Popular Posts

Monday, March 20, 2017

Ba Bó, Tám Bó




From: diendancaulacbotinhnghesi> on behalf of Son Dang <danghson555@
Sent: Monday, March 20, 2017 3:05 AM
To: Son Dang
Cc: DienDanCauLacBoTinhNgheSi@googlegroups.com; DienDanTinhBangHuu@googlegroups.com; KQVN
Subject: [Diễn Đàn CLB Tình Nghệ Sĩ] Fwd: Ba Bó, Tám Bó





 Ba Bó, Tám Bó
Ba Bó, Tám Bó

Hoàng Hải Thủy
Buổi sáng đầu năm ở quê người, trước khung hình computer,  tôi buồn vời vợi. Buồn và tuyệt vọng. Cuộc sống không còn có gì cho tôi vui. Mùa đông Virginia, tuyết làm duyên, vườn đất Virginia mùa đông cũng có tuyết, nhưng tuyết làm cảnh, tuyết thoáng qua, như  không lẽ Virginia Mùa Đông lại không có tuyết.
Trong phòng ấm, ly cà phê nóng, màn ảnh TiVi trình diễn những khuôn mặt phụ nữ Mỹ trẻ, duyên, hấp dẫn, những chuyên viên xướng ngôn TiVi tiếng Mỹ được gọi là những anchor; người đàn bà sống với tôi trong 60 năm ngồi với ly cà phê bên tôi.

Lúc 5 giờ sáng, trong căn phòng Housing for Seniors Low Income  – tôi trở dậy. Tôi pha ly cà phê cho tôi, tôi làm sẵn ly cà phê đợi vợ tôi dậy là pha nước sôi. Chúng tôi bắt đầu một ngày sống bên nhau. Có nàng sống chung,  tim tôi vẫn nặng. Tim tôi nặng vì tôi biết tôi không còn được sống với nàng bao lâu nữa. Chúng tôi có thể vĩnh biệt nhau bất cứ lúc nào. Một sáng nào đó trong căn phòng người lưu vong già đầy ắp kỷ niệm, nàng không dậy nữa.
Nàng không dậy nữa…!

Thế là xong. Tôi biết cảnh đó sẽ đến, sắp đến, nó có thể đến với tôi trong bất kỳ buổi sáng nào, nhưng tôi không thể tưởng khi nàng không trở dậy, đứng bên giường nàng tôi sẽ nghĩ gì, tôi sẽ làm gì. Tôi sợ tôi phải sống không có nàng. Tôi không thể sống không có nàng.

Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng. Tôi bị bắt giam hai lần. Lần thứ nhất tù trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, hai năm, lần thứ hai tù sáu năm, trong số có 4 năm tù trong Nhà Tù Chí Hòa.

Tôi nhớ những buổi sáng tôi  ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá, tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng trong sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

Buổi sáng hôm nay, tôi vào kho Ký Ức, tìm lại hình ảnh những người bạn tôi đã từ bỏ cõi đời này kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng tận, năm cùng, Tết đến. Viết về những Người Bạn Đã Chết – theo tôi – là đúng Sách Vở. Tôi núp sau câu “Sinh Dữ, Tử Lành.” Ông cha tôi nói theo kinh nghiệm:
Di ảnh Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh.
Di ảnh Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh.
“Nói chuyện Sinh Đẻ là không nên, nói chuyện Chết là tốt.”
Tại sao ông cha tôi lại quả quyết như thế? Tôi không biết.
Người bạn nào của tôi ra đi trước nhất sau Tháng Tư 1975? Tôi nhớ có thể không đúng. Đành nhớ ai viết về người ấy, đành nhớ chuyện gì viết về chuyện ấy.
“Tuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..”

Anh Già Tám Bó vất vả gượng nhớ, gượng kể những chuyện xẩy ra từ 40, 50 năm xưa. Những chuyện xưa quá rồi, làm sao anh kề đúng chăm phần chăm? Nếu có kể sai, xin bỏ qua. Cám ơn.

Trước năm 1975 tôi đưa tiễn hai người đến nơi an nghỉ cuối cùng: anh Nguyễn Đức Quỳnh, và anh Từ Chung. Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh là đàn anh tôi. Tôi không được thân với anh. Nên khi đưa anh đến nơi anh an nghỉ ngàn đời, tôi không có gì đáng gọi là xúc động, Đám tang anh có đông văn nghệ sĩ đi đưa.
Những năm 1968, 1969 – Tết Mậu Thân – tôi sống trong căn nhà nhỏ cạnh nhà Duy Sinh – Nhà  Số 19 hay nhà Số 21 đường Hồ Biểu Chánh – có lần anh Quỳnh đến ở chơi nhà Duy Sinh, con anh. Duy Sinh thường gọi tôi sang ăn cơm với anh. Một lần anh Quỳnh bảo tôi:

“Tôi nghe tiếng máy đánh chữ của anh; biết anh đang viết, tôi rất thích.”
Tôi bằng tuổi Duy Sinh, tôi mày tao với Duy Sinh. Lẽ ra tôi phải gọi anh Quỳnh là bác, nhưng anh vẫn  cho tôi gọi anh là anh. Ngôn ngữ trong giới văn nghệ là như thế. Mày tao với anh con, anh tôi với ông bố bạn.

Duy Sinh kẹt lại ở Sài Gòn, anh và gia đình vượt biên sang Mỹ khoảng năm 1978. Nghe nói những năm đầu Duy Sinh nổi tiếng với danh vị chủ báo. Năm 1995 tôi đến Cali, gặp lại nhiều anh em, nhưng tôi không gặp lại Duy Sinh. Từ mấy năm nay tôi nghe nói Duy Sinh yếu, lãng trí, hay mặc áo thun, quần cụt đi ra đường.

Qua Duy Sinh tôi được quen với Lê Trọng Nguyễn. Từ năm 1980 đến năm 1984 là năm Lê Trọng Nguyễn và vợ con anh sang Mỹ. Nguyễn và tôi rất thân nhau. Gần như chiều nào chúng tôi cũng gặp nhau. Chúng tôi thường trên hai xe đạp, đến ngồi uống rượu ở quán rượu nghèo ven đường xe lửa Cổng Số 6. Quán rượu này có thể được gọi là quán rượu nghèo nhất thế giới.  Rựơu đế 1 đồng một ly, nhâm nhi với lạc rang 1 đồng một gói. Mỗi chiếu-tối ngồi quán nghèo như thế chúng tôi chi khoảng 10 đồng: 4 ly rượu, 4 gói lạc rang.

Tôi có mấy câu thơ tặng Nguyễn:
“Xót mày dạ trúc, lòng tơ
Họa cung đàn mọi bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu.
Thương thì đã muộn mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiều mà gặp trời mưa thì phèo. “

Vợ Nguyễn được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, Nguyễn đi theo vợ con. Năm 1995 khi vợ chồng tôi đến Cali, Nguyễn chỉ phone nói chuyện với tôi, tôi không được gặp lại Nguyễn ở Mỹ.

Từ Chung từng là bạn mày tao với tôi từ thời nhật báo Ngôn Luận. Ngôn Luận bị đóng cửa,  Nhật báo Chính Luận ra đời, Từ Chung và tôi xa nhau. Đời anh lên hương, lên dốc, đời tôi xuống dốc không phanh. Từ Chung có Chính Luận, tôi mấtSa2igoonmoi. Trong đám người đưa tiễn Từ Chung, tôi thấy tôi là người xa lạ, người khách không được trọng, người bạn bị bỏ quên.

Chính Luận là tờ báo duy nhất kể từ ngày Việt Nam có nhật báo cung cấp dịch vụ y tế cho nhân viên. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời làm y sĩ điều trị cho nhân viên báo Chính Luận. Nhân viên Chính Luận đau ốm được đến phòng mạch của BS Phiếm, khám chữa bệnh miễn phí. Nhà báo đài thọ chi phí thuốc men cho nhân viên. Nhà báo vẫn tháng tháng trả lương Cố Thư Ký Tòa Soạn Từ Chung cho bà vợ của Từ Chung. Trả lương đều cho đến ngày bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Trong lịch sủ nhật báo Việt Nam chỉ có nhật báo Chính Luận trả lương tháng cho vị Thư Ký Sáng Lập đã chết.

Cảm giác bị đời bỏ quên năm xưa ấy trở lại với tôi trong buổi ký giả Phạm Trần tổ chức buổi gặp lại anh Huyền Vũ. Trước ngày Nhật báo Sàigonmới bị bóp cổ chết – Tháng Tư 1964 – ký giả Huyền Vũ là biệp tập viên mục Thể Thao Nhật báo Sàigònmới. Mỗi tuần ít nhất là hai, ba buổi sáng tôi được gặp anh Huyền Vũ ở tòa soạn báo. Anh đến tòa báo viết tin. Anh đi khỏi Sài Gòn trước Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ anh sống ở Ocean City, một thị trấn ven biển cách Washington DC khoảng ba giờ chạy xe. Ngày tôi mới đến anh gọi điện thoại hỏi thăm tôi.

Ngày tháng qua mau. Trong buổi gặp lại anh, tôi tưởng trong số người được ban tổ chức mời kể vài kỷ niệm xưa với anh Huyền Vũ thể nào cũng có tôi. Tôi là người duy nhất trong số người đến gập anh lần cuối ấy từng làm việc với anh trong một tòa báo. Nphamnhưng tôi đã bị bỏ quên. Người ta mời nhiều người kể kỷ niệm với anh Huyền Vũ, người ta không mời tôi. Hôm ấy tôi đến gần anh Huyền Vũ, cúi xuống bên anh, nói nhỏ:
“Anh Huyền Vũ, tôi là Hoàng Hải Thủy. Anh nhớ tôi không?”
Anh nói bốn tiếng:
“Làm sao quên được.”
Anh ra đi vài tháng sau đó.
Dương Hà, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, Thủ Đức năm 2005. Dương Hà nay sống bình yên ở Thủ Đức.
Dương Hà, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, Thủ Đức năm 2005. Dương Hà nay sống bình yên ở Thủ Đức.
Một trong những người bạn đồng nghiệp của tôi ra đi sớm nhất sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Trọng Nguyên. Anh cùng làm việc với tôi nhiều năm trong tòa soạn nhật báo Sàigònmới. chúng tôi trạc tuổi nhau. Khoảng năm 1976 gặp lại nhau, Trọng Nguyên cho tôi biết anh bị ung thư phổi. 

Tôi đến Bệnh Viện Hồng Bàng thăm anh. Rồi tôi đến Bệnh Viện Bình Dân thăm anh khi anh  đến đấy chờ giải phẫu. Lần thứ nhất tôi vào Khu Ung Thư Bệnh Viện Bình Dân thăm Trọng Nguyên. Khi ấy tôi đã sống 24 tháng trong phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu.   tôi thấy Khu Ung Thư, ở trên lầu Bệnh Viện Bình Dân, không khí ghê rợn hơn ở những phòng giam Số 4 Phan Đăng Lưu. 

Ở phòng giam tù có mùi hơi người, mùi lông tóc, mùi mồ hôi, mùi cống, ở phòng Ung Thư Bệnh Viện có đủ những thứ mùi vừa kể, thêm mùi máu, mùi mủ, những người bệnh đàn ông ở trần, khoác cái khăn trước bụng.

Buổi tối, tôi đến Tang Nghi Quán Quảng Đông chào vĩnh biệt Trọng Nguyên. Linh cữu Trong Nguyên quàn ở đấy. chị Trọng Nguyên kể:
“Buổi sáng nhà tôi bảo tôi mở tủ, lấy ra cái máy chữ và mấy quyển tiểu thuyết của anh, anh ngồi yên nhìn ngắm. Anh đi lúc bẩy giờ tối.”

Năm 1980 ở tù hai năm trở về, tôi được tin Minh Đăng Khánh bị liệt. Nghe kể anh hút điếu thuốc lào, bị sốc, ngã xuống, tỉnh lại, bị liệt nửa người bên trái. Anh ngã xuống là không tự đứng lên được,  anh vẫn lết chân trái đi lại được, nhưng đi rất chậm và vất vả. Anh vẫn dậy vẽ ở nhà. Anh nói ngọng nhưng còn nói được:
“Tao vào tiệm phở, người ta cho tiền tao. Tao nói: “Cám ơn.. Tôi không phải là ăn mày.”
Đưa đám Minh Đăng Khánh, tôi đứng bên anh Thiếu Lang. Anh hỏi tôi:
“Cậu có biết Hoàng Hải Thủy bây giờ ra sao không?”
Biết anh tưởng lầm, tôi hỏi lại anh:
“Anh thấy tôi là ai?”
Anh trả lời:
“Cậu là Hoàng Anh Tuấn chứ ai!”

Mạc Tử, kém Trọng Nguyên và tôi hai, ba tuổi,  làm phóng viên báo Sàigònmới cùng thời với chúng tôi. Tháng Tư 1964 Sàigònmới bị Nguyễn Khánh, Đỗ Mâu đóng cửa. Anh em chúng tôi tản lạc. Mạc Tử đi quân dịch. Tôi nghe kể trong một cuộc hành quân, người lính Mạc Tử bị tên VC bắn sẻ bắn trúng tim. Mạc Tử chết ngay. Mạc Tử không vợ, không con

Anh bạn bị bại liệt thứ hai của tôi là Văn Minh, chủ nhiệm Tuần Báo Con Ong. Xước danh của anh là Minh Vồ, dù cả đời anh chẳng vồ cái gì của ai. Minh bị nằm liệt khoảng ba năm trước khi hết nợ đời.
Trong đám tang Văn Minh, chị Minh bảo tôi nói lời vĩnh biệt anh. Đứng bên quan tài Minh, tôi nói:
“Minh ơi.. Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.”
o O o
Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị bại liệt khoảng năm 2000. Chú là người viết tiểu thuyết duy nhất kiếm được tiền đủ sống cho riêng chú trong kìm kẹp cộng sản. Sau 30 Tháng Tư 1975 chú bị bắt tù cùng một số ký giả Sài Gòn. Được thả ra khoảng một năm sau, chú bắt tay ngày vào việc đi xe đạp sáng sớm lấy bánh tiêu, bánh bò trong lò bánh của người Tầu ở Chợ Lớn, đạp xe đem đi giao khắp thành phố,  buổi chiếu chú đạp xe đi thu tiền. Rồi chú làm chủ tủ bán thuốc lá lẻ vỉa hè. Chú ngồi sau tủ thuốc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Chú kiếm tiền tuy không nuôi được vọ con chú nhưng nuôi được thân chú.
Khoảng năm 1981, hay 1982,  vợ tôi không ăn được cơm. Khoảng 8 giờ tối, tôi thường xách cái gà-men ra xe hủ tíu ở vỉa hè Ngã Ba Ông Tạ mua cho vợ tôi 10 đồng hủ tíu. Một tối trời mưa lất phất, đang đứng chờ lấy hủ tíu, tôi nghe tiếng người:
“Có tiền cho tôi..”
Tôi nhận ra ngay người xin tiền tôi là Bình Đô. Anh là một trong những người sống bằng việc viết truyện ngắn bán cho tuần bào Phụ Nữ Ngày Mai trong những năm tuần báo này bán chạy nhất. Bình Đô trạc tuổi tôi. Kể từ ngày nhật báo SGM bị đóng cửa Tháng Tư năm 1964 đến tối nay tôi mới gặp lại Bình Đô. Tôi hỏi anh:
Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.
Hoàng Hải Thủy, phóng viên nhật báo Saigonmới, ở phi trường Qui Nhơn năm 1960.
“Ở đâu?”
Anh trả lời:
“Ở vỉa.”
“Ở vỉa” là đêm ngủ trên vỉa hè.

Phụ Nữ Ngày Mai là tuần báo của anh Sáu Khiết, anh con thứ sáu của bà Bút Trà. Sáu Khiết có cái tốt – tôi thấy  anh là người chủ báo tốt nhất trong đời viết, bán truyện tiểu thuyết của tôi: anh mua truyện ngắn, ký bông trả tiền ngay nhưng không đăng ngay, mua để dành. Truyện ngắn mua xong anh đưa cho Dương Hà giữ. Mỗi truyện ngắn được trả 500 đồng.

Nhiều lần ký bông trả tiền xong, Sáu Khiết bảo tôi:
“Anh đưa truyện cho Dương Hà dùm tôi.”
Dương Hà là người được giao việc nhận và sắp xếp những truyện đăng trên tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai.

Tôi giữ truyện, đổi tên truyện, khoảng hai, ba tuầu sau tôi lại đem truyện ấy, với tên truyện mới, bán cho Sáu Khiết, anh dễ dàng ký bông trả tiền.
Dương Hà giữ truyện của chúng tôi nhiều đến nỗi nhiều lần anh bảo:
“Truyên của chúng mày tao giữ nhiều quá. Chúng mày đến tao, tao đưa lại cho.” 
Dương Hà sống nhiều năm trong một phòng cho mướn trên lầu một tòa nhà nhiều phòng ở đầu đường Hàm Nghi. Từ nhà này anh chỉ đi trăm bước là tới tòa báo SàiGònMới. Dương Hà sống với vợ ở nhà ấy trong nhiều năm. 

Rồi chắc nhờ công thu vén của vợ anh là Kim Lệ, vợ chồng anh có căn nhà mặt tiền đường Cao Thắng, trước cửa rạp xi-nê Cao Đồng Hưng. Khoảng năm 1980 Kim Lệ sang sống bên Pháp. Dương Hà và các con sống trong căn nhà Cao Thắng này. Tôi nghe nói khoảng năm 1995 Dương Hà bán căn nhà này, chia tiền cho các con, anh gửi số tiền của anh vào ngân hàng, tháng tháng lấy tiền lời để sống. Anh sống yên bình ở vùng Thủ Đức, sáng, trưa, chiều, tối anh ngồi quán, quanh năm anh uống bia, ăn hột vịt lộn, tôm chiên, không ăn cơm.

Dưng Hà thành công, nổi tiếng ngay với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, tiểu thuyết phơi-ơ-tông đầu tay của anh. Bên Dòng Sông Trẹm đăng khoảng năm 1950 trên báo Sàigònmới. Từ đó anh viết truyện đều cho SGM đến khi báo bị đóng cửa.

Tôi gặp, quen Văn Quang khoảng năm 1955, 1956, khi anh là Trung Úy. Ngày chúng tôi mất nước, Văn Quang là Trung Tá. Anh – có thể – là vị sĩ quan Quân Đội VNCH duy nhất không đi Hát Ô sang Mỹ. Ở lại Sài Gòn, vào khoảng năm 2000 Văn Quang viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi sang đăng ở những tờ báo Việt ngữ hải ngoại. Nhờ Internet, anh dễ dang gửi bài viết ra nước ngoài, rõ hơn là sang Mỹ, Canada, Úc. Văn Quang là văn sĩ Sài Gòn trước 1975 thứ nhất viết và gửi tác phẩm  ra nước ngoài. Văn Quang sống được với công việc ấy. Anh là nhà văn Việt Nam Cộng Hòa kiếm được nhiều đô-la Mỹ nhất với việc Viết ở Sài Gòn Cờ Đỏ.

Tạ Quang Khôi cùng viết với tôi trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Số 1, tuần báo ra đời năm 1956. Trên Văn Nghệ Tiền Phong Tạ Quang Khôi viết tiểu thuyết “Mưa Gió Miền Nam,” tôi viết “Vũ Nữ Sài Gòn.”

Nửa thế kỷ trôi qua, nay Tạ Quang Khôi tuổi đời Tám Bó Tám Que. 88 tuổi. Dòng đời đưa đẩy, nay Khôi và tôi cùng sống trong một nhà dành cho người già thu nhập thấp. Anh ở Lầu Ba, tôi ở Lầu Hai. Một mình trong phòng vắng, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, Tạ Quang Khôi ngồi trước computer, moi móc tìm, rị mọ viết, gửi và nhận e-mail.

Nghe tôi nói tôi sợ tôi không sống được nếu cuộc đời này không còn vơ tôi, TQ Khôi nói:
“Mày tưởng chỉ có mình mày yêu vợ ư? Sau ngày mất nước, vợ tao chết, tao quyết định chết theo. Đêm khuya tao sắp uống thuốc để sáng mai không dậy nữa, tao nghe tiếng con tao:
“Bố ơi… Con khát nước..”

Tiếng thằng con út của tao Năm đó nó mới bẩy, tám tuổi. Tỉnh lại, tao vứt thuốc. Sáu tháng sau tao đưa các con tao vượt biên đi thoát.”
Đây là bài Thơ Cuối Đời của Tạ Quang Khôi:
Buổi tối vào giường chỉ ước mong
Sáng mai không dậy nữa là xong.
Cuộc đời lắm nỗi buồn tê tái,
Tha thiết chi cho nát cõi lòng.
Bao giờ tôi chết, xin đừng khóc
Để níu chân tôi vướng cõi trần.
Xin hãy cười vui giờ vĩnh biệt,
Mừng tôi đã thoát nợ gian truân.
Cảm khái cách gì.

Những ngày như lá, tháng như mây…!   Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích.. Chiều  5 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn Nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi.

Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:
– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!
Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.
Năm nay tuổi đời qua giới hạn Bát Thập – nôm na là Tám Bó Lẻ Bốn Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.

Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở hai túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic, mặt đen, mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi – 500 đồng năm ấy là giá tiền một chỉ vàng –  trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.
Cảm khái cách gì!

Hoàng Hải Thủy



__._,_.___

Posted by: Bich Huyen 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List