Popular Posts

Tuesday, December 18, 2012

GIẤC MƠ AI CẬP


 

GIC MƠ AI CP

Nguyễn Quý Đại

Các kim tự tháp tại Ai Cập. Ảnh: student-sites.net.

 

Thuở còn đi học tôi từng mơ ước một lần đến Ai Cập để được nhìn Kim Tự Tháp to lớn hùng vĩ xây dựng hàng ngàn năm trước Công nguyên, dù trải qua nhiều biến đổi với thời gian, không gian nhưng nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thế giới có bảy Kỳ quan[1], Ai Cập có hai đó là Kim Tự Tháp và Hải đăng Alexandria, nhìn lại di tích lịch sử cổ đại, có thể nói Ai Cập là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập 2011 người dân đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Mubarak giành lại tự do và dân chủ… làm thế giới chú ý tới Ai Cập nhiều hơn .

Giấc mơ tuổi thơ của tôi đến nay được thực hiện qua chuyến du lịch thú vị thăm Cairo, đi du thuyền trên sông Nil thơ mộng hữu tình qua các địa danh Luxor – Esna – Edfu – Kom Ombo – Assuam – Abu Simbel thăm các đền đài nổi tiếng xưa nay. Từ Luxor sang biển Đỏ chúng tôi đi xe Bus qua sa mạc dài 5 tiếng đồng hồ.
 
Ở Đức mùa thu giá lạnh, nhưng Ai Cập thời tiết nắng ấm 30°C dù chỉ cách nhau 4 giờ bay, buổi chiều khi mặt trời lặn gió thoảng từ sa mạc thổi qua hơi se lạnh. Nhìn lại đời sống của Ai Cập một thời văn minh qua những điều mình nghe thấy tận mắt, tôi tham khảo tài liệu viết tóm lược về đất nước và con người Ai Cập qua những tiến trình lịch sử về: Điạ lý, Nhân văn, Tôn giáo, Kinh tế và Chính trị.

Cộng Hòa Ả Rập Ai Cập (Arabische Republik Ägypten), diện tích 1.001.449 km² nằm ở Bắc phi, Trung Đông và Tây Nam Á. Dân số hơn 80 triệu, Cairo là thủ đô diện tích 214 km², khỏang 8 triệu người, nhưng trên thực tế số người đông hơn vì dân nông thôn thường đổ về Cairo tìm việc, chính quyền không có chương trình kiểm tra dân số, là thành phố đông dân nhất Châu phi và từ nhiều thế kỷ nổi tiếng là một trung tâm học thuật, văn hóa và thương mại. Hàn lâm viện ngôn ngữ Ả rập của Ai Cập chịu trách nhiệm chỉnh lý ngôn ngữ Ả Rập trên khắp thế giới… Cairo từ lâu được gọi là “Hollywood của phương Đông“, nằm ở miền bắc Ai Cập còn gọi là hạ Ai Cập cách phía nam của Điạ Trung Hải 165 km.
 
Hầu hết dân số tập trung sống dọc theo hai bờ sông Nil (phần lớn ở 2 thành phố Alexandria và Cairo) và tại Châu thổ gần Kênh đào Suez. Vùng nông thôn ruộng đất canh tác cho từng gia đình giới hạn về diện tích, sinh sản gia tăng nhiều gia đình sinh 10 người con, con trưởng hưởng tài sản, những người con kế tiếp phải về thành phố mưu sinh. Dân số 90% theo Hồi Giáo và số còn lại theo Thiên Chúa, Do Thái giáo, Bahai, Jehovas, Cơ Đốc Giáo… Giáo dục cưỡng bách từ 6-12 tuổi phải đi học không trả tiền, nhưng vẫn còn nạn mù chữ: đàn ông 33,4% đàn bà 56,2%.

Ai Cập giáp biên giới với Libya ở phía tây, Sudan ở phía nam với Isael ở đông bắc, là một Quốc gia liên lục địa, họ sở hữu một cầu nối giữa Châu Phi và Châu Á và kinh đào Suez thông thương hàng hải tiện lợi giữa biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương qua Biển Đỏ. Thành phố Alexandria là trung tâm thương mại quan trọng giữa Châu Âu và Châu Á, có ngọn hải đăng xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên (khoảng 280-247) những thành phố cổ vĩ đại như: Aswan, Asyut, Cairo, El- Mahalla El- Kubra, Giza nơi có Kim tự tháp Khufu, Hurghada, Luxor, Kom Ombo, Port Said, Port Safaga, Shubra-El-Khema, nơi có Kênh Suez, Zagarig, và Al- Minya. Ai Cập chiếm một phần sa mạc Sahara và sa mạc Libya.
 
Các Ốc đảo: Bahariya, Dakkleh, Farafra, Kharga, Siwa. Mỗi ốc đảo là một vùng đất xanh tươi, màu mỡ giữa sa mạc. Ai Cập được chia thành 29 tỉnh theo hệ thống từ trên xuống tỉnh, các thành phố, quận, tổng, xã. Về nông nghiệp sản xuất bông vải, miá, khoai tây, trái cây, lúa, bắp về chăn nuôi bò, lừa, ngựa. Hầm mỏ gồm có: dầu, hơi đốt, sắt, đồng, vàng, Phosphat, điện lực xài quạt gió và đập thuỷ điện ở Assuan, đường xe lửa và đường xa lộ chạy dọc theo sông Nil.
 
Phi trường quốc tế ở Cairo và Alexandria, hải cảng Alexandria, Port Said và Suez. Ai Cập có thu nhập GDP theo đầu người ở mức 5800 USD, đời sống kinh tế phần lớn nhờ vào du lịch, trong năm qua vì tình hình thiếu an ninh, biểu tình bạo động nên vắng du khách càng làm cho đời sống người dân nghèo khổ hơn.

Thời lập quốc (Altertum).

image003

Theo tài liệu Ai Cập lập quốc vào khoảng năm 3100 trước CN bởi Pharao (vua) huyền thoại Menes, người đã cho xây thành Memphis và chọn làm kinh đô. Qua các Triều đại hùng mạnh cho tới Vương triều thứ 30 thì sụp đổ trước sức tấn công của người Iran (Ba Tư) năm 342 TCN và vị Pharao người Ai Cập cuối cùng là Nectancebo II phải thoái vị. Lúc ấy người Ai Cập đã đào nên nền móng sơ khai đầu tiên của kênh Suez để nối liền Biển Đỏ với Điạ Trung Hải. Những biến cố lịch sử Ai Cập lần lượt bị cai trị bởi người Hy Lạp, La Mã, Iran, đế quốc Ottoman và Anh quốc.

Thời Trung cổ (Mittelalter)

Từ năm 640-641 Ai Cập bị đạo Hồi chinh phục, trở thành thể chế là Giáo quyền cai trị trong suốt 3 thế kỷ thì thay đổi. Những triều đại tự chủ bắt đầu với những tổng đốc cha truyền con nối. Ai Cập trở nên hùng mạnh với ba triều đại Fatimid theo Hồi Giáo thuộc dòng Sunni (Ahl as-Sunnah) chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn của khối Ả Rập, từ Biển Đỏ ở phía Đông tới Đại Tây Dương ở phía Tây. Khởi nghiệp từ Tunisia, Vương triều Fatima mở rộng quyền thống trị của mình qua vùng ven biển Địa Trung Hải của Châu Phi kiểm soát nhiều lãnh thổ ở Maghreb, Sudan, Sicilia, Levant, và Hijaz.

Vương triều Fatima xây dựng thành phố Cairo năm 969, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo được đánh giá là „thế kỷ Ismaili“ trong lịch sử Hồi giáo. (trải từ Maroc đến Syria), Ayyubid thắng được liên quân các nước Tây Âu), và Manluk thắng quân Mông Cổ. Từ năm 1517 Ai Cập bị lệ thuộc vào đế quốc Ottoman được gọi là Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, các lãnh thổ của Đế quốc Ottoman gồm các vùng Tiểu Á hay Anatolia là một bán đảo Châu Á nằm giáp với Châu Âu, với Biển Đen ở phía Bắc, Địa Trung Hải ở phía Nam, và biển Aegea (một nhánh của Địa Trung Hải) ở phía Tây, và vùng đất Châu Á rộng lớn ở phía Đông. Đế quốc Ottoman chiếm một vùng có diện tích khoảng 5,6 triệu km².

Kỷ Nguyên mới (Neuzeit):

image004

Kênh đào Suez hoàn thành năm 1869, dài 195 km, khúc hẹp nhất là 60 m, và độ sâu 16 m đủ khả năng cho tàu lớn 150.000 tấn qua được. Ai Cập trở thành đầu mối vận chuyển quan trọng của thế giới, Anh Quốc chiếm quyền kiểm soát Ai Cập năm 1882, nhưng trên danh nghĩa nó vẫn thuộc Đế chế Ottoman cho đến năm 1914. Sau khi giành lại độc lập hoàn toàn từ tay Anh Quốc năm 1922, năm 1923 Ai Cập soạn thảo và áp dụng một hiến pháp dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Saad Zaghlul. Từ 1924 đến 1936, Ai Cập thành công trong việc lập ra một chính phủ hành pháp theo kiểu chính phủ Châu Âu hiện đại. Tuy nhiên người Anh vẫn giữ một số quyền kiểm soát cần thiết. Năm 1952, xảy ra một cuộc đảo chánh quân sự buộc vua Faruk của chính thể quân chủ lập hiến thoái vị .

Nước Cộng Hòa Ai Cập được tuyên bố thành lập ngày 18.6.1953 do Tướng Muhammad Nagib là Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa. Sau đó M. Nagib bị Ganal Abdel Nasser buộc phải từ chức năm 1954. G.A. Nasser lên nắm quyền Tổng thống và quốc hữu hóa kênh Suez năm 1956. Gây nên chiến tranh với liên quân giữa Anh – Pháp và Israel ngày 29.10.1956.
 
Sau đó giải quyết được quyền tự do lưu thông hàng hải qua eo biển Tiran (là hành lang hẹp, rộng 13 km, giữa bán đảo Sinai và bán đảo Ả Rập ngăn cách vịnh Aqaba với biển Đỏ) và làm lắng dịu tranh chấp biên giới Ai Cập – Israel. Năm 1958 Nasser tiến hành một liên minh giữa Ai Cập và Syria được gọi là Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhất „Vereinigten Arabischen Republik VAR„ bỏ mất chử Ai Cập!thân Liên Xô nên năm 1959 Nga giúp xây đập thuỷ điện ở Assuan. Sau nầy bỏ chữ Vereinigten thêm vào „Cộng Hòa Ả Rập Ai Cập“

Năm 1962 đảng „Arabische Sozialistische Union, ASU“. Tranh đấu cho đàn bà được quyền tham gia bầu phiếu… Năm 1967 xảy ra cuộc chiến tranh sáu ngày „Sechstagekrieg“ là cuộc chiến giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, Ai Cập, Jordan, và Syria.
 
Các quốc gia Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait, và Algérie cũng đóng góp quân và vũ khí cho các lực lượng Ả Rập. Israel đánh phủ đầu thần tốc chiến thắng giành được quyền kiểm soát Đông Jerusualem, dải gaza, Bán đảo Sinai (Ai Cập), Bờ Tây sông Jordan (West Bank) và cao nguyên Golan (Syria).
 
Kết quả của cuộc chiến này ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến nay. Ai Cập mất bán đảo Sinai vào tay Isael. T.T. Nasser qua đời, phó tổng thống Anwar as- Sadat kế vị. Sadat bỏ liên minh với Liên Xô từ thời chiến tranh lạnh để quay sang Hoa Kỳ, trục xuất các cố vấn Liên Xô năm 1972, và cải cách kinh tế được nhận viện trợ từ Hoa Kỳ…

Năm 1973, Ai Cập cùng với Syria tấn công bất ngờ vào Israel trong chiến tranh tháng 10 (Oktoberkrieg), dù là một thắng lợi quân sự, nhưng về mặt chính trị lại không mang lại kết quả. Cả Hoa Kỳ, Liên Xô đều can thiệp và đạt tới một thỏa thuận ngừng bắn giữa Ai Cập và Israel.
 
 Năm 1979 Sadat ký hiệp ước hòa bình với Israel để đổi lấy bán đảo Sinai, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong thế giới Ả Rập dẫn tới việc Ai Cập bị loại trừ khỏi Liên đoàn Ả Rập gồm 22 quốc gia[2] (Ai Cập tái gia nhập năm 1989). Sadat bị ám sát năm 1981, người kế tục ông là Hosni Mubarak trải qua 30 năm độc tài cai trị, ông bị lật đổ trong Cách Mạng Mùa Xuân 2011.

Di tích và danh lam thắng cảnh ở Cairo:

image005

Xe bus chở du khách đến viện bảo tàng nổi tiếng thế giới lưu trữ di tích của các đời Pharao, xe chạy qua Quảng trường Tahrir cỏ úa lưa thưa người dân, nhưng nhiều cảnh sát, quân đội canh gác để ngăn chận những cuộc biểu tình chống T.T Mohamed Morsi, từ xa đã thấy tòa nhà cao của chính phủ cũ bị đốt cháy đen trong cuộc Cách mạng Mùa Xuân 2011.
 
 Viện bảo tàng Ai Cập xây từ năm 1902 đồ sộ, rộng 15.000 m² 2 tầng ở Cairo, gần 100.000 cổ vật cuả nền văn minh Ai Cập cổ đại về nghệ thuật, văn hóa, xã hội, tôn giáo được thể hiện qua những hiện vật được trưng bày và những di tích lăng mộ của các Pharao gồm: các mặt nạ bằng vàng, tượng cổ, phòng trưng bày xác ướp, đủ mọi tầng lớp từ dân đến vua và xác các con ngựa, cá sấu, mèo… Đặc biệt là hai xác ướp của hoàng đế Ramses II (1290-1224 TCN) và vị vua trẻ Tutanchamun (1365-1349 TCN). Ramses II là một trong những Pharao oai hùng nhất trị vì 66 năm. Ông chinh phục các nước liên bang từ Ethiopia đến Palestine để mở rộng đế quốc của mình. Ông còn là nhà kiến trúc tài ba đã hoàn thành nhiều thành lũy, lâu đài, kênh đào.
 
Tutanchamun là vị vua nổi danh, xác ướp của ông nằm trong chiếc quan tài bằng vàng nặng 225kg, mặt mang chiếc mặt nạ vàng ròng nặng 15kg. Những báu vật trong lăng mộ ông như ngai vàng, vật trang sức tinh xảo, vũ khí, thuyền, xe ngưạ…phần lớn đều làm bằng vàng, hay bọc vàng. Những bia đá có khắc chữ tượng hình, những bức tượng có đôi mắt đen sáng như mắt thật…. Hàng năm hơn 2,5 triệu du khách đến thăm, nhưng không được phép mang theo máy hình, có cảnh sát canh gác nhưng không tránh khỏi vụ trộm cổ vật trong thời gian biểu tình lật đổ cựu tổng thống Mubarak. Mời độc giả xem các hình trong viện bảo tàng Cairo http://bit.ly/Uu2ZML.

Phế tích của Memphis cách Cairo 19 km về phía nam, bên bờ tây của sông Nil, Memphis là thủ đô của Nome đầu tiên của Hạ Ai Cập và thủ đô của Ai Cập từ khi thành lập cho đến khoảng năm 2200 trước CN. Tên của thành phố trong tiếng Ai Cập cổ là Ineb Hedj. “Memphis” (Μέμφις) là tên tiếng Hy Lạp. Các thành phố và thị xã Mit Rahina, Dahshur, Sakkara/Saqqara, Abusir, Abu Ghurab và Zawyet El Aryan ngày nay nằm trong ranh giới hành chính của thành phố Memphis lịch sử.
 
Memphis cũng được biết đến trong thời cổ đại là Ankh Tawy là vị trí quan trọng của thành phố giữa Thượng Ai Cập là dải đất liền, trên cả hai mặt của thung lũng sông Nil, kéo dài từ Nubia, và ở phía hạ lưu (phía bắc) Hạ Ai Cập là khu vực màu mỡ của đồng bằng sông Nil tới Địa Trung Hải.

Kim tự tháp ở Giza do ba vị vua thuộc vương triều thứ tư xây dựng: Khufu (còn gọi là Cheops khoảng 2545 bis 2520 trước CN) bề ngang 230m cao 147m, nay còn 138,75m, diện tích 2.583,283 m³, Khafre (Chephren 2510-2485 TCN) cao 127m và Menkaure (Mycerinus 2485-2455 TCN) cao 66 m. Chỉ có Kim tự tháp Khufu (Cheops) là “Kim Tự Tháp Vĩ Đại“. Mặc dù đã bị mất đi rất nhiều lớp vỏ bọc bằng đá vôi trắng, các nhà sử học Ai Cập đồng ý rằng Kim tự tháp được xây trong khoảng thời gian 20 năm từ khoảng năm 2545 TCN, thuộc Triều đại thứ tư thời Ai Cập cổ đại, vị tể tướng của Kheops là Hemiunu được cho là kiến trúc sư của Đại Kim tự tháp là một trong những kỳ quan thế giới „The Seven Wonders of the Ancient World“.
 
Ba Kim tự tháp là lăng tẩm của ba đời vua Pharao có tên là Kheops, của con trai ông là Khephren và của cháu nội là Mykerinos. Trong vùng Giza Necropolis giáp với Cairo bao gồm cả hai ngôi đền nhà xác để thờ Kheops (một gần Kim tự tháp và một gần sông Nil), ba Kim tự tháp nhỏ hơn cho các bà vợ của Kheops, và một Kim tự tháp “vệ tinh” nhỏ hơn, một đường đắp cao nối hai ngôi đền và một nhà mồ nhỏ bao quanh Kim tự tháp cho các quý tộc.
 
 Một trong các Kim tự tháp nhỏ chứa mộ của hoàng hậu Hetepheres (khám phá năm 1925), em gái và vợ của Sneferu và mẹ của Kheops. Cũng có thành phố cho công nhân, bao gồm một nghĩa trang, các tiệm bánh, một xưởng làm bia và một khu để luyện (nấu chảy) Đồng (nguyên tố) đồng. Nhiều tòa nhà và các khu cấu trúc khác đang được khám phá khai quật .

image006

Về phía tây nam Kim tự tháp Kheops có Đại Nhân Sư Sphinx là một quái vật tạc bằng đá, đầu người mình sư tử với những chân có vuốt trải ra phía trước, nằm canh gác ở kim tự .Tượng cao hơn 18 m và trải dài tới 57 m, mặt có bề ngang 5 m, tai 1,57 m, mũi 1,7 m. Sphinx biểu thị một trong những hình dạng của thần Mặt trời Horus.
 
Họ còn nói rằng mục đích làm tượng Sphinx là để xua đuổi tất cả những điều bạo ác, tội lỗi khỏi khu nghĩa địa quanh Kim tự tháp của cao nguyên Giza. Đây là một trong những bức tượng có kích thước lớn nhất thế giới, được người Ai Cập cổ tạo dựng từ Thiên niên kỷ thứ 3 TCN.

Kim Tự Tháp là một hình chóp có đáy là hình vuông, bốn mặt bên hình tam giác đều, tượng trưng cho bốn yếu tố cấu thành vũ trụ: „Thiêng Hòa- Đại Thủy-Thần Phong- Thổ Mộc“, hình ảnh Kim Tự Tháp còn biểu trưng cho quyền lực tuyệt đối của nhà vua và nhà vua đến với thần Ra Thần Mặt Trời – vị thần quan trọng nhất trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại sau khi qua đời.

Kim tự tháp bậc thang (Step-Pyramid) tại Sakkara (Saqqara). Kim Tự Tháp này là lăng mộ của Pharao Djoser (2620-2600 TCN) và là Kim tự tháp bậc thang đầu tiên ở Ai Cập, loại mộ hình thức của một gò đất hình chữ nhật với 6 bậc đã bị thời gian tàn phá đang tiếp tục tu sửa. Những hàng cột trên lối đi dẫn vào đền thờ và Kim Tự Tháp bậc thang Djoser trên tường đá còn những đầu con Cobra.
 
Đứng trước những Kim Tự Tháp với những tảng đá lớn sắp thứ tự từ dưới lên trên đỉnh làm cho chúng ta phải nghiêng mình kính phục trước vẻ đẹp hùng vĩ và bí ẩn của nó, dù thế giới ngày nay tiến bộ trên mọi phương diện khoa học kỹ thuật, phải ngạc nhiên vì người xưa chỉ có sức người mà đã làm nên công việc thật vĩ đại, phương pháp toán học kỳ tài, những tảng đá Granit to xây khít khao bằng phẳng thẳng đứng.

image007

Ai Cập có nhiều đền thờ Hồi giáo, nhưng ngôi đền thờ cổ Moschee Sultan Hassan có từ thời trung cổ lớn nhất thế giới, xây từ năm (1356- 1363 sau CN) cao 81 m dài 150 m diện tích 7.902 m². Muhammad ibn al-Biylik Muhsini là người quản lý xây dựng với thiết kế cổ điển. Lối vào cửa chính ở phía đông bắc 38 m, vào một cái sân nhỏ, bốn mặt trang trí một Ivan, bao gồm 6 hốc cao và 8 cửa sổ mặt tiền phía bắc dài 150 m…
 
Đến bảo tàng Rahina ở Memphis xe phải chạy dọc theo con kênh dài nhiều rác và rong rêu, có những chiếc xe cào hốt nhưng họ không mang đi hết mà còn bỏ lại 2 bên bờ kinh! ngoại ô có nhiều biệt thự xinh đẹp khang trang của những người giàu, nhưng nhà dân nghèo thì lụp xụp, nhà xây thấp lè tè không tô vôi để lộ những viên gạch bùn xám.
 
Họ ở dưới, phần trên còn trơ cao những cột sắt rỉ màu, họ chờ có tiền sẽ xây tiếp cho con cháu… Hai bên đường là những hàng cây chà là cao rủ lá, lưa thưa những buồng trái trái mùa, trên đường các loại xe gắn máy của Trung cộng nhập vào cho giới bình dân có tiền, những con lừa bé nhỏ phải kéo những xe nặng chở cỏ, trái cây, những bó miá dài nhiều đốt. Đời sống người dân vùng ngoại ô còn nghèo nàn vất vả, những đoàn học sinh mặc đồng phục, nữ sinh phải trùm đầu khăn màu trắng…Bảo tàng Rahina không có gì đặc biệt toàn là những tượng đá cao to đứng trong vườn cây và bức tượng lớn nằm trong nhà của vua Ramses II…

Đời sống tại Cairo

image009

Những ngày ở Cairo chúng tôi đến chợ Khan El Kalili Bazar, chợ nầy có từ năm 1382 hơn 12.000 người hành nghề thương mại, họ bán vàng bạc, các loại hàng tiểu công nghệ đủ loại rất đẹp mắt, hàng vải áo quần, có một số „made in China“ chợ ồn ào náo nhiệt với tiếng rao hàng, mời khách nhưng cái khó cho du khách người bán nói giá quá cao, người Đức đã nói „Ohne Handeln und Feilschen geht es nicht“ nghiã là không trả giá, thương lượng thì không thể mua! Phần lớn du khách đến từ Châu Âu không quen việc chào hàng lôi kéo, trả giá nên chỉ đi dạo không muốn mua bán lôi thôi mất thì giờ. Buôn bán như vậy chỉ làm thiệt hại cho người bán không có kết qủa.
 
Trong chợ là những gian hàng chật hẹp, mùi hôi của thuốc lá làm cho mình cảm thấy ngột thở. Có nhiều hàng nước giải khát, cafe nhưng tuyệt đối không có bán rượu bia, dọc theo đường trên chiếc xe kéo cũ thô sơ bán bắp, khoai lang nướng giống ở Việt Nam, nơi nầy du khách luôn bị quấy rầy bởi những người bán hàng rong, người xin đổi tiền, ăn xin…Cairo có 5 đại học lớn, đại học Al- Azhar của Hồi giáo có từ năm 983 sau CN, đường phố đông người các loại xe taxi chạy bằng gas, thường kẹt xe trong những giờ cao điểm, theo thống kê mà hướng dẫn viên du lịch cho biết sở dĩ Cairo còn nhiều nhà xây bỏ trống không xong, vì ngành địa ốc gặp khó khăn, họ đi vay tiền đầu tư tốn kém, xây nhà không cho thuê được thì lỗ vốn.
 
Trong khi hơn 300 ngàn người nghèo, không nhà phải sống chen chúc trong nghiã điạ, dưới chân tường… Bởi vậy đời sống ở Cairo phức tạp chia làm hai khu giàu nghèo rất rõ rệt, hơn 20% người nghèo sống dưới 2.USD một ngày, dân nghèo không có bảo hiểm sức khỏe.
 
Công chức và quân đội được huởng bảo hiểm của chính phủ, nhưng lãnh lương thấp, bởi vậy họ phải làm thêm nghề khác để mưu sinh. Sau cuộc cách mạng Mùa Xuân năm 2011 đời sống người dân vẫn không thay đổi, chính phủ không thể kiểm soát bọn gian thương lợi dụng buổi giao thời bán xăng dầu qua Palestine để trục lợi…Tòa Đại sứ các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ được quân đội canh gác cẩn thận, tránh trường hợp những người cuồng tín gây bạo loạn giết người.

image008

Từ khi tân Tổng thống Mohamed Morsi nắm các quyền hạn, làm nổ ra các vụ bạo động trên đường phố, các cuộc biểu tình tại thủ đô Cairo tiếp tục diễn ra tại Quảng trường Tahrir. Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ủng hộ Morsi muốn Ai Cập trở thành một quốc gia thiên về luật lệ Hồi giáo “Ai Cập là quốc gia Hồi giáo, không thể thế tục”… Hồi giáo chính thống dùng kinh Koran và luật của đạo Hồi làm căn bản luật pháp quốc gia.
 
Đó là một thứ luật lạc hậu, kém văn minh, như: ném đá cho đến chết tội ngoại tình, cho phép đàn ông đa thê, chặt tay vì tội ăn cắp, khinh miệt phụ nữ, phạt đánh đòn bằng gậy ở nơi công cộng…. Trong khi quần chúng và phe đối lập muốn một quốc gia Hồi giáo phóng khoáng, nên tách Giáo quyền ra, để Thế quyền độc lập lãnh đạo có đầy đủ các quyền tự do dân chủ, nhất là không kỳ thị phụ nữ và các tôn giáo khác. Đó là giấc mơ của người dân Ai Cập…

Mời độc giả đọc tiếp bài Hoàng Hôn Trên Sông Nil

Hình ở Cairo http://bit.ly/U8I9Bx

Nguyễn Quý Đại


Tài liệu tham khảo

Lexikon der Gesihichte nhà xuất bản Orbis

Universal Lexikon nxb Bassermann



[1] Bảy kỳ quan cổ đại

Khu lăng mộ Giza (Kim tự tháp Ai Cập)

Vườn treo Babylon (vùng Lưỡng Hà)

Tượng thần Zeus ở Olympia (Hy Lạp)

Đền Artemis (Thổ Nhĩ Kỳ)

Lăng mộ của Mausolus (Caria Tây nam tiểu Á)

Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes (Hy lạp)

Hải đăng Alexandria (Ai Cập)

Bảy kỳ quan mới

Khu di tích Chichen Itzá (Mexico)

Tượng Chúa Kitô Cứu thế Rio de Janeiro Brasil

Vạn Lý trường thành (Trung quốc)

Pháo đài Machu Picchu sườn núi Peru

Thành cổ Petra (Jordan)

Đấu trường La Mã Colosseum Roma

Đền Taj Mahal Agra Ấn Độ

[2] Liên Đoàn Ả Rập:

Ai Cập- Jordan-Liban-Ả Rập Saudi-Syria-Yemen-Libya-Sudan- Maroc-Tunisia-Kuwait-Algérie-Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất- Bahrain-Qatar-Oman- Mauritania-Somalia-Palestine-Djibouti-Comoros

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List