Popular Posts

Tuesday, April 15, 2014

BỨC THƯ TỪ HỎA NGỤC

 on behalf of; thanh pham
BỨC THƯ TỪ HỎA NGỤC
                     ( Le Manuscrit de l’Enfer)

     NIHIL OBSTAT                          IMPRIMATUR
        (Không có gì trở ngại)                                 ( Được phép in)
Sài Gòn,die 28 Martii 1970            Sài Gòn,die 31 Martii 1970
  F.X. Huỳnh Hữu Đặng                 Paulus Nguyễn Văn Bình
      Censor Delegatus                             Archep. Sài Gòn



TƯỜNG THUẬT CÂU CHUYỆN

          Người ta tìm thấy, trong các sách vở, giấy tờ của 1 nữ tu đã qua đời, sau mấy năm sống trong tu viện tại nước Đức, một  “ Tập Bút Ký”, viết bằng tiếng Đức, trong đó có ghi lại một câu chuyện lạ lùng về một bức thư, mệnh danh là Bức Thư Từ Hỏa Ngục.  

          Tên tuổi và lý lịch các nhân vật trong câu chuyện, cũng như tên những nơi xảy ra, đều được giữ kín. Những nhà xuất bản tài liệu kỳ lạ này, lo ngại nếu phổ biến đầy đủ tên họ, có thể làm thương tổn đến danh dự của gia đình có người đã sa Hỏa Ngục.

          Các tên như Annette hay Claire  trong bức thư này chỉ là tên tạm dùng để thay thế.
          Tài liệu quý giá này, có thể xem là 1 mặc khải về đời sau, Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người chúng ta.

NGUỒN GỐC CÂU CHUYỆN

Annette và Claire là hai cô bạn thân, làm chung tại một hãng buôn. Họ chỉ quen biết nhau từ lúc làm chung một sở, nên đối xử với nhau như hai bạn gái đồng nghiệp.

Gia đình của Claire là 1 gia đình rất đạo đức, vì vậy cô giữ được lòng sùng đạo, và sống cuộc sống của một Ki-tô hữu tốt lành.
Trái lại, gia đình Annette, cũng như chính nàng thì khô khan, hờ hững, gần như bỏ đạo. Cha mẹ cô gặp nhau tại một tiệm khiêu vũ, rồi vì “ trót đi lại với nhau” nên bắt buộc phải kết hôn. Sau khi sanh được hai người con gái, ông bà định thôi, nhưng rồi lại sanh thêm một người con gái thứ ba. Người con sinh ra vì “rủi ro” này, chính là Annette. Khi cô ra đời, thì hai người chị đã lớn, một người 14 tuổi và người kia 15 tuổi.

          Tuy gia đình khá giả, nhưng hai ông bà chỉ lo đời sống vật chất, không hề nghĩ đến việc dạy dỗ con cái về đạo đức. Sống nơi thành thị xa hoa, ông bà dần dần mất đức tin, xa lìa Giáo Hội, mặc dầu họ vẫn coi mình là Ki-tô hữu. Đôi khi họ cũng giữ bổn phận của người có đạo, như đi lễ mỗi năm một lần; hoặc cho con cái xưng tội, rước lễ lần đầu như các trẻ em khác.
          Mẹ cô thì mỗi năm đi lễ ngày Chúa Nhật được vài lần, và chẳng bao giờ đọc kinh, cầu nguyện.
          Về sau, gia đình lục đục, cha mẹ nàng cãi nhau luôn. Cha nàng say sưa suốt ngày, phung phí tiền bạc. Tối nào ông cũng uống rượu say mèm, trở về nhà la lối, đánh đập mẹ nàng.
          Một hôm, đã trưa mà không thấy ông thức dậy. Người ta phá cửa phòng vào, thì thấy ông đã chết. Chết vì uống rượu say, rồi bị trúng gió lạnh.

          Về phần Annette, vì hấp thụ một nếp sống tệ hại trong gia đình ngay từ nhỏ, nên cô hay chống báng những gì thuộc về Chúa, về Giáo Hội, và về các linh mục. Những việc như đọc kinh, xưng tội, rước lễ, đối với cô là những việc mất thời giờ, vô ích. 
          Lớn lên, cô kết hôn với một thanh niên hào hoa, giàu có, lịch thiệp. Cuộc sống thật hạnh phúc và êm đẹp trong cảnh giàu sang sung túc. Nhưng chính đời sống xa hoa đã làm cho tinh thần đạo đức của cô càng sa sút thêm.
          Annette nhìn nhận, có nhiều lần Chúa kêu gọi cô ăn năn trở lại, nhưng những tính hư, tật xấu, những thú vui xác thịt, cùng nếp sống ăn chơi, trụy lạc, đã ăn sâu vào tâm hồn, làm cho cô không còn đủ sức chỗi dậy nữa.

          Từ ngày Annette lập gia đình, hai người bạn gái không còn gặp nhau nữa. Cho đến 1 hôm, vào giữa tháng 9 năm 1937, trong khi đi nghỉ mát ở bên cạnh hồ Garde (miền bắc nước Italia), thì Claire bỗng nhận được thư mẹ báo tin là Annette đã bị tử nạn xe hơi.

          Claire hết sức kinh hoàng, vì không biết bạn mình có sẵn sàng khi Chúa gọi bất thình lình không ?

          Trong tập hồi ký của Claire có đoạn viết như sau: Sáng hôm sau, tôi đi dự lễ Missa tại nhà thờ của tu viện, nơi tôi tạm trú, để cầu nguyện cho Annette, và tôi rước lễ theo ý nguyện đó.

          Nhưng trong ngày ấy, tôi cảm thấy khó chịu, và càng về chiều, càng thấy khó chịu hơn nữa. Đêm hôm đó, tôi đi ngủ mà trong lòng áy náy, lo âu. Bỗng nhiên, có 1 tiếng động làm tôi tức dậy. Tôi bật đèn lên, đồng hồ chỉ 12g10.

          Ban đêm, trong ngôi nhà của tu viện, nơi tôi đang tạm trú, thường vắng vẻ và im lặng hoàn toàn. Cũng không có cả tiếng gió thổi nữa. Chỉ có tiếng sóng của hồ Garde, đều đều vỗ nhẹ vào bờ. Thế nhưng, lúc tôi tỉnh thức, ngoài tiếng động mạnh làm tôi choàng dậy, rõ ràng tôi còn nghe một thứ tiếng như gió thổi, giống hệt tiếng do một lá thư mà đôi khi ông trưởng phòng bực tức, thường trao cho tôi một cách bất lịch sự.

          Tôi vẫn nằm trên giường và quay mình sang bên kia, đọc vài kinh Lạy Cha, cầu cho các linh hồn nơi Luyện Ngục, rồi tôi đi ngủ lại.
          Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng để đi lễ. Lúc mở cửa phòng, thấy một tập giấy viết thư. Tôi lượm lên, và khi nhận ra nét chữ của Annette, tôi kêu rú lên, toàn thân tôi run lẩy bẩy khi cầm những tờ giấy đó trong tay.

          Tôi cảm thấy nghẹt thở. Nghĩ rằng không còn cách nào khác hơn là ra ngoài trời, hít thở không khí. Tôi bèn sửa qua mái tóc, giấu lá thư vào trong ví, và bước ra khỏi nhà.
          Ra ngoài, tôi men theo con đường từ đại lộ Gardesana nổi tiếng đến triền núi, giữa những rặng cây ô liu, những khu vườn và những biệt thự dưới rặng liễu.

          Trước kia, tôi thường dừng lại ngắm cảnh hùng vĩ của mặt hồ và đảo Garde, đẹp như cảnh thần tiên. Nhưng lần này, tôi không nhìn những cảnh đó.
          Sau khi đi bộ 15 phút, tôi ngồi xuống một ghế dài, dựa lưng vào 2 cây trắc bá, chỗ mà hôm trước tôi đã ngồi để đọc say mê cuốn Junker Theresa (theo tiếng Đức, có nghĩa là Công nương Teresa) của tác giả nổi tiếng Federer.

          Tôi lấy bức thư ra, thư không ký tên, nhưng rõ ràng là nét chữ của Annette, ngay cả những chữ viết bay bướm, như chữ S và chữ T, mà cô ta thường quen viết khi làm việc tại bàn giấy.
          Lời văn không phải của Annette, vì cô ta vốn có tài nói chuyện một cách duyên dáng, dễ thương, với đôi mắt tươi cười như thiên thần. Chỉ khi nào bàn đến các vấn đề tôn giáo, thì cô ta mới trở nên hiểm độc và giọng cứng cỏi, như lời văn trong bức thư này.
          Tôi xin ghi lại đây Bức Thư Từ Thế Giới Bên Kia gửi về. Ghi đúng từng chữ như tôi đã đọc.

                                       CHỊ CLAIRE

          Chị đừng cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi đã bị luận phạt đời đời trong Hỏa Ngục rồi. Tôi cho chị biết điều này sớm như thế, chị cũng đừng tưởng rằng, tôi làm thế vì lòng tốt của tình bạn giữa chúng ta. Ở chốn Hỏa Ngục, chúng tôi không còn biết thương yêu ai hết. Tôi làm việc này chỉ vì bắt buộc phải làm. Vì tôi hiện ở về phía lực lượng muốn làm điều ác, mà buộc phải làm điều thiện.

          Thực ra, tôi cũng muốn chị rơi vào tình trạng oán hận và căm thù của tôi bây giờ, một tình trạng mà từ nay tôi bị chôn chặt cho đến muôn đời.
          Chị đừng lấy làm lạ về ý muốn ấy của tôi, vì ở đây, chúng tôi đều có 1 ý nghĩ như vậy. Ý chí của chúng tôi gắn chặt vào điều ác. Vì thế, khi chúng tôi làm điều gì gọi là lành, như việc tôi đang làm đây, để mở mắt cho chị hiểu về Hỏa Ngục, cũng không phải là việc do lòng tốt mà ra đâu.

          Chị còn nhớ không, cách đây 4 năm, chúng ta gặp nhau ở ………….Lúc ấy, chị đã 23 tuổi, và khi tôi đến, chị đã ở đó được 6 tháng. Chị giúp đỡ tôi để khỏi bỡ ngỡ. Với sự quen biết của chị, là 1 thiếu nữ mới vào đời, chị đã cho tôi một số địa chỉ tốt. Nhưng “tốt” là cái quái gì ? Thế mà lúc đó, tôi lại ca tụng tinh thần bác ái, vị tha của chị. Thật là lố bịch !


          Tôi cho rằng, sự giúp đỡ của chị hoàn toàn có tính cách xã giao. Còn những điều khác, tôi đều nghi ngờ.Ở đây, chúng tôi không bao giờ nhìn nhận điều gì tốt ở một người nào cả.

          Chị đã biết thời thanh xuân của tôi. Tôi xin nói để chị hiểu thêm về tôi. Thực ra, nếu theo đúng chương trình của cha mẹ tôi, thì đã chẳng bao giờ có tôi. Việc sinh ra tôi, đối với họ, chính là 1 điều bất hạnh.

          Thà rằng, tôi chẳng bao giờ sinh ra đời ! Ước gì tôi được hủy diệt, để trở thành hư vô, và trốn khỏi những cực hình hiện nay. Với một lòng mong muốn vô cùng mãnh liệt, tôi ước ao thấy mình trở nên một manh áo bằng tro tàn, để rồi tan biến đi trong cõi hư vô. Nhưng tôi đâu tan biến đi được. Tôi vẫn phải tồn tại, tồn tại đúng như đời sống mà tôi đã tự tạo nên, một đời sống đã hoàn toàn thất bại.

          Lúc cha mẹ tôi còn trẻ, hai ông bà đã bỏ miền quê lên sống nơi thành thị. Cả hai người đều cắt đứt với Hội Thánh, và sống liên kết với những kẻ không có Đức Tin. Như vậy càng hay !

          Trước kia, hai ông bà gặp nhau và quen nhau trong một rạp khiêu vũ, và sáu tháng sau, hai người buộc phải lấy nhau. Nghi lễ Hôn Phối chỉ còn đọng lại nơi cha mẹ tôi một chút Nước Thánh, đủ để làm cho hai người đi lễ mỗi năm chừng hai lần. Mẹ tôi không bao giờ dạy tôi biết cầu nguyện thực sự. Bà chỉ lo những công việc trong đời sống hàng ngày.

          Những chữ như Cầu Nguyện, Thánh Lễ, Nước Thánh, Giáo Hội, tôi viết ra đây với một lòng kinh tởm vô biên. Tôi ghét cay ghét đắng những thứ đó, cũng như tôi thù ghét những kẻ năng lui tới Nhà Thờ. Nói chung, tôi ghét tất cả mọi người, tất cả mọi vật !

          Thật vậy, tất cả mọi sự vật đều mang cực hình đến cho tôi. Mọi điều hiểu biết, mọi kỷ niệm về những gì mình đã xem thấy, đã nghe, đã học, đều là nguyên nhân làm cho chúng tôi bị thiêu đốt dữ dằn. Trong mọi sự việc đó, chúng tôi đặc biệt trông thấy một khía cạnh: Đó là Ân Sủng, các Ân Sủng mà chúng tôi đã khinh chê. Điều này làm cho khổ hình của chúng tôi trở nên khủng khiếp, không bút nào tả xiết.

          Ở đây chúng tôi không ăn uống, không nghỉ ngơi, không bước đi bằng 2 chân. Chúng tôi bị xiềng xích một cách thiêng liêng, với muôn ngàn tiếng rên la, tiếng nghiến răng kèn kẹt.

          Bằng những cặp mắt điên dại, chúng tôi nhìn cuộc đời đã thất bại, mà lòng tràn đầy oán hận và đau khổ. Chị hiểu lời tôi nói chứ ? Lòng chúng tôi sôi sục hận thù, hận thù ngay cả giữa chúng tôi với nhau ở đây nữa, nhất là chúng tôi căm thù Thiên Chúa. Tôi muốn giải thích điều này cho chị hiểu.

          Ở trên Trời, các thánh không thể nào không yêu mến Ngài. Vì các thánh trông thấy Ngài tỏ tường, trong vẻ đẹp huy hoàng. Điều này làm cho các thánh hạnh phúc không miệng lưỡi nào tả xiết. Chúng tôi biết rõ điều ấy, và sự hiểu biết này càng làm cho chúng tôi đau khổ muốn phát điên lên được.

          Nhờ sự Sáng Tạo cũng như nhờ Mặc Khải, nên loài người có thể yêu mến Ngài, nhưng họ không bị bó buộc phải yêu mến Ngài. Những tín hữu nhìn ngắm và suy niệm Chúa Ki-tô giang tay trên Thập Giá, thế nào cũng phải đi đến chỗ yêu mến Ngài. Tôi nghiến răng mà quả quyết điều đó.

          Còn đối với tôi, kẻ mà Thiên Chúa chỉ đến như một trận cuồng phong, như một Đấng trừng phạt, như Một Vị báo thù công minh, vì nó đã bị Ngài ruồng bỏ, thì kẻ ấy chắc chắn chỉ còn biết oán ghét Ngài, oán ghét Ngài với tất cả lòng hung bạo và độc ác, oán ghét đời đời. Nó oán ghét Ngài với tất cả quyết tâm, quyết tâm một cách điên dại và tự do. Nó quyết tâm xa lìa Ngài đời đời.

          Khi chết, chúng tôi đã để linh hồn lìa xác với sự quyết tâm như thế. Giờ đây, chúng tôi không rút lại, và chẳng bao giờ chúng tôi muốn rút lại sự quyết tâm đó.

          Chị Claire, bây giờ chị hiểu tại sao Hỏa Ngục tồn tại đời đời kiếp kiếp không ? Hỏa Ngục tồn tại đến muôn đời, chính là vì chúng tôi không từ bỏ được lòng ngoan cố đó.

          Tôi buộc lòng phải nói thêm rằng: Thiên Chúa cũng tỏ lòng nhân hậu với tất cả chúng tôi nữa. Tôi nói “buộc lòng”, vì khi chú tâm viết bức thư này, tôi đã nhất định nói dối chị, nhưng Ngài đã không cho phép tôi được nói dối. Tôi đặt bút viết trong bức thư này, rất nhiều điều mà thực tâm tôi không muốn viết. Vì thế, tôi đành phải nuốt lịm những lời nguyền rủa độc địa mà tôi muốn thốt ra.

          Chúng tôi đã có ý định phổ biến lòng độc ác của chúng tôi cho lan tràn khắp thế giới, nhưng Thiên Chúa, vì lòng nhân từ đối với chúng tôi, đã không cho chúng tôi thực hành ý định hiểm độc ấy. Bởi vì nếu thực hiện được sự độc ác đó, chúng tôi đã phạm thêm tội lỗi, và do đó phải chịu thêm cực hình.
          Ngài đã để chúng tôi chết sớm, như trường hợp của tôi đây, hoặc Ngài tạo thêm những trường hợp khác, để chúng tôi được nhẹ tội hơn. Ngài còn tỏ ra nhân từ đối với chúng tôi, vì không buộc chúng tôi phải đến gần Ngài, mà để chúng tôi ở chốn hỏa hình xa xôi, cách biệt này. Điều này làm cho chúng tôi bớt đau khổ hơn. Một bước tiến gần Thiên Chúa, sẽ làm cho tôi khổ cực, còn hơn sự đau khổ chị phải chịu khi đến gần lò lửa nóng bỏng.

          Có một lần trong khi đi dạo mát, chị đã tỏ ra kinh ngạc, khi tôi thuật lại lời cha tôi nói, mấy hôm trước ngày tôi rước lễ lần đầu:” Annette của ba, con hãy cố sửa soạn một bộ quần áo đẹp, còn những điều khác, chỉ là trò hề”.

          Thấy chị kinh ngạc, lúc ấy tôi cảm thấy xấu hổ về lời nói của ba tôi. Nhưng bây giờ, tôi nhạo báng chuyện đó. Lý do duy nhất là người ta không để trẻ em 10 tuổi được Rước Lễ Lần Đầu. Lúc ấy, về phần tôi, tôi đã say mê những thú vui trần tục, đến nỗi không ngần ngại nhạo cười những gì thuộc về Tôn Giáo, và không quan tâm gì đến việc Rước Lễ Lần Đầu.

          Giờ đây, việc các em nhỏ được rước Mình Thánh Chúa ngay từ lúc 7 tuổi, là một điều làm cho chúng tôi căm hờn sôi sục. Chúng tôi đang làm mọi cách để người ta hiểu lầm rằng:”Trẻ em vào tuổi đó chưa đủ trí khôn, phải để cho chúng nó lớn lên, để chúng phạm một vài tội trọng trước đã. Lúc ấy, Bánh Thánh trong trắng sẽ không làm hại chúng nó nhiều, như khi tâm hồn chúng còn sống vì Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến, lúc chịu Phép Rửa Tội.
          Trời ơi,tư tưởng này kỳ quái chưa ? Khi còn sống ở trần gian, tôi đã bênh vực tư tưởng này rồi, chị còn nhớ không ? Tôi vừa nói đến ba tôi. Đã có lần tôi nói với chị và tôi cảm thấy xấu hổ. Ông cãi lộn với má tôi luôn. Về sau, ông bà không còn ngủ chung một phòng nữa. Tôi ngủ một phòng với má tôi. Ba tôi ngủ phòng bên cạnh, để có thể tự do đi về bất cứ lúc nào. Ông rượu chè đến nỗi phung phí hết tài sản. Hai người chị tôi phải đi làm, nhưng tiền lương kiếm được, các chị nói cần để tiêu xài. Vì thế, mà tôi phải bắt đầu đi làm việc, để kiếm thêm chút đỉnh.

          Năm cuối cùng trước khi qua đời, ba tôi thường đánh đập má tôi, mỗi khi bà từ chối không chịu cho ông bất cứ cái gì. Nhưng trái lại, đối với tôi, ba tôi luôn luôn dịu dàng. Tôi đã kể cho chị nghe câu chuyện: Một hôm, ba tôi mua cho tôi 1 đôi giày, nhưng vì tôi chê kiểu giày và cái gót không hợp thời trang, thế mà ông bằng lòng mang đi đổi đến 2 lần.

          Trong đêm ba tôi trúng gió mà chết, một việc lạ lùng đã xảy đến với tôi, nhưng sợ chị cho rằng đó là điều xấu, nên tôi không dám tiết lộ. Việc này rất quan trọng, vì lúc ấy là lần đầu tiên, tôi cảm thấy tâm trí bị dày vò cắn rứt. Nhưng bây giờ, chị phải được biết:

          Đêm đó, tôi ngủ trong phòng má tôi. Nhịp thở đều đều của bà, chứng tỏ bà đã ngủ say. Bỗng nhiên, tôi nghe có ai gọi tên tôi. Một tiếng nói xa lạ, huyền bí hỏi tôi: “Nếu ba cô chết thì sẽ ra sao ?”.
          Kể từ ngày ba tôi cư xử tàn tệ với má tôi, tôi không còn thương ba tôi nữa. Và cũng kể từ đó, tôi không còn biết yêu thương một ai nữa. Tôi chỉ có cảm tình đối với ai tử tế với tôi mà thôi.Trên trần gian, yêu thương mà không hy vọng được đền đáp lại, là tình yêu của những tâm hồn được ân sủng. Nhưng đó không phải là tâm hồn của tôi, bởi vậy, tôi đã trả lời tiếng nói huyền bí, không biết từ đâu vọng lại: Nhưng ba tôi đâu có chết.
          Một lát sau, tôi lại nghe câu hỏi huyền bí đó, nhưng lần này rõ ràng hơn, tôi buột miệng đáp: Nhưng ông ấy đâu có chết.
          Đến lần thứ ba, khi nghe câu hỏi:” Nếu ba cô chết thì sẽ ra sao ?” Tôi bỗng nghĩ đến cảnh ba tôi trở về nhà say mèm, rồi la lối, hành hạ má tôi. Cảnh này đã làm cho chúng tôi xấu hổ, nhục nhã với những người bên cạnh. Bởi vậy, tôi bực tức la lên:”Mặc kệ !”. Rồi bỗng nhiên tất cả đều im lặng chúng quanh tôi.

          Sáng ra, khi đến phòng ba tôi để dọn dẹp, má tôi thấy cửa phòng khóa chặt. Đến trưa, người ta tông cửa vào, thì thấy ba tôi chỉ còn là một cái xác không hồn, nằm mình trần trên giường. Ba tôi có lẽ đã gặp nạn, khi đi uống rượu dưới hầm, và trở về phòng gặp gió lạnh. Đã lâu, ba tôi không được khỏe mạnh.

          Chị Claire, có một lần chị và Martha đã khuyên tôi  gia nhập đoàn Thanh Nữ. Tôi vẫn đồng ý với cách tổ chức của họ đạo, theo sự chỉ dẫn của hai người điều khiển. Các cuộc đi chơi thật vui vẻ. Chẳng bao lâu, tôi được giao phó vai trò lãnh đạo trong đoàn thể. Các cuộc du ngoạn làm tôi vui thích. Đôi khi người ta khuyến khích tôi Xưng Tội, Rước Lễ nữa.

          Thực ra, tôi đâu có tội gì mà phải xưng. Tư tưởng cũng như lời nói chẳng có gì đến nỗi phải quan tâm. Còn nói đến các việc làm xấu xa, thì tôi đâu đến nỗi tệ hại gì.
          Một hôm, chị đã cảnh cáo tôi:”Chị Annette, nếu chị không cầu nguyện nhiều hơn, chị sẽ bị hư mất”. Quả thực, tôi cầu nguyện quá ít, và cầu nguyện một cách uể oải. Bây giờ thì tôi mới biết chị nói rất có lý. Tất cả những kẻ bị thiêu đốt trong Hỏa Ngục này, đều đã không cầu nguyện, hay cầu nguyện không đủ.
          Cầu Nguyện là bước đầu tiên để đi đến với Thiên Chúa, và đây là bước rất quyết định. Nhất là cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa, là Đấng mà chúng tôi không bao giờ tuyên xưng Danh Người. Lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa có sức lôi kéo biết bao nhiêu linh hồn khỏi tay ma quỷ, những linh hồn mà vì tội lỗi, đáng lẽ phải rơi vào tay chúng nó một cách chắc chắn.
          Tôi tiếp tục viết bức thư này, với tất cả lòng căm tức, chỉ vì tôi bị bắt buộc viết mà thôi.

          CẦU NGUYỆN là công việc cao quý duy nhất mà loài người có thể làm khi còn sống trên dương thế. Thiên Chúa đã gắn liền phần rỗi của mọi người vào việc quá dễ dàng này. Với ai bền tâm cầu nguyện, dần dần Ngài sẽ ban cho họ tràn đầy ánh sáng và sức mạnh. Cho đến nỗi, ngay cả những tội nhân cứng lòng nhất cũng có thể chỗi dậy, cho dù đã bị tội lỗi tràn ngập đến cổ.
          Vào những năm cuối đời của tôi, lẽ ra tôi phải cầu nguyện nhiều, nhưng tôi đã không cầu nguyện, bởi vậy, tôi không còn nhận được một ân sủng nào nữa. Vả lại, nếu nhận được, chúng tôi cũng khước từ một cách tàn tệ.
         
          Đối với chị đang ở trần gian, chị có thể từ tình trạng tội lỗi tiến lên tình trạng ân sủng. Nếu từ tình trạng ân sủng mà rơi xuống tình trạng tội lỗi, thường là vì yếu đuối, đôi khi vì lòng độc ác.
          Nhưng một khi đã qua đời, với cái chết, những thay đổi như vậy không còn nữa. Bởi vì, mọi đổi thay đều do tính chất vô định của cuộc sống trên trần gian. Sau khi chết, người ta bước vào tình trạng chung kết.
          Càng lớn tuổi, người ta càng ít thay đổi. Thực ra, ngay cả đến lúc gần chết, con người vẫn có thể quay về với Thiên Chúa, cũng như vẫn có thể xa lìa Thiên Chúa. Thế nhưng, bị thói quen ràng buộc, nên trong giờ lâm chung, con người với một ý chí còn sót lại, sẽ vẫn cư xử theo thói quen. Thói quen đã trở nên một bản tính thứ hai, người ta để cho nó lôi kéo mình mà không cưỡng lại.

          Đối với tôi, sự việc cũng như vậy. Từ nhiều năm, tôi sống xa lìa Thiên Chúa, vì thế, khi có tiếng kêu gọi cuối cùng của ân sủng, tôi đã quay lưng đi mà không trở về với Thiên Chúa. Tôi đã phải hư mất đời đời, không phải vì năng phạm tội, cho bằng không muốn chỗi dậy.
          Nhiều lần chị khuyên tôi nên đi nghe giảng và đọc sách đạo đức, tôi thường trả lời:”Tôi không có thì giờ”.Vì thế, đời sống nội tâm của tôi càng ngày càng khô cằn hơn.
          Tôi cũng phải ghi nhận rằng, lúc tôi rời bỏ đoàn Thanh Nữ,thì nếp sống của tôi đã quá ăn sâu, đến nỗi tôi thấy  việc thay đổi vô cùng khó khăn. Lúc ấy, tôi cảm thấy một sự bất an và mất hạnh phúc. Trước sự ăn năn trở lại, tôi thấy cả một bức tường kiên cố ngăn cản tôi.
          Chị đâu có ngờ điều đó, chị xem việc trở lại với Chúa là một việc đơn giản và dễ dàng, cho nên, có lần chị nói với tôi: Annette ạ, chị cứ đi xưng tội đàng hoàng, rồi mọi sự sẽ nên tốt đẹp. Tôi cũng biết như vậy, nhưng thế gian, ma quỷ, và xác thịt đã kềm chặt tôi trong nanh vuốt của chúng.
          Trước kia, tôi không bao giờ tin có ảnh hưởng của ma quỷ, nhưng giờ đây, tôi tin ma quỷ ảnh hưởng vô cùng mãnh liệt đến những kẻ sống trong tình trạng nguội lạnh, như tình trạng của tôi hồi đó.
          Chỉ nhờ lời cầu nguyện của người khác và của chính mình, cùng với những hy sinh và đau khổ, mới có thể kéo tôi ra khỏi tay ma quỷ. Dầu vậy, cũng chỉ có thể kéo ra từ từ mà thôi. Ít khi người ta thấy những người bị quỷ ám trong tâm hồn. Satan không thể chiếm đoạt tâm hồn những kẻ theo nó, nhưng để trừng phạt những kẻ chối bỏ Ngài, Thiên Chúa cho phép tà thần được ngự trong lòng họ.

          Tôi cũng ghét Satan, nhưng nó làm cho tôi hài lòng, vì nó đang tìm cách cám dỗ chị phải hư hỏng. Satan cùng với các thủ hạ của nó (tức là các thần dữ đã sa ngã cùng với nó, từ lúc bắt đầu có thời gian) thì đông vô kể. Chúng đi rảo khắp mặt đất, chúng nhảy múa như đàn ruồi nhặng, nhưng chị lại không nhận ra được chúng nó.

          Không phải chúng tôi, những kẻ đã bị luận phạt, phải đi cám dỗ chị đâu. Việc đi cám dỗ dành cho các thần sa ngã. Mỗi khi chúng kéo được một linh hồn vào hỏa ngục, thì lại làm tăng hình phạt của chúng lên. Nhưng vì căm hờn, mà chúng nó đi cám dỗ người ta.
          Tôi xa cách Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn theo dõi tôi. Tôi cũng có những hành vi bác ái thông thường, mà tôi làm theo khuynh hướng tự nhiên. Đôi khi Thiên Chúa kéo tôi đến nhà thờ, lúc ấy, tôi cảm thấy như có một sự luyến tiếc điều gì.
          Khi tôi săn sóc má tôi bị bệnh, mặc dầu tôi bận việc suốt ngày trong văn phòng, như vậy, tôi thực sự đã có hy sinh một cách nào đó. Và lúc ấy, sức lôi cuốn của ơn Chúa tác động một cách mạnh mẽ trong tâm hồn tôi.
          Một hôm, nhân lúc nghỉ trưa, chị đưa tôi vào nhà nguyện trong một bệnh viện. Một sự việc xảy đến, làm cho tôi suýt nữa ăn năn trở lại, đó là tôi đã khóc. Nhưng rồi một lần nữa, những thú vui trần tục, như một thác nước đã cuốn trôi mất ân sủng nơi tôi. Giống như hạt giống tốt bị chết ngộp giữa bụi gai. Viện lẽ rằng, Tôn Giáo chỉ là một thứ tình cảm, như bọn tôi thường nói trong sở làm, tôi lại vứt bỏ quan niệm ân sủng đi, như mọi thứ quan niệm khác.
          Có lần chị bắt lỗi tôi, vì lẽ tôi phải bái gối cúi đầu trước Mình Thánh Chúa, nhưng tôi chỉ nhún gối một chút. Lúc đó, chị cho rằng tôi làm biếng. Chị đâu có ngờ rằng, tôi không còn tin có Chúa hiện diện trong Thánh Thể nữa. Bây giờ, ở hỏa ngục thì tôi tin. Nhưng tin một cách dĩ nhiên, chẳng khác nào người ta tin có một trận bão tố, sau khi đã thấy sức tàn phá của nó.
          Vào thời kỳ đó, tôi bằng lòng với một thứ Tôn Giáo của riêng tôi. Tôi bênh vực ý kiến chúng ở sở làm, cho rằng: Sau khi chết, linh hồn ta đi vào trong vật thể khác, và cứ thế mà tiếp tục lưu lạc mãi mãi không ngừng. Bằng cách đó, nỗi băn khoăn của tôi về đời sau đã được giải quyết, và trở nên một vấn đề vô hại.
          La-za-rô, kẻ nghèo khó, ngay sau khi chết được Chúa cho lên Thiên Đàng, còn kẻ giàu có kia phải xuống hỏa ngục. Thực sự, chị chẳng biết gì hơn những bài thuyết giảng mê tín của chị.
          Dần dần, tôi đã tự tạo cho tôi một thần linh khá vững mạnh, khả dĩ gọi được là thượng đế. Vị thượng đế này khá xa cách tôi, để tôi khỏi phải duy trì một liên hệ nào với ngài. Nhưng cũng khá mơ hồ, để tùy theo mỗi khi cần, ngài có thể được coi như thượng đế của phái phiếm thần (pantheisme), hoặc được thi vị hóa thành một thượng đế cô đơn, không có thiên đàng để thưởng công tôi, nhưng cũng không có hỏa ngục để trừng phạt tôi. Tôi để cho thượng đế đó được thảnh thơi an nhàn. Lòng tôn sùng của tôi đối với ngài chỉ có bấy nhiêu thôi.
          Người ta thường dễ tin theo những gì người ta ưa thích. Vì vậy, trải qua bao nhiêu năm, tôi đã đặt niềm tin của tôi vào thứ tôn giáo của tôi, và tôi không còn lo lắng về vấn đề này nữa. Chỉ có một biến cố có thể làm cho tôi hết ngoan cố sống mãi trong đường tội lỗi: Đó là một cơn bệnh triền miên và ngặt nghèo, sẽ làm tôi thức tỉnh. Nhưng cơn bệnh ấy đã không xảy đến. Bây giờ, chị hiểu rõ ý nghĩa câu nói:” Thiên Chúa sửa trị những kẻ Ngài yêu”  chưa ?
          Vào một sáng Chúa Nhật, tháng 7 năm nào, đoàn Thanh Nữ có tổ chức một cuộc du ngoạn tại…. Tôi rất thích những cuộc du ngoạn, nhưng các bài thuyết giảng cô vị, và tác phong của những người mê tín, làm tôi từ chối. Vả lại trong thời gian đó, một hình ảnh khác (không phải là hình ảnh của Đức Trinh Nữ) đang ngự trị trong lòng tôi. Đó là bóng hình của chàng Max, một thanh niên hào hoa, phong nhã, làm ở công ty bên cạnh.
          Chúng tôi đã có dịp đùa dỡn với nhau nhiều lần. Sáng Chúa Nhật hôm đó, Max rủ tôi  đi chơi. Cô bạn mà trước kia chàng thường rủ đi chơi, hôm ấy bị bệnh nằm nhà thương. Chàng biết rõ là tôi đã để mắt đến chàng. Tuy vậy, lúc ấy, tôi chưa nghĩ đến chuyện kết hôn với Max. Chàng vốn giàu có, nhưng tiếc rằng chàng quá lịch thiệp với các thiếu nữ. Còn tôi, lúc ấy, muốn có một người yêu hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi chẳng những là vợ của chàng, mà còn là người vợ duy nhất, mặc dầu, tôi vẫn ham thích lối cư xử lịch thiệp xã giao.
          Trong cuộc đi chơi hôm đó, Max tỏ ra hết sức nhã nhặn và cũng thích nói chuyện về các linh mục như chị. Hôm sau, câu hỏi đầu tiên của chị là “ Chúa Nhật hôm đó Annette có đi tham dự Thánh Lễ không ?”
          Thật là khùng ! Làm sao tôi đi Lễ được ? Khi mà tôi và Max hẹn nhau sẽ khởi hành vào lúc 6g sáng ? Lúc đó vì bị nói khích nên tôi đã bào chữa:” Thiên Chúa nhân lành, đâu có lưu tâm đến các việc lặt vặt nhỏ mọn như các linh mục của chị”.
          Nhưng bây giờ, tôi phải thú thật rằng: Mặc dầu khoan dung vô cùng, nhưng Thiên Chúa cũng lượng định mọi sự việc một cách chính xác hơn tất cả các linh mục.
          Sau lần đi dạo đầu tiên với Max, tôi chỉ còn đến họp một lần chót với đoàn Thanh Nữ để mừng Lễ Giáng Sinh. Lần đó, gặp lại các bạn, tôi cũng cảm thấy phần nào thích thú, nhưng trong thâm tâm, tôi biết đã thực sự xa lìa các chị rồi.
          Rồi những buổi đi coi hát, đi khiêu vũ, đi dạo mát với Max nối tiếp theo nhau. Tôi rất bực tức về cô bạn kia. Sau khi ở nhà thường về, cứ quấn lấy Max như người mất hồn. Nhưng đó là một điều có lợi cho tôi, vì thái độ cao thượng và trầm lặng của tôi, đã làm cho Max có một ấn tượng tốt, và sau cùng, chàng quyết định chọn tôi.
          Tôi đã có cách làm cho chàng chán ghét cô ta, bằng những lời nói lạnh lùng, bề ngoài có vẻ xây dựng, nhưng bên trong chứa đầy nọc độc. Những thái độ quỷ quyệt như thế có hậu quả chắc chắn đưa ta xuống hỏa ngục. Những tâm hồn đó thật là quỷ quái, theo nghĩa chính xác nhất của hai chữ: QUỶ QUÁI.
          Tại sao tôi kể những chuyện này cho chị ? Mục đích là để chị hiểu rõ con đường tôi đi, dần dần xa Thiên Chúa như thế nào ? Lúc ấy, tôi và Max ít khi đi đến chỗ quá thân mật. Tôi hiểu rằng , sẽ trở nên quá tầm thường trước mắt chàng, nếu để mình đi quá đà trước ngày cưới. Tôi làm bất cứ điều gì để chinh phục chàng cho bằng được. Để đạt mục đích, không có gì là quá đắt đối với tôi. Vì thế, tôi nắm chắc được chàng, và trở thành kẻ độc chiếm lòng chàng, nhất là những tháng trước khi cử hành Lễ Hôn Phối.
          Tôi phản bội Thiên Chúa, bởi vì tôi đã biến Max, một tạo vật, thành một thần tượng của tôi. Việc này có thể xảy ra, khi ta dành mối tình cho người khác phái, và chỉ biết nhằm thỏa mãn tình dục. Chính sự trao hiến như thế, đã tạo nên sức quyến rũ, nhưng cũng tạo nên cả nọc độc nữa. Vì đối với tôi, sự tôn thờ Max đã trở nên một tôn giáo sống động.
          Trong thời gian này, tại sở làm, tôi thường gay gắt công kích tất cả những gì về Giáo Hội, về các Linh Mục, về Ân Xá, việc Lần Hạt, và những việc tượng tự như thế, mà tôi cho là những việc đần độn. Còn chị, chị tìm cách bênh vực những thứ đó một cách hăng say. Chị đâu có ngờ, ở thâm sâu, chị cố gắng tìm lý lẽ để chống lại lương tâm tôi, vì lúc đó, tôi cần có một lý do để biện minh cho sự phản đạo của tôi.

          Quả thật, tôi đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Lúc đó, chị không thể hiểu được thái độ của tôi. Vì bề ngoài, tôi vẫn tự xem là một tín hữu, vẫn còn muốn được gọi là Ki-tô hữu. Ngay cả việc đóng tiền cho nhà thờ, tôi cũng làm chu đáo, vì tôi nghĩ rằng: Đây là một việc bảo hiểm thêm cho chắc, và chẳng làm thiệt hại gì cho tôi.  
          Đôi khi chị đưa ra những lý lẽ làm tôi phải chịu thua, lúc chị bênh vực những vấn đề về đạo. Nhưng nó không thuyết phục được tôi, vì lúc đó, chị “không được quyền có lý”. Cũng vì những giây liên lạc giả tạo như thế, nên lúc tôi đi lập gia đình, lúc chia tay nhau, chúng ta đã chẳng chút luyến tiếc gì nhau.
          Trước khi làm hôn lễ, tôi cũng có Xưng Tội và Rước Lễ một lần nữa cho đúng phép đạo. Max cũng đồng ý về điểm này. Tại sao lại không chu toàn nghi thức này như mọi người ? chị cho rằng Rước Lễ như vậy là không xứng đáng. Tuy vậy, sau lần Rước Lễ đó, tôi cảm thấy một sự bình an trong tâm hồn. Đó cũng là lần Rước Lễ cuối cùng của đời tôi.
          Trong đời sống vợ chồng, chúng tôi rất hòa thuận với nhau. Chúng tôi cũng có quan niệm giống nhau về đời sống, nhất là về vấn đề giáo dục con cái. Chúng tôi chỉ muốn có một đứa con mà thôi, không muốn gánh trách nhiệm có nhiều hơn.
          Đối với tôi, áo quần, đồ đạc sang trọng, những cuộc đi du ngoạn, những thứ tiêu khiển mới là quan trọng. Thời gian, từ khi chúng tôi lấy nhau đến khi tôi tử nạn bất thần, chỉ một năm, nhưng đó là một năm đầy khoái lạc trần thế. Mỗi Chúa Nhật, chúng tôi lái xe đi chơi, hay đi thăm bà con bên chồng, những người này cũng sống cuộc đời hời hợt bên ngoài y như chúng tôi.
         
          Tuy bên ngoài tôi vui cười, nhưng trong tâm hồn tôi, chẳng bao giờ thấy hạnh phúc. Tôi luôn cảm thấy có điều gì cắn rứt trong lương tâm. Tôi mong ước sau này khi tôi chết, một cái chết thường thì còn xa, thì mọi sự sẽ chấm dứt.
          Hồi còn nhỏ, một hôm trong bài giảng,tôi nghe nói rằng: Thiên Chúa thưởng công cho mọi việc lành chúng ta làm. Khi nào không thể thưởng công cho đời sau, thì Ngài ân thưởng họ ở đời này. Điều đó rất đúng, vì bất ngờ, tôi được hưởng gia tài của bà dì Lotte, và chồng tôi cũng bắt đầu kiếm được nhiều tiền. Nhờ vậy, chúng tôi được một chỗ ở khác rất lịch sự. Tôn Giáo lúc ấy, chỉ còn là 1 tia sáng lờ mờ từ nơi xa xăm rọi đến tôi chập chờn, khi ẩn, khi hiện.
          Những tiệm cà-phê trong thành phố, những khách sạn chúng tôi trọ trong các chuyến đi du lịch, hiển nhiên chẳng đem chúng tôi đến gần Thiên Chúa chút nào.Những người lui tới các nơi ăn chơi đó, đều sống hời hợt như chúng tôi.

          Nhân các kỳ đi nghỉ mát, chúng tôi cũng có viếng thăm các Nhà Thờ, nhưng chỉ quan tâm đến khía cạnh kiến trúc và mỹ thuật mà thôi. Trong bầu khí tôn nghiêm, nhất là ở các Thánh Đường xây cất từ thời Trung Cổ, tôi đã tìm cách làm giảm giá trị tính cách cổ kính bằng những lời chỉ trích tùy theo mỗi trường hợp. Tôi phê bình Thày Dòng hướng dẫn khách du lịch mà dáng điệu vụng về, hoặc ăn mặc không sạch sẽ, hoặc gương xấu các Thày dòng làm ra vẻ đạo đức, nhưng lại đem rượu mạnh ra bán; hoặc trong khi có chuông vang liên miên, báo hiệu các Lễ Nghi thánh thiện, thì người ta chỉ nghĩ đến cách làm tiền khách du lịch.
          Cứ như thế, tôi đã xua đuổi mỗi lần ân sủng của Chúa ghé lại tâm hồn tôi. Tôi để cho tính tình của tôi tự do gắt gỏng, chê bai, nhất là khi đứng trước những bức họa thời Trung cổ vẽ cảnh Hỏa Ngục, ta thường thấy trong các Nghĩa Trang, hoặc các nơi khác.
          Trong các bức họa này, người ta vẽ thằng quỷ đang nướng các linh hồn trên đống than đỏ rực. Trong khi đó, các con quỷ khác, có đuôi dài, đang lôi kéo các linh hồn khác bằng những sợi giây dài.
          Chị Claire ơi, người ta có thể vẽ hỏa ngục sai, nhưng dù vẽ thế nào, thì cũng không bao giờ quá sự thực đâu.
          Tôi vốn có một quan điểm đặc biệt về lửa hỏa ngục. Chắc chị còn nhớ, trong một cuộc tranh luận với chị về vấn đề này, tôi đã đưa ra một que diêm đang cháy, đặt dưới mũi chị và hỏi châm biếm:”Nó có mùi hỏa ngục không ?”. Chị đã vội vàng thổi tắt que diêm đó. Ở đây, không ai tắt lửa hỏa ngục cả.
          Tôi xin nói với chị rằng: Lửa hỏa ngục không có tính cách là một hình phạt tâm hồn đâu. Lửa ở đây là lửa thật. Ta cần phải hiểu theo từng chữ câu nói trong Phúc Âm:

“ HỠI NHỮNG KẺ VÔ PHÚC, HÃY TRÁNH XA KHỎI MẶT TA, VÀ VÀO TRONG LỬA ĐỜI ĐỜI ! “

          Phải hiểu từng chữ câu này. Chắc chị thắc mắc: Lửa vật chất làm sao có thể thiêu đốt linh hồn được ? Tôi xin hỏi: Trên trần gian, khi chị để tay trên ngọn lửa, tại sao tâm hồn chị cảm thấy đau ? Thực ra, linh hồn đâu có bị đốt cháy, nhưng toàn thể con người phải chịu đau đớn dữ dội.
          Trong hỏa ngục cũng tương tự như thế. Ở đây, chúng tôi bị trói buộc vào lửa một cách thiêng liêng theo bản tính và theo khả năng của chúng tôi.
          Tại hỏa ngục, linh hồn bị mất tự do của nó. Chúng tôi không thể nghĩ những gì chúng tôi muốn nghĩ, cũng không thể nghĩ như lòng chúng tôi mong muốn.
          Chị đừng nhìn sai dòng chữ sau đây, vì tình trạng này không có ý nghĩa gì đối với chị, nhưng lại thiêu đốt tôi, mà vẫn không thiêu hủy tôi:” Hình khổ đau đớn nhất của chúng tôi là biết chắc chẳng bao giờ được thấy mặt Thiên Chúa”.
          Tại sao điều này lại làm khổ chúng tôi quá chừng, trong khi trên dương thế, người ta chẳng thấy Thiên Chúa, mà có cảm thấy đau khổ gì đâu.
          Khi con dao còn nằm trên bàn, người ta không cảm thấy gì. Người ta chỉ xem nó có sắc bén hay không, chứ thực ra, họ không cảm thấy được sự sắc bén của nó. Nhưng một khi, nó đâm phập xuyên qua người chị, chị mới kêu la đau đớn.
          Giờ đây chúng tôi đau khổ vì mất Thiên Chúa, còn trước kia, chúng tôi có thể nghĩ đến điều đó mà thôi.
          Không phải tất cả các linh hồn trong hỏa ngục đều phải chịu đau đớn như nhau. Một tội nhân càng gây độc ác nhiều, càng cố tình phạm tội chừng nào, thì việc mất Thiên Chúa càng đè nặng trên nó chừng ấy. Và tạo vật mà nó lạm dụng nhiều, càng làm cho nó nghẹt thở hơn.
          Người Công Giáo sa Hỏa Ngục, thì phải chịu cực hình hơn người theo các tôn giáo khác, vì họ thường nhận được nhiều ân sủng và ơn soi sáng hơn, nhưng họ đã khinh chê, và chịu đau khổ hơn những kẻ hiểu biết ít. Những kẻ phạm tội vì ác tâm sẽ chịu khốn khổ hơn những kẻ sa ngã vì yếu đuối.
          Nhưng không có ai phải chịu cực hình hơn mức hình phạt nó đáng phải chịu. Than ôi ! Chớ gì điều đó không đúng sự thật ! Và như vậy, tôi sẽ có lý do để căm hờn.
Một hôm, chị nói với tôi rằng: Không có người nào sa Hỏa Ngục, mà lại không biết mình sẽ phải sa Hỏa Ngục. Điều này đã được mặc khải cho một Thánh Nữ. Nghe chị nói lúc ấy, tôi mỉm cười. Nhưng lập tức, dựa vào câu nói của chị, tôi nghĩ thầm trong bụng:” Nếu như vậy, thì khi cần, mình có thể quay trở về”.
          Tư tưởng chị rất đúng. Thực vậy, trước khi tôi bị chết bất thần, tôi không hiểu rõ thế nào là Hỏa Ngục, nhưng tôi đã có một ý thức rõ rệt về chốn này:” Nếu chị chết, chị sẽ đi ngay vào Thế Giới Vĩnh Cửu, như một mũi tên ghim thẳng vào Thiên Chúa. Chị sẽ mang hậu quả của việc đó”.
          Nhưng không vì thế mà tôi thay đổi, bởi lẽ, tôi đã quá ăn sâu vào tập quán, như tôi đã nói với chị. Tôi bị thói quen thúc đẩy và lôi kéo. Càng lớn tuổi, người ta càng muốn sống theo thói quen của mình. Cái chết của tôi xảy đến đang khi tôi ở trong tình trạng như thế.
         
          Đã một tuần rồi, nếu tính theo ngày giờ của chị ở trần gian. Còn nếu xét theo sự đau khổ của tôi, thì có thể nói, tôi đã bị thiêu đốt trong lửa Hỏa Ngục từ 10 năm rồi.
          Như vậy, buổi đi chơi Chúa Nhật tuần trước của vợ chồng tôi, là buổi đi chơi cuối cùng. Bình minh hôm đó thật tươi đẹp, tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn bao giờ hết, tuy vậy, một cảm giác hạnh phúc quái lạ tràn ngập tâm hồn tôi và cứ theo tôi suốt ngày.
          Trên đường trở về, bỗng nhiên chồng tôi bị hoa mắt khi thấy một chiếc xe hơi khác xả hết tốc lực phóng tới. Chàng mất bình tĩnh. Tiếng “Giê-su !” buột ra khỏi miệng tôi, như một tiếng kêu kinh hãi. Không phải là một lời cầu xin, mà chỉ là một tiếng kêu. Thế rồi, một cảm giác đau đớn kinh khủng xé nát toàn thân tôi. Nhưng nếu so sánh với sự đau khổ bây giờ trong Hỏa Ngục, thì cơn đau đớn lúc ấy thật như trò đùa, chẳng thấm vào đâu. Sau đó, tôi mất hết cảm giác.
          Một điều lỳ lạ là sáng Chúa Nhật hôm đó, một ý tưởng đến trong trí tôi một cách không thể giải thích được: “con chỉ còn có thể đi Lễ một lần nữa”. Ý tưởng này vang lên trong tâm trí tôi như một lời van xin. Tiếng trả lời rất rõ ràng và cương quyết của tôi là “KHÔNG”, đã làm im bặt ý tưởng đó. Tôi nghĩ rằng:“Cần phải chấm dứt hẳn những việc như thế. Tôi sẽ gánh hết mọi hậu quả của công việc này”. Và đúng  như vậy, bây giờ tôi phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt đó.
          Những gì xảy ra sau khi tôi chết, chị biết rồi. Số phận của chồng tôi, má tôi, cũng như những gì xảy đến cho thi hài tôi, và lễ nghi an táng, tôi đều biết rõ ràng từng chi tiết, nhờ khả năng tri thực tự nhiên của chúng tôi ở Hỏa Ngục.
          Về những việc xảy ra trên dương thế, chúng tôi chỉ biết một cách lờ mờ, nhưng những gì liên hệ gần gũi đến chúng tôi, thì chúng tôi biết rõ ràng. Vì thế, tôi biết bây giờ chị ở đâu.
          Riêng phần tôi, vào chính lúc tôi chết, tôi bỗng thấy mình thình lình bừng tỉnh dậy khỏi một đám mây mù. Và tôi ở ngay chỗ xác tôi đang nằm. Sự việc xảy ra như trong một rạp hát, khi bất thần ánh đèn tắt hết, chỉ để hiện ra trên sân khấu màn kịch mà thôi. Bức màn rẽ đôi, kéo về hai bên với tiếng ồn ào. Bất ngờ, hiện ra trên sân khấu một cảnh trí chói sáng một cách kinh hoàng: Đó là màn phô diễn cảnh cuộc đời tôi đã sống trước kia.
          Linh hồn tôi nhìn vào chính linh hồn tôi, như nhìn vào một tấm gương. Tôi thấy những ân sủng mà tôi đã khinh chê từ buổi thiếu thời cho đến tiếng “KHÔNG” sau cùng mà tôi đã trả lời vào mặt Chúa.
          Tôi cảm thấy mình như một tên sát nhân trong một phiên xử trước tòa án. Người ta mang đến trước mặt tôi xác của nạn nhân, một cái xác không hồn.

          TÔI HỐI HẬN Ư ?  - KHÔNG BAO GIỜ !
          TÔI XẤU HỔ Ư  ?   - KHÔNG BAO GIỜ !

          Tuy nhiên, tôi không thể nào chịu đựng được sự hiện diện trước mặt Thiên Chúa, là Đấng, tôi đã từ bỏ. Tôi chỉ còn biết một điều: “ chạy trốn !”
          Nếu Cain chạy trốn khỏi xác Abel (em của mình) thế nào, thì linh hồn tôi cũng bị đẩy ra xa khỏi cái cảnh khủng khiếp đó như vậy.
          Và đây là bản án trong phiên tòa PHÁN XÉT RIÊNG. Quan tòa vô hình đã tuyên án:
         
          “ HÃY LÁNH XA TA  ! ”

          Thế là linh hồn tôi, như một cái bóng đen, nhuốm đầy diêm sinh, lao mình vào cõi khổ hình muôn đời.


BỨC THƯ HỎA NGỤC kết thúc như vậy. những câu cuối cùng không đọc ra được. Nét bút lệch lạc, méo mó.
Còn chính bức thư, thì bỗng nhiên biến thành nắm tro tàn trong bàn tay tôi.




No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List