Kính
Chuyển
Nmh
“Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết
ngay lòng người.”
Linh Mục Thái Nguyên
SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI (1)
“Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi
ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa.” (1Pr 3, 10)
Ý niệm
Cũng như tư tưởng là một sức mạnh tạo nên những hệ quả lớn
lao, thì lời nói cũng có một tác dụng khôn lường trên đời sống con người. Tư tưởng
thì thai nghén, còn lời nói thì sản sinh. Tư tưởng xấu thì còn có thể ngăn chặn
kịp, nhưng lời nói xấu thì không không thể thu hồi (x. Cn 25, 11). Tư tưởng chỉ
tác động trên chính mình, lời nói cũng thế, nhưng nó còn xâm nhập vào không
gian và thời gian, tác động đến biết bao người, nên tục ngữ có câu: “Trăm
năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Do đó, những gì ta phải nói thì hãy nói với tất cả niềm
tin tưởng trước cuộc sống của mình cũng như của người khác. Niềm tin ấy không
phát xuất một cách ngây ngô, mơ hồ, nhưng dựa vào chính Thiên Chúa, Đấng đã khởi
đầu cuộc sống mỗi người chúng ta. Chính Ngài đang tiến hành và bảo lãnh cuộc đời
ta giữa muôn vàn thế sự. Trong niềm tin vào Ngài, những lời nói của ta có một
giá trị sâu rộng và sức mạnh sáng tạo phi thường. Khoảnh khắc mà ta nói ra một
điều gì đó là ta đã sinh ra nó. Đây là một nguyên tắc thiêng liêng, và nó sẽ thực
hiện những gì mà ta đang nói dù điều đó tốt hay xấu, cách tích cực hay tiêu cực.
Sự tung hoành của miệng lưỡi
Cổ nhân có nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu
xuất”: Bệnh do miệng mà vào, họa do miệng mà ra. Nếu không biết kềm chế miệng
lưỡi thì nó sẽ gây ra muôn vàn điều ác hại. Chúng ta có thực sự đạo đức hay
không, điều đó được biểu hiện rõ ràng nhất trên miệng lưỡi. Thánh Giacôbê đã cả
quyết như sau: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là
tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc 1, 26 ).
Chúng ta hãy đọc lại đoạn Kinh Thánh sau đây để thấy được
sự tung hoành của miệng lưỡi kinh khủng như thế nào:
“Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời,
thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó
có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một
bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi
cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những
chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn
biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của
sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm
cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục
đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì
loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi
thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy
nọc độc giết người.” (Gc 3, 3-8).
Ý thức được sự nguy
hiểm của miệng lưỡi, nên tác giả Thánh vịnh đã thốt lên; “Xin canh
giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con.” (Tv 141,3).
Chính vì sự khó trị của cái lưỡi như vậy, mà Thánh Giacôbê đã dám nói lên rằng: “Ai
không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân.” (Gc
3, 2).
Hãy cẩn trọng với những gì mình nói
“Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội
để rút lại” (S. Maugham). Biết được những đại họa có
thể gây ra do miệng lưỡi, ta phải cẩn trọng về những gì mình nói, nhất là khi gặp
những điều trái ý, gây bực tức và cản trở, ta càng dễ dàng bung ra những lời
nói bất chấp thì lại càng thêm hư hại. Lời nói là một khí cụ sắc bén có thể làm
chuyển đổi mọi tình trạng, nhưng nếu không cẩn trọng ta sẽ đả thương chính mình
hoặc người khác: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm.” (Cn
12, 18). Lời nói quả thực lợi hại vô cùng, với ba tấc lưỡi
người ta có thể lập nên cơ đồ, nhưng cũng có thể làm tiêu tan cơ nghiệp; có thể
xây dựng tất cả, nhưng cũng có thể phá đổ tất cả. Sự sống và sự chết đều là sức
mạnh của cái lưỡi, “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả” (Hc
5, 13).
Nói cách khác, ta tạo nên môi trường tốt hay xấu, thuận lợi
hay bất lợi, là do chính lời nói của ta. Nếu cứ luôn phàn nàn, và hay nói những
điều mình bực bội về người khác hoặc về những tồi tệ đang xảy ra cho
mình, thì ta cứ sống mãi trong thế giới khốn khổ và buồn chán của mình. Ta muốn
thoát ra, nhưng rồi lại cứ vùi mình vào đó bằng những lời lẽ đen tối. Cũng một
lời nói làm bế tắc đời sống, mà cũng một lời nói làm đả thông cuộc sống, tại
sao ta không biết cẩn trọng và sáng suốt để chọn lựa một lối thoát để làm thay
đổi tình trạng của mình. Thật ra, tình trạng nào cũng là do tâm trạng mà ra,
nhưng khi tâm trạng đang bị phủ lấp thì phải dùng phương thế lời nói để kích hoạt
lên. Đừng nói về những vấn đề, nhưng hãy nói về những tiến bước; đừng nói về những
cản trở, nhưng hãy nói đến những quyết tâm; đừng nói về những tệ trạng, nhưng
hãy nói về những hoạch định mới đầy tươi sáng.
Những rào cản chúng ta có thể là một cơn bệnh, một sự nghèo
túng, một quan hệ xấu, một trắc trở, một sự nguy hại, một thất bại, một sự xúc
phạm... nhưng hãy để cho mình được tự do vượt lên trên những điều đó bằng những
lời nói thanh cao, lạc quan, hy vọng, tin tưởng, vững vàng. Những lời đó sẽ tạo
nên trong ta một tâm trạng mới đầy phấn khởi, một bản lãnh cương nghị, để vươn
lên sau những thất thoát, dù rằng do mình, do người khác hay do hoàn cảnh cũng
vậy. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói: “Tôi cảm thấy vui sướng khi
mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì
khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. (2Cor 12, 10).
Đặt vào hoàn cảnh và tâm trạng của Thánh Phaolô, đáng lý
ta phải than phiền về những hoàn cảnh xui rủi hay ác ý của người đời cứ đổ dồn
lên mình; đáng lẽ ta phải cảm thấy buồn tủi, chán ngán vì những gian nan thất bại
cứ liên tiếp xảy đến. Đáng buồn hơn nữa là đang khi hết lòng sống cho mọi người,
thì dường như bị mọi người phủ nhận; đang hết lòng phụng sự Chúa thì dường như
bị Chúa quên đi. Thánh Phaolô không suy luận và phát ngôn một cách tiêu cực, bi
quan như thế, đó là lề thói tầm thường của người đời. Bằng lời nói, Ngài cho thấy
tính cách hoàn toàn mới mẻ của hoàn cảnh dưới cái nhìn đức tin:
- Thay vì cảm thấy buồn thương trước tình đời đen bạc, thì
Ngài lại “cảm thấy vui sướng” vì Đức Kitô.
- Thay vì bi quan trước sự yếu đuối của mình thì
lại cảm thấy “chính là lúc tôi mạnh” trong quyền năng
Chúa.
Dưới cái nhìn đức tin và quen sống cận kề bên Chúa, ta sẽ
học biết cách minh giải những sự việc xẩy ra nặng nề một cách nhẹ nhàng, và giải
tỏa những tình cảnh trái ngang một cách vui thỏa như Thánh Phaolô, để trong những
khi đen tối ta vẫn tìm ra con đường ánh sáng chan hòa cho đời mình. Đừng
nguyền rủa bóng tối nhưng hãy cất lời ca ngợi cho ánh sáng đến. Đó
là phép lạ nơi miệng lưỡi của ta. Nếu muốn thay đổi thế giới chung
quanh ta, thì hãy bắt đầu thay đổi lời ăn tiếng nói của ta sao cho phù hợp với
tâm tình và ý muốn tốt lành của Chúa. (x. 1Tm 4, 12).
Tác dụng của những ngôn từ mà ta hay sử dụng
Những ngôn từ nào mà ta thường dùng, sẽ làm nên một lối sống
như vậy. Đừng bao giờ dùng những từ ngữ tiêu cực như: “chán quá”, “sợ
quá”, “chắc không thể”, “không hy vọng gì”, “chẳng thấy điều gì tốt xảy ra cho
tôi”, “mơ ước cũng chỉ là ước mơ...” hoặc những lời buồn nản, than
thân trách phận. Những lời nói đại loại như thế sẽ thao túng tâm hồn, làm mất
đi nghị lực và nhuệ khí của mình, ngăn bước ta tiến về phía trước.Con sâu của
sự chán nản và bi quan thất vọng lúc nào cũng chực sẵn để gặm nhấm tâm hồn ta bằng
những lời nói thụ động, tiêu cực dù vô tình hay cố ý, nhưng lại có một âm hưởng
quyết liệt về lâu về dài trên đời sống ta, và có thể gây suy nhược tinh thần
như một chứng bệnh kinh niên. Một cách nào đó, nhiều lần chính ta là kẻ
thù xấu nhất của mình. Ta coi thường mọi người và những điều khác, nhưng sự thật
là ta bị đầu độc bởi những lời do miệng lưỡi mình phát ra. Chính trong tình trạng
đó mà Kinh thánh nói rằng: “Cái lưỡi chính là mối hoạ cho con người.” (Hc
5, 13).
Chúa không bao giờ muốn ta cứ lải nhải về những bất trắc
và đau khổ của mình. Ngài không muốn ta đi quanh quẩn để tranh luận hoặc miêu tả
về những hoàn cảnh tiêu cực của mình với những người khác. Thay vào đó, Chúa muốn
ta hãy dùng những lời nói mang tính cách xây dựng và thay đổi hoàn cảnh của
mình. Hãy biết nhìn thấy sự nhân lành của Chúa trong mọi hoàn cảnh để vững tin
và ứng dụng vào lời nói của mình. Thiên Chúa là sự nhân lành, ở nơi Ngài chỉ có
những sự tốt lành cho ta mà thôi. Mọi tình trạng xấu xảy ra là do con người,
nhưng nó nằm trong kế hoạch của Ngài trong từng bước thay đổi và ổn định dần dần.
Vì liên đới với mọi người, nên ta phải biết chấp nhận hoàn cảnh chung trong từng
giai đoạn, đồng thời phải biết kiên trì và ý thức vươn lên không ngừng. Trong
cùng một lúc, người muốn mưa, kẻ muốn nắng thì Chúa phải làm thế nào đây ?
Vì thế, hãy biết dùng những lời nói đầy tự tin và tích cực
như: “mạnh dạn lên”, “can trường lên”, “cố lên”, “phấn khởi lên”, “chẳng
có gì phải sợ”, “hãy vững tâm và kiên cường”, “cứ nhìn về phía trước”, “cứ bắt
đầu lại”, “cứ nổ lực phấn đấu và hy vọng vào tương lai... ”. Những lời
như thế sẽ gây phấn chấn tâm hồn, tăng thêm sinh lực và sáng tạo trong mọi hoàn
cảnh. Tự nhủ mình như thế nào thì hệ quả sẽ ra thế ấy. Tự nhủ mình bằng
những lời tốt đẹp thì sẽ đưa đến hiệu quả tốt đẹp. Dù có khi không
như ý mình muốn, nhưng lại như ý Chúa muốn, “gặp thời thế, thế thời phải
thế”, và chỉ có Chúa mới thấy điều gì thật sự tốt đẹp cho mình trong từng
giai đoạn và hoàn cảnh.
Điều quan trọng là dù thế nào đi nữa nhưng tâm hồn ta vẫn
thản nhiên, vẫn an vui, vẫn yêu người yêu đời, thấy nhân cách và đức tin của
mình lớn lên qua từng thử thách trong đời, không bị nao núng và rối loạn; có thể
không thành thân, nhưng thành nhân, đó mới là điều cao quí mà Chúa muốn cho ta
hơn hết trong mọi tình huống.
Dùng lời nói như phương thế hữu hiệu cho đời mình
Hãy dùng lời nói như phương thế hữu hiệu để chuyển hướng
tiến tới trong cuộc sống, để mang cuộc sống đến những điều lớn lao mà Thiên
Chúa đang để dành cho ta. Thánh Phaolô nói rằng: “Quả thế, có tin thật
trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” (Rm
10,10).
Đó là nguyên tắc có thể áp dụng vào mọi lãnh vực khác.
Khi ta tin vào Chúa, vào lời Ngài hứa cho những ai trung thành, thì ta có thể
an tâm và vững vàng nói lên những điều tốt đẹp cho cuộc sống mình giữa những cảnh
đời xáo trộn và nhiễu nhương. Hãy luôn tự nhủ mình bằng phương pháp tự kỷ ám thị
về những điều tốt đẹp sẽ xẩy ra. Mỗi ngày hãy chọn lấy cho mình một câu
lời Chúa hay một lời nguyện vắn tắt để luôn thì thầm trong mọi lúc, theo từng
hoàn cảnh. Sống với Chúa là như thế, ở với Chúa là như vậy, để rồi lời Chúa
trở thành lời mình, tính cách của Chúa trở thành tính cách của mình, bởi vì đời
mình đang được tác thành bởi Chúa và do Chúa mà thôi. Hãy thật sự sống như thế
để cảm thấy đời mình được hân hoan trong mọi lúc, và an vui trong mọi sự, để
mình luôn có thể thốt ra những lời tốt đẹp ở mọi nơi, và luôn là những lời ân
phúc cho mọi người.
Có điều cần để ý là không nên nói nhiều về mình. Triết gia
Aristote khuyên rằng: “Hoặc hay hoặc dở cũng đừng bao giờ nói chuyện về
mình”. Có nói thì nói điều tốt người ta làm cho mình, chứ đừng nói điều tốt
mình làm cho người. Trẻ nít bao giờ nó cũng nói về nó, luôn khoe những điều nó
có và đã làm được. Nó không cần biết đến người khác, và cũng chẳng cần biết đến
mối dây liên hệ. Người trưởng thành thì trái lại, luôn biết hướng đến người
khác để xác lập mối tương giao mỗi ngày sâu rộng hơn.
Trách nhiệm và hệ quả của lời ta nói trên đời sống người
khác
Mỗi người chúng ta đều nhận chịu những ảnh hưởng từ
một số người nào đó như: ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn hữu... Cũng vậy, tùy theo
vị thế của mình trong gia đình và xã hội, ta cũng sẽ gây những ảnh hưởng nhất định
nào đó trên đời sống của những người thân thích và chung quanh một cách tương tự
như vậy. Do đó, ta có một trách nhiệm rất nặng nề trước những gì mình nói đối với
họ. Đời sống họ ra sao cũng một phần do lời nói của chúng ta làm nên. Có những
lời nói của ta làm họ ghi nhớ suốt đời: lời nói tích cực làm cho họ an vui và
phấn khởi xây dựng cuộc sống; lời nói tiêu cực nếu nặng nề sẽ làm cho họ bị
thương tâm, mặc cảm và oán hận mãi.
Hơn nữa nó còn phá hoại những khả năng và ân sủng của
Chúa đã được ban cho họ. Có ai thấy được hết được những hậu quả tàn hại mà do lời
nói tiêu cực của ta gây ra cho người khác. Thật ra, hậu quả người khác phải
gánh chịu vì lời nói ta, cũng chính là hậu quả ta phải gánh chịu không trước
thì sau: “Thương nhân chi ngữ, hoàn thị tự thương, hàm huyết phún nhân
tiên ô tự khẩu” (Văn Công): những lời nói hại người là tự hại mình, chẳng
khác chi ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước.
Chúa ban cho chúng ta miệng lưỡi, trước tiên là để biết
ca ngợi lòng thương xót Chúa trên đời sống của nhân loại, để biết cảm tạ tôn
vinh Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đó là lý do mà Thánh Giacôbê phản bác lại những
lời nói gây xúc phạm đến đồng loại: “Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa
là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra
theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời
nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch
nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Thưa
anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả?
Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt.” (Gc 3, 3-10)
Từ tính cách đó mà ta thấy cốt yếu của lời
nói với nhau là “để xây dựng, để khích lệ và an ủi.” (1Cor
14, 3).“Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên là lời nói
hư không” (Roland Dorgeles). Chúa Giêsu còn cho thấy mệnh hệ sau cùng
của những lời ta nói: “Tôi nói cho các người hay: đến
Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ
lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ
bị kết án.” (Mt 12, 36-37).
Nhận thức được hậu quả đáng sợ như trên, ta phải biết
dùng lời nói mình như một lời yêu thương đem đến phúc lành cho người khác, như
Isaac xưa khi cất lời chúc lành cho Giacóp (x. St 27, 29). Giacóp nhận biết rằng,
những lời tốt lành mà Cha nói sẽ ảnh hưởng tốt đẹp suốt quãng đời còn lại của
ông. Do đó, dù ta biết hay không thì những lời nói của ta có ảnh hưởng rất lớn
đến tương lai của những người thân thích theo hướng tốt hay xấu. Những lời ta
nói có sức mạnh như những lời của Isaac vậy.
Nhiều khi không được như ý mình muốn, hoặc vì thiển cận,
hoặc vì đã quen thô bạo, mà ta dễ buông lời lẽ nặng nề mang tính ngạo mạng,
khinh khi. Những lời như vậy làm cho người khác mất hứng khởi, nhụt chí, năng lực
bị tan biến, làm tan nát cõi lòng, tạo nên những vết thương sâu thẳm trong tâm
hồn không biết bao giờ nguôi. Còn hơn thế nữa, những lời nói mang tính cách hạ
bệ, khinh miệt, làm cho người khác mất ý thức về những giá trị mà Thiên Chúa đặt
để trong họ, và bào mòn khả năng đóng góp của họ cho gia đình cũng như xã hội.
Lạy Chúa, Chúa ban cho con người có một khả năng ngôn ngữ
tuyệt diệu để biết ca ngợi quyền năng Chúa trên vũ trụ, và là một phương tiện hữu
hiệu cho sự thông giao và diễn đạt chân lý, để làm triển nở và tươi đẹp cho cuộc
sống làm người.
Nhưng rồi nhiều khi con đã sai lạc trong mục đích này,
nên đưa đến nhiều thảm hại cho con, cho người. Con chẳng thể nào đền bồi được
những hư hại mà con đã gây ra cho anh chị em con qua những lời lẽ nặng nề,
khích bác, tiêu cực... Con muốn vui lòng nhận chịu những khốn khó để xin Chúa
bù đắp lại cho họ bằng những ân thiêng cao cả, để họ có thể đạt tới một cuộc sống
rạng ngời niềm vui và hạnh phúc.
Lời Thiên Chúa là Lời sáng tạo và cứu độ trong Đức Giêsu
Kitô Ngôi Lời. Chúa không chỉ nhập thể trong thế gian, nhưng còn nhập thể trong
chính thâm tâm con. Xin cho con biết đón nhận và thấm nhập làm một với Ngôi Lời
Chúa, để trong Chúa lời con cũng được trở nên lời sáng tạo và là lời
cứu độ cho sự sống của anh chị em con. Amen.
Lm. Thái Nguyên
“Xem
quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.”
“Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.”
Linh Mục Thái Nguyên
__._,_.___
No comments:
Post a Comment