Popular Posts

Thursday, March 30, 2017

Nước uống tinh khiết, tinh khiết tới đâu?


 

Nước uống tinh khiết, tinh khiết tới đâu?

Vũ Thế Thành


 

Hồi mới ra trường làm ở phòng thí nghiệm, thỉn thoảng tôi vẫn lấy nước cất ra uống, và cho rằng đó là nước tinh khiết nhất, không nhiễm tạp, không nhiễm trùng, một thứ nước hoàn hảo cho sức khỏe. Sau này đi sâu vào an toàn thực phẩm, tôi mới hiểu ra rằng, đó là kiểu cách suy diễn dại khờ nhất của kẻ hủ nho (như tôi), chỉ biết ôm sách vở bốc phét.
Nước uống (drinking water) là nước sạch có độ tinh khiết tối thiểu mà con người có thể uống hay chế biến thực phẩm mà không gặp rủi ro sức khỏe, trước mắt hoặc lâu dài.
Nhưng nước tinh khiết được hiểu theo nhiều nghĩa lắm. Nước đóng chai gọi là nước tinh khiết. Nước cất (distilled water) cũng là nước tinh khiết, một loại nước tinh khiết cao cấp là đằng khác. Tinh khiết cao cấp nhưng chưa chắc đã là thứ nước uống thường xuyên mà không có hại cho sức khỏe.
Nước thiên nhiên lành mạnh
Có nhiều loại nước đóng chai lớn nhỏ ngoài thị trường, mà người ta thường sử dụng tên một cách lẫn lộn.
Nước suối (spring water), không thể hiểu đơn giản là nước múc ngoài suối. Suối đây là suối nước ngầm, người ta khai thác nước qua những lỗ khoan, sau đó qua lọc để loại bỏ tạp, làm vô trùng, và đóng chai tại nơi khai thác. Nước suối không phải là nước có độ tinh khiết cao, nó vẫn chứa một lượng nhỏ các khoáng có lợi cho sức khỏe. Nước suối có thể xem là nước thiên nhiên tiệt trùng, một số người có vị giác tinh tế có thể nhận ra vị “mát” của nước thiên nhiên này.
Nước khoáng (mineral water), cũng tương tự như nước suối, nhưng có nhiều khoáng ở dạng hòa tan hơn như calcium, magnesium, sodium, potassium … Sự khác biệt này là do đặc điểm địa chất nơi mà nước chảy qua. Nói cách khác nước khoáng là nguồn nước quý, là tài sản quốc gia mà nhà sản xuất phải trả tiền thuế khai thác cho Nhà Nước. Hàm lượng khoáng trong nước phải ổn định trong phạm vi nào đó, không được lúc cao lúc thấp. Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), quy định lượng chất rắn hòa tan (có thể xem là lượng chất khoáng hòa tan trong nước) không được dưới 250 ppm (phần triệu).
Việc xử lý nước khoáng cũng phải tuân thủ một số luật chơi, tùy thuộc quy định của mỗi nước. Nước được phép qua lọc để loại bỏ sắt, mangan, sulfur, arsenic,.. nhưng vẫn phải giữ được thành phần cơ bản của khoáng có lợi. Có thể thêm gas (khí CO2), nhưng không được bổ sung bất cứ loại khoáng nào, và cũng không được dùng bất kỳ hóa chất nào để xử lý nước.
Nước khoáng có gas, nên khi lắc nhẹ có thể thấy bọt khí lăn tăn nổi lên, vị hơi mặn và hơi lợ một chút.
Nước tinh khiết lạng quạng nhất
Nước tinh khiết (purified water) là loại nước đóng chai phổ biến nhất, nhưng nguồn nước cũng… vô tư nhất: nước phông tên, nước sông, nước giếng,..đều được, chỉ cần qua lọc, khử trùng, khử mùi, vô chai là xong. Sản xuất siêu dễ, siêu nhanh, siêu rẻ, siêu cạnh tranh, và chất lượng cũng lung tung xèng nhất.
Hàm lượng khoáng trong nước uống tinh khiết có hay không cũng được, nhưng các tạp có hại như nitrate/nitrite, các kim loại nặng,… bị khống chế với mức giới hạn tối đa. Tới hơn 20 chỉ tiêu bị kiểm soát chứ không phải ít, đó là chưa kể chỉ tiêu về vi sinh.
Nguồn nước vô tư, nhưng cũng phải kiểm tra định kỳ, chứ không phải chỉ kiểm tra công đoạn sản xuất hay thành phẩm là được.
Có quy chuẩn quốc gia về nước uống tinh khiết, nhưng chất lượng vẫn bị thả lỏng, vi phạm về an toàn thực phẩm nhiều nhất vẫn là nước uống tinh khiết với cả vài ngàn cơ sở sản xuất. Vì sao?  Vấn đề này cơ quan hữu trách mới trả lời được.
Hoàn hảo một cách bất lợi
Trở lại với vấn đề nước cất. Nước được cho bốc hơi (đun sôi), rồi cho hơi nước ngưng tụ lại thành nước cất, giống như chưng cất rượu vậy. Nước cất được xem là nước tinh khiết hoàn hảo nhất, chỉ có nước (H20) là nước, nước bốc hơi chứ mấy chất hòa tan trong nước đâu có bốc hơi (thực tế tạp cũng bị lôi cuốn theo hơi nước một chút).
Nhưng cơ thể con người đâu chỉ cần có nước, mà còn cần các loại khoáng có trong nước. Thức ăn chắc gì đã cung cấp đủ các khoáng. Lượng khoáng trong nước rất ít, nhưng cơ thể cần tới 2 lít nước mỗi ngày, thì nguồn khoáng từ nước uống cũng đâu quá tệ. Đó là chưa kể nước cất không còn những chất điện giải mà cơ thể cần như sodium, potassium, chloride.
Nước cất được dùng trong phòng thí nghiệm vì cần độ tinh khiết cao, chứ không phải dùng để uống. Dùng lâu dài nước cất thay cho nước uống thông thường là điều không có lợi cho sức khỏe.
Tóm lại, nước suối và nước tinh khiết đóng chai có thể uống thoải mái. Tuy nhiên với nước khoáng lại khác, khoáng có lợi cho sức khỏe, nhưng quá nhiều khoáng lại không có lợi. Loại nước có độ khoáng thấp, có tổng chất rắn hòa tan (TDS) khoảng vài ba trăm ppm thì uống thoải mái được, nhưng cao hơn, nên có ý kiến bác sĩ trước khi uống thường xuyên. Các chỉ số TDS có ghi rõ trên nhãn chai nước khoáng.
Không thể dùng mắt thường để biết được nước tinh khiết đóng chai nào là sạch hay không sạch. Đây là trách nhiệm của cơ quan hữu trách.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay"

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List