Popular Posts

Friday, August 16, 2019

THỜ PHẬT LỄ PHẬT


THỜ PHẬT LỄ PHẬT
Toàn Không 
    Trên thế giới, bất luận dân tộc nào, thời đại nào, hễ người có công đức với xã hội quốc gia đều được ca ngợi tôn thờ; đối với Tôn giáo cũng tương tự nhưng có tính cách thiết tha và thường trực hơn, vì các vị giáo chủ là những bậc như gương sáng cho mọi người noi theo và có công ơn lớn đối với nhân loại. Trong các vị giáo chủ, Đức Phật là bậc được tín đồ tôn sùng nhất trong sự thờ cúng lễ lạy, chúng ta sẽ phân tích về sự thờ Phật và lễ Phật.

I). THỜ PHẬT:
1). TẠI SAO PHẬT ĐÁNG TÔN THỜ?
   Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ, trí tuệ sáng suốt biết hết mọi sự trong vũ trụ, và đầy đủ đức hạnh cao qúy; Ngài là bậc siêu phàm vượt thánh, có đủ Từ Bi Trí Dũng. Ngài dùng tâm bình đẳng để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi sinh tử, biến người ác thành người thiện. Đức Phật để lại những giáo thuyết cao siêu không huyền hoặc, chân thật, thực hành được và kết qủa viên mãn; Ngài đã độ cho người ngu thành người trí, người không giải thoát được giải thoát, làm mắt cho người mù, làm bậc đại y vương cho người bệnh hoạn, Trời, Người, Thần, Thiên ma, Qủy Ma đều tôn kính Đức Phật là bậc tối thắng; Ngài là bậc có một không hai trên thế gian này, bởi vậy chúng ta thờ Ngài.
2). THỜ PHẬT NHƯ THẾ NÀO?
   Thờ Phật là để tôn kính Ngài là bậc gương mẫu, là ngọn đèn trí tuệ soi đường chỉ lối Chân Thiện Mỹ cho chúng ta noi theo. Chúng ta không thờ Ngài với mục đích thấp kém như cầu xin được cái này hay cái kia một cách bất chính, thí dụ như học sinh lười biếng cầu xin được thi đậu, người trộm cướp cầu xin không bị bắt, kẻ buôn bán lừa dối cầu xin giàu có; nếu thờ Ngài với mục đích cầu xin sai lạc như thế chúng ta đã phỉ báng Ngài. Chúng ta chỉ cầu Ngài gia trì cho chúng ta sự sáng suốt, tính nhẫn nại chịu đựng, lòng khoan dung độ lượng, và tâm an bình mà thôi.
3). THỜ ĐỨC PHẬT NÀO?
   Đức Phật nào cũng có vô lượng thọ, cũng có vô lượng quang bao la cùng khắp, công đức phúc trí vô lượng vô biên; nên thờ một Đức Phật là thờ tất cả các Đức Phật mười phương. Ngày nay vẫn còn trong thời kỳ giáo hóa của Phật Thích Ca nên thờ Ngài là chính, nếu người tu Tịnh Độ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà để cầu vãng sinh, thờ thêm Phật A Di Đà. Nếu muốn thờ ba đời Chư Phật, thêm đức Di Lặc, gọi là tam thế Phật.
4). BÀN THỜ TRƯNG BÀY THẾ NÀO?
   Nên sắp xếp thờ chung một bàn thờ, nếu thờ ba vị Phật phải đặt Phật Thích Ca ở giữa, nếu thờ hình phải bằng nhau không cao thấp, nếu là tượng phải đặt ngang hàng không trước sau trên dưới; thờ ông bà tổ tiên phải ở hai bên hoặc bên dưới. Chỗ thờ không để tạp vật, chỉ có bình hoa, lư hương, chân đèn, đĩa qủa, chuông mõ; những vật này thỉnh thoảng phải lau chùi. Chỗ thờ thường ở gian giữa hoặc chỗ chính của căn nhà, nếu nhà lầu, nên đặt ở tầng trên.
   Lần đầu thỉnh hình hay tượng Phật về nên làm lễ “An vị Phật”. Chủ nhà phải tắm rửa sạch sẽ thân, tâm phải vui vẻ không có những tham sân buồn rầu, nếu mời thiện tri thức đến hộ niệm một thời kinh như Kinh “Bát Đại Nhân Giác” (Kinh tám điều hiểu biết của người đại trí tuệ)
   Bắt đầu từ ngày an vị Phật, tất cả mọi người trong nhà ra vào qua lại trông thấy Đức Phật nên nhớ nghĩ đến Đức hạnh của Ngài mà tự chỉnh đốn thân tâm mình, chỉnh đốn lại các cách cư xử với nhau và với người ngoài đúng với ý nghĩa quy y Tam Bảo, hành trì Ngũ Giới, bố thí nhẫn nhục, Từ Bi Hỷ Xả để xứng với gia đình có thờ Phật.

II). LỄ PHẬT:
1). LỄ PHẬT CÓ NGUỒN GỐC RA SAO?
     Thời Đức Phật còn tại thế, các đệ tử của Phật từ vua quan đến dân chúng mỗi lần đến gặp Đức Phật đang ngồi, đều qùy xuống, hai tay chống đất, đầu cổ cúi, trán sát gần chân Phật để tỏ sự tôn sùng lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với bậc tối thượng tôn; cử chỉ ấy biểu lộ sự khiêm tốn khuất phục đối với đức đại Giác siêu phàm. Ngày nay mặc dù Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng toàn thể tín đồ xem như Ngài vẫn còn tại thế và hình dung như Ngài ngồi trước mặt chứng giám cho tấm lòng thành kính thiết tha của mình; khi lễ Phật, hai chân qùy xuống, hai tay chống đất và cúi đầu sát đất (có sách viết hai bàn tay để ngửa), dĩ nhiên là trước khi lễ phải sửa soạn thân tâm như đã viết ở trên.
A). VỀ SỰ: (sự việc làm):
     Bắt đầu, đốt hương (một hay ba cây hương tùy ý), đứng thẳng, hai tay chắp lại kẹp hương ở giữa để ở trước ngực, mắt nhìn Phật, tâm nghĩ tưởng đến các tướng tốt, đức hạnh cao cả của Ngài và tỏ bày nguyện vọng chân chính của mình bằng cách thầm nghĩ tưởng trong đầu hay nói thầm hoặc nói thành tiếng, xong vái ba vái (hai tay chắp trước ngực vái), cắm hương vào lư, đánh ba tiếng chuông chậm rãi không to không nhỏ (nếu có chuông), rồi lạy ba lạy (cách thức lạy như đã viết ở trên), xong xá ba xá (hai tay chắp dơ cao tới đầu xá xuống tới ngực).
   Lễ như thế: gọi là “chính lễ” hay “thân tâm cung kính lễ”, thân sạch sẽ tề chỉnh nghiêm trang, tâm hân hoan thành kính chính đại quang minh; nếu không như thế mà chỉ để cầu danh ham lợi, gọi là tà lễ.
B). VỀ LÝ: (nghĩa lý): Có bốn loại nghĩa lý cao siêu:
 1. Trí thanh tịnh lễ:
     Cảnh giới Chư Phật đều tùy tâm hiện, nên lễ một Đức Phật tức là lễ tất cả Chư Phật, lễ một lễ là lễ cả Pháp giới, vì Pháp thân của Phật dung thông.
2. Nhập Pháp giới lễ:
     Người hành lễ phải tự quán thân tâm mình cùng tất cả các pháp (vạn vật) từ hồi nào tới giờ đều không rời Pháp giới (bản tính của chúng sinh).
3. Chính quán lễ:
     Người hành lễ lạy Phật tại tâm mình, vì mọi chúng sinh đều có Phật tính chân giác, trí tuệ bình đẳng.

4. Thật tướng bình đẳng:
     Người hành lễ thấy người và mình là một, thánh phàm nhất như (như nhau), thể dụng không hai (Nguyên chất hàm ở trong gọi là Thể, công dụng làm ra ngoài gọi là Dụng), thể tính vắng lặng (Thể tính: nguyên chất bản nguyên về tinh thần); khi lễ Phật phải phát tâm vui vẻ, nhất tâm hành lễ, ý vắng lặng không nghĩ muôn việc.
2). LỄ VẬT CÚNG PHẬT:
(Còn tiếp)


THỜ PHẬT LỄ PHẬT
Toàn Không
(Tiếp theo) 
2). LỄ VẬT CÚNG PHẬT:
A). VỀ SỰ:
     Lễ vật chỉ cần hương đèn, hoa qủa, nước trong là đủ. Lễ vật cúng Phật chỉ là tượng trưng cử chỉ tôn kính của người Phật tử, sự cúng dường này tạo cảm tưởng gần gũi và kết duyên lành với Phật.
B). VỀ LÝ:
     Có năm món diệu hương cúng Phật:
1. Giới hương:
     Chúng ta phải giữ giới đầy đủ để lễ Phật.
2. Định hương:
     Chúng ta phải định tĩnh tâm, không để ý nghĩ suy tưởng làm loạn đông tâm.
3. Huệ hương:
     Chúng ta phải lưu tâm ba món sáng tỏ: “Văn” là tìm nghe lời hay ý đẹp, “” là suy tư những lời hay ý đẹp xem thế nào là phải trái chân tà, và “Tu” là quyết tâm thực hành những điều phải, trừ bỏ điều tà sai.
4. Giải thoát hương:
     Quyết trừ ngã chấp, trừ chấp cái ta, quán vô ngã để trừ đau khổ, trừ thức phân biệt cái ta là mình để thoát khỏi sinh tử luân hồi.
5. Giải thoát tri kiến hương:
     Đoạn dứt chấp ngã là giải thoát, nhưng chưa được vô ngại, phải trừ chấp pháp (chấp mọi vật là có thực) nữa mới được vô ngại, bằng cách quán Bốn Đại (đất, nước, gió, lửa) không thật, như nước đối với loài cá là nhà, gỗ đối với loài mọt là nhà và thức ăn v.v…, những cái ta tưởng thật nhưng không phải thật chỉ là giả dối, đối đãi với nhau sinh ra mà thôi.
3). CÚNG PHÁP BẢO:
   Pháp bảo là giáo pháp do Phật giảng dạy, cũng gọi là Phật pháp; Phật pháp là phương thuốc hiệu nghiệm thần diệu trừ được bệnh khổ đau của chúng sinh. Muốn cúng Pháp bảo, phải tìm tòi nghe giảng, học hỏi nghiên cứu giáo lý Kinh Luật Luận của Phật giáo, khi ấy sẽ có năm công đức là điều chưa từng biết được biết, biết rồi liền áp dụng, từ bỏ các đều nghi ngờ, không còn tà kiến suy nghĩ sai lầm, sự hiểu biết được sâu rộng. Lúc có kiến thức sâu rộng, phải nghĩ tới việc ấn tống Kinh sách, phiên dịch hay sáng tác diễn giảng để phổ biến Phật pháp đến quảng đại chúng sinh, như thế là cúng Pháp bảo; người cúng pháp còn phải trừ kiêu mạn, hành chính pháp trừ tham dục, đoạn dứt đường ác, đến chỗ lành.
4). CÚNG TĂNG BẢO:
   Chư Tăng Ni là những người học giáo lý của Phật, là người bạn lành, người thầy sáng, vì thế chúng ta kính trọng, gần gũi Tăng Ni để học hỏi giáo lý và đường lối thực hành. Nếu chúng ta đã thành tâm thờ Phật, cũng nên trọng Tăng Ni vì các vị này đã truyền giáo lý của Phật đến mọi người, lẽ nào ta lại làm ngơ không biết đến.
     Một vài người có bằng cấp cao tỏ ra kiêu căng ngã mạn, coi nhẹ các vị tu hành, họ cho rằng các vị tu hành không có ăn học bao nhiêu; các người có bằng cấp này chưa hiểu được Phật pháp cao siêu mà người tu hành học được, có biết bao nhiêu các nhà Khoa học trí thức trên thế giới ca ngợi cung kính Phật pháp. Hơn nữa, người xuất gia rời bỏ đời sống nhục dục, ăn chay sống cuộc đời đạm bạc để học hành Phật pháp, đây là việc làm không phải dễ đâu; vị Tăng Ni nào có đủ giới đức, chúng ta không phân biệt chùa nào, Tăng Ni xứ nào phái nào, ta đều cung phụng, vì Tăng Ni là ruộng phúc của tất cả chúng sinh, như thế là cúng dường Tăng bảo.
III). CÂU CHUYỆN VUA TRỜI LỄ PHẬT:
   Trong Tạp A Hàm, quyển 4 Kinh số 1111 trang 85, khi Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, Ngài nói về thời qúa khứ, Thích Đề Hoàn Nhân là vua Trời Đế Thích (mà dân gian thường gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế). Một hôm Vua muốn đi thăm vườn, sai người hầu cận sửa soạn xe bánh nghìn căm. Khi sửa soạn xong, người hầu cận đến tâu Vua: “Thưa Đế Thích Chủ, xe đã sửa soạn xong, xin Ngài biết thời”. Đế Thích liền bước xuống điện Thường Thắng, hướng về phương Đông, chắp tay lễ Phật. Bấy giờ người hầu cận thấy thế liền sợ hãi, thấy người hầu cận kinh hãi, Đế Thích liền hỏi: “Ông thấy gì mà sợ hãi như thế?” Người hầu cận tâu: “Ngài là Vua Trời Người, hết thảy đều cung kính lễ bái Đế Thích Chủ, còn chỗ nào hơn mà Thiên Đế phải kính lễ như thế?” Đế Thích  bảo: “Ta là Thiên Đế của tất cả Trời Người, nhưng ở thế gian lại có đấng Chính Giác xuất hiện, đáng là bậc Thầy của hết thảy Trời Người, Ngài có trí huệ tối thắng bậc nhất, nên ta cúi đầu lễ”.
   Đức Phật bảo: “Trời Đế Thích là Vua tự tại của Trời còn cung kính Phật, còn khen ngợi sự cung kính Phật, mọi người cũng nên tôn trọng cung kính Như Lai như thế, nên khen ngợi sự cung kính Phật như thế”.
IV). LỢI ÍCH CỦA THỜ PHẬT LỄ PHẬT:
   Như trên đã viết, chúng ta thờ Phật lễ Phật là bậc gương mẫu hoàn toàn để học hỏi noi theo, hiện tại gia đình được ảnh hưởng tốt lành của Phật, trên dưới hòa thuận, sống êm ấm. Khi có bàn thờ Phật, lễ bái hàng ngày, sống nhu hòa gương mẫu, con cháu được ảnh hưởng tốt của sự sống đạo vị hiền lương ấy.
   Chư Phật có vô lượng công đức, nên người lễ Phật sẽ được năm công đức sau đây:
1- Được đoan chính, trang nghiêm chính đại, vì khi lễ nhìn hình Phật rồi phát tâm hoan hỉ, do nhân duyên này sẽ được đẹp đẽ đoan chính.
2- Được giọng nói tốt, khi lễ Phật ba lần xưng danh hiệu: “Nam mô Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, do nhân duyên này được giọng nói trở nên tốt.
3- Được đầy đủ, khi lễ cúng Phật, rồi học hạnh từ bi của Phật phát tâm bố thí, do nhân duyên này được đầy đủ.
4- Được sống lâu, khi lễ Phật, học lời Phật dạy lià bỏ nghĩ ác, chú tâm lạy Phật, do nhân này sẽ được khỏe mạnh sống lâu.
5- Được sinh lên cõi Trời, khi lễ Phật khởi lòng tin Tam Bảo, làm các việc lành, do nhân này sẽ sinh lên cõi Trời.
   Trong Tạp A Hàm, quyển 3 Kinh số 835 trang 177, đức Phật dạy bốn chúng tại tịnh xá Kỳ Hoàn trong vườn Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ về “Bốn Bất Hoại Tịnh” (Bốn niềm tin sắt đá) đối với Phật, Pháp, Tăng, và Giới. Đức Phật nói: “Người có bốn bất hoại tịnh còn hơn Chuyển Luân Thánh Vương (Đại Vương nhân đức)”, vì khi chết Chuyển Luân Thánh Vương được sinh cõi Trời, nhưng khi hết tuổi thọ ở cõi Trời rồi, không thoát khỏi ba đường dữ là Địa ngục, Ngạ qủy, Súc sinh. Còn người có lòng tin thanh tịnh đôi với Phật, Pháp, Tăng, Giới, được sinh cõi Trời, sau khi hết tuổi thọ ở cõi Trời, được sinh trở lại nhân gian lại có đời sống thọ và sung sướng.
   Trong thế giới này, mặc dù người phàm mắt tục không thấy được Chư Thiên Thần Hộ Pháp nhưng lúc nào các vị này cũng hộ trì cho người thờ cúng Phật và tu trì Phật pháp; lại nữa, Ma Qủy khi thấy chúng ta thờ Phật đều phải tránh xa không dám đến gần quấy phá.
   Khi gặp hoạn nạn, gặp nguy khốn, gặp tai biến, sợ hãi, nhớ nghĩ đến Phật, niệm danh hiệu: “Nam mô Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” xin Phật gia trì cho khỏi sợ hãi, tăng thêm nghị lực và sức chịu đựng.
   Khi lâm chung, chúng ta đã huân tập nghiệp lành trong  suốt thời gian sống như thế, sẽ cảm ứng lòng từ bi của chư Phật và chư Bồ Tát, nên dễ dàng được siêu thoát về nơi an lạc vĩnh hằng.,.
  

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

__._,_.___

Posted by: Tien Do

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List