Popular Posts

Sunday, December 9, 2012

TUỔI HẠC TƯỞNG NGUYỆN


 

TUỔI HẠC TƯỞNG NGUYỆN

Bút ký và hình ảnh:

Ý Nga, Phan Ngọc

 

 

 

Thưa Độc Giả,

Bút ký Ý Nga kỳ này xin riêng kính tặng quý Anh Chị Em Đang Dấn Thân Đấu Tranh ở Quốc Nội và những Người Trong Cuộc về một ngày thứ bảy ở Canada: 1-12-2012, nơi có hàng trăm người đã gióng lên tiếng nói với các chính khách Canada về hệ lụy của chủ nghĩa cộng sản, cho nên xin được phân đoạn theo từng nội dung nhỏ.

Chúng tôi lần lượt sẽ gửi đến Độc Giả những đề tài kế tiếp về một sự kiện, một nhân vật hay một tổ chức đã có mặt trong ngày 1-12-2012 này, sau khi phần phỏng vấn được bổ túc tài liệu đầy đủ.

Hôm nay xin mời Bạn đọc trước 3 đoản văn:

-Điều Lành Cùng Nhớ, Điều Dở Nên Quên

-Ngày “Tưởng Nguyện” và

-Tuổi Hạc:

 

 

TUỔI HẠC

Xin thưa ngay là tác giả còn… trẻ con lắm chứ chưa hạc, cò, phượng, công chi cả. Tuổi Hạc ở đây có nghĩa gì thì xin mời Bạn cùng đọc cho đến những dòng cuối trang nhé.

*

Chúng tôi vốn là người luôn trân trọng những đóng góp “âm thầm” sau sân khấu nên hôm nay xin ghi lại một đóng góp rất âm thầm của các em tại Calgary, những người đã giúp tác giả có cơ hội gửi đến Bạn đọc dòng tâm tình này.

Chao ơi là sương mù trong bóng đêm!

Nó dày đặc không thấy đường mà lái, có nhiều khoảng, bánh xe đi tuyết của chúng tôi vẫn cứ bon bon lào xào trên băng đá mà hoàn toàn không thấy chi cả, người tài xế dường như chỉ còn mỗi điểm tựa nhỏ nhoi và mơ hồ (mơ hồ đúng theo nghĩa của nó) là lần mò theo những vạch sơn phân chia đường 2 bên mà nhắm chừng hướng. Bạn Đọc nào vốn yêu chữ nghĩa VN mình và đã từng có kinh  nghiệm lái xe đường sương mù, chắc hẳn thấm thía ngôn ngữ đáng yêu của chúng ta biết là bao vì chữ “nhắm chừng” này chính xác với dân đeo kính chúng tôi. Sự điều tiết gần như hết… cỡ thợ mộc, đôi mắt muốn bay ra khỏi 2 lớp kính: kính mắt và kính xe, mà chẳng ai nhìn thấy rõ mình đang đi về đâu? Ai trong chúng tôi cũng đang yêu quý cuộc đời này vô vàn, cứ giương mắt nhìn cho rõ để đi sao cho tới đích chứ chưa ai muốn về… cõi nào cả, nhất là đi trong tăm tối với những đoạn đường không có một chiếc xe nào chạy ngược chiều để ban phát cho mình thứ… trợ ánh sáng quý báu thì mình cứ như người đang bay… bay… trong động tác lần mò và nhắm chừng thật mơ hồ ấy.

Cũng may là người có lương tâm thì không phải cứ muốn mơ hồ là được, nhất là có cụ già 89 tuổi, 4 phụ nữ và 2 trẻ em trong xe thì phải… thực tế, cho nên 2 tài xế, mặc dù ai cũng có Nàng đi cùng, nhưng không thể mơ màng tình tứ hay mơ hồ mất trật tự được, họ cứ… trợn mắt lên và… trườn người về phía trước, dí 4 con mắt vào cái kính mà lái (ở những thành phố sương mù bên Ý Đại Lợi; 20 năm trời chúng tôi từng đi trong bóng đêm theo kiểu: chồng lái, vợ mở cửa xe ra nhìn lề đường bên phải).

Quay lại với 2 người tài xế hôm nay, họ trợn mắt vừa đủ mỏi nhừ các bắp thịt vai vì căng thẳng thì nhịp tim lại tăng vọt theo ánh đèn phía trước; Bạn chớ vội mừng với ánh đèn này vì nó không phải là đèn màu vàng, trắng của xe chạy ngược chiều soi đường giúp chúng ta định hướng dễ dàng mà là đèn đỏ, xanh, vàng chớp nháy liên tục của cảnh sát, của xe cứu thương!

Không phải là tài xế, nên với vận tốc chậm dần đều nhưng vẫn di chuyển được, chúng tôi chứng kiến tai nạn thứ nhất: 1 chiếc lao xuống hố, 3 chiếc đậu trên đường, chiếc méo đầu, chiếc méo đuôi, nhưng không thấy nạn nhân nào mếu máo trên mặt đường là đã mừng thay họ rồi.

Rồi!

Bây giờ thì không phải chỉ có mình hai tài xế đau tim mà cả 9 người: nam, phụ, lão, ấu đều bắt đầu… chia chung nỗi lo. Chạy được 1 tiếng lần mò, nhắm chừng thật mơ hồ khác, lại chứng kiến tai nạn thứ hai: cũng méo xẹo vài chiếc!

Thêm 1 tiếng lần mò, nhắm chừng thật mơ hồ nữa: tai nạn thứ 3! Lần này 2 xe đã lên núi cao hơn và vào được thành phố, không còn sương mù đùa cợt nhãn quan người mà chỉ có băng tuyết dưới mặt đường trơn trợt nhắc chừng chân thắng của tài xế và cả của… người ngồi bên cạnh, vì tai nạn lạ thứ 3 này đúng là… đập vào mắt. Hết sương mù rồi,  mắt người nhìn rất rõ: giữa thành phố sáng trưng mặt trời một chiếc xe đâm đầu thẳng vào trụ cột đèn! Có lẽ là chạy nhanh quá, sau khi vừa vượt đèn đỏ xong, xe bị sức trơn trượt của băng đá kéo bạt vào lề để… thử sức cứng của trụ đèn luôn. Ghê thật! Đầu xe móp cong vòng thế mà trụ đèn Canada vẫn đứng sừng sửng! Khá khen trụ đèn Canada!

Bạn nào có trồng cây si mấy cô Việt Nam mình bên tỉnh bang Alberta này thì khi đi theo nàng, nhớ nhìn chừng trụ đèn nha, bảo đảm cái đầu của quý Bạn không cứng hơn được sườn chiếc “truck” của hãng FORD kia đâu, xin nhớ giùm thêm nữa là trụ đèn Canada chứ không phải trụ đèn "Made in China" hay trụ đèn "Hợp Tác Xã VC" nhé!

Tai nạn đập vào mắt sau gần 3 tiếng đồng hồ chẳng thấy chi mô, chỉ toàn thấy:

Cam go canh cánh nỗi lo

Xam xám sắc màu rủi ro

Mặc sức nhìn, dòm, cùng ngó

Màu chi sao mà… hư vô?

Cầu chi được nấy! Hết sương mù, mắt vừa mừng được NHÌN thì đã chứng kiến điều không muốn THẤY, cho nên tài xế không dám lơ là.

Nào đã yên: tuyết rơi! Bây giờ thì tôi có cố gắng trổ tài nói chuyện cho tài xế khỏi buồn ngủ cũng chẳng ai nghe vì cái quạt phải sột soạt liên tục để quạt tuyết cho tài xế thấy đường. Dù sao cũng mừng là được mở mắt như… Sói Con trong Hướng Đạo, hơn là cứ phải lần mò, nhắm chừng mơ hồ mãi. Chút lãng mạn của thơ an ủi: “Đi dưới những bông tuyết bay bay vẫn dễ thương hơn đi trong sương mù mà!”

Thật đúng là phước thay cho những ai có mắt và được… nhìn. Càng phước hơn là nhìn …được những gì mình muốn… thấy Bạn nhỉ?

Chúng tôi vốn yêu thơ và cứ bị mắng: “Suốt ngày sống với mơ hồ!” nhưng cõi mơ… màng của chúng tôi thật ra hoàn toàn không mơ hồ như sương mù thế kia tí nào cả Bạn ạ! Bởi, như Bạn thấy đó, hôm nay hai tài xế khởi hành từ nhà lúc 6 giờ, đến nơi gần 10 giờ: vị chi chỉ chưa tới 4 tiếng, mà sao chúng tôi thấy lâu như cả thế kỷ. (thấm thía chi so với 15 đến 20 tiếng lái xuyên bang đi họp hàng tháng xưa rày)

Nghĩ thật là tội cho những người khiếm thị, họ làm sao sống trong… tối tăm như thế cả đời?

Càng tội hơn cho dân tộc chúng tôi, đã phải sống trong cảnh… tăm tối với VC bao nhiêu năm qua! Họ… thấy gì với những đôi mắt bị bưng bít kín mít không được… nhìn ấy?

*

Đến Edmonton kỳ này có lẽ từ xa nhất là:

-Hòa Thượng Thích Huyền Việt ở Houston, USA: (Hòa Thượng đi suôn sẻ, nhưng lúc về Mỹ, ra phi trường bị trễ nên đại bàng cánh sắt đã bay đi mất để Thầy phải lội tuyết quay trở lại Tuổi Hạc, ngủ thêm một đêm nữa và phải mua thêm một vé khác gần 600 đô mới bay về Houston được vào sáng hôm sau. Đêm thứ Hai tại Canada, Hòa Thượng buồn bã báo cho chúng tôi biết tin bệnh tình của Hòa Thượng Thích Hộ Giác nặng quá! 5-12, dù về đến Mỹ an toàn nhưng Hòa Thượng đã phải đón nhận một tin buồn, một cái tang chung lớn của Phật Giáo VN, đó là sự qua đời của Đức Phó Tăng Thống Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác lúc 6 giờ 19 phút, giờ Houston, sáng thứ Tư 5.12.2012, (âm lịch 22 tháng 10, năm Nhâm Thìn), tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, sau một thời gian lâm bệnh trầm trọng, Hòa Thượng hưởng thọ 84 tuổi)

-Ở xa thứ hai là gia đình Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, từ Ottawa

-Sau đó mới đến 10 người chúng tôi đến từ Calgary: cụ Nguyễn văn Phác ngồi xe bus và 9 người khác trên hai xe hơi.

Trở lại TUỔI HẠC sau gần 5 năm, lần này cũng là một ngày của mùa Đông giá buốt, ngày đầu tiên của tháng Giáng Sinh.

Chưa vội đem cờ, quạt và những thùng, túi lỉnh kỉnh đồ nghề của những người đi góp sức nhỏ vào việc lớn; hai tài xế Phước, Cường mở cửa cho mọi người vào bên trong trung tâm trước. Vài phụ nữ khá mệt sau mấy tiếng ngồi xe, vượt khoảng đường dày đặc sương mù và băng tuyết đông đá trơn như mỡ. Riêng chúng tôi thì thở phào với tình trạng sương mù hôm nay, lòng thầm tạ ơn cho sự an toàn của mọi người trên 2 chiếc xe.

Ghi công và tri ân 2 tài xế xong rồi, bây giờ chúng ta nói chuyện về viện dưỡng lão Tuổi Hạc nha!

Viện này do hòa thượng Thích Thiện Tâm ở Edmonton sáng lập ra cho người Việt tỵ nạn tại tỉnh bang Alberta đang bước vào tuổi… hạc, nhờ sự trợ góp công sức của Cộng Đồng Việt và chính phủ Canada.

Theo Hòa Thượng cho biết thì:

“Nhà dưỡng lão Tuổi Hạc là cơ sở đầu tiên của cộng đồng người Việt tại thành phố Edmonton-Canada, đã khánh thành vào tháng 9 năm 2008 và đi vào hoạt động được 4 năm rồi. Cơ sở này có 140 units, chia làm 2 phần, một phần cho người sống tự lập được (independent) khoảng 40 units (có thể ở được 2 người như vợ chồng); và phần còn lại 100 units là cho người có bệnh cần được chăm sóc (Designate Assisisted Living hay cũng gọi là D.A.L.). Viện có bác sĩ, có y tá RN, LPN, PCA... ngày đêm 3 ca chăm sóc. Nhà bếp phục vụ ngày 3 bữa ăn chính và 3 bữa phụ, gồm thức ăn Việt Nam, thức ăn Tây phương, kể cả thức ăn chay và cho người ăn kiêng. Hiện người Việt vào sinh sống trong này chỉ chiếm khoảng 60% tổng số, phần còn lại phải cho các sắc dân khác vào vì còn dư chỗ.

(Ý Nga chú thích: theo luật Canada, trung tâm không thể để trống cho riêng người Việt được, hễ có chỗ là phải nhận đơn xin vào, vả lại chi phí trang trải rất nặng).

Sau hai năm đầu rất khó khăn về nhiều mặt, từ tài chánh đến nhân sự; chẳng hạn như hai năm đầu: người vô chưa đầy, phải bị thâm thủng tài chánh khá nặng, cộng với việc điều hành chưa kinh nghiệm, phải mất thời gian và tiền bạc để huấn luyện (training). Sau 3 năm thì mọi thứ tạm ổn định và mọi việc đã trôi chảy khá tốt đẹp. Hiện nay mọi phòng đều đã đầy kín, số người trong danh sách chờ đợi (Waiting List) lên đến 10-12 người, nên những người xin vào đành phải chờ đợi”

Tuổi Hạc bắt đầu hoạt động từ năm 2008, mà theo Nguyên An, trong bài tường thuật “NHÀ DƯỠNG LÃO TORONTO là:

“Để chia sẻ nhu cầu của các bậc cao niên VN với nỗi lo sợ và bất an của họ khi phải vào sống trong các nhà dưỡng lão địa phương, nơi mà sinh hoạt khác lạ, ngôn ngữ bất đồng, dù có nhiều vị nói và hiểu thông thạo Anh, Pháp ngữ thì họ vẫn thấy thiếu thốn không khí, văn hóa và mùi vị quê hương. Bên cạnh nhu cầu tuổi già của các cụ thì nỗi khắc khoải của thế hệ trẻ hơn, trong việc lo cho cha mẹ, ông bà có nơi an dưỡng tốt đẹp cũng là một đòi hỏi không kém phần thúc bách”

Mùa này gần Giáng Sinh nên chúng tôi thấy hôm nay viện dưỡng lão có trang hoàng cây thông cùng nhiều màu sắc rực rỡ vui mắt. Đó đây, có các vị cao niên ngồi trên những chiếc xe lăn, an nhàn chào hỏi và  ngắm người ra vào trung tâm. Các phòng ốc cá nhân dành cho 1 người, 2 người hay 4 người và các phòng giải trí, phòng ăn, phòng tiếp tân vẫn được giữ gìn sạch sẽ và gọn gàng như khi mới khai trương 4 năm về trước.

Độc Giả có thể đọc thêm bài đính kèm bên dưới của: Viện Phật Học Nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc và Nguyên An để biết thêm chi tiết về Tuổi Hạc.

 

 

NGÀY TƯỞNG NGUYỆN

Hướng dẫn chúng tôi vào một hội trường lớn có sức chứa đủ 500 chỗ ngồi của Tuổi Hạc để chúng tôi chuẩn bị trang trí sân khấu cho buổi lễ “Tưởng Nguyện xong (nguyên văn chữ của quý tu sĩ Phật Giáo đang dùng, có lẽ với ý muốn ghép chung 2 chữ “tưởng niệm” và “cầu nguyện” lại thành một?), vị tu sĩ Thích Thiện Tâm tất bật lui tới, lên xuống, ra vô để giải quyết mọi việc cho chu toàn.

Thầy, với một tay cầm máy vừa trả lời điện thoại di động, một tay ôm 3 câu biểu ngữ to từ trên lầu xuống cho chúng tôi, vậy mà cúp máy là Hòa Thượng vẫn vui vẻ, hoạt bát tiếp chuyện từng người với một tánh tình rất cởi mở. Ai cũng bảo thầy cởi mở, mà quả thật lúc nào gặp, chúng tôi cũng thấy thầy cười tươi tắn với Phật tử, bất kể mới quen hay đã thân tình. Dù bận rộn điều hành viện dưỡng lão nhưng hôm nay Hòa Thượng đã đứng ra tổ chức buổi lễ “Tưởng Nguyện Chư Anh Hùng Tử Sĩ Vị Quốc Vong Thân, các Nhà Đấu Tranh cho dân chủ, nhân quyền, Tự Do Tôn Giáo và sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ VN”. Trong ước muốn học hỏi, chúng tôi đến tham dự để ủng hộ tinh thần cho việc đáng làm này; bởi, biết lắng nghe, biết học hỏi và biết cầu tiến cũng là điều tốt! Mỗi lời nói hay hành động của người chung quanh đều cho chúng ta một bài học:

-Lời nói sai giúp chúng ta tránh được khuyết điểm của họ!

-Lời nói đúng giúp chúng ta tiến bộ!

Cuộc đấu tranh này cần sự lắng nghe mọi tiếng nói, nhận xét và thực hành những gì khả năng chúng ta có thể, để góp sức với đồng bào trong nước thì may ra mới sớm giành lại tự do, dân chủ cho VN.

Thầy cùng trang trí đến gần 12 giờ thì được 90% hội trường. May là thầy tìm thêm được vài người đến giúp treo 3 biểu ngữ lên cao và có anh Lê Hoan phụ với Phước, Cường lo phần âm thanh. (Hoan là một thuyền nhân lận đận vừa sang định cư từ Phi Luật Tân, nói theo kiểu ông bà mình: là một thuyền nhân “Trâu chậm uống nước đục”. Chúng tôi hy vọng sẽ kể hầu Bạn nghe nhiều hơn về Hoan trong bài tùy bút kế tiếp)

Chúng tôi quen cảnh đi xa nên cứ nước suối và lương thực khô mang theo phòng hờ như nhà binh là bảo đảm nhất; ai ngờ các em Kim, Ly, Dung lại chuẩn bị một bữa ăn mang theo thật tươm tất cho gia đình. Thức ăn lại còn được hâm nóng và có thêm vài món nóng hổi vừa thổi, vừa ăn khác được chị Hằng dọn ra vào giờ cuối (do Hòa Thượng chiêu đãi).

Thật là cám ơn những âm thầm phục vụ rất cảm động này!

*

            Rồi cũng đến giờ khai mạc: 1giờ30, nhưng hôm nay phe: “Không đi trễ không phải là người VN!” vẫn đông hơn nên cá nhân tôi lại thêm một phen xấu hổ với các quan khách Canada và các quan khách tuy “phe mình” nhưng lại không đồng ý với lời tuyên bố trên.

            Chờ mãi! Đợi hoài! Đến 2giờ33 thì hội trường mới bắt đầu “chật chội” được. Mừng ghê! “Allez” ngay khỏi cần “retour”: khai mạc!

 

Quan khách tham dự buổi lễ, đã được Ban tổ Chức giới thiệu trong phần khai mạc gồm đồng bào tại Edmonton, Calgary, Ottawa Hòa Thượng Thích Thiện Tâm và:

- Hon. Gene Zwozdesky: MLA Edmonton Mill Creek, Speaker of The Legislative Assembly of Alberta,

Canada. 

- Hon. Thomas Lukaszuk: (Phó Thủ Hiến Alberta) MLA Edmonton Castledowns, Deputy Premier

- Mr. Brent Rathgeber: MP Edmonton-St.Albert, representative of Jason Kenney, Minister of Immigration

and Multiculturalism

- Hoà Thượng Huyền Việt, Youth Commissioner of The Unified Buddhist Church Of Vietnam

- Đại diện các hội đoàn có:

*Hội Người Việt Edmonton,

*Hội Cựu Quân Nhân,

*Hội Cựu Tù Nhân,

*Hội Cao Niên VN,

*Hội Thân Hữu Huế,

*Tu Viện Trúc Lâm,

*Chùa Phật Quang,

*Trường Việt Ngữ VN

            -Chúng tôi xin bổ túc thêm:

*Cụ Nguyễn văn Phác, Calgary.

*Khuôn Hội Phật Giáo Yên Tử, Calgary.

 

 

Điều Lành Cùng Nhớ, Điều Dở Nên Quên

Xin chia sẻ với quý Độc Giả những “Điều Lành” mà những diễn giả đã phát biểu sau đây:

1-Hòa Thượng THÍCH THIỆN TÂM, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Hải Ngoại, Văn Phòng II VIỆN HÓA ĐẠO:

 

-“Xin cùng nghe 2 nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình viết những lời nhạc đã nhắc nhở lòng người yêu

nước về cảnh tàn ác của CSVN hiện tại ở quê nhà và chuyện dân oan đi đòi lại nhà, đòi đất bị CSVN cướp; chuyện công an đánh chết người, chuyện hàng ngàn sự kiện uất ức khác đã lên đến tột độ, điển hình là trường hợp sự qua đời của bà Nguyễn thị Kim Liêng.

CSVN không những đã làm băng hóa đạo đức, mà chúng còn quên cả lịch sử ngàn năm Bắc thuộc dân ta đã trải qua. Bởi vậy chúng ta hãy đồng lòng cùng nhau đứng lên, giữ nước và giải thể chế độ độc tài!

-Tưởng nhớ những vị anh hùng tử sĩ chính là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta phải NHỚ bảo vệ giang san trong khi nhà cầm quyền đang hưởng thụ giàu sang bổng lộc mà QUÊN đi tất cả.

Cầu xin hồn thiêng sông núi, chư vị anh hùng cùng những chiến sĩ đã bất tử vì dân chủ, tự do sẽ về đây phù hộ cho chúng ta đạt thành ý nguyện.”

 

 

2-Hòa Thượng THÍCH HUYỀN VIỆT, nguyên Tổng Ủy Viên Thanh Niên của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống

Nhất Hải Ngoại, Văn Phòng II VIỆN HÓA ĐẠO:

 

“-Trong niềm hân hạnh được tham dự hôm nay, tôi không những chỉ xin tưởng niệm tất cả những Anh Hùng Tử

Sĩ VN và những người Việt từng đấu tranh cho tự do, dân chủ đã vị quốc vong thân mà tôi cũng xin nghiêng mình tri ân tất cả những quân nhân trong quân đội Canada đã bỏ mình cho tự do của miền Nam VN và cả những tù nhân đã chết trong tay CSVN.

-Sau khi mất mát quá nhiều xương, máu để đương đầu với các chế độ CS như: Liên Sô, Tàu, Cuba, Bắc

Hàn…v.v… chúng ta đã còn lại gì sau 1975?

Chỉ còn lại 3 chữ KHÔNG: không tổ quốc, không gia đình, không tôn giáo. 3 cái KHÔNG do một chính sách ngoại lai để lại! CSVN đúng là ma quỷ! Ma quỷ với tất cả những điều xấu nhất của loài người, bởi chúng đã tiêu biểu cho tất cả những cái ác! Thân phận của Mẹ VN đã bị một loại vi trùng ung thư CSVN tàn phá, cộng thêm loại vi trùng ngoại nhập là Tàu Cộng! Điều nguy hiểm hơn nữa là,  một khi mộng bá quyền của Đại Hán thành công, VN của chúng ta có thể trong nay mai sẽ biến thành một tỉnh lẻ của Trung Cộng, như chúng đã nuốt chửng (nuốt trửng) Tây Tạng. Thương thay cho những người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối Tàu Cộng! Chúng ta nghĩ gì nếu một mai đất nước chúng ta rơi vào hoàn cảnh như Tây Tạng, ai sẽ là người đem thân mình đốt lên để phản đối Tàu Cộng như họ?

-Sau tháng Tư 1975, chúng ta như một bầy chim vỡ tổ, được dân tộc Canada và toàn thế giới mở rộng vòng tay

nhân ái để giúp đỡ học hỏi, thành tài và đóng góp nhiều vai trò khác nhau trong xã hội tự do, trong khi ở bên kia, Mẹ VN, người Mẹ chung của tất cả chúng ta, với một vận mệnh hiện tại đang như “chuông treo chỉ mành”. Do đó, không có lý do gì mà sự thành công của chúng ta hôm nay khiến chúng ta quên được cảnh 1 cổ 2 tròng của dân tộc! Ai có cơ hội nào thì hãy tự nhắc nhỡ, tự góp sức vào việc CHUNG, nhất là những người đã có cơ hội thành công trong chính trường như Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đây. Tôi kêu gọi tất cả nhân sĩ trong Cộng Đồng, những vị khoa bảng, trí thức...v.v…hãy làm tất cả những gì mà năng lực cho phép để cứu dân tộc VN! Hãy tập trung tất cả điều GIỎI của từng người một trong chúng ta lại, để đưa VN sớm ra khỏi bàn tay CS Tàu-Việt. Phải nổ lực nhanh  lên chứ đừng để VN rơi vào hoàn cảnh như Tây Tạng! Vì một khi như thế, thì sẽ không còn là ngàn năm nô lệ mà sẽ là vĩnh viễn… “VN tôi đâu?thưa Quý Vị! Hãy làm nên giá trị của con người Việt, trong đó quan trọng nhất là quyền được hưởng tự do như chúng ta!

VN chúng ta quả thật là một đất nước đầy khổ hạnh!”

 

 

3-Các quan khách ngoại quốc: chúng tôi cũng ghi nhận được những ý kiến rất tích cực của các vị dân biểu liên bang Canada & phó thủ hiến tỉnh bang Alberta, nhằm khích lệ tinh thần để chúng ta tiếp tục đi tới, vươn lên và cố gắng thêm nữa, ngỏ hầu mang lại tự do cho đồng bào trong nước. Một lời tâm tình rất đáng nhớ:

 

“-Tôi không biết một cách chính xác cái giá của bao nhiêu sinh mạng đã phải trả cho tự do của VN hoặc cho sự ra đi tìm tự do của dân tộc Quý Vị. Tôi cũng không biết rõ ràng lịch sử của Quý Vị nhưng tôi hiểu thuyền nhân VN đã trải qua khổ nạn nào để có được tự do và tôi biết rất rõ sự đau khổ, sự chà đạp nhân quyền, chà đạp phẩm giá con người mà chủ nghĩa cộng sản đã đem đến cho nhân loại ra sao vì gia đình ông bà hai họ chúng tôi đã trải qua và có người đã chết trong tay CS!

-Trong tim tôi luôn ngự trị và tôn kính những người đã vị quốc vong thân để chống lại chủ nghĩa CS. Tôi biết CS là gì và tôi cầu mong một ngày không xa VN sẽ có tự do, nhân quyền”

 

4-Thượng Nghị Sĩ gốc Việt đầu tiên ở Canada, giáo sư, thẩm phán NGÔ THANH HẢI;

“-Sau 1975, tất cả các tôn giáo đều đã bị CSVN đàn áp triền miên, trong đó có Phật Giáo, một tôn giáo đã luôn luôn đấu tranh để giành lại quyền tự do tôn giáo. Hôm nay tôi rất lấy làm hân hạnh tham dự sự tưởng niệm chư vị Anh Hùng Tử Sĩ, các vị tu sĩ can đảm đã bị đàn áp bởi nhà  cầm quyền VN.

Đứng trước các sự vi phạm tôn giáo, nhân quyền hiện tại ở quê hương, chúng ta không thể bỏ qua mà phải làm, làm với một tiếng nói thống nhất, tiếng nói ấy nếu đưa lên cho chính giới ngoại quốc thì phải là một tiếng nói duy nhất mới có sức mạnh! Thí dụ: nếu chúng ta có 15 đoàn thể mà đoàn thể A nói ‘a”, đoàn thể B nói “b”.v.v…thì sẽ không thể nào có đủ sức mạnh được. Cộng đồng chúng ta một khi đã làm gì thì phải làm tiếp tục, một thỉnh nguyện thư đưa đi đâu, nếu chúng ta có người bên trong nơi ấy thì phải tìm mọi cách thúc đẩy và theo dõi hồ sơ cho đến cùng! Ở các nước khác tôi không có ý kiến nhưng nếu ở Canada, tôi hứa sẽ đích thân đem những thỉnh nguyện thư của người Việt ở tại Canada (tôi chỉ có thể làm tại riêng Canada thôi) trình lên cho chính tay thủ tướng và tôi sẽ làm bằng hết khả năng của tôi. Tôi rất hy vọng vào tiếng nói của chúng ta ở ngoài này.”

(Xin đọc thêm về ông NGÔ THANH HẢI phần dưới)

 

5-Cô Lê Thúy, đại diện Hội Người Việt Edmonton:

“Chúng ta, những người tỵ nạn may mắn đã được chính quyền và dân chúng Gia-Nã-Đại cho được dung thân và hưởng tự do, dân chủ, cơm no, áo ấm nhưng không vì thế mà quên được những thân nhân và đồng bào còn ở lại VN đang oằn oại dưới ách thống trị tàn ác của đảng CSVN: một chính quyền độc tài, tham nhũng, “hèn với giặc, ác với dân”.

Ngày hôm nay chúng ta ngồi lại đây để cùng bày tỏ lòng biết ơn các Anh Hùng Tử Sĩ đã hiến thân cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và sự toàn vẹn lãnh thổ đã và đang bị nhà cầm quyền CSVN cầm tù hay bức tử ở VN như: Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn văn Lý, Nhạc S ĩ  Việt Khang, Lê thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Đặng thị Kim Liêng…v.v…

Hãy cùng nhau đoàn kết, vận động để giải thể một chính thể độc tài, đảng trị, tham nhũng, bạo tàn, phi dân chủ, bán nước, hại dân; để toàn dân VN cũng được hưởng tự do, no ấm như chúng ta  đang được hưởng tại đây.”

*

Sau phần trình bày của quan khách là phần trao huy chương "Diamond Jubilee Medal" cho 2 người, mà theo tin của Hòa Thượng Thiện Tâm thì:

 

“1-Bà Ngô Thị Hoa: đến Edmonton năm 1984, là người đã từng làm việc cho nhiều cơ quan từ thiện khi còn ở Việt Nam trước năm 1975, trong đó có cơ quan USaid (Mỹ). Sau khi sang Canada, bà thường làm thiện nguyện viên trong các hội đoàn người Việt và Canada, giúp gây quỹ xây cất cho các cơ sở tôn giáo. Vợ chồng bà từng đứng ra tổ chức các buổi gây quỹ cho các hội đoàn, nổi tiếng nhất là kỷ lục bán vé. Bà cũng là người có công lớn gây quỹ xây nhà dưỡng lão Tuổi Hạc thành công. Bà vốn là người giàu lòng bác ái, thích hoạt động xã hội nên cộng đồng Việt Nam rất biết ơn bà. Rất tiếc là bà đã mất cách đây hơn một tuần, nên gia đình bà đã lên nhận thế.

 

2-Bà Vĩnh Hằng: đến Canada năm 1980, là người có thành tích hoạt động trong cộng đồng người Việt và Canada. Bà thông dịch và giúp xin việc làm cho những người Việt mới định cư, thông dịch viên tại tòa án, là nhân viên cơ quan xã hội, cơ quan giúp phụ nữ bị hành hung, giúp trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi, là thiện nguyện viên cho nhiều hội đoàn, tổ chức về văn hóa, xã hội, giáo dục, và là người rất tích cực vận động chính quyền các cấp yểm trợ việc xây dựng trung tâm "Tuổi Hạc Manor" thành công.

*

Phần đọc điếu văn tưởng niệm của Hòa Thượng Thích Thiện Tâm thêm một lần nữa đã làm mềm lòng con tim những người Việt yêu nước, trước công đức hy sinh lớn lao của tiền nhân cho giang sơn, cho dân tộc.

Cả trăm tham dự viên đã cùng dâng nến, họ trân trọng đặt trước di ảnh của:

-Những vị tướng đã tuẫn tiết cho một miền Nam VN;

-Hình chụp tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ;

-Tượng đài những thuyền nhân VN đã hy sinh trên biển cả và

-Di ảnh dân oan Đặng thị Kim Liêng.

Xếp hàng theo mọi người để nối bước lên bàn thờ, chúng tôi nghe lòng đau như cắt khi nhớ lại những cái chết oan nghiệt của đứa con ruột thịt, của bao nhiêu người, trong đó có cả những thuyền nhân bạc mệnh, những anh chị và con cháu trong gia đình chúng tôi đã gửi thân nơi biển Đông; lòng ngậm ngùi nhớ lại những ngày lênh đênh trên biển Thái Lan, qua chuyến hải trình đói khát đã để lại một dấu ấn  kinh hoàng nhất đời người.

Thương thay cho bao oan hồn đã nằm xuống chỉ vì một chế độ phi nhân, phi dân tộc, phi tổ quốc!

HOA, NẾN NÀY DÂNG TƯỞNG NIỆM ANH LINH

Cụ chống gậy, run run tấm thân gầy

Tận trời Tây vẫn khóc mãi trời Đông

Thương Núi Sông một cổ lộng hai tròng

Thương nòi giống nhuộm hồng trong cờ máu!

*

Bác lặng lẽ lăn xe cùng con cháu

Chị mắt nhòe dòng dư lệ ủ ê;

Em vụng về, hoa khệ nệ, rụt rè

Một ngày lễ, thương trăm bề đau xót!

Ý Nga, 1-12-2012

 

Nhìn những người bệnh ngồi xe lăn, 3 em bé mới lớn khiêng những vòng hoa tưởng niệm, những cụ già lưng còng, tóc bạc phơ; tay chống gậy, tay run rẩy tựa theo các bạn trẻ để được dìu lên bàn thờ; nam, phụ, lão, ấu; các vị tu sĩ & cư sĩ của các tôn giáo; các vị chính khách ngoại quốc và đồng bào đã đến với lòng tôn kính, trong buổi lễ tưởng niệm mà cảm động!

Chúng tôi có phỏng vấn 2 tham dự viên ngồi trên xe lăn khi họ vừa từ bàn thờ trở lại vị trí bên dưới hội trường (xin xem hình trong album).

*Người thứ nhất là ông Chung Văn Nam năm nay 70 tuổi, cựu giáo sư trung học ngày xưa ở Việt Nam. Sau một cơn đột quỵ vì bệnh nhồi máu cơ tim và áp huyết cao được chữa trị tại bệnh viện Royal Alex, ông đã xin vào Tuổi Hạc sinh sống bên khu DAL, tức khu được chăm sóc dài hạn)

Ý Nga: xin ông cho biết cảm tưởng khi tham dự buổi lễ hôm nay?

Ông Nam: tôi thấy đây là một việc cần phải được tiếp nối và chia sẻ với những người đã hy sinh cho VN. Tấm lòng của họ dành cho đất nước Việt thật đáng khâm phục!

 

*Người thứ hai chúng tôi đặt câu hỏi là bà Lâm Thị Út, nhưng bà không nói chuyện được, chỉ đưa ngọn nến lên trái tim và cúi đầu thành kính. Năm nay bà Út trên 60 tuổi, bị bệnh về hệ thần kinh nên thân thể co rút lại, người nhỏ như một bé gái trên 10 tuổi, nay đã qua cơn hiểm nghèo nên xin vào Tuổi Hạc sinh sống bên khu Tự Túc, vì có người thân chăm sóc.

Ôi thương thay!

Họ: trẻ em, già cả, tật nguyền và kể cả những người không mang dòng máu Việt đã  đến đây chia chung niềm đau với dân tộc VN, còn các “công thần” đã và đang hưởng bổng lộc của VC đang ở đâu trong lòng dân tộc?

Họ: những người phụ nữ tay yếu chân mềm đã cùng thắp lên CÔNG LÝ cho sự tăm tối, còn những kẻ phản chiến từng hô hào, từng nằm vùng để lót đường cho VC vào miền Nam VN đang ngập chìm trong hố đen nào với VC và Tàu Cộng?

Họ: những người yêu nước nhưng… không yêu chủ nghĩa cộng sản đang gióng lên tiếng nói cho một VN TỰ DO còn những kẻ yêu….. cả hai thì đang làm từ thiện để vỗ béo VC hay đang đem VN đi về đâu theo bước chân giặc Hán và CS?

 

Kết thúc bài tùy bút, chúng tôi kính mời Quý Độc Giả, nhất là đồng bào ở quốc nội, cùng xem 233 tấm hình đã được thực hiện bởi anh Phan Ngọc và tác giả. Chân thành tri ân sự âm thầm giúp sức về kỷ thuật của anh Ngọc để chúng ta có được 2 albums dưới đây:

 

-Album 1: của anh Phan Ngọc (Edmonton)

Mời Quý Vị bấm vào chữ “VIEW ALBUM” để xem hình, khi xem xong tấm đầu tiên thì bấm vào mũi tên màu trắng bên phải để xem các hình kế tiếp.

 

 
You are invited to view N Phan's photo album: VAN PHONG II VIEN HOA DAO - LE TUONG NGUYEN tai EDMONTON DEC-01-2012
 
VAN PHONG II VIEN HOA DAO - LE TUONG NGUYEN tai EDMONTON DEC-01-2012
Dec 2, 2012
by N Phan
View Album 
Play slideshow 
Message from N Phan:
Le Tuong Niem va Thap Nen Cau Nguyen tai Edmonton Dec-01-2012.
Ngoc-Phan., ,
If you are having problems viewing this email, copy and paste the following into your browser:
https://picasaweb.google.com/lh/sredir?uname=111591768071763240169&target=ALBUM&id=5817410527592082545&authkey=Gv1sRgCNnZlODwtdXDdQ&invite=CImxvtsM&feat=email 
To share your photos or receive notification when your friends share photos, get your own free Picasa Web Albums account.
 

 

-Album 2 của Ý Nga:

Cũng vậy, để xem được tất cả hình, kính mời Quý Vị:

-Bấm vào chữ “ALBUM”;

-Bấm tiếp vào hình lớn nhất đầu tiên;

-Bấm vào chữ “slide show”

thì màn ảnh sẽ tự động chuyển từ tấm này sang các tấm hình kế tiếp:

 


Do Cong Viet shared an album with you.
...and 47 more photos.
View album
Google+ makes sharing on the web more like sharing in real life. Learn more.

 

 

Ý Nga

Canada, 1-12-2012

 

 

 

 

Bài đọc thêm


1- Thượng Nghị Sĩ NGÔ THANH HẢI.


Theo tin tức từ báo chí Ý, Canada và Việt mà chúng tôi sưu tầm được thì ông được Thủ tướng Canada, Stephen Harper, bổ nhiệm hôm 07/09/2012. "Đó là một niềm vui để công bố quyết định bổ nhiệm năm vị công dân Canada ưu tú này vào Thượng viện Canada," Thủ tướng Harper nói. "Những kinh nghiệm và sự cống hiến cho cộng đồng của họ sẽ tiếp tục giúp kiện toàn Thượng viện và mang lại lợi ích cho toàn quốc gia Canada," và "tôi mong muốn được làm việc với những cá nhân tài năng này vì sự thịnh vượng lâu bền cho tất cả người dân Canada".

Ông là:

-Công dân gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện Canada và sẽ là Thượng Nghị Sĩ đại diện cho vùng Ottawa;

-“Một người Canada gốc Việt đầu tiên được Thủ tướng Harper bổ nhiệm vào chức vụ Chánh Án của tòa án Liên Bang Canada vào tháng 12 năm 2007, chuyên xử những vụ khiếu nại Quốc Tịch và Di Trú.”

-Một nhà giáo tại Ottawa và trước đó ở Mã Lai, Việt Nam;

-Một nhà hoạt động trong các cộng đồng người Việt khắp Canada và các quốc gia khác;

-Sáng lập và là cựu Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt Vô Vụ Lợi tại Ottawa;

-Chủ Tịch Cộng Ðồng Người Việt tại Ottawa;

-Phó Chủ tịch Trung Tâm Ấn Ðịnh Bồi Thường Canada và Trung Tâm Tìm Việc Làm Cho Di Dân.

-Tốt nghiệp cử nhân giáo dục tại đại học Sorbonne, Pháp và Cao học ngành giáo dục đại học Ottawa, Canada.

-Từng là một thuyền nhân Việt Nam vượt biên và định cư ở Canada sau năm 1975, sau khi trốn chạy chế độ cộng sản tại Việt Nam.

-Được bầu làm chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức Hải Ngoại đấu tranh đòi Dân Chủ cho Việt Nam, do cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sáng lập.

-Đồng sáng lập Ủy ban Quốc tế vì Việt Nam Tự do, phân hội Canada.

 

2-VIỆN DƯỠNG LÃO TUỔI HẠC


Xin mở “att” để xem hình viện dưỡng lão nếu không thấy bên dưới:

Viện Phật Học Nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc viết:

“Tháng 6 năm 2002, Viện phát động gây quỹ rộng rãi cho việc xây cất nhà dưỡng lão lấy tên “Tuổi Hạc Golden Age Manor”.

Đây là cơ sở phúc lợi xã hội đầu tiên cho người cao niên Việt Nam tại Edmonton theo truyền thống Hiếu hạnh của dân tộc Việt.

Suốt gần 5 năm vận động nhà dưỡng lão được khởi công xây cất chính thức tại địa điểm 12607-148 Ave thuộc mạn Tây bắc thành phố Edmonton, vào tháng 5 năm 2007 và hoàn tất vào cuối tháng 9 năm 2008.

Nhà dưỡng lão Tuổi Hạc này là một tòa nhà rộng 110,000 Sqfeet, nằm trên 4 Acre đất, rất khang trang, thông thoáng với 140 Units, và có sức dung chứa khoảng 200 người già, trong đó gồm có 2 thành phần:

-Người già tuổi trên 65 còn sống tự túc (Independent)
-Người già cần được chăm sóc (Designated Assisted Living)

Nhà dưỡng lão này phục vụ bằng 3 thứ tiếng Việt, Hoa và Anh; với thức ăn Á-Đông và Tây phương.

Hiện nay ngoài những giờ sinh hoạt chung còn có giờ sinh hoạt theo tín ngưỡng riêng. Nơi đây có một Niệm Phật Đường để người già có thể vào lễ Phật, niệm Phật, ngồi thiền hay xem kinh… Cũng có phòng dành riêng cho người có tín ngưỡng khác.”

 

 

3- Càng Cao Tuổi Hạc …

Nguyên An

 

Kể từ ngày mất nước 30.4.75 đến nay người Việt xa xứ đang sống rải rác khắp thế giới phần đông đã hoặc sắp đến tuổi thất thập cổ lại hy. Bất cứ thành phố nào trên toàn thế giới tự do nơi có người Việt cư ngụ đều có ít nhất một vài hoặc nhiều nhà dưỡng lão, mà chúng ta hay gọi cho gọn là Nhà Già, những nhà ở dành cho người cao niên không phân biệt chủng tộc do chính phủ sở tại hoặc tư nhân điều hành, đó là nơi chốn cư ngụ cuối cùng của người lớn tuổi khi không còn tự lo được cho bản thân mình. Ngoài những thành phố có đông người Việt như California, Houston, Virginia … có thể có nhà già riêng cho cộng đồng người Việt, đại đa số các nơi khác quý vị cao niên VN phải sinh sống và hoạt động chung với đủ các sắc dân khi muốn sống trong nhà già.
Cách đây ba năm, chúng tôi, một nhóm bạn 8 người có dịp thăm viếng thành phố Edmonton, tỉnh bang Alberta, phía Tây của Canada, nơi cộng đồng VN không đông lắm nhưng họ đã có chùa Trúc Lâm, thiền viện Tây Thiên và nhất là nhà dưỡng lão Tuổi Hạc đều do Hoà-Thượng Thích Thiện Tâm tạo dựng với sự tiếp tay của người Việt trong vùng. Cũng dịp này nhóm chúng tôi có thiện duyên được gặp gỡ thăm viếng Hoà Thượng Thiện Tâm và Đại-đức Pháp Hoà, người đại đệ tử của Hoà Thượng, hiện là sư trụ trì của chùa Trúc Lâm. Và vui hơn nữa nhóm chúng tôi còn được Hoà Thượng sắp xếp cho ở lại trong nhà dưỡng lão Tuổi Hạc Edmonton một tuần nhờ đó chúng tôi có thì giờ thăm viếng, quan sát và trò chuyện cùng quý bác cao niên trong viện.
Thật bỡ ngỡ với giây phút đầu tiên khi lái xe vào bãi parking rộng thênh thang và nhìn bao quát cả cơ ngơi đẹp đẽ, khang trang với những dãy lầu còn rất mới, tọa lạc trong một khuôn viên yên tĩnh có vườn cỏ xanh chung quanh, có những con đường êm ả bao bọc cả một khu nhà ở riêng biệt. Và càng bỡ ngỡ hơn nữa khi chúng tôi bước vào khách sảnh rộng lớn, nơi có phòng làm việc, phòng chưng bày các kỷ vật, nối liền với phòng ăn đẹp đẽ, sang trọng có thể chứa được cả trăm người, kế bên là nhà bếp trang bị đầy đủ như bếp của một khách sạn lớn, cả nhóm chúng tôi đã đưa mắt nhìn nhau với vẻ thán phục không thể che dấu “thật khó tin được đây là một nhà già của người Việt” !!!
Rồi chúng tôi được đưa lên nhận phòng. Mỗi đơn vị gia cư là một apartment riêng có một phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn chung khá rộng rãi, bếp và toilet riêng. Dọc theo hành lang từ cầu thang chúng tôi thấy trước mỗi phòng đều có một hốc nhỏ, trong đó chưng một chậu hoa be bé hoặc một bức tượng, một con thú nhồi bông, một búp bê xinh xắn trông thật vui mắt … đó là dấu hiệu những phòng đã có người ở. Phòng nào cũng thoáng mát, sạch sẽ vì mỗi ngày có người đến dọn dẹp, ban đêm thì y tá sẽ đi kiểm soát tất cả các phòng trước giờ quý bác đi ngủ.
Ngoài những phòng ở, phòng họp, thỉnh thoảng trên những hành lang rộng rãi còn được đặt thêm bộ bàn ăn, lò microwave và bồn rửa tay cho những ai muốn dùng bữa bên ngoài căn apartment của mình, ở đó quý bác có thể ngồi ăn sáng, ăn trưa cho thoáng mát, vừa nhâm nhi tách cà phê, đọc sách báo vừa ngắm nhìn vườn tược hoa lá xanh tươi bên dưới. Chỗ nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất. Nhất là nhà bếp và phòng ăn, nơi cung cấp bữa ăn theo lối Á Đông hoặc Tây Phương tùy theo yêu cầu của quý bác, sỡ dĩ có thực đơn món ăn Tây vì trong viện ngoài đa số quý bác người Việt, theo quy định của chính phủ – và cũng để nhận được sự trợ giúp tài chánh từ chính quyền – viện phải dành một số phòng cho các sắc dân khác bên cạnh người Việt mình.
Chúng tôi đã được gặp, thăm hỏi và nói chuyện với nhiều bác trong viện, ai cũng vui vẻ, an lạc khi vào sống nơi đây, với nhà cửa đầy đủ tiện nghi, chăm sóc y tế thuốc men chu đáo, những bữa cơm Việt Nam trọn vẹn hương vị quê nhà. Nhân viên trong viện ngoài các cô thư ký người da trắng còn có một chị giám-đốc người Việt và ban ẩm thực đa số cũng là người Việt. Viện chỉ cách trung tâm thành phố Edmonton chừng 15 phút lái xe, buổi chiều hay cuối tuần con cháu muốn đến thăm quý bác thật qúa tiện lợi. Và khi rảnh rỗi nếu muốn có những giờ phút tĩnh lặng để hướng về đời sống tâm linh thì quý bác đã có sẵn Niệm Phật đường trên lầu 3, nơi có các sư cô đến làm việc thiện nguyện và hướng dẫn Phật pháp, ngoài ra còn có một phòng nguyện để mỗi Chủ nhật có linh-mục đến làm lễ misa cho người Công giáo. Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì ban ca-nhạc-kịch Vân Sơn khi làm một băng vidéo về thành phố Edmonton đã đến quay phim thu hình Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc với rất nhiều hình ảnh tươi vui, sống động.
Sở dĩ các bậc ông bà cha mẹ người Việt phần nhiều sợ hãi khi bắt buộc phải vào nhà già là vì họ có cảm giác cô đơn, lạc lõng và bị cô lập trong một xã hội quá khác biệt. Ngôn ngữ bất đồng làm người già dễ trở nên bất an, rụt rè, mất hẳn nét vui tươi và sự an nhiên tự tại cần thiết để đời sống tinh thần được vững mạnh. Thức ăn, thức uống không hợp khẩu vị quen thuộc làm người già khổ sở và mất sức khoẻ thể chất một cách nhanh chóng. Như vậy chúng ta không lạ khi tại sao quý cụ phản đối không muốn vào các viện dưỡng lão, tại sao quý cụ cao niên VN suy sụp tinh thần và thể xác nhanh chóng khi vào các nhà già. Quý bác trong viện dưỡng lão Tuổi Hạc mà chúng tôi đã gặp không hề có những cảm giác như vậy, ít ra là trong con mắt quan sát của chúng tôi, thậm chí chúng tôi còn thấy vài bác hăng hái và nhanh nhẹn giúp đỡ mấy “bà Tây”, vì trong nhà này quý bác là số đông, ở thế mạnh, thấy mấy “bà Tây” lạc lõng thì quý bác tội nghiệp nên đưa tay nâng đỡ mấy bà đó và cảm thấy rất vui khi thấy mình còn có thể giúp cho người khác.
Nhìn thấy cuộc sống an lành thảnh thơi của quý bác trong nhà Tuổi Hạc Edmonton anh chị em chúng tôi nửa đùa nửa thật bảo nhau: “Ít năm nữa già hơn chắc phải bay về đây xin Hoà Thượng cho vào sống trong Nhà Già của Thầy để được gần gũi nhau thì vui biết mấy”!!! Có người thực tế và lạc quan hơn thì lại bảo: “Thay vì phải bay về Edmonton sống xa con cháu tại sao mình không xin Hoà Thượng cố vấn và giúp đỡ để xây dựng một nhà già như vậy cho cộng đồng cao niên VN ở Toronto và các vùng phụ cận trong tỉnh bang Ontario?”
Ngày đó chúng tôi cũng đã thưa với Hoà Thượng xem có cách nào giúp đỡ việc xây dựng cho qúy bác cao niên Toronto và các vùng lân cận có được một nhà già như viện dưỡng lão Tuổi Hạc của Hoà Thượng không, Hoà Thượng đã cười hiền lành: “Có thiện duyên thì chắc được nhưng bây giờ tôi đang quá bận theo việc xây dựng Tu viện Tây Thiên, các cô các bác về lại Toronto cứ hỏi thử xem luật lệ xây cất nhà già ra sao rồi sau này khi tôi có Phật sự về bên đó chúng ta sẽ bàn lại”.
Thấm thoát đã gần ba năm trôi qua, thỉnh thoảng chúng tôi cũng có dịp được đón tiếp Hoà Thượng khi Thầy về thăm các tỉnh phía Đông, giấc mơ có được một nhà già cho đồng hương ở đây vẫn nung nấu trong lòng anh chị em chúng tôi, đến nỗi chúng tôi đóng góp một quỹ nhỏ dành riêng cho việc mua vé số lottery, hễ nếu trúng là nguyện đóng góp cho việc xây dựng nhà dưỡng lão, nghe ra thì như chuyện “xây nhà trên cát” hoặc chuyện “cô Pierrette đi mang liễng sữa …” nghe để cười cho vui hơn là chuyện thực tế. Nhưng rồi lần cuối cùng Hoà Thượng về đây ngài đã nói “Quý cô bác đã muốn thì tại sao chúng ta không trình bày với đại chúng cái nguyện vọng chính đáng này, một nhóm nhỏ không làm được nhưng khi nhiều người có nhu cầu cùng góp tay thực hiện thì cơ may thành tựu sẽ không quá khó khăn”
Ngày 15 tháng 9 sắp đến Hoà Thượng Thích Thiện Tâm đã chuẩn lời mời của một nhóm nhỏ với tên gọi “Ban Vận Động Xây Dựng Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc 2 – Ontario” từ Edmonton về nói chuyện với cộng đồng. Giấc mơ của chúng tôi đã từ một “giấc mơ không tưởng” có cơ may sẽ trở thành “giấc mơ có thể bắt đầu” về việc xây dựng một nơi cư trú ấm áp cho tuổi hạc Toronto.
Xin cứ tưởng tượng …. mặc cho bên ngoài tuyết giá lạnh lùng, trong khuôn viên ấm cúng của mái nhà Tuổi Hạc quý bà sẽ ngồi lại với nhau cùng đan áo, thêu khăn, cùng nghe cải lương, cùng chia sẻ chuyện vui buồn của đời sống, hoặc cùng lắm có thể cãi cọ nhau chút đỉnh – cãi cọ và tranh luận cũng là một liệu pháp thể dục của trí óc – trong khi quý ông lại không thiếu bạn bè để bàn luận những đề tài chính trị, thời sự khắp nơi trên thế giới, hoặc xoa một bàn mạt chược cho quên thời gian dài lê thê của những ngày giá rét miền Đông. Và những người trẻ, con cháu của quý cụ cũng yên lòng biết mấy khi người thân của mình đang ở trong bàn tay chăm sóc ưu ái của đồng hương, quý cụ không phải bị làm người câm, người điếc nếu phải sống trong nhà dưỡng lão của người không cùng chủng tộc và ngôn ngữ, dù con cháu thương và lo cho các cụ đã gởi các cụ vào những nhà dưỡng lão đắt tiền, sang trọng, được điều hành bởi những tổ chức tư nhân giàu có. Điều kiện vật chất hào nhoáng, dư thừa nhưng người thân mình không vui thì chắc con cháu cũng không được yên ổn lương tâm và trí óc để tập trung vào công việc làm ăn cũng như lo lắng cho gia đình nhỏ của mình.
“Một cây làm chẳng nên non” – “Một con én không làm được mùa xuân” – là những câu ca dao chí lý qua mọi thời đại, chí lý như cái nguyên tắc “bất cứ ai cũng sẽ già” và khi già nếu không muốn làm phiền con cháu đã quá bận rộn vì cuộc sống máy móc phương Tây này thì đương nhiên chỗ phải ở là “nhà già” … Mong biết mấy những vị cao niên người Việt tha hương khi ai nấy tuổi hạc đã cao, khi phải nhờ đến sự chăm sóc và trợ giúp của người khác đều sẽ có một mái ấm đầy tình thân ái, đầy không khí Việt Nam và hương vị quê nhà như Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc Edmonton để nương thân trong những năm cuối của cuộc đời lưu vong.
Nguyên-An














No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List