Popular Posts

Monday, September 10, 2012

BỊT MIỆNG: MỘT CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH LỚN CỦA ĐẢNG CSVN.

 

BỊT MIỆNG: MỘT CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH LỚN CỦA ĐẢNG CSVN

NGHỊ ĐỊNH (DỰ THẢO) NÀY LÀM THỎA LÒNG AI VẬY?


Hà Sĩ Phu (BVN)

 

Kính thưa quý vị,

Thế là sáng 11/6/2012 toàn văn Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ INTERNET và nội dung thông tin trên mạng đã được công bố trên trang mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghị định sẽ liên quan đến tất cả những ai cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trao đổi thông tin trên mạng! Văn bản dài ngót 30 trang, gồm 5 chương với rất nhiều điều khoản, nhiều điều cấm mà hàng chục triệu người Việt Nam liên quan cần nghiên cứu kỹ.

 

Trọng tâm nổi bật của Nghị định là vấn đề AN NINH MẠNG, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sử dụng, lợi dụng Internet và cung cấp thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và lợi ích của công dân; phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua mạng; điều tra và truy tố tội phạm mạng… Nghị định cứ như là sự khai triển điều 88 luật hình sự vào phạm trù Internet vậy

 

Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua và áp dụng thành công thì toàn bộ hệ thống tạm gọi là “thông tin lề trái” bấy lâu nay, như cửa ngõ mở ra với nền báo chí văn minh, với những blog được nhân dân yêu mến có số người đọc vượt xa các tờ báo chính thống, đều bị quy kết vi phạm luật, có thể sẽ bị kiểm duyệt để trở về số phận chung với hơn 700 tờ báo “lề phải” dưới cái gậy chỉ huy của cùng một Tổng biên tập? Có lẽ nào? 

 

Nếu nhân danh AN NINH cho Tổ quốc thì thử hỏi hiện nay có gì đe dọa an ninh của đất nước hơn việc nước ta đang bị “ông bạn vàng” phía Bắc dòm ngó và từng bước uy hiếp, khiến cho mối quan hệ đang ấm lên với Hoa Kỳ trở thành tin vui, giúp ta xác lập thế thăng bằng trước ông bạn khổng lồ xấu bụng? 

 

Nhưng trong việc hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, đặc biệt là hợp tác về quân sự và mua bán vũ khí để phòng thủ thì Việt Nam đang gặp trở ngại về Nhân quyền, trước hết là quyền tự do về Internet (Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khẳng định rõ quan điểm cơ bản này). Giữa lúc đất nước đang ở thế giằng co như vậy thì một Nghị định thắt chặt quyền tự do Internet khác nào gửi một thông điệp thẳng cho Hoa Kỳ biết lập trường khước từ của Việt Nam, khác nào gáo nước lạnh dội vào quan hệ Việt Mỹ để ngăn cản sự hợp tác về an ninh quốc phòng? Kết quả ấy thật làm thỏa lòng kẻ bành trướng phương Bắc, kẻ muốn xâm hại Tổ quốc Việt Nam chúng ta chỉ mong có thế. Điều này, khi dự thảo cái Nghị định nhằm xiết chặt kiểm soát Internet kia chẳng lẽ Bộ Thông tin và Truyền thông lại không biết? 

 

Sử dụng quyền Tự do Internet một cách trong sáng, có văn hoá, vừa là đặc điểm của kỷ nguyên Trí tuệ và Thông tin, vừa là công cụ hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Đó là hai nguồn sức mạnh không gì cản nổi. 

Hà Sĩ Phu

 

VIỆT CỘNG CHẶN MỘT LOẠT BLOG LỀ TRÁI

BBCMột số trang web và blog ở Việt Nam đang than phiền rằng nhà chức trách đặt “tường lửa” khiến người đọc gặp khó khăn khi truy cập các nội dung của họ. Chủ yếu đây là các trang tin tức độc lập, nhưng cũng có nhà thơ thắc mắc trang web cá nhân của ông cũng bị chặn.

 

“Hết sức quyết liệt” 

 

“Hôm qua (10/6) tiếp tục là một ngày thêm rất nhiều bà con phải vất vả tìm đường trèo tường vô ngôi nhà chung này của chúng ta,” trang điểm tin Ba Sàm thông báo. 

 

Trang blog này cho biết những người truy cập thông qua đường truyền của VNPT và mạng 3G của các nhà mạng điện thoại như Vinaphone, Mobiphone và Viettel đều không vào được trang chủ của họ. 

 

Vị chủ trang, Nguyễn Hữu Vinh, đặt giả thuyết lý do trang của ông bị chặn là vì đã giới thiệu các bài viết nhằm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên một trang blog khác. 

 

“Chiến dịch khác thường này nổ ra gần như ngay sau sự xuất hiện của blog 'Quan làm báo' được BS loan tin hôm 7/6/2012.” 

 

“Ngoài ra, nó cũng có thể liên quan tới cuộc họp chỉ đạo do ông PTT (Phó Thủ tướng) chủ trì hôm 19/5 về việc xử lý blog Nguyễn Xuân Diện,” ông Vinh viết. 

 

Một blogger khác, Đông A, nhận định “toàn bộ blog trên hệ thống blogspot bị chặn”. 

 

“Nếu chính quyền đã coi những người viết blog như kẻ thù thì những người viết blog cũng sẽ không coi chính quyền là chính quyền của mình,” tác giả này cảm thán.

 

Trong khi đó, một nhà thơ cho hay trang web chuyên về văn học – nghệ thuật của ông cũng không vào được. 

 

“Hôm nay (10/6) tôi vào một số trang mạng để đọc những tin tức thường nhật – những tin tức không có trên báo giấy – thì không vào được,” nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thông báo trên trang nhà. 

 

“Tôi quay lại vào trang của tôi và một số trí thức tên tuổi, cũng không vào được – cũng đều bị chặn tường lửa,” ông cho biết. 

 

“Bọn hack này chặn cả tiếng nói thường nhật của dân, lại chặn cả tiếng nói của văn nghệ sỹ, trí thức,” ông than phiền. 

 

Hiện không thể truy cập vào các trang báo 'lề trái' từ bên trong lãnh thổ Việt Nam 

 

Khi được BBC liên lạc, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo đã xác nhận rằng trang blog của ông bị chặn ba ngày nay. 

 

Khi được hỏi các nhà cung cấp dịch vụ Internet đang phong tỏa blog của ông, ông Tạo cho biết là VNPT, FPT và Viettel. 

 

Ông cho biết không chỉ blog của ông mà nhiều trang blog cá nhân nằm trong hệ thống wordpress đều bị ngăn chặn. 

 

Như vậy, dường như đang có nỗ lực chặn các trang blog trên cả hai hệ thống blogspot và wordpress. 

 

Kết quả là một trang tin đối lập với Đảng Cộng sản, Dân Làm Báo, cho hay “những ngày gần đây, tại nhiều khu vực ở Việt Nam, việc truy cập Dân Làm Báo trở nên rất khó khăn”. 

 

Trang này cáo buộc nhà cung cấp dịch vụ Internet VNPT “dùng các biện pháp kỹ thuật nhằm chặn triệt để”. 

 

Họ nói phương thức ngăn chặn được sử dụng cũng giống như trong giai đoạn chính quyền Việt Nam chặn mạng xã hội Facebook. 

 

Trang này nhìn nhận việc phong tỏa mọi tiếp cận vào vào trang chủ của họ hiện nay là “quá gắt gao” so với những lần ngăn chặn trước đó. 

 

Một số trang tin, trước tình trạng bị chặn, đã đăng hướng dẫn độc giả cách vượt tường lửa. 

 

Chuyện trong cung đình? 

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết tác giả chặn web có thể là cơ quan an ninh Việt Nam và cũng có thể là các tin tặc. 

 

Tuy nhiên, ông không tin rằng chính quyền Việt Nam đứng sau vụ chặn thông tin này vì “một chính quyền luôn cho rằng mình có tự do dân chủ thì không thể chặn quyền tiếp cận thông tin của người dân”. 

 

Ông nói do trang web của ông trao đổi đơn thuần những nội dung văn chương nên không có gì mang tính chống đối hay đe dọa chính quyền cả. 

 

Chỉ đôi khi có một số ý kiến bình luận có chỉ trích nhưng cũng ở mức độ vừa phải chứ không “cực đoan” như một số trang mạng khác. 

 

Về nguyên nhân, ông Tạo phán đoán rằng do sự xuất hiện của một trang blog mới có tên gọi là Quan Làm Báo mà các blog của ông và nhiều người khác bị “vạ lây”. 

 

Trang này chỉ mới xuất hiện chưa đầy một tuần lễ nhưng gây chú ý vì các bài công kích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người thân tín. 

 

Trang web công kích Thủ tướng Việt Nam là một phần lý do xảy ra việc đặt 'tường lửa'? 

 

Ông Tạo cho biết những thông tin được gọi là “bí mật hậu trường” được đăng trên blog này đã gây tò mò rất lớn. 

 

Tuy nhiên, ông Tạo nói rằng những thông tin được đăng tải trên trang này không biết “cái nào đúng, cái nào sai” và khuyên người đoc̣ nên tỉnh táo để tự phân tích cho mình. 

 

Ông cho rằng tác giả không nhất thiết phải là người trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam mà có thể là người nghe lại những thông tin hành lang rồi viết lại. 

 

Blog Ba Sàm cũng có phán đoán tương tự như ông Nguyễn Trọng Tạo. 

 

Chủ trang Ba Sàm, từng có thời gian làm sĩ quan an ninh, nhận định các bài trên blog Quan Làm Báo kia “gần như toàn bộ” do một người viết. 

 

“Am hiểu hết sức sâu, rộng nội tình cung đình, lại cả lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán và nội tình ngành an ninh.” 

 

“Đối tượng tấn công đã rất rõ, là một vài nhân vật cụ thể, không phải với chế độ hiện nay,” vị chủ trang nhận xét. 

 

Việc xuất hiện trang web này, mà nhóm chủ trương được cho là người trong nước, ra dấu hiệu về một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt trong Đảng Cộng sản hiện nay. 

 

Ngoài việc chặn các trang bị cho là nguy hiểm cho ổn định chính trị, nhà chức trách tại Việt Nam cũng để một số trang web chính thống tham gia tranh luận hoặc để một số blogger thân hữu vào cuộc tạo dư luận phản bác lại báo 'lề trái.'

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120611_vn_web_access_blocked.shtml
 

QUẢN LÝ = BỊT MIỆNG + DỰNG TƯỜNG

Báo Nhân Dân: Chấn chỉnh quản lý thông tin trên in-tơ-nét 

Phan Hồng (Nhandan) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" đã nêu rõ: "Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và blog cá nhân".

Thế kỷ 21 với sự ra đời và phát triển như vũ bão của những trang tin điện tử, những webblog và mạng xã hội đã tạo nên bước tiến dài về chất của truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, khi mọi rào chắn thông tin trong kỷ nguyên số bị xóa nhòa cũng là lúc vấn đề quản lý thông tin trên mạng phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Theo thống kê của Net Index 2011, in-tơ-nét đã vượt qua cả phát thanh và báo giấy để trở thành phương tiện truyền thông được sử dụng phổ biến hằng ngày với ưu thế vượt trội chiếm tỷ lệ 42% tại Việt Nam, chưa kể số lượng khổng lồ gần 13 triệu thuê bao di động đăng ký dịch vụ 3G thường xuyên truy cập mạng. In-tơ-nét đang ngày càng lấn sâu và chiếm lĩnh trận địa thông tin Việt Nam nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung. Phải thừa nhận, các webblog, các mạng xã hội đã mang lại những tiện ích khó tưởng tượng trong việc gắn kết cộng đồng. Mỗi khi kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, của Ðảng, các hình ảnh đại diện trên blog, mạng xã hội lại rợp mầu cờ đỏ sao vàng. Hay gần đây, khi thảm họa sóng thần Nhật Bản diễn ra, nhất loạt các blogger, các thành viên mạng xã hội lại chia sẻ những hình ảnh, số liệu cùng những lời kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn hoạn nạn. Từ mạng xã hội, có nhiều tổ chức, câu lạc bộ tình nguyện, từ thiện đã được thành lập, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Cũng từ đây, có nhiều người lâu ngày thất lạc gia đình đã tìm được về với người thân, bè bạn...

Tuy nhiên, cũng chính thế mạnh liên kết và lan tỏa thông tin rộng lớn của những phương tiện truyền thông nói trên đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Thông tin trên mạng nhiều khi gây bất an, bất ổn cho tổ chức và cá nhân, gia đình và xã hội. Phát ngôn của những blogger hay những cá nhân tham gia mạng xã hội được thả nổi một cách vô tội vạ khi bản thân họ vừa tạo dựng, vừa lan truyền thông tin. Tự do của người này lại xâm phạm tự do của người khác. Bên cạnh đó, yếu tố được ẩn danh dưới dạng các nickname khi gia nhập mạng xã hội hay mở các webblog cũng là cái bẫy chết người để các blogger thoải mái tung tin, đưa ra các bình luận thất thiệt mà không sợ bị "phạt đền". Vì thế, thời gian qua, có không ít những vụ bê bối gây xôn xao cộng đồng mạng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đưa tin thiếu xác thực kiểu "gắp lửa bỏ tay người" trên các blog, mạng xã hội, xâm phạm trắng trợn đến danh dự, nhân phẩm hay cuộc sống của nhiều tổ chức, cá nhân. Vào các trang mạng, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy những đường link liên kết dẫn đến những trang web sex, những trò chơi bạo lực... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của một bộ phận công chúng.

Nhưng nguy hiểm nhất là tình trạng các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng các tính năng vượt trội của in-tơ-nét để đăng tải những thông tin xuyên tạc về tình hình đất nước ta, Ðảng ta và nhân dân ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động chống phá, kêu gọi biểu tình chống chế độ. Chúng xảo quyệt lập ra những trang mạng núp dưới những tên gọi trá hình về dân chủ, nhân quyền, sự thật... tại Việt Nam, nhưng kỳ thực lại tập hợp những nội dung, những đường link siêu liên kết dẫn tới hàng loạt website, diễn đàn chống phá chúng ta, chống chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Ðảng ta, bôi đen hiện thực, hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Chúng huy động khả năng liên kết nhanh chóng của các trang mạng xã hội để lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, mơ hồ về tư tưởng chính trị để truyền bá những thông tin độc hại, sai trái, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến", mưu đồ phá ta từ bên trong phá ra.

Trước sự phát triển khó kiểm soát của những blog đen, những "rác văn hóa" trên các mạng xã hội, nhất là những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vấn đề quản lý thông tin trên mạng trở thành một trong những giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" đã nêu rõ: "Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và blog cá nhân". Ðây là bài toán làm đau đầu cho những nhà quản lý thông tin không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới có nền công nghệ số phát triển. Thời gian qua, các cơ quan ban, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, đưa ra nhiều hướng dẫn về việc quản lý thông tin trên mạng, nhiều đơn vị chuyên điều tra các vấn đề an ninh mạng cũng được thành lập, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp triệt để nào để giải quyết đồng bộ tất cả những phức tạp nảy sinh. Khi quyền dân sự trên in-tơ-nét bị vi phạm, người ta có quyền khởi kiện người đưa ra thông tin sai lệch, song trên thực tế, không phải ai cũng có đủ thời gian và tiền bạc đâm đơn ra tòa. Hơn nữa, yếu tố được ẩn danh trên các blog, mạng xã hội khiến cho việc truy tìm thủ phạm "ném đá giấu tay" rất khó khăn, phức tạp. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các mạng xã hội, các blog vi phạm các quy phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước. Phải phối hợp chặt chẽ với những đơn vị cung cấp dịch vụ đề ra những tiêu chí quản lý thông tin hữu hiệu. Ðối với các đơn vị cung cấp dịch vụ là các cơ quan nước ngoài, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng những quy chế chặt chẽ liên quan đến việc hợp tác quản lý thông tin tại chính dịch vụ họ cung cấp trên cơ sở tôn trọng pháp luật, văn hóa Việt Nam. Ngoài các chế tài được quy định rõ ràng khi vi phạm quy tắc thông tin, các blogger, các cá nhân tham gia mạng xã hội cần phải được các cơ quan chức năng quy định cụ thể về các vấn đề mà họ có thể thông tin và đưa tin để không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng cần tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin hiện đại để tuyên truyền cổ vũ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuyên truyền thật tốt mọi chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà Nước, quảng bá hình ảnh của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam để thế giới hiểu đúng về chúng ta. Thông qua các mạng xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội cần tập hợp quần chúng tham gia các hoạt động ý nghĩa, bổ ích, vừa định hướng sự phát triển lành mạnh của những webblog, mạng xã hội, vừa tạo sức mạnh liên kết toàn dân tộc vì một môi trường thông tin lành mạnh, bổ ích; đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Phan Hồng

NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List