Popular Posts

Sunday, May 5, 2013

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA: TUỔI GIÀ ƠI, CHÀO MI


From: nguoiphuongnam <
To: h
Sent: Saturday, May 4, 2013 9:30 PM
Subject: FW: Chuyện già trên đất Mỹ

 

Bài chuyển tiếp. Mời đọc

From: Hong Nguyen

Thưa quý vị, quý bạn,

 

Thời gian gần đây, bỉ nhân nhận được nhiều bài về tuổi già: ca ngợi cái già, bày cách sống như thế nào cho vô tư, thoải mái, và chết đi cho êm ả, kể cả thực đơn ăn uống như thế nào cho phải phép, thậm chí có bài còn khuyến khích "làm yêu" (dịch sát nghĩa: make love) đều đều để máu huyết lưu thông và, nhờ thế, tăng thêm tuổi thọ...
 
Có những bài đăng những ý kiến đối chọi nhau toé lửa, ví dụ về ăn uống (cứ ăn thoải mái) hay "làm yêu" (sợ thượng mã phong), khiến bỉ nhân hoang mang, không biết tin ai. Rồi chạnh nghĩ đến thân phận mình, cũng bảy bó rồi, cũng bị chê già như ai. Bèn có bài viết sau đây, xin gửi quý vị đọc cho vui cuối tuần, hoặc nếu đồng bệnh già thì có dịp thông cảm lẫn nhau. Nếu đọc rồi, thì xin đọc lại, hoặc xóa đi:

 

 

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA:

 

 TUỔI GIÀ ƠI, CHÀO MI                                                                  

                                                                                              Người Lính Già Oregon

 

 1. Tại một tiệm tạp hóa bình dân Save a Lot gần khu nhà tôi. Bữa nọ, đang đứng trước quầy trả tiền, tôi thoáng thấy kế liền phía sau tôi có hai phụ nữ “đồng hương”, một trẻ một già, oang oang nói chuyện với nhau, bằng tiếng Việt, dĩ nhiên, và sau họ là một hàng dài khách Mỹ. Trong số đồ tôi mua hôm ấy có hai chai rượu vang, và theo nguyên tắc, cô Mỹ tính tiền bắt tôi trình driver license, mặc dù tôi là khách hàng quá quen và thường xuyên mua rượu.

     Tôi bỗng nghe bà già lớn tiếng:

     - Ối giời, cô Mỹ này chắc mù! Nại nhè cái ông não mà hỏi trai vơ nai xăng...

     Tôi không quay lại, tỉnh bơ làm như không nghe thấy, không hiểu tiếng Việt. Cô gái trả lời:

     - Con thấy ông ta cũng đâu già gì lắm mà mẹ gọi là ông lão. Ổng nhiều lắm là 60 trở lại thôi. Cô Mỹ đòi xem tuổi là làm theo luật... 

     Bà già cãi lại, càng lớn tiếng:

     - Nuật, nuật cái gì? Nó dở hơi quá chứ nị! Gớm, ông ấy già thế kia mà mày bảo không già à? Râu ria không cạo, cứ tùm num y như tụi Mễ ấy. Khiếp! Nại còn đeo kính não nữa...

     Cô gái vẫn che chở tôi, nhẹ nhàng:

     - Kính cận thị mà mẹ! Thằng Tí nhà mình mới 10 tuổi nó cũng đeo, có gì đâu! Nhưng con thấy râu tóc ổng vẫn còn đen cơ mà!

     Bà già mắng át:

     - Mày cứ bênh não. Bạc thì não nhuộm đi thành đen, khó gì nào!

     Bị bà già vô cớ vu oan giá họa, tôi bực mình “nắm” chứ, trong lòng muốn vả cho vài cái, mà vẫn cố làm ngơ, mặt lạnh như tiền, cũng không quay lại nhìn. Một lát, lại nghe tiếng bà oang oang:

    - Quái, sao mình nói nớn thế mà ông não không phản ứng gì cả nhỉ? Hay nà não điếc? Hay nà không chừng não nà Hàn quốc hay nà người Nào... Tao cứ tưởng não nà Việt Nam chứ, biết thế này tao nói nàm gì cho tốn hơi.

     Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rõ mặt mũi bà già giết giặc kia tròn méo như thế nào và không biết bà có ân oán giang hồ gì với tôi không. Nhưng từ đó rút kinh nghiệm, mỗi lần vào tiệm Mỹ mua rượu, tôi phải “nen nén” nhìn phía trước phía sau xem có quý vị đồng hương yêu quý nào không. Đồng hương ơi là đồng hương!

 

2. Thời gian đầu định cư tại Portland, năm 1985, do bạn bè giới thiệu, tôi share phòng với một ông xa lạ, gốc Quảng, tuổi khoảng 60, 65. Thực ra, ông ta có vợ con và có nhà, nhưng vì ăn welfare, tôi đoán, hai vợ chồng giả vờ ly hôn, ông ta mướn phòng sống riêng... với tôi. Trên thực tế, ông luôn vắng mặt, giao hẳn cái apartment hai phòng ngủ cho tôi, lâu lâu tạt qua để kiểm lại đồ đạc.

    Ông ta tính tình vui vẻ, nhưng có cái bệnh ưa cãi. Càng về già càng cãi dữ. Thỉnh thoảng, cùng ngồi uống ly bia, chuyện trò với nhau. Hễ tôi nói trắng, ông ta nói đen, và ngược lại. Hễ tôi nói Việt Cộng xấu, ông cho chúng nó tốt. Hễ tôi nói VC tốt, ông bảo chúng nó xấu. Vân vân…

     Một lần "cãi" nhau, tôi nói: “Ông thấy đó, rõ ràng như hai với hai là bốn, chứ còn gì nữa”, thấy ông gật gù ra dáng đồng ý. Tôi mừng thầm trước chiến thắng "đột xuất", nghĩ rằng phen này ít ra “thằng chả đồng ý với mình, không thể cãi nổi”. Bỗng, sau ba giây, ông ta hắng giọng để lấy trớn, rồi tuyên bố:

     - Cũng chưa chắc đâu nha. Không bao giờ có sự thật tuyệt đối. Hai với hai có khi là ba, có khi là năm đó nha...

     Mà không giải thích thêm bằng ví dụ cụ thể nào. Đến nước này thì tôi chịu hết nổi, khổ sở vò tai bứt tóc. Và bật đứng dậy, giơ cả hai tay gồm đủ mười ngón lên trời, run rẩy:

     - Thưa bố, con xin chịu thua bố. Ai can du, ai van du, xin bố tha cho con làm phước, con xin đầu hàng, vô điều kiện...

    Nói xong, tôi toan bước vô phòng thì bị ông ta chận ngang cửa:

     - Anh không được đầu hàng. Chịu thua đâu dễ dàng như vậy. Anh phải cãi tiếp.

    Kinh hãi, một tháng trước khi hết hạn "hợp đồng", tôi bèn dọn ra. Ông ta không bao giờ hỏi lý do tại sao.

 

3. Chuẩn úy mới ra trường Đoàn Trọng chuyển về đơn vị của tôi ở Nha Trang. Trọng tướng tá ngon lành, cao ráo, đáng vẻ nam nhi, nhưng hiền quá, còn hơn ma-sơ. Lại quá nhát gái.

    Một buổi trưa, năm, sáu sĩ quan trẻ của đại đội, không ai quá 26, kể cả tôi, trưởng toán, độc thân vui tính, đi công tác trở về, chất đầy một xe jeep. Xuống một quán nhậu bình dân dọc bãi biển, đường Duy Tân cũ. Có ba cô serveuses trẻ đẹp rảo mắt dòm chúng tôi một lượt, rồi chấm và chia nhau ba anh tốt phước, không có tôi. Một cô rất đẹp đến ngồi sà vào lòng Trọng, vuốt tóc, vuốt lưng, tự nhiên hơn người Hà Nội. Trọng sợ quá, ngồi yên, mặt mày tái mét như bị trúng gió. Và quay sang tôi, van xin: 

   - Trung úy cứu em với.

    Tôi bảo nhỏ cô:

   - Cô có nghe gì không ? Thôi, cô tha cho ảnh đi. Ảnh còn trinh, sợ đàn bà lắm. Hay là cô qua đây ôm đỡ tôi cũng được.

    Hai tay vẫn ôm riệt lấy Trọng, cô nàng lườm mắt nguýt tôi, long lanh tóe lửa, nói giọng Nam kỳ rặt:

   - Hứ. Nghèo mà ham. Ôm Trung úy để mà bị sư tử xé xác hả (khi nói "xé xác" cô lên thêm một octave nghe chát chúa lỗ tai)...
    Tôi cười cười:
   - Ủa, tôi có vợ con hồi nào mà tôi không biết...
   - Hổng dám đâu. Cỡ già như ông mà không có ít nhất là ba dzợ, em cuồi xức móng.

 

4. Tôi có người bạn Thanh Sinh Công Đại Học cũ, sinh viên Y Khoa Sài Gòn, đầu thập niên 60, tên Phạm Trung (hay Phạm Hoàng Trung, không nhớ rõ), sau ra bác sĩ, mà lâu quá không biết lạc nơi mô. Nhưng trước đó, đã lâu, đọc các báo địa phương Portland tôi thấy ở Westminster có một ông bác sĩ tên Phạm Hoàng Trung, đăng quảng cáo bán đủ loại thuốc, từ thuốc ghẻ đến thuốc điều hòa sinh lý, đặc biệt thuốc chuyên trị bất lực (energizer) bào chế cho quý ông từ 40 trở lên.
 
Một hôm, vì nôn kiếm bạn cũ, tôi nắm hết can đảm trong hai tay, gọi phôn miễn phí cho văn phòng ông bác sĩ. Gặp cô thư ký, vừa nghe tiếng tôi (hôm đó hơi khàn khàn vì bị cảm chút chút) cô đã mừng rỡ, như trúng mánh, vồn vã chào hàng, hỏi dồn:

   - Bác mua thuốc liệt dương hả bác? Thuốc này tốt lắm, hiệu quả liền. Có hai loại nặng và loại nhẹ. Bác bị nặng hay bị nhẹ? Mấy hũ hả bác?

   Tôi chưng hửng:

   - Ủa, tôi hỏi mua thuốc hồi nào vậy cà? Tôi dưới 40 mà, còn lao động tốt. Tôi muốn gặp bác sĩ Trung có chuyện riêng, không dính líu đến vấn đề liệt hay không liệt dương. 

   - Bác chưa tới 40 mà sao cháu nghe giọng của bác như 70 dzậy, xin lỗi bác, ý quên, xin lỗi... chú nghe. Bác sĩ đi dzắng. Nhưng cháu có thể trả lời những thắc mắc của chú. Chú cần gặp bác sĩ, mai chú gọi lại nghe. Nhưng cháu xin hỏi chú điều này, tuổi thiệt của chú là bao nhiêu dzậy?

   - Còn ba ngày là đúng 41 đấy cô.

  Dĩ nhiên tôi ăn gian ít nhất gần ba bó, một cách trắng trợn. Và cúp máy liền. Bởi thế, cho tới hôm nay tôi vẫn chưa biết ông bác sĩ Trung này có phải là ông bác sĩ Trung kia không. Bị cô thư ký làm quê độ, chắc phải chờ đến 80, tôi mới dám gọi lại lần nữa. Để mua thuốc energizer thật.

5. Gần nhà tôi có một tiệm bún bò Huế mới mở, ế khách. Nội tướng của tôi muốn mua to go một tô về ăn thử. Chủ tiệm là một bà tuổi sồn sồn, đon đả mời vào. Trong khi chờ nhà bếp bưng ra, bà hỏi tôi đủ chuyện làm quà, tuổi tác, vợ con, cháu nội, cháu ngoại, qua Mỹ lâu chưa, diện gì, công ăn việc làm... một cách thân tình như đã quen nhau từ tiền kiếp. Tôi chỉ trả lời ậm ừ cho qua, đợi giờ thoát hiểm. Bỗng nhiên, bà nhìn chăm chú vào mặt tôi, rồi phán:
    - Ông chắc là Hát Ô mới qua. Cỡ như ông, bây giờ ở không, cũng nên vô mấy chợ VN xin lau dọn, lặt rau, ngày kiếm vài chục cũng đỡ cái thân già.

    Cũng may, vừa lúc ấy hộp bún bò đem ra. Tôi vội vàng chuồn lẹ, như bị ma đuổi, sợ bà chủ tiệm túm lại, tìm giúp thêm cho việc làm. Về nhà, vào phòng tắm soi gương, và tự hỏi: "Làm thế nào để thành ông Hát Ô già?", bắt chước Montesquieu, thế kỷ XVIII, đã viết: "Comment peut-on être Persan?" (Làm thế nào để có thể thành người Ba Tư?).

6. Người Mỹ xấu xí mà tôi muốn nói ở đây không phải là nhân vật Homer Atkins trong quyển tiểu thuyết sặc mùi chính trị The Ugly American của Eugene Burdick và William Lederer viết năm 1958 và đã được quay thành phim năm 1963 với Marlon Brando. Mà là những ông Mỹ già trong phòng gym Cascade 205 đường Stark Portland của tôi.
 
Từ khi về hưu, bị bác sĩ hăm dọa, bảo sẽ chết sớm nếu không uống rượu vang và không tập thể dục, mỗi ngày tôi đành phải đến tập khoảng một tiếng rưỡi. Phòng tập rộng thênh thang, có hơn 100 dụng cụ, một hồ bơi lớn, và một phòng tập Tai Chi. Tập khách, hay khách tập, đa số là dân Mỹ trắng trên sáu bó như tôi, có khi bảy bó, và chắc cũng đã về hưu, hoặc thất nghiệp, và cũng sợ chết. Có cụ mặt mũi hồng hào, trông oai vệ, không bác sĩ thì cũng luật sư, giáo sư, tiến sĩ, nha sĩ, dược sĩ.

    Có hai phòng vệ sinh, tắm rửa, và thay đồ (locker room) kế cận nhau, một Nam, một Nữ, rất rộng, có hai mũi tên to tổ bố nhắc nhở đừng ai cố tình đi lộn. Trước và sau mỗi buổi, tôi phải vào khu Nam, dĩ nhiên, hai lần, để thay giày và quần áo tập. Và nơi đây, phải hai lần đối diện với sự thật trần truồng (the naked truth / la vérité nue) –hoàn toàn theo đúng nghĩa đen– của các cụ ông, lúc nào cũng dập dìu, như đi hội chợ Tết, "vô tư" nói chuyện om sòm trong khi tất cả đều trần như nhộng, tồng ngồng, trên răng giả trắng toát dưới lắc lư hai quả lựu đạn mini.
 
Có cụ tắm gội, phải trần truồng, không nói chi. Có cụ vào trong đó cạo râu, đánh răng, khạc nhổ, sấy tóc, chắc muốn đỡ tiền nước, tiền điện ở nhà, hoặc tiết kiệm thì giờ, cũng thông cảm được. Nhưng có cụ vừa tắm xong, còn đang lau mình mẩy, hoặc đôi khi đang thay đồ cởi tuốt luốt, lại nhân tiện để nguyên y phục Adam đi vòng vòng kiếm người quen cũng trần truồng như nhộng, sà vào tán dóc, cười rổn rảng.


       Phần tôi, ngày đầu còn tò mò liếc qua cho biết sự tình, lâu ngày phát ngán, vào lẹ, rồi vội vàng cút ngay. Vì thấy các cụ triển lãm thân thể, mà ớn tận óc. Các cụ ugly, xấu xí thật (chứ không phải “xấu xa” đâu nhé), bụng như thùng nước phở xe lửa, búng ra mỡ, mông teo, vú xệ. Rồi một dàn súng cá nhân, thuộc loại phản chiến hạng nặng, cỡ peaceniks Bob Dylan hay John Kerry, nghĩa là đồng loạt chĩa xuống sàn nhà, có cụ còn thẹn thùng, rụt đầu ngoẹo cổ, làm bộ em chã, em chã, trơ trọi không cây lá ngụy trang, trông thảm não. Các cụ càng lớn tuổi thì súng càng có hình dáng tân chế, hiện đại, nhỏ xíu, nòng cụt ngủn, không biết bắn có chết thằng VC nào không. Nghĩa là gọn gàng, không kềnh càng to lớn như súng ống thời đệ nhất thế chiến, hay garant dài thoòng tại quân trường Thủ Đức ngày nào, nói chi đại bác không giật, hoặc súng cao xạ của Vi Xi bắn B52.
       Ấy là tôi chưa nói đến việc vài cụ có cái mông và cái lưng đầy ghẻ, mụt nào cũng đỏ bóng và to, mắt cận thị của tôi từ xa cũng thấy. Trước kia, tập xong, tôi thường vào hồ bơi, vui sướng như cá gặp nước, vì bơi là nghề của chàng, tuy không bằng một góc của Michael Phelps, nhưng đã giúp chàng rất nhiều trong vụ vượt biên năm 1984.
 
Ngoài ra còn được tắm kế bên với vài Mỹ (viết hoa) nữ nõn nà, mặc dù tay chân vai đùi các nàng xăm đầy, trông như da thuồng luồng. Vậy mà, một hôm, thấy một cụ có cái lưng ghẻ trông rất “ấn tượng”, rất “hoành tráng” vào tắm chung, tôi thấy kinh quá, và tự nhiên thấy ngứa cùng mình. Bèn dẹp cái vụ bơi, từ đó.

       Nói thế không có nghĩa tôi ngon lành hơn ai. Trái lại. Vì cùng một tuổi chờ vào nhà quàn cả mà! Nhưng từ lâu, tôi có một nguyên tắc bất biến: không thoát y nơi công cộng, kể cả khi còn khỏe, còn trẻ, còn phong độ, ví dụ, tắm tại hồ nước tập thể tại quân trường Thủ Đức, hay sau này, tắm suối trong những trại cải tạo. Huống chi bây giờ, khi bóng đời nghiêng đổ và trăng lu xế nửa mái tình sầu (Huy Cận).
 
 Tục ngữ ta có câu: Xấu che đẹp khoe. Đẹp cũng còn phải che, huống chi xấu. Hay là có che nó mới trở thành đẹp? Chắc vậy. Theo thiển ý, thân thể người ta, kể cả phụ nữ, nếu để nguyên si, trần trụi, sẽ không còn đẹp, mặc dù những ông văn sĩ, thi sĩ, triết gia, học giả thất tình… ca tụng đó là tuyệt tác của Thượng Đế về mọi mặt. Còn tôi nghĩ khác: đẹp có nghĩa là phải bắt tôi tưởng tượng, phải gây mơ và gây mê, phải đưa vào mộng mị. Không thể phô bày thực tế một cách phũ phàng như các cụ Mỹ ở gym.
 
Thực tế trần truồng chỉ chấp nhận trong phòng ngủ, phòng tắm, không ở nơi công cộng. Nói chung, phải hấp dẫn, quyến rũ, qua quần áo mặc vào luôn luôn, và cởi ra có lúc có nơi. Nắng Sài Gòn em đi cũng phải có áo lụa Hà Đông. Phải có áo em sứt chỉ đường tà mới tính chuyện trăm năm. Phải có em cười nâng tà áo đưa lên gió (Thê Lữ). Hay tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa (Xuân Diệu).
 
 Phải là người đẹp nhờ lụa / Lúa tốt nhờ phân, như một câu tục ngữ khác gợi nhắc. Tôi không hiểu cảm hứng của những họa sĩ vẽ tranh lõa thể bắt nguồn từ đâu, và cái đẹp hoàn toàn thể xác ấy nằm ở chỗ mô. Cho nên, tôi thích những bức vẽ madones của Botticelli và tranh đồng quê của Raffaello với những nàng thiếu nữ mặt hoa da phấn, tóc rẽ đường ngôi ở giữa, và áo quần chồng chất, kín mít.

      Đời sống vợ chồng cũng thế. Tưởng lấy nhau rồi là xong, là lơi lỏng, không giữ gìn như thuở chờ đợi, ôi, thời gian rét lắm (Huy Cận) hay Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng / Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…(Đinh Hùng). Vì vậy mới dễ chán nhau và rồi xa nhau. Vì vậy mà những cặp uyên ương trẻ sống thử một thời gian với nhau thường bai bai nhau sớm.
 
 Gần đây, trên những tờ báo giấy nào cũng có mục phòng the phụ trách bởi những ông bà ăn tiền già, hưỡn quá, và những câu trả lời của họ thường thường dựa trên những lý do vu vơ vu va vớ va vớ vẩn mà quên yếu tố chính yếu: buông thả quá, người ta sẽ quá nhàm. Đã nhàm ắt phải chán. Đã chán ắt phải thèm của lạ. Đã lâu rổi, tôi đọc một cuốn sách về cuộc đời bà Jackie Kennedy, kể rằng mỗi khi vào toilette, bà mở những robinet nước, để làm át các thứ tiếng khác.
 
 Có lẽ cũng vì thế mà trong Kinh Thánh, sau khi Adam và Eve phạm tội, Chúa phạt hai người biết mắc cỡ, lấy lá che thân và đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Bắt sống đời trần tục, nghĩa là mặc quần áo đường hoàng, vì nếu cứ ở với nhau tồng ngồng suốt ngày, như hai con nhộng, thì còn gì hấp dẫn, hả trời, còn gì hứng thú để thực hiện lời Chúa phán: hãy sinh sản ra loài người, nhiều như sao trên trời, như cát dưới biển?



 

Portland, 5, 2013

Người Lính Già Oregon

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List