Những mỹ nhân hơn ngàn năm tuổi ở Sigiriya
Cho đến bây giờ, vẫn chưa có câu trả lời chính thức của các nhà
khoa học để giải thích “Những mỹ nhân ở Sigiriya thực sự là ai?”
Nhưng khi đến
đây, chắc chắn bạn sẽ quên mất câu hỏi này sau khi ngất ngây nhìn ngắm và bạn
sẽ bật lên một câu hỏi khác: “Tại sao người xưa đẹp và giỏi như vậy?”
Pháo đài đá Sigiriya
“Giọt lệ Tích Lan”, đảo quốc có hình dáng tương tự giọt
nước mắt Sri Lanka đã qua những ngày binh biến nội chiến không xa lắm. Tuy
đường lên miền bắc, căn cứ của lực lượng nổi dậy Những con hổ Tamil vẫn còn
nhiều trắc trở, khó khăn, kể cả bom mìn còn sót lại.
Nhưng đến đảo quốc vào
những ngày tháng giêng 2012, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy du khách nước ngoài nườm
nượp ngược xuôi trên những con đường ở miền Trung, Nam Sri Lanka.
Chưa kể đến
sự chân chất vốn có của những người dân biển đảo, cộng với sự hiền hoà của
người xứ dân “thuần” Phật (“pure”, như người Sri Lanka tự nhận), chưa kể đến
những bãi biển cát trắng quanh năm nồng nàn nắng của đảo quốc… những di tích
lịch sử, văn hoá của quốc gia bé xíu này sẽ làm bạn say đắm. Trong đó, “Đá
Sigiriya” còn gọi là “Pháo đài đá Sigiriya”, “Núi Sư Tử”… chắc chắn là một điểm
đến bạn không thể bỏ qua.
Hoang tích một pháo đài 15 thế kỷ
Chỉ cách thủ đô Colombo 170km, hay cách thành phố “must-see” Kandy
của Sri Lanka khoảng 80km, Sigiriya, nằm trong cụm di tích “Tam giác di sản văn
hoá” (Cultural Triangle of Sri Lanka) – một trong sáu di tích được công nhận là
UNESCO Heritage của đảo quốc.
Theo những di chỉ phát hiện được, các tăng sĩ là cư dân đầu tiên
sinh sống ở đây, vào thế kỷ thứ 3 Công nguyên.
Tuy vậy, nơi đây lại không có
các bảo tháp, các pho tượng Phật cổ hoành tráng như ở Polonnaruwa hay
Anuradhapura. Sirigiya bắt đầu biết nhiều đến từ khi vua Kassapa I lên ngôi năm
477 Công nguyên, sau soán quyền từ vua cha Dhatusena, và người anh, hoàng tử
MonGallana.
Vẫn lo lắng vì hoàng tử MonGallana từ Ấn Độ sẽ có ngày tìm về trả
thù, vua Kassapa rời kinh đô Anuradhapura tìm đến nơi đây, cho xây kinh đô mới,
cũng là pháo đài vững chắc.
Trong 18 năm trị vì ngắn ngủi, ông đã xây dựng một
Sigiriya làm sửng sốt các nhà khảo cổ khi phát hiện ra nơi này. Các kiến trúc
của Sigiriya có thể chia thành hai nhóm chính: cung điện hoàng gia nằm ngay
trên đỉnh núi đá với các công trình kiến trúc từ chân lên đến đỉnh núi, và hệ
thống vườn thượng uyển bên dưới bao gồm vườn nước, vườn treo, vườn bậc thang
với những gì còn sót lại sau hơn 15 thế kỷ.
Du khách sẽ ngạc nhiên trước đôi
móng sư tử khổng lồ bằng đá nơi lưng chừng núi đá – lý do Sigiriya còn có tên
Núi Sư tử. Người ta không tìm thấy thân và đầu của sư tử.
Nhưng có thể lý giải
theo cách khác khi bạn lùi lại, nhìn từ xa sẽ thấy hình tượng con sư tử khổng
lồ đang quỳ phục, đội núi đá và cung điện hoàng gia trên mình. Ngang qua chân
sư tử, lên nữa bạn sẽ đến đỉnh núi, nơi có dấu tích của cung điện ngày xưa, giờ
chỉ còn đá xưa hoang phế.
Những mỹ nhân trong vách đá là ai?
Khi phát hiện ra Sigiriya cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học càng
thêm bất ngờ khi tìm thấy các bức vẽ những phụ nữ xinh đẹp đã 15 thế kỷ tuổi
tác – những mỹ nhân Sigiriya.
Không còn nhiều các bức vẽ tương đối nguyên vẹn,
do nằm trơ trọi trên vách các hang đá ở xứ sở nhiệt đới ẩm gió mùa quanh năm
Sri Lanka.
Giả thuyết khác là chúng bị phá bởi một số tăng sĩ vì thật quá khó
để họ tập trung tu hành giữa rừng nhan sắc đó – vì sau khi vua Kassapa thất
trận, nơi đây trở thành tu viện, cho đến khi rơi vào hoang phế vào thế kỷ 14.
Nhưng lạ lùng thay, sau chừng ấy năm, các mỹ nhân ngực trần, thần
thái thanh cao, gương mặt xinh đẹp, đôi gò bồng đảo căng tròn như thách thức
trước thời gian. Tài hoa của người xưa thật đáng nể khi tạo nên những tác phẩm
tuyệt sắc này.
Cô gái châu Âu tóc vàng hoe, khi thấy bạn trai cứ mê mải chụp
hình, nói, “Bộ hồi đó người ta đã biết dùng silicon rồi hay sao?”, khiến tôi
muốn sặc cười khi đứng kế bên tình cờ lọt tai.
Đến bây giờ, vẫn chưa có câu trả
lời chính thức các mỹ nhân xinh đẹp này là ai?
Là những phi tần và cung nữ của
vua Kassapa? Là các phu nhân mệnh phụ trong vương triều? Là các tiên nữ, các nữ
thần Apsara?…
Gần đây lại có giả thuyết mới: Là các Phật mẫu Tara của Phật giáo
Mật tông?
Thêm nữa, các bạn hướng dẫn viên giờ lại “biến tấu” khi giới thiệu
nàng này đến từ Ấn Độ, nàng kia đến từ châu Âu, nàng đó đến từ Tây Tạng…
Làm du
khách càng thêm ngẩn ngơ, hết dán mắt vào nàng này, lại liếc vào nàng kia vì sợ
mình bỏ sót điều gì chăng…(!?)
Harry, bạn trẻ người Anh, phấn khích: “Chiều nay, về khách sạn
việc đầu tiên của tôi sẽ là chia sẻ những tấm hình tuyệt vời này đến mẹ tôi,
vẫn đang dõi theo chuyến đi của tôi từng ngày.
Tôi rất thích cách làm việc khoa
học, không cứng nhắc và hiểu tâm lý du khách ở đây!”
Trần Hoàng Bảo
No comments:
Post a Comment