http://xuongduong.blogspot.com
THỨ BẢY, NGÀY 01 THÁNG CHÍN NĂM 2012
Hãy cùng chúng tôi nói KHÔNG với tình trạng công an đánh chết dân: “ Stop Police killing civilians”
Trịnh Kim Tiến
* Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền KIẾN NGHỊ VÀ TỐ CÁO
về Kết Luận Điều Tra Về Cái Chết Anh Nguyễn Công Nhựt
chết tại Trụ sở CA Bến Cát Bình Dương
Đọc được bài trên báo, biết được kết luận của cơ quan điều tra VKS Nhân dân Tối cao anh Nhựt chết là do tự tử và “anh Nhựt tự tử” là do “ân hận”, tôi thấy xót xa, thương chị Tuyền vô cùng.
Uất ức và căm phẫn mà trào ứa nước mắt.
Dù đã đoán biết trước được kết quả này nhưng tôi vẫn không ngăn được cảm xúc trong lòng mình, không biết phải làm gì để chia sẻ cùng chị lúc này. Tôi hiểu chị Tuyền đang sốc thế nào khi đọc được những lời kết luận ấy. Cảm giác của chị bây giờ cũng chính là thứ cảm giác mà tôi từng trải nghiệm qua nhiều lần trong những tháng ngày chật vật đi tìm công lý cho bố mình và cho đến tận bây giờ.
Mọi thứ đều có thể đổi trắng thay đen, màu của công lý đang là một mớ màu hỗn độn, xám xịt và u ám. Muốn nói sao thì nói, muốn phán sao thì phán, nhấp cây viết, một mạng người chết oan. Sinh mạng con người trở nên quá rẻ mạt qua sự dối trá và độc ác.
Nhưng tôi tin rằng công lý là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ nhân loại.
Những ai còn nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tâm chính mình thường sẽ nhận ra tiếng nói của công lý.
Chị Tuyền không hề cô đơn. Tất cả mọi người có trái tim, hướng về công lý đều ủng hộ chị.
“Quan tòa sẽ bị kết án khi tội nhân được xóa tội”. Tất cả những kẻ gây ra tội ác và những kẻ đang bao che, lấp liếm cho tội ác đó, họ sẽ bị kết án bởi chính tòa án của lương tâm.
Không ai muốn chết, thậm chí đến cả những người muốn tới thiên đường cũng không muốn phải chết để được lên đó. Theo bản Nhận xét và Kết luận của VKS Nhân dân tối cao: “Ban chuyên án nêu lý do: Việc lưu giữ anh Nguyễn Công Nhựt ở lại Ca huyện Bến Cát nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm và thuận lợi cho quá trình điều tra của chuyên án..” để rồi anh Nhựt tự tử chết sau khi có “bản cam kết hợp tác với Cơ quan CSĐT cung cấp thông tin để điều tra tội phạm, tự nguyện hợp tác và ở lại Công an huyện Bến Cát”.
Mẹ và vợ anh Nguyễn Công Nhật từng ra tận Hà Nội khiếu
kiện về cái chết oan ức của con trong đồn công an
Chẳng lẽ anh có thể đành lòng ra đi bỏ lại người vợ trẻ với bao ước mơ và dự tính cho tương lai? Chẳng lẽ anh đành lòng ra đi khi chưa được chào đón tiếng khóc của trẻ thơ, khi anh là anh hai của một bầy em nhỏ? Chẳng lẽ anh đành lòng để lại cha mẹ già không người lo lắng chỉ vì “ân hận” sao?
Đến con kiến còn ham sống, huống chi là con người.
Cho dù kết luận của VKS Nhân dân tối cao có như thế nào thì đến giờ phút này anh Nhựt vẫn là một công dân trong sạch.
Quy định của Hiến pháp đã khẳng định: “Không ai bị coi là có tội khi không có bản án hay quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.” Họ không có bất cứ một quyền hạn nào để định anh là người có tội. Anh không có tội và cũng chẳng có lý do gì để anh phải tự tử. Anh đã bị bắt giam trái pháp luật, đánh đập, tra tấn đến chết trong đồn.
Khi chị Tuyền đưa cho tôi xem bức hình chụp thi thể anh tôi đã không cầm nổi nước mắt, nhớ đến hình ảnh của bố mình trước khi chết, cảm xúc muốn vỡ òa ra. Từ một con người bằng xương bằng thịt, trở thành một thân xác nguội lạnh với những vết thương, bầm dập vì bị tra tấn. Lời kể của bác Lượm mẹ của anh Nhựt còn đau xót hơn nữa “Trước khi pháp y mổ, tôi có vào nhìn mặt con tôi thì thấy dưới đáy quần của nó loang đỏ máu.Hai bên đùi có rất nhiều vết bầm tím từ trên xuống.Hai bên hông và hai bên đít cũng bầm tím. Môi trên bị dập, hai bàn tay thì co rút lại, lúc đó tôi cố gỡ ra nhưng không được. Chúng tôi hoàn toàn không tin là con mình tự sát” (theo báo Thanh Niên).
Nhìn vào “bức thư tuyệt mệnh” mà họ đưa ra nói là do anh Nhựt viết, nhìn mắt thường cũng biết đó không phải là của anh Nhựt khi đối chiếu với nét chữ lúc anh còn sống. Thế mà phòng giám định Kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng lại phân tích được bức thư giả mạo ra thành là nét chữ của anh Nhựt. Phải nói là kỹ thuật phân tích này thuộc đẳng cấp đặc biệt. Họ đang ngồi xổm lên pháp luật, đang chà đạp và xỉ vả vào sự thật.
Từ những hành vi cửa quyền, đến những câu nói lố bịch của những người được gọi là chiến sĩ công an nhân dân, cuối cùng VKSND Tối cao cũng đã cho ra một kết luận bất chấp luật pháp, dung túng, tiếp tay cho tội ác sau hơn 18 tháng.
Chắc chắn những người quan tâm đến vụ án không thể quên được sự việc Thiếu tá công an Nguyễn Thành Phú ( phụ trách vụ điều tra vụ mất trộm lốp xe Kumho ) đã gạ tình, đề nghị đi khách sạn, và đe dọa chị Tuyền bán đất đi để “chạy án” cho chồng qua cuốn băng ghi âm chị Tuyền thu lại được.
Công an tỉnh Bình Dương trả lời báo chí, anh Nhựt tự tử bằng sợi dây sạc điện thoại, sau một vài ngày vì dư luận bức xúc thì được đổi lại thành dây cáp điện thoại.
Sự chịu đựng luôn có giới hạn của nó.
Một năm rưỡi qua chị Tuyền miệt mài chạy đuổi tìm công lý, mà đến giờ công lý vẫn lặn tăm, công lý bị bóp méo, đáp án của VKSND Tối cao giống như cái kết của một vở diễn hài.
Sự việc của anh Nguyễn Quốc Bảo bị đánh chết tại đồn công an quận Hai Bà Trưng chóng bị quên đi, dù bác Phục, bố của anh đã cố gắng bằng mọi cách để làm rõ cái chết của con trai mình.
Không chỉ riêng tôi, riêng chị Tuyền hay riêng bác Phục, còn rất nhiều những gia đình khác cũng đang phải chịu những bất công, oan ức tương tự.
Tình trạng công an đánh chết dân đã và đang tiếp diễn một cách ngang nhiên và bình thường mà không phải chịu bất cứ sự chế tài nào của luật pháp.
Những lúc chịu bất công, o ép, tôi cũng từng nghĩ vậy đấy, “ công lý chỉ là một diễn viên hài”! Và chính chúng ta đang là những diễn viên, những khán giả trong vở kịch hài hước đầy nước mắt và đau đớn của những nỗi oan khiên. Chúng ta ngồi để xem, để chứng kiến vở hài kịch đó diễn ra một cách suôn sẻ và thành công. Không, không thể như vậy, sự im lặng và chấp nhận là đồng lõa với cái ác, chúng ta phải lên tiếng, phải đấu tranh để tìm lại công lý và phải lột trần sự bưng bít, dối trá đó ra để tìm ra sự thật đang bị phủ lấp bởi những thế lực của bóng tối và tội lỗi. Cho dù những người dám đứng ra để đòi lại công lý chỉ là thiểu số đi chăng nữa thì chân lý và sự thật vẫn tồn tại.
Công lý phải được thực thi cho dù rất gian nan.
Nếu chỉ có một người mơ ước chạm tay vào công lý thì đó chỉ là một giấc mơ, nhưng nếu đó là giấc mơ của nhiều người thì nhất định nó sẽ trở thành hiện thực. Hãy cùng chúng tôi nói KHÔNG với tình trạng công an đánh chết dân - “ Stop Police killing civilians”
Trịnh Kim Tiến
DienDanCTM
nguồn: https://www.facebook.com/notes/trinh-kim-kim/
* Đơn khiếu kiện và tố cáo của Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền
về Kết Luận Điều Tra Về Cái Chết Anh Nguyễn Công Nhựt
chết tại Trụ sở CA Bến Cát Bình Dương
*
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
-------oOo-----
TPHCM, Ngày 30 tháng 08 năm 2012
ĐƠN KIẾN NGHỊ VÀ TỐ CÁO
(V/v: Kết Luận Điều Tra Về Cái Chết Anh Nguyễn Công Nhựt chết tại Trụ sở CA Bến Cát Bình Dương)
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Ông Trương Tấn Sang Chủ Tịch nước, nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ Tịch Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ Chính Phủ Tướng Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
Tôi tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền sinh ngày 08 tháng 11 năm 1981 (ĐT 0908 796 116) là vợ của Anh Nguyễn Công Nhựt sinh ngày 07 tháng 01 năm 1981. Nơi sinh ấp 3, xã Cẩm Sơn, Huyện Cai Lậy Tỉnh Tiền Giang.
Chồng tôi đã bị công an giam giữ trái phép và dẫn đến chết người tại Trụ sở Công An Huyện Bến Cát, Tỉnh Bình Dương và đã ra đi khỏi cõi đời vào ngày 25/04/2011
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Văn Hảnh ấp 3, xã Cẩm Sơn, Huyện Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang
Theo công văn 386/VKSTC-C6 (P5) ngày 24/08/2012 của Cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao kết luận về cái chết của Anh Nhựt tại đồn công an Bến Cát. Tôi cho rằng trong bản kết luận này không chính xác và có dấu hiệu bao che sự thực về cái chết của chồng tôi.
Nay tôi kính trình lên Chính Phủ và Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam xem xét lại lại về việc điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối- Cục 6 có nghiêm minh chính trực, đúng việc và đúng trách nhiệm trong quá trình công tác điều tra vụ án Anh Nhựt hay không?
Dưới đây tôi xin trình bày một số vấn đề trong bản kết luận mà tôi còn nghi ngờ là VKSND Tối cao chưa thực sự đi sâu vào nghiệp vụ và chưa thực sự công tâm trực tiếp điều tra sự việc về cái chết thực của chồng tôi, về việc mất vỏ xe công ty Kum Ho, về nghiệp vụ điều tra của các điều tra viên gây ra hậu quả dẫn đến chết người và về việc Ông Nguyễn Thành Phú gạ tình tôi, rủ tôi đi khách sạn và bảo tôi bán đất để chạy án cho chồng.
Tôi xin trích một số nội dung để dẫn chứng trong bản kết luận của vụ án là chưa thực sự chính xác, rõ ràng và minh bạch của VKSND Tối cao.
1."Trong quá trình làm việc Anh Nguyễn Công Nhựt khai nhận: Từ ngày 05/11/2007 đến cuối năm 2010 đã tự ý sử dụng máy tính văn phòng làm lệnh xuất khoảng 20-30 lần, số lượng khoảng 1000 lốp xe, trái với quy trình xuất hàng công ty (Công ty kumho qui định: không được xuất hàng tại máy tính văn phòng, mà phải xuất hàng máy tính ở kho)”
Tôi đã thu thập thông tin từ vài nhân viên của Kumho và làm rõ vấn đề này. Trong công ty Kumho có hai máy vi tính ngoài kho và máy tính Anh Nhựt trong văn phòng được phân quyền xuất kho. Trường hợp Anh Nhựt xuất kho khi hai máy tính ngoài kho xuất hàng đi xuất khẩu không kịp hoặc kiểm tra chất lượng hàng đột xuất thì lúc đó Anh Nhựt hỗ trợ cho anh em công nhân làm lệnh xuất để kịp tiến độ (vì tiến độ công việc của Kumho rất khắt khe).
Bên cạnh đó máy tính của Anh Nhựt được phân quyền chỉ được xuất không được nhập. Khi nhập kho thì chỉ được nhập hai máy tính ngoài kho. Nên tại sao nhiều lần Anh Nhựt xuất kho mà không nhập lại, số lượng hàng dư này sẽ lại hai máy ngoài kho.
VKSND Tối Cao không làm rõ vấn đề này nên VKSND Tối Cao không biết là anh Nhựt xuất hàng dư và lại nhập kho là bao nhiêu? Một phép tính quá đơn giãn mà VKSND Tối Cao không tính ra được “ Hàng tồn kho= Nhập kho–xuất kho”
Mặt khác khi xuất hàng kiểm tra chất lượng thì phải đợi kiểm tra lô hàng đó có đạt chất lượng hay không? Hiễn nhiên là phải để hàng ngoài kho, ở ngoài kho thì được bảo vệ canh gác 24/24 thì nếu có mất thì đó thuộc trách nhiệm của bảo vệ canh giữ thì tại sao lại đồ lỗi cho chồng tôi không nhập hàng trở lại mà để hàng ở ngoài kho tạo cho kẻ gian ăn cắp.
Nếu chồng tôi làm lệnh xuất sai qui định thì có sự quản lý của Kế toán và Ban giám đốc vậy tại sao từ 05/2007 đến năm 2010 không phát hiện nhắc nhở vậy đó thuộc trách nhiệm của ai
Nếu không cho chồng tôi xuất kho thì tại sao Ban giám đốc lại phân quyền cho anh ấy?
Do đó VKSND Tối Cao không thể kết tội cho Anh Nhựt tự ý sử dụng máy tính văn phòng làm lệnh xuất hàng.
2. Ngày 21/04/2011 Anh Nguyễn Công Nhựt viết bản cam kết hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra Công An Huyện Bến Cát để cung cấp thông tin, tự nguyện hợp tác ở lại công an Huyện Bến Cát ngày 21/04 đến 30/04/2011.
Tôi đã thu thập thông tin từ những nhân viên của chồng tôi bị bắt trước đó 9 ngày và Danh bị bắt đi cùng chồng tôi nói rằng: ai lên đồn công an đều bị công an yêu cầu phải tự viết bản cam kết tình nguyện ở lại, nếu không ai biết viết thì công an đọc cho viết nhưng không ghi thời gian hợp tác. Thì tôi cho anh Nhựt không ngoại lệ trường hợp này. Tôi nghi ngờ rằng thời hạn ngày hợp tác đã được công an hợp thức hóa. Vì ngày 30/04 chúng tôi có kế hoạch đi về quê thì làm sao mà Anh Nhựt tình nguyện ở lại đến 30/04 trong khi đó chồng tôi thừa hiểu tôi rất sợ ở nhà một mình thì chồng tôi sẽ không ở lại đồn công an như thế. Tình nguyện hợp tác điều tra tại sao tịch thu điện thoại của Anh Nhựt và không cho gọi về gia đình cũng không thông báo về cho gia đình, đến giờ điện thoại của chồng tôi vẫn chưa trả lại cho tôi.
3. Ngày 21/04 Ông Kim Tae Sung – Phó Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH Kumho Gửi công văn số 16/CV.KTV đến Công An Huyện Bến Cát phòng An ninh kinh tế , Công an Bình Dương nội dung: “...Công ty kumho cử nhân viên Nguyễn Công Nhựt – Quản lý kho thành phẩm, đến công an huyện bến cát hổ trợ điều tra, Trong thời gian Anh Nhựt làm việc với cơ quan công an thì công ty Kumho vẫn chấm công, sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến chuyên cần cũng như các vấn đề khác do phải bỏ việc điều tra cho Cơ quan điều tra…”
Ngày 21/04 Cty Kumho đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của Anh Nhựt đăng trên 24h online. Vậy Tại sao VKSNDTC không làm rỏ Cty cử Anh Nhựt đi hợp tác điều tra mà lại tuyển dụng gấp vị trí của anh ấy?
Vào lúc khoảng 8h ngày 22/04/2012 tôi và Ba Mẹ Danh đã làm việc trực tiếp Giám đốc , trưởng phòng nhân sự tại văn phòng công ty kumho. Tôi đã đã hỏi nguyên nhân gì bắt chồng tôi đi và Ông Phong trả lời có giấy mời của công an , tôi yêu cầu được xem giấy mời đó ông Phong trả lời không biết có thể anh Nhựt cầm đi rồi. Tôi yêu cầu gặp Mr cho kyu sik nhưng ông này không đồng ý gặp tôi và nhắn lại với ông Phong nếu công an bắt tôi thì tôi cũng phải đi.
Vậy tại sao VKSNDTC không làm rõ là có giấy cử đi hợp tác điều tra của công ty thì tại sao lại có giấy mời của công an xuống tận công ty đưa cho anh Nhựt và bắt anh Nhựt đi trong thời điểm đó.
4. Việc bố trí ăn ở của chồng tôi: “Phòng này cạnh phòng ở tập thể của chiến sĩ công an huyện bến cát, đối diện khu nhà tạm giữ đến sáng ngày 25/04/2011 thì Anh Nhựt chết trong tư thế treo cổ bằng giây điện thoại trên khung cửa sổ phòng họp”.
Theo thông tin của Danh nói với tôi "Những lần xin được đi toliet, tắm rửa thì công an có đưa em đi thì ngang qua phòng họp trên lầu nơi mà giam giữ Anh Nhựt thì em có nhìn thấy Anh Nhựt và lần cuối cùng em nhìn thấy là khoảng 15h chiều ngày 23/04 lúc Anh Nhựt đang đi lại trong phòng họp ở ngoài bị khóa cửa trái" và tối ngày 24/04 tôi đem thức ăn cho chồng thì xin được lấy đồ và vật dụng của chồng tôi và công an cho tôi lên lầu vào phòng này lấy đồ của Anh Nhựt và tôi có hỏi chồng tôi đâu? Anh này trả lời chuyển chồng xuống phía sau vì phòng này bận họp ( phòng họp này không phải là nơi Anh Nhựt chết). Vậy phòng Anh Nhựt chết là phía sau gần trại giam và là phòng làm việc của công an (tôi có chụp hình lại).
Thì ở đây tôi cho rằng VKSNDTC không làm rõ nơi ở của Anh Nhựt trong thời gian ở đồn công an và ai là người canh gác chồng tôi, ai là người cung cấp giấy bút cho anh nhựt viết để lấy lời khai? dây điện thoại ở đâu để Anh Nhựt lấy tự tử? VKSNDTC có dựng lại hiện trường vụ án không? Tôi cho rằng sức nặng 65kg và chiều cao 1m78 thì không thể treo cổ bằng dây điện thoại.
5. Trong quá trình làm việc tại công an huyện Bến Cát từ ngày 21/4 đến ngày 24/04/2012 Danh không bị tịch thu tài sản… cán bộ điều tra quản lý điện thoại của danh trong thời gian lấy lời khai cuối ngày trả lại… chiều ngày 23/04 khi làm việc xong Danh xin ngủ lại tại trụ sở công an huyện Bến Cát với Chiến, Tuấn và Chiên nhân viên kumho đến ngày sau , ngày 24/04/2011 thì được cho về.
Tôi nghĩ VKSDNTC thật sự có điều tra hay không? Sáng ngày 25/04 tôi và Ba Mẹ Danh mang đồ ăn sáng cho chồng tôi và Danh. Chính Ba Mẹ Danh và tôi đều thấy rõ phòng Danh bị khóa cửa ngoài và xin được gặp con lấy thẻ xe mà công an không cho gặp, Tối ngày 21/04 Tôi là người trực tiếp báo thông tin Danh đang ở đồn công an cho Ba Mẹ Danh biết trong lúc đó Ba Mẹ Danh không thể liên hệ được với Danh. Sau khi chồng tôi chết tại đồn công an ngày 25/04 thì đến ngày 21h ngày 26/04 tôi nhận được thông báo tất cả nhân viên của chồng tôi được thả về.
Danh nói với tôi: "21h ngày 26/04 em được thả ra và được trả điện thoại di động và một số dụng cụ, trong thời gian ở trong đó em không được liên hệ với gia đình vì điện thoại bịch tịch thu, lúc mà lên đồn công an ngày 21/04 là đã bị tịch thu điện thoại rồi, em và anh Nhựt năn nỉ gọi về nhà nhưng công an không cho” và Danh không hề xin ngủ lại tại trụ sở công an huyện Bến Cát cùng với Chiến, Tuấn vì mỗi người nhốt một phòng làm sao ngủ chung được?
Do đó tôi cho VKSNDTC thực sự là không điều tra nếu điều tra thì không thể kết luận như thế này.
6. Trong biên bản làm việc: “ngày 24/04/2011, Các thành viên ban chuyên án 218.T đi thu vật chứng (lốp xe) tại thành phố HCM , nên không có ai làm việc với anh Nhựt”
Sáng ngày 24/04/2011 tôi có gặp trực tiếp Ông Nguyễn Thành Phú tại căn tin của Công an Bến Cát và 3 công an khác. Vậy việc đi thành phố thu thập chứng cứ lúc mấy giờ? VKSNDTC có làm rõ vấn đề này không?
7. Trong Kết luận không làm rõ những điều tra viên điều tra sai hướng nhưng kết luận của VKSNDTC là những điều tra viên không có liên quan gì đến cái chết của chồng tôi, lý do là họ đi vắng ngày 24/04/2011.
Tôi khẳng định việc chồng tôi chết là có tác động đến các điều tra viên 218.T bởi những lý do sau:
- Anh Nhựt tố giác tội phạm và nghi ngờ ông Bảy tài xế, Toàn, bảo vệ… Nhưng các điều tra viên làm ngơ trong khi đó họ lại lại bắt những nhân viên của Anh Nhựt và những người này được thả ra vào lúc 21h ngày 26/04/2012. Tại sao họ không bắt những người mà chồng tôi nghi ngờ mà khi chồng tôi chết thì họ lại điều tra theo hướng của chồng tôi vậy nghiệp vụ của họ đủ trình độ và xứng đáng là một công an kinh tế hay không? Chính gì họ bắt người bữa bãi và điều tra không đúng cách thì mới xảy ra sự việc chồng tôi chết.
- Việc bắt giữ chồng tôi ở đồn công an thì phải thuộc quản lý và trách nhiệm của họ tại sao trong bản án kết luận họ không liên quan?
- Tại sao ông Nguyễn Thành Phú biết số điện thoại của tôi và biết vợ chồng tôi có miếng đất mà gợi ý nói tôi bán đất để chạy án cho chồng. Có phải đây là điều sắp đặt của các điều tra viên muốn được nhận hối lộ chạy án hay không? Còn về việc gạ tình rủ tôi đi khách sạn trong lúc chồng tôi bị họ bắt giữ thì có đúng với tư cách một điều tra viên hay không? Nhưng Trong bản án kết luận không hề đề cập đến việc của Ông phú vậy có đúng hay không?
8. Việc kết luận của VKSNDTC tôi thấy không khách quan, không làm rõ nguyên nhân một số chi tiết trong bản kết luận:
- Dấu vân tay có dính máu trên khung cửa sổ không kết luận của ai? Trong bản án hiện trường có thể hiện mà trong bản kết luận lại không có
- Đầu gối chân phải Anh nhựt xưng to bầm tím, trên ngực có hai vết bầm, hai bên hông xuống đến đùi bầm tím, Thì VKSNDTC không nêu ra trong bản kết luận.
- Trên đùi đến chân có nhiều dấu vết li ti lớn nhất 0.7cm, nhỏ nhất là 0.1cm thì VKSNDTC kết luận xuất huyết ngoài da. Nhưng tôi cho rằng vết li ti không phải là xuất huyết mà là dấu vết bị chích điện. Bởi vì nếu xuất huyết ngoài da thì nó phải điều hết cả thân người nhưng đằng này chỉ xuất hiện trên trên đùi đến chân.
- Dưới quần Anh Nhựt lại dính nhiều máu trong khi đó VKSNDTC trong bản kết luận nghi ngờ là máu, chứ không biết nó là máu thực hay không?
- VKSNDTC không đưa nguyên nhân do đâu mà da bìu bị trượt mất một số thượng bì và dập một cái tinh hoàn và chảy máu kiến bu nhiều trong tinh hoàn mà lại kết luận sơ sài và chung chung
- Anh Nhựt thắt cổ tự tử mà tại sao thân người dựa vào tường và chân trái đứng thẳng dưới mặt đất, chân phải đứng khiểu chân các ngón chân chạm đất có trong bản án thể hiện mà không thể hiện trong bản kết luận.
- Tại sao VKSNDTC không là rõ tại sao hậu môn lại dính ít phân nhưng quần lại không có dính phân, trong khí đó có một bãi phân ngay chân trái?
- Tại sao VKSNDTC không làm rõ một người thắt cổ tư thế hoằng hoại mà bãi phân ở cạnh bên chân trái vẫn còn nguyên?
- Chân tay bị co và bầm tím hết các ngón tay trên bàn tay và ngón chân VKSNDTC không làm rõ trong bản kết luận, tôi cho rằng những dấu vết này là do bị ép cung.
- Nguyên nhân nào môi bị dập cũng không thể hiện trong bản kết luận.
- Tại sao một người treo cổ lưỡi thè chỉ dài 2cm không thể hiện rõ trong bản kết luận?
- “Vết màu xanh lục ở vùng chậu thể hiện của hiện tượng thối rữa của biến đổi sau khi chết” - một người mới chết làm gì mà cơ thể thối rữa nhanh như vậy? Vết thối rữa này tôi cho rằng đã có trước khi chết.
- Trong kết luận có nêu nhận thức ăn của tôi mang vào thì tại sao khi khám nghiệm tử thi lại có ít cơm trong bụng khi đó sáng ngày chủ nhật tôi gửi hủ tiếu, chiều chủ nhật tôi gửi cháo vịt thì kết luận vậy có đúng không?
- Kết luận VKSNDTC là tôi không có ý kiến đề bạt nguyện vọng xin được gặp Anh Nhựt là hoàn toàn sai tôi có thể đối chất giữa công an Phượng.
- Bức thư tuyệt mệnh theo Kết Luận VKSNDTC là chồng tôi viết. Vậy chồng tôi viết tâm trạng như thế nào? Tâm trạng ép viết hay sao mà hai nét chữ cùng một lúc viết, trong lá thư gửi cho các điều tra viên có dấu ghạch chéo có nghĩa là gì? VKSNDTC đã không làm rõ trong bản kết luận.
- VKSNDTC kết luận không có tra tấn nhục hình thì tại sao thân thể Anh Nhựt bầm dập đến thế?
- VKSDNTC kết luận chồng tôi tự do đi lại là tôi thấy không đúng. Tất cả nhân viên bị bắt vào đồn công an điều bị quản thúc chặt chẽ đi vệ sinh là phải có công an đi theo kèm thì làm gì có tự do đi lại, đồn công an chứ đâu phải cái chợ mà tự do đi lại.
- Trong bản kết luận VKSNDTC nêu rõ chồng tôi bệnh tật và ân hận vì việc sai qui định dẫn đến tự tử. Tôi cho đây là cái cớ để VKSNDTC đưa đến việc chồng tôi tự tử. Thật ra trong hồ sơ khám bệnh chồng tôi đã bớt bệnh không còn đau bao tử do nhiễm virút . Nên việc đưa ra kết luận như thế tôi cho là bịa đặt.
Chồng tôi là người không hiểu luật thì sao chồng tôi biết phải ở tù 15 đến 20 năm thì phải xem lại cách hành văn trong thư tuyệt mạng và một số hành văn khác như “Chồng viết mấy lời này…. đi theo ông bà hay to tát hơn là đi theo Bác Hồ Chí Minh thì vợ đừng phải thấy kho... Tôi khẳng định trong lối hành văn này cũng như câu chữ không phải chồng tôi viết.
Tóm lại: Một số vấn đề nêu trên nghi ngờ rằng VKSNDTC không thực sự công minh trong công tác điều tra mà có phần copy của công an Bình Dương để làm bản kết quả điều tra cho mình, VKSNDTC không chịu thu thập những chứng cứ trong khi đó điều tra một cách qua loa. Nếu chồng tôi thật sự treo cổ tự tử thì tại sao áo gối lại dính nhiều màu và chất nhờn ( Hiện nay tôi đang giữ) VKSNDTC lại không làm rõ vấn đề này. VKSNDTC cho rằng Công an Bình Dương không bắt chồng tôi mà Chồng tôi mà tình nguyện ở lại thì tại sao tịch thu điện thoại của chồng tôi và hiện giờ ai là người giữ nó, nếu trong phòng làm việc của Công an có giây điện thoại để chồng tôi tự tử thì đồng nghĩa có điện thoại thì tại sao chồng tôi không điện thoại về cho tôi vậy VKSNDTC có làm rỏ vấn đề này chưa…?
Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử vì sợ tội, bởi anh Nhựt chẳng có tội gì để mà sợ. Tôi không đồng ý kết luận của bản kết luận của VKSNDTC, trong bản kết luận này thiếu khách quan, thiếu minh bạch, có dấu hiệu bao che việc làm mất nhân tính của công an Bình Dương.
Qua kết quả vụ án của Anh Nhựt cũng như một số vụ án hiện đang trong tình trạng báo động về việc lạm dụng tiền và chức quyền gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người của công an đã nói lên cơ quan hành pháp đang còn một số vấn đề bất cập. Tôi khẩn cầu Chính Phủ và Quốc hội nhanh chóng có biệt pháp khắt phục đừng để những người dân như chúng tôi chết oan như thế này nữa.
Một lần nữa tôi khẩn cầu Chính Phủ và Quốc hội nhanh chóng chỉ đạo làm rõ vụ án của Anh Nhựt để gia đình tôi và người dân trong cả nước được yên tâm về sự lãnh đạo của nhà nước cũng như sự tin cậy của lòng dân trong sự lãnh đạo của nhà nước.
Tôi chân thành cảm ơn!
Kính Đơn
Nguyễn Thị Thanh Tuyền
http://diendanctm.blogspot.com/2012/09/hay-cung-chung-toi-noi-khong-voi-tinh.html
No comments:
Post a Comment