Phe Tả, cực Tả và cực Hữu
_______________________________________________________________________________
Nguyễn thị Cỏ May
|
Người Pháp có phải là
người tình của nhiều mối tình không? Đúng, sai, như thế nào không biết nhưng
người ngoại quốc, đặc biệt là người Anh, hiểu người Pháp là người mạnh hay đam
mê tình dục hơn nhiều dân Âu Châu.
Đối với người ngoại quốc, chuyện tình, đúng hơn là chuyện
tình dục, của ông DSK (Dominque Strauss - Kahn, nguyên Dân biểu Quốc hội Pháp,
nguyên Tổng trưởng, nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế) có giá trị nhằm
tăng cường thêm dư luận ngoại quốc về người Pháp bị ám ảnh nặng về tình dục.
Dưới mắt người Anh, một mẫu người đàn ông, đầu đội Bê-rê
(phải đúng hiệu Bê-rê Basque), cởi xe đạp, tay cặp ổ Ba-ghết, cổ đeo xâu củ
hành, đó đúng là ông Tây đang trên đường đi tới nhà một bà Đầm tình nhơn. Bởi vì
những người Pháp, ông Tây hay bà Đầm, chắc chắn ai cũng có ít nhứt một người
tình.
Như vậy phải chăng người Pháp ngày nay không còn biết giữ
sự chung tình như đạo nghĩa ăn ở đời với nhau nữa?
Một phụ nữ người Anh tới Pháp để tìm hiểu tại chỗ đời
sống tình dục của người Pháp để xác định đó là sự thật hay chỉ là một huyền thoại
do những người xấu mồm bịa đặt vì ganh tỵ?
Một buổi tối, xem TV nhằm chương trình “Quan hệ tình
dục”. Một nhà báo đưa ra câu hỏi “Một người tình dài hạn có thể luôn luôn thỏa
mãn không?”. Một khán giả (nam) tham dự trả lời “Hầu hết súc vật đều không chung
tình vậy tại sao chúng tôi chung tình?”. Một phụ nữ thuộc giới phóng túng nhận
xét “khi người ta chia sẻ nhau những khoái cảm - trong những câu lạc bộ trao
đổi – thì đó là chìa khóa của hạnh phúc”.
Một hôm, một người bạn Pháp của bà người Anh giải thích
về hội chứng tình dục không thỏa mãn “Khi người ta gặp một phụ nữ hay một anh
chàng mới toanh, hấp dẫn, giống như chiếc iPhone 4 kiểu sau cùng. Nhưng sau vài
năm sống chung, bạn nhận thấy chiếc iPhone của bạn không còn là kiểu đời mới nữa,
bạn cần một kiểu hiện đại hơn. Nếu người ta không đổi mới được mối quan hệ thì
người ta bắt đầu đi shopping thôi…”.
Những người thuộc cánh Tả chánh trị Pháp
Đời sống tình dục của những người hoạt động chánh trị
thuộc cánh Tả ở Pháp thường hung hãn hơn. Không chỉ riêng những nhà chánh trị
mà cả cử tri cánh Tả cũng có đời sống tình dục sôi nổi hơn nữa. Theo kết quả thăm
dò dư luận của hãng Ifop, cử tri cánh Hữu và Trung (Centre) phần đông có đời
sống tình dục ổn định hơn và ít hung hãn hơn.
Ở cử tri bỏ phiếu cho ông Sarkozy trong kỳ bầu cử vừa qua
(tháng 5/2012) có số quan hệ tình dục trung bình 6, 7 lần
tháng và cử tri của ông François Bayrou (cánh Trung) quan hệ tình dục 5, 9 lần tháng trong lúc đó, cử tri cánh Tả cũng như cử tri bỏ phiếu
cho đảng Xã hội có 7, 6 lần tháng, cử tri cực Tả (cộng sản Đệ III và IV), 7, 7 lần tháng. Cử tri cực Hữu cũng không kém phần hung hãn, có lẽ vì
cùng thuộc loại “cực” nên giống nhau – mà phải vì thông thường những cực
đoan gặp nhau - chiếm 8 lần tháng. Tính trung bình, phe Tả, cực Tả và cực Hữu
chiếm 7, 8 lần quan hệ tình dục đối với dân chúng Pháp nói chung.
Còn bồ bịch, mỗi người của mỗi phe cánh có bao nhiêu
người? Dân UMP và cảm tình viên (phe Hữu) cho biết họ có trung bình 7 tình nhơn
trong đời, còn phe Tả (xã hội) có 9 người và cực Tả có 10 tình nhơn.
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy cử tri bỏ phiếu ứng cử
viên Tổng thống vừa qua thuộc cánh cực Tả hoặc cực Hữu phần lớn đều trong tâm
trạng không thỏa mãn sinh hoạt tình dục. Cụ thể, cử tri bỏ phiếu cho ông Jean-Luc
Mélenchon, ứng cử viên cực Tả, chống đối, bất mãn, có 35% cho biết không thỏa
mãn tình dục. Còn cử tri bỏ phiếu cho bàà Marine Le Pen, ứng cử viên cực Hữu,
có 31% không thỏa mãn tình dục.
Sự không thỏa mãn tình dục trên đây là theo sinh hoạt nam
nữ bình thường. Ngoài ra, dân Pháp còn có những quan hệ tình dục dưới những
hình thức khác hơn và cũng ở những mức độ chênh lệch theo quan điểm chánh trị
Tả/Hữu. Phụ nữ Tả phái có 81% thích chủ động mơn trớn kích thích người bạn tình
(fellation) trong lúc đó cùng cách làm tình này, có 69% ở phụ nữ Hữu phái. Cũng
ở phụ nữ cử tri Tả phái có 55% các bà chọn cách làm tình cực kỳ đặc biệt mà luật
hôn phối cấm kỵ.
Về trao đổi bạn tình trong những hộp đêm, phe Tả chiếm tỷ
lệ cũng cao hơn phe Hữu. Tả có 6% , cực Tả có 9%, Hữu có 4% (Thăm dò dư luận
trên 1411 người, tuổi từ 18 trở lên, ngày 24/02/2012, Internet).
Phải chăng vì vậy mà ông DSK, đảng viên Xã hội, người
Mác-xít, đã lụy vì tình, vì bị tình nghi trong vụ toan cưỡng dâm chị bồi phòng
ở khách sạn Nữu ước năm trước, tiếp theo lại ra hầu Tòa nhiều lần nữa vì liên
hệ trong vụ mua bán dâm ở Lille (Bắc Pháp)? Nhưng nay, ông có vẻ thoải mái tuy
đã bị bà vợ bỏ, ông liền có ngay bà khác, Myriam, trẻ đẹp hơn, ở lớp tuổi bốn
mươi, chưng diện theo kiểu “Cô chiêu Cậu ấm” (BCBG) và cũng là nhà báo lớn. Ông
cặp tay bồ mới, nụ cười trên môi, đi giới thiệu với bạn bè bồ mới toanh của ông
và cho bán tuần báo VSD đăng hình hai người lên trang bìa và bài tường thuật ở
trang trong.
Chung tình ngày nay
Khi nói chung tình với người Pháp ngày nay phải chăng là
cả một nghịch lý vì trên thực tế phần lớn không có được mấy ai giữ chung tình
trong đời sống vợ chồng. Người Pháp vẫn đề cao hạnh phúc gia đình là trên hết.
Chưa bao giờ vấn đề tự do tình dục được đặt ra trong đời sống vợ chồng đến như
vậy. Chồng hoặc vợ, mỗi người, ngày nay, tự tìm ra qui luật cuộc chơi. Giữa
phiêu lưu và tan nát, công khai và bí mật.
Một người có thể cùng lúc có hai hoặc ba cuộc sống? Hai
nữ ký giả của Tuần báo L’Express (số phát hành ngày 19/07/2004, Paris), Marie
Huret và Delphine Saubaber, mở cuộc điều tra thú vị. Một người đàn ông tâm sự
với nhà báo “Tôi luôn luôn bội tình. Tôi gặp bà vợ của tôi năm 22 tuổi và ngay
khi chúng tôi chưa cùng sống chung với nhau, tôi đã ngoại tình với nàng rồi”.
Người đàn ông với mái tóc muối tiêu từ lâu sống theo cách “đi hái hoa hơn là
vun trồng”. Nói chuyện với tình nhơn, anh chàng luôn gọi tình nhơn bằng tiếng
âu yếm “cưng” để đừng nhằm lẫn tên người này với tên người kia. Ở sở làm, nếu
bắt gặp người vừa ý, anh ta sẽ không để mất cơ hội theo đuổi và phải đạt mục
tiêu. Thú vui, và cũng là niềm tự hào của anh chàng là sự săn đuổi, sự chinh
phục. Khi bắt được bồ mới thì sẽ loại bỏ bồ trừ bị. Bà vợ 35 tuổi với 2 đứa con
là người phải giữ vì bà không biết làm phiền ông chồng.
Người sống theo mẫu này phải có nhiều người tình ngoài vợ
chánh thức, phải chăng đó là con người “ham sống và sợ đời sống đóng kín”? Họ
giải bày tâm trạng uẩn khúc “bị chi phối giữa thú hưởng thụ sự chiếm đoạt và ý
thức sự vô đạo đức. Biết điều đó là không tốt nhưng vẫn làm”.
Họ thương vợ, quí đời sống gia đình, thương con cái,
nhưng muốn tìm cách trốn lánh đời sống bị đóng kín trong khuôn khổ gia đình, vợ
con. Họ mơ ước một cái gì đặc biệt nhưng lại chạy theo những mối tình tươi mát
và phiêu lưu. Họ buông mình giữa cái cấm đoán và cái cho phép.
Ngày nay, sự bội tình không còn là điều cấm kỵ như đã
từng đay nghiến lương tâm, tan nát danh dự gia đình.
Theo kết quả điều tra của hãng Ifop (phổ biến năm 2000)
có 39% các ông thừa nhận đã dối gạt vợ để ngoại tình và có 24% các bà từng dối
gạt chồng để có tình nhơn. Năm 1972, tình trạng này kém nghiêm trọng hơn ba lần.
Theo tác giả quyển “Hôn nhơn, Sex và truyền thống” (Mariage,
Sex et Tradition, Plon, Paris), người Pháp ngày càng tỏ ra thực tế hơn. Họ bênh
vực quyền lợi của vợ chồng bằng cách định nghĩa lại sự tự do trong đời sống vợ
chồng trong một chừng mực giữa bí mật và công khai. Có một người bạn tình không
còn là điều xúc phạm nữa, cũng không còn là điều tai tiếng xấu hổ nữa.
Với các bà, báo chí phụ nữ ngày nay hô hào “Hãy lợi dụng
ngày nghỉ hè không có ông chồng đi theo”. Các bà phần lớn bị áp lực xã hội phải
giữ thân mình mảnh khảnh, quyến rũ và nét gợi tình của phụ nữ phải được nổi bật
lên. “Nếu các ông chồng phớt lờ đi thì các bà còn chờ đợi gì nữa mà không thử
làm cuộc phiêu lưu?”.
Điều này, từ lâu, theo sử gia Sabine Melchior-Bonnet (Lịch sử ngoại tình -
Histoire de l’adultère, La Martinière, Paris, 1999), không còn bị người đời phê
phán là “ngoại tình”, là “phạm tội quả tang” nữa. Ngoại tình là một trọng tội
hình sự dưới thời cựu chế, đến năm 1975 là một vi phạm luật lệ không bị hình
phạt và ngày nay, trở thành một trường hợp hoàn toàn riêng tư”.
Những người mạo hiểm trong cuộc sống tay đôi, tay ba ngày nay không còn cảm
thấy những nỗi lo sợ phạm điều cấm kỵ của tôn giáo mà trước đây họ phải tôn
trọng nghiêm ngặt. Họ ca ngợi hạnh phúc của mạo hiểm. Nhưng họ thừa nhận sự
thủy chung vẫn là giá trị thiêng liêng cho đời sống vợ chồng. Người ta tin
tưởng, nắm giữ giá trị thiêng liêng đó, nhưng lại sẵn sàng đem đổi lấy hạnh
phúc mới một cách dễ dàng. Một bà không giấu giếm với ông Patricia Delahaie,
tác giả quyển “Chung tình hay không chung tình” (Fidèle, pas fidèle?): “Một ông
bạn tình, chính là sự nảy nở cá thể của mình và rẻ tiền hơn tới nói chuyện với
một bác sĩ tâm thần”.
Ngoại tình đem lại những súc cảm mạnh, những thay đổi cá tánh nhưng vẫn là
một sự xáo trộn có thể tạo hạnh phúc mà cũng gây ra đổ vỡ thiệt hại nặng nề khó
hàn gắn được.
Chưa bao giờ vấn đề tự do tình dục được đặt ra cho cặp vợ chồng hay cặp bạn
tình một cách nghiêm trọng đến như vậy. Trong vòng hai mươi lăm năm, tất cả các
điều khoảng luật pháp trừng trị đều bị phá vỡ hết. Năm 1975, luật ly dị sửa
đổi, quyền ngừa thai, chủ nghĩa cá nhơn ngự trị đời sống xã hội đã làm thay đổi
hoàn toàn những nề nếp trong đời sống vợ chồng.
Hôn nhơn bị xem thường nên không còn là điều kiện tạo
hạnh phúc gia đình, lại không còn là điều kiện cho đời sống vợ chồng ăn ở với
nhau để sanh con cái nữa vì ngày nay có tới 40% trẻ con sanh ngoài hôn nhơn. Từ
khi định chế hôn nhơn không còn giữ vai trò rào cản cho sự chung thủy vợ chồng
thì sự thỏa mãn những đòi hỏi tình dục chế ngự mọi từ khước vì lễ giáo xưa. Sự
bội tình trở thành phổ quát.
Một bà vợ tâm sự “Tôi chống chọi hết sức mình, nhưng tôi
cảm thấy chỉ có một mình đơn độc. Người bạn tình của tôi đem lại cho tôi tràn
ngập hạnh phúc và cũng đầy lo lắng. Đó là một bầu dưỡng khí. Chồng tôi đang bù
đầu công việc, nhưng tôi không muốn bỏ chồng tôi. Nên tôi phải dối gạt anh ấy”.
Có người lại cho rằng “cặp ba” là phương tiện duy nhứt để
khơi dậy sự trẻ trung của vợ chồng. Hữu hiệu mạnh hơn Viagra gấp ngàn lần. “Ăn
vụng” là liều thuốc thần chữa căn bịnh bị thôi thúc tình dục. Người xưa có bài
kinh “Thê bất như thiếp, thiếp bất như tỳ, tỳ bất như đạo!”. Người hành “đạo”,
tức người đi ăn trộm tình, người ngoại tình, dối gạt vợ nhà, chồng nhà, thường
khi đó có cảm tưởng mình được trẻ lại đến hai mươi tuổi, thân thể trở nên thanh
tú, siêng mơ mộng những cuộc tình, năng nổ trong đời sống ái ân (Theo bác sĩ
François Parpaix – Pour être de meilleurs amants: Để trở thành những người tình
tuyệt vời, Robert Lafont, Paris, 2004).
Trải qua suốt nhiều thế kỷ, ở Pháp, ngoại tình bị ngăn
cấm nghiêm ngặt theo hai tiêu chuẩn: luật pháp và tôn giáo: “Sự thủy chung có
cùng nguồn gốc với đức tin tôn giáo. Trong sự thủy chung, ý nghĩa thiên chúa giáo
là sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà biểu hiện sự kết hợp Thượng Đế
và nhơn loại. Đó là thiêng liêng hóa sự thủy chung và hôn nhơn. Thông điệp của
Thiên chúa là hôn nhơn, một vợ một chồng không thể thay đổi và lên án những mối
tình ngoại hôn. Một trong mười điều răn của Thiên chúa và Moise là “Con sẽ đừng
phạm tội ngoại tình”.
Ngày nay, người ta đang nói về thực tế xã hội là những
giá trị tinh thần đang bị xuống cấp nếu không bị mất hẳn đi thì liệu sự chung
thủy vợ chồng có còn là giá trị tiêu chuẩn đạo lý hay không ? Chủ nghĩa cá nhơn
lên ngôi. Khi ý nghĩa chung thủy là vợ chồng thương nhau suốt đời nhưng theo tư
tưởng cá nhơn thì tôi thương mình, mà tôi cũng thương tôi nữa. Vậy làm sao
tránh được sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai cái thương này?
Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment