KHIÊM CUNG
Tôi vẫn tin, một cách cực đoan, rằng chỉ có nền giáo dục tử tế mới
có những con người tử tế và biết cách khiêm cung, biết cách giới hạn lòng tự
tôn và biết cách kiểm soát bản thân trước những lời khen. Chẳng có gì nhanh
chóng đẩy chúng ta xuống vực bằng cách thỏa mãn sự vuốt ve lẫn sự tự vuốt ve.
Giới học giả trước 1975 tại miền Nam gần như chẳng ai phách lối coi mình là cái
rốn của vũ trụ, kể cả triết gia cực ngông Phạm Công Thiện.
Sự khiêm cung thể hiện ở ngay trong tác
phẩm họ soạn hoặc dịch. Trong “Nam Hoa Kinh” (Tủ sách Tân Việt xuất bản, 1962),
dịch giả – cụ Nhượng Tống – viết lời mở đầu: “… Tôi mong các bạn sẽ phân-tích
và được chịu những lời dạy-bảo cao-minh. Tài học tôi có lẽ chưa đủ hiểu hết
phần cao-siêu trong học-thuyết Trang và chưa đủ quyền nói đến những chuyện mà
phạm-vi là “vô cực”…
Trong “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” (NXB Hiện Tại, 1959), Linh
mục Mậu Hải viết lời giới thiệu cho tác giả-Linh mục Nguyễn Hồng: “… Nhưng trí
một người có hạn, óc cá nhân có mức nên tác giả cũng như kẻ cầm bút viết mấy
lời này vẫn thành thực thầm ước được nghe lời chỉ giáo của chư độc giả bốn
phương”. Và trong “Việt Nam Văn học Sử yếu” (Trung tâm Học liệu, Bộ giáo dục
VNCH, 1968), cụ Dương Quảng Hàm viết: “…. Quyển sách này còn có nhiều chỗ
thiếu-thốn sơ-lược, sau này cần phải bổ-khuyết hoặc giải-thích thêm…, ngõ-hầu
một ngày kia tìm thấy những hoa lạ quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành
lá rậm-rạp, thì thật là hân-hạnh cho chúng tôi lắm”.
Mà không phải trong
giới nghiên cứu học thuật mới có sự khiêm cung. Trong khoa học cũng tương tự.
Có thể thấy điều này trong giới khoa học thuộc cộng đồng Việt kiều. Chúng ta đã
nghe nói đến kỹ sư Đinh Trường Hân (đoạt giải môi sinh của Nhà Trắng năm 2006,
được tạp chí Public Works chọn là một trong 50 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn
nhất nước Mỹ năm 2006); từng nghe nói đến bà Lê Duy Loan (kỹ sư Texas
Instruments-TI; với hàng chục bằng sáng chế; trở thành phụ nữ đầu tiên và là
gương mặt châu Á đầu tiên được bầu làm viện sĩ TI – chức danh trước đó chỉ được
trao cho bốn gương mặt nam trong lịch sử TI); từng nghe nói đến bà Dương Nguyệt
Ánh (tổng giám đốc Phòng khoa học-kỹ thuật thuộc Trung tâm chiến sự Hải quân
Hoa Kỳ, người thiết kế bom cực mạnh chuyên phá hầm bêtông); từng nghe nói đến
ông Trung Dũng (tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Boston; cử nhân toán và khoa
học máy tính Đại học Massachusetts; từng xuất hiện trên các tạp chí Forbes,
Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle cũng như trong
quyển The American Dream của nhà báo kỳ cựu Dan Rather)… Chúng ta đã nghe về
tài năng của họ. Điều chúng ta chưa nghe đến là thái độ vung vẩy ngạo mạn lố
bịch của họ. Có lẽ điều đó không bao giờ xảy ra.
Gần đây, trong chương trình “Tôi Là Người Việt Nam”, cô Nguyễn Cao
Kỳ Duyên cũng kể đến trường hợp ông Trịnh Tiến Trinh, người dù từng được giải “NASA’s
Inventor of The Year 1992″ nhưng vẫn thấy… “mắc cỡ” khi được ông Nguyễn Ngọc
Ngạn dùng từ “khoa học gia” gọi mình. Hoặc chuyện ông Đinh Xuân Anh Tuấn (bác
sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu). Khi được ông Ngạn hỏi: “Ông vừa là một bác sĩ,
vừa là một nhà giáo vậy ông muốn tôi xưng bác sĩ hay giáo sư?”. Ông Tuấn trả lời:
“Thưa anh Ngạn, tôi chỉ là một bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân và một giáo sư
khi đứng trước học trò, còn ở đây anh cứ gọi bằng tên thường được rồi”.
Khiêm cung. Tại sao họ lại khiêm cung? Họ hẳn hiểu rằng chẳng ai có
thể toàn bích và sự hiểu biết dù mênh mông của họ vẫn luôn có những giới hạn
nhất định… Cá nhân tôi vẫn tin rằng, một cách cực đoan, chỉ có một nền giáo dục
tử tế mới sinh ra những con người tài năng và khiêm cung.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Xem thêm:
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___
No comments:
Post a Comment