Câu chuyện ngày Giáng
Sinh
Tạp ghi Huy Phương
Mỗi năm cứ đến Giáng Sinh thì thương xá mọi nơi đầy ắp người mua sắm. Trẻ em phấn khởi chờ đợi những món quà sắp nhận, người lớn tất bật với những ngày cuối tuần, bận rộn nhưng háo hức, coi việc đi sắm quà và tặng quà cho những người thân yêu là một niềm vui. Không phải đợi đến bây giờ mà từ Black Friday tháng trước, có người đã thức khuya hay dậy sớm, đợi chờ dưới trời lạnh để mua cho được một món quà vừa ý, lẽ cố nhiên không phải cho mình mà để trao đến một người khác.
Vì sao nói đến Giáng Sinh là phải nói đến những món quà đầy màu sắc vui tươi, để dưới cây thông, cạnh lò sưởi, trong những chiếc vớ để đầu giường trẻ em hay do người phát thư mang đến trưa nay. Giáng sinh càng ngày càng mở rộng từ ý nghĩa của một ngày lễ Ki Tô giáo trọng đại, đi xa hơn, gần gũi hơn với đời sống con người, nghĩ đến nhau và gần lại với nhau hơn nữa.
Và vì sao món quà cho nhau ý nghĩa phải là món quà vào dịp lễ Giáng Sinh mà không phải là một thời điểm nào khác, và vào ngày trọng đại này, ví như thiếu một món quà cho ai đó, lòng chúng ta cảm thấy không vui và cảm thấy thiếu thốn một điều gì. Không phải chỉ nghĩ đến những người thân yêu trong gia đình, có khi chúng ta cũng nghĩ đến cô giáo của lũ trẻ, người phát thư đến với chúng ta mỗi ngày, người dọn vườn, đổ rác. Người san sẻ có thể thấy được niềm vui hơn là người nhận.
Câu chuyện “Món Quà Giáng Sinh” của O'Henry viết từ cuối thế kỷ XIX vẫn là một câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu: “Ðôi vợ chồng Jim và Della quá nghèo đến nỗi Giáng Sinh năm nay, họ chẳng có được một món tiền nhỏ để mua cho nhau một món quà. Từ lâu Jim vẫn mong có tiền để mua cho vợ mua cái lược thật đẹp cho xứng đáng với mớ tóc óng ả của nàng, còn Della, từ lâu ao ước mua cho Jim một món quà, một cái dây đồng hồ giá trị cho cái đồng hồ vàng, của gia bảo để lại từ thời ông nội của Jim, nhưng họ quá nghèo. Della dàng dụm cho đến ngày Giáng Sinh chỉ có $1.87, còn Jim thì cũng với cái áo khoác cũ kỹ và không mua nổi một đôi găng tay vào mùa Ðông giá lạnh.
Giáng Sinh đã gần kề, Della nhác thấy hình ảnh mình với mái tóc dài trong chiếc gương lớn, nghĩ đến món quà Giáng Sinh cho chồng, mắt nàng sáng lên. Della xuống phố tìm đến cửa hàng chuyên mua tóc, bằng lòng bán mớ tóc của nàng, sau đó đến một tiệm nữ trang và mua một cái dây đồng hồ bằng bạch kim cho cái đồng hồ gia bảo của Jim, món quà mà từ lâu nàng vẫn ấp ủ, mơ ước mua được để tặng chàng.
Tối nay, Della ngồi ở chiếc ghế cạnh lối mà Jim sẽ trở về, tay cầm sợi dây đồng hồ, hồi hộp nghe tiếng chân chồng, chưa bao giờ Jim về trễ như hôm nay. Jim hiện ra trên bậc cửa, sững sờ nhìn hồi lâu, với mái tóc ngắn bất thường, không nói lấy được một lời. Cuối cùng thì Jim tiến lại ôm hôn vợ, mắt rưng lệ, từ từ lấy trong túi áo ra một gói quà chàng đã mua để tặng nàng, sau khi bán chiếc đồng hồ của chàng, đó là bộ trâm cài tóc xinh xắn rất hợp với mái tóc vàng óng ả của nàng. Vậy mà giờ đây bộ tóc của nàng không còn nữa! Della cũng trao cho Jim, sợi dây đeo đồng hồ bằng bạch kim mà nàng đã đổi bằng mớ tóc của nàng, nhưng chiếc đồng hồ của Jim cũng đang nằm trong tiệm cầm đồ.
Họ cùng nghĩ đến nhau vào ngày Giáng Sinh, và đã đem đổi “gia tài” của họ để mang về một món quà, không dùng được cho ngày Giáng Sinh năm nay.
Nhưng người đọc hy vọng rằng, với thời gian, mái tóc của Della sẽ dài lại và nhờ dành dụm, Jim sẽ có cơ may chuộc lại được cái đồng hồ của chàng. Họ cùng hạnh phúc vì cả hai cũng nghĩ đến nhau.
Trong một câu chuyện khác, một thanh niên đến một tiệm bán hoa để mua một giỏ hoa Giáng Sinh tặng mẹ đang ở một thành phố khác, cách xa đó. Tại đây anh gặp một cô bé đang đứng tần ngần vì không đủ tiền để, chỉ mua một đóa hoa hồng nói là để tặng cho mẹ em.
Sau khi được chàng thanh niên giúp tiền mua đủ đóa hoa, cô bé muốn nhờ anh đưa đến nơi mẹ ở. Chàng thanh niên ngạc nhiên khi nhận ra “nơi mẹ cô bé ở” là một ngôi mộ mới đắp trong nghĩa trang gần đó. Chàng thanh niên sau khi dẫn em bé về lại chỗ cũ, đã thôi nhờ tiệm hoa gửi quà cho mẹ, chàng mang bó hoa đó và ngay trong đêm, lái xe vượt một dặm đường 200 dặm để về thăm mẹ trước đêm Giáng Sinh.
Không người mẹ nào cần quà, bà cần và muốn ôm những đứa con vào lòng như thuở con bà còn ấu thơ.
Gần đây thôi, anh Lawrence DePrimo, 25 tuổi, là một nhân viên cảnh sát tuần tra ở New York City, hai tuần trước trong đi tuần ở khu Time Square trong một đêm giá lạnh, anh đã nhìn thấy một người đàn ông vô gia cư không có giầy đang ngồi co ro bên hè phố, đôi chân bị sưng vù. Ðộng lòng trắc ẩn, DePrimo, chạy tới tiệm bán giầy Sketchers gần đó để mua cho người không nhà này một đôi giầy ủng, không biết số giầy là bao nhiêu cho nên anh lại phải chạy ra chỗ người vô gia cư một lần nữa. Chính ông tiệm giầy Jose Cano khi nhận ra điều này, đã giúp giảm giá đôi giầy để anh DePrimo chỉ phải trả giá một nửa.
Nhưng hành đông của anh DePrimo không khỏi lọt vào ống kính của bà Jennifer Foster, ở thành phố Florence, tiểu bang Arizona, đang du lịch New York. Chỉ trong mấy ngày tấm hình và bức thư của bà Foster lên trang nhà trong Facebook đã được nửa triệu người trên thế giới vào xem để cùng đồng ý với nhau rằng “lòng nhân ái của con người vẫn chưa bị mất.”
Nhưng
điều ám ảnh tôi trong những câu chuyện mùa Ðông, vẫn là câu chuyện “Cô Bé Bán
Diêm” của nhà văn Ðan Mạch Hans Christian Andersen đã gây xúc động cho lòng tôi
từ thuở thơ ấu.
“Một
cô bé không tên, chỉ gọi là Cô Bé Bán Diêm, đầu trần, chân đất
một chiều mùa Ðông thật lạnh và tuyết rơi dày đặc, lang thang trên con phố vắng
để bán những bao diêm cuối cùng, nhưng đường sá vắng ngắt, mọi người ai cũng
sum họp trong những gian nhà ấm cúng. Em không dám về nhà với một người cha
giận dữ khi em không bán được những bao diêm, căn nhà trống hoác, lạnh lẽo và
trên bếp, không có gì để ăn chiều nay. Trong các gian nhà quanh phố đã sáng đèn
và mùi ngỗng quay thơm lừng tỏa ra. Em bật những que diêm để ít ra cũng có thể
sưởi ấm những ngón tay lạnh buốt.
Em bật que diêm đầu tiên lên, một lò sưởi trang hoàng rực rỡ, ấm áp hiện ra. Em bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên biến mất, một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút hiện ra.
Bé
bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Giáng Sinh trang
hoàng dây nến và những món quà xinh xắn.
Nhưng những ảo giác đó thoáng qua rất nhanh, mỗi khi que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.
Cô bé bật que diêm thứ tư, như giữa vầng hòa quang, bà ngoại em đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu nhìn cô bé. “Bà ơi!” Em khóc nấc lên. “Bà mang cháu đi cùng nhé! Khi que diêm này tắt, bà sẽ bỏ cháu, và biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như cây thông rực rỡ kia và cả những món ăn trên bàn tiệc.” Cô bé vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bùng lên và bà ôm em trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất đen tối, đến một nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau nữa.
Sáng hôm sau, khách qua đường, thấy em đã chết cóng, tay vẫn nắm chặt những que diêm, nghĩ rằng những que diêm này đã được đốt lên để sưởi ấm cho em, nhưng không ai biết những que diêm đó đã đem lại cho em những điều mơ ước cuối cùng, thực sự không có cho em trên đời này. Em đã đi về một nơi tốt đẹp hơn, mà chúng ta hy vọng đó là thiên đường.
Cũng bây giờ, tại một thành phố nhỏ mang tên Newtown thuộc tiểu bang Connecticut, rất nhiều gia đình đang trải qua một mùa Giáng Sinh buồn thảm. Những đứa trẻ xinh xắn, ngây thơ, đáng lẽ phải được quây quần bên những cây thông trong ngày Chúa Giáng Sinh đầm ấm năm nay, giờ đang nằm trong huyệt lạnh bởi một thế giới lạnh lùng và điên đảo.
Xin mời đọc (1-2013) hai tác phẩm của Huy Phương:
- Những Người Thua Trận, Tạp ghi
- Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già, Thơ
Xin liên lạc: xbnamviet@gmail.com hay (949) 241-0488
No comments:
Post a Comment