TÉ ĐẦU MÙA
Nguyễn Hữu Nghĩa
Hồi nhỏ xem phim võ hiệp
Nhựt Bổn, thấy các chàng kiếm sĩ vừa biết đánh gươm vừa dùng những thế võ lạ
lùng để quật ngã địch thủ cao to hơn mình, thằng tôi bèn khoái chí, rủ bạn bè
ghi tên đi học Nhu đạo.
Tưởng đâu học được vài
ba ngày hay một tuần thì bắt đầu thành thạo, ai ăn hiếp ta, ta quật té chỏng
cẳng cho bỏ thói ỷ lớn hiếp nhỏ (và đôi khi, ỷ… nhỏ hiếp lớn!) Ai dè suốt ba
mươi ngày đầu, bọn tôi chỉ được học… té. Thôi thì té sấp, té ngửa, té bên phải,
té bên trái, té lộn mèo, té đủ kiểu. Đã vậy mà thôi đâu, mỗi lần té còn phải
đập tay đập chân xuống thảm tatami ầm ầm, bụi bay lên mù mịt.
Ban đầu tôi tưởng cố
tình làm ồn ào lên như vậy để “địch” tưởng lầm ta té nặng ngỏm củ tỉ rồi mà bỏ
đi. Hóa ra những cái đập ầm ầm rát bỏng cả cánh tay và hai chân, cốt là để giảm
sức mạnh khi té, tránh bị nội thương, giập lục phủ ngủ tạng, ọc cơm, bể bọng
đái. Cũng hay!
Tôi bắt đầu thông suốt
cái triết lý “trước khi làm cho người té, ta phải… té trước làm kiểu” ấy. Sau
này tôi mới hiểu thêm, chủ trương đó còn được thực hiện một cách thâm thúy trong
những thế nắm chặt hai vạt áo “địch”, chỏi chân vào bụng nó rồi mình tự té
ngửa, dùng sức nặng của mình lôi nó xuống và dùng chân búng nó lộn mèo qua thân
mình cho nó té cái ịch rồi mình lộn ngửa, cỡi lên bụng nó, dùng hai vạt áo của
nó siết cổ nó cho bất tỉnh nhân sự, hai tay bắt chuồn chuồn.
Đó là Tovoe Nage
nối tiếp bằng Kata Jujijime. Lâu ngày quá, tôi không biết cái đầu Alzheimer của
mình có còn nhớ đúng tên hay không, với ba cái tiếng khó học nhưng dễ… nhớ như
“kumimicoi, coikutachi?” mà bạn nào đó vừa mới đăng trên trang facebook của tôi
hôm nọ…
Sau ba mươi ngày học té
bầm giập cả tay chân, ê ẩm cả thân người, tưởng đâu đã “tốt nghiệp”, ai dè chỉ
mới qua giai đoạn tự té, còn bây giờ là giai đoạn kế, té vì bị quật. Trời đất
quỉ thần thiên địa ơi! Tự té thì còn gần đất xa trời, tức là gần mặt thảm nên
ít đau, còn té từ trên vai thiên hạ xuống, nó khủng khiếp hơn nhiều, đối với
những kẻ bị chứng acrophobia -- sợ cao -- như tôi, thì đó là một tai nạn chứ
không phải tập luyện, nhất là khi kẻ quật mình to như một con dã nhân, cố tình
quật thẳng cánh và buông luôn chứ không nhân đạo dằn lại một tí khi mình sắp
đụng mặt đất.
Lần đầu tiên chịu một
đòn vai, hai bàn chân tôi đập vào nhau sưng vếu mắt cá. Võ sinh trưởng tràng
chẳng những đã không nổi lòng từ bi hỉ xả thương xót mà còn mắng: “Chưa được!
Ba mươi này tập té của anh vừa qua kể bỏ. Phải tập lại cho tới khi nào té xuống
hai chân không đập vào nhau mới được.” Vậy là phước đức ông bà để lại, tôi được
tập tự té thêm 10 ngày nữa trong khi chờ hai mắt cá ở cổ chân hết sưng.
Sau khi qua được giai
đoạn tự té và bị quật té, cũng ba mươi ngày, chúng tôi mới bắt đầu học tới cách
khoèo chân, bóp vai, đẩy tới, kéo lui làm cho thiên hạ mất thăng bằng để quật.
Ngoài cách làm cho thiên hạ té, mỗi ngày bọn võ sinh chúng tôi, kể cả trưởng
tràng đều phải tập thể dục và tự té suốt 15 phút trước khi vào học.
Cái té nó bám sát tôi từ
đó, nhập vào chân tay, xương tủy, biến thành phản xạ, mấy chục năm sau không hề
thay đổi, bẵng rồi không nhớ là mình biết té, hay té, hễ mất thăng bằng thì té
liền và té rất đúng thế, làm dơ hết quần áo trong khi thiên hạ …không sao cả!
Qua tới Canada, cái xứ
mà mùa đông ngoài đường không có đất, chỉ có tuyết và băng (dĩ nhiên trừ các
con đường và lề đường qua lại, được dọn tuyết và rải muối cho an toàn), tôi càng
thêm thắc mắc, mình té …“giỏi” như vậy là phúc hay họa?
Đi đường, ai cũng biết
thấy tuyết dày thì cứ dẫm lên mà đi, đừng lựa chỗ trong suốt phẳng phiu đẹp đẽ
mà đưa bàn chân ngà ngọc bước lên, sẽ lăn quay ra tức thì, vì nó là băng. Khi
trời dưới -10 độ C, tức cỡ 14 độ F, mà hôm trước đó ấm, băng tan hay có mưa,
thì lại càng phải đề cao cảnh giác. Trên mặt băng đôi khi phủ một lớp tuyết
mỏng, bước lên đó càng dễ trượt hơn bước thẳng trên băng, dù mang giày ủng mùa
đông cũng cứ té lên té xuống như chú nai con trong phim “Bambi” của Walt Disney.
Trong trường hợp này chỉ có một cách di chuyển an toàn là … lết. Không phải lết
bằng mo bò bằng mủng như ăn mày ngoài chợ, mà lết bằng chân, nghĩa là đi mà
không nhất hai bàn chân lên khỏi mặt đất, cứ thế mà chà, xủi tới từng bước thật
ngắn cho tới khi qua khỏi chỗ trơn trợt…
Bạn coi đó! Dù gì cũng
đã gần 40 năm kinh nghiệm… té ở quê người chớ ít ỏi gì, vậy mà mùa đông năm
nay, vùng này tuyết chỉ mới xuống có một lần rồi tan, mà tôi đã được dịp biểu
diễn một cú té vô cùng ngoạn mục ngay trên driveway, tức lối xe hơi từ nhà xe
ra đường.
Phản xạ té của tôi không
giúp tôi bớt té, mà lại té nhiều hơn người khác. Người ta trượt chân, chới với
rồi sụp đầu gối xuống, bầm chút thôi rồi đứng lên, còn tôi hễ mất thăng bằng
thì té liền, té đúng thế, đập tay đập chân cái “oạch”. Khổ nỗi, ngoài đường là
khối băng cứng như đá chớ có êm ái như thảm tập Nhu đạo đâu. Thế là bầm cả hai
tay, vô phòng gym tập thể dục, các ông cứ mắc mắc: “Bộ …bị vợ đánh hả?” Chẳng
vậy vì xứ này các ông bị vợ đánh hơi nhiều nên dấy lên phong trào “husband
abuse” để cứu độ chúng…ông.
Driveway nhà tôi lại
dốc, nên té ngửa xong vẫn còn trớn, phản xạ “bắt” tôi lộn thêm hai vòng nữa. Té
xong, tôi nằm nguyên đó, thử cục cựa từng phần tay chân một để coi có bị nứt
xương không. Nếu nghi nứt xương, phải nằm chờ nhân viên y tế của xe cứu thương
tới giúp, đừng cố gắng lồm cồm ngồi dậy mà chỗ nứt thành chỗ gãy. Chỗ xương gãy
bén như gươm, nếu cứa vào động mạch chính thì chỉ mười phút sau là ô hô ai tai,
được “giải phóng” khỏi cuộc đời ô trọc ngay, không cần chờ nhà nước vi-xi hút
máu…
Nghe ngóng, cục cựa hai
lượt, biết mình vẫn an toàn trên xa lộ, tôi định bò dậy thì thấy xe cộ ngoài
đường dừng cả lại. Dân xứ này tốt bụng lắm, thấy một ông già như tôi lâm nạn,
họ không thản nhiên bỏ đi.
Một ông bấm kiếng xe xuống,
nhìn tôi giơ ngón tay cái lên, ngụ ý hỏi “Are you ô-kê? Ông không sao chớ hả?”
Tôi cũng giơ ngón cái lên trả lời: “OK”.
Một bà cụ trông còn già
hơn tôi, lập cập mở cửa, định bước xuống cứu giúp. Sợ cụ té, tôi vội vàng hét
tướng lên: “I am OK! I am OK! Ô… Kê ê ê ê ê ê ê ê ê!...”
__._,_.___
No comments:
Post a Comment