Việt Nam: Sức mua giảm, doanh nghiệp sống dở chết dở
Cập nhật lúc 02-07-2012 22:36:30 (GMT+1)
Người nghèo không có khả năng mua. Ảnh minh họa. |
Doanh nghiệp Việt kêu cứu.
CPI giảm, doanh nghiệp vừa gánh nợ vay thời điểm lạm phát, vừa gánh nỗi lo phải giảm giá do sức mua giảm mạnh.
“Lượng hàng tồn lớn, nợ cũ chưa trả, giờ đây doanh nghiệp (DN) lại gánh thêm nỗi lo sức mua giảm buộc phải thu hẹp sản xuất, bán sản phẩm với giá rẻ, thậm chí chịu lỗ để cầm cự… Tình trạng trên đã tiềm ẩn nhiều tháng nay…” - ông Văn Đức Mười, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, lo lắng.
Ngành nào cũng “chết”
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc công ty Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết: Mọi năm DN có đơn hàng xuất khẩu hơn 2.000 tấn nhưng hiện chỉ khoảng 1.000-1.500 tấn, cộng thêm chi phí nguyên liệu cao, lương nhân công tăng nhưng giá thành sản phẩm phải giảm, hợp đồng ký với nhà nhập khẩu phải cam kết mức giá cố định trong một năm, không được tăng giá...
Mức giá hiện nay DN tính ra chỉ đủ trả lương, lưu thông dòng vốn, không để hàng tồn kho nhiều chứ không thể có lợi nhuận.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Đinh Anh Việt, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Gạch ngói Đồng Nai, chia sẻ: “Bất động sản lặng như tờ, sản phẩm bán ế ẩm cho nên những tháng qua chúng tôi phải giảm giá mới cạnh tranh nổi và giữ được bạn hàng, kéo theo lợi nhuận giảm.
Đó là chưa kể khâu thanh toán chậm của các chủ công trình, nếu thời hạn thanh toán kéo dài hơn 70 ngày thì chỉ tính tiền trả lãi suất ngân hàng 17% thôi cũng là một gánh nặng”.
DN khó khăn, công nhân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Ông Hùng, chủ một công ty sản xuất mũ bảo hiểm ở huyện Bình Chánh, cho biết: “DN bây giờ sản xuất cầm cự để nuôi công nhân. Một số DN cùng ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đã ngừng hoạt động nhiều tháng nay, sa thải hàng trăm công nhân.
Sở dĩ tôi biết điều này vì mỗi ngày có hàng chục công nhân đến chỗ tôi xin việc”.
Ngay cả đại diện một công ty lớn như Vinamilk, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại, cho biết sức mua thị trường nội địa sáu tháng đầu năm sụt giảm.
Công ty phải cân đối doanh thu từ việc xuất khẩu các mặt hàng sữa.
Giữ gìn thương hiệu và sáng tạo trong quảng bá giữ chân khách hàng cũng là một cách để DN tự cứu mình. Ảnh: M.THẢO
Ở lĩnh vực bất động sản, tình hình “sống dở chết dở” của DN còn tồi tệ hơn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), hầu hết DN bị thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản và đặc biệt xuất hiện trên diện rộng tình hình “ba dở dang”: bồi thường dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang và “ba giảm”: sức mua giảm, giá giảm, giao dịch giảm.
Phải kích cầu tiêu dùng
Tình trạng DN bỏ nhiều chi phí để ra thành phẩm nhưng phải bán với giá thấp nhằm thu hồi vốn, giải quyết hàng tồn và giữ khách hàng, nhất là đối với ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “thiểu phát”. Nền kinh tế phát triển dựa vào sự phát triển sản xuất, nếu DN cứ co hẹp thậm chí đình trệ sản xuất, phá sản nhiều, kéo theo công nhân mất việc thì còn nguy hiểm hơn cả lạm phát.
Giải pháp giảm giá được ông Mười cho rằng chỉ là giải pháp tình thế. “DN phải tái cấu trúc hệ thống phân phối, bộ phận lãnh đạo, cân đối nguồn vốn mới có thể sống dai.
Đồng thời, DN phải biết cách gìn giữ thương hiệu, định hướng mục tiêu vì cộng đồng để khách hàng luôn bên mình trong những lúc khó khăn”.
Tuy nhiên, ông nói quan trọng nhất vẫn là sự tác động từ Ngân hàng Nhà nước với các giải pháp giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại nợ để DN tiếp cận được nguồn vốn.
Từ đó DN mới tái cơ cấu sản xuất, giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Ông Lê Hoàng Châu gợi ý: “Giải pháp căn cơ cần làm ngay là kích cầu tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho, tạo dòng tiền, song song với việc giảm hơn nữa lãi suất cho vay. Không thể để tiếp diễn tình trạng ngân hàng huy động vốn đầu vào với lãi suất 9% mà cho vay đến 17%-18%”.
Một số các chuyên gia kinh tế khác nói thêm: Kích cầu là một phần, phần khác còn phải chờ xem xét các khoản chi tiêu của Nhà nước như đầu tư công thì mới có cơ may vực dậy nền kinh tế.
Tăng giá điện, thêm đòn trí mạng! Giá điện tăng trong thời điểm này thì DN không còn gì để nói, sức tàn lực kiệt, nay thêm đòn này thì e nhiều DN chết chắc. Ngành sản xuất xi măng đang chết mòn vì tồn kho số lượng lớn, ế ẩm, bán giá thấp mà cũng chẳng có khách hàng, giá nguyên liệu đầu vào như than đã tăng, nay giá điện lại tăng thì DN xoay xở, cầm cự thế nào? Điện ngốn 7% chi phí của DN mỗi năm. Tăng thì chịu chứ kiến nghị DN nản lắm! Điều DN cũng như người dân mong muốn là ngành điện cần công khai minh bạch về tài chính, điều chỉnh tăng hợp lý đúng thời điểm. Đừng nhìn vào chỉ số CPI giảm rồi ngành điện bèn tăng giá, đó là một sự sai lầm lớn. CPI giảm, giá các mặt hàng có giảm thì túi tiền người tiêu dùng cũng đã cạn không còn đủ sức mua, khi đó DN giảm sản xuất, cầm cự rồi chết, kéo nền kinh tế suy sụp nghiêm trọng. Ông NGUYỄN VĂN THIỆN, Hiện tại tiền điện DN ngành thủy sản phải trả chiếm 5%-7% trong tổng chi phí, con số không phải là nhỏ. Gần 100% các khâu từ chế biến, làm đông, làm mát, đóng gói… đều sử dụng điện, “ngốn” nhiều nhất là khâu đông lạnh. Một DN xuất khẩu thủy sản cỡ vừa tiền điện mỗi tháng phải trả là 2 tỉ đồng, một năm mất 24 tỉ đồng. Giờ giá điện tăng thêm 5%, mỗi năm DN mất thêm 1,2 tỉ đồng. Trong lúc Nhà nước, chính quyền địa phương, ngân hàng… đang tìm mọi cách giúp DN thoát khỏi đủ loại khó khăn thì ngành điện lại tăng giá, đây là điều bất hợp lý, quá nản! Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) Phải hạ giá thêm nữa Khi Chính phủ can thiệp thì cho rằng cần để nền kinh tế theo cơ chế thị trường, khi không nhắc đến thì lại kêu gọi hỗ trợ, can thiệp. Chính phủ, Quốc hội đã ra hàng loạt chính sách để hỗ trợ DN như miễn, giảm thuế; Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất, ưu tiên lĩnh vực này lĩnh vực kia… DN cần cứu nhưng chỉ nên ở mức độ nào đó bởi bản thân DN phải biết tự cứu mình. Kinh doanh có lúc tốt, lúc xấu, lúc nào cũng có hàng tồn kho, chẳng qua năm nay đột biến. Bây giờ DN muốn bán được phải hạ giá, chịu lỗ một chút còn hơn là để hàng hóa nằm đó. Số tiền bán được dùng trả nợ ngân hàng, sau đó vay vốn mới để tái sản xuất, kinh doanh. TS TRẦN DU LỊCH, Hội đồng Tư vấn Chính sách Sắp tới chính sách sẽ có tác động tích cực Kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn kéo theo xuất khẩu không tăng nhiều, đầu tư trong nước thấp, tiêu dùng giảm mạnh… là lý do khiến hàng tồn kho của DN ngày càng tăng. Thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, kích thích tiêu dùng như Nghị quyết 13 là nhằm gia hạn thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập, hạ mạnh lãi suất… Tuy nhiên, do các chính sách còn mới nên tác dụng chưa rõ ràng lên thị trường, sắp tới chắc chắn sẽ có tác động tích cực. TS VŨ VIẾT NGOẠN, Chủ tịch Ủy ban Giám sát
Y.TRANG ghi |
Nguồn: QUANG HUY - BÙI NHƠN/phapluattp
No comments:
Post a Comment