Cần cuộc thi tìm hiểu về quyền con người
Trần Văn Huỳnh
gửi cho BBC từ TP HCM
Cập nhật: 14:55 GMT - thứ năm, 6 tháng 9, 2012
Tôi cắp sách đến trường vào cái thời mà tiếng Pháp là quốc ngữ còn tiếng Việt là ngoại ngữ. Tôi được học về Tự do – Bình đẳng – Bác ái nhưng lại không được dạy và khuyến khích ý thức về nhân quyền cho một dân tộc thuộc địa.
Bước vào tuổi trung học, đối với bây giờ còn là vị thành niên, tôi đã sách xếp bút nghiên đi vào rừng cầm súng chiến đấu với lời Tuyên ngôn độc lập vang vọng bên tai “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng…”.
Chủ đề liên quan
Cả một thế hệ của chúng tôi lúc đó đã dành thời niên thiếu của mình để chiến đấu vì độc lập của đất nước để mọi người có được công bằng và ai cũng có cơm ăn áo mặc. Chúng tôi cũng không được kêu gọi chiến đấu vì quyền con người của mình.
Sau Hiệp định Genève tôi ở lại miền Nam tiếp tục học và lập nghiệp, sống dưới thể chế Việt Nam Cộng hòa có rất nhiều các đảng phái với rất nhiều các học thuyết chính trị, chủ nghĩa khác nhau.
Nhưng tôi cũng không thấy cái nào thực sự đấu tranh về quyền con người cho người dân thời đó. Tôi tạm chấp nhận giải thích tình trạng thiếu vắng quyền con người từ thời Pháp thuộc đến lúc đó là do hoàn cảnh chiến tranh.
Có một lần vào trước sự kiện 30/04/1975, tôi kể chuyện về cuộc cách mạng Pháp 1789 cho con trai mình. Tôi nhấn mạnh về mục đích bình đẳng, bác ái của cuộc cách mạng đó.
Con tôi đã làm tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi nêu ra hàng loạt câu hỏi về các khái niệm này mà cuối cùng tôi không thể trả lời được.
Dạ, làm sao để có công bằng? Thì phải có những người có lòng bác ái có được quyền hạn để đảm bảo sự công bằng đó cho mọi người. Nhưng nếu như vậy thì đã có người này có quyền để cho người khác công bằng thì làm gì còn công bằng nữa?
Tôi thật sự bí và chỉ biết tránh né một cách đại khái là: thì cái gì cũng tương đối thôi. Nhưng nhìn ánh mắt con trai tôi lúc đó, tôi biết nó không bằng lòng với câu trả lời này.
Gieo mầm ý thức
Con tôi chính là Trần Huỳnh Duy Thức, lúc đó chưa đầy 9 tuổi. Nhưng tôi không ngờ lần đó chính là một sự gieo mầm “Quyền con người” vào một mảnh đất tốt.
Năm tháng trôi qua làm tôi không còn nhớ đến câu chuyện trên nữa.
Đến một ngày vào năm 2005, tức là 30 năm sau, tôi tham dự một chuyến du lịch huấn luyện của công ty Thức điều hành. Hôm ấy Thức nói với nhân viên về một môi trường để tạo cơ hội công bằng cho mọi người, qua đó ai cũng có quyền tiếp cận các cơ hội như nhau – cũng giống như ai cũng có 24 giờ mỗi ngày không khác nhau.
Tối đó Thức ngồi nói chuyện với tôi: “Con đã trả lời được điều mà ngày xưa ba không giải thích được cho con”.
Rồi Thức nhắc lại câu chuyện “làm sao để có công bằng” hồi 30 năm trước và nói rằng “người ta chỉ có được công bằng khi các quyền con người của mình phải bình đẳng như bất kỳ ai khác mà không được phân biệt bởi bất kỳ yếu tố nào thuộc về con người như chủng tộc, giàu nghèo, xuất thân, quan điểm … Không ai có quyền cho ai các quyền này. Chỉ như vậy thì mới bình đẳng và bình đẳng tuyệt đối như tạo hóa đã cho mỗi người 24 giờ mỗi ngày”.
Thức nói, Thức đang viết về đề tài này và sẽ đưa tôi đọc. Nhưng tôi chỉ đọc được sau khi Thức bị bắt.
Các tài liệu trong USB mà tôi tìm thấy có một file “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền”, Thức phát triển phạm trù quyền con người lên thành một quy luật tự nhiên mà qua đó càng tôn trọng quyền con người thì xã hội càng bình đẳng và dân chủ, càng thịnh vượng, càng văn minh. Và ngược lại.
Ở đây tôi không đi sâu vào việc chứng minh quy luật này. Tôi muốn nói về cảm nhận bình thường, rất tự nhiên của mình về quyền con người.
Bằng trải nghiệm của mình và chiêm nghiệm sự trưởng thành của con trai mình, tôi thấy không có gì lớn mạnh và tươi tốt bằng cây và quả được gieo từ những hạt giống quyền con người vào mỗi con người.
Chấn hưng
"Một dân tộc mà hầu hết đều là những con người khiếp sợ thì dân tộc đó không thể có tiền đồ tốt đẹp."
Con người là mảnh đất tự nhiên, tốt nhất để cho những hạt giống quyền con người nảy mầm rồi nhanh chóng phát triển thành những cây tươi tốt và đơm hoa kết trái để cho đời những quả ngọt.
Đất nước ta trải qua những năm tháng chiến tranh rồi hòa bình, nhưng chúng ta chưa bao giờ chú trọng gieo đúng những hạt mầm phù hợp với tự nhiên tức là thuận theo quy luật. Thay vào đó đã có quá nhiều những cái nhân cay, để bây giờ chúng ta phải nhận vô số quả đắng dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm rồi.
Đã sống qua rất nhiều chế độ, chưa bao giờ tôi thấy có một cuộc thi để tìm hiểu về quyền con người, chưa bao giờ có một phong trào mà quyền con người là tối thượng.
Do vậy tôi đã rất hạnh phúc và tự hào được là người tham gia sáng lập một phong trào như vậy – Phong trào Con đường Việt Nam, và góp phần cho ra đời một cuộc thi như vậy - Cuộc thi viết về “Quyền con người và tôi”.
Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các đoàn thể hãy ủng hộ và tạo điều kiện cho cuộc thi. Đây là cách tốt nhất để bắt đầu cho công cuộc chấn hưng và bảo vệ đất nước. Đây là biện pháp căn cơ để chống lại quốc nạn tham nhũng và nhiều vấn nạn xã hội khác đang hoành hành chúng ta hàng ngày. Xin đừng tiếp tục gieo những mầm mống của sợ hãi.
Một dân tộc mà hầu hết đều là những con người khiếp sợ thì dân tộc đó không thể có tiền đồ tốt đẹp. Thay vì vô tình gieo những mầm mống của sợ hãi, chúng ta hãy cùng nhau gieo những hạt mầm nhân ái, tình yêu thương, những hạt giống quyền con người lên mảnh đất hình chữ S đầy yêu thương này.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, thân phụ nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang chịu án tù ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/09/120906_human_rights.shtml
No comments:
Post a Comment