ĐỜI
VÔ THƯỜNG
Toàn Không
(Tiếp theo)
2).
TRÁNH CHẾT ĐƯỢC KHÔNG?
Một thời Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt, nước Ma Kiệt
với 500 chúng Tỳ Kheo. Bấy giờ có bốn Phạm Chí đã lớn tuổi thường tu pháp lành,
đã đắc ngũ thông. Một hôm bốn người này bàn với nhau rằng: “Lúc thần chết đến
chẳng tránh một ai, dù là người mạnh khỏe; chúng ta hãy đi ẩn nấp chỗ kín đáo để
thần chết không thấy không biết chỗ ẩn nấp của chúng ta, thì sẽ không chết”.
Lúc ấy một Phạm Chí dùng thần thông bay lên không trung, người thứ hai lặn xuống
dưới đáy biển lớn, người thứ ba chui vào hang núi rồi bít cửa hang lại, người
thứ tư tự chui xuống đất “độn thổ”.
Bốn người trốn thần chết như thế một thời gian chẳng bao lâu người thứ nhất trốn
trong không chết trong không trung, người thứ hai trốn dưới đáy biển chết dưới
đáy biển, người thứ ba trốn trong hang núi chết trong hang núi, người thứ tư trốn
dưới đất chết trong đất.
Bấy
giờ Đức Phật dùng Thiên Nhãn xem thấy bốn Phạm Chí tránh chết đều chết hết, nên
Ngài nói kệ trước các Tỳ Kheo:
Không phải hư không
biển,
Không hang núi dưới
đất,
Không có một nơi
nào,
Thoát khỏi không bị
chết.
Rồi Đức Phật kể câu chuyện bốn Phạm Chí bàn luận và trốn chết như trên để khỏi
chết, nhưng tất cả đều đã chết; rồi Ngài giảng cho các đệ tử muốn khỏi chết phải
suy nghĩ tư duy bốn pháp:
1- Tất cả hành vô
thường.
2- Tất cả hành khổ.
3- Tất cả pháp vô
ngã.
4- Ba pháp trên tận
diệt là Niết Bàn.
Nên cùng tư duy thực hành bốn pháp trên sẽ thoát sinh già bệnh chết, sầu lo khổ
não, các ông nên học điều này.
LỜI
BÀN:
Các Phạm Chí ngoại đạo tu cao nhất chỉ đạt năm Thần thông (ngũ thông), tức là
“Thần túc thông (biến hóa), Thiên nhãn thông (nhìn thấu suốt), Thiên nhĩ thông
(nghe thông suốt), Tha tâm thông (biết tâm ý người khác), Túc mệnh thông (biết
sinh tử luân hồi của mình)”; còn Phật giáo đạt thêm “Sinh tử thông (biết sinh tử
luân hồi của chúng sinh) và Lậu tận thông” (tự biết như thật sạch hết ô uế, sạch
hết vô minh lậu, biết đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi).
Bài Kinh trên đây nói về “không ai trốn khỏi chết” đã rõ ràng. Nhưng phần
chót của bài Kinh, Đức Phật khuyên nên tư duy thực hành bốn pháp, chúng ta thử
phân tích dưới đây:
1. Tất cả hành vô
thường:
Hành là suy nghĩ, tạo tác, người biến chuyển, trải qua, vật biến dịch chuyển động,
vô thường là thay đổi không cố định, nay thế này mai thế khác; vô thường là
tính chất căn bản của đời sống. Tất cả mọi người, mọi sự vật sinh ra đều biến
chuyển, đều có tính chất của bốn giai đoạn “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, hay “Thành,
Trụ, Hoại, Diệt”. Tất cả lời nói, ý nghĩ việc làm đều biến đổi, chẳng thường hằng,
bởi vậy Đức Phật nói: “Tất cả hành vô thường”.
2. Tất cả hành khổ:
Tất cả sự suy nghĩ tạo tác đều đưa đến khổ, vì thay đổi vô thường nên sinh ra
khổ, như già yếu làm khổ, bệnh tật làm khổ, chết làm khổ, tất cả các sự biến đổi
làm khổ chúng sinh. Cái xe, cái bàn, cái nhà lâu ngày cũ hỏng làm cho lo buồn,
vì sự chuyển đối biến dạng ấy gây nên biết bao lo âu buồn rầu, nên Đức Phật nói
“Tất cả hành khổ”.
3. Tất cả pháp vô
ngã:
Pháp ở đây là sự việc sự vật, vô ngã là không phải ta, là không thấy mình,
không thấy tư tưởng mình, tất cả sự việc chẳng phải của ta, vì chấp cái này cái
kia là của ta nên mới khổ. Như cái xe, cái bàn, cái nhà của ta, khi nó cũ nó hư
nên ta buồn, nếu không chấp nó là của ta thì đâu có buồn khổ vì nó biến dạng hư
hỏng. Ngay cả cái thân người gồm sắc và tâm, sắc là thân do tứ đại “Đất, Nước,
Gió, Lửa” hợp lại mà thành, bốn thứ này luôn luôn thay đổi, nên chẳng có cái
nào là ta cả. Tâm gồm bốn thứ: “Thụ, Tưởng, Hành, Thức”, mỗi thứ đều biến đổi
khi có khi không, nên chẳng cái nào là ta được. Do đó sự việc sự vật vô ngã,
thân vô ngã, tâm vô ngã, bởi vậy, Đức Phật nói “Tất cả pháp vô ngã”.
4. Ba pháp trên diệt
là Niết Bàn:
Nếu biết như thật đời là vô thường sẽ bớt khổ, nếu không chấp ngã sẽ diệt được khổ,
khi biết mọi chuyển biến đổi thay ở đời là tất nhiên phải như thế, khi biết tất
cả hành động việc làm, lời nói, ý nghĩ là nguyên nhân gây ra khổ, khi biết sự
chấp ngã là thủ phạm đưa tới khổ. Nếu đã biết như thật như thế rồi sẽ hết khổ,
được an vui vậy.
Do
biết vạn vật vô thường, nên chúng ta chấp nhận những đổi thay của cuộc đời, như
vậy là người hiểu biết sự vật một cách chân thật. Đây là người có chính kiến,
thấy rõ mọi sự việc do nhân duyên sinh nên có, hết nhân hết duyên nên phải diệt,
nên là không. Chẳng có cái gì có thực thể bản chất riêng biệt của nó mà tồn tại
được, thấy rõ như vậy, mọi sự đổi thay, chuyển biến, ta sẵn sàng chấp nhận, và
như vậy không có sự bất mãn trước sự thay đổi, không bất mãn, không bực tức khi
nó chuyển biến hay mất đi thì không đau khổ nữa.
Sở
dĩ chúng ta buồn khổ là vì sợ mất cái này, sợ mất cái kia, sợ thân này ốm đau,
sợ thân này già xấu, sợ chết. Biết mọi vật là đổi thay vô thường, biết rõ không
có cái ngã cái ta rồi, có mất, có bệnh, có già, có xấu, có chết, cũng là lẽ thường
ở đời, chẳng có gì mà phải sợ, phải lo, phải buồn khổ, Như vậy được thảnh thơi
an nhiên tự tại, khi đã được thảnh thơi an nhiên tự tại thì đâu có khác gì Niết
Bàn?
Đức Phật khuyên chúng ta nên tư duy và thực hành về vô thường, khổ, vô ngã sẽ
được Niết Bàn, nói đến Niết Bàn thì ai cũng ưa, nhưng khi áp dụng thực hành,
xem ra nhiều người sợ, sợ cái gì? Sợ cực vì tính lười biếng, vì không suy tư kỹ
lưỡng về vô thường, khổ vô ngã, nên mới bị cái “ta” ngăn cản, bị cái ta tìm đủ
thứ lý do để bảo vệ nó, không cho tinh tấn suy tư hành trì. Nếu suy nghĩ kỹ
càng, sẽ hành trì dũng mãnh, thấy rõ sự thật về vô thường, biết tường tận tất cả
hành đều khổ, đánh tan tành cái ngã cái ta không còn manh giáp, mới thấy được
Niết Bàn, như vậy có phải là tốt đẹp dường nào không?
__._,_.___
No comments:
Post a Comment