Con thuyền Hải Nhuận đậu bến Tự Do tại Viet Museum, San Jose
Hải Nhuận đóng thuyền
tại Hayward đem đến San Jose triển lãm tại SC County về nằm bến Tự Do
tại Viet Museum
(SJ HISTORY PARK)
Ngày cảm ơn nước Mỹ.
Một trong
các tiết mục đặc biệt của chương trình cảm ơn nước Mỹ là hình ảnh con thuyền Hải
Nhuận. Bà con ta vượt biên bao năm qua đã ra đi trên đủ mọi con tàu và khởi
hành từ khắp miền đất nước.
Tại bến tự do của Việt Museum hiện có 2 con thuyền
tiêu biểu triển lãm thường trực. Thuyền Tân Phát chở 28 người ra đi từ Cà Mau
năm 1985. Hư máy thả trôi trên biển Đông được 4 ngày thì gặp thương thuyền Nhật
vớt. Con tàu được thủy táng nhưng anh thủy thủ Nhật Bản đã chụp được tấm hình.
Những gia đình may mắn trên con thuyền Tân Phát ngày nay lưu lạc bốn phương trời.
Năm 1995 Viet Museum đã cho đóng lại cùng kích thước con thuyền Tân Phát thực.
Thuyền này có mái che và dáng dấp hiền lành như người dân miền Hậu Giang.
Tháng 5-2015
bà con Hải Nhuận đến thăm viện bảo tàng đã có ý định bắt đầu thực hiện con thuyền miền
Trung dáng dấp dũng mạnh như chiền thuyền của dân Viking thời xưa
bên Âu châu.. Ngày 15 tháng 8-2015 thuyền Hải Nhuận ra mắt bà con tại County và
chuyển về đậu bến Tự Do tại Việt Museum.
Con thuyền Hậu
Giang bây giờ có bạn là con thuyền Hải Nhuận của miền Trung. Để biết rõ về làng
Hải Nhuận, xin gửi lại quý độc giả bài viết của chúng tôi từ 2 năm trước.
oo0oo
Bài Hải Nhuận
tình quê...
Giao Chỉ,
San Jose
Phụ nữ Hải Nhuận tại Hoa Kỳ
Họp mặt đồng
hương
Bao năm qua,
bà con đồng hương tỵ nạn đã họp mặt trên khắp nẻo đường hải ngoại để cùng nhớ về
quê cha đất tổ. Đọc báo nghe đài và các bản tin khắp 4 vùng nước Mỹ đều thấy lời
mời họp mặt dân tha hương từ Quảng Trị mà xuống đến Cà Mau. Hội đồng hương đất
Huế tuần trước thì tuần sau đến Quảng Đà.
Nha Trang sao lại trùng ngày với Đà Lạt.
An Giang và Kiên Giang kẻ trước người sau. Cần Thơ thứ bẩy thì lại đến Bạc Liêu
chủ nhật. Có nhiều nơi liên kết giữa tỉnh thành với ngôi trường trung học. Phan
Thanh Giản mà đi với Tây Đô thì quá hợp lý, cũng như Kiên Giang ghép Nguyễn
Trung Trực là phải hợp tình.
Đã qua rồi
những ngày vất vả mưu sinh. Những con người tiền phong ra đi thời kỳ 80–90 nay
đã về hưu.Trẻ con đã thành gia thất. Những đứa cháu đã khôn lớn. Tình quê bỗng
rộn ràng. Như chim gọi đàn, bèn nhớ đến nhau. Ta ngồi lại với nhau. Thu đông
thường họp trong nhà. Xuân hạ picnic ngoài park.
Nhớ chút
duyên xưa, Chu văn An đến với Trưng Vương. Tìm về tình cũ Gia Long gọi bạn
Petrus Ký. Quy mô hơn ta tổ chức liên trường. Trường nào cũng là trường, thêm
nhiều màu sắc. Nói đến trường phải nhớ đến thầy cô. Xum họp các lớp học trò,
ban tổ chức đưa thêm câu đối: Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư; Nối tình quê
hương anh em đưa khẩu hiệu: Uống nước nhớ nguồn.
Những ý
nghĩa đồng hương làm cho sinh hoạt ái hữu địa phương mạnh hơn cả các đảng cách
mạng và tổ chức cộng đồng. Quả thực không có điều gì phải phàn nàn. Nhưng nếu
phải chọn để kể hầu quý vị một buổi họp mặt sinh hoạt đồng hương ý nghĩa nhất
trong bao năm qua tại San Jose, tôi xin nói đến buổi lễ của tình quê hương làng
Hải Nhuận.
Xứ dân gầy
Phạm Duy đã
viết bài ca về quê hương như thế này phải gọi là xuất sắc. Từng câu chữ rời rạc
mà vẽ lại bức tranh quê. Ôi quê hương, xứ dân gầy, ôi bông lúa, con sông xưa,
thành phố cũ. Nhưng Hải Nhuận không phải là 1 thành phố. Tên gọi là
làng Hải Nhuận, thực ra chỉ là 1 xóm dân chài nằm cách xa thành phố Huế hơn 20
cây số về phía bắc.
Trước hay
sau năm 1975 thì dân số cũng chỉ vào khoảng 6.000. Thời Việt Nam Cộng Hòa, Hải
Nhuận cũng góp phần xương máu tương xứng để xây dựng miền Nam. Thanh niên trong
làng cũng có người đi lính mũ đỏ, mũ xanh, hay vào Đà Lạt Thủ Đức. Kỷ niệm
chinh chiến còn in vết Mậu Thân khi Việt cộng rút quân từ Hương Điền qua Hải
Nhuận đã giao chiến với nghĩa quân xã. Trận đánh gần như duy nhất đem lại đem lại
chiến thắng cho quân dân Hải Nhuận. Địch bỏ 5 xác tại sân trường tiểu học. Sau
75 Hải Nhuận tiếp tục góp mồ hôi nước mắt và thân xác trong trong lao tù cộng sản.
Phần lớn dân xã trước sau vẫn chỉ có 1 nghề biển. Sau 5 năm sống dưới chế độ cộng
sản, trùng dương bắt đầu réo gọi. Năm 1980 dân Hải Nhuận có người ra đi. Đối với
dân chài, một đời chân đất chân biển, việc vượt biên không khó khăn.
Phần lớn ngược lên Hồng Kông. Trong suốt 15 năm từ 1980 đến 1995 dân Hải Nhuận
ra đi và định cư ở 4 phương trời, ngày nay có được trên 400 địa chỉ. Những người
đi mà không đến được bến bờ tự do khoảng 4 chục người.
Hải Nhuận đã
đóng góp phần nhỏ bé của địa phương vào con số 1 triệu người Việt vượt biên và
khoảng 250 ngàn người vùi thân biển cả. Người liên lạc viên của Hải Nhuận ngày
nay là ông Trương công Thành ra đi năm 1986 với cả gia đình 5 người. Ngày nay
gia đình Hải Nhuận tại Cali quây quần phía Bắc San Jose tại các thị xã
Freemond, Hayward. Những bà con làng trên xóm dưới lưu lạc bên Úc Châu, Canada,
Hoà Lan bên Âu châu và 1 vài tiểu bang tại Hoa Kỳ. Từ miền quê nghèo Quảng Trị
Thừa Thiên mà nối liền đến Mỹ châu, Úc châu, Âu châu, tình quê hương vẫn gần
gũi như thủa xưa.
Qua những nổ
lực cần lao trên xứ người trở thành ân tình gửi về để xây đình, xây chùa và nhà
thờ cho Hải Nhuận. Bất cứ người Hải Nhuận nào được hỏi cũng hãnh diện kể thành
tích. Câu chuyện Hải Nhuận chính là bức tranh thu nhỏ của cả cộng đồng Việt hải
ngoại.
Qua đến thế
kỷ thứ 21, thế hệ thứ hai của Hải Nhuận đã trưởng thành tại các quốc gia tự do.
Có những gia đình đoàn tụ. Có Boat People Hải Nhuận về kết hôn với người làng Hải
Nhuận rồi đem nhau qua vùng đất tự do và có cả người Hải Nhuận qua du học được
đón tiếp bởi người dân Hải Nhuận khắp thế giới. Cho đến 1 ngày...
Bia tưởng niệm thuyền nhân Hải Nhuận tại Nghĩa trang Thị xã
Freemont
Bia đá của thuyền nhân Hải Nhuận.
Cho đến 1
ngày, ông Trương công Thành và bà con Hải Nhuận muốn xây dựng 1 mộ bia tưởng niệm
cho chiến sĩ VNCH và thuyền nhân Hải Nhuận.
Bà con có tấm
lòng nhưng không có nhiều kinh nghiệm. Nghề chài thì thông thạo, vượt biên thì
có kinh nghiệm nhưng việc dựng bia tưởng niệm thì còn phải học hỏi rất nhiều.
Vốn có đồng
hương đã từng chôn cất tại nghĩa trang thị xã Freemont, ban đại diện Hải Nhuận
đến với văn phòng nhà quàn xin đất để dựng bia. Tài liệu phác họa là bia đá đen
chữ trắng có 2 cánh buồm như ghe thuyền Hải Nhuận. Có cờ Việt và những hàng chữ
tưởng niệm.
Cờ Việt là VNCH màu vàng 3 gạch đỏ. Có tên tất cả thuyền nhân Hải
Nhuận đã hy sinh.
Họp tới họp
lui mà ban quản trị nghĩa trang vẫn chưa quyết định. Anh em bà con Hải Nhuận
bèn đưa đề nghị thực tế và đơn giản. Chúng tôi muốn mua ngay 1 lô đất. Thay vì
chôn 1 người chết thì chỉ dành chỗ đặt bia tưởng niệm. Đề nghị lập tức được cứu
xét. Ban quản trị nghĩa trang bèn chấp thuận dành cho Hải Nhuận 1 khu đất ngon
lành ngay cổng chính. Đất có rồi, bây giờ đặt làm bia ở đâu. Hải Nhuận lưu vong
bèn quay lại quê nhà.
Dù rằng làm tại Mỹ cũng có nhiều nơi. Nhưng giao cho Hải
Nhuận Thừa Thiên làm mộ bia tưởng niệm coi bộ cũng rất độc đáo. Tại quê nhà những
nghệ nhân phải làm việc kín đáo.. Làm sao mà công khai khắc cờ vàng. Rồi lại có
những hàng chữ tưởng niệm chiến sĩ VNCH. Thế rồi Hải Nhuận trong nước cũng làm
xong, bèn kín đáo gửi qua California. Bà con Hải Nhuận bốn phương gửi tiền về để
kế hoạch dựng bia tưởng niệm được hoàn tất.
Ngày chủ nhật
vừa qua, 1 buổi lễ đã ghi dấu trên 200 người dân Hải Nhuận gồm hai ba thế hệ đã
về họp mặt. Các lễ nghi tôn giáo được cử hành. Nghi lễ quân cách chào cờ mặc niệm
đã hoàn tất. Đại diện Hải Nhuận Úc châu có mặt. Chỉ riêng xóm làng Hải Nhuận
cũng có đại diện từng khu vực. Dưới mây trời xanh của tỉnh lẻ Freemond, trên đất
nghĩa trang Hoa Kỳ, dân Hải Nhuận tự do có dịp ghi ơn chiến sĩ Cộng Hòa và tưởng
niệm thuyền nhân Việt Nam. Trong số người đi mà không đến ở 4 phương trời có
góp mặt thuyền nhân Hải Nhuận. Sự đoàn kết của thuyền nhân Hải Nhuận trên thế
giới là tấm gương sáng.
Tình quê hương của Hải Nhuận vượt Thái bình Dương là 1
câu chuyện cần được kể lại. Điều quan trọng hơn hết là trong lòng người dân Hải
Nhuận từ trong nước ra đến thế giới đều nhớ ngọn cờ vàng. Cờ của tự do. Tấm bia
của họ hoàn tất trong nước gửi ra dựng tại hải ngoại, thực là 1 câu chuyện kỳ
thú cần được biết đến.
Lịch sử thuyền
nhân suốt 20 năm khởi đi từ 1975 đến 1995, chưa hề có cộng đồng tỵ nạn nào mà
quây quần với danh nghĩa 1 làng mà làm được những công trình ý nghĩa như thế.
Những cô gái
thế hệ thứ hai của làng chài Hải Nhuận mới hôm qua còn bới cát ven biển Thừa
Thiên, nhìn con tàu đại dương đi ngang mà nghĩ đến các chân trời tự do trên khắp
thế giới.
Ba thế hệ họp mặt trong lễ tưởng niệm
Hôm nay các cô gái đã trưởng thành, áo đỏ quần xanh, đi giày cao
gót, dự lễ tưởng niệm cùng bà con Hải Nhuận. Xem ra chút hạnh phúc đơn giản đã
tìm thấy ngay tại vùng trời đất tỉnh lẻ Freemond. Rồi đây, đến Tết, cộng đồng
nhỏ bé của xã Hải Nhuận tại địa phương sẽ có dịp thành phố ghi dấu công nhận một
ngày cho thuyền nhân. Một ngày dành riêng cho tình quê Hải Nhuận. Một ngày ý
nghĩa lớn lao cho một cộng đồng nhỏ bé. Ôi quê hương, xóm dân chài, ôi cát trắng,
con sông xưa...về bến cũ...
Quê hương, đôi khi chỉ là lời thở than khách sáo của khách lưu
vong, nhưng đối với Hải Nhuận thực là mối thâm tình.
Giao Chỉ, San Jose
No comments:
Post a Comment