Popular Posts

Friday, September 18, 2015

NGUYỄN DU TRÊN QUÊ HƯƠNG ĐỖ PHỦ




 


NGUYỄN DU TRÊN QUÊ HƯƠNG ĐỖ PHỦ

TS.Phạm Trọng Chánh


Lẻ loi buồn khóc phận tha phương, 
Tứ thu một chiếc thuyền không lái

Khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789, Nguyễn Du đang thăm mộ Đỗ Phủ tại Lỗi Dương, Trung Quốc, khi Nguyễn Du đến Tín Dương, Hà Nam thì « Ngọn gió Tây Phong làm rung động cả đất Bắc », câu thơ « Tây phong biến dị hương » bài Tín Dương tức sự cho ta biết sự kiện này. Một đoàn quân 290 000 người  bại trận của Tôn Sĩ  Nghị, bao nhiêu người không về, bao nhiêu vợ góa, con côi. Nhân dân Trung Quốc đang lầm than khốn khổ vì nạn vơ vét lính tráng ra chiến trường, thóc lúa dành cho ngựa tốt, cho đội quân viễn chinh, dân chúng phải ăn cám, nay bao nhiêu xương trắng nơi chiến trường Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi; cầu phao đứt, xác quân  Thanh, tắt  nghẽn cả sông Hồng. Nguyễn Du từ Trung Quốc đang sống với tâm sự giống như thời đại của Đỗ Phủ.
Đỗ Phủ (712-770)  thời nhà Đường, sống trong thời đại loạn An Lộc Sơn  trong 8 năm, làm tiêu hao 2/3 dân số Trung Quốc. Năm 755 nước này có 52,9 triệu dân, đến năm 764 chỉ còn 16, 9 triệu. Số dân còn lại cũng bị di dời ly tán, thời đại máu và nước mắt con người thành sông, thành suối, thi ca Đỗ Phủ cũng phản ảnh nỗi bi thương của con người trong chiến tranh, loạn lạc, vợ chồng xa lìa vì chiến tranh, dân đói khổ phải ăn cám thay cơm và chính bản thân nhà thơ cũng sống cuộc đời tan tác, cùng khổ.

Đỗ Phủ (杜甫)

Bài thơ Nguyễn Du viết về mộ Đỗ Phủ tại Lỗi Dương trong thời đi giang hồ năm 1789 Hai câu thơ : Lẻ loi buồn khóc phận tha phương, Tứ thu một chiếc thuyền không lái, cho ta biết Nguyễn Du đã đi một mình qua nơi này. Khi đi sứ,  với sứ đoàn 27 người, hàng trăm quân hộ tống, mang phẩm vật cống sứ, Nguyễn Du lại đi qua Lỗi Dương, vùng đất ở đông nam huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam trong khoảng thời gian từ 17-8 đến 27-7 năm Quí Dậu  I813.
Theo tiểu sử thì Đỗ Phủ mất trên một con thuyền ở phía thượng du sông Tương. Lúc ấy gia đình nghèo không thể đem về quê an táng được bèn chôn ở Nhạc Châu. Hơn 40 năm sau năm 813 cháu là Đỗ Tư Nghiệp mới dời thi hài từ Nhạc Châu về Yển Sư, táng dưới núi Thú Dương, tỉnh Hà Nam gần mộ Đỗ Dư tổ 13 đời và Đỗ Thẩm Ngôn (ông). Tuy vậy ở Lỗi Dương cũng có một ngôi mộ giả để kỷ niệm nhà thơ. Ngôi mộ này do huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp xây. Nguyên lúc còn sống, Đỗ Phủ đến Hành Châu định xuống Bàn Châu ở phía nam để tìm ông cậu là Thôi Vỹ làm Lục sự tham quân ở đó. Huyện lệnh Lỗi Dương được tin, gửi thư thăm và biếu nhà thơ rượu thịt. Đỗ Phủ có làm một bài thơ cảm ơn. Nhưng gặp lụt nước sông to, không đem bài thơ đó đến họ Nhiếp được, mà lại trở về Hành Châu. Đến khi nước xuống, họ Nhiếp cho người tìm nhà thơ, nhưng không thấy, tưởng nhà thơ bị nước cuốn chết, nên xây mộ làm kỷ niệm.
MỘ ĐỖ THIẾU LĂNG Ở LỖI DƯƠNG
Bài I
Văn chương nghìn thuở, thầy nghìn năm,
Khâm phục trọn đời kính một lòng.
Tùng bách Lỗi Dương đâu đó nhỉ,
Đêm thu rồng cá nhớ đau lòng,
Chẳng sống chung thời mà nhỏ lệ,
Há vì nghèo khổ bởi thơ văn.
Lắc đầu chứng ấy bao giờ hết,
Dưới đất đừng cho quỉ hé răng.
Bài I I
Khi đọc  “mũ nho lụy tấm thân”,
Là lần thương khóc  Đỗ Thiếu Lăng.
Văn chương ngời sáng dùng chi nhỉ ?
Nam nữ khóc than xót nỗi lòng.
Ai cũng từng khen thầy vạn thuở,
Lẻ loi buồn khóc phận tha phương.
Tứ thu một chiếc thuyền buông lái.
Trông ngóng mây chiều đất Lỗi Dương.
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LỖI DƯƠNG ĐỖ THIẾU LĂNG Mộ
I
Thiên cổ văn chương thiên cổ sư(si),
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở tư (ti).
Dị đại tương liênkhông sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi.
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị,
Địa hạ vô linh quỉ bối xi.
I I
Mỗi độc ‘ nho quan đa ngộ thân,’
Thiên niên nhất khốc  Đỗ Lăng nhân.
Văn chương quang diệm thành hà dụng,
Nam nữ thân ngâm bất khả văn.
Cộng tiễn thi danh sứ bách thế,
Độc bi dị vực ký cô phần.
Biên chu giang thượng đa thu tứ,
Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân.
Chú thích:
Ngư long: bài Thu hứng của Đỗ Phủ có câu: Ngư long tịch mịch thu giang lãnh. Cố quốc binh cư hữu sở tư. Cá rồng vắng vẻ sông thu vắng. Nước cũ ngày nao cứ tưởng mơ.
Theo lời căn dặn của vua Càn Long:  mục tiêu của Tôn Sĩ Nghị đem quân qua Việt Nam, không phải để đánh quân Tây Sơn, vì quân Tây Sơn không dám đánh quân Thiên triều, cho nên mục tiêu là giúp đỡ vua Lê Chiêu Thống đánh Tây Sơn. Hai bên đánh nhau đến sức lực cùng kiệt, thì quân Tôn Sĩ Nghị mới ra tay thực hiện kế “ ngư ông đắc lợi”, trai cò đánh nhau, trai kẹp mỏ cò, ngư  ông bắt cả hai  bỏ vào giỏ, biến nước Nam thành quận huyện,  Do âm mưu đó, các quan tướng nhà Thanh đánh giá quá cao Lê Chiêu Thống, và khinh thường quân Tây Sơn không dám đá động đến quân thiên triều. Đó là âm mưu sâu hiểm của các triều đình Trung Quốc từ xưa đến nay. Họ chẳng thương gì Trần Ích Tắc đến Lê Chiêu Thống mà ra tay viện trợ giúp đỡ tình nghĩa môi hỡ răng lạnh. Đến khi Lê Chiêu Thống và các quan tùy tùng chạy qua đến Trung Quốc, thì các quan nhà Thanh bắt gọt đầu để đuôi sam, ăn mặt mốt  Mãn Châu, các quan  Việt Nam lần lượt bị đày đi các nơi xa xôi hẻo lánh, để  vua Càn Long tiếp rước vua Quang Trung giả (do chính các quan nhà Thanh  thông đồng hiến kế ) và sứ đoàn 158 người và hai con voi đực.
Trong bài Minh Ninh Giang Chu hành,  thi hào  Nguyễn Du viết: Đường Trung Hoa sâu hiểm và quanh co như lòng người. Trung tín thảy không nhờ cậy được, là thế đó. Lời Nguyễn Du còn giải thích cho chuyện 300 000 quân Tưởng Giới Thạch sang giải giáp  quân đội Nhật năm 1945 và chuyện  Chiến tranh Việt Trung năm 1979, không phải là chuyện bất ngờ Đặng Tiểu Bình cho Việt Nam bài học, mà là một kế hoạch đã chuẩn bị từ lâu dài. Theo lời nhà thơ Huy Cận thổ lộ  với tôi khi ông còn sống : Trong chiến tranh lấy cớ viện binh làm đường, 300 000 quân Trung Quốc đã cho xây dựng làng xóm biệt lập,  căn cứ quân sự từ Lạng Sơn đến Hà Nội, và đã chuẩn bị sẵn một chính phủ Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng. Sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam, khiến cho lực lượng quân sự miền Bắc còn nguyên vẹn, đã cứu vãn số phận Việt Nam, chứ nếu đánh nhau như sấm truyền (không biết từ đâu tung ra) “mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”. Hay Mỹ tiếp tục ném chừng 1 trái bom khủng như trận Xuân Lộc, thì số phận Việt Nam sẽ mất cả cờ đỏ sao vàng và trở thành  thêm một ngôi sao tự trị trên lá cờ Trung Quốc.
Lòng trời chưa muốn nước Nam thành một quận huyện Trung Quốc. Lê Chiêu Thống chẳng làm ăn ra gì, không trở thành anh hùng để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, để người Việt Nam ra thái bình trong rọ của Trung Quốc, Chiêu Thống suốt ngày chỉ đến hầu hạ xin xỏ Tôn Sĩ Nghị mà không tạo dựng nổi một lực lượng đương đầu nổi với Tây Sơn, thóc gạo, thuế má không thực hiện được để cung ứng cho nhu cầu quân Trung Quốc, các cuộc nổi dậy lần lượt thất bại. Lời căn dặn của vua Càn Long:Quân Tây Sơn có voi, nhưng voi cũng là da thịt cứ xông đến chém bừa voi sẽ bỏ chạy quân Tây Sơn sẽ hổn loạn tan vỡ.(xem Hoàng Lê Nhất Thống Chí).  Do sự khinh thường đó, quân Trung Quốc hai phần ba là phu dịch chuyển vận quân lương vũ khí,  số còn lại là tráng sĩ xếp bút nghiên, cày cuốc theo việc đao binh lìa vợ lìa con như  bao cảnh khổ trong thơ Đỗ Phủ mô tả . Khi Quang Trung Nguyễn Huệ mở các cuộc chiến thần tốc vào Hà Hồi, Ngọc Hồi, các đoàn quân đi trước dùng ván phủ rơm hứng tên đạn từ thành bắn ra,  đến khi tên đạn cùng kiệt,  khi tượng quân xông lên, với súng hỏa hổ từ trên mình voi bắn xuống, chẳng có quân Thanh nào dám xông vào đâm  da thịt voi, mà chỉ bỏ chạy chen lấn qua cầu phao sông Hồng, cầu sụp chết đuối, tướng Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy về nước  bỏ cả ấn tín, thất bại Tôn Sĩ Nghị bị tước hết chức vụ, quyền lực. Vua Quang Trung lại cho viết thơ cầu hòa, cho mang ấn tín sang nộp nhà Thanh,  đổ lỗi cho quân Tôn Sĩ Nghị thấy voi bỏ chạy chẳng đánh đấm gì cả. Vua Càn Long đã chán nãn với chiến tranh nên bằng lòng, các quan triều Thanh cũng chẳng muốn nhọc công, đòi Nguyễn Huệ sang chầu để làm lễ ôm gối nhận làm cha con và đòi cống hai con voi để xem voi nó ra thế nào ?  Cuộc tháo chạy của Tôn Sĩ Nghị làm chấn động  nước Trung Hoa, qua khỏi biên giới hằng mấy mươi dậm dân chúng cũng bỏ chạy , thôn xóm không còn nghe tiếng chó sủa. Từ Tín Dương, tỉnh Hà Nam,  Nguyễn Du viết bài Tín Dương tức sự:
Huyện Tín Dương ở đầu tỉnh Hà Nam (Tỉnh Hà Nam ở trung tâm Trung Quốc với diện tích 160 000km2, hiện nay 105 triệu dân), nơi đây là trung tâm của thiên hạ, vùng Hoa Hạ, vùng lòng đỏ trứng gà của Trung Quốc có những thành phố từng là kinh đô Khai Phong, Trịnh Châu, Lạc Dương.., thời cổ Hà Nam là đất giữa chín châu, bia chép đây là đất Thân do vua nhà Chu lập ra để phong cho con cháu Bá Di, Thúc Tề. Từ nơi đây có núi non trùng điệp ngăn cách bờ cõi nước Sở. Do cuộc chiến tranh cứu viện cho Lê Chiêu Thống, triều đình thu góp lúa ngon, dành cho ngựa và quân ra tiền tuyến của Tôn Sĩ Nghị, dân chúng Trung Quốc các nơi phải ăn độn tấm cám.  Khắp nơi mọi người đều lo lắng , oán giận cho việc chinh chiến, sưu cao thuế nặng, dân chúng thiếu ăn vì gánh vác cho cuộc viễn chinh, giờ đây cuộc chiến bại của Tôn Sĩ Nghị làm rung động cả đất khách Trung Quốc.
TỨC SỰ Ở TÍN DƯƠNG
Tín Dương đầu Hà Nam,
Thiên hạ đất trung tâm.
Phiến đá dấu Thân Quốc,
Núi  non nước Sở  phân.
Ngựa chiến đòi thóc lúa
Dân than trộn cám ăn.
Tóc bạc hờn thu đến ,
Đất khách  gió Tây  rung.
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TÍN DƯƠNG TỨC SỰ
Hà Nam thủ Tín Dương,
Thiên hạ thử trung ương.
Phiến thạch tồn Thân quốc,
Trùng sơn hạn Sở cương
Mã minh tư tự mạt,
Dân thục bán tì khang.
Bạch phát thu hà hạn,
Tây phong biến dị hương.

Bài Ngẫu hứng, Nguyễn Du cũng làm tại Tín Dương, Hà Nam cùng lúc cho thấy: Trên thành Tín Dương vang lên tiếng kèn buồn thảm. Buồn thảm  không khí một cuộc chìến tranh thất bại.  Hơi thu giá lạnh tràn ngập nhà dân Hà Nam. Mọi người lo lắng, tin tức những người thân ra đi vào chốn chiến trường, qua Quỉ Môn Quan, Chi Lăng nơi có tiếng xưa nay mười người đi chỉ một người về. Quay lại quê nhà xa cách  vạn dậm quay đầu nhìn lại. Phía Nam mây trắng nhiều không kể xiết. Địch Nhân Kiệt đời nhà Đường trỏ đám mây trắng ở chân trời mà nói rằng nhà của ta dưới đám mây đó. Bài thơ cho thấy một không khí buồn thảm, như tiếng kèn, như hơi thu mới đến tại Trung Quốc. Nguyễn Du quay nhìn về chốn quê hương xa vời, niềm vui như mây trắng bay về. Nguyễn Du được tin anh Nguyễn Nể ra làm quan Tây Sơn được trọng dụng được cử làm Phó Sứ đi sứ nhà Thanh trong đoàn sứ đầu tiên triều Tây Sơn. Sứ đoàn vừa về thì một sứ đoàn khác lại được cử đi, nhiều người trong sứ đoàn cũ lại nhập vào sứ đoàn mới. Vua Quang Trung giả sang Trung Quốc trong sứ đoàn do Phan Huy Ích làm chánh sứ,  trong sứ đoàn còn có Đoàn Nguyễn Tuấn, và các bạn thân thiết của anh Nguyễn Nể. Vua Quang Trung thật  ẩn danh ngay tại Thăng Long, không họp triều chính,  kín đáo cải trang, ngày ngày cỡi ngựa quý sang đàm đạo với anh Nguyễn Nể, người được nhà vua nể vì học thức,  nơi tư dinh Kim Âu được dựng lại  ở Bích Câu.
NGẪU HỨNG
Tín Dương vang tiếng kèn ai oán,
Thu lạnh Hà Nam đến mọi nhà.
Quê hương muôn dậm quay đầu lại,
Mây trắng trời Nam bát ngát qua.
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NGẪU  HỨNG
Tín Dương thành thượng động bi già,
Thu mãn Hà Nam bách tính gia.
Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ,
Bạch vân nam hạ bất thăng đa.



TỪ BINH XA HÀNH CỦA ĐỖ PHỦ ĐẾN TRỞ BINH HÀNH CUẢ NGUYỄN DU
Nguyễn Du chịu nhiều ảnh hưởng Đỗ Phủ  trong việc mô tả chiến tranh, ta thử đặt bên cạnh hai bài thơ của hai thi hào cùng mô tả việc chiến tranh:  Xe lăn bánh, ngựa hí vang, người đi đeo cung tên bên hông. Cha mẹ vợ con chạy theo đưa tiễn. Bụi mờ che khuất cầu Hàm Dương. Người níu áo, chận đường khóc. Tiếng khóc vang lên cả chín tầng mây. Khách qua đường thấy hỏi người chung quanh. Người kể bị bắt đi mấy lần, từ 15 tuổi đã đi phòng đê điều, bốn mươi tuổi bị bắt đi khẩn ruộng hoang. Ngày đi ông Lý còn để chỏm, ngày về đầu bạc, lại bị bắt đi nữa ra chiến trường biên giới. Biên cương máu chảy thành biển đỏ. Ý định mở cõi của nhà vua vẫn chưa từ bỏ. Anh có nghe không Sơn Đông hai trăm châu, ngàn thôn xóm hoang vu. Nếu có đàn bà khỏe cuốc cày, thì làng xóm lúa tốt mọc khắp đồng. Người thanh niên như gà chó bị lùa đi, thương tình ông muốn hỏi. Nỗi hờn người dân nói được chi. Mùa đông năm nay,  dân đi lính chưa được nghỉ, quan huyện đòi tô thuế cao, lấy đâu tiền nộp thuế. Mới biết là sinh con trai, chẳng bằng sinh con gái, con gái gả ở gần nhà, con trai xác thân vùi nơi cỏ dại. Anh có thấy nơi miền Thanh Hải, Tân Cương, xương trắng người chết trận có ai nhặt đâu ? Ma mới kêu oan, còn ma cũ khóc, trời mưa thấm ướt tiếng hu hu. Bài thơ chống chiến tranh của Đỗ Phủ thật là tuyệt tác.
BINH XA HÀNH (ĐỖ PHỦ)
Xe lăn lăn,
Ngựa hí vang
Người đi cung tên đeo bên hông.
Cha mẹ, vợ con chạy đưa tiễn,
Bụi mờ  che khuất cầu Hàm Dương.
Níu áo dậm chân, chặn đường khóc,
Tiếng khóc vang cao mây chín tầng.
Khách qua đường thấy, hỏi người quanh,
Người kể: bắt đi đã mấy lần.
Lấy từ mười lăm  phòng đê điều,
Cho đến bốn mươi ra khẩn điền.
Ngày đi ông lý còn để chỏm,
Trở về đầu bạc lại  đi biên ,
Biên cương máu chảy thành biển đỏ,
Mở cõi nhà vua chưa muốn bỏ.
Anh chẳng nghe: nhà Hán Sơn Đông hai trăm châu,
Ngàn thôn, vạn xóm hoang vu cỏ.
Ví có đàn bà khỏe cuốc cày,
Lúa mọc  tốt tươi tràn khắp chốn.
Luống nữa quân Tần quen gian khổ.
Khác chi gà chó bị lùa đi !
Thương tình ông muốn hỏi:
Nỗi hờn nói được chi.
Và mùa đông năm nay,
Lính Quan Tây chưa nghỉ.
Quan huyện đòi bức tô,
Chạy đâu ra tiền thuế ?
Mới biết sinh con trai,
Chẳng bằng sinh con gái.
Sinh gái gả gần nhà,
Sinh trai vùi cỏ dại!
Anh có thấy nơi miền Thanh Hải,
Xương trắng xưa nay ai nhặt đâu ?
Ma mới kêu oan, ma cũ khóc,
Trời mưa thấm ướt tiếng  hu hu.
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

BINH XA HÀNH  (ĐỖ PHỦ)
Xa lân lân,
Mã tiêu tiêu.
Hành nhân cung tiễn các tại yêu.
Gia nương thê tử tẩu tương tống,
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều.
Khiên y đốn túc lạn đạo khốc,
Khốc thanh trực thướng can vân tiêu.
Đạo bàng quá giả vấn hành nhân,
Hành nhân đãn vân: điểm hành tần.
Hoặc tòng thập ngũ bắc phòng hà,
Tiện chí tứ thập tây doanh điền.
Khứ thời lý chánh dữ khỏa đầu,
Qui lai đầu bạch hoàn thú biên.
Biên đình lưu huyết thành hải thủy,
Vũ Hoàng khai biên ý vị dĩ.
Quân bất văn: Hán gia Sơn Đông nhị bách châu,
Thiên thôn vạn lạc sinh kinh kỳ ?
Túng hữu kiện phụ bả sừ lê,
Hòa sinh lũng mẫu vô đông tê.
Huống phục Tần binh nại khổ chiến,
Bị khu bất dị khuyển dữ kê !
Trưởng giả tuy hữu vấn,
Dịch phu cảm thân hận !
Thả như kim niên đông,
Vị hưu Quan Tây tốt.
Huyện quan cấp sách tô,
Tô thuế tòng hà xuất ?
Tín tri sinh nam ác,
Phản thị sinh nữ hảo.
Sinh nữ do đắc giá tị lân,
Sinh nam mai một tùy bách thảo.
Quân bất kiến Thanh Hải đầu,
Cổ lai bạch cốt vô nhân thu ?
Tân quỷ phiền oan, cựu quỷ khốc,
Thiên âm vũ thấp, thanh thu thu.

Nguyễn Du có bài Trở binh hành  tả cảnh chiến tranh tương tựa như Đỗ Phủ, ta thử xem  Nguyễn Du viết thế nào so với bài thơ Đỗ Phủ. Nguyễn  Du đến hai huyện Hoạt, Tuấn ở phía Bắc tỉnh Hà Nam trong khoảng trước 22 tháng 8 năm Quý Dậu 1813. Năm 1789, 1790 Nguyễn Du cũng từng qua tỉnh Hà Nam. Nguyễn Du  viết bài trở binh hành năm nào ?  Trong bài thơ có những chi tiết: Năm ngày đậu thuyền không ăn. Có thể nào quan lại địa phương và quan lại hộ tống bỏ đói một sứ đoàn triều cống trong 5 ngày. Một khi có giặc, có cướp chận đường vị tướng Trung Quốc chỉ huy lộ trình tất phải thông báo các nơi tìm đường khác, không thể để đồ cống phẩm đi ngang chỗ giặc giả cướp bóc như thế. Trong bài thơ có câu: đầy thành Tây phong thổi máu tanh, tại sao Nguyễn Du viết câu này, tôi cho rằng vì ảnh hưởng cuộc chiến tại Việt Nam, nhà Thanh phải vơ vét lính tráng, thóc lúa chi viện cho cuộc chiến, nhân dân Trung Quốc đói khổ than oán, thừa cơ giặc Bạch Liên Giáo nổi lên.  Bạch Liên Giáo, một tổ chức chính trị, nhuốm màu sắc đạo Lão ra đời từ cuối thời Nguyên. Bạch Liên Giáo khởi nghĩa rúng động tỉnh Hà Nam, lại có cả lực lượng ở hai tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ tương ứng. Trước cuộc chiến sau khi đánh bại nhà Minh dẹp loạn cuối cùng của Minh Vương và Cù Thức Trĩ tại Quế Lâm, chiếm Trung Quốc, triều Thanh được hưởng thái bình trong 200 năm. Cuối thời Càn Long nhân cuộc chiến Việt Nam các cuộc nổi dậy nhuốm màu sắc tôn giáo: từ Bạch Liên Giáo mang màu sắc đạo Lão đến Thiếu Lâm mang màu sắc Phật Giáo. Vua Càn Long từng cho đốt phá Thiếu Lâm Tự. Bài thơ này Nguyễn Du  kết án bọn tham quan Trung Quốc dối gạt dân như đùa bởn như câu nói Mạnh Tử: Dân tử tại tuế bất tại ngã: “Khi dân đói thì đổ lỗi dân chết tại trời nào phải tại ta. Các bảng treo trên thành như đùa còn tiếp tục lừa dối nhân dân, nói dối phía Bắc Hoàng Hà lúa chín reo đầy đồng, dân sẽ được cứu giúp, quan tuần thương dân như cha anh một nhà”.
Bài Binh Xa Hành của Đỗ Phủ xót thương nỗi khổ nhân dân,  đi sưu từ mười lăm tuổi, đến đầu bạc về nhà, rồi lại đi lính nữa. Xương trắng ở sa mạc Gobie,  sa trường miền Thanh Hải, Tân Cương, chết vì chính sách bành trướng  từ nhà Hán đến nhà Đường, hết chinh Đông sang Triều Tiên, chinh Bắc sang  Nội Mông, chinh Nam sang An Nam lại chinh Tây sang  Thanh Hải, Tây Tạng.  Tại Tây Vực, xưong trắng không ai nhặt.  Đồng ruộng không trai tráng cày cấy, phụ nữ phải làm thay, nhân dân rên xiết. Bài Trở Binh Hành Nguyễn Du còn đi xa hơn Đỗ Phủ phê phán chính sách cai trị, đổ lỗi cho trời, lừa gạt nhân dân của quan lại Trung Quốc. Không thể gọi tư tưởng Nguyễn Du tương đồng với Đỗ Phủ, vì Nguyễn Du công nhận Đỗ Phủ là bậc thầy của thi ca mình, nhưng qua  bài thơ cùng một thể loại ta thấy Nguyễn Du còn đi xa, đào sâu, và phân tích đúng nguyên nhân cái khổ đau của nhân dân. Dân đói khổ, lầm than, dân nổi loạn đều do chính sách cai trị của vua quan Trung Quốc. Đi xa hơn nữa ta còn thấy lừa dối nhân dân Trung Quốc, đi gây chiến tranh chinh phục các nước lân cận, để dàn áp sự nổi dậy nhân dân là một truyền thống của  Trung Quốc trong mọi thời.
BÀI HÀNH VỀ BINH ĐAO
LÀM NGHẼN ĐƯỜNG (NGUYỄN DU)
Đồng long cong
Sắt lanh canh.
Gà kêu, chó sủa, xe nhanh chạy dồn.
Nhà giàu đóng cửa, nghèo bỏ ngỏ,
Dìu già, ẳm trẻ vào trong thành.
Tháng sáu, tháng chín chẳng lành.
Hai huyện Hoạt, Tuấn ầm ầm nổi binh.
Giết quan lại, mười giết tám chín.
Đầy thành Tây phong thổi máu tanh.
Sơn Đông, Trực Lê theo cùng,
Bọn Bạch Liên Giáo phép linh đạo tà.
Các quan châu nghe tin giặc đến,
Khiêu đèn đêm lập sổ dân đinh.
Quan võ các châu nghe tin,
Mài dao liếc kiếm thép gươm vang trời.
Dân trong châu nghe tin giặc đến.
Tụm năm ba to nhỏ châu đầu.
Khách từ xa đến biết đâu,
Chỉ nghe thành ngoại tiến lui pháo truyền.
Dân cả miền Hà Nam chấn động,
Hịch lông gà phát vội chạy bay,
Bụi mù tung cuốn trời mây,
Kỵ binh quân bộ chạy đầy dọc ngang.
Quân kỵ mã giương cung sừng cứng,
Tên có lông chim trắng, đầu bầu,
Quân bộ giáo ngắn ngang đầu.
Thép mài tua đỏ treo cầu lững lơ.
Lại binh khí tráng binh mới gọi,
Vót giáo dài trúc võ còn xanh.
Xe lớn thì chỡ dây cung,
Xe nhỏ thì chỡ thanh chông nhọn đầy.
Suốt ngày chạy đường không nghỉ tạm,
Binh giáp đi trăm dặm nối hàng.
Đường xá tắc nghẽn khó chen,
Tiễn xa than thở, tiễn gần lặng im.
Tiến hay lui  khó khăn khôn giải.
Sông Hoàng Hà ngày lại nước dâng.
Năm ngày thuyền đậu không ăn,
Hôm nay châu Vệ cướp ngăn chận đường.
Đường trước mặt bao giờ mới ổn,
Làm sao xe ngày vạn dậm đường,
Bay một hơi đến  Yên Kinh,
Ta nghe hạn hán mất canh vùng này.
Chỉ cấy xuân mà không thu hoạch,
Hồ Nam, Hà Nam nắng chẳng mưa,
Xuân thu bỏ ruộng cày bừa,
Gái trai lớn bé đói đưa mặt mày,
Tấm cám thay cơm, canh bằng rau dại,
Tận mắt nhìn người đói chết lăn.
Hột táo trên túi lóc lăn,
Nhà không người ở vách còn chữ  “tra.”
Mấy trăm hộ đói mà trôi giạt,
Dân  mọn không cam cảnh cơ hàn,
Miếng ăn coi nhẹ thân mình,
Chơi đùa ‘binh khí ao bùn’ nói chi.
Khéo tỏ lòng thương là yên ngay cả.
‘Dân chết vì năm hạn phải đâu ta.’
Dối lòng che mắt thánh ma,
Thấy thành Tân Thịnh như đùa bảng treo:
“Xét hộ cấp lúa dân nghèo,
Bắc Hoàng Hà lúa chín reo đầy đồng.
Trăm ngày nữa vợ con được sống,
Đi về đi chớ có liều mình,
Quan tuần gìn giữ thương dân,
Như cha anh giúp cho dân một nhà.”
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TRỞ BINH HÀNH (NGUYỄN DU)
Kim tương tương,
Thiết tranh tranh,
Xa mã trì sậu, kê khuyển minh.
Tiểu hộ bất bế, đại hộ bế,
Phù lão huề ấu di nhập thành;
Bản địa lục nguyệt chí cửu nguyệt,
Hoạt, Tuấn nhị huyện tề xưng binh.
Tặc sát quan lại thập bát cửu,
Mãn thành tây phong xuy huyết tinh.
Cánh hữu Sơn Đông, Trực Lê đao tương ứng,
Bạch Liên dị thuật đa thần linh.
Châu quan văn tặc chí,
Khiêu đăng chung dạ tịch dân đinh,
Châu biền văn tặc chí.
Ma lệ đao kiếm kiết kiết minh.
Châu nhân văn tặc chí,
Tam tam ngũ ngũ giao đầu tế ngữ thanh y anh.
Hành nhân viễn lai bất giải sự
Đản văn thành ngoại tiến thoái giai pháo thanh.
Hà Nam nhất lộ giai chấn động,
Vũ hịch cấp phát như phi tinh.
Cổn cổn trần ai tế thiên nhật,
Bộ kỵ nhất tung phục nhất hoành;
Kỵ giả loan giác cung,
Trường tiễn mãn hổ bạch vũ linh.
Bộ giả kiên đoản sáo,
Tân ma thiết nhận huyền chu anh,
Hựu hữu tân điểm đinh tráng chi binh khí.
Tước trúc vị thương bì thượng thanh.
Đại xa tải cung chước,
Tiểu xa trang tiêm đinh.
Chung nhật vãng lai vô tạm đình.
Sổ bách lý địa biến qua giáp.
Đạo lộ ủng tắc vô nhân hành.
Trường tống trường thán, đoản tống mặc,
Tiến thoái duy cốc nan vi tình,
Tạc nhật Hoàng Hà thủy đại chí,
Ngũ nhật vô thực thê sa đinh.
Kim nhật Vệ Châu trở đạo tặc,
Bất tri tiền lộ hà thời thanh.
An đắc phong xa nhật vạn lý,
Phi thân nhất tức lai thiên kinh.
Ngô văn nội cố tần niên khổ hoang hạn,
Chỉ hữu xuân tác vô thu thành.
Hồ Nam, Hà Nam cửu vô vũ,
Tự xuân tô thu điền bất canh.
Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc,
Khang tì vi thực lê vi canh.
Nhãn kiến cơ biểu tử dương đạo;
Hoài trung táo tử thân biên khuynh.
Không ốc bích thương hữu “tra “ tự.
Sổ bách dư hộ giai cơ linh.
Tiểu dân bất nhẫn hàn thả cơ.
Cẩu đồ bão úc thân vi khinh.
Hoàng trì lộng giáp bất túc đạo.
Sảo gia tổn tuất đương tự bình.
“Dân tử tại tuế bất tại ngã “
Vật đắc khi tâm tế thánh minh.
Tạc khinh Tân Trịnh thành môn niêm bảng thị:
Án hộ cấp túc tô tàn manh,
Hoàng Hà dĩ bắc mạch hựu thực,
Bách nhật nhi bối thê tử giai đắc sinh.
Qui lai qui lai vật tác tử,
Phủ thần huệ bảo như phụ huynh.
Chú thích :
Hoạt, Tuấn : Hai huyện phía Bắc Hồ Nam.
Sơn Đông : Tỉnh phía Đông sông Hoàng Hà, nơi sinh Khổng Tử.
Trực Lệ : tỉnh phía Bắc sông Hoàng Hà.
Vệ Châu : một châu nhỏ cạnh huyện Hoạt tỉnh Hà Nam.
Tra : Kiểm tra  người chết bị lụt hay đi tha phương cầu thực.
Hoàng trì lộng giáp :  sách Hán Thư : Dân đói làm loạn, như trẻ con chơi đùa binh khí trong ao vũng.
Sách Mạnh Tử : Dân tử tại tuế bất tại ngã.  Lời vua quan không biết chăm dân : Dân chết tại trời làm mất mùa chứ không phải tại ta.
Tân Thịnh : nay là thành Trịnh Châu tỉnh Hồ Nam.
Bài thơ Sở Kiến Hành : Nguyễn Du tả cảnh cùng khổ Trung Quốc trên đường đi nhìn thấy : Có người đàn bà dắt ba đứa con, cùng nhau ngồi ở bên đường. Đứa nhỏ ẳm trong lòng, đứa lớn  cầm chiếc giỏ tre. Trong giỏ đựng những gì ? rau lê, rau hoắc những loại rau  dại hái ở vệ đường lẫn với cám. Quá trưa rồi vẫn chưa được ăn. Áo quần sao mà rách rưới đến thế ! thấy người không dám ngước nhìn lên, nước  mắt chảy ròng ròng trên vạt áo. Bấy con vẫn cười vui, không biết lòng mẹ đau. Lòng mẹ đau như thế nào ?  Năm đói lưu lạc đến làng khác, làng khác mùa màng khá hơn, giá gạo không cao lắm. Bỏ làng đi cũng chẳng tiếc, miễn sao được cứu sống. Một người làm thuê đến kiệt sức, không đủ nuôi bốn miệng ăn. Ngày ngày đi dọc theo đường phố xin ăn. Kế ấy làm sao mà lâu dài được ? Nhìn thấy trước mắt cái lúc bỏ xác bên ngòi rảnh. Máu thịt nuôi sài lang. Mẹ chết không đáng tiếc. Vỗ về con mà thêm đứt ruột. Trong lòng đau xót lạ lùng. Mặt trời cũng vì người mà vàng úa. Gió rét bỗng ào tới, người đi đường lòng quặn đau. Đêm qua ở trạm Tây Hà, tiệc tùng cụng phụng cho đoàn sứ sao mà linh đình thế ! Gân hươu cùng vây cá, đầy bàn thịt lợn thịt dê. Quan lớn chẳng đụng đũa, tùy tùng chỉ nếm qua loa, bỏ mứa không đoái tiếc, chó hàng xóm cũng chán chê cao lương. Không biết trên đường cái quan, có mẹ con nhà này khốn cùng như thế ! Ai vẽ bức tranh này, dâng lên cùng nhà vua.
Điều lạ lùng trong thơ Nguyễn Du, không thấy Nguyễn Du tả cảnh đói khổ ở Việt Nam mà chỉ tả cảnh đói khổ ở Trung Quốc..  Ở Việt Nam, Nguyễn Du chỉ tả cảnh chính mình đói khổ : Bài Khuất thực :Sách vở ích gì cho cuộc sống, nào ngờ đói rách người thương tâm. Một bậc công tử  cha và anh làm quan thủ tướng đầu triều, mà phận mình đói rách đến mức, sau khi học tập cải tạo nơi nhà tù quận công  Nguyễn Văn Thận ra, người thương tâm cho ăn, bạn bè cũ Thực Đình tặng cho chiếc áo vải. Bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du phản phất không khí bài Thạch Hào Lại, bài Khương Thôn của Đỗ Phủ. Nguyễn Du kể lại những điều thương tâm mắt thấy tai nghe nơi đất Trung Quốc khi đi sứ.
SỞ  KIẾN  HÀNH
Thiếu phụ dắt ba trẻ,
Cùng ngồi bên vĩa hè.
Trong lòng ẳm đứa nhỏ,
Đứa lớn cầm giỏ tre.
Có những gì trong giỏ,
Cám lẫn với rau đồng,
Quá trưa chưa ăn uống,
Áo quần sao rách tươm.
Thấy người không dám ngước,
Vạt áo nước mắt ròng.
Bầy con vẫn đùa dỡn,
Nào biết mẹ đau lòng.
Vì sao lòng mẹ khổ,
Năm đói chạy làng bên.,
Làng khác mùa màng khá,
Giá gạo không cao hơn.
Bỏ làng đi chẳng tiếc,
Miễn sao được sống còn.
Làm thuê đến kiệt sức,
Không đủ bốn miệng ăn.
Ngày xin ăn dọc phố,
Kế ấy chẳng lâu dài,
Người bỏ xác ngòi rãnh,
Máu thịt nuôi lang sài.
Mẹ chết không đáng tiếc,
Đứt ruột vỗ về con.
Trong lòng đau xót lạ,
Mặt trời cũng úa vàng.
Gió rét bỗng ào tới,
Người đi đường lòng đau,
Đêm qua Tây Hà trạm,
Linh đình tiệc làm sao !
Gân hươu cùng vi cá,
Đầy bàn thịt lợn dê,
Quan lớn chẳng đụng đũa,
Tùy tùng nếm qua loa,
Bỏ nửa không đoái tiếc,
Cao lương chó chán chê.
Không biết trên đường cái,
Mẹ con khổ trăm bề,
Ai vẽ bức tranh đó
Dâng lên cùng nhà vua.
Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
SỞ KIẾN HÀNH
Hữu phụ huề tam nhi,
Tương tương tọa đạo bàng.
Tiểu giả tại hoài trung,
Đại giả trì trúc khuông.
Khuông trung hà sở thịnh ?
Lê hoắc tạp tì khang.
Nhật án bất đắc thực,
Y quần hà khuông nhương !
Kiến nhân bất ngưỡng thị.
Lệ lưu khâm lang lang.
Quân nhi thả hỉ tiếu,
Bất tri mẫu tâm thương.
Mẫu tâm thương như hà ?
Tuế cơ lưu dị hương.
Dị hương sảo phong thục,
Mễ giá bất thâm ngang.
Bất tích khí hương thổ,
Cẩu đồ cứu sinh phương.
Nhất nhan kiệt dung lực,
Bất sung tứ khẩu lương.
Duyên nhai nhật khất thực,
Thử kế an khả trường.
Nhãn hạ ủy câu hác,
Huyết nhục tự sài lang.
Mẫu tử bất túc tuất,
Phủ nhi tăng đoạn trường.
Kỳ thống tại tâm đầu,
Thiên nhật giai vị hoàng.
Âm phong phiêu nhiên chí,
Hành nhân diệc thê hoàng.
Tạc tiêu Tây Hà dịch,
Cung cụ hà trương hoàng !
Lộc cân tạp ngư xí,
Mãn trác trần trư dương.
Trưởng quan bất hạ trợ,
Tiểu môn chỉ lược thường.
Bát khí vô cố tích,
Lân cẩu yểm cao lương.
Bất tri quan đạo thượng,
Hữu thử cùng nhi nương.
Thùy nhân tả thử đồ,
Trì dĩ phụng quân vương.
Chú thích :
Tây Hà trạm : vùng đất thuộc tỉnh Sơn Tây. Nguyễn Du qua nơi này hai lần lần đi giang hồ và lần đi sứ. Xóm cũ vẫn y nguyên.


Bài Thái Bình mại ca giả: Người hát rong ở phủ Thái Bình tả cảnh ông già mù lòa áo vải một đứa trẻ dắt đi hát rong xin tiền ăn đỡ lòng. Tại sao Nguyễn Du không tả những cảnh này ở Việt Nam, mà tả cảnh này ở Trung Quốc. Phải chăng Nguyễn Du muốn đả phá cái huyền thoại : Nghe nói Trung Quốc no ấm cả. Trung Hoa có kẻ khổ bao nhiêu( Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bảo. Trung Hoa diệc hữu như thử nhân. bài Thái Bình mại ca giả). Sự thật Trung Quốc cũng đầy cảnh đói khổ. Lời Nguyễn Du hơn hai trăm năm qua vẫn còn hiện thực với ngày nay :  Trung Quốc không giải quyết cái đói khổ nhân dân mình, bao nhiêu vùng quê còn đói kém dân chúng thất học, nhân dân bị vơ vét sức lao động, môi trường bị tàn phá khủng kiếp dân chúng đói khổ  bỏ làng mạc ra thành phố làm công nhân, ngủ lê lết trong các công trường, tai nạn hầm mỏ, tai nạn các chất độc hóa học xãy ra hàng ngày. Người dân trung bình muốn mua một căn hộ  nhỏ bé phải hai đời làm việc. Phụ nữ nghèo khó miền Mãn Châu phải trả tiền cho bọn ma cô đi ra nước ngoài làm điếm đứng đầy các hẻm hóc Tây Phương, nhiều người trốn đi để kiếm ăn chết ngộp trong các xe hàng qua các biên giới. Pháp, Anh... Quan lại Trung Quốc hí hửng xem mình là cường quốc hạng nhì, sắm tàu sân bay để hù doạ các nước lân bang, gây chiến hầu hết các nước láng giềng, bất chấp luật biển quốc tế, chiếm cứ, tranh đoạt, phá rặng san hô xây dựng đảo nhân tạo  xây căn cứ quân sự, để chuẩn bị cho chiến tranh, chiếm cứ đường Biển Đông, cho tham vọng bành trướng Con đường tơ lụa hiện đại, tham vọng thu thế giới về một mối, dân Trung Quốc có chết là tại trời, chứ không phải tại mình.

Paris  25-8-2015
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V René Descartes

Tác giả: Hồ Xuân Hương nàng là ai ? Khuê Văn 2000 ;  Nguyễn Du , Mười năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương,  Khuê Văn Paris 2010; Truyện Thơ Odyssée qua 12110 câu thơ lục bát, Khuê Văn 2005; Sử Thi Iliade qua 16933 câu thơ lục bát, Khuê Văn 2009; Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, Khuê Văn 201; Giáo Dục Việt Nam thời Pháp thuộc (1940-1945) Paris 1976; Giáo Dục Miền Nam Việt Nam 1954-1975, Paris 1980; Thơ tình Nhất Uyên (Huy Cận, Xuân Diệu đề tựa), Paris, 1996; Công cha như núi Trường Sơn 1975. Cánh chim từ vùng lửa đỏ (thơ nhạc với Tốn Thất Lập) HSVST 1974; Bóng thời gian, Thời gian ta mãi mãi còn xanh (với Nguyễn Đăng Hưng Liège 1972); Chiêm Bao Trắng, Thơ Sàigon 1969.




Mời đọc những bài viết khác của cùng tác giả :
 
Nguyễn Du lấy bút hiệu là Thanh Hiên, kết hợp từ chữ Thanh, bút hiệu Thanh Liên của thi hào Lý Bạch (701-762), và chữ Hiên thường dùng của gia ...

Đọc “Bắc Hành Tạp Lục” nhiều nhà nghiên cứu có cảm giác Nguyễn Du rất cô đơn trước cảnh sắc và  con người tại Trung Quốc. TS Nguyễn Thị Nương ...
Tưởng nhớ Giáo sư Trần Văn Khê - TS.Phạm Trọng Chánh
Thuở thư sinh lên đường du học Âu Châu  năm 1970, túi đàn cặp sách, tuổi hai mươi : «  cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm », hành trang tôi ...
Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục quyển II,  tr 232 có chép chuyện vua Lê Thánh Tông và Trường Lạc Hoàng Hậu, một chuyện tình tuyệt đẹp, giữa ...
Những năm 1973-1976, đến Paris  tôi bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học, là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho  Họa sĩ Lê Bá ...
Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, bài Thi ca kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc thầy phục hưng ...
Nhân đọc bài : Về cuốn sách được cho là kiệt tác sử học của ông Tiến Anh Hồng Quang đăng trên Nhân Dân Điện tử thứ năm 27-1-2014. Bài viết có nhiều hiểu lầm; Giáo sư Lê Thành Khôi nay đã lớn tuổi 93 tuổi, chẳng phải bận rộn với bài viết nhỏ mọn này, là môn sinh Giáo sư Lê Thành Khôi tôi xin thay mặt Giáo sư trả lời các điểm thắc mắc của ông Tiến Anh Hồng Quang.
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút có nói đến ba nhà thơ lớn, ba bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng : Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Nguyễn Huy ...
Cuối tháng 8-2014  Nhà Xuất bản Thế Giới Hà Nội cho ra mắt quyển  « Lịch Sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XX » của Giáo Sư Lê Thành ...
Victor Hugo là một nhà văn lớn, nhà chính trị Cộng hòa  Pháp, chống lại Đế Chế Napoléon III, từng phải lưu vong xa nước 17 năm. Ông qua đời ...
Sinh ngày 30-7-1945 tại Boulogne Billancourt, ngoại ô Paris, tác giả hơn 30 quyển tiểu thuyết, truyện phim, giải thưởng Văn Chương Hàn Lâm Viện Pháp, giải thưởng Goncourt, tác ...
Trong bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong viết:  “ Từ đó  (sau lần đến thăm xuân 1807) có những lúc tôi phải vào Nam, ra Bắc, không thể cùng ...
Nguyễn Du cho rằng việc vào Nam từ năm 1794 đến 1796 là hoài công, vô ích. Và mong rằng việc ra Bắc năm 1796 sẽ làm nên việc.  Sau ...
Có gì vui hơn, khi những thành quả nghiên cứu văn học của mình được bè bạn Hội Kiều Học trong nước hưởng ứng viết thành tiểu thuyết.  Nhận được ...
Khoảng 10 năm trước năm 1813 Tốn Phong đã đến thăm  Xuân Hương Hồ Phi Mai tại hiệu sách Xuân Hương, Phố Nam thành Thăng Long, thuở ấy nàng ở ...
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc, Nguyễn Du trở về ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm « Chữ tình ... 
Nguyễn Du sau khi đậu Tam Trường (1783) ở Trường thi Sơn Nam lúc 17 tuổi, được anh là Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Trấn thủ Hưng Hóa, ...
Nguyễn Du, mang danh hiệu Chí Hiên, danh hiệu Nguyễn Du dùng cho đến năm 1796, ký tên hai bài thơ  tặng Hồ Xuân Hương, lưu lại trong Lưu Hương ...
Nguyễn Du gọi cuộc đời từ 20 đến 30 tuổi của mình là « 10 năm gió bụi » (1786-1796), gia phả và sách vở giáo khoa trăm năm qua  lại viết ...
Bao nhiêu năm nghiên cứu về Nguyễn Du, chúng ta đã biết hết cuộc đời Nguyễn Du chưa ?  Nguyễn Du có quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm .
“Nhã Ca”  (CANTIQUES) là một tác phẩm văn chương cổ đại của dân tộc Do Thái, cách chúng ta khoảng 630 năm trước Tây lịch. Một áng văn chương trữ ...
Giữa thời điểm các nhà sách hải ngoại thi nhau đóng cửa, người đọc tiếng Việt ngày càng thưa thớt, tác giả gửi sách đi cho các nhà sách, không
Trần Ngọc Quán quê Nghệ An, trước làm quan Cai Bạ doanh Quảng Đức (Chức vụ đứng đầu một doanh, tỉnh Thừa Thiên ngày sau). Tháng 2 năm Ất ..
Hồ Xuân Hương và Phật giáo - TS. Phạm Trọng Chánh
Điều nghịch lý trong thơ truyền khẩu gán cho Hồ Xuân Hương là Xuân Hương thường đi chùa, cuối đời có đi tu một thời gian, nhưng trong thơ lại ...
* Đối thoại: Sở tri chướng và kinh tế thị trường – Phạm Trọng Chánh, Ph.D., Paris, Pháp,  
              Link :
http://giaodiemonline.com/baiup/DTGH(3).htm




__._,_.___

Posted by: Vietsu 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List