From: NGUYỄN VÂN TÙNG <
Date: 2015-02-15 19:48 GMT-06:00
Subject: TẾT QUÊ MÌNH, TẾT QUÊ NGƯỜI
To:
TẾT QUÊ MÌNH, TẾT QUÊ NGƯỜI
Tạ Thị Ngọc Thảo
Tết quê mình là tết ở Sài
Gòn. Tết quê người là tết ở Huế. Nhưng quê mình mà mình không ở nữa, thành ra
quê người. Còn quê người mà dung dưỡng mình thì coi như quê mình vậy.
Tết quê mình
Có lẽ tết quê mình là cái tết không giống nơi đâu ở Việt Nam, ngày thường thì đông đúc, vui nhộn, dập dìu; ngày tết thì vắng vẻ, cô quạnh, đìu hiu. Bởi lẽ đất Sài Gòn dung chứa dân tứ xứ về đây làm việc, học hành, kinh doanh, lập nghiệp, lấy vợ, gả chồng… Và cũng bởi lẽ người Sài Gòn tánh tình xởi lởi, sẵn lòng chia sẻ cơ hội cho bất cứ ai có chí tiến thân. Chính vì vậy, từ 20 tháng chạp Sài Gòn bắt đầu thưa dần người tứ xứ, đến 26 tết Sài Gòn vắng như buổichợ chiều, đúng ngày cuối năm thì Sài Gòn chỉ còn lại dân tại chỗ.
“Dân tại chỗ” còn lại ở Sài Gòn trong dịp tết cũng nhiều loại: người Sài Gòn gốc, người nhập cư ổn định, người nước ngoài qua Việt Nam làm việc lấy chồng, lấy vợ, sanh con.Và dân tại chỗ ở Sài Gòn đã “nhập gia tùy tục” do vậy phong cách đón xuân cũng rất Sài Gòn. Đa số trong họ chọn giải pháp giảm nấu ăn trong những ngày tết, nguyên nhân là người giúp việc đã được cho về quê sum họp với gia đình, chủ nhà thì thích đi chơi hơn vào bếp, họ tự nhủ: “Hệ thống dịch vụ ăn uống tại Sài Gòn phục vụ 7/7 ngày, giá cả lại ổn định trong dịp tết, lui hui trong bếp làm gì cho nhọc tấm thân!”.
Chương trình đón Xuân của dân tại chỗ rất ngộ nghĩnh: gia đình bác hai chủ tiệm sửa xe đăng ký tour du lịch nước ngoài. Gia đình dượng tám có chàng rể Việt kiều mua trọn gói đón Xuân ở một khách sạn vùng biển mời gia đình bên vợ. Gia đình cô ba chủ tiệm may vì ngại đi xa mua gói dịch vụ “Đón giao thừa” của khách sạn ngoài Quận Nhất. Gia đình cô Út Phật tử lên lịch hành hương từ Nam, Trung, Bắc tới rằm tháng Giêng. Hỏi, “Tại sao phải mua gói dịch vụ đón Xuân?”.
Câu trả lời rất
Sài Gòn, “Ở khách sạn họ tổ chức chu đáo, nấu ăn ngon, trưng bày đẹp, đông vui
nhộn nhịp, gia đình mình vô dự vừa no con mắt, vừa no cái bụng, vừa được vui
chung; quá đã!”. Lại hỏi, “Tết ở nhà đầm ấm, tiết kiệm, sao lại thích ra khỏi
nhà trong dịp tết?”.Lại trả lời, “Cả năm tất bật kiếm tiền, cuối năm hổng xài
để tiền làm gì? và rằng: “Tết mới được dịp cả nhà cùng nghỉ, phải rủ nhau ra
bên ngoài ngó thiên hạ. Cứ loanh quanh luẩn quẩn như con gà trong sân riết rồi
sanh tư tưởng “coi trời bằng cái nắp nồi của nhà mình”,phá sản tới chân hổng
biết!”. Nói xong cười hào sảng.
Tuy vậy, cũng có gia đình đón Xuân theo lối cũ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, nhưng số này hiện nay ở Sài Gòn không còn nhiều.
Riêng gia đình tôi lúc nào trong nhà có một cành mai, hương và hoa trên bàn thờ, là tết; chuyện mua sắm, nấu ăn chẳng màng. Cá nhân tôi lại thích ngắm người ta đón tết, hơn là bản thân mình cuốn vào cơn lốc nhộn nhịp cuối năm. Vì vậy khi chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ khai mạc, tôi cũng tham dự nhưng chọn một quán nước dọc đường Nguyễn Huệ rồi ngồi ngắm hoa và người, tự nhiên cảm nhận sự thiêng liêng ngày tết.
Mấy năm gần đây Sài Gòn có thêm chợ hoa trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tổ chức hoành tráng không thua chợ hoa Nguyễn Huệ, đã thế sát bên chợ hoa còn có một quán ăn chay thanh lịch, tinh tế. Thế là từ 26 tết gia đình tôi rủ nhau ra quán chay vừa dùng cơm chiều, vừa ngắm Tết trong hoa, ngắm Xuân trong mắt mọi người; lòng rộn ràng theo niềm vui chung của đất nước, xã hội và cộng đồng. Tự nhủ, “Tết là vậy chớ là gì?”.
Có thể nói, chỉ có dân tại chỗ mới cảm nhận được sự u mịch của đường phố Sài Gòn vào sáng ngày Mùng Một tết. Đường sá không tiếng xe chạy, thoảng mới có bóng người rảo bước tìm đến quán cà phê quen thuộc trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi…, ung dung tĩnh tại ngắm phố xá. Trong khung cảnh vắng vẻ ấy khiến người tại chỗ chợt nhận ra: “Chính người tứ xứ là nhân tố tạo ra sự đông vui, sinh động và góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Sài Gòn!”.
Tết quê người
Nếu quê mình mùa mưa kết thúc vào cuối tháng 10 âm lịch, thì quê người lại là tháng mưa dầm, rét đậm và kéo dài cho tới tháng 3 năm sau. Tại quê người, mưa và lạnh là dấu hiệu báo Xuân về. Xem truyền hình thấy người quê mình diện bộ váy ngắn mát mẻ đi chợ Xuân, ngó quanh phố xá quê người thấy ai cũng, hoặc trùm áo mưa, hoặc đầu đội mũ, cổ quấn khăn, còn cái thân thì quần áo vài ba lớp. Tôi thầm nghĩ, với một tiết trời u sầu như vậy liệu Huế, quê người – có không khí tết không?
Nói theo dân Sài Gòn “Huế, ngó vậy nhưng không phải vậy, mà còn hơn vậyJ”. Sở dĩ, tôi dám nói như thế là nhờ đã thật sự ở Huế đón Xuân được hai mùa. Quê người bề ngoài coi bình lặng nhưng lẩm đẩm đón tết sớm hơn quê mình vài tháng.Từ tháng 11 âm lịch nhiều gia tộc rục rịch cúng chạp, một nghĩa vụ với người đã khuất trong dịp tết. Tôi hỏi cộng sự, “Cúng chạp là gì mà hết người này xin nghỉ tới người kia xin nghỉ, lại nghỉ tới vài ngày?”.
Cộng sự thưa thốt, “Ngày thứ nhất
dọn vệ sinh và làm mới tất cả mồ mả của dòng họ, nếu chưa xong thì làm tiếp
ngày thứ hai, thứ ba. Chuyện mồ mả xong thì tới thủ tục cúng kiếng. Dịp này
người trong dòng họ khắp nơi đổ về làm mâm cúng người chết và thăm sức khỏe
người sống, đầm ấm lắm. Tết có khi không về nhưng chạp là phải có mặt”. Như vậy
là quê người ăn tết sớm hơn quê mình rồi!
Do mưa dầm và lạnh chợ hoa của quê người khác với quê mình: người bán trùm áo mưa co ro, người mua trùm áo lạnh uể oải, hoa gục đầu vì trĩu nặng nước mưa nhưng, lại “ngó vậy mà không phải vậy!” Hôm nay trời còn mưa hoa chất đầy sân không ai buồn rớ tới. Ngày mai hửng nắng hoa hân hoan theo người mua về nhà khoe sắc. Chỉ cần trời sởn sởn thêm vài ba ngày là hàng hoa bán sạch trơn. Quê người nổi tiếng xài tiền kỹ, nhưng về cái khoản hoa, trái và cây kiểng ngó bộ không thua kém quê mình. Ngay cả các vị Tăng Ni thường ngày buổi tối không dám mở nhiều đèn vì ngại tốn điện, thế mà ngày tết hoa rực rỡ từ bàn Phật đến khắp cả sân chùa. Hỏi, “Sao chùa mua hoa nhiều vậy?”. Trả lời: “Chùa đón tết bằng hoa, nếu không có hoa thì Chùa đón tết bằng gì?”. Một câu trả lời rất chùa và rất Huế”.
Tiếp theo là chuyện biếu quà cho người thân và các mối quan hệ xã hội. Quê mình thường lên danh sách người cần biếu rồi nhờ nhân viên (hoặc người nhà) mua sắm và đem biếu một loạt trước tết, trong khi quê người lại cẩn thận chu đáo hơn. Từng món quà được người Huế dò ý người nhận mới mua, trước khi biếu thì gói ghém thật đẹp rồi đích thân đi biếu. Của không nhiều nhưng cách cho trang trọng, làm người cảm nhận ấm lòng.
Nhưng vì đích thân người cho đi biếu quà cho
nên đích thân người được biếu phải nhận quà, đôi khi thủ tục này làm mất thời
gian của khách và chủ vào những ngày chộn rộn cuối năm.
Nếu người quê mình thực hiện nghi thức chúc tết người thân và mối quan hệ xã hội trước tết (vì ngày tết cả nhà mới có dịp cùng nghỉ để đi chơi chung với nhau) thì người Huế lại dành lễ nghĩa đó trong những ngày tết. Qủa là ngày tết gặp nhau uống chén trà rồi chúc tết có ý nghĩa hơn ngày thường. Có điều giá mà, trước khi đến chúc tết “quê người” chịu khó điện thoại trước để “quê mình” chủ động thời gian, tiếp khách được chu đáo, thì hoan hỷ trọn vẹn.
Và, nếu quê mình đón tết theo tâm trạng hướng ngoại thì quê người đón tết nặng về nội tâm. Chuyện mua sắm, nấu ăn, cúng kiếng, biếu quà, lì xì, mừng tuổi, lễ chùa, thăm mộ ngày đầu năm là nề nếp xưa nay vốn vậy. Phải chăng, do chỉ có người Huế đi lập nghiệp xứ người (và do người xứ khác ít về Huế định cư) cho nên văn hóa đón tết của Huế không pha trộn? Và vì vậy, nếu ai muốn hướng về một cái tết truyền thống thì Huế là nơi cất giữ tập quán lâu bền nhất.
Cuối cùng, quê người hiện nay là quê mình, quê mình bây giờ là quê người, người với mình là một, không hai. Do vậy văn hóa tập quán nào hay thì mình giữ, rườm rà mê tín thì mình giảm hoặc loại trừ, cốt tủy là cùng nhau đón một cái tết thiêng liêng, rỗng rang, an vui, hạnh phúc.
.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment