Popular Posts

Monday, March 20, 2017

Người đàn bà trên cầu Nitelva

F
Date: 2017-03-11 9:37 GMT-08:0
Cám ỏn Hiên. Chị đang khóc đây. Đọc bài này mình thấy đỏ̀i mình sao quá may mắn.
From: theresa dang <
Date: 2017-03-09 16:59 GMT-08:00
                                      Người đàn bà trên cầu Nitelva



http://phamtinanninh.com/wp-content/uploads/2017/02/Nitelva.jpg
Phạm Tín An Ninh

     Thực ra cây cầu không có tên, nhưng có lẽ vì nó bắc ngang qua đoạn quanh co và đẹp nhất của dòng sông Nitelva, nên người dân ở địa phương này thường gọi như thế. Đây là đoạn cuối cùng của một con sông lớn trước khi đổ ra biển.
Sau khi các con đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, vợ chồng tôi bán ngôi nhà rộng cũng nằm bên bờ sông này, nhưng ở tận vùng Fjerdingby xa xôi, về đây mua căn nhà nhỏ trong một khu apartment, nằm khá xa thành phố. Chỉ làm việc thêm một năm là đến tuổi về hưu. Sống trong vùng ngoại ô tĩnh mịch này,  cả ngày không biết làm gì, ngoài cái thú đọc sách và đi bộ. Ở đây khá lâu rồi, nhưng lúc ấy còn phải đi làm, mùa hè thì bận bịu chuyện sửa sang nhà cửa, mùa đông thì chỉ nằm nhà hoặc bay sang Mỹ thăm con nhân dịp nghỉ lễ Phục Sinh, nên chúng tôi không biết gần bên nhà có một con đường đi bộ đẹp và thơ mộng đến như thế. Sau này, khi đã về hưu, nhờ ông bà láng giềng người bản xứ giới thiệu và rủ đi bộ, chúng tôi mới biết.
Con đường tráng nhựa đen bóng, lớn như những tỉnh lộ trong vùng, nhưng đặc biệt chỉ dành riêng cho người đi bách bộ.  Chạy quanh co xuyên qua cánh rừng đầy những loại hoa dọc theo bờ sông Nitelva, đến khúc sông đẹp nhất, là một chiếc cầu đúc bắc qua để tiếp tục đến một khu rừng khác, nhưng bây giờ là cánh rừng thông với những hàng cây cao, thẳng tắp, che kín cả mặt trời.
Chúng tôi khởi sự đi bộ vào đầu mùa hè, bởi mùa đông con đường và cả khu rừng ngập đầy tuyết, dòng sông đóng cứng băng, chẳng ai có hứng thú. Chúng tôi thường đi vào buổi chiều tàn, vắng người.  Mùa hè Bắc Âu trời tối muộn. Có những hôm, đến 12 giờ đêm mà vẫn còn chói chang ánh nắng mặt trời. Hôm đầu tiên và suốt cả tuần sau đó, khi đến giữa cây cầu, chúng tôi thấy một người đàn bà Á châu. Không biết bà đã đến đây từ lúc nào, nhưng khi vừa bước lên cầu chúng tôi đã thấy bà đứng bất động bên thành cầu nhìn đăm đăm xuống dòng sông, như không hề để ý đến mọi điều chung quanh. Muốn chào, hỏi thăm bà đôi câu, nhưng không dám, ngại làm mất đi cái không khí yên tĩnh riêng tư của bà.
Mãi một hôm, trên đường trở về, khi đến gần đầu cầu, trời đang nắng bỗng đổ xuống một cơn mưa rào, chúng tôi chạy vào trú mưa dưới một tàn cây khá lớn, bất ngờ gặp bà đứng sẵn ở đó. Bà gật đầu chào và kéo bà xã tôi đứng sát bên bà để tránh mưa tạt. Rất vui khi biết bà là người đồng hương, đến định cư ở nước Bắc Âu xa xôi này từ khá lâu, năm 1979. Nhìn mái tóc bạc, tôi đoán bà cao tuổi hơn mình. Trông bà hiền lành, nói năng từ tốn, thỉnh thoảng nở nụ cười, nhưng khó tìm được nét vui nào, bởi đôi mắt thật buồn. Và không ngờ cơn mưa rào hôm ấy đã đưa chúng tôi trở thành những người bạn già đồng hương sống đời lưu lạc.
     Bà cho biết, bởi hoàn cảnh đặc biệt, nên hơn hai mươi năm nay, từ khi dọn về sống ở vùng  này, bà không quen biết ai. Bà muốn sống yên lặng một mình trong căn nhà nhỏ, riêng tư với những nỗi niềm quá lớn của mình.
-Tôi vẫn muốn giữ lấy quá khứ buồn bã cho riêng mình, cứ sợ chia sẻ với người khác thì mình sẽ chẳng còn lại cái gì hết.
Lần đầu tiên, khi đến thăm chúng tôi bà tâm tình như thế.
Tôi nói như để an ủi bà:
-Người ta thường nói lời phân ưu, chia buồn. Nhưng thực ra cũng chỉ là một cách an ủi thôi. Chứ làm sao có thể chia sớt được nỗi buồn của người khác. Tuy nhiên, khi nói ra cũng là cách để làm nhẹ bớt những gì cứ đè nặng trong lòng mình đi chị ạ.
     Sau đó bà thường đến chơi và càng lúc càng thân tình với vợ chồng tôi. Bả bảo thấy rất hợp với chúng tôi, vì có cùng những hoàn cảnh, hoạn nạn, và giờ thì đang cùng “sống ở cuối trời quên lãng” tận xứ Bắc Âu này. Sau lần vợ chồng tôi gật đầu trước đề nghị khi bà muốn được kết nghĩa chị em, bà ôm chầm lấy chúng tôi nước mắt sụt sùi, bảo là bà chỉ có một cô con gái, nhưng phải sống ở trong Trung Tâm dành cho người bị bệnh tâm thần, mất trí nhớ.
Trung Tâm này khá lớn nằm trong khu vực chúng tôi đang ở. Chúng tôi đã từng đi qua lại rất nhiều lần, nhưng không biết đó là một trung tâm như thế.
Chiều hôm sau, chúng tôi cùng đi bộ theo bà đến thăm cô con gái. Không ngờ đây là một cơ sở rất qui mô, có nhiều bác sĩ đảm trách. Cứ một bác sĩ phụ trách mười bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân có riêng một y tá trực tiếp săn sóc, dẫn dắt đi chơi, mỗi năm có hai lần đi du lịch nước ngoài tùy theo hoàn cảnh, xuất xứ của mỗi người.
Cô bé trông khá xinh, nhưng đôi mắt thất thường Có khi đang thật buồn, bất ngờ trở nên giận dữ. Dường như đôi lúc vẫn còn nhận ra mẹ, nên sau vài phút xa lạ, lại ôm vai và vuốt tóc mẹ. Khi mới đến, cả bà và vợ chồng tôi đã được dặn dò, bất cứ tình huống nào cũng luôn nở nụ cười. Có khi cô bé cũng cười với chúng tôi, nhưng bất chợt sa sầm nét mặt. Tôi nhìn thấy bà cười, nhưng có dòng lệ ứa ra từ khóe mắt. Trên đường về, thấy bà trầm ngâm, chúng tôi tìm cách đi sau bà, tôn trọng sự yên lặng và những suy nghĩ trong đầu bà. Đã có hẹn trước, chúng tôi mời bà về nhà dùng cơm tối với chúng tôi. Biết sở thích của bà, bà xã tôi đã cuốn sẵn chả giò, về nhà chỉ chiên lên là xong.
Tối hôm ấy, bà ở lại với chúng tôi, và ngồi kể lại cuộc đời mình. Bà cho biết đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất bà kể những điều này, bởi bà xem chúng tôi như người thân trong nhà, và có thể sau này có đôi điều cần thiết phải nhờ đến chúng tôi.
     Trước ngày mất nước, chồng bà là thiếu tá Pháo Binh thuộc Quân Đoàn I. Ông là bạn học cùng lớp với ông anh cả của bà. Hai người làm đám cưới ở Nam Định, lúc bà vừa đúng 18 tuổi. Sau đó theo về sống cùng nhà chồng, ở thành phố Hải Phòng. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì  xảy ra chuyện Hiệp Định Genève, chia đôi đất nước, bà theo gia đình chồng xuống tàu há mồm di cư vào Nam, trong lúc cả gia đình của bà vẫn còn kẹt lại. Ngoài cha mẹ, bà chỉ có một người anh duy nhất, là bạn cùng học ở Hà nội với ông chồng.
Vào miền Nam, chỉ có một lần duy nhất bà nhận được tấm bưu thiếp của gia đình với đôi dòng vắn tắt, rồi bặt tin luôn. Nuốt bao đau đớn vào lòng, bà cố quên đi nỗi buồn chia ly, để cùng gia đình chồng tìm kế sinh nhai trên vùng đất mới, giúp chồng tiếp tục con đường học vấn dở dang.
Sau ba năm đại học, ông đi dạy toán ở một vài trường trung học tư thục để lo cho gia đình. Khi ấy ông bà cũng vừa có đứa con trai đầu lòng. Mấy năm sau, do tình hình chiến tranh ngày một leo thang, ông theo lệnh gọi nhập ngủ vào Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Sau đó được chọn theo học Ngành Pháo Binh.
Ra trường, ông lần lượt chuyển về phục vụ tại các đơn vị Pháo Binh của các Sư Đoàn Thuộc Vùng 3, rồi Vùng 2.  Khi thăng cấp Thiếu Tá, đang làm Tiểu Đoàn Phó, ông được chọn sang Mỹ học một khóa chuyên môn. Về nước, được bổ nhiệm về Trường Pháo Binh Dục Mỹ để đảm trách huấn luyện. Năm 1971, tình hình chiến sự Vùng 1 trở nên quyết liệt, sau những thiệt hại nặng nề trong cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719, ông được chọn bổ sung cho Pháo Binh Quân Đoàn I. Bà và ba đứa con di chuyển theo ông, thuê căn nhà nhỏ ở thành phố Đà Nẵng. Bà lo việc học hành cho mấy đứa nhỏ, ông ở đơn vị, mỗi tuần một đôi lần về thăm. Có khi bận hành quân cả tháng mới về được một lần rồi vội vã ra đi.
Đầu tháng ba 75, thấy tình hình có nhiều dấu hiệu bất lợi, ông  thu xếp cho vợ và ba đứa con về lại Sài gòn, tá túc tạm thời với gia đình người em, một sĩ quan Hải quân, đang làm việc ở Hải Quân Công Xưởng. Hôm đưa ra phi cơ, ông ôm bà và hai đứa con thật chặt, không muốn rời nhau.  Không ai ngờ đó lại là dấu hiệu của chia ly.
Ngày 11.3 Ban Mê Thuột thất thủ. Cuộc di tản từ Pleiku theo tỉnh lộ 7 B đã kết thúc số phận của các đơn vị thuộc Quân Đoàn II, từng tạo nên những chiến công hiển hách , đặc biệt đã đánh tan mấy Sư đoàn Cộng quân của Mặt Trận B3, để giữ vững Kontum và Tây Nguyên trong suốt mùa hè khói lửa 1972. Rồi tiếp theo là lệnh bỏ Quân Đoàn I của vị tướng lừng danh Ngô Quang Trưởng. Không mấy ai tin là ông sẽ bỏ vùng đất địa đầu từng thắm đẫm máu đào của hàng vạn sinh linh, đồng đội, một thời trấn giữ, giành lại từng tấc đất, để dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Vậy mà cuối cùng đã bỏ, bỏ thật. Mọi người, từ quân tới dân đều bàng hoàng, hụt hẫng. Kế hoạch di tản và sự phối hợp, chỉ huy tồi tệ của một số tướng lãnh, đã tạo nên một cuộc bại trận đớn đau bi phẫn nhất trong lịch sử chiến tranh. Một cuộc lui quân đẫm máu trên bờ biển Thuận An, mà có những người lính gọi đó là pháp trường cát. Một vùng biển máu ngập những xác người, cả dân và đủ mọi sắc lính. Một quân đoàn với ba sư đoàn bộ binh thiện chiến, nhiều Liên Đoàn Biệt Động Quân dạn dày lửa đạn, những Thiết Đoàn Kỵ Binh với hỏa lực hùng mạnh, hai  Lữ Đoàn TQLC của một đơn vị Tổng Trừ Bị vang danh, từng tạo những chiến tích lẫy lừng ở các trận chiến Mậu Thân, Quảng Trị, giờ phải lâm vào bước đường cùng, không còn lối thoát, không còn đạn để có thể chiến đấu. Nhiều người tự sát trong tiếng cười ngạo nghễ, nhiều người bị giết khi vừa bắn đi viên đạn cuối cùng, và tất cả số còn lại bị bắt bởi những tên du kích!
Chồng bà là một trong hàng vạn người lính bất hạnh ấy. Vị thiếu tá Pháo Binh đã phải phá hủy hết các khẩu pháo, từng bao nhiêu năm sống chết với mình, để chỉ tự vệ bằng cây súng cá nhân M16, rồi cuối cùng cũng phải vất đi để chiến đấu với sóng biển, với số phận, khi tìm cách bơi ra những chiến hạm Hải Quân lắc lư xa tít ngoài khơi, dưới xích sắt của những chiến xa M113 cũng lội sóng đi tìm sinh lộ.
Ở Sài gòn, mỗi ngày bà ra bến Bạch Đằng hỏi tin tức chồng mình, nhờ người em Hải quân liên lạc các chiến hạm công tác tại Vùng I, nhưng tất cả đều không thể cho bà một tin tức nào cụ thể. Trong cái mất mát quá lớn và khủng khiếp ấy, cá nhân một ông thiếu tá, chồng bà, trở nên vô cùng nhỏ nhoi hơn bất cứ lúc nào.
Cuối cùng thì Cộng quân cũng vào đến Sài gòn. Người Mỹ có lệnh phải ra đi. Những người làm việc cho Mỹ hoặc có liên quan đến họ bắt đầu được ưu tiên di tản khỏi Việt nam bằng phi cơ. Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy Sư Đoàn 18 BB của ông cùng các lực lượng Thiết Giáp, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Địa Phương Quân tăng phái, đã chiến đấu thật dũng mãnh, kiêu hùng, ngăn chặn hằng mấy quân đoàn địch tràn vào Long Khánh, làm cả thế giới ngạc nhiên, thán phục. Nhưng cũng chỉ cầm chân được hơn một tuần. Địch quân tránh đụng độ, mở đường sang hướng Biên Hòa để bao vây, uy hiếp Sài gòn.
Tối ngày 29.4, người em chồng từ Hải Quân Công Xưởng mang xe về nhà đón vợ con xuống tàu. Anh thúc hối bà và ba đứa con theo ông di tản. Nhưng bà nhất quyết cùng con ở lại chờ chồng.
Miền Nam mất vào tay Cộng Sản đã hơn một tháng, chồng bà vẫn biệt tăm. Bà nghĩ chắc ông đã bị bắt, lặn lội ra Đà Nẳng tìm. Vào các trại tù nhốt những sĩ quan miền Nam hỏi thăm, nhưng không ai biết chồng bà. Bà tìm đến nhà anh tài xế cũ, nhờ đưa bà đi thăm một số đồng đội  của chồng. Cuối cùng, một anh trung sĩ, người lính thân cận của ông, cho biết là ông đã chết trên biển. Chính anh cùng bơi ra với ông và nhìn thấy ông bị thương do pháo kích của địch, rồi chìm xuống biển, nhưng anh không thể nào cứu được, bởi lúc ấy, anh cũng không nghĩ là mình có thể sống sót. Bà nhờ anh trung sĩ đưa bà ra bờ biển và chỉ nơi nào ngoài khơi mà ông đã ra đi. Nhìn những cánh hải âu lượn lờ trên mặt nước, tưởng như hóa thân của chồng mình, bà quỳ xuống khóc nức nở.
     Cuộc đổi đời đã dìm bà và cả ba đứa con xuống vực thẳm. Nhà ngươi em bị tịch thu, kẻ chiến thắng đuổi mẹ con bà không chỉ ra khỏi nhà mà ra khỏi cả Sài gòn. Bà dắt con chạy lên Long Khánh tá túc nhà một người bạn thân có vườn cây ăn trái, rồi mua lại một căn nhà tranh bên cạnh để sống qua ngày. Nhờ người bạn giúp, bà theo buôn bán trái cây. Cả ba đứa con phải nghỉ học, ở nhà khai khẩn thêm đất hoang, làm vườn, trồng khoai, trồng sắn.
Lo âu khốn khổ chất chồng, bà không còn biết đến thời gian Mấy năm sau, nhờ những thùng quà của người em chồng từ Mỹ gởi về, mẹ con bà có được chút vốn làm ăn, cậu con trai lớn tập tành buôn bán thuốc tây. Bớt khổ một chút.
Nhưng đùng một cái, khi cậu con trai đầu lòng này vừa tròn 22 tuổi, thì trận chiến biên giới với Campuchia bùng nổ, Trung Cộng đòi dạy cho Việt nam một bài học. Thằng bé bị bắt “thi hành nghĩa vụ quân sự”. Bà phản đối, nêu lý do nó là con của “ngụy” sao các ông tin mà cho vào “Quân Đội Nhân Dân”. Nhưng họ vẫn nhất quyết cưỡng bách, bảo là đáng lẽ phải đi cả hai anh em, như vậy là nhân đạo lắm rồi. Cũng có thể thằng bé phải thế chỗ cho một thằng nào có tiền bạc chạy chọt hoặc quen biết bà con với đám chính quyền. Năn nỉ xin xỏ không được, bà khóc hết nước mắt tiễn con đi, làm lính cho kẻ thù. Bà đau lòng lắm, chỉ cầu mong Trời Phật và vong linh chồng bà phù hộ cho nó. Nhưng chỉ ba tháng sau, bà nhận giấy báo, đứa con trai đầu lòng của bà đã trở thành liệt sĩ! Không biết xác thân nằm ở nơi nào.Người ta chỉ mang đến cho bà tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công. Họ vừa ra khỏi nhà, bà xé nát rồi cho vào bếp lửa. Trong ngôi nhà tranh bé nhỏ giờ có hai cái bàn thờ, leo lét ánh đèn dầu.
      Giữa năm 1979, muốn cướp tài sản của những người gốc Hoa, Cộng Sản bày ra chương trình “Ra đi bán chính thức”. Nhờ người em chồng ở Mỹ, liên lạc được một người lính thuộc cấp thân cận cũ gốc người Hoa Chợ Lớn, nhờ ứng vàng và lo lót cho công an, làm giấy tờ giả cho ba mẹ con bà ra đi. Ông sẽ hoàn tiền lại khi họ đến Mỹ.
Chiếc thuyền mới đóng, lớn và chắc chắn, nhưng mới ra khơi hai ngày thì hỏng máy. Hai người thợ máy đi theo lại chẳng biết gì về máy tàu, nên cuối cùng chiếc thuyền như thả trôi giữa biển mênh mông, mang theo số mạng của hơn hai trăm người. Tất cả chỉ còn cầu nguyện để mong có một chiếc tàu nào cứu thoát. Nhưng bao nhiêu lời cầu xin vẫn chưa làm động lòng Trời. Chiếc thuyền trôi dạt trên hai mươi ngày, lương thực đã cạn, và vì do không điều khiển được nên bị sóng đánh, nhiều lúc như muốn chìm. Nước tràn vào trong khoang. Mặc dù không còn sức, nhưng tất cả đàn ông đều được gọi lên trên mạn thuyền để thay nhau tát nước. Một số tháo những thanh gỗ trên đài chỉ huy, thu góp tối đa áo quần, chăn mền mang theo, đốt lên tạo thành cột khói để làm dấu hiệu cấp cứu. Con thuyền nghiêng ngả, những đợt sóng lớn đánh vào mạn thuyền, kéo theo một số người xuống biển khơi. Sinh mạng con người lúc này thật nhỏ nhoi. Ai cũng nghĩ rồi sẽ đến lượt mình. Khi tàu sắp chìm, thì Thượng Đế xuất hiện. Một chiếc tàu chở dầu của Vương quốc Nauy đã cứu họ.
Thủy thủ đoàn trên tàu rất nhân đạo, tận tình cứu vớt. Họ thi nhau dùng dây đu xuống chiếc thuyền bị nạn, ưu tiên cõng theo con nít và đàn bà, và giúp những người đàn ông cố bám theo chiếc thang lưới, leo lên tàu. Ngay trên sàn tàu, họ sắp xếp đàn ông vào một khu, đàn bà một khu khác, rồi dùng vòi nước ngọt “tưới” lên những người bị nạn để giúp họ tỉnh táo lại, và phát quần áo mới để thay.
Sau khi hoàn hồn, không tìm thấy cậu con trai, bà và cô con gái chia nhau đi tìm nhưng không ai biết. Cả anh lính Hải quân đã giúp mẹ con bà cũng mất tích. Bà và cô con gái ôm nhau khóc nức nở, đòi nhảy xuống biển. Vị thuyền trưởng người Nauy biết chuyện nên lệnh cho cô bác sĩ  đưa mẹ con bà vào phòng y tế săn sóc và bảo đảm sự an toàn. Bà bảo, nếu không nghĩ đến cô con gái út, bà đã nhảy xuống biển.
     Đến định cư ở Nauy, một đất nước giàu có và đầy lòng nhân đạo, bà và cô con gái được ưu tiên sắp xếp cho định cư ngay tại thủ đô Oslo. Mẹ con được cấp một căn nhà mới khang trang, hai phòng ngủ có đầy đủ tiện nghi. Cô con gái được theo học một trường Gymnas (trung học đệ nhị cấp) sau một khóa học ngôn ngữ Nauy dành cho người ngoại quốc.
Bà cũng được theo học tại một trường Voksengymnas (trung học dành cho người lớn). Hằng tháng, với số tiền trợ cấp đặc biệt, hai mẹ con không những sống đầy đủ mà còn dành dụm trả dần cho vợ người lính Hải quân tiền tương ứng với số vàng mà người em chồng của bà đã hứa với người thuộc cấp cũ. Người lính ân nhân này cũng đã chết trên biển cùng với đứa con trai của bà.
Cuộc sống tưởng chừng yên ả, sau khi những đau thương mất mát tạm lắng xuống, thì cô con gái trở nên kỳ lạ, thất thường sau những cơn ác mộng. Ở nhà, ban ngày chỉ đóng cửa nằm suốt trong phòng, ban đêm thức giấc la hét thất thanh. Bà phải đưa con tới trường, nhưng nhiều hôm cô bé la hét và vất tung sách vở chạy ra ngoài. Được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị, nhưng không thuyên giảm. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, mất dần trí nhớ. Thấy cô bé không còn làm chủ được mình, có thể nguy hại đến bản thân và cho người khác, Hội đồng Y khoa quyết định đưa vào một trung tâm đặc biệt dành chữa trị lâu dài. Bà không chịu, khóc lóc xin cho cô con gái được sống ở nhà, bà sẽ tự chăm sóc cho con, nhưng mọi người đều khuyên bà nên để cho cháu vào sống ở Trung tâm, để có thể chữa trị và giúp bà tự lo được cho mỉnh. Hơn nữa, mỗi tuần Trung Tâm sẽ sắp xếp cho bà hai lần vào thăm và ở lại với con khoảng ba tiếng đồng hồ.
Đúng vào lúc này bà lại nhận thêm một tin buồn. Người em chồng vừa qua đời ở Mỹ do một tai nạn giao thông. Bà không thể sang dự tang lễ được.
Trung Tâm đặc biệt này nằm trong khu vực chúng tôi đang ở. Bà thì đã dọn về đây từ lâu rồi, sau ngày cô con gái được đưa vào sống ở đây.
      Từ ngày thân tình bà luôn đi bộ với chúng tôi mỗi ngày trên con đường dọc theo bờ sông Nitelva. Nhưng khi đến giữa cầu bà dừng lại, đứng ở đó, chờ chúng tôi trở lại sẽ cùng về với nhau. Điều đặc biệt, thành chiếc cầu này là một tấm lưới bằng sắt sơn màu xám, trên đó có treo rất nhiều ổ khóa, cả mấy trăm chiếc. Có những cái nằm riêng một mình, có những cái khóa chung vào với hai, ba cái khác. Trên nhiều ổ khóa có khắc tên hai người,  một số có tên nhiều người. Đã mấy lần, vợ chồng tôi tò mò, đứng lại xem và đọc vài cái tên trên ấy. Chỉ toàn tên người bản xứ, Nauy. Tôi nghĩ có lẽ đây là nơi hẹn hò, thề non hẹn biển của những cặp tình nhân.
http://phamtinanninh.com/wp-content/uploads/2017/02/Nitelva-1-300x225.jpg
       Buổi chiều, sau ngày đến thăm cô con gái và ở lại nhà chúng tôi, khi cùng thả bộ tới giữa cầu, bà dắt tay chúng tôi đến một chiếc ổ khóa lớn, nằm riêng rẻ trên tấm lưới thành cầu. Cái khóa đồng, có khắc đậm năm cái tên. Mặt trước là tên của vợ chồng bà, mặt sau là tên của ba đứa con. Cũng lần đầu tiên, bà giải thích vì sao bà thường đứng một mình giữa thành cầu. Vì cứ mỗi lần nhìn xuống dòng sông phía dưới, bà đều nhìn thấy hiện lên khuôn mặt của chồng bà và hai đứa con trai. Trong gợn sóng, bà vẫn thấy họ mỉm cười với bà. Chính điều này đã giúp bà có nghị lực để sống tới hôm nay.
Mỗi năm, bà làm giỗ chung cho ba cha con vào giữa tháng ba, vì họ đều mất trong cùng tháng ba. Tháng ba, Bắc Âu đang mùa Đông, trời rất lạnh. Khoảng thời gian này, vợ chồng tôi lại thường sang Mỹ thăm ba cô con gái, và cũng để trốn lạnh. Nhưng năm nay, chúng tôi ở lại Nauy, theo mong muốn của bà. Ước nguyện của bà là sau kỳ giỗ này bà theo chúng tôi sang Tây Ban Nha, sống trên đảo nào đó vài hôm, để bà có thể mỗi ngày ngồi trước biển, nhìn ra đại dương xa xăm, hy vọng sẽ thấy được quê hương và hình ảnh chồng và hai đứa con trai. Bà nghĩ như thế.
Trong ngày giỗ, bà khẩn khoản nhờ chúng tôi, trước khi trao một tờ giấy ủy quyền, để khi bà qua đời, thân xác được thiêu, và chúng tôi sẽ mang tro cốt rải xuống dòng sông Nitelva, nơi mà bà thường đứng trên cầu, mỗi buổi chiều hè, nhìn xuống đó. Bà cũng dặn dò, nhờ chúng tôi bỏ hết mấy tấm ảnh của gia đình, chồng và các con vào quan tài để cùng thiêu với bà.
Bà đi với vợ chồng tôi sang Mallorca, một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha và ở đây hai tuần. Bà bắt buộc chúng tôi phải để cho bà bao trọn chuyến du lịch này. Theo ước muốn của bà, mỗi ngày sau khi ăn điểm tâm xong, vợ chồng tôi đưa bà ra biển, nơi có mô đất cao, được làm thành một vườn hoa rất đẹp. Bà ngồi trên ghế đá có dù che, nhìn ra một vùng biển trời mênh mông trước mặt. Không biết bà có nhìn thấy được chồng con và quê hương ở phía cuối chân trời? Chúng tôi ngại, không dám hỏi bà.
       Sau chuyến đi khoảng ba tháng, bà bị bệnh. Chúng tôi đến thăm. Bà than mệt, thỉnh thoảng lên cơn ho. Tôi nghĩ bà chỉ cảm nhẹ, hoặc mùa này nhiều người bị dị ứng phấn hoa, nên đi mua thuốc cho bà. Khi mang cốc nước đến cho bà uống thuốc, tôi vỗ vai, an ủi:
– Bà chị đã trên 80 rồi, tất nhiên sức khỏe có yếu đi, hay mệt, hoặc có thể bị dị ứng phấn hoa, chứ chẳng có chuyện gì đâu”
Bà xã tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, làm ít món ăn bà thích và dặn dò bà phải nghỉ ngơi, không được làm việc gì, nhà cửa, cơm nước để chúng tôi lo.
Không ngờ bệnh tình ngày một nặng hơn. Chúng tôi đưa bà vào bệnh viện. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết trong phổi bà có nước và có cả vi khuẩn. Tình trạng khá nguy hiểm.
      Hơn một tuần sau bà mất. Là người thân duy nhất được bà ghi vào hồ sơ, chúng tôi được bệnh viện báo tin. Với tờ ủy quyền, chúng tôi nhận đứng ra lo việc an táng cho bà. Tôi đến Trung Tâm Tâm Thần, nơi cô con gái của bà ở, báo tin cho Bác sĩ Giám Đốc, và yêu cầu vào ngày tang lễ, xin Trung Tâm đưa cô con gái đến dự và chịu tang cho mẹ, theo truyền thống Việt nam
Đám tang tổ chức ngay tại nhà quàn bệnh viện. Ngoài vợ chồng tôi, chỉ có cô con gái của bà và hai người của Trung Tâm Tâm Thần. Tôi cũng mời một vị sư đến niệm kinh cho bà. Cô con gái ăn mặc đúng phong cách, một bộ vest đen mới toanh, theo sự hướng dẫn của cô ý tá, cùng chúng tôi quỳ xuống trước linh cữu của bà. Không biết cô gái có biết điều gì đang xảy ra hay không? Chỉ im lặng cúi đầu. Khi vị sư choàng chiếc khăn tang vào đầu, cô đưa tay giật xuống. Không biết cô ý tá nói nhỏ với cô điều gì, rồi lấy chiếc khăn tang quấn lại trên đầu. Lần này cô bé yên lặng, chống hai tay cúi xuống.
       Đúng một trăm ngày, theo ước nguyện của bà, cũng là đầu tháng bảy, mùa hè, chúng tôi mang tro của bà ra rải giữa dòng sông, dưới chiếc cầu Nitelva, cùng lúc với những cánh hoa hồng trắng được bỏ xuống. Loại hoa bà thường cắm trên bàn thờ chồng và hai đứa con trai của bà. Hôm ấy trời đang thật đẹp, bỗng bất chợt một cơn mưa rào. Mùa hè ở đây thường như thế. Vợ chồng tôi vội vàng chạy vào dưới tàn cây ở phía đầu cầu trú mưa, nơi mà lần đầu tiên chúng tôi đã thực sự gặp bà, để rồi sau đó trở thành thân thiết.
Chiều hôm sau, khi đi bách bộ, tôi mang theo chai Zip,  chùi sạch và đánh bóng lại ổ khóa của bà treo trên thành cầu, lấp lánh năm cái tên được khắc sâu trên ấy. Nước mắt tôi bỗng trào ra, khi nhớ tới bà và câu chuyện đau thương của gia đình bà. Cả một gia đình đều là nạn nhân của Cộng sản. Một chế độ man rợ đã gây nên biết bao chia lìa tang tóc cho đồng bào và hủy hoại cả quê hương đất nước. Và đó cũng chỉ là một trong muôn vàn thảm cảnh sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam, xích xiềng cả nước.
Từ hôm ấy, cứ mỗi lần đi bộ, chúng tôi đều dừng lại giữa cây cầu Nitelva này khoảng vài phút, đứng yên lặng bên thành cầu, tưởng niệm vợ chồng và hai đứa con trai bất hạnh của bà.
       Bệnh viện cũng đã trao lại cho chúng tôi những di vật của bà. Trong đó ngoài hai thẻ ngân hàng và mấy tấm ảnh còn có lá thư ngắn viết cho vợ chồng tôi và tờ di chúc viết bằng tiếng Việt. Bà nhờ tôi dịch ra tiếng Nauy hai bản. nhờ bệnh viện chứng nhận. Một bản trao lại cho kommune (văn phòng thị xã), một bản cho Trung Tâm Tâm Thần. Trong đó bà quyết định, tất cả tài sản, căn nhà và tiền bạc trong ngân hàng, bà xin hiến tặng cho Trung Tâm, nơi nuôi nấng chăm sóc con gái của bà. Bà chỉ có một yêu cầu, khi nào con gái bà qua đời, xin cho thiêu xác và rải tro xuống dòng sông, giữa cầu Nitelva, để cháu được đoàn tụ với bố mẹ và hai anh, khi theo dòng sông chảy ra biển và cùng nhau trôi dạt về lại quê nhà.
Phạm Tín An Ninh








__._,_.___

Posted by: bebeliem@

No comments:

Post a Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List