NGUYỄN DU ĐI SỨ TRÊN QUÊ HƯƠNG LÝ BẠCH
TS. Phạm Trọng Chánh
« ĐƯỜNG TRUNG HOA
SÂU HIỂM, QUANH CO GIỐNG LÒNG NGƯỜI »
« TRUNG TÍN THẢY
KHÔNG NHỜ CẬY ĐƯỢC »
Nguyễn Du lấy bút hiệu là Thanh Hiên, kết hợp từ chữ Thanh,
bút hiệu Thanh Liên của thi hào Lý Bạch (701-762), và chữ Hiên thường
dùng của gia đình : Cha cụ Nguyễn Nghiễm bút hiệu Nghị Hiên, anh Nguyễn
Nể bút hiệu Quế Hiên, và cháu Nguyễn Thiện bút hiệu Thích Hiên. Bút hiệu
Thanh Hiên, Nguyễn Du xưng danh rõ ràng trên Thanh Hiên thi tập, Thanh Hiên
tiền hậu tập. Mang bút hiệu Thanh Hiên, Nguyễn Du xác định trong thơ chữ Hán,
mình chịu ảnh hưởng thi hào bậc thầy Lý Bạch. Ngày xưa người nho sinh trên
bước đường thi cử thường thuộc lòng văn chương chữ Hán: một ngàn bài thơ
Đường, trăm bài từ, trăm bài phú, 50 bài văn tế, 50 bài văn sách. Do đó
ảnh hưởng các thi hào lớn Trung Quốc như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu
Tông Nguyên... là điều không tránh khỏi. Ta thử tìm hiểu ảnh hưởng các thi
hào Trung Quốc trên thi ca Nguyễn Du trong thơ chữ Hán.
Nguyễn Du chịu ảnh hưởng Lý Bạch, tuổi trẻ đi giang hồ khắp Trung Quốc. Năm
723, 22 tuổi Lý Bạch mặc áo trắng, đeo bầu rượu, chống kiếm lên đường viễn
du. Trong 3 năm tham quan hầu hết cảnh đẹp Trung Quốc : Hồ Động Đình,
sông Tương, Kim Lăng, Dương Châu, Ngô Việt, Giang Hạ... Ảnh hưởng đó đã thúc
đẩy Nguyễn Du năm 1787, sau cuộc khởi nghĩa ở Tư Nông, Thái Nguyên cùng quyền
trấn thủ Nguyễn Đăng Tiến, nơi đó Nguyễn Du thay mặt binh quyền của anh
Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Trấn Thủ Thái Nguyên Hưng Hóa, Nguyễn Du
nắm giữ đội binh hùng hậu nhất : Chánh Thủ Hiệu quân Hùng hậu hiệu Thái
Nguyên. Và Nguyễn Đăng Tiến tước Quản vũ hầu (Lê Quý Kỷ sự) tức Cai Già (Lịch
triều tạp kỷ) Cai Gia (Hoàng Lê Nhất Thống Chí), tức Nguyễn Đại Lang (Thanh
Hiên Thi tập) là anh em kết nghĩa sinh tử và là cũng thầy dạy võ của Nguyễn
Du, gốc người Việt Đông. Cùng tồn vong với nhau khi thất bại bị chỉ huy
Giáo, quân Tây Sơn, đóng củi giải về cho tướng Vũ Văn Nhậm. Nhậm trọng
khí khái tha chết và cho phép muốn đi đâu thì đi.(Sinh tử giao tình tại,
tồn vong khổ tiết đồng. Bài Biệt Nguyễn Đại Lang). Nguyễn Du và Nguyễn
Đại Lang đã đi sang Vân Nam rồi từ Liễu Châu, Đại Lang về quê cũ vùng « cao
sơn lưu thủy » thăm nhà, Nguyễn Du thành nhà sư « thoát
vòng trần tục » đi giang hồ Trung Quốc theo gương Lý Bạch, hẹn gặp
lại ba năm sau tại Trung Châu.
Mặc áo
vàng nhà sư phái Thiếu Lâm danh hiệu Chí Hiên, lưng mang trường kiếm đi từ
Vân Nam sang Liễu Châu, Quế Lâm rồi theo sông Tương dạo chơi Động Đình Hồ: Đi qua
các thắng cảnh Giang Bắc, Giang Nam và các hồ lân cận. Sau đó theo sông Hán
Thủy lên Trường An thăm kinh đô thăm mộ Dương Quý Phi, thăm An Lăng có Bùi
Tấn Công mộ. Và sau đó theo kênh Đại Vận Hà xuống Tây Hồ ở Hàng Châu.
Nguyễn Du đi giang hồ Trung Quốc trong ba năm 1787-1790, lưu lại dấu
tích địa danh Trung Quốc trên trăm bài thơ trong Thanh Hiên thi tập và Bắc
Hành Tạp lục..(Liễu Cao Lâm, Giang Hán, Trung Châu, Giang Bắc, Giang Nam, Nam
Đài, Long Thủy..) danh hiệu Chí Hiên lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân
Hương. Chia tay Nguyễn Đại Lang tại Liễu Châu và gặp lại ba năm
sau tại Trung Châu : miếu Nhạc Phi bên Tây Hồ, Hàng Châu. Nơi đây Nguyễn
Du viết 5 bài thơ bên miếu Nhạc Phi (một bài Nhạc Phi, hai bài Tần Cối và hai
bài Vương Thị) trong lúc chờ đợi. Nguyễn Du cư ngụ tại chùa Hổ Pháo nơi Từ
Hải, tức Minh Sơn Hoà Thượng từng tu hành, chỉ cách Miếu Nhạc Phi một con đê
Tư (Su). Quanh Tây Hồ là các thanh lâu các nàng Kiều ẩn hiện sau các khóm
liễu. Nguyễn Du đã tiếp xúc với bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài
Nhân đã in và đang nổi tiếng tại Hàng Châu. Nguyễn Du đọc say mê và quyết chí
diễn ca thơ Nôm. Nguyễn Du từ đó không còn mặc chiếc áo nhà sư, chấm dứt đọc
Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn sau một nghìn lượt, nghìn đêm, tức ba
năm đọc kinh trên các ngôi chùa trên đường đi (bài Phân Kinh Thạch Đài).
Nguyễn
Du bắt đầu say mê sôi nổi với chuyện Hồng nhan đa truân. Gặp lại Nguyễn
Đăng Tiến, được chu cấp, hai người du hành bằng xe song mã đi Yên Kinh (Bắc
Kinh) gặp vua quan Lê Chiêu Thống đang bị bạc đãi, trở về đến Hoàng
Châu thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Tây Sơn sang nhà Thanh năm 1790,
với ông vua giả Nguyễn Huệ (Phạm Công Trị), Phan Huy Ích làm Chánh sứ với 158
người, trong đó có cả một ban hát bội 10 người, và hai con voi đực, đang cư
trú trong một lữ quán. Nguyễn Du bàn luận sôi nổi cùng Đoàn Nguyễn Tuấn
chuyện văn chương về Hồng nhan đa truân. Đoàn viết hai bài thơ tặng văn nhân
họ Nguyễn và hẹn gặp lại mùa Xuân tại Thăng Long (Hải Ông thi tập).
Nguyễn Du
chấm dứt ba năm giang hồ Trung Quốc, về Nam Đài, Long Thủy (Long Châu)
chờ đợi và về Thăng Long với anh Nguyễn Nể đang làm quan Tây Sơn, người được
vua Quang Trung kính trọng, nể vì học thức, xem ngang hàng với quân sư Trần
Văn Kỷ, và thường gióng ngựa quý đến thăm. Nguyễn Du về với anh và nhưng
thường ở nơi Gác Tía, nơi câu cá anh Nguyễn Khản cạnh đền Khán Xuân, cạnh Cổ
Nguyệt Đường, Hồ Tây, nơi đây Nguyễn Du đi hái sen và bắt đầu cuộc tình
ba năm vẹn với cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai. Ba năm đó cũng là ba năm
Nguyễn Du diễn ca Đoạn Trường Tân Thanh. Phạm Đình Hổ trong thơ chữ Hán, bài
Thiếu nữ tản kiều (Thiếu nữ làm duyên) trêu cô gái mới lớn, yêu hoa mai, tên
là Mai, vì yêu chàng công tử đang diễn nôm truyện Đoạn Trường, nên thường
đứng trước gương uốn éo như đứt ruột. (Xem Nguyễn Du, mười năm gió bụi và mối
tình Hồ Xuân Hương. Khuê Văn Paris 1911)
Lý Bạch (701-762), đại thi hào đời Đường, thi hào hàng đầu thi ca Trung Quốc,
sinh tại làng Thanh Liên nên xưng danh hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Quê ở Ba
Thục (Tứ Xuyên), bà mẹ khi thụ thai nằm mơ thấy sao Trường Canh sa vào trong
lòng, cho nên mới đặt tên chữ là Thái Bạch. Đường thư chép rằng : Lý
Bạch lên bảy tuổi vẫn chưa biết nói, một hôm bà mẹ bồng lên lầu, tự nhiên
thấy ngâm bốn câu : Nguy lâu cao bách xích. Thủ khả trích tinh
thần, Bất cảm cao thanh ngữ, Khủng kinh thiên thượng nhân. Cả nhà thấy
vậy, đều lấy làm lạ. Khi lớn lên, văn chương của Lý, có vẻ khác hẳn người
thường. Hạ Tri Chương xem thấy, ngờ Lý là một vị tiên bị đầy xuống trần gian
nên kết bạn thân thiết và tiến cử. Năm 742, Lý Bạch đi thi, hai quan chấm thi
là Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung vốn ghét Hạ Tri Chương nên phê bài Lý Bạch :
Dương Quốc Trung phê : « Người này dốt quá chỉ đáng mài mực
cho bọn sĩ tử. » Cao Lực Sĩ hùa theo : « Có lẽ
chưa đáng mài mực, chỉ đáng cỡi giày cho họ thôi. » Lý Bạch bị đánh
hỏng nhưng Hạ Tri Chương che chở bảo hãy náng ở lại. Một hôm sứ Phiên dâng
quốc thư cho vua Huyền Tông, cả triều đình không ai đọc được. Hạ Tri Chương
nói với Lý Bạch, Lý Bạch thuở nhỏ được mẹ dạy tiếng Phiên thông thạo nên bảo
không khó gì. Hạ Tri Chương tiến cử Lý Bạch, vua liền phong học vị Tiến sĩ,
cầm quốc thư ông đọc vanh vách nên được vua phong Hàn Lâm học sĩ. Đến khi vua
sai viết thơ trả lời bằng tiếng Phiên, Lý Bạch mặt đỏ say rượu đến bảo Cao
Lực Sĩ tháo giày, và ngoắc tay Dương Quốc Trung bảo mài mực. Hai người đành
riu ríu nghe theo. Lý Bạch được vào ở tòa Hàn Lâm và rất được vua
trọng đãi ; sau vì Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung dèm pha bài
Thanh Bình Điệu với Dương Quý Phi, bảo so sánh Quý Phi với Triệu Phi Yến là
Hoàng hậu bị thất sủng ; Dương Quý Phi tâu vua xin đuổi về. Vua tiếc
tài, cho một ân huệ được uống rượu miễn phí bất cứ nơi nào, triều đình chi
trả.
Thi tiên Lý Bạch
Trong lúc An Lộc Sơn nổi loạn, Lý đang ở miền Lư Sơn. Bấy giờ tước Vĩnh
Vương tên là Lân Dương cầm quân ở vùng Đông Nam, viết thư bắt Lý phải đến
giúp mình. Lân tuy không phải là bè đảng của An Lộc Sơn, nhưng cũng không
theo vua Đường. Vì thế, khi Lân bị thua, thì Lý cũng bị bắt giam, rồi bị đầy
sang nước Dạ Lang. Được bạn bè minh oan chẳng bao lâu lại được tha về ông
tiếp tục ngao du đi Hán Dương và đến Đang Đồ ở nhờ người anh họ Lý Dương
Băng. Ngoài sáu chục tuổi ông mất tại sông Thái Trạch, huyện Đang Đồ :
Lý bị chết đuối. Lúc ấy, Lý đang say rượu ngồi trên thuyền, trông thấy vầng
trăng nằm dưới sông đẹp quá, liền nhảy xuông sông ôm lấy. chẳng may bị sóng
cuốn đi, nơi Lý mất có đền ngày nay có đền Tróc Nguyệt, và tương truyền
rằng Lý cưỡi cá kình bay lên trời.
NGUYỄN DU QUA DI TÍCH LÝ BẠCH
Trên đường từ Bắc Kinh về nước từ 2-11 năm Quý Dậu (1813) đến 11-12, Nguyễn
Du qua châu thành Cảnh Châu, thuộc tỉnh Trực Lệ, sau đó qua Đức Châu, tỉnh
Sơn Đông, rồi qua tỉnh An Huy mà xuống Võ Xương tỉnh Hồ
Bắc . Nguyễn Du có đi ngang đầm Đào Hoa, một di tích trong thơ Lý Bạch. Nơi
đây người bạn Uông Luân đã tiễn Lý Bạch. Đầm Đào Hoa ở tỉnh An Huy, phía nam
sông Dương Tử (Trường Giang) nơi đây Nguyễn Du đi qua làm ba bài thơ An Huy
đạo trung, Đào Hoa đàm Lý Thanh Liên cựu tích và Đào Hoa dịch đạo trung.
Nước đầm Đào Hoa sâu nghìn thước ta, trong suốt. Tùng bách mọc hai bên bờ
đồng mùa Đông vẫn xanh. Lý Thái Bạch làm quan Cung phụng, một
chức quan thuộc tòa Hàn Lâm đời Đường, nên còn được gọi là Lý Cung Phụng. Vua
Đường Huyền Tông cho Cao Lực Sĩ đến gọi Lý Bạch vào cung làm thơ. Lý Bạch
đang say, phải vực lên thuyền. Thơ Đỗ Phủ nói về việc này : « Thiên
tử hô lai bất thượng thuyền, tự xưng thần thị tửu trung tiên ».(Nhà vua
cho gọi, không lên thuyền, tự xưng làng rượu tớ là tiên). Lý Bạch đến chơi
đầm Đào Hoa tặng Uông Luân một bài thơ trong đó có hai câu : « Đào
Hoa đầm thủy thâm thiên xích, bất cập Uông Luân tống ngã tình » (Đào Hoa
đầm nước sâu nghìn thước, chẳng sánh tình Uông lúc tiễn ta). Lý Bạch xem nhẹ
vinh hoa như chiếc giày rách. Cảnh đẹp nhờ người mà để danh ngàn năm. Chứ
đâu phải vì nước đầm mênh mông bát ngát. Nước đầm đến nay vẫn trong veo và
gợn sóng,. Con chim con cá đều thành tiên. Buồn vì không được thấy lại người
ấy. Khiến ta từ xa đến lòng thấy bùi ngùi. Đường đời bụi bặm quả thật là nhơ
dục và hổn tạp. Chi bằng suốt ngay uống trà mà giữ tròn lấy thiên tính của
mình.
DẤU CŨ LÝ THANH LIÊN Ở ĐẦM ĐÀO HOA
Đào Hoa nghìn thước nước đầm trong,
Tùng bách bên đầm đông vẫn xanh.
Nghe nói Triều Đường quan họ Lý,
Uống rượu say nên đầm nổi danh.
Người sống mười năm nơi quán rượu,
Nhà vua gọi đến vẫn say mèm,
Tự bảo là Tiên trong làng rượu,
Nhẹ như giày rách bả hư vinh.
Cảnh đẹp nhờ người danh để mãi,
Đâu phải vì đầm nước mông mênh.
Đầm đó đến nay trong gợn sóng,
Con chim con cá đều thành tiên.
Buồn nỗi người xưa không được thấy,
Xót xa ta đến sầu mênh mang,
Đường đời bụi bặm bao nhơ đục,
Thà suốt ngày say giữ tính thiên.
Nhất Uyên
dịch thơ; Nguyên tác
phiên âm Hán Việt :
ĐÀO HOA ĐÀM LÝ THANH LIÊN CỰU TÍCH
Đào Hoa đàm thủy thiên xích thanh,
Đàm thượng tùng bách đông do thanh,
Đạo thị Đường triều Lý Cung phụng,
Tùng ẩm thử đàm nhân đắc danh.
Thập niên tửu tứ nhân gian thế,
Thiên tử hô lai do lạn túy,
“Tự ngôn thần thị tửu trung tiên.”
Bạc thị vinh danh đồng tệ lý,
Thiên niên thắng tích dĩ nhân truyền.
Bất tại du du nhất đàm thủy.
Đàm thủy chí kim thanh thả liên,
Nhất ngư nhất điểu giai thành tiên.
Trú tướng, tư nhân bất phục kiến,
Viễn lai sử ngã tâm mang nhiên,
Thế lộ trần ai tín hỗn trọc,
Bất như chung nhật thống ẩm toàn ngô thiên.
Thơ Lý Bạch,
LÝ BẠCH, NGUYỄN DU VÀ DƯƠNG QUÝ PHI
Nói đến Lý
Bạch là nhớ đến Dương Quí Phi, ngày xưa ai ai cũng nhớ đến bài thơ tuyệt tác
thi hào Lý Bạch ca tụng giai nhân. Giai nhân không được thi sĩ ngợi ca, như
đóa hoa phong lan nở trong hốc đá rừng thẳm. Biết bao giai nhân, như hoa
phong lan tàn tạ trong lãng quên. Lời thơ tuyệt tác của thi nhân làm hương
sắc giai nhân bay xa ngàn năm, vượt qua không gian và thời gian. Bài
thơ Thanh Bình Điệu, là một điệu nhạc hát trong cung phòng đời nhà Đường,
Lý Bạch dùng điệu nhạc này ca tụng vẽ đẹp Dương Quí Phi. Nhạc sử chép rằng.
Đời Thiên Bảo, khi Lý Bạch ở toà Hàn Lâm. Vườn thượng uyển trong cung người
ta yêu thích hoa mộc thượng dược (ngày nay gọi là hoa thược dược) :
hồng, tía, hồng nhạt và trắng trồng trước đình Trầm hương. Mùa hoa nở vua
Đường Minh Hoàng đem Dương Quý Phi đến đó thưởng hoa, có nhiều cung nữ theo
hầu. Tới nơi ca nữ danh tiếng Lý Qui Niên cầm phách toan hát. Minh Hoàng ngăn
lại và nói : Thưởng danh hoa, đối Quý Phi tử, sao lại dùng những những
bài hát cũ. Rồi vua sai Lý Qui Niên cầm giấy hoa vàng đòi Lý Bạch đến, bắt Lý
lập tức dâng ba bài Thanh Bình điệu. Bấy giờ Lý Bạch còn say rượu chưa tỉnh,
cầm bút viết luôn ba bài thơ.
Bài thứ nhất
tả vẻ đẹp Dương Quí Phi. Vẻ đẹp ấy khác hẳn cái đẹp người thường, khiến
cho người ta thấy mây, tưởng đến xiêm áo của nàng, thấy hoa tưởng đến nhan
sắc của nàng. Dáng điệu nàng nhẹ nhàng như gió xuân thổi qua khung cửa. Dung
nhan nàng lộng lẫy như hạt sương đọng trên cành hoa. Một người như thế trần
gian khó có. Nếu không phài là tiên ở trên núi Quần Ngọc của bà tiên Vương
Mẫu, thì ắt là người dưới bóng trăng Đài Dao của họ Hữu Nhung.
Bài thứ hai
tả tình yêu Minh Hoàng đối với Dương Quí Phi. Nàng đã đẹp, lại được sự ân ái
của vua, làm thêm vẻ vang, cũng như cành hoa diễm lệ lại có sương móc thấm
vào, để giữ mùi thơm khỏi bị phai lạt. Thần nữ núi Vu Sơn, sớm làm mây, tối
làm mưa thấy cuộc ân tình nàng với vua cũng phải đứt ruột vì ghen tuông. Xưa
nay, phi tần nhiều người được vua yêu dấu chỉ có nàng Triệu Phi Yến đời Hán.
Thử hỏi trong cung Hán ai được may mắn như nàng ? Song Phi Yến được vua
Hán Thành Đế yêu dấu, còn phải nhờ sự điểm trang. Thế thì không thể ví được
với nàng. Việc so sánh Dương Quý Phi với Triệu Phi Yến, về sau trở thành cái
tội, vì Phi Yến là Hoàng hậu về sau bị thất sủng. Lý Bạch tiên đoán Dương Quý
Phi cũng sẽ bị thất sủng như Phi Yến chăng ? Lý Bạch bị Quý Phi
dèm pha đuổi khỏi triều đình. Vua Đường Huyền Tông thương tình thưởng cho một
đặc ân, được quyền uống rượu bất cứ nơi nào, đều miễn phí được triều
đình chi trả.
Bài thứ ba tả
cảnh cuộc thưởng thức mẫu đơn. Lúc ấy, mẫu đơn là thứ danh hoa với nàng là
bậc nghiêng nước cùng như trông nhau mà cười, thật là cuộc vui hiếm có, vua
Huyền Tông thưởng thức vui vẻ cũng là đáng lắm. Trước sự thưởng thức của vua,
trong lòng nàng, những sự bùi ngùi man mác vì gió xuân gây ra đều tan
biến đi mất. Nhưng nàng vẫn còn tựa bức lan can, đứng phía bắc đình
Trầm Hương, dáng điệu lả lơi của nàng lúc ấy lại càng yểu điệu hơn.
ĐIỆU THANH BÌNH
Mây tưởng y trang , hoa dung nhan,
Gió xuân xiêm áo, sương nồng nàn.
Ví chăng Quần Ngọc không nhìn thấy,
Thì dưới Dao Đài hiện ánh trăng.
Một cành diễm lệ thắm hơi sương,
Thần Nữ Vu Sơn đứt ruột ghen,
Ướm hỏi Hán Cung ai sắc nước,
Có chăng Phi Yến mượn màu son.
Sắc nước hương trời khéo sánh đôi,
Quân vương say đắm nụ cười tươi,
Sầu xuân man mác lên đầu gió,
Cửa Bắc, Đình Trầm tựa lã lơi.
Nhất Uyên
dịch thơ Lý Bạch; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THANH BÌNH ĐIỆU
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng,
Nhược phi Quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng.
Nhất chi nùng điếm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự ?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan.
Dương đắc quân vương đái tiếu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm hương đình bắc ỷ lan can.
Dương Quý Phi (楊貴妃)
Tranh vẽ Dương quý phi
cưỡi ngựa
Nguyễn Du
viết bài Dương Phi Cố Lý, năm 1789 khi đi Trường
An. Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn, người Hoàng
Nông, Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây, mồ côi sớm được chú là Dương Huyền Yêu nuôi,
mười tám tuổi nàng làm thị nữ cho Thọ Vương Mạo con thứ 18 vua Đường Huyền
Tông. Thấy nhan sắc nàng giống quí phi nhà vua mới mất.
Thọ Vương tiến nàng
vào cung vua. Huyền Tông phong làm Quí Phi. Họ hàng Quí Phi nhờ thế mà lên
địa vị cao. An Lộc Sơn nổi loạn, vua Huyền Tông chạy vào đất Thục (Tứ Xuyên).
Đến Mã Ngôi quân lính không chịu đi, đòi trừng phạt Dương Quốc Trung anh họ
nàng và Dương Quí Phi.. Nàng thắt cổ chết. Mã Ngôi tức Tây Giao ở phía
Tây Trường An, trong ba năm giang hồ 1787-1790. Nguyễn Du đã đi Trường An và
sau đó Hàng Châu. Trên đường đi sứ năm 1813 Nguyễn Du đi Bắc Kinh, không
đi qua nơi này. Sự kiện Dương Quý Phi, giống như Đặng Thị Huệ của chúa Trịnh
Sâm. Em trai cũng lộng quyền, và kiêu binh cũng đòi trừng trị. Phải chăng
Nguyễn Du mượn chuyện Dương Quí Phi để nói Đặng Thị Huệ, nàng không tội
tình gì, mà mọi người đều đổ oan cho tội làm 243 năm nhà Trịnh sụp đổ. Có lẽ
Nguyễn Du cũng đồng quan điểm với Hoàng Lê Nhất Thống Chí khen phẩm tiết của
Đặng Thị Huệ, qua lời khen Nguyễn Hữu Chỉnh, khi nghe người em rể kể về Đặng
Thị Huệ. Bao nhiêu tiến sĩ triều đình, bao nhiêu tướng tài ăn bổng lộc vua
chúa đều bất tài vô dụng như phổng đá, nên đổ oan việc mất nước cho một
người đàn bà.
Hoàng Lê Nhất
Thống Chí. Văn Học, Hà Nội 1970, tr 88 viết : “Khi
chúa nhỏ bị bỏ (Trịnh Cán), Thái phi (mẹ Trịnh Tông, Dương Thái hậu) liền sai
người bắt Tuyên phi (Đặng thị Huệ) đến trước mặt mình, kể tội, rồi buộc Tuyên
phi phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng
kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất. Nhưng Tuyên phi nhất định
không chịu lạy, mà cũng không nói nửa nhời. Thái phi giận quá, đánh đập một
hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ tăng ở vườn sau.
Tại đây Tuyên phi bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa Tuyên phi lấy áo
che mặt, trốn ra khỏi cửa Tuyên vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân
lính đuổi kịp. Từ đó lại càng bị giam giữ chặt chẽ. Năm sau trong nhà tẩm
miếu trên lăng Thịnh phúc, tự dưng bao nhiêu đồ thờ bằng gỗ, bằng vàng hễ
động tay vào là nát mủn như bùn. Viên giữ lăng miếu vội vàng gửi thư về kinh
trình rõ việc biến. Thái phi cho đòi cô đồng vào hỏi.
Cô đồng phán rằng:
“Chúa Thượng đã làm trái ý tiên vương: tội bất hiếu có hai điều: Chúa
vừa lên ngôi, đã ngờ Đặng thị làm bùa yểm trong tử cung, rồi tự ý cậy mở tử
cung, thay đổi quần áo khâm liệm, khiến cho xương ngọc không yên. Đó là một !
Đặng thị là người tiên vương yêu dấu, bây giờ bị chúa làm cho tủi nhục đủ
đường, khiến vong linh tiên vương phải áy náy . Đó là hai ! Nếu không mau hối
lỗi tạ tội, tai biến sẽ còn nhiều nữa.! " Thái phi sợ hải, lập tức vào
nói với chúa. Chúa bèn sai quan tế lễ tạ tội, rồi cho Tuyên phi được trở lại
làm cung tần nội thị vào thờ phụng tẩm miếu. Tuyên phi được vào hầu hạ lăng
tẩm, ngày đêm chỉ gào khóc xin chết theo tiên vương. Đến ngày giỗ “đại tường
“ của tiên vương. Tuyên phi bèn uống thuốc độc mà chết. Chúa sai quan trấn
thủ Thanh Hoa, theo lễ cung nhân táng Tuyên phi ở cách Vọng lăng của tiên
vương một dặm.” Chỉnh nói: - Chết được đấy ! Ta tưởng Tuyên phi chỉ có nhan
sắc, không ngờ lại có tiết liệt như vậy… “
Bài thơ Dương
Phi cố lý Nguyễn Du viết: Mây núi thưa thớt, hoa bên sông rực rỡ. Nghe nói
Dương Quý Phi sinh ở đất này. Chỉ vì cả triều đình như phổng đứng, mà nghìn
năm cứ đổ oan cho sắc đẹp nghiêng thành. Vụ loạn An Lộc Sơn, tựa như nhà Tây
Sơn đánh sụp đổ nhà Trịnh như một cơn gió thoảng. Nhà Trịnh sụp
đổ vì tướng Phạm Ngô Cầu trấn thủ Phú Xuân bất tài, tham nhũng, hay nghi kỵ,
mê muội tin lời thầy bói. Quan Tham Tụng Bùi Huy Bích (Thủ Tướng) trước
tình thế ngã nghiêng không dâng được một kế sách nào ! Cung Nam nội
buồn teo, cỏ dại mọc khắp. Đồng Tây Giao vắng ngắt, gò đống san bằng. Hương
tàn phấn rã nay biết tìm đâu ? Dưới thành gió Đông thổi, khiến người cảm xúc
vô hạn.
QUÊ CŨ DƯƠNG QUÍ PHI
Bên sông hoa nở núi mây thanh,
Nghe nói Dương Phi đất ấy sanh.
Vì cả triều đình như phỗng đứng,
Đổ oan nghìn thuở sắc nghiêng thành.
Cỏ cây Nam nội buồn man mác,
Gò đống Tây Giao giờ vắng tanh.
Hương phấn hoa tàn ai biết nữa,
Gió Đông hiu hắt dưới chân thành.
Nhất Uyên
dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
DƯƠNG PHI CỐ LÝ
Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.
Tự thị cử triều không lập trượng,
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.
Tiêu tiêu Nam nội bồng cao biến,
Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình,
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,
Đông phong thành hạ bất thăng tình.
Thời đại chúa
Trịnh Sâm, chúa là một nhà thơ nôm danh tiếng, triều đình cũng đầy những nhà
thơ tài danh: Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Khản, Lê
Quý Đôn.. nhưng không thấy một bài thơ danh tiếng nào ca tụng sắc đẹp
Đặng Thị Huệ. Chỉ thấy triều đình chia hai phe bên theo theo phò Trịnh Tông,
bên theo phò Trịnh Cán.
Nguyễn Du
không tả chân dung, sắc đẹp của giai nhân đương thời và hùa theo người đời
kết án: sắc đẹp là nguyên nhân làm vua chúa đắm say quên mất việc triều
chính, gây hổn loạn phế lập con thứ con trưởng, làm nên binh biến, làm mất
nước. Nguyễn Du không kết án giai nhân, cũng không kết án vua chúa, mà kết án
những ông Hành tụng, Bồi tụng, Ngự Sử, Thượng thư, Thị Lang.. Tiến sĩ làm
quan triều đình, những võ tướng rường cột nước nhà, các ông là phổng đá đứng
làm cảnh cả sao, trước mọi tình thế, nguy nan không đề ra được một phương án,
kế sách giải quyết tình hình, các ông ăn bổng lộc của triều đình, của dân của
nước để làm gì ?, khi thất bại lại đổ lỗi cho sắc đẹp của giai nhân làm đổ
nước nghiêng thành ?
TỪ TRƯƠNG TIẾN TỬU CỦA LÝ BẠCH ĐẾN HÀNH LẠC TỪ CỦA
NGUYỄN DU
Nguyễn Du
chịu nhiều ảnh hưởng thơ Lý Bạch, trong phong cách uống rượu nhìn đời, từ
những bài thơ Hành lạc từ phản phất thơ Trương Tiến Tửu của Lý Bạch. Chúng ta
hãy đọc bài Trương Tiến Tửu của Lý Bạch: Trương Tiến Tửu là một điệu trong Cổ
nhạc Phủ, Lý Bạch theo đầu đề ấy mà làm bài này.
Anh không
thấy con sông Hoàng Hà phát nguyên ở chỗ cao, thân sông lại dài, đứng ở hạ
lưu trông lên, tưởng như nước ở trên trời đổ xuống, nó chảy xuống biển thì
không bao giờ trở lại. Và anh lại không thấy cái gương để trong nhà cao
thường khiến cho ta trông thấy mái tóc mà sầu. Buổi sớm còn xanh như sợi tơ
xanh, buổi tối đã trắng như hoa tuyết !
Ngày tháng của kiếp người cũng
thế, như nước sông Hoàng Hà trôi đi không bao giờ trở lại. Vì vậy khi ta đắc
ý cứ vui với chén rượu đùng để chén không dưới vầng trăng. Trời đã sanh cho
mình có tài tất có chỗ dùng. Dẫu nghìn vàng tiêu hết, lại kiếm ra được. Cứ
hầm dê, giết trâu mà chén rượu. Và uống một lần đủ ba trăm chén. Sầm Phu Tử
và Đan Khâu sinh. Rượu đã mời các anh chớ vội dừng thôi. Tôi vì các anh mà
hát một khúc, các anh hãy vì tôi mà lắng tai nghe. Hát rằng : Chuông, trống,
tiền ngọc chẳng quí gì. Chúng ta chỉ muốn được say mãi, chứ không muốn tỉnh.
Tỉnh như bao thánh hiền ngày xưa, bây giờ đều im phăng phắc, chẳng ai biết
đến. Chỉ có kẻ say trà rượu, tên họ vẫn còn ghi mãi. Cái người nổi tiếng nhất
là Trần Tư Vương Tào Thục. Khi Tào Thực thết tiệc ở quán Bình Lạc, khách khứa
uống hết mươi nghìn đấu rượu, tha hồ vui đùa. Ở đời như thế mới đáng.
Vậy thì chủ nhân đừng kêu ít tiền, phải mua rượu ngon ngay để ta cùng uống.
Nếu tiền không sẳn, thì con ngựa vân năm sắc và tấm áo cừu đáng giá nghìn
vàng để đâu, hãy gọi con đem đổi lấy thứ rượu ngon, để chúng ta uống cho tiêu
cái sầu muôn đời.
Bài Trương
Tiến Tửu thật là một bài thơ liều mạng, uống rượu như thế này thì gan ruột
cháy nát, sống được bao lâu, người mà suốt ngày không làm lụng chỉ uống rượu
vui chơi thì chỉ là con ký sinh trùng trong xã hội, chẳng có ích lợi gì cho
ai. Tiền bạc bao nhiêu cứ cho vào rượu, thì chết chẳng có tiền mua hòm mà
chôn, thì chết đuối mất xác trên sông nước cũng phải. Bảo thánh hiền im
phăng phắc, chỉ có kẻ say rượu là nổi danh là một lời ngụy biện. Gọi trời
sinh ta là có chỗ dùng, thì chẳng có ai thất nghiệp cả là che dấu một thực
tế, chẳng có ai dùng mới sinh ra rượu chè, be bét. Nghìn vàng tiêu hết
tự nhiên có nghìn vàng khác trời cho đem lại , quả là mơ mộng ảo huyền,
người đã nghèo rồi thì khó ngóc đầu lên, người giàu thì có phương tiện làm
giàu, câu thơ này là để quảng cáo cho các anh nấu rượu lậu làm
giàu. Một con bò hai ba trăm kí lô, ngày xưa giết bò trâu là cả làng ăn,
ba người ăn được là bao mà giết bò và dê để làm đồ nhậu, quả là con mắt to
hơn cái bụng. Kẻ viết bài Trương Tiến Tửu nếu sống trong xã hội ngày nay chắc
là phải vào nhà thương để trị bệnh nghiện rượu, cả Sầm Phu Tử, Đan Khâu sinh
cũng phải giải độc. Xem bài Trương Tiến Tửu là bài thơ hay nhất của Lý Bạch
để truyền lại cho đời, thật sự là truyền cái độc hại đến muôn đời.
TRƯƠNG TIẾN TỬU
Anh có thấy nước sông Hoàng Hà từ trời cao đổ xuống,
Chảy ra biển rồi chẳng bao giờ trở lại đâu ?.
Anh không thấy gương trong nhà cao soi đầu bạc mà sầu,
Sớm như tơ biếc, tối hầu tuyết pha.
Hãy vui mãi khi ta đắc ý,
Chớ chén không, bỏ dưới vầng trăng,
Trời sinh ta có chổ dùng,
Nghìn vàng tiêu hết, ung dung kiếm về.
Vui đi đã, dê phanh, bò mổ,
Ba trăm ly đủ uống một lần ;
Sầm Phu tử, Đan Khâu sinh,
Rượu vui xin chớ ngại ngùng dừng
thôi.
Vì các bác hát chơi một khúc,
Bác vì tôi một lúc nghiêng tai.
Ngọc tiền chuông trống quý gì,
Chúng ta chỉ muốn cuộc say mãi hoài.
Bao hiền thánh đến nay im vắng,
Phường rượu ta lưu lại kỳ danh.
Trần Vương tiệc rượu quán Bình,
Mười nghìn đấu rượu thoả tình tiệc tân.
Chủ nhân chớ ngại ngần tiền ít.
Mua rượu ta say tít cùng nhau.
Nghìn vàng ngựa quý , áo cừu,
Gọi con đem đổi vài bầu rượu thơm,
Uống cho muôn thuở tan buồn.
Nhất Uyên
dịch thơ; Nguyên tác
phiên âm Hán Việt:
TRƯƠNG TIẾN TỬU (LÝ BẠCH)
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn đáo hải bất phục hồi.
Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti, mộ như tuyết ?
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc xử kim tôn không đối nguyệt !
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương, tể ngưu, thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi !
Sầm Phu tử, Đan Khâu sinh !
Tiến tửu quân mạc đình !
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã trắc nhĩ thinh :
Chung cổ soạn ngọc bất túc quí,
Đãn nguyện trường túy, bất nguyện tình,
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch.
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh,
Trần Vương tích thì yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà sự ngôn thiểu tiền ?
Kính tu cô tửu đối quân chước !
Ngũ hoa mã, thiên kim cừu !
Hộ nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhỉ đồng tiêu nan cổ sầu !
Chú thích :
Sầm Phu tử,
Đan Khâu sinh : là Sầm Tham và Nguyên Đan Khâu, hai người bạn của Lý
Bạch.
Trần Vương :
Tức Trần Tư Vương tước vua Ngụy phong cho Tào Thực.
Bình Lạc :
tên một tửu quán đời Ngụy.
Cổ Nhạc Phủ
có điệu Trương tiến Tửu. Lý Bạch theo đầu đề mà làm bài này khuyên bạc uống
rượu.
Chúng ta hãy
đọc bài Hành Lạc từ của Nguyễn Du phản phất không gian thơ Lý Bạch mời ruợu,
hãy sống vui chơi hôm nay, đừng lo danh tiếng hảo xa vời khi đã chết, công
danh, giàu sang trần thế như phù vân, có rồi lại mất, đời người ai sống lâu
chỉ tám chục tuổi, tội gì ngàn năm lo. Khác thơ Lý Bạch đầy dao to búa lớn,
viết những điều phi lý. Nguyễn Du trong bài Hành Lạc từ có lý hơn. Nguyễn Du
không đòi giết dê, bò không biết là của ai để làm thịt nhậu, mà là vui thú
sau một cuộc đi săn : Chó tốt lông vàng đốm trắng, cổ đẹp đeo chuông
vàng. Chàng trai trẻ mặc áo cộc, dắt chó đi về phía núi Nam Hồng Lĩnh. Núi
Nam có nhiều nai hương, huyết ngọt thịt thơm ngon. Dao vàng thái thành món ăn
quý, rượu ngon uống trăm chung. Đời người ai sống trăm tuổi, vui chơi cho kịp
thì, tội gì sống bần tiện, lo âu suốt một đời người.
Bá Di, Thúc Tề,
con vua Cô Trúc không thần phục nhà Chu, lên núi Thú Dương ở ẩn, nhịn đói mà
chết, chứ không thèm ăn thóc nhà Chu cũng chẳng có danh lớn. Chích Cược
hai tên trộm cướp nổi tiếng thời Xuân Thu, Đạo Chích em Liễu Hạ Huệ có khoảng
chín nghìn lâu la đi cướp của người vợ người. Trang Cược em Sở Trang Vương
cũng là tay ăn cướp đại bợm, hai kẻ ấy cũng chẳng giàu to. Có chó cứ làm
thịt, có rượu cứ nghiêng bầu. Nguyễn Du không đòi giết dê bò, bán cả ngựa
quý, áo cừu để mua rượu như Lý Bạch. Hay dỡ trên đời không sao biết được. Cần
gì lo tiếng hảo về sao. Câu thơ này Nguyễn Du phản đối kịch liệt người đời
sau cho rằng Nguyễn Du đòi ba trăm năm lẻ có kẻ khóc mình trong bài Độc Tiểu
Thanh Ký..
Trên núi có
hoa đào, tươi đẹp như tấm lụa đỏ, sáng sớm còn đùa giỡn với mùa xuân đẹp,
chiều đã nằm giữa bùn lầy. Câu thơ này Nguyễn Du viết hay và có lý hơn
câu thơ Lý Bạch : Nhà cao, gương xót mái đầu, Sớm còn tơ biếc , tối hầu
tuyết pha. Người ta chỉ thấy khi cả nhúm tóc bị bạc, chớ có ai để ý từng sợi
tóc, sáng xanh chiều bạc đâu ? Hoa đẹp không được trăm ngày, người sống
lâu mấy ai trăm tuổi, chuyện đời lắm đổi thay, sống kiếp phù sinh nên cứ vui
chơi. Trên tiệc rượu có gái đẹp như hoa. Trong vò có rượu quý nổi sóng vàng,
tiếng thúy quản, tiếng ngọc tiêu khi mau khi chậm, được dịp hát to, cứ hát
cho nở nang buồng phổi. Người không thấy ông Vương Nhung cầm thẻ ngà, ngày
nào cũng tính toán mà trong bụng vẫn chưa thấy đủ. Vương Nhung là một trong
Trúc Lâm thất hiền đời Tấn, nhà giàu vườn ruộng ở khắp các châu, nhưng lại là
tay biển lậnngày nào cũng cầm bàn toán, thẻ ngà để tính toán. Trong nhà có
cây mận rất ngon, bán quả sợ người ta được giống nên dùi nát hộtđi rồi mới
bán.
Thế mà đài Tam công cũng đổ, cây mận ngon cũng chết, bạc vàng tiêu tan
cho người khác hưởng. Lại không thấy ông Phùng Đạo thời Ngũ Đại lúc về già,
phú quý xiếc bao, trải mấy triều vua không rời ngôi khanh tướng, thế mà miếng
đỉnh chung rốt cục vẫn là không. Nghìn năm chỉ lưu bài Trường Lạc tự, kể
chuyện mình thờ bốn họ : Đường, Tấn, Hán, Chu, sáu ông vua. Phú quý
trước mắt không khác gì phù vân, người nay chỉ biết cười người xưa, người
chết mồ mã đã ngỗn ngang, người nay đời sau vẫn bôn tẩu rộn ràng. Xưa nay kẻ
hiền ngu cũng chỉ trơ lại một nấm đất, không ai vượt qua được cửa ải
sống chết, khuyên anh nên uống rượu rồi vui chơi, kìa nhìn trong cửa sổ phía
Tây, bóng mặt trời đã xế. Cùng một tư tưởnbg nhưng thơ Nguyễn Du, không ngoa
ngữ, dao to búa lớn, như thơ Lý Bạch, hợp lý và vừa phải.
HÀNH LẠC TỪ
Bài I :
Chó săn vàng đốm trắng,
Cổ đẹp đeo chuông vàng.
Chàng trai mặc áo ngắn,
Dắt về phía núi Nam.
Núi Nam nhiều nai hương,
Huyết ngọt thịt thơm ngon.
Dao vàng thái món quí,
Rượu ngon uống trăm chung.
Đời ai sống trăm tuổi,
Gặp thời cứ vui chơi.
Tội chi sống bần tiện,
Lo âu suốt đời người.
Di Tề chẳng danh lớn,
Chích Cược không giàu to,
Sống lâu chỉ tám chục,
Tội gì ngàn năm lo.
Có chó cứ làm thịt,
Có rượu cứ nghiêng bầu.
Hay dỡ trên đời sao biết được,
Cần gì lo tiếng hão về sau.
Bài II
Núi cao hoa đào nở,
Tươi như màu lụa đỏ,
Sáng mai đùa xuân xanh,
Chiều tối rơi bùn nhọ.
Hoa nào đẹp trăm ngày ?
Người ai sống trăm tuổi ?
Chuyện đời lắm đổi thay,
Kiếp phù sinh chơi mãi.
Trong tiệc mỹ nữ đẹp như hoa,
Trong hồ có rượu như vàng pha,
Tiếng kèn tiếng sáo ngân khoan nhặt,
Được dịp hát to cứ hát ca.
Anh có thấy ông Vương Nhung tự tay cầm bàn ngà,
Ngày ngày tính toán lòng chưa vui sướng.
Đài Tam công đổ , cây mận ngon tàn,
Bạc vàng tiêu tán người khác hưởng.
Lại thấy không, ông Phùng Đạo khi về già còn phú quí,
Trải mấy triều vua ngôi cao khanh sĩ,
Chuông minh đỉnh vạc lại hoàn không,
Nghìn năm lưu bài Trường Lạc tự.
Giàu sang trước mắt như phù vân,
Người nay chỉ biết cười người trước,
Người trước chết chôn đầy tha ma,
Người nay sao vẫn còn xuôi ngược.
Hiền ngu xưa nay một nấm mồ,
Nào ai vượt qua được sống chết,
Anh ơi uống rượu rồi vui chơi,
Kìa trông phía Tây trời đã xế.
Thơ chữ Hán
Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
HÀNH LẠC TỪ
I
Tuấn khuyển hoàng bạch mao,
Kim linh hệ tú cảnh,
Kim sam thiếu niên lam,
Khiển hướng Nam Sơn lĩnh.
Nam Sơn đa hương mi,
Huyết nhục cam thả phì,
Kim đao thiết ngọc soạn,
Mỹ tửu lũy bách chi.
Nhân sinh vô bách tải,
Hành lạc dương cập kỳ.
Vô vi thủ bần tiện,
Cùng niên bất khai mi.
Di Tề vô đại danh,
Chích Cược vô đại lợi.
Trung thọ chỉ bát thập,
Hà sự thiên niên kế.
Hữu khuyển khả tu sát,
Hữu tửu thả tu khuynh.
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận,
Hà sự mang mang thân hậu danh.
II
Sơn thượng hữu đào hoa,
Xước ước như hồng ỷ.
Thanh thần lộng xuân nghiên,
Nhật mộ trước nê trỉ.
Hảo hoa vô bách nhật,
Nhân thọ vô bách tuế.
Thế sự đa suy di,
Phù sinh hành lạc sự.
Tịch thượng hữu kỹ kiểu như hoa,
Hổ trung hữu tửu như kim ba.
Thúy quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp.
Đắc cao ca xứ thả cao ca.
Quân bất kiến,
Vương Nhung nha trù thủ tự tróc,
Nhật nhật cối kê thường bất túc.
Tam Công đài khuynh hảo lý tử,
Kim tiền tán tác tha nhân phúc,
Hựu bất kiến,
Phùng Đạo vãn niên xung cực quí,
Lịch triều bất ly khanh tướng vị,
Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không,
Thiên tải đồ lưu Trường Lạc tự.
Nhãn tiền phú quí như phù vân,
Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân.
Cổ nhân phần doanh dĩ luy luy.
Kim nhân bôn tẩu hà phân phân.
Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ,
Sinh tử quan đầu mạc năng độ.
Khuyển quân ẩm tửu thả vi hoan,
Tây song nhật lạc thiên tương mộ.
Chú thích:
Vương Nhung:
Một trong Trúc Lâm thất hiền đời Tấn, nhà giàu ruộng vườn khắp các châu,
nhưng lại là tay biển lận, ngày nào cũng cầm thẻ ngà trong tay để tính toán,
trong nhà có cây mận rất ngon, bán sợ người ta được giống, nên dùi nát hột đi
rồi mới bán.
Phùng Đại:
Người đời Ngũ Đại, tính chất phát, văn chương hay, làm khanh tướng dưới bốn
triều: Đường, Tấn, Hán, Chu tự đặt hiệu là Trường Lạc lão có làm bài Trường
Lão lạc tứ tự, kể chuyện mình thơ bốn họ, sáu ông vua.
TỪ THỤC ĐẠO NAN ĐẾN MINH NINH GIANG CHU HÀNH
Nguyễn Du còn
mang ảnh hưởng Lý Bạch trong việc tả sông núi hiểm trở. Nguyễn Du chưa
đi qua Ba Thục, nhưng đọc thơ Lý Bạch bài Thục Đạo Nam, lấy ý tả Minh
Ninh Giang lúc đi sứ, để so với đường từ Tần vào Thục. Cảnh Minh Ninh Trung
Quốc là đường xứ Việt vào Trung Quốc, chúng ta thử đọc Bài Thục Đạo Nan của
Lý Bạch và Minh Ninh Giang chu hành của Nguyễn Du. Đoạn đường đi Tứ
Xuyên ngày nay không còn nguy hiểm, nguy hiểm nhất thế giới ngày nay là đoạn
đường từ Tứ Xuyên đi Tây Tạng, các đài truyền hình các nước có làm nhiều phim
về đoạn đường nguy hiểm này.
Trong lúc vua
Đường Minh Hoàng phải chạy vào Thục, khi loạn An Lộc Sơn. Lý Bạch cảm xúc làm
ra bài này để tả cái cảnh hiểm trở của xứ Thục. Than ôi ! Đường đi
vào Thục khó hơn đường lên trời xanh. Theo như sách sử những đời từ Tam Tòng,
Ngư Phù mở ra xứ Thục kể có 4 vạn 8 ngàn năm . Thế mà chỗ nước Thục với
nước Tần chỗ tiếp giáp, vẫn cách biệt nhau đến nỗi, bóng khói hai xứ vẫn chưa
thông nhau. Cách đây mười năm tôi có dịp xem một cuộc triễn lãm các khảo cổ
vật đào được ở tỉnh Tứ Xuyên tại Paris, cho thấy hình dạng các vật dụng, và
một nền văn minh hoàn toàn khác với Trung Quốc ngày nay và có gì gần gủi với
nền văn minh Maya, Inca Châu Mỹ. Đường vào đất Thục hiểm lắm, chỉ ở phía Tây
núi Thái Bạch, có một chỗ đá núi đứt quãng, nhưng chỗ đứt quãng ấy cũng cao
chót vót, riêng có loài chim mới bay qua đó, mà sang đỉnh núi Nga My, chứ
người không thể đi được. Mãi đến đời nhà Tần, trời mới sai năm vị lực sĩ, có
sức khiêng đồi vác núi, xuống giúp vua Thục. Đến lúc năm vị lực sĩ ấy theo
lệnh vua Thục cùng đi dọn đường để đón một người con gái của vua nước Tần xin
dâng, chẳng may núi đổ, đá lở, năm vị lực sĩ ấy đều bị chết bẹp, bấy giờ rặng
núi chắn ngang hai xứ Tần Thục, mới có chỗ hở. Về sau người ta nhân đó mà
dựng thang và bắc cầu đá, để đi từ quả núi nọ sang quả núi kia, thì đất Thục
mới có đường vào.
Nhưng con đường ấy có phải dễ đi đâu ! Trên thì có núi
Cao Tiêu hình giống như sáu con rồng của Hoàng Bá Đăng đã cưỡi, có thể làm
cho mặt trời phải vướng mà quay trở lại, dưới thì khe suối quanh co, nước
chảy lộn ngược coi rất dễ sợ. Cho nên bay cao như con hạc vàng, cũng không
thể qua, leo giỏi như loài khỉ vượn, khi muốn vượt qua cũng lo ngại trèo vịn.
Hơn nữa giữa đưòng đi lại có ngọn đèo Thanh Nê, vừa cao vừa quanh co, có khi
đi một trăm bước, phải ngoặt đi ngoặt lại đến chín lần. Những người qua đây
thường phải với hòn đá này, đạp hòn đá khác, tưởng như với lên sao Sâm, đạp
vào sao Tỉnh, là hai sao thuộc về địa phận xứ Thục, rồi thì mỏi quá, phải
ngồi vươn ngực mà thở, vỗ bụng mà than : Không biết mình đi vào xứ Thục
thì bao giờ về ? và lại sợ rằng : đường đi hiểm quá, chưa chắc có
trèo được không ?. Bởi vậy đường ấy vắng vẻ, không có ai đi, ban ngày
chỉ có quạ kêu trên cây ; vì nhiều núi loài quạ cũng sợ lạc đường cho
nên con trống con mái không dám rời nhau. Ban đêm chỉ có cuốc kêu dưới ánh
trăng của đám núi hiu quạnh. Than ôi ! Đường vào Thục khó hơn đường lên
trời, nghe câu đó người ta sẽ vì lo sợ mà già người đi, mặt mũi trăn lại.
Nhưng đã hết đâu ! qua núi Thanh Nê, lại có những trái núi khác cao hơn,
tưởng như cách trời không đầy một thước. Bởi bọn tiều phu không thể đến đó,
cho nên những cây thông khô gẫy xuống, vẫn cứ treo ngược cạnh những tảng đá
thẳng như bức tường. Rồi thì suối ở lưng núi tóe ra, nước trong khe bắn lên,
lúc nào cũng nghe ầm ầm. Có khi nước suối dội xuống các khe mạnh quá, đá mòn
rồi lở, trong khe như thể sấm động. Cái chỗ đã hiểm như thế, những
người xa lạ đến đó làm gì ! Hay là tham sự hiểm hóc của núi Kiếm Các mà
muốn vào đó tranh bá đồ vương ? Cửa Kiếm Các quả có hiểm thật, nó đã cao
vòi vọi, đường đi lại những đá nhọn lởm chởm, hang hốc gập ghềnh, một người
đứng ở cửa ấy, muôn người không thể đi qua. Nhưng vì nó hiểm như thế, cho nên
nhiều người muốn chiếm, kể nào chiếm được, cũng phải giao cho người tâm phúc
đóng giữ. Nếu kẻ đóng giữ không phải là người tâm phúc, tất nhiên chúng sẽ
hóa ra tâm địa sài lang mà phản lại mình. Thế thì đất ấy cũng không
đáng than. Huống chi, ngoài cái lo về sự phòng bị loài người, lại cái lo
phòng bị loài vật nữa chứ. Ngày thì cọp dữ, đêm thì trắn dài, những con vật
ấy vẫn mài nanh liếm máu, giết người như chặt cành gai vậy. Thôi cái xứ Cẩm
Thành(Thành Đô) là kinh đô nước Thục kia, tuy có vui thú, cũng không bằng sớm
sớm về nhà. Đường vào Thục khó hơn đường lên trời xanh. Đành phải nghiênh
mình đứng trông về phía Tây mà thở dài.
THỤC ĐẠO NAN (LÝ BẠCH)
Ô kìa! Thật ! Hiểm mà cao thay!
Đường Thục đi khó, khó hơn đường lên trời xanh !
Tam Tòng và Ngư Phù,
Mở nước trải bao thu !
Tính năm khi đã bốn vạn tám
Bóng khói ải Tần vẫn chẳng thông.
Phía Tây núi Bạch đường chim qua,
Nơi tuyệt vời cao đỉnh non Nga.
Đất sụp, núi lở, tráng sĩ chết,
Cầu đá về sau nối thang trời !
Trên là núi Cao Tiêu, như sáu con rồng ngăn bóng ác.
Phía dưới sông quằn quại, thác dội, sóng vỗ, nước chảy ngược.
Cánh chim hạc vàng không thể vượt.
Khỉ vượn muốn qua lo vịn leo !
Rặng núi Thanh Nê càng hiểm nghèo.
Khúc quanh, khúc ngoặt đường cong queo.
Với sao Sâm, đạp Tỉnh, vươn sườn nghỉ.
Vổ bụng ngồi thở dốc, phì phèo.
Sang Tây chẳng biết bao giờ về ?
Sợ đường chon von không thể leo .
Ban ngày quạ gào trên cổ thụ,
Quạ mái bay lượn, quạ trống theo.
Cuốc kêu đêm vọng dưới trăng thâu.
Đồi núi quanh đều quạnh hiu !
Đường Thục khó khó hơn đường lên trời xanh !
Nghe nói má hồng lo nhăn nheo,
Giẫy núi cách trời chẳng đầy thước;
Thông khô vách đá vẫn treo ngược !
Suối tung ầm sóng, nước sáng choang.
Khe ngòi đá chuyển như sấm vang.
Nó hiểm là như thế !
Hỡi người nơi xứ khác, làm chi mà tìm sang ?
Núi Kiếm Cac cheo leo lại lởm chởm,
Một người canh cửa, muôn người khó vượt !
Kẻ giữ chẳng thân thuộc
Sẽ thành giống sói lang !
Sớm lánh cọp dữ,
Tối lánh trăn dài,
Mài nanh liếm máu,
Giết người như chặt gai !
Cẩm Thành dẫu vui thú,
Chẳng bằng về nhà : thôi.
Đường qua Thục khó khó hơn đường lên trời xanh.
Nghiêng mình về Tây đành ngậm ngùi !
Nhất Uyên
dịch thơ; Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
THỤC ĐẠO NAN (LÝ BẠCH)
Y ! hu ! hi ! nguy hồ cao tai !
Thục đạo chi nan, nan vô thượng thanh thiên !
Tàm Tòng và Ngư Phù,
Khai quốc hà mang nhiên !
Nhĩ lai tứ vạn bát thiên tuế,
Bất dữ Tần tái thông nhân yên.
Tây dương Thái Bạch hữu điểu đạo,
Khả dĩ hoành tuyệt Nga My điên,
Địa băng, sơn tồi, tráng sĩ tử,
Nhiên hậu thiên thê, thạch sạn tương câu liên.
Thượng hữu lục long hồi nhật chi Cao Tiêu,
Hạ hữu xung ba, nghịch triết chi hồi xuyên.
Hoàng hạc chi phi thượng bất đắc quá,
Viên nao dục độ, sầu phan viên.
Thanh nê hà bàn bàn !
Bách bộ cửu triết oanh nham loan !
Môn Sâm, lịch Tỉnh, ngưỡng hiếp tức,
Dĩ thủ phủ ưng, toạ trường than,
Vấn quân tây du hà thì hoàn ?
Úy đồ sàm nham bất khả phan !
Đãn kiến bi đô hào cổ mộc,
Hùng phi tòng thư nhiễu lâm gian;
Hựu văn tử qui đề
Dạ nguyệt sầu không sơn.
Thục đạo nan, nan vu thượng thanh thiên.
Xử nhân thinh thử điêu chu nhan !
Liên phong khứ thiên bất doanh xích.
Khô tòng đảo quải ỷ tuyệt bích.
Phi thoan, bộc lưu tranh huyên hôi.
Băng nhai, chuyển thạch, vạn tác lôi,
Kỳ hiểm giả như thử !
Ta nhĩ viễn đạo chi nhân hà vi hồ lai tai ?
Kiếm các tranh vanh nhi đôi ngôi,
Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai.
Sở thủ hoặc phỉ thân,
Hóa vi lang dữ sài.
Triêu ty mạnh hổ,
Tịch tỵ trường sà,
Ma nha noãn huyết,
Sát nhân như ma !
Cầm thành tuy vân lạc,
Bất như tảo hoàn gia !
Thục đạo nan, nan vu thượng thanh thiên,
Trắc thân tây vọng trường tư ta !
Chú thích:
Thục: Tên cũ
tỉnh Tứ Xuyên, thủ phủ Thành Đô (Chengdu).
Tam Tòng, Ngư
Phù. Tên hai ông tổ huyền thoại vua nước Thục xưa. Sách Thục Vương bản kỷ của
Dương Hùng: Tiên tổ vua Thục là Tam Tòng, Bách Quân, Như Phù, Bồ Trạch, Khai Minh.
Từ Khai Minh tính ngược lên đến Tam Tòng là 34000 năm.
Tần: xứ giáp
giới nước ThụcThái Bạch: dãy núi rất cao chỗ nước Thục, nước Tần giáp nhau.
Nga My: dãy
núi biên giới Thục và Tần.
Lục long hồi
nhật: Sáu con rồng kéo mặt trời lại. Sách Xuân Thu mệnh lịch viết: Khi Hoàng
Bá Đăng ra xứ Phù Tang là chỗ phía Nam mặt trời, cưỡi sáu con rồng bay lên
bay xuống, mặt trời bị vướng không đi được, phải quay trở lại.
Cao Tiêu. Núi
cao như cây nêu ở phủ Gia Định, còn gọi là núi Cao Vọng, núi chủ sơn vùng đó.
Thanh Nê: Tên
ngọn núi ở Miện Châu từ Tần vào Thục.
Sâm Tỉnh: tên
hai ngôi sao thuộc phận giới nước Thục.
Kiếm các: Tên
núi rất hiểm trở huyện Kiếm Các tỉnh Tứ Xuyên.
Nguyễn Du
viết bài Minh Ninh Giang Chu Hành tả cảnh hiểm trở của sông nước từ Việt vào
Trung. Bài thơ này hùng tráng có thể sánh với bài Thục Đạo Nan của Lý
Bạch. Vùng núi Việt Tây có nhiều khe suối. Qua nghìn năm chảy họp thành một
dòng sông. Nước như đổ xuống tự trên trời cao. Trên thác nghe thấy gì ? Nghe
như tiếng con rồng có cánh nổi giận, sấm động ầm ầm. Dưới thác thấy
những gì ? Thấy như máy nỏ bật mạnh tên lìa khỏi dây. Một dòng tuôn vạn
dậm không ngừng. Núi cao giáp bờ như bức tường. Giữa có những hòn đá kỳ lạ
chen chúc nhau. Có những hình hòn rồng, rắn, cọp, beo,trâu, ngựa bày la liệt
trước mặt. Lớn như cái nhà, nhỏ như nắm tay. Hòn cao như đứng, hòn thấp như
nằm ngủ. Hòn thẳng như chạy, hòn cong như xoay vòng. Nghìn hình, vạn vẻ không
nói hết. Thuồng luồng, ly long ra vào thành vực sâu. Sóng vỗ bọt phun
ngày đêm ầm ầm. Nước lụt mùa hè vừa dâng, nước sôi sục. Một mạch ba ngày đi,
lòng chơi vơi. Lòng chơi vơi vì sợ nhiều. Nguy hiểm thay chìm sâu không đáy.
Mọi người đều nói đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng. Hóa ra đường Trung Hoa
lại thế này! Sâu hiểm quanh co giống lòng người. Nguy vong ngiêng đổ đều là
do ý trời. Tài cao văn chương thường bị ghen ghét.( Ý nói chuyện Lý Bạch bị
Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung ghen ghét). Thịt người là thứ ma quỷ thích
nhất. Sóng gió làm sao yên hết được. Giữ trung tín nhưng rốt cuộc không đủ
cậy nhờ. Nếu không tin câu “ra khỏi cửa đều là con đường nguy hiểm “. Thì hãy
thử nhìn dòng sông cuồn cuộn này.
ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG MINH GIANG
Vùng núi Việt Tây nhiều khe núi,
Qua nghìn năm chảy hợp thành sông.
Nước như đổ tự trời cao xuống,
Trên thác nghe gì chăng ?
Rồng thiêng nổi giận sấm đùng đùng.
Dưới thác nghe thấy gì ?
Máy nỏ bật nhanh tên lìa dây,
Một dòng vạn dậm không ngừng chảy.
Núi cao giáp bờ như tường thành,
Ở giữa đá lạ chen chúc nổi.
Như rồng, rắn, cọp, beo, ngựa, trâu la liệt trước mặt bày.
Lớn như cái nhà, nhỏ như nắm tay,
Hòn cao như đứng, thấp ngủ say.
Hòn thẳng như chạy, cong vòng xoay,
Nghìn hình vạn vẽ không nói hết,
Giao long ra vào thành vực sâu.
Sóng vỗ phun bọt ngày đêm ầm ầm tiếng,
Nước lụt hạ dâng tuôn trào sôi.
Một ngày ba ngày lòng bồi hồi.
Bồi hồi lo sợ điều trông thấy,
Nguy thay hiểm thay chìm sâu không đáy.
Ai cũng nói đất Trung Hoa bằng phẳng,
Hóa ra đường Trung Hoa lại thế này.
Sâu hiểm quanh co giống lòng người,
Nguy vong, nghiêng đổ đều ý trời.
Tài cao văn chương thường bị ghét,
Thịt người là thứ ma quỷ thích,
Làm sao dẹp yên hết phong ba ?
Trung tín thảy không nhờ cậy được.
Không tin: “Ra cửa đường hiểm nguy“
Hãy ngắm dòng sông cuồn cuộn chảy.
Nhất Uyên
dịch thơ; Nguyên tác
phiên âm Hán Việt:
MINH NINH GIANG CHU HÀNH
Việt Tây sơn trung đa giản tuyền,
Thiên niên hợp chú thành nhất xuyên.
Tự cao nhi hạ như bát thiên,
Than thượng hà sở văn ?
Ứng long kích nộ lôi điển điển,
Than hạ hà sở kiến ?
Nổ cơ kịch phát thỉ ly huyền,
Nhất tả vạn lý vô đình yên.
Cao sơn giáp ngan như tường viên,
Trung hữu quái thạch sâm sâm nhiên.
Hữu như long, xà, hổ, báo, ngưu, mã la kỳ tiền.
Đại giả như ốc, tiểu như quyền.
Cao giả như lập, đê như miên,
Trực giả như tẩu,khúc như tuyền.
Thiên hình vạn trạng nan tận ngôn.
Giao ly xuất một thành trùng uyên,
Dũng đào phún mạt đạ tranh hôi huyên.
Hạ lao sơ trướng phí như tiên.
Nhất hành tam nhật tâm huyền huyền.
Tâm huyền huyền đa sở úy.
Nguy hồ đãi tai cốt một vô để.
Cộng đạo Trung Hoa lột thản bình,
Trung Hoa đạo Trung phù như thị !
Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm,
Nguy vong khuynh phúc giai thiên ý.
Cao tài mỗi bị văn chương đố.
Nhân nhục tối vi ly mị hỷ,
Phong ba na đắc tận năng bình.
Trung tín đáo đầu vô túc thị.
Bất tín “xuất môn giai úy đồ “
Thị vọng thao thao thử giang thủy.
Chú Thích:
Minh Ninh
giang: sông Minh Giang chảy qua Minh Ninh.
Ứng long:
Rồng hiện.
Trung tín:
Đường Giới đời Tống: Bình sinh thượng trung
tín, Kim nhật nhiệm phong ba: Ngày thường giữ trung tín, Hôm nay mặc kệ phong
ba.
Trong thơ gửi Ngô Tứ
Nguyên tức Ngô Thời Vị khi Thời Vị viết bài họa thơ Thôi Hiệu Hoàng
Hạc Lâu: Lý
Bạch viết: Trước mắt có cảnh không tả được, Vì thơ Thôi Hiệu ở
trên đầu. Ngô Thời Vị xưng danh và làm thơ :.
Sứ thần nước Việt Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ trước cảnh này.
Nguyễn Du đáp
lới Ngô Thời Vị:
“Bên sông ngại viết thơ Anh Vũ ,
Còn nhớ Trung nguyên có bậc thầy".
Nguyễn
Du chịu nhiều ảnh hưởng thơ Lý Bạch, nhưng Nguyễn Du không sao chép, mà đào
sâu, khai phá thi ca bậc thầy. Đọc những dòng thơ Nguyễn Du : Đường
Trung Hoa không bằng phẳng mà quanh co, sâu hiểm như lòng người. Trung tín
thảy không nhờ cậy được. Cụ Nguyễn Du nhắn nhủ gì đây: đó là
di chúc ngoại giao đối với Triều đình Trung Quốc của cụ. 250 qua, thời thế
chế độ chính trị đổi khác, nhưng lời cụ Nguyễn Du vẫn sâu sắc như nói với
người đời nay.
Paris ngày 25-7-2015
Phạm Trọng Chánh
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V
- Tác
giả: Hồ Xuân Hương nàng là ai ? Khuê Văn 2000 ; Nguyễn Du , Mười năm
gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương, Khuê Văn Paris 2010; Truyện Thơ
Odyssée qua 12110 câu thơ lục bát, Khuê Văn 2005; Sử Thi Iliade qua 16933 câu
thơ lục bát, Khuê Văn 2009; Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, Khuê
Văn 201; Giáo Dục Việt Nam thời Pháp thuộc (1940-1945) Paris 1976; Giáo Dục
Miền Nam Việt Nam 1954-1975, Paris 1980; Thơ tình Nhất Uyên (Huy Cận, Xuân
Diệu đề tựa), Paris, 1996; Công cha như núi Trường Sơn 1975. Cánh chim từ
vùng lửa đỏ (thơ nhạc với Tốn Thất Lập) HSVST 1974; Bóng thời gian, Thời gian
ta mãi mãi còn xanh (với Nguyễn Đăng Hưng Liège 1972); Chiêm Bao Trắng, Thơ
Sàigon 1969.
Mời đọc những bài viết
khác của cùng tác giả :
Đi theo hành trình “Bắc hành
tạp lục” của Nguyễn Du - TS.Phạm Trọng Chánh
Đọc “Bắc Hành Tạp Lục” nhiều nhà nghiên cứu
có cảm giác Nguyễn Du rất cô đơn trước cảnh sắc và con người tại Trung
Quốc. TS Nguyễn Thị Nương ...
Thuở thư sinh lên đường du học Âu Châu
năm 1970, túi đàn cặp sách, tuổi hai mươi : « cầm kỳ thi họa đủ
mùi ca ngâm », hành trang tôi ...
Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục
quyển II, tr 232 có chép chuyện vua Lê Thánh Tông và Trường Lạc Hoàng
Hậu, một chuyện tình tuyệt đẹp, giữa ...
Những năm 1973-1976, đến Paris tôi
bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học, là ký tên và đánh số giùm tranh
litho cho Họa sĩ Lê Bá ...
Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung
tùy bút, bài Thi ca kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc
thầy phục hưng ...
Nhân đọc bài : Về cuốn sách được cho là
kiệt tác sử học của ông Tiến Anh Hồng Quang đăng trên Nhân Dân Điện tử thứ
năm 27-1-2014. Bài viết có nhiều hiểu lầm; Giáo sư Lê Thành Khôi nay đã
lớn tuổi 93 tuổi, chẳng phải bận rộn với bài viết nhỏ mọn này, là môn sinh
Giáo sư Lê Thành Khôi tôi xin thay mặt Giáo sư trả lời các điểm thắc mắc của
ông Tiến Anh Hồng Quang.
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút có nói
đến ba nhà thơ lớn, ba bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng : Nguyễn Tông
Khuê (1693-1767), Nguyễn Huy ...
Cuối tháng 8-2014 Nhà Xuất bản Thế
Giới Hà Nội cho ra mắt quyển « Lịch Sử Việt Nam từ nguồn gốc đến
thế kỷ XX » của Giáo Sư Lê Thành ...
Victor Hugo là một nhà văn lớn, nhà chính
trị Cộng hòa Pháp, chống lại Đế Chế Napoléon III, từng phải lưu vong xa
nước 17 năm. Ông qua đời ...
Sinh ngày 30-7-1945 tại Boulogne
Billancourt, ngoại ô Paris, tác giả hơn 30 quyển tiểu thuyết, truyện phim,
giải thưởng Văn Chương Hàn Lâm Viện Pháp, giải thưởng Goncourt, tác ...
Trong bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong viết:
“ Từ đó (sau lần đến thăm xuân 1807) có những lúc tôi phải vào Nam, ra
Bắc, không thể cùng ...
Nguyễn Du cho rằng việc vào Nam từ năm 1794
đến 1796 là hoài công, vô ích. Và mong rằng việc ra Bắc năm 1796 sẽ làm nên
việc. Sau ...
Đọc
sách : Nguyễn Du trên đường gió bụi của Hoàng Khôi - Nhà Xuất bản Văn Học. Hà
Nội- 2013 - Ts.Phạm Trọng Chánh
Có gì vui hơn, khi những thành quả nghiên
cứu văn học của mình được bè bạn Hội Kiều Học trong nước hưởng ứng viết thành
tiểu thuyết. Nhận được ...
Khoảng 10 năm trước năm 1813 Tốn Phong đã
đến thăm Xuân Hương Hồ Phi Mai tại hiệu sách Xuân Hương, Phố Nam thành
Thăng Long, thuở ấy nàng ở ...
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc, Nguyễn
Du trở về ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm « Chữ
tình ...
Nguyễn Du sau khi đậu Tam Trường (1783) ở
Trường thi Sơn Nam lúc 17 tuổi, được anh là Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại
kiêm Trấn thủ Hưng Hóa, ...
Nguyễn Du : nhà sư Chí Hiên “Giang Bắc, Giang Nam túi
tiền không” (1788-1790) -
TS. Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du, mang danh hiệu Chí Hiên, danh
hiệu Nguyễn Du dùng cho đến năm 1796, ký tên hai bài thơ tặng Hồ Xuân
Hương, lưu lại trong Lưu Hương ...
Nguyễn Du gọi cuộc đời từ 20 đến 30 tuổi
của mình là « 10 năm gió bụi » (1786-1796), gia phả và sách vở giáo
khoa trăm năm qua lại viết ...
Bao nhiêu năm nghiên cứu về Nguyễn Du,
chúng ta đã biết hết cuộc đời Nguyễn Du chưa ? Nguyễn Du có quyển Kim
Vân Kiều truyện của Thanh Tâm .
“Nhã Ca” (CANTIQUES) là một tác phẩm
văn chương cổ đại của dân tộc Do Thái, cách chúng ta khoảng 630 năm trước Tây
lịch. Một áng văn chương trữ ...
Giữa thời điểm các nhà sách hải ngoại thi
nhau đóng cửa, người đọc tiếng Việt ngày càng thưa thớt, tác giả gửi sách đi
cho các nhà sách, không
Trần Ngọc Quán quê Nghệ An, trước làm quan
Cai Bạ doanh Quảng Đức (Chức vụ đứng đầu một doanh, tỉnh Thừa Thiên ngày
sau). Tháng 2 năm Ất ..
Điều nghịch lý trong thơ truyền khẩu gán
cho Hồ Xuân Hương là Xuân Hương thường đi chùa, cuối đời có đi tu một thời
gian, nhưng trong thơ lại ...
* Đối thoại: Sở tri chướng và kinh tế thị
trường – Phạm Trọng Chánh, Ph.D., Paris, Pháp,
Link :http://giaodiemonline.com/baiup/DTGH(3).htm |
__._,_.___
No comments:
Post a Comment