Popular Posts

Friday, March 17, 2017

Vô gia đình

Vô gia đình

NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Vô Gia Đình (Sans Famille) là một quyển tiểu thuyết Pháp của nhà văn Hector Malot, xuất bản năm 1878 tại Paris, được dịch sang Anh ngữ, xuất bản và tái bản nhiều lần tại Hoa Kỳ, lần mới đây nhất là ngày 11 tháng Ba, 2007, dưới cái tên Alone in the World (Đơn Độc Giữa Chợ Đời).


Quyển tiểu thuyết viết từ hai thế kỷ trước
Sans Famille kể chuyện một cậu bé không cha, không mẹ, được ông thợ hồ Jerome Barberin đem về nuôi và đặt tên là Remi; vài năm sau ông Barberin bị tai nạn lao động, không được chủ bồi thường trở thành túng thiếu. Ông bảo vợ đem con bò sữa và bé Remi bán đi để lấy tiền sinh sống.

Thương đứa bé, bà vợ chỉ bán con bò chứ không bán đứa con nuôi; nhưng cuối cùng, vì quá nghèo túng, ông Barberin vẫn đem Remi cho ông lão hát rong Vitalis; ông lão này sống vô gia cư với ba con chó mang tên Capi, Zerbino, Dolce và một con khỉ- Joli Coeur. Remi trở thành thành viên thứ sáu của đoàn kịch lưu diễn.

Đó là chuyện Sans Famille của Tây, chuyện hai thế kỷ trước; chuyện Sans Famille của Mỹ đang diễn ra ngay ngày hôm nay tại Houston và La Union, một thành phố của nước El Salvador -Trung Mỹ.

Người đang sống vô gia đình là anh thợ sơn Jose Escobar; anh có cô vợ đẹp và hai đứa con ngoan sống tại Houston, nhưng anh lại bị trục xuất trở về cố quốc El Salvador của anh, để buồn khổ, một mình ngồi trên cái ghế plastic, nói chuyện với vợ, với con qua đường viễn liên Facebook.

Anh căn dặn thằng con trai 7 tuổi, thằng Walter, "Vào lớp học con không được nói gì về chuyện của ba, OK. Nói bậy, nói bạ là con sẽ không được đi học nữa, không được học võ Karate nữa; con bảo Carmen là ba thương nó." Carmen là đứa con gái 4 tuổi của anh


Anh thợ sơn Jose Escobar có cô vợ đẹp và 2 đứa con ngoan. Nay anh phải sống một mình ở El Salvador, bỏ vợ con lại ở Mỹ. (KPRC)

Jose Escobar giờ sống “vô gia đình” tại El Salvador
Thời tiết Houston tuy nóng, nhưng so với La Union thì chỉ nóng vừa phải; cái nắng của La Union là nắng lột da, cháy tóc; Escobar phải cổi cái áo thun anh đang mặc, nhúng vào thùng nước mát rồi mặc trở lại cái áo ướt để cảm thấy dễ chịu hơn.

Anh đang ở nhờ trong nhà của một bà dì vợ, mà vợ anh, cô Rose Escobar đã vội vàng gọi điện thoại nhờ bà thuê một chiếc xe ra đón anh và một người El Salvador khác tại phi trường. Người bạn này cũng đồng cảnh bị trục xuất; anh ta rủ Escobar vượt biên trở lại Hoa Kỳ, nhưng Escobar không muốn sống “lậu”; vợ anh đang nhờ luật sư Raed Gonzalez làm thủ tục xin cho anh được đoàn tụ với vợ, con.

Không chỉ riêng bà dì tạo cho anh cái cảm giác đang sống tại một đất nước xa lạ, mà mọi thứ, mọi người quanh anh đều lạ. Anh không dám dạo quanh xóm, vì thanh niên băng đảng đầy rẫy, mà anh lại bị coi là kiều dân về từ đất Mỹ giầu có.

Tại Houston anh cũng không giầu có; cùng với vài người bạn, anh lập ra một hãng sơn, lãnh thầu sơn nhà cửa. Mỗi anh thợ sơn tự mua lấy một cái truck, một cái thang, và dụng cụ hành nghề thợ sơn. Dân Houston thuê anh sơn nhà vì, với công thức công nhân là chủ hãng, anh không đòi hỏi giá cao. Giá rẻ giúp anh có việc làm rất nhiều, và lợi tức giúp anh mua được căn nhà trị giá $150,000, tại khu Pearland; xây dựng tổ ấm với vợ, con.

Vợ con anh đều là công dân Mỹ, do đó anh được chính phủ Obama cho phép tạm trú, cho quyền được làm việc để nuôi vợ con, nhưng mỗi năm phải trình diện một lần để tái tục quy chế tạm dung.

Escobar hài lòng với quy chế tạm dung được tái cấp hàng năm; như nhiều cư dân khác trên đất Mỹ, anh chấp nhận Hoa Kỳ làm quê hương.

Giờ này, anh bỡ ngỡ sống trên sinh quán El Salvador, vợ anh, cô Rose Escobar từ Houston bay qua thăm anh và đem cho anh ký những mẫu đơn xin đoàn tụ với vợ con.


Cô Rose Escobar đang làm thủ tục xin cho chồng trở về Mỹ
Escobar nói với phóng viên truyền thông là sau hai tuần sống tại thành phố La Union anh ý thức được là anh đã Mỹ hoá hoàn toàn. Anh nói anh cảm thấy khó chịu vì hàng chục, hàng trăm thanh niên El Salvador la cà ngồi ngoài công viên, ngồi trong tiệm cà phê tán nhảm từ sáng cho đến tối mà không làm việc.

Escobar cũng bảo họ là tại Houston anh làm việc sáu ngày một tuần, và làm không bao giờ hết việc; ngày nghỉ anh nướng thịt trên một cái lò đặt trong sân sau, rất hãnh diện vì cái lò đẹp anh mua gần $200.
"Vợ, con, nhà cửa, lò barbecue, xe hơi, và những ngày dài vui vẻ làm việc đều ở bển; bên này tôi không có gì hết," Escobar tâm sự với phóng viên truyền thông; anh kể là anh sống tại thành phố La Union đến năm anh lên 7 thì mẹ anh vượt biên sang Mỹ, gửi anh cho bà ngoại tại San Salvador; sáu năm sau, mẹ anh có đủ tiền để mướn người đưa anh vào đất Mỹ. Hai mẹ con xin được chế độ “tạm dung” (temporary protected status) mà chính phủ Mỹ thường cấp cho những di dân tới Mỹ để chạy trốn thiên tai hay nhân họa; năm đó -2001- El Salvador bị động đất rất lớn.

Tổng Thống Donald Trump trục xuất cư dân bất hợp pháp, trước ông thì Tổng Thống George W. Bush, Tổng Thống Barack Obama cũng trục xuất cư dân bất hợp pháp; riêng ông Obama trục xuất đến 3.1 triệu người nguyên gốc từ Trung Mỹ, đa số là người Mễ, và đa số là tội đồ phạm pháp trong lúc “ở lậu” trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Mới lên cầm quyền chưa đầy 100 ngày thử thách đầu tiên của bốn năm dài sắp tới, dĩ nhiên số người bị ông Trump trục xuất chưa lên đến số triệu như thành tích của ông Obama, nhưng tai tiếng đã lớn hơn, điển hình là vụ anh Escobar.

Phóng viên truyền thông theo anh qua đến El Salvador, chụp hình, quay phim, và phỏng vấn anh; họ còn hỏi luật sư Raed Gonzalez về thời gian tối thiểu anh có hy vọng trở lại Mỹ với quy chế tạm dung, để có thể tiếp tục đi sơn nhà kiếm tiền về nuôi ba công dân Mỹ -bà vợ và hai đứa con anh.

Tính đến ngày hôm nay chắc chắn Tổng Thống Donald Trump chưa đủ thời giờ để trục xuất đến 100,000 người  dân bất hợp pháp -con “số lẻ” trong thành tích trục xuất 3.1 triệu người của Tổng Thống Obama, nhưng tiếng “ác” của ông đã lớn hơn ông Obama, chỉ vì anh Escobar được dư luận coi là vô tội, và được đánh giá là người cha thương con, người chồng thương vợ, một cư dân lương thiện.

Một hành động nhỏ, mang đôi chút “kịch tính” sẽ giúp ông Trump xóa bỏ tiếng “ác” mà dư luận đang gán cho ông: ông cho cô Rose Escobar ký giấy bảo lãnh cho chồng cô được trở về Mỹ, được tiếp tục hưởng quy chế tạm dung trong lúc luật sư Gonzalez làm thủ tục.

Khúc kết “happy ending” đó của vở kịch sống “Sans Famille” Mỹ sẽ làm dư luận xúc động, làm báo chí, truyền thanh, truyền hình mất trớn trong thế đang ồ ạt tấn công ông, mà ông vẫn không phải đổi lập trường “cấm  dân bất hợp pháp.” (ndt)

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willa

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List