Popular Posts

Saturday, January 12, 2013

Mượt mà tơ tằm Nhật Bản


 

Mượt mà tơ tằm Nhật Bản


Từ xa xưa, người Nhật đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp óng ánh và đặc tính mềm mại của tơ lụa. Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thuần khiết của tơ tằm, người Nhật đã ứng dụng chất liệu này vào nhiều lĩnh vực. Lụa tơ tằm rất thích hợp với khí hậu và phong thổ Nhật Bản với mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá


Tơ lụa có vẻ đẹp óng ánh và mềm mại

Người Nhật thích dùng tơ tằm để may trang phục kimono truyền thống. Những chiếc kimono tơ tằm có hoa văn đa dạng, màu sắc tươi tắn là mặt hàng cao cấp được mọi người rất ưa chuộng.

Bộ kimono được nhuộm bằng kỹ thuật nhuộm vẽ Yuzen truyền thống là dòng sản phẩm đại diện cho ngành dệt nhuộm của Nhật Bản. Hoa văn trang trí trên chiếc kimono trông giống như một bức tranh thiên nhiên 4 mùa sinh động với cây cỏ, hoa lá, chim chóc. Màu sắc, đường nét sống động, giàu ngôn ngữ biểu cảm trong kỹ thuật này đã tạo nên nét độc đáo, quyến rũ cho trang phục truyền thống của Nhật Bản. Kỹ thuật nhuộm vẽ Yuzen được ưa chuộng bởi độ bền của màu sắc, sản phẩm chịu được nước, áp dụng được cho nhiều loại vải và vẫn giữ được nét đặc trưng của từng loại vải sau khi nhuộm.


Kỹ thuật nhuộm vẽ Yuzen truyền thống giàu màu sắc, đường nét sống động, giàu ngôn ngữ biểu cảm

Không chỉ là loại nguyên liệu phổ biến dùng để dệt vải, tơ tằm còn là nguyên liệu hảo hạng trong một số lĩnh vực khác. Đàn shamisen được thế giới biết đến như một loại nhạc cụ đặc trưng của người Nhật. Dây đàn được làm từ sợi tơ tằm. Độ bền chắc cùng vẻ thanh mảnh của sợi tơ đã góp phần tạo nên những thanh âm trong trẻo của tiếng đàn shamisen.


Đàn shamisen được thế giới biết đến như một loại nhạc cụ đặc trưng của người Nhật

Từ xưa, tỉnh Gunma đã được biết đến là vùng trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải nổi tiếng của Nhật Bản. Tại đây có những cánh đồng dâu tằm xanh mướt trải dọc theo các sườn núi. Người dân trong vùng trồng dâu để nuôi tằm. Lá dâu là nguồn thức ăn ưa thích của chúng. Mỗi ngày, người nuôi tằm đều phải hái lá dâu cho tằm ăn. Thời điểm thích hợp để nuôi tằm là từ mùa xuân đến mùa thu vì lúc này thời tiết ấm áp.

Tằm ăn dâu cả ngày lẫn đêm nên người nuôi phải canh giờ cho tằm ăn. Ngoài ra, môi trường sống và giấc ngủ của chúng cũng phải được chăm sóc cẩn thận.


Tằm ăn dâu cả ngày lẫn đêm

Tằm là loài rất nhạy cảm với thời tiết, nó không thích tiết trời quá nóng hay quá lạnh. Nhiệt độ thích hợp để tằm sinh trưởng tốt là từ 20 đến 25 độ C. Từ lúc trứng nở đến khi nuôi được 24 ngày, tằm bắt đầu chín. Tằm chín da láng bóng, ngưng ăn dâu và đi tìm nơi thích hợp để nhả tơ làm tổ. Người nuôi cần nhận biết thời điểm tằm chín để cho nó lên nơi làm tổ, được gọi là né tằm.


Né tằm

Né tằm của người Nhật có tên gọi Kaiten-mabushi là những khung gỗ được chia ra thành nhiều ô nhỏ hình vuông. Tằm chín được thả lên nó để chúng tự tìm nơi làm tổ. Thường thì mỗi ô vuông là một kén tằm. Khi đã có được nơi thích hợp, tằm bắt đầu nhả tơ tạo kén. Lúc này, tằm miệt mài nhả tơ làm tổ không ngưng nghỉ. Mất khoảng 3 ngày tằm hoàn thành xong tổ kén và nằm gọn trong đó. Theo ước tính, tổng chiều dài sợi tơ mà tằm nhả ra để tạo kén là 1.300 mét.

Vào cuối thế kỉ XIX, ngành công nghiệp tơ tằm là một phần then chốt trong mục tiêu hiện đại hóa của Nhật Bản. Gía trị thương mại của lĩnh vực sản xuất tơ tằm vào thời điểm đó đạt khoảng 3 tỉ yên nếu tính theo thời giá hiện nay. Ngành công nghiệp này chiếm 5% tổng sản lượng nội địa và là một trong các dự án phát triển trọng điểm của quốc gia.


Sợi tơ tằm vàng óng

Lúc đầu, các nhà máy dệt tơ tằm của Nhật Bản dựa theo mô hình được nhập khẩu từ Pháp, vào thời điểm đó, Pháp là quốc gia nổi tiếng thế giới về ngành công nghiệp này. Trong khi các nhà máy dệt tơ tằm đang nổ lực đẩy mạnh năng suất thì một biến cố đã xảy ra. Dịch bệnh trên tằm do vi khuẩn đã khiến ngành nuôi tằm tại Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà máy đã ngưng hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu.

Vào năm 1905, với mục tiêu khôi phục ngành sản xuất tơ tằm của Nhật Bản đang đương đầu với khó khăn, ông Toyama, một nhà khoa học của Nhật Bản, đã đến Thái Lan và nuôi dưỡng thành công một giống tằm hoang dại bản xứ. Giống tằm mới này cho ít tơ nhưng bù lại nó có khả năng chống chọi với bệnh tật rất tốt.

Để giống tằm mới có thể sống tốt trong điều kiện khí hậu ở Nhật cũng như cho ra lượng tơ như mong muốn, ông Toyama đã cho lai tạo giữa giống tằm mới có khả năng kháng bệnh tật tốt với giống tằm Nhật Bản cung cấp nhiều tơ. Sự kết hợp này cho ra một giống tằm vừa khỏe mạnh vừa cho tơ nhiều gấp 3 lần. Sau kết quả nghiên cứu này, Toyama đã thuyết phục chính phủ Nhật Bản sử dụng giống tằm lai cải tiến và đề nghị của ông được chấp thuận.

Sau khi giống tằm lai tạo của nhà nghiên cứu Toyama được phổ biến, ngành công nghiệp tơ tằm của Nhật Bản tiếp tục phát triển. Các nhà máy chế biến tơ tằm thu hút một lượng lớn lao động nữ lúc bấy giờ. Vải tơ tằm của Nhật Bản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vào thời kì hoàng kim của ngành công nghiệp tơ tằm, cả nước Nhật có đến 236 nhà máy dệt tơ.

Năm 1934 là thời điểm đánh dấu giai đoạn hoàng kim của ngành công nghiệp tơ tằm Nhật Bản với vị trí đứng đầu thế giới. Nó đã góp phần không nhỏ trong công cuộc hiện đại hóa của xứ sở Phù Tang.

Sưu tầm

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List