Popular Posts

Saturday, July 13, 2013

HOA CHÙM GỞI


Subject: BÀI GỞI
Date: Tue, 2 Jul 2013 20:25:46 -0500

Bài gởi đến Diễn Đàn để tùy nghi.
Kính chúc toàn gia an vui
DTDB

 

HOA CHÙM GỞI

DTDB

          Cứ mỗi năm, Trung học của tôi tổ chức đại hội cựu học sinh trường ở mỗi tiểu bang khác nhau trên nước Mỹ. Tùy theo hoàn cảnh, thời tiết của nơi mở đại hội có khi vào mùa xuân, khi thì mùa hè hoặc mùa thu. Đã mười mấy lần đại hội, hai lần tổ chức ở Canada. Và nghe đâu năm 2010 sẽ tổ chức ở Melbourne (nước Úc).

            Trường Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điễm (Cần Thơ), có từ lớp Đệ thất cho đế lớp Đệ nhứt, trường hiện hữu trên cõi đời nầy đã trên 80 năm nên giáo sư nhiều, học trò đông lắm. Có những giáo sư học trò trường chưa học giờ nào chưa bao giờ biết mặt. Có những đồng môn không cùng lớp, có đồng môn không quen biết, có đồng môn học xong ra khỏi trường mà đồng môn đệ, muội mới 2, 3 tuổi… Nhưng trong những ngày về dự đại hội, không ai bảo ai, thầy cô và học sinh, đồng môn không kể năm học, tuổi tác, địa vị khi xưa… sống với nhau rất thân thiện, vui vẻ, đầy ấp tình đồng môn nghĩa thầy trò. Bởi đại đa số những người già hay nhớ xưa nầy, có nhiều ký ức đẹp và thường sống trong hồi tưởng thân thương. Nhứt là những kẻ lưu vong cùng chung cảnh ngộ làm thân chùm gởi xứ người.

Tâm tình của Lam Ngọc cũng na ná như bao nhiêu đồng môn khác khi về tham dự đại hội cựu học sinh của trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Mấy năm gần đây cô chỉ làm bán phần (ngày/8 giờ, và mỗi tuần chỉ có 3 ngày), chớ lúc còn làm việc toàn phần như xưa nữa. Cứ mỗi năm cô dành ngày phép đi dự đại hội của trường để được gặp lại thầy cô, đồng môn trong những ngày họp mặt nầy.

Xứ của người giàu lắm! Ở đây làm bao nhiêu cũng không đủ, cũng không giàu cho những người mới đến ở từ tuổi năm sáu bó trở lên. Ngoại trừ những kẻ đã sống lâu năm, buôn bán làm ăn trên đất nước nầy thì khá. Nhưng ở đời mà, mình nói đủ thì đủ để có giờ nghỉ ngơi sau những tháng năm dài “cày chăm” cho con cái học hành và vun hòa mức sống gia đình, theo kịp nếp sống trung bình của dân bản xứ.

Sáng nay, mặt trời còn khuất sau dãy đồi xa, lóe lên những tia nắng sáng màu sắc rực rỡ nhảy múa trên mái nhà, trên vách chập chờn in bóng những cây táo tàu, cây bạch lựu, cây cam mật, cây chanh… cùng những cây ăn trái khác trồng quanh nhà Yến Thu. Làn gió sáng còn động hơi sương thổi qua mát rười rượi khiến cho Lam Ngọc cảm thấy lòng thanh thảng, tươi vui và dễ chịu vô cùng.

Có lẽ ngủ nhà bạn lạ chỗ, và đã quen giờ giấc thức dậy để đi làm, vả lại giờ vùng Lam Ngọc ở đi trước California 2 giờ. Cho nên nàng ta đã thức giấc cả giờ trước. Nhưng nàng vẫn còn cuốn mình trong chiếc mền ấm áp, lười biếng và không nở ngồi dậy. Nhưng nàng nằm lăn qua lộn lại thêm một lúc thôi, rồi cũng tung chăn đi đánh răng rửa mặt.

Nhà của cô bạn Yến Thu sáng sủa, khang trang, được xây cất trên vuông đất không rộng lắm nhưng cũng không nhỏ xíu. Ở sân trước, Yến Thu cho biết có trồng cây thông, nay đã cao quá đầu người. Mà lần nào đó cô ta điện đàm tâm sự với Lam Ngọc rằng: “Các nhà dọc trên con đường dài mấy cây số vùng nhà mới xây, thấy giữa sân trước nhà nào có trồng cây thông thì đó là nhà của tao. Miệt Chicago tao ở trước kia có nhiều cây thông lắm, gần như trước sau nhà nào cũng có trồng thông. Còn đi qua những cánh rừng thưa thì khỏi nói, thông lớn, thông nhỏ, thông mẹ, thông con gì cũng có. Vào mùa Giáng Sinh, tuyết rơi giăng mắc trên cây thông đẹp vô cũng mầy ơi. Nơi tao ở hiện tại mùa đông không có tuyết, nhưng tao trồng cây thông đế kỷ niệm ngôi nhà mà gia đình tao đã sống suốt hai mươi mấy năm trường! Tao cũng đã khóc cả mấy tháng trời khi xa rời ngôi xa nhà cũ, và cho đến bây giờ đôi lúc nhớ đến, tao còn cảm thấy lòng rưng rưng ngầm ngùi! Dù là thân chùm gởi ở cái nơi có thời tiết lạnh lẻo khắc nghiệt vô cùng, nhưng ở lâu sanh tình mà mậy… Và nơi đó đã cho tao quá nhiều hồi ức!...”

Trước mặt tiền nhà ở hai bên hông giáp ranh với sân đất lối xóm, Yến Thu trồng nhiều loại hoa hồng màu sắc khác nhau. Nhờ sự chăm bón thường xuyên của chủ nhân nên buội hồng nào cũng sum sê, bông hồng nào cũng lớn, cánh hoa nào cũng dầy, và hoa hồng nào cũng có mùi thơm ngọt ngào. Lam Ngọc mỉm cười một mình, bởi cô vẫn nhớ từ còn tuổi học trò cô nàng Yến Thu nầy đã thích hoa hồng lắm, lắm!

Đứng trong nhà nhìn qua khun cửa sổ, thấy những cánh hồng lung linh trong nắng sớm. Lam Ngọc mỉm cười nhớ thuở ngày xưa của cô và hai đứa bạn thân. Tính đến nay cũng đã gần năm mươi năm qua rồi, mà cô vẫn nhớ rỏ như chuyện vừa xảy ra mấy ngày, mấy tuần trước đây thôi.

Tố Hương và Yến Thu học cùng ngành chuyên môn. Năm đó Tố Hương ra trường dạy ở Trung hoc bên tỉnh Kiến Hòa. Yến Thu dạy ở Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Cái thuở mà ông Lâm Văn Bé mới lên làm Hiệu trưởng. Lam Ngọc làm ở Trung tâm Y tế toàn khoa Mỹ Tho, bác sĩ Chu Hóa Bằng làm Giám đốc bệnh viện, và bác sĩ Võ Văn Cẩn quyền Trưởng Ty Y Tế.

Cuối tuần đầu tháng nọ, sau khi lãnh lương, Lam Ngọc và Tố Hương đi Sài Gòn mua sắm, dạo phố và “hít tu kinh” (nhìn hàng hóa trưng bày trong tủ kiến). Yến Thu không đi vì phải ở nhà dọn dẹp chỗ ở cho sạch sẽ... Bởi cô bảo “sẽ có khách đến thăm... “

Thế là hai nàng Lam Ngọc, Tố Hương thảnh thơi “tành tành” thế nào mà lúc trở về thiếu điều muốn trể xe. May mắn còn chuyến xe lô Minh Chánh cuối ngày chạy tuyến đường Sài Gòn và Mỹ Tho.

Đã biết mình cũng sắp trể xe về, mà khi ngồi vào chỗi thì nàng Tố Hương còn càm ràm:

-  Thiệt là tham lam! Bình thường mỗi băng ngồi năm người, nay nhét thêm một người nữa nên chật cứng, thở không muốn nổi.

Lam Ngọc cười :

-  Xe chuyến cuối mà mậy, phải thông cảm, hành khách có ai muốn ở đêm lại bến xe đò đâu! “Tàu thì bè, xe thì cộ” thôi ráng chịu khó một chút đi, về nhà tao rồi thì tha hồ, mấy nằm ngồi mặc sức.

Tố Hương mặt nhăn nhó, nhưng cũng phì cười:

-  Thôi đủ rồi, mầy chuyên môn nói chuyện huề vốn không hà!

Xe ra khỏi bến một lúc sau, Tố Hương bỗng thúc cùi chỏ vào hông Lam Ngọc, và cô đưa mắt hướng về người ngồi bên cạnh. Lam Ngọc liếc ngang, thấy có anh chàng thanh niên ngồi kế cô ả thiệt là tuấn tú, oai phong. Anh ta cao ráo, da ngâm vì xạm nắng, mặc áo ngắn tay xanh da trời, áo bỏ trong quần màu ca-cao, thắt lưng cùng màu quần, giầy đen bóng ngời. Cách ăn mặc đơn giản, nhưng anh ta có khí phách nam nhi lồ lộ trong đôi mắt sáng sủa tinh anh, nằm trên khuôn mặt chữ điền, với mũi thắng, mày dầy, càm vuông. Đặc biệt nhứt là tay chàng nâng niu ôm bó hồng nhung tươi rói, màu đỏ sẩm, lá xanh dờn. Thỉnh thoảng Lam Ngọc còn ngửi được mùi hoa hồng từ trên tay anh ta phản phất...

Mặc dù gió qua cửa số mạnh thổi, nhưng không hề hấn chi tới bó hồng, vì đã được bao bằng giấy kiếng trong suốt và khổ chủ giữ gìn cẩn thận trong đôi tay rắn chắc. Lam Ngọc còn đang ngắm nghía bó hồng, thì giật mình khi nghe nàng Tố Hương ta liền trổ tài:

-  Chào anh, anh về Mỹ Tho hả? Bó hồng đẹp quá! Theo tôi biết thì từ Sài Gòn trở vào, ít khi thấy được bó hồng tươi rói nguyên vẹn, không héo hon, không bầm dập thế nầy! Chắc bó hồng anh đang nâng niu xuất xứ từ Đà Lạt, nên hoa có màu đẹp quá?

Anh chàng ôm bông nở nụ cười tàn nhẫn trả lời:

-  Cảm ơn cô sáng nay tôi từ Đà Lạt về đây...

Con thày lay nầy lại tự nhiên giới thiệu:

-  Tôi là Tố Hương, còn bạn tôi đây là Lam Ngọc.

Anh ta lịch sự, chào lại:

-  Dạ chào cô Tố Hương, chào cô Lam Ngọc. Tôi tên Nghĩa Tuấn…

Thế rồi con chích chòe Tố Hương chuyện trò với hắn ta suốt quãng đường về. Còn Lam Ngọc thì nhìn hai bên đường xe chạy vùn vụt qua đồng ruộng bao la chập chờn trong thời điểm tranh tối tranh sáng giữa ngày và đêm. Phút chốc mặt trời khuất hẳn và ánh sáng tắt ngấm sau những rặng cây cao ở phương tây. Ruộng lúa cũng chìm trong bóng tối mênh mông. Gió mát rượi, hương đồng cỏ nội pha lẫn mùi khen khét của xăng dầu quyện bay.

Xe đến ngã ba Trung Lương thì tiệm quán, nhà cửa hai bên đường rực ánh đèn. Xa xa chùm nhum dưới gốc cột đèn có mấy gánh bán chè, bán chuối nướng, hột vịt lộn… Thỉnh thoảng xe dừng lại, cho hành khách xuống xóm ông Năm Nồi, bến đò Thạnh Trị, hoặc Bót Số Tám… trước khi chạy vào bến xe.

Cảnh nhộn nhịp, hàng quán bán buôn sầm quất vào sáng, trưa, chiều ở bên xe đò giờ đây đã thưa vắng, chỉ còn một vài quán hàng mở cửa, bên kia có sạp bán khô mực, khô cá đuối, mùi khô nướng hăn hắn tỏa bay trong gió. Đa số khách ngồi uống rượu là những bác xích lô, xe kéo, tài xế, lơ xe. Mấy ông nhấm khô và khề khà ly rượu đế cho ấm lòng vui vẻ với bạn bè, quên đi công việc bận rộn vất vả trước khi về nhà.

Hành khách xuống xe, Nghĩa Tuấn lịch sự đến chào hai cô. Trước khi đi, anh ta nhẹ giọng:

-  Cảm ơn, tôi thiệt may mắn gặp được hai cô, nói chuyện vui như rút ngắn được quảng đường về. Xin lỗi, tiếc là hoa hồng tôi mang từ Đà Lạt về để tặng cho người yêu, nếu không tôi sẽ tặng hai cô.

Anh ta đi rồi, Tố Hương cùng về nhà trọ của Lam Ngọc. Vừa đi Tố vừa trề môi, méo miệng... chửi rủa lầm bầm người khách chung chuyến xe chiều là Nghĩa Tuấn:

-  Đồ cái thằng cha mắc toi, mặt mày sáng láng mà ăn nói lãng sẹt hà! Thằng chả có nên khoe khoan đem hoa về tặng người yêu như vậy không? Ai thèm bông hồng của hắn, câm họng được rồi, ai có hỏi gì đâu mà hắn mở miệng cốc! Thiệt là vô duyên chết âm đức, sức bàn nạo…

Lam Ngọc cười ngất, đánh vào vai bạn:

-  Ồ, sao “lọa” thế, tao nghe hai đứa bây nói chuyện coi bộ tâm đắc lắm mà? Bỗng dưng giờ mấy lại trở quẻ nổi trận lôi đình, làm hảm hiếp cái lổ tai tao nghe mầy chửi bới đây nè! Thì anh ta thật tình đó mà, mầy để ý chi cho mệt! Ồ, mà tao chợt nghĩ ra rồi, chắc là mầy tức tối vì anh ta không tặng mầy đóa hồng chớ gì? Ê, như vậy là mầy đã dở chứng ganh tị? Tao đoán đúng tâm can tỳ vị của mầy rồi phải không?

Tố Hương nguýt Lam Ngọc, rồi ngoe nguẩy:

-  Xí, đúng con khỉ khô, còn khuya à bạn! Nếu tao có hữu tâm, vô tâm, đang tâm, sắt tâm, chì tâm, hắc tâm, huỳnh tâm, bạch tâm, lam tâm, lang tâm, hồng tâm… thì tao sẽ nghĩ đến bồ tao rồi. Mầy cũng biết ảnh đẹp trai và phong độ hơn hắn nhiều, cho nên sức mấy bổn cô nương gánh tị mậy!

Lam Ngọc liếc bạn cười cười, chọc quê:

-  Vậy sao? Trên cõi đời ô trọc này, con chuột cái luôn khen con chuột đực đẹp đó mầy à!

Thể là Lam Ngọc và Tố Hương quên đi mình đã là thiếu nữ ngoài đôi mươi. Hai cô rược đánh nhau và cười rổn rản om xòm ngoài đường phố.

Sáng hôm sau, nhỏ Yến Thu rủ đi ăn sáng lúc 8 giờ ở tiệm hủ tíu Mỹ Tho, trước khi Tố Hương về Bến Tre. Thường cuối tuần nào Tố Hương qua chơi với Lam Ngọc và Yến Thu thì hai cô đến ngủ nhà Yến Thu, và chiếu chủa nhật Tố Hương mới về lại nhiệm sở ở Bến Tre. Nhưng chủ nhựt đó Lam Ngọc phải vào nhận trực từ 12 giờ trưa. Nhà Yến Thu có khách, nên Tố Hương phải trở về Bến Tre sớm hơn mọi khi.

Vừa bước vào cửa tiệm, nàng Tố và nàng Lam còn đang đứng lớ ngớ, mắt nhìn qua ngó lại tìm kiếm bàn trống để ngồi, vì tiệm hủ tíu cuối tuần đông khách hàng.

Yên Thu đưa tay ngoắc, và gọi lớn:

-  Lam Ngọc, Tố Hương lại đây.

Thì ra ả ta đã đến trước rồi, có cả người yêu của ả đang ngồi quay lưng về phía hai nàng đi vào nữa.

Nồi đồng nồi đất, thiên la địa võng ơi! Thiệt trái đất to lớn quá chừng chừng mà vẫn còn nhỏ hẹp lắm bà con, làng nước ạ! Người yêu của Yến Thu không ai xa lạ! Đó là anh chàng Nghĩa Tuấn cùng chuyến xe cuối ngày chiều hôm qua với Lam Ngọc và Tố Hương!

Bốn người họ vừa ăn uống vừa nói chuyện vui vẻ với nhau. Lâu rồi, Tố Hương và Lam Ngọc thường nghe Yến Thu nhắc đến anh chàng Nghĩa Tuấn. Nhưng cả hai cô hôm nay mới diện kiến bồ của bạn mình. Hai cô biết Yến Thu và Nghĩa Tuấn được quen biết và và đi đến hôn nhân sau nầy là do gia đình hai bên giới thiệu.

Ăn xong ra về, Tố Hương ngồi trên chiếc Honda-Đam, sau lưng Lam Ngọc, để đưa cô ra bến bắc Rạch Miễu. Xe vừa rồ máy phóng tới, thì đầu Tố Hương tựa vào lưng bạn cười cúc cúc:

-  Thiệt là hút hồn, hú vía may mắn làm sao á! Phải hôm qua trên chuyến xe đò, cái miệng ăn mắm ăn muối của tao hay chọc ghẹo người ta như mọi lần, trổ mòi dê anh chàng Nghĩa Tuấn của Yến Thu, thì hôm nay tao có nước mà độn thổ! Thiệt tình, câu “Đi đêm coi chừng gặp ma” ngẫm nghĩ có phần đúng hả mầy?

Lam Ngọc mỉm cười một mình. Thời gian qua mau như thoi đưa, mới đó mà thắm thoát hơn bốn mươi năm rồi. Nay Lam Ngọc và Tố Hương ở tiểu bang khác, qua Nam California dự đại hội của trường trong hai ngày tiền đại hội và đại hôi. Hai cô không dự phần trong những chuyến thưởng lãm phong cảnh ở vài nơi do ban tổ chức trong những ngày hậu đại hội. Vì những nơi đó họ và Yến Thu đã thi thăm rồi. Hai cô cùng hẹn hò ghé thăm Yến Thu, ngủ đêm ở đó, để rồi sáng hôm sau nàng Yến sẽ đưa hai bạn ra phi trường ai về nhà nấy...

Nhà Yến Thu có 4 phòng ngủ. Vợ chồng và cậu con trai lớn ngoài ba mươi tuổi còn độc thân chiếm 3 phòng, còn phòng trống là phòng dành riêng cho khách đến thăm ở qua đêm. 

Phòng khách rộng, có bộ sô-pha nệm được bao nhung màu và nằm trên nền thảm nhà màu Natural Beige (màu bao giấy dầu lợt). Trong bốn chậu ở mỗi góc nhà, trồng cây tươi: Cây sống đời còn gọi là cây trường sanh, cây bạch diệp, cây đinh lăng, và cây vàng bạc. Các cây kiểng trồng trong nhà được cắt tỉa gọn đẹp, và lá của mỗi loại cây đều lộ màu rõ rệt.

Trên tường ở cửa trước bên phải có trồng mắc trên tường cao chậu dã lan lá xanh biêng biếc, mọc tua tủa tràn ra và thòng xuống khỏi chậu. Tường bên trái dài, rộng được treo bộ tranh sơn mày “Chợ Bến Thành” khổ lớn của Thành Lễ. Đối diện là bộ tranh “Ngư Tiều Canh Mục” cũng bằng sơn mày. Gần cửa là thác nước lộ thiên điêu khắc theo lối Tây phương, có ba vòi nước chảy xuống làm cái bánh di động theo kim quay của đồng hồ. Âm thanh tiếng nước chảy nhè nhẹ róc rách, êm tai. Cách bộ sô-pha hơn một thước tiếp theo là bộ bàn 6 ghế, và tủ kiếng trưng bày vài món cổ ngoạn và vài quà kỷ niệm 40 năm ngày cưới của gia chủ.

Sau bức tường chắn ngang bên dưới, bên trên là khung cửa sổ rộng ngăn phòng gia đình bằng tấm màn trúc dài vẽ nền trời xanh, cây lá, lác đác vài ngồi nhà lá nằm bên bờ sông có đò đưa khách, của vợ chồng anh bạn của chồng Yến Thu từ cố thổ gởi qua tặng.

Phòng gia đình có máy truyền hình. Bên trên lò sưởi Yến Thu thờ Phật, sát bên lò sưởi là cây tủ thờ cẩn xa cừ thờ ba má của Yến Thu và ba má chồng. Cùng hai tấm tranh lớn “Hạt trăng”, “Mã đáo thành công” thêu tay, mà vợ chồng Yến Thu du lịch Trung Quốc đã mua ở Tô Châu. Cạnh bàn thờ Phật là chậu dã lan, mắc trên tường trổ cành hoa màu hồng tím chen lẫn lánh xanh dài. Đối diện với tranh, là hai tấm bán ảnh của gia đình Yến Thu được phóng đại. Trong ảnh gồm có hai vợ chồng ba đứa con (1 gái, 2 trai), tấm ảnh kế bên có thêm chú rể và 2 đứa cháu ngoại (1 trai, 1 gái) mà vợ chồng Yến Thu chăm sóc những ngày ba mẹ chúng đi làm. Hai nụ hoa nhỏ nầy, đã làm cho vợ chồng Yến Thu không thấy thời gian nghỉ hưu nặng nề, chậm chạp, và chúng đã đem nguồn vui, nguồn hạnh phúc đến cho cặp vợ chồng hưu trí non nầy.

Bên kia là nhà bếp ngăn bởi đường đi nhỏ ra cửa sau và tấm vách lở cao tới ngực cẩn đá hoa cương. Quanh bếp và nơi rửa chén cẩn bằng gạch tráng men… Bàn, tủ, ghế bằng gỗ đánh vẹt-ni. Nhà Bếp và nơi rửa chén, tủ lạnh, lò nấu, đá hoa cương, gạch tráng men, tường trong nhà, tất cả, tất cả đều là màu Beige (na ná màu ngà của võ hột gà). Tường bên ngoài nhà cũng màu beige, nhưng sậm hơn. Chứng tỏ chủ nhân nhà nầy rất thích màu nhu nhã nầy.

Nói tóm lại, trong nhà Yến Thu trưng bày những đồ vật như bàn ghế, tranh, ảnh, hoa, kiểng… các loại chúng ta thường thấy ở đại đa số nhà của những gia đình Việt Nam có nếp sống trung bình. Đồ vật không phải là loại thượng hão hạng, mắc tiền của người giàu có. Nhưng cách trang hoàn, các màu sắc đi với nhau, sắp xếp gọn gàng, giữ gìn sạch sẽ nên trông mát mắt, và hết sức trang nhã.

Để không làm gây tiếng động đánh thức gia chủ chủ, Lam Ngọc cố tình nhẹ tay đẩy cánh cửa lưới ra hậu viện qua một bên, và lách mình bước ra sân. Làn gió còn đọng hơi sương ướm mát bộ quần áo dầy (Jim clooth) màu xám tro cô đang mặc. Bầu trời hôm nay quang đẳng, Lam Ngọc cảm thấy khoang khoái, cô vương đôi cánh tay lên cao, rồi hạ xuống, hít thở không khí trong lành đầy buồng phổi của buồi bình minh vùng ngoại ô Thủ phu California, có thời tiết ôn hòa hơn nhiều vùng trên nước Mỹ. Cô nhìn trời, nhìn mây, nhìn cỏ cây hoa lá trong sân rồi lơ đảng đi lại ngồi trên chiếc xích đu bằng lưới, đặt ở hiên nhà.

Những cây cối đâm chồi nẩy lộc, nở nụ bán khai. Cây đổ quyên nhú nụ ửng hồng, toàn cây nụ là nụ, không có một chiếc lá. Buội trâm ổi đơm lẫn lộn những cánh hoa vàng, tím, cam, đỏ… hương hoa ngào ngạt theo gió tỏa bay. Ở gốc vườn có buội chuối trổ lá non mềm óng mượt, những tàu lá đánh phầm phập khi gió lùa qua. Trước buội chuối là hồ bán nguyệt nuôi cá kiểng. Thác nước nhân tạo, tiếng nước rào rào đều đều thật êm tai chảy xuống hồ.

Bầu trời California hôm nay ánh nắng chan hòa, cao vòi vọi, gợn nhẹ những làn mây trắng mỏng. Trên không gian, những con chim trời bay qua lượng lại trong buổi bình minh hót líu lo chít chóe vui tai.  Nhìn cảnh vật nơi đây, Lam Ngọc thầm nghĩ: Con bạn Yến Thu của mình thiệt biết chọn chỗ để hưởng phước về già. Bỗng cô nghe thỉnh thoảng có tiếng lóc cóc như trái khô lăn long lốc trên mặt đường đá vọng vào từ bên ngoài vòng rào nhà. Lam Ngọc hướng mắt theo dõi bầy chim. Cô lấy làm lạ, sao chúng cứ đáp xuống lộ đá nhảy nhảy, mổ mổ rồi bay bổng lên trong tiếng hót vang vang? Và chúng cứ bay lên, đáp xuống con nầy rồi đến con kia… Những con chim nầy đã gây sự chú ý và tò mò cho cô. Thì ra lũ chim cặp dưới chưn trái khô tìm được như trái almond (hạnh nhân), pecan, trái walnut (hồ đào)… Những trái nầy có ruột nằm trong vỏ cứng, mỏ chim không thể nào tách ra để ăn được. Chúng phải cặp trái khô tìm được bay vút lên cao rồi buông xuống mặt đường đá, làm trái bể ra, chúng liền mỗ ăn cái ruột bên trong.

            Lam Ngọc chắc lưỡi mỉm cười loài chim nầy quả thật là khôn quá! Dù là loài vật, nhưng ở mỗi hoàn cảnh chúng cũng có cách riêng kiếm sống để mà sinh tồn. Loài quạ, diều, chim bắt cá ở vùng sông ngòi, biển khơi hay rừng núi nơi quê hương xa vời của cô cũng vậy. Từ trên cao hễ mỗi lần chúng xà xuống nước, rồi bay vút lên thì đôi chưn hay mỏ chúng đều có con cá lớn hay cá nhỏ...

Vợ chồng Lam Ngọc, Yến Thu, Tố Hương và đa số những người dân Việt Nam bôn đào khỏi nước để tị nạn Cộng sản, chẳng khác nào như hoa chùm gởi sống nương tựa ở xứ sở nầy. Tất cả mọi người chạy loạn đến đấy gần như chỉ hai bàn tay trắng. Họ đã phấn đấu lam lũ, chịu đựng, chịu khó làm việc nhọc nhằn, vật vả. Để rồi 5, 7 năm sau đó, cuộc sống được ổn định, họ có được nhà, có xe, con cái vào trường đi học đề huề. Đó là những người an phận thủ kỹ. Còn những người năng động ra bương chải bán buôn thì giàu có mấy hồi ở một nước tự do giàu nứt tiếng nhứt nhì trên thế giới nầy.

Vùng ngoại ô chỗ Yến Thu và gia đình tạm dung thiệt yên tịnh. Cả ngày không nghe tiếng trẻ con chạy giỡn ồn ào, la lối, chửi thề ngoài đường, cũng ít xe cộ hoặc chạy qua vùn vụt như ma bắt. Lam Ngọc nghĩ chắc là ở đây, cả đời cũng không nghe chửi lộn, hay to tiếng cãi cọ với hàng xóm láng diềng.

-  Mầy làm gì ngẩn ngơ hồn phách vậy Lam Ngọc? Mới rời nhà có mấy bữa mà nhớ chồng rồi hả?

Yến Thu hai tay bưng hai tách nước trà, hơi nóng bốc lên nghi ngút. Nàng đưa cho Lam Ngọc một tách, và ngồi xuống cạnh bạn. Đón lấy tách nước trà ấm, Lam Ngọc cười nói:

-  Mầy thiệt là tài giỏi nên đã chọn vùng nầy để dưỡng già. Nơi nầy không phải thế ngoại đào viên, cũng không phải khu của những nhà giàu sang phú hộ, nhưng nơi đây yên lành và dễ chịu lắm phải không? Vài năm nữa bọn tao nghỉ hưu, chắc cũng tìm một chỗ an ổn như vầy mà sống cho những ngày còn lại trước khi theo ông theo bà...

            Yến Thu cười nhẹ, bảo:

            -  Nghe mầy nói sao có vẻ chán đời quá vậy? Mấy đứa nhỏ mầy ngoan lắm, đợi các cháu ra trường làm việc ở đâu, thì vợ chồng mầy dời theo chúng để gia đình được gần gủi, hôm sớm có nhau. Mầy chỉ có ba đứa con thôi, thì lo gì? Vả lại xứ nầy là xứ của người ta, mình cũng như hoa chùm gởi ở đâu mà không được, ở đâu cũng tay làm hàm nhai? Nhưng ở gần con cái của mình thì vẫn tốt hơn. Thời tiết chỉ là nguyên nhân phụ đê dọn nhà đến ở thôi. Mấy đứa con mầy ngoan hiền như vậy chắc chắn bọn mầy sẽ được, và còn hơn xa tụi tao nữa. Ờ đợi con Tố Hương đến, tao chở tụi bây đi ăn điểm-sấm ở tiệm Tàu mới mở gần đây, bởi mấy đứa con tao đi ăn về khen quá.

            Lam Ngọc cười buồn:

-  Tao cũng mong được như mầy nói. Hôm Giáng Sinh vợ chồng tao đi thăm thắng con trai kế làm việc ở Arizonia. Chiều đó nó rủ thằng bạn thân hồi hai đứa còn học ở Trung học, Đại học, ra đi làm chung đến nhà ăn cơm. Thằng nhỏ thiệt là khôi ngô, cha mẹ nó là người Ấn Độ thuộc về Ấn trắng, nên da không đen. Tao có gặp ba má nó mầy lần, vì lúc đó họ ở cùng làng với tao. Gia đình họ rất đàn hoàn, sống nề nếp dạy dỗ hai đứa con trai nên người, thằng lớn đang là Giảng sư ở trường Đai học North Westorn, còn thằng nầy là Kỷ sư về điện thoại. Khi nói chuyện, tao hỏi má ba nó có ý định về vùng ấm nầy ở không? Nó bảo năm tới hưu trí non ông bà sẽ đời qua ở tiểu bang nầy. Tao cười hỏi nó là mầy có nhà và chưa lập gia đình, ba má mầy qua ở chung với mầy hả? Nó cười lắc đầu bảo: “Không, không, họ già rồi chỉ muốn ở riêng”. Tao biết đó là cái cớ để nó từ chối ông bà già nó thôi. Cho nên ở xứ nầy, nuôi con là trách nhiệm và bổn phận của mình… Đừng bao giờ có hy vọng gì ở nó cả!

Mới nói đến đó thì có tiếng chuông cửa đính đon, đính đon… Yến Thu vừa đi mở cửa vừa nói:

-  Chắc là nàng Tố của chúng ta tới rồi. 

            Cửa chưa mở, đã nghe tiếng y thị eo éo:

            -  Mở cửa, mở cửa… “Tố Hương-Tướng Hô” của tụi bây tới rồi đây hai con mệnh phụ già kia! Chèn ơi, chủ nhà vừa chăm sóc tốt, vừa mát tay nên bông hoa nở đẹp ơi là đẹp! Đẹp quá chừng đi thôi...

Lam Ngọc cũng rời chỗ, bước theo sau Yến Thu ra đón con bạn già!

Đã mấy năm rồi Tố Hương vẫn không gì thay đổi. Dáng dấp thấp, da trắng miệng hô duyên, có nghỉa là không hô chỉa ra ngoài! Tóc cắt ngắn tém ót gọn gàng. Cô mặc quần dài túm ống, cao quá mắt cá có màu cà-phê sữa, áo ngắn tay màu hồng phấn, mang giầy ba-ta nâu sậm. Trông cô ta thật tươi mát trẻ trung dưới nắng mai hồng.

Mắt sáng ngời, Tố Hương líu lo khen:

-  Trời ơi, nhà mầy đẹp quá xá cở thợ mộc Yến Thu, nhà mới có khác! Vùng nầy coi bộ yên tịnh quá! Ôi, cây hồng dòn trái say thấy mà phát ham… Ở đây mới trồng được, chớ vùng tao lạnh thấu trời, trái chưa ăn được thì bị lạnh rụng hết ráo rồi.

Chợt thấy Lam Ngọc, cô ta hét lớn

- Ơ kia con quỉ sứ! Hồi hôm đến giờ mầy đi đâu mất tiêu? Bạn bè qua gỏ cửa phòng rủ mầy đi phòng trà nghe nhạc. Ai biết uống rượu thì uống, ai biết nhảy đầm thì nhảy. Ê, mầy đến đây hồi nào sao không rủ tao đi với?

Lam Ngọc cười:

-  Tao trả phòng sau bữa tiệc đại hội. Nghe mầy nói sẽ đi thăm đứa cháu thì làm sao tao rủ rê mầy được. Và trong chương trình văn nghệ hào hứng của đại hội, coi bộ mầy mê mang tang tịch hát kara-ok. Cứ ôm riệt cái mê-cô-phone, rống họng hét rổn rản không biết có ai buồn mà nghe dùm mầy không? Chớ tao thì chịu thôi, cái lổ tai tao đã bị giọng hát rè rè, như máy đuội tôm chạy dưới nước sắp hết xăng của mầy hảm hiếp! Rủ mầy đi sớm, lại sợ làm mầy mất hứng rồi mai kia mốt nọ mầy đổ thừa tao phá đám mộng làm “ca sởi già” của mầy thì khổ lắm. Nên tao lặng lẻ âm thầm xách gói theo Yến Thu đến đây tối hôm qua. Sao, mầy đi hợp đêm có vui không?

Tố Hương cười ngất:

-  Tại mầy không biết thưởng thức. Tao hát hay hết chỗ chê chớ bộ! Cháu tao đến rước, nên không có đi chơi với họ. Bậy nà, tao hát cho vui chớ mê hồi nào? Ờ Yến Thu, chương trình hôm nay của chúng mình sao đây? Mầy là thổ địa ở đây, hai đứa tao để mầy toàn quyền quyết định đó.

Ba cô bạn vừa đi vào nhà vừa nói chuyện. Yến Thu nhỏ nhẹ:

-  Bọn mình đi ăn sáng, đi dạo chợ Phước Lộc Thọ và các chợ lân cận của người Việt tha hương cho tụi bây mãng nhãn.

Tố Hương cười hô hố, ngắt lời Yến Thu:

-  Sai rồi, của những “khúc ruột xa ngàn dậm” đó mầy à. Bọn bây còn nhớ tên nào đã nói câu nầy không?

Yến Thu nạt đùa:

-  Thôi mầy ơi, ai nói mặc họ mình đừng thèm nghe bọn tráo trở đó thì được rồi đừng làm mất thì giờ quý báu của chúng mình! Nè, tụi bây đừng tưởng bở ai cũng nghèo sát mồng tơi như chúng mình nghen. Người Việt Nam lưu vong ở đây trên thương trường họ rất thành công. Còn các ngành nghề khác cũng chẳng thua kém những ngoại nhân được vào Mỹ trước chúng ta. Dạo phố đẵ đời đến trưa, tao đưa tụi bây đi thăm ngôi chùa lớn của Đài Loan, xây trên ngọn đồi ở Los Angles. Nơi đây có quán ăn buffé, bọn mình ăn chay một bữa cho lòng bớt: sân, si, hỉ, nộ, ái, ố quá nhiều trong cuộc đời đầy hệ lụy nầy! Chiều trước khi trở về nhà, tao sẽ ghé qua tiệm bán trái cây mua một mớ về cho tụi bây rửa ruột. Sau đó tụi bây muốn ăn cơm chiều ở ngoài thì ghé tiệm ăn rồi về nhà.

Yến Thu quét đôi mắt phượng nhìn hai bạn, cười mỉm chi nói tiếp:

-  Đúng như con Tố Hương nói, tao là thổ địa ở đây, nên tao sẽ bao hết mọi thứ đi chơi ngày nay, tụi bây đừng có giành với tao nghe chưa! Phu quân tao biết điều lắm, từ hôm qua ổng đã cuốn gói qua nhà con gái để xem footbal với thắng rể, và ngủ đêm bên đó. Nhường nhà, và cho tao “free” để bọn mình tự do vì mấy thuở mới gặp lại nhau. Ổng có nhắn lời chào với hai đứa bây nữa...

Yến Thu dừng lại như thăm dò phản ứng của hai bạn, rồi bảo:

-  Ông xã tao còn dặn: “Bạn bè năm khi mười họa mới có dịp đến thăm, nên em phải cất kỹ cái tật cố hữu “kéo không ra, chặt không đứt, bức không rời phơi không khô, chụm không cháy… keo kiệt của em đi. Đừng làm anh mất mặt đó nghen....” Thằng con trai lớn tao nghe, nó cũng hùa với ba nó, bảo: “Thiệt, trên cõi đời ô trọc nầy không ai hiểu mẹ bằng ba…” Rồi cha con cười hô hố lên. Trước khi rời nhà đi làm, nó còn nói câu thòng với tao: “Mẹ cũng làm ơn đừng làm con trai mẹ mất mặt như ba nói nghen!” Cho nên tụi bây làm phước giúp tao toại ý của chồng và thằng con.

Tố Hương tru tréo:

-  Ông chồng “Ba gà mổ té thùng đinh của mầy” dám nói mầy keo kiết sao? Nhớ lúc xưa ổng từ Đà Lạt ôm bó hồng về cho mầy thì tao biết thằng chả là “ông già còi” rồi.

Yến Thu và Lam Ngọc không biết “ông già còi” của nó là có ý gì? Vì con nầy từ còn đi học cho đến bây giờ nó lúc nào cũng có sáng kiến, lắm chuyện… để chọc ghẹo, chọc quê thiên hạ, làm cho đối tượng khó mà đón trước được nó muốn dỡ trò gì? Biết ý hai đứa bạn đang nghĩ về câu nói vừa qua của mình, Tố Hương khoái chí cười ha hả:

-  Bởi tao thấy trong nhà mầy đâu đâu cũng sạch ngần, không có một hột bụi bám thì tao biết là mầy “đì” thằng chồng phải lau chùi quét dọn tối tăm mày mặt đến còm cỏi, còi cộc nên tao đặt cho “thẳng”cái tên “ông già còi” ấy mà!

Yến Thu cười ngất:

-  Đồ con quỉ, sao mầy biết hết trơn và nói tầm phải quá “vzậy”! Tụi bây cũng biết hồi còn ở quê nhà, ông chồng tao mỗi lần đi làm xa, thì trong va-li cá nhân của ổng tao đã chuẩn bị không thiếu món chi, như là: áo, quần, khăn, vớ cho đến lược chải tóc, kem, bàn chải đánh răng… Qua đây ổng tiến bộ trong nam nữ bình quyền nên đi đâu ổng tự lo, và ăn uống hàng ngày tao nấu sẳn ổng tự lấy đem theo và sở làm ăn. Ổng nói tao mút nhiều quá, hoặc món ổng không thích, không ăn bỏ sẽ mang tội. Và ổng tự động tình nguyện phụ vợ rữa chén, lau chùi nhà cửa… Chớ tao có bắt ổng làm bao giờ đâu? Dừng có đổ oan cho đứa ngây thơ vô số tội như tao nghen tụi bây!

Lam Ngọc cười lớn, nguýt Tố Hương:

-  Mầy là con chót chét vô duyên hết thuốc chửa! Anh Nghĩa Tuấn mà biết mầy nghĩ ảnh như vậy là ảnh sẽ cho mầy ăn muối cục chớ đừng nhắc nhở vợ đối tốt với mầy. Yến Thu à, khi về đây, mầy nghỉ làm việc, nên không có lãnh lương chình như xưa. Thôi thì lần nầy để tao với Tố Hương bao mầy.

            Tố Hương sáng mắt:

-  Ờ, như vậy đi, tao cũng cùng ý nghĩ với Lam Ngọc. Để mình tao thôi, chia chát với mầy làm chi cho mệt Lam Ngọc. Từ hồi mấy đứa con tao đi làm, bọn tao khấm khá hơn trước nhiều. Thôi đừng có giành giựt với tao nghe!

            -  Không được, không được! Tụi bây đừng khi tao không tiền! Tiền nhà tao khỏi trả nè, ông xã tao không làm mà được lãnh nguyên lương (penson) nè, tao giữ hai đứa cháu ngoại được trả tiền nè, bọn tao ăn uống thì có thằng con lớn lo nè… Nói thiệt cho hai đứa bây mừng dùm tao, từ lúc nghỉ hưu đến giờ đồng vô đồng ra của tao còn nhiều hơn lúc tao đi làm một ngày 12 giờ, muốn bỏ mạng sa trường để nuôi 3 đứa con học đại học. Vậy tụi bây đừng có giành với tao nữa, chừng nào tao đến nhà bây thì bây lo. Ờ, chúng mình quyết định như vậy đi nghen!

            Lam Ngọc và Tố Hương nhao nhao phản đối. Yến Thu gạt ngang:

-  Hai đứa bây im đi, ra xe lẹ lên kẻo không đủ giờ để đi chơi, còn ở đó giành giựt...

            Cả ba cô bạn già cười cười, nói nói cùng ra xe, Lam Ngọc bảo: 

-  Tụi bây sắp xếp công việc đến nhà tao chơi một chuyến, ở bao lâu cũng được…

            Tố Hương lên tiếng:

            -  Vợ chồng tao thì lúc nào cũng đi được. Bao giờ đám cưới con lớn mầy đây Lam Ngọc? Chừng đó bọn tao sẽ đến.

            -  Ai mà biết, bên nầy con cái đặt đâu mình ngồi đó. Chờ chúng cho hay đám cưới thì mình mới biết thôi. Muốn đến nhà tao, thì tụi bây gọi điện thoại báo tin, chớ đừng có chờ đám cưới. Lúc đám cưới con cái bọn tao bận rộn lắm, sẽ không có giờ riêng với bây đâu. Cho nên đến trước đám cưới là tốt nhứt. Còn Yến Thu sao làm thinh vậy mậy?

            Tố Hương hớt lời bạn:

            -  Con Yến Thu hả? Mầy khỏi hỏi, “ông già còi” và nó chừng nào cóc mọc râu mới đến nhà mầy…

            Xe chạy bon bon trên xa lộ, cả ba cô bạn già cười ngặt ngoẻo, cười chảy nước mắt.

Ngày xưa đó, Lam Ngọc vẫn nhớ cả ba cô bạn cùng lớp Đệ tam A. Lên năm Đệ nhị, Tố Hương chuyển sang Đệ nhị B, Yến Thu chuyển sang Đệ nhị C, Lam Ngọc vẫn ở Đệ nhị A. Cả ba cô học 3 bang khác nhau, nhưng không vì thế mà tình bạn họ lợt lạt. Ba cô thường hò hẹn gặp nhau ở những ngày cuối tuần, ngày lễ ở nhà đứa nầy hoặc nhà đứa kia.

Tố Hương cha Tàu lai, mẹ Việt có tiệm bán hủ tíu, mì ở đường Nguyễn An Ninh (Cần Thơ). Tướng tá nàng giống hệt các cô xẩm Hướng Cỏn. Ấy vậy ai mà nói cô giống người Tàu là cô sẽ ghét cay, ghét đắng đòi lấy tí huyết của đương sự. Tánh tình Tố Hương vui vẻ bộc trực thẳng thắng nhưng lại ít có bạn bè. Thỉnh thoảng cô rủ Lam Ngọc và Yến Thu ghé tiệm, chính tay cô đi nấu mỗi đứa tô mì, hay hủ tíu đãi bạn. Mì hay hủ tíu luôn ít, mà thịt thì nhiều nên ăn đã đời. Ăn xong còn uống cà-phê sữa đá tráng miệng nữa.

Học xong tú tài 2, cả ba cô rời trường mỗi người tìm cho tìm một cái nghề thích hợp. Yến Thu và Tố Hương thi đậu vào Đại học Sư phạm Sài Gòn. Còn Lam Ngọc thi vào trường Sư phạm bị trợt vỏ chuối, sau đó cô đậu vào trường Y tá.

Lam Ngọc sanh ra trong gia đình 4 anh em. Cô có 1 chị, 2 anh. Cha cô đi dạy học, sau về làm Thanh tra Tiểu học, mẹ nội trợ. Đời sống gia đình cô không giàu có, nhưng êm đềm, hạnh phúc trong vùng đất cây ngọt trái lành Cần Thơ miền Nam nước Việt. Sau ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, mãi cho đến năm 1979 cô mới cùng chồng và mấy đứa con bôn đào đến Mỹ sống ở Texas cho đến nay.

Yến Thu là cháu nội ông Cả Cường có 6, 7 trăm mẩu ruộng, cả trăm mẩu vườn trồng cây ăn trái và hai nhà máy xây lúa. Mỗi lần nàng Lam và nàng Tố qua nhà cô ở Cái Vồn (thuộc quận Bình Minh, bên kia bắc Cần Thơ) thì ăn trái cây mệt nghỉ, và chiều còn chở về cả giỏ nữa. Ông cố nội của Yến Thu làm Đốc Phủ Xứ, cha cô du học ở Pháp về ông không ham cảnh phồn hoa đô hội ra làm việc ở bên ngoài. Ông quyến luyến với bờ tre, thửa ruộng, cảnh sống êm đềm yên ổn với cây cỏ, con cá lá rau nên chăm lo làm tốt thêm di sản của ông cha để lại. Năm 45 tuổi, thì ông ăn chay trường và làm nhiều việc từ thiện.

Yến Thu vóc người mảnh khảnh, cao ráo, ăn nói dịu dàng. Có lẽ được thừa hưởng tánh tình của cha nên cô rất bình dân thương người ăn kẻ ở, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, dù cô xuất thân từ gia đình thế gia, giàu có nhứt vùng. Anh Nghĩa Tuấn, chồng cô là dược sĩ, ông ngoại anh ở cùng làng với ông nội cô và là bạn vong niên. Anh em bên chồng cô theo ngành y nên họ có hai tiệm thuốc Tây ở quận Bình Minh, một tiệm ở chợ tỉnh Vĩnh Long, một tiệm ở chợ tỉnh Rạch Giá.

Mấy ngày cận 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn nghẹt mùi súng đạn, gia đình Yến Thu theo nhà chồng di tản sang Mỹ ở Chicago, sau đó dời về Bắc California cho đến nay.

Lam Ngọc vẫn không làm sao quên được, năm nọ vào những ngày nghỉ để ăn Tết Nguyên Đán Yến Thu rủ hai bạn qua nhà chơi. Hôm đó là ngày tá điền, thợ thầy tát đìa, giỡ chà bắt cá để ăn Tết. Cá bắt được rộng mấy khạp da bò lớn, nào cá lóc, cá trê, cá thác lác, cá rô mề, cá sặc, tôm càng, rùa, cua đinh…

Khi nước lớn đầy sông, ba Má của Yến Thu phát lương, cho lì xì, tặng rượu trà, bánh mứt và chia cá tôm ra cho tá điền mỗi người mỗi phần để họ về ăn Tết với gia đình. Chiều đến má của Yến Thu bảo dì Ba Sồi làm mấy món ăn đồng nội đãi hai cô bạn học của con gái mình mà bà thương mến như con gái của bà. Yến Thu là cành vàng lá ngọc của gia đình, vì cô là con độc nhứt, thiệt là “Đặng hào của, không đặng hào con” đúng y chan như lời ông bà ta thường nói.

Những ngày cận Tết mà, người ăn kẻ ở, và tá điền giúp việc bận rộn trong mùa lúa những cũng đều về nhà ăn Tết. Chỉ có dì Ba Sồi ở lại, bởi dì không có nơi nào để mà về. Dì Ba năm nay ngoài bốn mươi tuổi, người trông ốm yếu, nhưng rất khỏe mạnh, dì làm việc bếp nút lanh tay, gọn gàng, và sạch sẽ. Có lần Yến Thu kể là chồng con dì bị tại nạn chìm xuồng chết hết, chỉ còn dì sống sót. Dòng họ nói dì xuôi xẻo, nên không ai muốn chứa chấp. Gặp lúc nhà Yến Thu đơn chiếc, má cô cho dì vào làm tạm mười bữa nửa tháng coi dì có làm được việc không. Sau đó thấy dì siêng năng nên bà mướn dì và cho ăn ở trong nhà luôn cũng đã sáu, bảy năm rồi.

Trên mâm cơm chiều nay có cái tô trẹt lớn nước màu hổ phách trong ngần, thấy hai con cá sặc lò tho nằm lồ lộ, trên mặt nước kho những hột trứng trong bụng cá bị bể nổi lên màu trắng đụt, lẫn lộn trong hành và ngò rí xắt nhuyễn xanh ngư ngọc, cùng loang loáng những chùm sao mỡ, và mấy lát ớt sừng trâu chín đỏ. Từ dưới bếp dì Ba bưng lên dĩa có mấy trái me sống cháy nám rửa sạch, nhưng vẫn còn hơi nghi ngút bốc lên. Lam Ngọc đang lấy đũa xếp vào chỗ cho ba đứa, cô lấy làm lạ vì trên mâm cơm đã có quá đầy đủ, nào là đậu móng chim xào tôm và thịt ba chỉ, gà kho sả ớt, dĩa dưa leo xắt mỏng, đọt bí nấu canh cá rô. Dì Ba còn đem me nướng nầy lên để làm gì? Yến Thu bới cơm ra chén cho ba đứa, nét mặt vẫn điềm nhiên. Tố Hương mắt sáng rỡ ngồi chờ ăn, lanh miệng hỏi:

-  Đồ ăn ê hề, còn đem me lên để làm gì vậy dì Ba?

            Dì Sồi cười hiền không trả lời. Dì dùng đũa gắp me để vào tô cá sặc rồi dung muỗng dầm me ra, trái me mềm, nhiều bột trắng và nước loang ra. Yến Thu cười dùng đũa đưa cá qua lại cho bột me hòa đều trong nước kho. Cô nói:

            -  Mầy chưa biết món nầy sao Tố Hương?

            Hai cô bạn trả lời cùng lúc:

            -  Chưa, tao chưa biết. Tao cũng chưa biết.

            Yến Thu nhẹ giọng:

            -  Có gì đâu, như bây thấy đó, cá kho lạt nêm nếm vừa ăn. Me dốt (có nhiều bột không sống, không chín khô) đem nướng chín rồi dầm vào nước cá. Chỉ đơn giản vậy thôi, và tên gọi của nó là cá sặc lò tho dầm me. Tụi bây ăn thử đi, xem có gì khác lạ không?

            Lam Ngọc và Tố Hương chẳng khách sáo. Một cô lấy đũa gắp cá, cô kia dùng muỗng nếm thử. Tố Hương chắc lưỡi hít hà:

            -  Thật tuyệt, thật tuyệt. Nước kho chua chua thơm mùi me nướng, cá tươi ngọt thịt, trứng cá béo, thêm ngò, hành, tiêu, ớt… nồng đượm tỏa bay. Tao ăn chắt hết nồi hết ơ quá tụi bây.

            Lam Ngọc vừa và cơm vừa nói:

            -  Tao có ăn cá sặc kho mẵng vắt chanh chớ chưa ăn dầm me nướng. Thật mùi vị có khác biệt và ngon hơn nhiều.

Ba cô gái vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Bỗng cũng nàng Tố Hương háo ăn, có lỗ mũi thín nhứt bọn nhìn xuống bếp, cô hít hít mũi, rồi cười bảo:

-  Nồi ơi, còn món gì mà thơm lừng muốn bưng cái lỗ mũi của tao vậy Yến Thu?

            Lam Ngọc xen vào:

            -  Tao nghĩ chắc là thịt nướng.

            Yến Thu đứng lên:

-  Tụi bây ăn tự nhiên nghen, để tao xuống coi dì Ba còn món gì mà giấu tụi mình nữa không đây.

Yến Thu vừa quay lưng, thì hai cô bạn cũng buông đũa phóng theo. Nằm đầy vỹ sắt trên lò lửa than hồng của loại cây trâm bầu. Mấy con chuột nướng vàng nghính, mỡ chảy ra rơi xuống tro than nghe xèo xèo rồi bốc lên mùi thơm phưng phức hấp dẫn theo chiều gió tỏa bay.

Yến Thu quay sang bạn:

-  Món nầy ngon lắm tụi bây ơi, hai đứa có muốn ăn không? Tao hỏi vậy vì tụi bây là tiểu thơ đài các ở thị thành nên sợ “ông thử”, không dám ăn thịt! Còn tao thì dân ruộng, giống gì cũng ăn, nhứt là món thử ruộng nầy tao ưa lắm. Dì Ba nướng rồi, cho xin mấy con nghen.

            Thấy hai cô bạn nhìn mình ngạc nhiên. Yến Thu nói cười vui, nói:

-  Thử là chuột đó! Chuột đồng ăn lúa, hay chuột dừa ăn dừa. Họ bắt đem về trụng nước sôi, lột da móc bỏ hết cả ruột gan bên trong, rồi đem ướp với ngũ vị hương hòa rượu đế chừng một giờ. Trước khi nướng dồn trong ruột chuột cho chặt mấy thứ trộn chung: hành lá cắt khúc, tiêu hột, tỏi, lá gừng non xắt nhuyễn, đường, muối. Món thịt chuột nầy vùng tao ở gọi là “chuột bí bọng”. Tụi bây đừng hỏi tao tại sao nghen! Tao cũng không biết sao mà người ta gọi là “chuột bí bọng”.

Dì Ba bưng lên dĩa “chuột bí bọng” bốc hơi thơm lừng. Yến Thu chợp môt con để vào chén mình rồi xé đuồi ăn ngay. Tố Hương bắt chước bạn xé miếng thịt để vào miệng chậm chạp nhai nhai. Bỗng cô gật đầu lia lịa, rồi hít hà: Ồ, ngon thiệt, ngon thiệt. Cô ta nhai ngấu nhai nghiến mỡ tươm ra cả hai bên mép miệng.

Lam Ngọc từ nhỏ đến giờ chưa ăn chuột. Nhà cô ở thành phố, thấy chuột dưới đường cống là cô sợ muốn chết rồi thì làm sao ăn cho vô? Nhưng nhìn hai con bạn ăn ngon lành quá, cô cũng muốn thử coi món nầy thế nào? Lam Ngọc xé một miếng thịt chuột, để vào miệng nhai nhỏ nhẻ. Quả thật món “chuột bí bọng” ngon lắm: thịt mềm, thơm, và béo như ăn thịt heo. Những gia súc làm món ăn thường ngày, Lam Ngọc thấy thịt heo, gà, bò, vịt… chưa món thịt nào ngon bằng món “chuột bí bọng”.

Ba bà xồn xồn đi dạo phố thăm phong cảnh các nơi lân cận gần vùng Yến Thu ở thiệt mệt đừ. Chiều về, ba cô còn ghé qua tiệm trái cây để mua các loại trái cây tươi.

Trong tiệm bước ra, mỗi cô xách một, hay hai túi trái cây nặng chình chịt. Bỗng Lam Ngọc lên tiếng than trước:

            -  Yến Thu ơi, mấy ngày nay ăn tiệm bây giờ ngửi mùi dầu mỡ là tao ớn óc rồi. Tao chỉ muốn ăn món ăn nhẹ ở nhà nấu thôi, chớ món ăn của Tàu, Thái Lan, hủ tíu, phở… bên ngoài xin cho tao hai chữ bình an đi!

            Tố Hương cũng đồng tình:

-  Tao cũng vậy, chiều nay mà tụi bây chở tao vào nhà hàng ăn nữa là tao bịnh đó. Vậy mua gì về nấu ăn đi bây. Hay để tao nấu mì cho.

            Lam Ngọc nhăn mặc:

-  Thôi tội nghiệp tao lắm Tố Hương. Làm món gì thường ăn với cơm trắng đi. Như nấu canh cải, cá kho hay tép rang, thịt gà kho sã ớt, hay canh chua được rồi, cũng đừng có rang cơm dương châu hay tô châu gì hết nghen.

            Tố Hương lại lên tiếng:

-  Hay tụi bây muốn ăn bún?

Lam Ngọc nghi là con bạn nầy sắp giở trò gì đây, nhưng cũng hỏi:

-  Mầy định nấu bún gì?

            Tố Hương mắt sáng ngời, kể:

-  Bún là món dễ ăn nhứt, ăn không ngán nữa. Tao biết nhiều thứ bún lắm, sẽ cho tụi bây ăn ngợp thở luôn. Hãy nghe tao kể đây: Bún bò xào, bún tôm xào, bún nước lèo, bún bò Huế, bún than, bún mộc, bún cá, bún ca-ri, bún thịt heo xào, bún bò kho, bún giò heo hầm, bún chả, bún mắm, bún thịt nướng, bún tôm nướng, bún chả giò, bún bì, bún nem, bún rêu, bún ốc, bún măn, bún tôm xào… 

            Yến Thu xen vào, khen:

            -  Tao nhớ ngày xưa mầy đâu biết nấu ăn. Mèn ơi sao bây giờ mầy giỏi quá vậy Tố Hương?

            Lam Ngọc liếc xéo Tố Hương:

-  Đói rồi đầu gối cũng bò, không biết cũng phải học để nấu mà ăn chớ. Mầy biết nấu bún chỉ có bao nhiêu đó sao? Tao còn nghe người ta nấu bún đá, búng thoi, bún đạp, bún đập, bún đánh… nữa mà.

            Yến Thu mở to mắt ngạc nhiên:

-  Ụa, bộ có loại bún đó nữa hả? Tao chưa nghe qua.

            Lam Ngọc cười ngất:

-  Bún đó tao mới đặt ấy mà! Vậy chiều nay mầy nấu bún gì đây Tố Hương?

Tố Hương che mặt cười hí hí:

-  Tao biết nấu bún gì đâu? Cứ ghé qua tiệm người ta nấu sẳn bán, mua về mà ăn...

Cả ba cô bạn nói cười ha hả như chung quanh không có ai. Họ đang ở trước cửa các cửa tiệm đông khách của người Việt. Tay mỗi cô ngoài những túi trái cây còn ly nước mía vun bọt trắng nữa. Bỗng Yến Thu lên tiếng:

-  Thôi được rồi, hôm nay để tao đãi bây ăn món bình dân do tao làm, tao nấu. Tao nghĩ hai đứa bây sẽ khoái khẩu.

            - Vậy sao, món gì vậy?

            -  Bí mật, chưa tiết lộ được, lên mâm ăn tụi bây sẽ biết ngay.

Ba cô về đến nhà đã 6 giờ chiều, thấy hai cô bạn có vẻ thấm mệt, vì thiếu ngủ và đi đây, đi đó mấy hôm rày. Yến Thu bảo:

-  Tụi bây đi tắm rửa đi cho khỏe, rồi nằm nghỉ lưng một chút. Hay xem phim bộ, có mấy bộ phim của Đại Hàn, phim Tàu xem được lắm. Hoặc tụi bây thu xếp mọi thứ để mai còn về sớm. Tao sẽ một mình nấu, hai đứa bây khỏi phụ để khỏi vướn tay, vướn chưn tao. Vì món ăn chiều nay không phải khô lân, chả phụng hay bào ngư, vi cá, ổ yến chi đó mà cần người phụ. Món nầy nấu sẽ không lâu đâu, yên chí đi chừng nào ăn được tao sẽ gọi tụi bây.

Chỉ nghe đến đó, Tố Hương cười tươi, chạy tọt vào phòng lấy áo quần đi vô nhà tắm. Con nhỏ còn hí cửa nói vọng ra:

-  Cảm ơn mầy nghe Yến Thu, mầy thiệt là biết điệu, tao không khách sáo đâu và sẽ làm theo ý mầy ngay. Cần giúp gì đừng gọi tao, cứ gọi con Lam Ngọc, nó nấu ăn ngon “số dzách” đó mầy ơi.

Lam Ngọc vào nhà tắm trong buồng của Yến Thu tắm. Làn nước chảy lên da thịt mát rượi, làm cô cảm thấy dễ chịu vô cùng. Tắm xong ra đến phòng thì cô nghe tiếng ngái pho pho của nàng Tố Hương. Lam Ngọc thu dọn những chiếc áo thun mua hồi sáng đem về cho chồng con. Ở đây bán rẻ hơn vùng nàng ở một chút thôi, nhưng đi xa về có quà cũng vui.

Ngoài nhà kho, Yến Thu đang lúi húi làm bếp. Khi về đây nàng và chồng xin phép làng cất cái nhà kho ngoài sân sau. Nàng mua cái lò có chưn cao có 3 bếp nấu bằng ga. Để khi kho cá, chiên chả giò, thịt cá kho trứng… Chớ mùa đông mà nấu trong nhà mùi thức ăn bay tỏa bám vào màn, vào tường mấy tháng trời cũng chưa hết.

Nhà kho cất rời nhà ở, khoảng trống có mái lợp, để ra nấu nướng gặp trời mưa không bị ướt. Yến Thu nổi lửa hai bếp, một bếp lửa riu riu hầm xương gà lấy nước ngọt để nấu đủ 3 tô canh nhỏ. Bếp kia, đặt trong xửng bằng nhôm con cá khô đã cắt khúc, rửa sạch cát đất từ trong bụng ra tới ngoài, cô đem chưng cách thủy. Chưng khô chín Yến Thu gở bỏ xương lấy thịt, lấy cả nước chưng cá tươm ra xửng nhôm. Cô đem trộn cá khô và nước khô với thịt heo ba rọi bằm cả da (không bằm nhuyễn), gừng xắt nhuyễn, ớt hiểm xắt nhỏ, hột vịt, đường, bóp và trộn cho đều. Trút vào xửng nhôm trở lại, đem chưng cách thủy.

Lam Ngọc bới xong ba chén cơm gạo nàng hương trắng muột, bốc khói thơm lừng. Hai cô Tố Hương và Yến Thu từ nhà ngoài bưng vào một cái tô nhôm hơi trẹt như cái tượng sành lớn, có chưn (loại nhôm không sét, không ra ten). Trên mặt ô còn nghi ngút khói ánh màu vàng của tròng đỏ trứng, màu gừng tái xám xắt chỉ, màu ớt sừn trẩu chín đỏ xắt khoanh

Yến Hương miệng cười chúm chím, mắt sáng ngời, giới thiệu:

-  Hôm nay tao đãi hai cô bạn quý món ăn nhà nghèo, xuất xứ từ các vùng ven biển, hồ, sông, rạch nhứt là những người chài lưới truyền từ xứ nầy qua xứ khác: Đây là món “kim ngư thuỷ lộ” tao đặt tên, mà người Tàu còn gọi là cá hầm vỹ, và người Việt gọi là cá mặng chưng, còn các nước khác thì tao không biết có tên gì?

 Ba cô ngồi vào bàn, trước mặt họ là món “kim ngư thủy lộ”, đặt nằm bên một mâm lớn, sắp vòng tròn các rau cải mỗi thứ để một khúm: Dưa leo giọt sọc xắt mỏng màu trắng đục, chuối chát xắt mỏng màu ngà, củ radish (củ cải tròn bằng ngón chưn, màu tím ăn có vị nồng như củ cải trắng) trong trắng ngoài tím, trái táo chua thay khế xắt mỏng ruột trắng vỏ xanh, khổ qua non xắt miếng xéo như để xào màu ngọc thạch, đậu bắp cắt khúc luộc màu hồ thủy, ớt hiểm đỏ, gừng xắt mỏng màu ngà vàng, ở giữa thì lá củ radish cắt khúc trụng nước sôi màu xanh ve chai, dưa cải vàng nghệ.

Một dĩa có rau, có cải, có trái, có củ, có lá… mỗi thứ một màu sắc, hết sức đặc biệt ít khi thấy. Món cá mặng chưng là món bình thường không sang, không quý ăn kèm với rau, cải, củ, trái, lá… được bày trong dĩa mỗi thứ một vẻ, một màu sắc, một hương vị khác nhau, vừa trông rất đẹp mắt, vừa ăn bắt miệng vô cùng! Ba cô ăn mê mang tàn tịch gần hết nồi cơm hơn bốn lon gạo.

Còn có ba tô canh âm ấm, nước trong leo lẻo, màu xanh bốc hơi thơm nồng nàn. Nằm dưới đáy tô, lác đác đọt vài lá non của rau húng nhủi. Có người còn gọi là rau húng lủi, rau mặt rổ… Đây là món “thanh vân lộng hoàng hà”. Bỗng Lam Ngọc bảo với bạn:

-  Mầy là người Nam Kỳ quốc, lại ở miền Tây mà không ăn các loại mắm mới là điều lạ, tại sao vậy?

Tố Hương lý lắc:

-  Đúng rồi, mấy chục năm qua tao cũng thắc mắc, nhưng vẫn chưa hỏi mầy tại sao? Bộ gia đình mầy không ai ăn mắm hả Yến Thu, chắc mầy chê mùi của nó chớ gì? Tao thấy cá mặn chưng nặng mùi hơn mắm nhiều.

Yến Thu, cười cười:

-  Mắm là món quốc hồn quốc túy mà, món ruột của ba má tao đó. Tao cũng nghĩ như mầy, loại cá mặn nào càng ngon thì mùi của nó càng nồng đậm hơn. Tao cũng không biết tại sao mình không ăn được mắm. Nhưng cũng vì lẽ đó mà tội nghiệp má tao, bà tìm món na ná giống nấu cho tao ăn.

            Lam Ngọc lại lên tiếng:

            -  Sao mầy lại nấu canh rau húng nhủi ngộ quá! Rau nầy chỉ ăn sống cùng với các loại rau khác như là: húng cây, rau răm, lá quế, dấp cá… để ăn gỏi cuốn, bì cuốn, bánh xèo… Ai bày nầy đem nấu canh rau húng nhủi thơm ngon quá trời vậy? Đây là lần đầu tiên trong đời tao mới được ăn đó nghen Yến Thu.

            -  Tao cũng vậy, nấu dễ ợt chớ có khó khăn gì đâu, sao mình không biết, không nghĩ ra nhỉ? Và còn đặt cho nó cái tên hay ho nữa. Con nầy thiệt là có nhiều sáng kiến.

Yến Thu cười hí hí:  

-  Năm ngoái kỳ xưa, hồi chân ướt chân ráo đến xứ nầy. Một hôm vào cuối mùa xuân, bà bảo trợ người Mỹ, mời gia đình tao đến chơi nhà. Trong phần nước trà đãi khách của bà, khi uống nước, tao cảm nhận được đó là mùi của lá rau húng nhủi bà để thêm trong nước trà. Vùng tao ở cây ăn trái rất khó trồng, bởi trái chưa ăn được thì mùa thu mùa đông tới rụng hết ráo, trừ trái apple. Sau hè nhà, tao có trồng rau húng cây, húng nhủi, hẹ, các loại đó dễ trồng và mọc nhanh hơn cỏ, cây tốt lá to, dầy tươi hơn hớn, rậm như đám rừng. Đôi khi ông xã tao phải lấy máy cắt cỏ cắt bớt đi để bùm xùm sợ cảnh sát quở. Một hôm, ổng nói muốn ăn canh ở buổi cơm chiều. Trong nhà không có rau cải gì để nấu, tao lại làm biếng đi chợ. Bỗng dưng tao nhớ rau húng nhủi làm trà uống được, thì nấu canh ăn chắc cũng được. Chàng của tao ăn canh rau húng nhủi nấu với thịt bằm, khen quá chừng.

Nói đến đó, Yến Thu thuận tay đẫy dĩa nhãn Hawaii mời hai bạn thử. Trước mặt họ là những dĩa trái cây lớn xuất xứ từ miền Á Châu như là măng cụt, mãn cầu dai, bòn bon, chôm chôm… Yến Thu cười nói tiếp:

-  Tao nấu xương gà, với gừng đập dập dập với rau húng nhủi. Sau đó chắt lấy nước trong, nấu sôi lên để thêm tôm quết, hay thịt heo bằm nêm nếm cho vừa ăn.  Để sẵn những đọt và lá non rau húng nhủi trong tô, canh đang sôi mút để vào, chỉ đơn giản vậy thôi. Món canh rau húng nhủi nầy có vị thuốc. Ăn và uống vào giải nhiệt cho cơ thể, thơm miệng, ngọt ở cổ và ngủ ngon. Tao thật sự không biết trước kia có ai đã nấu món canh nầy chưa? Nhưng từ đó trở đi, trong gia phả làm bếp của tao có thêm món canh “thanh vân lộng Hoàng Hà”.

            Nói đến đây Yến Thu cười bẽn lẽn, trông rất dễ thương:

-  Tụi bây cũng biết mà, lúc đi học ở nhà thì má tao nấu, ở trọ chủ nhà nấu, đi làm và khi chồng ở xa thì tao ăn cơm tháng, khi có con thì bà vú nấu. Như vậy tao có biết nấu nướng gì đâu! Nghĩ lại, tao thấy tội nghiệp ông xã và lũ con tao, vì vợ và mẹ chúng là người nấu ăn tệ nhứt trên thế gian nầy! Đến khi làm thân chùm gởi xứ người, tao mới bắt chước, học hỏi để nấu cho chồng con ăn, chớ nhà tao không ai hảo món ăn bảng xứ cả. Nhưng thú thiệt với tụi bây, cho đến bây giờ tao vẫn là đứa vụn về nấu ăn, chỉ chặt khúc nấu nhầu, chặt to kho mặng thôi.

            Tố Hương cười ha hả:

-  Còn dưa cải nữa, ăn giòn và vừa không quá mặn như dưa cải của Tàu bán ngoài chợ. Không thấy trôi lền bền trong bọt bèo và ướp nhiều hóa chất như dưa cải từ nước Việt Nam. Bây giờ mầy mầy là số một trong ba đứa mình rồi đó.

Yến Thu mắt sáng ngời khoái chí, vì được hai con bạn già khen:

-  Nầy nầy, tụi bây ăn cải dưa của Tàu, tuy giòn nhưng mặn muốn đớ lưỡi, và có mùi khai khái thúi, đúng không? Tứ Xuyên của Tàu nổi tiếng làm các món dưa ngon. Tụi bây có dịp qua vùng làm các loại dưa đó, thì cả đời còn lại bây không dám ăn! Vì mùi thúi của nó bay xa hàng mấy cây số. Còn dưa cải Việt Nam hả? Trên internet cho thấy họ đổ đóng trong thùng chứa rác ở các trại sau các nhà bếp của Mỹ ngày xưa. Dòi bơi lội lền như bánh canh, ruồi lằn bay kêu vo ve hơn nhạc hòa tấu … Trời ơi, như vậy làm sao để vào miệng mà nuốt cho trôi được bây!

Lam Ngọc lên tiếng:

-  Vậy dưa cải vừa ăn mầy đặt người ta làm hả?

-  Không, tao tự làm lấy! Làm dễ ợt hà, vừa rẻ, vừa sạch sẽ. Cải tùi sại mua về rửa sạch, cắt vừa miếng ăn để cách đêm hoặc phơi nắng cho heo héo. Nấu nồi nước sôi thả cải vào trụng, dùng đũa sơ đều rổi trút ra rổ để nguội. Pha giấm, đường (nếu muốn), muối, chút hàn the, nước lạnh, quậy đều lấy tay chấm nếm thử xem vừa miệng chưa. Thêm chút màu vàng, để cải vào đậy nắp lại, 3 ngày sau đổ hết ra rổ cho ráo nước rồi để vào bao ni long ăn dài dài 3, 4 tháng không hư. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Sáng ngày hai cô bạn về, Yến Thu còn làm món bánh mì nướng và mỗi người một ly cà-phê sữa dằn bụng trước khi đưa họ ra phi trường. Yến Thu mua gởi cho chồng con mỗi đứa bạn bánh bột lộc của mấy bà Huế, mấy cây chả lụa chiên của mấy bà Bắc kỳ làm. Vùng hai bạn của cô ở cũng có bán loại bánh nầy, chả nầy, nhưng không được ngọn như bánh và chả Yến Thu đặt mua. Phải công nhận món bánh bộc lộc chỉ có người miền Trung nhứt là người Huế làm mới ngon. Và mấy bà Bắc Kỳ làm chả lụa mới ngon nhức nhối cuộc đời thôi.

Tố Hương lấy miếng bánh mì nướng vàng còn ấm trong dĩa, cắn một miếng. Cô lim dim đôi mắt phụng, miệng ngậm mà phát ra âm thanh ứ ư, ứ ư. Rồi cô từ từ nuốt miếng bánh xong, kêu lên:

-  Nồi đồng nồi đất ơi! Con nầy nướng bánh mì với giống gì mà ngon thấu trời thấu đất vậy cà?

            Lam Ngọc ăn vào, rồi hỏi vồn:

            -  Phải tôm không? Đâu phải, nếu tôm thì có màu hường và dai. Còn cái nầy trắng, ngọt thịt, bở. Không lẻ cá? Hãy nói đi, dạy tao đi, để tao về làm cho ông xã và mấy đứa nhỏ tao ăn.

            Yến Thu cười:

            -  Cả hai thứ mầy nói đều không đúng. Tụi bây ăn mà không biết sao? Là cua đó!

            Tố Hương trợn mắt:

-  Có dễ làm không? Học ở sách vở nào vậy? Chỉ cho bọn tao đi, chèn ơi con nầy tiến bộ dữ hén. Nấu món gì ăn cũng ngon. Vậy mà nói không biết nấu ăn, xạo quá mầy à!  

Lam Ngọc cười tươi:

-  Tao chỉ bắt chước và học lóm của người ta rồi biến chế theo ý mình và nhắm chừng mà làm ăn bậy thôi, chớ sách vở gì mầy ơi. Tao mua cua hộp ở Costco, loại “Premium CRAB Real Crab meat Super Lump” về khui ra, rồi trộn chung và quậy đều với mayonnaise, tiêu cà, ngò rí xắt khúc ngắn, hành lá lấy phần củ trắng xắt mỏng. Đem trét lên bánh mì xắt miếng để vào lò nướng 350 độ, khoảng 30 đến 45 phút thì tụi bây đang ăn đó. Có khó gì đâu, còn cà-phê sữa không lẽ tao cũng chỉ tụi bây pha sao hai con bạn già kia.

            Yến Thu ngừng nói, lật đật lại mở tủ lạnh tìm kiếm, nàng cười lớn:

-  Tụi bây hên thiệt, còn hai hộp cua tao mới mua tuần rồi. Cho mỗi đứa một hộp về làm thử đi. Nếu thành công nhớ ăn nhiều một chút dùm tao. Và mỗi đứa một bịt cải dưa tao làm đem về mà ăn. Tình đời chưa đủ chua, tụi bây ăn thêm một chút chua nữa cũng tốt lắm chớ…

Trên đường Yến Thu lái xe trở về nhà, sau khi đưa hai đứa bạn ra phi trường. Lòng cô buồn buồn nhớ lại kỷ niệm những năm ba đứa còn học phổ thông, học nghề, đi làm, có gia đình riêng… Rồi theo vận nước nổi trôi, bây giờ cả ba như cánh hoa chùm gởi nơi xứ lạ quê người. Điện thoại cho nhau thì lúc nào muốn cũng được, nhưng gặp mặt thì khó, vì công ăn việc làm và mỗi cô có mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau. Lâu lắm, ba, bốn năm họ mới gặp lại một lần. Thói đời đen bạt, tình người dễ đổi thay! Ruột thịt đôi khi còn trở mặt! Tình bạn đã mấy chục năm rồi, mà cả ba cô còn giữ được cho đến ngày nay. Quả thật là rất hiếm và rất quý.

            Xe vẫn chạy bon bon trên đường tráng nhựa, gió lùa vào cửa sau xe hé mở mát rượi như chạy máy lạnh. Trên nền trời màu bích ngọc cao thật cao có in lác đác từng tảng mây ngồn ngộn trắng như bông gòn. Trời thanh khiết làm ấm áp và sáng dịu tỏa lòng người. Hai bên đường những thửa ruộng rộng lớn dài ngút mắt, được nhà nông bơm nước vào mênh mông, lai láng… Những bầy chim, bầy vịt trời màu đen, xám, nâu, trắng… hàng ngàn, hàng ngàn con đang tìm mồi, tắm mát, rỉa lông, đùa giỡn… Trên không gian, âm thanh ù ù của chiếc máy bay loang loámg ánh bạc lướt nhanh trong nắng mai rực rỡ. Chiếc máy bay khổng lồ nhỏ dần, nhỏ dần… rồi mất hút trong không gian và trong tầm mắt của Yến Thu.

DƯ THỊ DIỄM BUỒN



Trong tuyển tập nhiều tác giả

“Món Ăn Theo Bước Di Tản”

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List