Vài Cảm Nghĩ về Tục Ngữ Ca Dao
Phạm hy SơnTục ngữ Ca dao được sáng tác bởi những người dân nơi thôn dã ít học hoặc không biết chữ và được truyền từ miệng người này qua người khác nên gọi là văn chương truyền miệng vì không được ghi trong sách vở như văn chưong bác học do những người có học làm ra, in thành sách để phổ biến
Vì vậy người ta không biết tác giả của tục ngữ, ca dao là ai và hầu hết không biết thời gian sáng tác . Bất cứ dân tộc nào cũng có tục ngữ, ca dao và cho tới nay tuy văn chương bác học do những nhà văn, nhà thơ viết ra rất nhiều nhưng tục ngữ ca dao vẫn được sáng tá . Cả hai cùng tồn tại song song với nhau .
Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Việt Nam, nắm quyền được mấy tháng thì phải đầu hàng và đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp . . . ) cho quân Trung Hoa của Tưởng giới Thạch tràn vào miền Bắc Việt Nam tước khí giới của quân đội Nhật Quân đội Trung Hoa sau nhiều năm tháng kháng chiến thiếu đói, rất nhiều người bị bệnh sâu quảng và phù thủng . Đi đến đâu họ cũng cướp bóc lúa gạo của người bản xứ để cho người và ngựa ăn . Dân chúng bị sách nhiễu, căm ghét gọi họ là “Tàu phù” và trong dân gian có câu :
Ai ơi chớ vội làm giàu,
Thằng Tây nó cút, thằng Tàu nó sang !
Trước năm 1975 trong Nam có câu :
Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà làm đĩ nuôi con . . .
Và bây giờ chúng ta có câu :
-Nhất thân, nhì ngân, tam quyền, tứ chế .
Hay : -Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ mới đền trí tuệ .
-Hy sinh đời bố, củng cố đời con … .
Như vậy tục ngữ, ca dao từ xưa cho tới nay luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội, diễn tả tình trạng thực sự tốt hay xấu của xã hội, cũng như nói lên tâm tình của đại đa số dân chúng đang sống trong trong cái xã hội ấy, nên từ thời nhà Chu bên Tàu cách nay mấy chục thế kỷ đã buộc các chư hầu hàng năm phải thu góp và nộp cho triểu đình những câu tục ngữ ca dao của địa phương . Có lẽ mục đích của nhà cầm quyền thời ấy là muốn biết tình hình dân chúng để dễ bề kiểm soát và có những biện pháp cai trị thích hợp .
Chúng ta gác ra ngoài vấn đề chính trị mà chì xét vai trò của tục ngữ ca dao về phương diện văn học với biết bao nhiêu những câu nói, câu hát chứa đựng kinh nghiệm sống, cách sống cao đẹp của ngưới xưa truyền lại :
-Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm .
-Giấy rách phải giữ lấy lề,
-Lời nói không mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau . . .
Hay những bài hát, những câu ca dao rất đẹp về lời và ý :
-Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh .
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh .
-Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân .
-Chàng đi cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam .
Từ xưa tới nay không ai học tục ngữ ca dao mà chỉ nghe hay tình cờ nghe người ta nói, tự nhiên
chúng ta thuộc và cũng tự nhiên những câu ấy thấm nhập vào trí óc, tâm hồn chúng ta để rồi cùng với ảnh hưởng của các sinh hoạt văn hoá khác (thơ, văn, âm nhạc …), chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và xử sự như nhau để tạo ra cùng một lối sống chung . Người ta gọi đó là văn hóa
Tục ngữ ca dao góp một phần quan trọng trong văn hoá dân tộc .
Ngoài ra, tục ngữ ca dao còn ghi lại cho chúng ta biết những chặng đường tiến hóa của xã hội, những giai đoạn lịch sử đã qua, những phong tục tập quán xưa và nay :
-Ăn lông ở lỗ . ( Tình trạng chung của các dân tộc, không phải chỉ có riêng người Việt )
-Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh .
-Miếng trầu là đầu câu truyện .
-…Muốn coi lên núi mà coi,
Có bà quản tượng cưỡi voi bành vàng – (thời Hai Bà Trưng)
-Muốn coi lên núi mà coi,
Kìa kìa Ngô khách mọc đuôi đàng đầu (thời quân Thanh xâm lăng ) … .
Nên việc đọc, tìm hiểu và nghiên cứu tục ngữ ca dao là cần thiết vì tục ngữ ca dao là kho tàng văn hóa truyền miệng tạo nên tính cách của dân tộc Việt Nam xưa và nay cùng với kho tàng văn hóa sách vở của cha ông chúng ta tạo ra và để lại .
Phạm hy Sơn
(Trích trong Khảo Sơ về Tục Ngữ Ca Dao)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment