Popular Posts

Friday, December 14, 2012

Trùng Dương - Nhân dịp phát hành ấn bản Việt ngữ‘Chết Bởi Trung Quốc’,


 

 
SATURDAY, OCTOBER 20
Trùng Dương - Nhân dịp phát hành ấn bản Việt ngữ‘Chết Bởi Trung Quốc’,
Chuyện trò với dịch giả Trần Diệu Chân
Trùng Dương
 
Lời Giới Thiệu: Đầu mùa hè vừa qua, cũng nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày 4 tháng 6 cuộc thảm sát tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cuốn sách “Death By China – Confronting The Dragon – A Global Call to Action” (“Chết Bởi Trung Quốc - Đương Đầu Với Con Rồng - Lời Kêu Gọi Hành Động Toàn Cầu”) của hai tác giả Giáo sư Tiến sĩ Kinh tếPeter Navarro và Greg Autry thuộc trường Đại học Californina, Irvine, do nhà xuất bản Pearson Prentice Hall phát hành, được tung ra trên Amazone.com.
Cuốn sách đã gây sôi nổi tại Hoa Kỳ và thế giới, vì đã nói lên, ngoài thái độ coi thường mạng sống của chính người dân Trung Quốc của chính quyền Bắc Kinh qua cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên và dân thường đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm nào và tham vọng phát triển kinh tế bằng mọi giá gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, Trung Quốc còn đang đầu độc dân Mỹ và cả thế gìới qua những sản phẩm độc hại, bất toàn, bên cạnh những nỗ lực đánh cắp tài nguyên trí tuệ, an ninh quốc phòng, để củng cố một quân đội hùng mạnh cho những mưu đồ bành trướng đi tìm tài nguyên của họ để nuôi dưỡng một guồng máy kinh tế đã và đang phá hủy môi trường và làm tha hóa con người với một tốc độ khủng khiếp.
 
1. Hình bìa ấn bản Việt ngữ “Death by China” (Ảnh Trùng Dương)
2. Tiến sĩ Trần Diệu Chân ký sách cho độc giả tại buổi văn nghệ
kỷ niệm 13 năm thành lập Đài Tiếng Nước Tôi, San Diego, ngày 30 tháng 9, 2012.
(Ảnh Trùng Dương)

Vào cuối hè vừa rồi, một cuốn phim tài liệu mang cùng tên, dài 79 phút, do Tiến sĩ Navarro thực hiện cũng đã được trình chiếu tại các rạp hát tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ nhằm đưa thông điệp báo động tới sâu rộng quần chúng hơn.

Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là nước trực tiếp chịu sự đe dọa bành trướng của Trung Quốc hơn cả vì địa lý kề cận, liên hệ lịch sử hàng ngàn năm, vì những hành động lấn đất lấn đảo của Bắc Kinh, và đặc biệt và oái oăm hơn cả vì những đàn áp của chính chính quyền Cộng sản Việt Nam đối với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong nhiều tháng qua, khiến cho quan tâm về vấn đềTrung Quốc càng sâu đậm.
Tập sách “Death By China” đã được nhà bình luận Lý Thái Hùng thuộc Đảng Việt Tân tóm dịch và bình luận đăng thành 16 kỳ tại http://www.viettan.org và đã được một sốWeb sites trong và ngoài nước tải xuống để tái phân phối cho các thành viên của họ. Được biết, những bài tóm lược và bình luận của Việt Tân đã được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam. Đối với những người Việt trong nước không có chọn lựa nào khác về nơi sinh sống cho mình và con cháu mình thì vấn nạn Trung Quốc quả là chuyện sinh tử, không thể nghe qua rồi bỏ được.

Ấn bản Việt ngữ “Chết Bởi Trung Quốc – Đương Đầu Với Con Rồng - Lời Kêu Gọi Hành Động Toàn Cầu” do Trần Diệu Chân chuyển dịch, với sự đồng ý của các tác giả “Death By China”, vừa được cơ sở Việt News ởSacramento, Bắc California, phát hành vào đầu mùa thu đã đáp ứng mối quan tâm, nếu không nói là lo âu, tới sự tồn vong của đất nước dân tộc của người Việt trong cũng như ngoài nước về thảm họa Bắc thuộc lần thứ Năm.
(*) Đây là ấn bản ngoại ngữ thứ tư sau ấn bản chữTrung Hoa, Nhật và Đại Hàn. Đặc biệt trong ấn bản Việt ngữ còn có thêm phụ bản “Những Vấn đềTrung Quốc của Dân tộc Việt Nam,” tiểu luận của Tiến sĩ Trần Diệu Chân, nhằm đem những dữ kiện được nêu ra trong bản Anh ngữ, vốn nhắm phần lớn vào độc giả tiếng Anh, lại gần hơn, nếu không nói là trở thành thiết thân đối với độc giả tiếng Việt.

Tôi có dịp gặp Tiến sĩ Nancy Trần Diệu Chân trong buổi trình chiếu phim tài liệu “Death by China” của Tiến sĩ kinh tế kiêm nhà làm phim Autry ởAnaheim, Nam California, hôm đầu tháng Mười vừa qua, và được chị trao cho một bản Việt ngữ mới ra khỏi nhà in còn thơm mùi mực. Vì đã nhiều người điểm cuốn sách và cả phim tài liệu “Death by China” bằng Anh ngữ, cũng như đã có nhiều cơ quan truyền thông phỏng vấn hai tác giả Autry và Navarro, nên tôi quyết định xin phỏng vấn dịch giả Trần Diệu Chân, cùng nhân cơ hội giới thiệu bản Việt ngữ “Chết Bởi Trung Quốc” tới độc giả tiếng Việt, một cuốn sách mà tôi nghĩ mỗi người Việt hải ngoại còn quan tâm tới đất nước dân tộc nên tìm đọc.

Lâu nay chúng ta thường chuyển cho nhau những e-mail có nội dung cảnh giác về những sản phẩm độc hại của Trung Quốc -- một trong những chính sách Bắc Kinh đã và đang theo đuổi để làm suy yếu để từ đó thống trị thế giới--, nhưng chưa mấy ai có bằng chứng cụ thể để hỗ trợ cho những cảnh giác đó. Nay hai vị giáo sư Tiến sĩ kinh tế MỹNavarro và Autry đã đem cả tên tuổi sự nghiệp của họ ra viết nên tập sách, đã được dịch ra tiếng Việt, như vậy sẽ giúp chúng ta có những bằng chứng cần thiết để “nói có sách mách có chứng”, hỗ trợ cho những cảnh báo chúng ta vẫn chuyển cho nhau xem qua e-mail vậy.
Tiến sĩ Trần Diệu Chân tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại trường Đại học California, Santa Cruz. Nguyên là sinh viên du học tại Tân Tây Lan vào đầu thập niên 1970, sau biến cố 1975 chị đã từ quốc gia du học sang thẳng Hoa Kỳ tị nạn và đồng thời đoàn tụ với gia đình. Là một nhà tranh đấu tích cực và lâu năm cho dân chủ tại Việt Nam, chị hiện là giám đốc Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi ởSacramento.

Cuộc phỏng vấn dưới đây tuy qua e-mail, nhưng trước và sau đó dịch giả và người phỏng vấn đã có dịp hội thoại mặt giáp mặt để thông qua cùng làm sáng tỏ nội dung các câu hỏi và trả lời cho dễ truyền đạt tới độc giả.
***

Trùng Dương (TD): Xin chào chị Diệu Chân. Cám ơn chị đã dành cho cuộc trao đổi hôm nay xung quanh cuốn sách và phim tài liệu “Death By China” và bản dịch “Chết Bởi Trung Quốc” do chị dịch. Xin chị cho biết chị đã quen biết với hai Giáo sưNavarro và Autry, tác giả tập “Death By China”, trong dịp nào? động lực nào đã thúc đẩy chị chọn dịch tập sách này?

Trần Diệu Chân (TDC): Kính chào chị Trùng Dương. Rất vui và hân hạnh được trò chuyện với chị về một tác phẩm giá trị của hai tác giảNavarro và Autry mà tôi đã được cơ hội dịch ra để chia xẻ với đồng bào mình.

Khi đọc quyển sách tiếng Anh vào năm ngoái, tôi đã nhận thức giá trị của quyển sách đối với nền an nguy và thịnh vượng chung của thế giới cũng như của dân tộc và đất nước chúng ta.
Do đó, tôi đã liên lạc với hai tác giả để xin phép được dịch tác phẩm ra tiếng Việt. Với trái tim phục vụ cao cả, hai vị đã thông cảm ngay những quan tâm của người Việt trước họa xâm lăng của Trung Cộng – với sự tiếp tay của Cộng Sản Việt Nam, và đã cho phép tôi phát hành bản dịch tiếng Việt. Hai tác giả đã coi tôi như là một cộng tác viên, tiếp tay cùng với các nhà đấu tranh dân chủ Trung Hoa, Tây Tạng, và các nhà hoạt động chống tội ác Trung Cộng đem thông điệp về hiểm họa con Rồng Đỏ Tim Đen đến với thế giới.


TD: Chị có thể chia xẻ những khó khăn gặp phải trong công tác dịch thuật? Và phải mất bao lâu mới hoàn tất phần dịch thuật?

TCD: Việc dịch thuật bị trở ngại nhất là vấn đề thiếu thốn thời gian từ phía tôi do đa đoan công việc, nhưng niềm vui là đã được sự khích lệ tinh thần và tình bạn từ hai tác giả cũng như được sự đón nhận bản dịch nồng nhiệt từ đồng bào chúng ta ở khắp nơi, hải ngoại cũng như quốc nội.

Một trở ngại khác đối với người dịch không chuyên nghiệp như tôi là sự phân vân giữa sự tôn trọng chữ dùng của tác giả và tôn trọng cảm nhận của các nạn nhân Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam.
Thí dụ điển hình và có lẽ duy nhất đó là chữChina cần dịch là Trung Quốc (theo đúng nghĩa của chữ), hay Trung Cộng là thể chế đang đầy ải người dân Trung Quốc. Tôi quyết định dùng chữTrung Quốc vì tôn trọng tác giả, nhưng khi có dịp được nói chuyện như với chị ngày hôm nay, thì sẽ dùng chữTrung Cộng để phân biệt một thể chế tàn khốc với một quốc gia.
Chúng ta hiểu điều tâm lý quan trọng là người Việt Nam yêu tự do không muốn thế giới tự do dùng chữ “Việt Nam” hay “chính quyền Việt Nam” để gọi chế độ CSVN, vì chế độ này không do người dân bầu ra và đi ngược lại với nguyện vọng của người dân.
Do đó, trong những chia xẻ kế tiếp, tôi sẽ dùng hai chữTrung Cộng và Việt Cộng hay Cộng Sản Việt Nam (CSVN) để nói đến thể chế độc tài cộng sản, phân biệt hẳn với hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.

TD: Phải thú nhận là tôi cảm thấy bị choáng ngợp sau khi đọc mới có một lần tập sách, bên cạnh những bài điểm sách, bình luận và các cuộc phỏng vấn hai tác giả, nên vẫn còn ởtrong giai đọan “tiêu hoá” nội dung vừa bao đồng vừa chi tiết của tập sách trên dưới 400 trang này. Tuy là dịch nhưng ít nhiều người dịch cũng đã “sống” với nội dung của tập sách một cách sâu đậm hơn, vậy chị có thể vui lòng tóm lược ngắn gọn nội dung tập sách để độc giả tiện theo dõi câu chuyện của chúng ta?

TDC: Sách “Death by China” (DBC) đã nối kết các điểm tai hại của Trung Cộng thành một bức tranh tổng thể, với những dẫn chứng và lập luận thuyết phục, để chúng ta có thể nhận chân được hiểm họa vĩ đại đến từ tham vọng bá chủ của chế độ này. Đa số chúng ta đã được nghe về những tai hại của thực phẩm và sản phẩm Trung Quốc, nhưng không nắm vững các chi tiết và trường hợp, chưa kể đến vô số các điểm độc hại khác của Trung Cộng. Sách DBC vừa đưa ra những dữ kiện cụ thể ngoài sức tưởng tượng về những kẻ sản xuất vô đạo đức đã bỏ các chất độc vào thức ăn, nước uống, đồ chơi trẻ em, thuốc men; vừa nói đến những độc hại từ môi trường bị hủy hoại, từ thuốc trừ sâu rầy và các chất hóa học được sử dụng bừa bãi; tới những âm mưu, thủ đoạn thâm độc để lũng đoạn và chiếm lĩnh thị trường sản xuất, chiếm đoạt tài nguyên thế giới; tung ra mạng lưới gián điệp và tin tặc trùng trùng điệp điệp để ăn cắp các sản phẩm trí tuệ, bí mật quốc phòng và tài chánh của Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khác; tăng cường quân sự và vũ khí đe dọa Biển Đông và Á Châu; thuộc địa hóa Phi Châu và các nước láng giềng, thống lĩnh đất hiếm (rare earth, một kim loại hiếm dùng cho các sản phẩm kỹ thuật cao) và thao túng chính trị; tham vọng bá chủ toàn cầu kể cả không gian; áp dụng chính sách nô lệ và bóc lột lao động ngay cả đối với người dân Trung Quốc; buôn bán nội tạng con người; tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), Nội Mông (Inner Monglia), và Tây Tạng.

Đặc biệt, tác giả đã đưa ra những phương thức cụ thể để đối đầu với TC, thí dụ: không mua hàng Made in China, cải cách luật lệ đối với gian thương và luật thương giao để đối phó với những thao túng của Trung Cộng. Một đề nghị căn bản là khôi phục nhân quyền như một yêu tố cần thiết trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.

TD: Chị là chuyên viên về kinh tế, mà theo chỗ tôi biết thì các chuyên gia kinh tế thường tán thành chủ trương tự do mậu dịch, nôm na nước nào sản xuất món đồ nào hữu hiệu hơn thì sản xuất để trao đổi lấy những món hàng mà nước khác sản xuất hữu hiệu hơn để không phí phạm tài nguyên thiên nhiên vốn không phải là vô tận. Qua tập sách và cuốn phim, tôi có cảm tưởng các tác giả cổ võ tẩy chay hàng Trung Quốc mặc dù họ cũng đã trưng ra những bằng cớ những hàng hoá ấy độc địa như thế nào, đặc biệt là thực phẩm. Và vì đã “sống” với nội dung của tập sách và đã hẳn chị cũng đã trải nghiệm những biến hóa trong suy tư của chị về các vấn đề liên hệ, chị có thể cho biết những biến đổi nào trong tư duy của chị sau mấy tháng miệt mài dịch “Death By China” so với những suy nghiệm của chị trước kia?

TDC: Cám ơn chị đã đặt ra câu hỏi rất thú vị này. Quả thật là trước khi đọc DBC, tôi vẫn ủng hộ triệt để cho “Tự Do Mậu Dịch” và “Outsourcing” (xuất cảng vốn, kỹ thuật, đầu tư và công việc). Tác giả đã giúp tôi thức tỉnh với thực tế: không phải tự do mậu dịch và outsourcing lúc nào cũng tốt. Các chính sách này chỉ lợi ích khi mọi thành phần tôn trọng luật chơi, tức tôn trọng những nguyên tắc của tự do mậu dịch đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) vạch ra.
 
 Ngược lại, khi chúng ta làm ăn, buôn bán với những kẻgian, chỉ manh tâm “Lợi mình, Hại người” (Beggar Thy Neighbor) thì kết quả thua lỗ, tai hại là chắc chắn. Trong thập niên qua, thất thu hay thâm thủng thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là 3,000 tỷ Mỹ kim, tức gần 1 tỷ mỗi ngày; 50,000 công ty Mỹ bị phá sản và 25 triệu người mất việc.

TD: Nói đến việc ra đi của các kỹ nghệ và việc làm của Hoa Kỳ song song với các hứa hẹn của các ứng cử viên sẽ đem chúng trở lại nước Mỹ, chị cho phép tôi tiếp tục giòng suy nghĩ của chị bằng câu hỏi vừa đến trong đầu, gợi hứng từ một phát biểu của Tổng thống Obama trong buổi tranh biện kỳ hai vừa rồi với ứng cử viên tổng thống Cộng hoà Mitt Romney, nguyên văn: “Có những việc làm sẽ không trở lại (Mỹ).
Bởi vì đó là những việc lương thấp và ít chuyên môn. Tôi muốn những việc làm lương cao và chuyên môn (high skill). Do đấy chúng ta cần chú trọng vào công việc chế biến.
Do đấy chúng ta cần đầu tư vào ngành chế biến cao cấp. Do đấy chúng ta cần làm sao để có được nền khoa học và nghiên cứu tốt nhất hoàn vũ.” (**) Thưa chị, khi nghe nói tới việc đem công ăn việc làm trở về nước Mỹ, tôi thường thắc mắc liệu có… không tưởng lắm không, nếu đó cũng chính là những việc mình đã “outsourced”? Câu trả lời của ông Obama đã phần nào giải thích cho thắc mắc đó của tôi, và thú thật đây là lần đầu tôi nghe được một câu trả lời thành thật về và làm thế nào để đem việc làm trở lại Mỹ. Chị nghĩ sao? Chị có thấy là hai tác giảNavarro và Autry khai triển khía cạnh đem việc làm về lại Mỹ như thế nào không?

DC: Có lẽ nhờ tác động của quyển sách DBC mà các lãnh đạo Hoa Kỳ đã phải chú ý tới ảnh hưởng của Trung Cộng trong việc cướp đi hạ tầng sản xuất và hàng chục triệu công ăn việc làm của người Mỹ.
Cả hai ứng viên tổng thống đều nhìn nhận phải cải tổ chính sách thương giao với Trung Cộng để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh; lên án Trung Cộng dìm giá đồng Nhân dân tệ, chỉ trích mạng lưới tin tặc dày đặc của Trung Cộng để ăn cắp sản phẩm trí tuệ ... Thú thật với chị, tôi đã theo dõi các cuộc tranh biện và vận động cử tri của hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ lần này một cách thú vị, và không khỏi mỉm cười nghĩ tới hai tác giả cùng công trình “Death by China” của hai ông.

TD: Bước sang lãnh vực Trung Quốc và Việt Nam, tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” bản Việt ngữ có thêm phần phụ lục “Những Vấn đềTrung Quốc của Dân tộc Việt Nam,” các tác giảNavarro và Autry có ý kiến gì về việc chị thêm phần phụ lục này?
Chủ ý của chị khi thêm bài tiểu luận này vào tập sách? Chị có thể tóm tắt nội dung bài tiểu luận?

DC: Hai tác giả rất quan tâm về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và Trung Quốc. Khi biết tôi viết thêm phần tiểu luận để nói lên nguy cơ của Trung Cộng đối với Việt Nam và các quốc gia trong vùng, hai ông đã rất vui vì phần tiểu luận cổ võ mạnh hơn cho thông điệp của DBC.

Tiểu Luận “Những Vấn ĐềTrung Quốc Của Dân Tộc Việt Nam” nhằm phân tích 3 điểm sau đây trong mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước: 1) Vì sao lãnh đạo Bắc Kinh, bất chấp mọi sự lên án của thế giới, muốn thôn tính biển Đông? 2) Trung Cộng đã khống chế CSVN như thế nào? Và 3) Bài toán giải quyết vấn đềTrung Quốc của Việt Nam nằm ở đâu?

Đồng bào của chúng ta tuy đã ý thức phần nào hiểm họa Trung Cộng, nhưng khi được chia xẻ thêm các dữ kiện để thức tỉnh hơn về hiểm họa khôn lường của một đế chế hung bạo và tham lam ngay bên cạnh mình thì mới góp phần triệt để vào sứ mạng bảo vệ chính mình và đất nước.

TD: Qua những bài điểm sách và cả điểm phim, cũng như cảm tưởng của riêng tôi, đặc biệt về cuốn phim, thì tôi thấy, mặc dù các tác giả trưng ra những bằng chứng hỗ trợ cho những cáo buộc của họ đối với những hành xử hung hăng bất chấp luật chơi quốc tế của Trung Quốc, cung cách trình bầy có vẻ nôm na của các tác giả có thể làm nản lòng (turn off) những độc giả nghiêm túc muốn tự mình rút ra kết luận riêng, chẳng hạn như các tác giả dùng nhiều chấm than, văn phong có tính cách xách động, minh họa hơi thô sơ, ấu trĩ, nếu không nói là có thể làm giảm đi tính cách tài liệu của phim. Tuy nhiên, có thể đây là chủ ý?
Vì đã có nhiều dịp tiếp xúc với hai tác giả, xin chị cho cho biết ý kiến?

DC: Thưa chị, là một nhà báo chuyên nghiệp nên chị đã có những phê bình rất đúng về tính chất “thiên kiến” của tác giảtrong sách cũng như phim DBC, khiến có thể tạo phản cảm cho một số người. Tuy nhiên, là một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền làm người của dân tộc Việt Nam thì tôi lại rất đồng cảm với tác giả. Đứng trước những sự độc ác, bất công và gian trá, chúng ta khó mà kiềm chế được nỗi tức giận và đau xót, thương cảm của mình trước những đau thương của đồng loại.
 Đặc biệt là sau khi nghiên cứu cặn kẽ và nhìn ra được những thủ đoạn tàn ác, thâm độc cùng những âm mưu bá quyền của đế quốc tân thực dân Trung Cộng thì những phản ứng trình bày của hai ông có lẽ vẫn còn là nhẹ, vẫn còn là chưa đủ để lột tả và nói lên hết được những điều mà chính hai ông đã tai nghe, mắt thấy khi sang tận Trung Quốc để điều tra.
 Tôi mừng là hai nhà trí thức đầy đảm lược này đã có khả năng chuyển tải một thông điệp khó nghe, một nguy cơ lớn mà ít người muốn nhìn nhận, và đánh thức nhiều người trong chúng ta đang mơ ngủ vì lợi nhuận hay hàng rẻ cũng có, vì thiếu thông tin cũng có, trong lúc những kẻ vì mãnh lực đồng tiền hay quyền lực chính trị đã không ngần ngại đồng lõa với tội lỗi, đã che dấu, biện hộ cho những sai trái “chết” người. Ngay cả những người bị “turn off”, khó chịu, bất mãn vì “bản án” DBC dành cho Trung Cộng có vẻ quá nặng nề và lối trình bày đầy “cảm tính” của hai tác giả, thì họ cũng phần nào được cảnh tỉnh về những dữ kiện không thể chối cãi mà hai ông đã nêu ra.

TD: Chị có ý định cho phổ biến tập sách dịch “Chết Bởi Trung Quốc” trong nước?

DC: Vâng, chủ điểm của chúng ta là giúp đồng bào trong nước ý thức được hiểm họa Trung Cộng một cách sâu xa hơn trước những bưng bít và đồng lõa của nhà nước CSVN. Đất nước chúng ta đang trực tiếp bị đe dọa bởi chính sách xâm lược của Trung Cộng, và Việt Nam đang trở thành sân sau của họ để thao túng, đổ vào những sản phẩm phế thải, độc hại đã bị tẩy chay trên thị trường thế giới.
 
Nhà nước CSVN không những đã không bảo vệ người dân về an toàn thuốc men và thực phẩm, mà còn thẳng tay đàn áp đồng bào khi họ bày tỏ lòng yêu nước và đấu tranh bảo toàn lãnh thổ trước những xâm lược chủ quyền trắng trợn của Trung Cộng. Đặc biệt, dư luận đồng bào trong nước đang rất xôn xao đón chờ sách dịch DBC, thưa chị.

TD: Được biết hai ông Navarro và Autry có ý định nhờ chị chuyển dịch cuốn phim tài liệu “Death By China” sang tiếng Việt? Chị có ý định chuyển ngữ toàn bộ cuốn phim hay chỉ phụ đề Việt ngữ?

DC: Đây cũng là một cơ hội để tôi được tiếp tay với hai tác giả đem thông điệp quan trọng của “Chết bởi Trung Quốc” tới đồng bào chúng ta. Tôi sẽ giúp phụ đề Việt ngữ để cuốn phim có thể đến với đồng bào sớm hơn. Đặc biệt, trong những dịp chiếu phim trước với cử tọa là người Mỹ nói chung, tôi đã được hai tác giả mời cùng phát biểu với các nhà đấu tranh Trung Hoa, Tây Tạng, những bác sĩ hoạt động chống lại tội ác giết người để buôn bán nội tạng, những bà mẹ đi tìm công lý cho con, và các chính giới Hoa Kỳ chống lại chính sách con buôn cũng như vi phạm nhân quyền của Trung Cộng. Tiếng nói của chính những nạn nhân Cộng sản hy vọng sẽ giúp cho người dân tại các quốc gia văn minh hiểu rõ hơn thực chất của các chế độ bạo tàn khôn lường này.

TD: Chị là một tiến sĩ về kinh tế nhưng lại hành nghề truyền thông, bên cạnh vai trò của một nhà tranh đấu cho dân chủ, thay vì là sinh hoạt trong ngành mà mình đã tốn bao nhiêu ngay giờ công của ra theo đuổi. Ấy là chưa kể chị còn là mẹ của hai cháu hiện đang theo học cao học tại các trường nổi tiếng với các học bổng giá trị tới cấp tiến sĩ. Chị có thể cho biết động lực nào đã khiến chị làm những việc chị đã và đang làm?

DC: Thưa chị, đơn giản là mình chỉ muốn chia xẻ những may mắn trong cuộc sống với đồng bào và đồng loại. Càng thành công và hạnh phúc, chúng ta lại càng “mang nợ” đất nước và xã hội nhiều hơn. Được hít thở không khí tự do tại Hoa Kỳ, chúng ta không thể nào quên được dân tộc mình đang bị đày đọa ngay trên phần đất quê hương, bị tước đoạt mọi quyền sống căn bản, đất nước bị suy đồi trầm trọng về mọi mặt, và nguy cơ bịTrung Cộng thôn tính ngày càng rõ rệt. Những trang sử oai hùng của dân tộc và gương hy sinh của tiền nhân đã cho tôi niềm hãnh diện vô biên được làm người dân nước Việt. Niềm hãnh diện đó tôi mong được truyền tới con cháu mình và những thế hệ mai sau. Tham gia đấu tranh cho tương lai tươi sáng của đất nước mình là một vinh dự và cơ hội để tôi đền đáp lại những hy sinh của các thế hệ cha anh.
Tôi vẫn chia xẻ với các cháu “phải biết ơn và đền đáp lại xã hội và đất nước”; đó chính là đất nước Việt Nam thân yêu và xã hội của các quốc gia tân tiến đã cưu mang và cho gia đình chúng ta một đời sống tự do, no ấm. Niềm vui của tôi là các cháu, tuy sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, nhưng rất thương yêu dân tộc và quan tâm đến tình hình đất nước.

TD: Phu quân của chị, anh Lý Thái Hùng, một cựu sinh viên du học tại Nhật vào đầu thập niên 1970 và sang Hoa Kỳ định cư sau 1975, và cũng là một nhà tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam. Thú thật lâu nay tôi vẫn thắc mắc làm thế nào mà cả hai anh chị cùng hoạt động và có thể kiên trì tới mức độ đó, chị có thể chia sẻ với độc giả?

DC: Thưa chị, đó cũng là cơ may và cơ duyên mà chúng tôi đã gặp được nhau trên con đường phục vụ cho lý tưởng của dân tộc. Hạnh phúc riêng của chúng tôi đã chan hòa với hạnh phúc chung trên con đường đã chọn, tuy gian lao nhưng đậm đà tình thương và đầy ý nghĩa đó. Chúng tôi đã được gặp vô số những tấm lòng, những người có nhân cách để mình được học hỏi và thăng tiến; được trải nghiệm một chân lý quan trọng, đó là mọi thách thức đều mở ra cơ hội cải thiện và giúp mình vững chãi hơn, kiên trì hơn, nhân hậu hơn. Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua được cùng sát cánh bên nhau đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, tôi thấy việc đóng góp của vợ chồng chúng tôi tự nhiên như khí trời và hơi thở, một nguồn sống ý nghĩa không thể thiếu. Tôi mong các cháu của chúng tôi cũng sẽ tìm được lẽ tự nhiên đó trong đời sống.

TD: Chị có điều gì muốn hoặc cần nói mà tôi chưa hay quên hỏi?

DC: Tôi mong ước đồng bào và bằng hữu xa gần sẽ tiếp sức để cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc” đến tay mọi người, mọi nhà. Tìm hiểu con Rồng Đỏ Tim Đen mới chỉ là một vế của sự việc; chúng ta cần phải bắt tay cùng hành động để ngăn chặn một chế độ tổng hợp của mọi chủ nghĩa xấu xa trong lịch sử loài người: Đế Quốc, Thực Dân, Phát Xít, Độc Tài Cộng Sản, và Lái Buôn.
Chế độ này đang đe dọa thế giới và đặc biệt ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc Việt Nam. Xin bắt đầu bằng một việc làm rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, đó là tẩy chay mọi sản phẩm “Made in China”.
Đây là một việc làm không chỉ để bảo vệ chính mình và gia đình, mà còn là tiếp tay chấm dứt chế độ bạo tàn đang bách hại người dân Trung Quốc. Hãy cùng tham gia vì yếu tố nhân bản.

Để mua sách, xin gọi 239-233-7497. Giá yểm trợ là $20 Mỹ Kim cho Hoa Kỳ và $25 ngoài Hoa Kỳ đã tính luôn cả cước phí. Sau khi trừ chi phí, toàn bộ số tiền bán sách sẽ được tặng cho Quỹ Dân Chủ Việt Nam để giúp cho các nhà dân chủ quốc nội và đem sách tới tay đồng bào tại quê nhà.

Chân thành cám ơn nhà báo Trùng Dương và đồng bào, thân hữu xa gần.

TD: Cám ơn chị đã dành cho cuộc nói chuyện lý thú và khá gợi hứng hôm nay. Xin chúc chị nhiều sức khoẻ để đi tiếp cuộc hành trình đã vạch ra cho đời mình. [TD, 10/2012]



Chú thích:

(*) Bốn thời kỳ Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ gồm có:
1) Bắc thuộc lần thứ nhất, từ 179 TCN hoặc 111 TCN dưới thời nhà Triệu, nhà Hán, tới năm 39, là năm Hai Bà Trưng khởi nghĩa thành công ;
 2) Bắc thuộc lần thứ hai, 43 - 541, bị nhà Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, nhà Tấn, nhà Tề, nhà Lương liên tiếp cai trị;
3) Bắc thuộc lần thứ ba, 602 - 905, dưới thời nhà Tùy, nhà Đường. Trong giai đoạn Tự chủ từ 905-938 có một thời gian Việt Nam rơi vào tay Nam Hán; và
4) Bắc thuộc lần thứ tư, 1407 - 1427, còn gọi là thời thuộc Minh. (Theo Wikipedia)

(**) Nguyên tác Anh ngữ câu trả lời của Obama: “… [T]here are some jobs that are not going to come back. Because they are low wage, low skill jobs. I want high wage, high skill jobs. That's why we have to emphasize manufacturing.
That's why we have to invest in advanced manufacturing. That's why we've got to make sure that we've got the best science and research in the world. (Full Transcript of the Second Presidential Debate, http://www.nytimes.com/2012/10/16/us/politics/transcript-of-the-second-presidential-debate-in-hempstead-ny.html?pagewanted=all&_r=0)

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List