: “Em lúc trẻ đã phải chịu nhiều đau khổ như vậy, đó vốn không phải là lỗi của em. Anh sẽ giúp em quên đi mọi đau khổ trước đây“.
Ông đã nắm tay đưa bà đến khắp các buổi tiệc tùng và gặp mặt. Tuy cũng là ăn mặc gọn gàng, hào nhoáng sang trọng, nhưng so với những phụ nữ quý tộc sống trong nhung lụa thì Evita quả là khác xa.
Bà thường tới thăm nơi ở của dân nghèo, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thân thiết bắt tay trò chuyện với người nghèo và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời họ.
Bởi đã thật sự trải qua đủ mọi bất hạnh trong đời, bà muốn thay đổi tất cả những điều này. Tất cả mọi người đều bị người phụ nữ dịu dàng này chinh phục. Thân ở địa vị cao sang nhưng cử chỉ của bà lại vô cùng nhã nhặn. Bà thật sự từ đáy lòng mình, quan tâm đến nỗi khổ của người dân nghèo.
Dân chúng Argentina, ai ai cũng biết đến danh tiếng của hai vợ chồng Perón. Nhưng thành công của đôi “nhân tình chính trị” ngọt ngào này lại chọc giận phe phản đối trong nước
Tình hình trong nước vô cùng rối ren, bạo lực và cải cách không ngừng diễn ra. Perón bị nhà cầm quyền tống vào ngục giam. Evita trong lúc khẩn cấp ấy vẫn không hề hoang mang, bà đã dùng hết vốn liếng đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Bà nói: “Bởi tôi cũng đã từng giống như mọi người, vậy nên tôi hiểu được nỗi khổ của mọi người!“.
Nỗi khổ của mọi người, bản thân tôi đã từng nếm trải qua. Nghèo khó của mọi người, bản thân tôi cũng đã từng trải qua. Perón đã từng cứu vớt tôi, và sẽ cứu vớt mọi người.
Perón sẽ ủng hộ những người nghèo, yêu thương những người nghèo, nếu không phải như vậy, sao ông ấy lại yêu thương tôi như vậy?“.

Perón và Evita.
Lời diễn thuyết của bà đã cảm hóa được vô số người dân nghèo đang trong cảnh thất nghiệp và tràn đầy oán hận. Hơn 300 nghìn người dân xuống đường phố, lớn tiếng hô lên: “Hãy trả lại tự do cho Perón, hãy trả lại tự do cho Perón“. Trong khoảng thời gian 5 ngày, nhà cầm quyền không chịu đựng nổi áp lực to lớn ấy, đành phải thả Perón từ trong tù ra.
Việc làm đầu tiên sau khi Perón ra tù chính là ôm thật chặt người vợ của mình, và lập tức chính thức cầu hôn bà. Lúc đầu ông kinh ngạc và ấn tượng bởi vẻ đẹp và dũng khí của Evita, cuối cùng lại bị tấm lòng chân thành và cứng rắn của bà chinh phục.
Một di sản tinh thần đáng ngưỡng mộ
Thoáng chốc đã sang năm thứ hai, Perón đắc cử trở thành Tổng thống, Evita nghiễm nhiên đã trở thành đệ nhất phu nhân, khi đó bà chỉ mới 27 tuổi
Từ một đứa con riêng của người đàn bà may vá chịu đủ mọi lời giễu cợt, đến vũ nữ lâm vào bước đường chìm nổi trong chốn phong trần, rồi trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, sau 20 năm bà đã thực hiện được lời thề ngày trẻ mà mọi người cho là bồng bột nhảm nhí.
Sau khi kết hôn không bao lâu, Evita tự cảm thấy bản thân phải hoàn thành những trách nhiệm trọng đại của mình, không dám trễ nại phút nào. Bà vừa mưu cầu phúc lợi cho người dân nghèo, trẻ nhỏ cùng người già, vừa bôn ba theo đuổi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà còn thành lập hội ngân sách “đệ nhất phu nhân” và trung tâm cứu trợ những người nghèo khổ, đã giúp đỡ vô số những người dân nghèo khổ.
Có một lần, chỉ trong thời gian 48 giờ đồng hồ, bà đã liên tục lên bục diễn thuyết 7 lần. Bác sĩ cố gắng khuyên bà hãy chú ý nghỉ ngơi, bà lại tự hào trả lời rằng: “Tôi nguyện hiến dâng sinh mệnh của mình cho những người nghèo khổ“.
Tuy nhiên ông trời đã không có cho bà quá nhiều thời gian, ngày 9/1/1949, Evita đã ngất xỉu ngay trong lúc đang cắt băng khánh thành. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư cổ tử cung, cũng tương đương với việc bà đã bị tuyên án tử hình.
Trên giường bệnh, bà vẫn kiên trì làm việc. Dưới sự cố gắng của Evita, tất cả phụ nữ Argentina đều được quyền bỏ phiếu bầu cử. Bà ngày càng mệt mỏi đến cực điểm, chỉ có thể dựa vào cái giá làm từ khung kim loại giữ cho thân thể thăng bằng.
8h 25 phút tối ngày 26/7/1949, bà gọi Perón đến bên cạnh, nói khẽ với ông rằng: “Cả một đời này của em, chỉ những lúc ốm đau mới chảy nước mắt, ‘cô bé còi’ không gắng gượng thêm được nữa, em phải đi rồi!“. Năm đó, bà mới 33 tuổi.
Trong đêm đó, truyền hình Argentina nghẹn ngào tuyên bố với người dân cả nước: “Linh hồn của đất nước chúng ta, người lãnh đạo tinh thần của dân tộc chúng ta đã qua đời rồi“.
Hôm diễn ra tang lễ, hơn 700 nghìn người dân cả nước đã đến thủ đô đưa tiễn bông hồng vĩnh hằng của lòng họ, có người khóc ngất ngay nơi hiện trường, có người ra sức chen lên phía trước chỉ để trao nụ hôn lên quan tài của bà.
33 tuổi, cuộc đời của Evita đã kết thúc, nhưng huyền thoại về bà vẫn sẽ luôn sống mãi. Trước đêm kỷ niệm tròn 60 năm ngày mất của bà, tờ tiền giấy kỷ niệm mệnh giá 100 đồng của Argentina đã được phát hành, chân dung in trên mặt của tờ tiền chính là Evita. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên tờ tiền giấy của Argentina:

Chân dung bà Evita được in lên mặt tiền mệnh giá 100 đồng.
Sở dĩ chúng ta lựa chọn phu nhân của Tổng thống Juan Perón, không phải bởi vì bà ấy là bậc thánh nhân, cũng không phải bởi bà ấy chưa từng phạm phải sai lầm, mà bởi bà ấy là một người khiêm nhường và bác ái.
Một người phụ nữ mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng tầng thấp, dù cho bà ấy đã từng sa ngã, nhưng bà ấy vẫn là một thiên thần“.
Hoa hồng dù có rực rỡ hơn nữa, cũng sẽ có ngày khô héo, nhưng điều khiến Evita sống mãi trong lòng người Argentina chính là những giá trị nhân văn sâu sắc mà một đời bà theo đuổi. Cho đến nay, “Evita” vẫn là cái tên được đông đảo người dân Argentina ưa chuộng nhất khi đặt tên cho con gái của mình.
__._,_.___

Posted by: Le Nguyen 

Saturday, May 27, 2017

ĐÔNG HẢI: TRƯỜNG CA LỜI RU CỦA MẸ

From: THU HUONG <

To: 

Sent: Saturday, 27 May 2017, 14:07
Subject: ĐÔNG HẢI: TRƯỜNG CA LỜI RU CỦA MẸ


Trầm Thy with Duc Hien Nguyen.
19 mins · 
ĐÔNG HẢI Nguyễn Đức Hiền: TRƯỜNG CA LỜI RU CỦA MẸ. Xin gởi lại. Mến chúc các bạn trên FaceBook của tôi và gia đình luôn an mạnh.
Mời các bạn nghe thêm=> 

ĐÔNG HẢI: VÙNG LÊN Chống giặc Tàu xâm lược

VÙNG LÊN chống giặc Tàu xâm lược Nhạc và lời: Đông Hải-Nguyễn Đức Hiền Tác giả tự đàn, tự hát, tự thu âm và vide...
No automatic alt text available.
Image may contain: text
Image may contain: plant
Image may contain: text
Image may contain: plant and outdoor
Image may contain: text
Image may contain: plant
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
Image may contain: plant, outdoor and text
No automatic alt text available.
Image may contain: plant
No automatic alt text available.
Image may contain: text
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
Image may contain: plant
Image may contain: text

Nhạc=>


Trầm Thy Trang




Virus-free. www.avast.com

__._,_.___

Posted by: AnNam 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List