Tỵ Nạn và Cuộc Đời:
Phần 1
Lần vượt biên sau cùng 23.6.1980
Nguyễn văn Phảy
Phần 1
Lần vượt biên sau cùng 23.6.1980
Nguyễn văn Phảy
Lời
mở đầu: Hôm nay, ngày 23 tháng 6, điện thoại qua
New York City, Mỹ quốc để chúc mừng Sinh Nhật của con gáiđang làm việc tại
Trung Tâm Thương Mại Thế Giới. Và hôm nay cũng là ngày đánh dấu 28 năm
(1980-2008) tôi và gia đình bỏ nước ra đi tìm Tự Do. Thật là một sự ngẫu nhiên!
Con gái tôi được sinh ra tại Tây Đức (23.06) năm mà tôi làm luận án tốt nghiệp Đại
học. Sau những năm cháu theo học Trung học tại Đức và tại Mỹ, bây giờ cháu tốt
nghiệp đại học New York University - Stern School of Business, ngành Tài Chánh
(Finance) lúc 20 tuổi. Văn bằng tốt nghiệp đại họcđược ghi hạng tối ưu (cum
laude) và cháu cũng nhận được bằng ban khen với tên của Đại học. 9 tháng trước khi
tốt nghiệp, cháu được Ngân Hàng "Investment Bank Goldman Sachs" toạ lạc
tại West Street in Lower Manhattan, New York City nhận vào làm việc. Đó là niềm vui cho gia đình
và là động lực khuyến khích tôi ghi lại đôi giòng về cuộc hành trình vượt biển
mà tôi và gia đình đã trải qua trên biển Đông vào mùa hè năm 1980.
*****
Khởi
hành:
Mặc dù thời gian trôi qua thật nhanh, nhưng
nhiều hình ảnh ra đi vượt biên vẫn còn đọng lại tiềm tàng trong trí ức. Làm sao
tôi quên được những sự ra đi quá hải hùng của nhữngđứa con của Mẹ Việt Nam, những đứa con bất hạnh, những người đi tìm tự do, tìm cái sống
trong cái chết của mình, mà thế giới gọi là thuyền nhân„Boat People“,.
... Đêm nay đêm tối trời, tôi bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi, hò ơi, tạm biệt nước non…
(Trích
Đêm Chôn Dầu Vượt Biển)
Vào một đêm mùa hè trăng sao, ban ngày trời
nóng chan chan, nắng cháy da người. Tôi cùng vợ và 2 con từ Sài Gòn đi xe đò về
Tây Đô thân yêu. Tối hôm đó, tôi cùng gia đình vợ và 2 con được hướng dẫn lên một
chiếc ghe rất nhỏ. Chiếc ghe nhỏ nầy đã được cất dấu nhiều ngày trong 1 con lạch,
được che bởi những khóm cây dừa nước tại vùng Cần Thơ, chuẩn bị di chuyển người
ra một chiếc ghe lớn để đưa chúng tôi vượt biên. Chiếc ghe lớn đang đậu núp ở một
ven bờ Tiền Giang, hướng ra biển. Ghe lớn có chiều dài khoảng 12,5m và chiều
ngang khoảng 2,5m.
Trong
lúc chiếc ghe nhỏ luồn lướt qua những con lạch, băng qua những khóm dừa nước,
lao nhao đôi chú ếch nhái, ểnh ươngđang đi tìm mồi và đùa giởn réo gọi nhau bỗng
dưng yên lặng, trả lại cho mànđêm tịch mịch. Nhưng rồi, xa xa vọng lại những tiếng
rên rĩ của côn trùng, tiếng kêu của những lũ ếch nhái khác hoà với làn gió nhè
nhẹ thổi vào đêm trăng mùa hè cùng với bóng dáng của cành lá cây, rào rạc ở hai
bên bờ rạch, lúc ẩn lúc hiện tạo nên một âm thanh khó hiểu, huyền dịu. Loài côn
trùng, động vật có thấu hiểu chuyện gì đang xảy ra bên cuộc sống thanh bình của
chúng? Chúng tôi không phải là kẻ săn bắt chúng hay phá rầy sự sống của chúng. Chúng
tôi là những người đang tìm đường vượt biển với tâm lý vừa vui buồn lẫn sợ hải.
Đôi khi tôi nghĩ ngợi, mình cũng thầm cảm ơn những chú ếch nhái và côn
trùng, cây, gió. Nhờ có chúng mà chúng tôi không bị lộ tông tích vì tiếng ồn do
chúng tôi có thể tạo ra trong lúc di chuyển.
Sau một
thời gian lặng lẽ âm thầm ra đi trong đêm tối, chúng tôi vượt ra khỏi rạch nhỏ
thì vào sông Tiền Giang, rồi đến ghe lớn. Lúc đó vào khoảng 1 giờ sáng. Trên
ghe lớn cũng đã có một số người từnhững ghe nhỏ khác đã được đưa đến. Rồi dần dần
có thêm nhiều ghe nhỏ nữa chởthêm người tới.
Ngay từ
những ngày đầu chuẩn bị, sau khi người chủ mua ghe và trang bị máy móc ở vùng
Hà Tiên, Rạch Giá, tôi đã có nhiều lần xuống vùng đó để kiểm soát lườn ghe cũng
như xem xét máy móc được trang bịnhư thế nào. Khi thử chạy máy và kiểm soát kỷ
lườn ghe thì thấy tất cả đều tốt. Chủ ghe cũng cho tôi biết rằng ghe sẽ chở khoảng
80 người mà thôi. Nghe vậy, tôi nghĩ rằng với chiếc ghe nhỏ như thế nầy cũng có
thể vượt biển được mặc dù trên đường đi nếu biển động nhẹ. Nhưng khi tôi lên
ghe lớn thì thấy quá nhiều người trên ghe rồi. Chiếc ghe quá tải, tưởng chừng sắp
bị chìm. Với số lượng người đông như thế này, tôi đoán có khoảng trên 170 người.
Chiếc ghe đang còn ởtrên sông, nước phẳng lặng mà đã xem như sắp chìm rồi thì
làm sao ra biển điđược. Thấy vậy, tôi đã kêu gọi những người đang chuẩn bị lên
ghe lớn sau cùng nên hảy ở lại quê hương và trở về nhà thì tốt hơn. Nếu không,
khi ra biển, gặp sóng gió lớn, ghe sẽ bị chìm ngay và sẽ chết hết. Sau khi nghe
tôi nói như vậy họ đã hiểu, cho nên một số người còn đang ở trên ghe nhỏ họ
không bước lên ghe lớn nữa, cũng như một số người đã lên được ghe lớn họ cũng
bước xuống ghe nhỏmà trở về.
Mặc dù
vậy, chiếc ghe vẫn còn quá tải. Lườn ghe đã chìm sâu, chỉ còn khoảng 10 cm nổi
trên mặt nước mà thôi. Riêng cá nhân tôi, với nhiều năm đi tàu biển, có nhiều
kinh nghiệm về sóng gió, biết rằng với chiếc ghe nhỏ như thế nầy mà chở gần 150
người thì rất lo lắng. Nhưng tôi đangở vào vị thế tiến thoái lưỡng nan. Đây là
lần vượt biên thứ ba sau khi tôi bị đi „tù cải tạo“ về. Hai lần vượt biên trước,
ghe tôi cũng đã ra tới ngoài biểnđược rồi nhưng vì bị trở ngại kỹ thuật, ghe
không chạy tiếp được, cuối cùng phải bị bắt và vào tù trở lại. Lần nầy nếu tôi
và gia đình không đi, khi lên bờtrở lại có thể tôi sẽ bị bắt. Nếu tôi bị bắt mà
còn bị lộ ra tông tích rằng mình là một cựu Sĩ Quan Hải Quân của Quân Lực Việt
Nam Cọng Hoà và đã nhiều lần vượt biên bị bắt thì có thể lần nầy tôi sẽ bị nhốt
vào tù và khó có ngày về đoàn tụ gia đình. Do đó, tôi quyết định ở lại trên ghe
để hướng dẫn ghe đi vượt biên. Tôi thừa hiểu rằng trên đường vượt biển có thể
có nhiều nguy hiểm xảy ra, nhưng tôi không có con đường lựa chọn nào khác. Tôi
chỉ hy vọng rằng vào mùa hè, sóng gió sẽ êm dịu hơn và biển có thể yên lặng.
Ra
khơi:
…Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình mỗi mặt
Khóc nghẹn ngào
Hò ơi! Hò ơi! tạm biệt nước non…
(Trích Đêm Chôn Dầu Vượt Biển)
Trong
2 ngày đầu vượt biển dường như tôi thức trắng đêm. Ngày đầu tiên, vào chiều tối,
ghe chúng tôi ra khỏi cửa biển và ra khơi khá xa. Tối khuya hôm đó tôi đổi hướng
chếch Nam, nhắm bên phải của chòm sao Nam Tào ở phía Nam gần hướng Tây Nam làm
chuẩn mà chạy. Vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu trải dài đến vùng đảo Côn Sơn tôi
cũng đã có 2 tháng đi thực tập trên Hoả Vận Hạm HQ 471 và 7 tháng trên Hộ Tống
Hạm HQ10 trước khi được thụhuấn tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang vào tháng
9 năm 1971. Trong thời gian nầy chiến hạm HQ10 phải đi tuần liên tục ngoài khơi
thuộc vùng 3 duyên hải. Nhờ vậy tôi có phần nào hiểu biết và kinh nghiệm ở vùng
biển khơi từ Vũng Tàu đến Côn Sơn.
Để kiểm soát hướng đi, vào ban đêm, nhìn ngược lại hướng Bắc thì có chùm sao Bắc Đẩu nằm chếch ở phía sau ghe vì ghe đã đổi hướng. Ban ngày thì nhìn mặt trời để đoán hướng. Là sĩ quan hải quân QLVNCH, ngành chỉ huy, nhiều năm đi biển phải có kinh nghiệm nhìn các sao, các chùm sao, nhìn sóng nước, nhìn sóng gió, nhìn mặt trời, mặt trăng trên biển để đoán được vị trí tương đối và hướng đi của ghe..
Khi
mệt quá tôi giao lại cho vài tài công là những thanh niên và là thân nhân của
chủ ghe. Chủ ghe không đi theo. Thật sự mấy bạn tài công nầy chỉ mới tập lái
ghe khi ghe được sửa chữa trên sông trước khi đi vượt biên mà thôi. Họkhông có
nhiều kinh nghiệm về biển cả. Tôi phải chỉ dẫn cho họ. Họ tin tưởng ởtôi.
Trang
bị cho chuyến vượt biên, trên ghe chúng tôi chỉ có 1 bản copy của tấm hải đồ
biểnĐông từ vùng đảo Côn Sơn đến Tân Gia Ba để vẻ tuyến đường đi đến hải cảng
Singapore. Tôi đã xác định từng đoạn đường với góc độ. Tôi chọn tuyến đường đi
Singapore mặc dù xa hơn đi đến Thái Lan hay Mã Lai Á là vì tôi muốn tránh xa
vùng biển mà hải tặc Thái Lan đang hoành hành trên vịnh Thái Lan. Trước khi đi,
chúng tôi đã mua 1 la bàn từ với đường kính khoảng 10 cm. Loại la bàn từ mà lớn
như vậy chỉ có ở các chiến đỉnh của các Lực Lượng Hải Quân
VNCH, làm gì mà có bán ra ngoài như vậy?. Khi mua nó tôi
đã nghi ngờ là giả mạo nhưng không tìm được cái la bàn từ nào khác là thật và
original nên đành phải mua.
Khi
sử dụng la bàn giả mạo trên biển là 1 khuyết điểm lớn vì các tài công
trên sông không có kinh nghiệm về sóng gió và phương hướng rõ ràng ngoàiđại
dương. Khi sóng mạnh ập đến ghe thì la bàn từ giả mạo kia bị lắc và không lay
chuyển được nữa, góc độ của hướng đi sai ngay. Nếu tài công không để ý và không
biết hướng gió, sóng và các chòm sao thì lái ghe sẽ sai hướng. Vì thế mỗi lần
tôi tỉnh giấc và xem lại thì đôi khi thấy ghe đi lạc hướng, tôi phải điều chỉnh
ghe để có hướng đi đúng trở lại. Ngoài ra tôi còn nghĩ đến, vào một thờiđiểm
nào đó các tài công cũng mệt nhừ người, thì họ vừa lái ghe và sẽ vừa buồn ngũ
là chuyện khó có thể tránh. Tôi nghi ngờ như vậy. Nói chung, lái ghe trên biển
cũng khá phức tạp. Những đêm bị mưa gió, trời mù, thì không thấy chòm sao Nam
Tào. Do đó tôi phải thường nắm tay lái. Vùng biển Côn Sơn và Phú quốc tôi cũng
đã quen thuộc phần nào. Khi đi thực tập trên Hoả Vận Hạm HQ471 đầu năm 1971,
cũng như khi tôi phục vụ dưới Dương Vận Hạm HQ503 cũng đã có mấy lần chiến hạm
đi công tác đến đảo Phú Quốc và đảo Côn Sơn. Nhờ vậy tôi cũng biếtđược hướng sóng
gió ở vùng Côn Sơn.
Suốt
mấy ngày vượt biển tôi không lo lắng được gì cho 2 con tôi. Tất cả đều để cho vợ
tôi lo cho 2 cháu. Bà xã tôi hiểu được sự lo lắng lái ghe của tôi nên không có
một lời than thở. Thật tội nghiệp!
Có 1
lần vào ban ngày vì biển động, sóng hơi lớn nên 1 thùng dầu Diesel dự trữ đặt
phía sau lái khoảng 200 lít rơi xuống biển. Tôi phải ngưng ghe lại và nhờ anh
Thọ (hiện đang cư ngụ tại Nam California) nhảy xuống biển để cùng chúng tôi vớt
thùng dầu lên. Đến hôm nay tôi vẫn còn thầm phục tinh thần của anh ấy. Lúc đó
không mấy ai dám nhảy xuống biển mênh mông như vậy. Tôi quyết định là phải vớt
thùng dầu lên cho bằng được. Tôi nói với các bạn thanh niên cùngđi rằng con đường
chúng ta đi còn xa lắm. Nếu chúng ta thiếu dầu, chết máy thì khi biển động ghe
sẽ bị lật chìm ngay vì chúng ta không thể điều khiển được chiếc ghe để lái chếch
sóng. Họ nghe lời tôi và quyết tâm phải vớt thùng dầu. Tôi phải tận dụng những
phương pháp cứu người trên biển cũng như những cách thắt mũi dây mà tôi đã học
được ở những chiến hạm và khi tôi còn là một Huynh trưởngĐoàn trưởng Gia Đình
Phật Tử ngoài miền Trung để ứng dụng lúc nầy. Chúng tôi dùng 1 sợi dây và 2 cây
cọc trên ghe để kéo thùng dầu lên. Rất khó khăn vì thùng dầu quá nặng nhưng
chúng tôi đã vớt được. Xin cảm ơn Trời Phật!
Sau đó
ghe chúng tôi tiếp tục nhắm hướng Tân Gia Ba mà chạy. Đi được một ngày thì bổng
nhiên tôi nhìn thấy từ xa xa ởhướng Nam hiện ra một đốm đen. Dùng ống dòm để
quan sát, tôi mới rõ đó là chiếc máy bay trực thăng đang bay về hướng chúng
tôi. Trực thăng càng lúc càng hiện rõ hơn. Chúng tôi, tất cả mọi người trên ghe
rất vui mừng khi thấy máy bay trực thăng. Khi đến gần, một người trên máy bay
chỉ tay vào chúng tôi và ra dấu
tiếp tục đi vềhướng Nam. Nhìn về hướng Nam chúng tôi thấy một
con tàu cở lớn từ từ hiện ra. Sau nầy tôi được nghe kể lại rằng khi tàu Cap Anamurđược
trực thăng cho biết đã phát hiện ghe tỵ nạn chúng tôi thì thuyền trưởng cho 2
máy tiến full (với tốc độ tối đa) hầu kịp thời ngăn chận mọi bất trắc có thể xảy
ra cho ghe chúng tôi. Và sau khoảng 2 tiếng đồng hồ thì tàuđã đến gần chúng
tôi. Trên tàu, thuỷ thủ đoàn phóng loa kêu gọi chúng tôi đừng sợ hải, hảy
bình tỉnh.„Đây là tàu CAP ANAMUR của Tây Đức đang cứu vớt các bạn“. Thế
là mọi người trên ghe đều lộ vẻ vui mừng khôn tả nhưng tôi vẫn yêu cầu họ hãy
bình tỉnh, giữ trật tự, ở đâu ngồi đó. Nếu di động không trật tự thì ghe có thể
bịlật úp hoặc ghe sẽ bị nghiêng, bị vô nước và chìm, nhất là lúc ghe đang cập
vào tàu. Lần nữa, mọi người nghe lời yêu cầu của tôi và ở đâu ngồi đó. Họ cũng
đã thấy vợ và 2 con của tôi cũng ngồi yên tại chổ. Tôi thầm cảm ơn họ. Bây giờ
tôi cảm thấy khả năng hàng hải rất hửu dụng của mình sau 2 năm được đào tạo ở
trường Sĩquan Hải quân Nha trang và gần 9 tháng thực tập trên các chiến hạm
HQ471, HQ10 cũng như những năm phục vụ trên Dương Vận Hạm HQ503.
Trên
tàu Cap Anamur, chúng tôi được thuyền trưởng cùng thuỷ thủ đoàn chào đón một
cách niềm nỡ và họ nấu cháo cho chúng tôi ăn sau nhiều ngày đói khác trên biển.
Họ cũng săn sóc thuốc men cho chúng tôi nếu có người bệnh hoạn. Trước những cử
chỉ thân thiện của thuỷ thủ đoàn trên tàu, họ đã hỗ trợ tinh thần rất nhiều cho
chúng tôi nhằm nhanh chóng phục hồi lại sức khoẻ.
Sau khi
họ đã cứu vớt chúng tôi, tàu tiếp tục di chuyển trên biển đông ở gần bờ biển Việt
Nam khoảng 10 ngày nữa để tiếp tục cứu vớt thêm 4 chiếc ghe vượt biên khác, tiếp
nhận khoảng trên 500 người.
Tại hải cảng Tân Gia Ba:
Sau cùng, con tàu ân
nhân Cap Anamur chở chúng tôi đến hải cảng Tân Gia Ba vào những ngàyđầu tháng 7
năm 1980. Đó là chuyến thứ 8 của tàu Cap Anamur ra khơi cứu vớt người vượt biển
tìm Tự Do trở lại cảng. Gọi tắt là Cap Anamur 8. Tàu không cập bến,
chỉ neo trong hải cảng. Ở đó chúng tôi được chích thuốc ngừa. Không một ai được
lên bờ.
Cao Uỷ Liên hiệp Quốc tại Tân Gia Ba cũng
xuống tàu để phỏng vấn chúng tôi. Người nào có thân nhân ở hải ngoại thì được
ưu tiên thiết lập danh sách đi đoàn tụ gia đình nhưng họ cũng phải đến trại tỵ
nạn tạm trú một thời gian. Riêng vợ chồng tôi thì bấy giờ có người bác phía vợ
đang hành nghề luật sư bên Gia Nã Đại. Nhưng khi tôi trình bày nguyện vọng muốn
đi Mỹ thì Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc nói rằng: Bạn và gia đình đã được tàu Tây Đức
vớt, vậy bạn và gia đình có thể ưu tiên đi Tây Đức. Nếu bạn đồng ý thì trong mấy
ngày nữa bạn sẽ đi ngay và không cần lên trại tỵ nạn chờ đợi. Tuy nhiên bạn
cũng có thể đi Gia Nã Đại theo diện bảo lãnh, nhưng bạn và gia đình cũng phải
qua tạm trú tại trại tỵ nạn ở NamDương một thời gian để chờ bác của bạn bảo
lãnh. Người bác vợ của tôi tốt nghiệp Luật sư tại Pháp, làm việc trong Bộ
Ngoại Giao VNCH và cũng đã từng tham dự và cố vấn Pháp luật cho phái đoàn VNCH
tại Hội Đàm Paris. Tôi hy vọng về sự bảo lãnh của bác tôi. Tuy nhiên khi tôi hỏi
về thời gian chờ đợi ở đảo thì cao uỷ LHQ không thể cho biết là bao lâu. Họ chỉ
trả lời: Điều đó tuỳ thuộc vào sự bảo lãnh cũng như lệ thuộc vào chính quyền
Gia Nã Đại.
Sau khi được phỏng vấn, tôi đã thảo luận với
vợ về vấn đề đi định cư ở nước thứ ba. Vợ chồng chúng tôi cũng ngại ngùng ở đảo
vì có 2 con còn quá nhỏ. Cháu lớn nhất lúc bấy giờ được 3 tuổi và cháu thứ hai
chỉ được 18 tháng. Hơn nữa chúng tôi cũng không muốn cậy nhờông bác vợ ở Gia Nã
Đại bảo lãnh. Thế thì tôi quyết định đưa gia đình qua TâyĐức xin tỵ nạn cọng sản.
Tôi tâm niệm: „trời sinh voi, sinh cỏ“. Vợ chồng tôi đồng quan điểm rằng
ở đâu có Tự Do Dân Chủ là nơi đó chúng tôi có thể định cư và sẽ cố gắng xây dựng
lại cuộc đời mới. Chúng tôi đã trải qua nhiều hiểm nguy, nhiều lần
vượt biên trước bị bắn, nhiều cayđắng, nhiều gian truân, nhiều lần vô tù. Vợ
con tôi cũng chịu cùng cảnh ngộ,cũng chịu đói khác, bịnh hoạn như mọi người tù
khác. Giờ đây chúng tôi đã may mắn gặp được tàu cứu vớt thì dù có đi định cư bất
cứ ở xứ nào cũng đều tốt cả,miễn sao xứ đó có Tự Do Dân Chủlà được rồi.
Nhớ lại những năm xưa, mỗi lần vợ tôi sinh
con là tôi bị ở trong tù. Con đầu lòng được sinh ra khi tôi ở trong“tù cải tạo”
được 8 tháng tại Trảng Lớn, Tây Ninh. Con thứ hai được sinh ra khi tôi ở tù vượt
biên tại Côn Đảo. Với tâm niệm: “Chỉcó tinh thần là quan trọng”, một bài
học rất quý giá, hàm súc nhiều ý nghĩa thâm sâu mà tôi học được từ Trường Sĩ Quan
Hải Quân Nha Trang của thuởnào đã giúp tôi nhiều nghị lực để vượt qua mọi trở
ngại và tiến lên. Suy gẫm cuộc đời, bài học đó đã được chứng minh.
Khi tôi quyết định đưa gia đình đi Tây Đứcđể định cư, thì Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc lo tiếp thủ tục giấy tờ cho gia đình tôi. Thế là sau vài ngày chờ đợi trên tàu Cap Anamur ở hải cảng Tân Gia Ba, gia đình tôi cùng với một số bà con vượt biên khác được chích thuốc ngừa và được phân phối quần áo mới để đi định cư tại Cọng Hoà Liên Bang Đức (Bundes Republik Deutschland) ở Tây Đức (West Germany).
Một buổi
sáng tinh sương, chúng tôi được hướng dẫn lên xe buýt đang đậu ngay bến cảng để
được chở ra phi trường Tân Gia Ba. Xe buýt chạy xuyên qua thành phố Tân Gia Ba,
có cả thuyền trưởng tàu Cap Anamur là ông Werner Urban cùng đi về Tây Đức.
Một thành phố rất khang trang và sạch sẻ. Rất tiếc rằng tôi chưa có dịp để thăm
phố thị muôn màu của bán đảo nầy.
Khi
qua Tây Đứctôi được biết thêm, vào năm 1979 Liên Hiệp Quốc họp tại Geneve, Thụy sĩ,
đã kêu gọi những quốc gia Tây Âu cứu nhận nạn nhân đến từ Đông Dương, nhất là đồng
bào chạy tỵ nạn từ Việt Nam. Riêng chính quyền Tây Đức đã đồng ý sẽ nhận khoảng
30.000 người tỵ nạn từ Đông nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam .
Sau thời
gian ngắn xe buýt đã đến phi trường Tân Gia Ba.
Tôi còn nhớ, khi ông thuyền trưởng Werner Urban cùng đi với chúng tôi đến phi trường Tân Gia Ba, ông ta ứa nước mắt trước khi lên máy bay Lufthansa. Có lẽ ông rất xúc động đã cứu được nhiều thuyền nhân và giờ đây họsẽ lên đường đến một xứ lạ là quê hương của ông, một quê hương đang có Tự Do Dân Chủ và có những hành động nhân đạo.
Tại
đây, một số người tỵ nạn trong nhóm chúng tôi được đổi máy bay tiếp tục đi lên
miền Bắc Đức ở Hamburg, hoặc đến tiểu bang Rheinland-Pfalz, hoặc đi
Saarbruecken. Một số người đi lên thành phốBremen. Một số khác đi qua Tây Bá
Linh. Tây Bá Linh nằm trong lòng Đông Đức. Lúc bấy giờ thành phố Bá Linh được
chia làm hai phần bởi bức tường ô nhục do chính quyền cọng sản Đông Đức dựng
lên vào ngày 13.8.1961 để chia thành phố Bá Linh ra làm hai nhằm ngăn chận dân
chúng ĐôngĐức từ bỏ chế độ cọng sản để chạy sang Tây Bá Linh là phần đất tự do
để tỵ nạn. Sau đệ Nhị thế chiến, Đức Quốc Xã thua trận nên một nửa thành phố
đông Bá Linh thuộc về quân đội Nga quản chế và một nửa thành phố tây Bá Linh
thuộc về quânđội đồng minh Mỹ, Anh, Pháp. Chung quanh thành phố Bá Linh thuộc
nước Cọng Hoà Dân Chủ Đức (DDR: Deutsche Demokratische Republik). Đó là quốc
gia theo chế độcộng sản.
Trong
lúc chờ máy bay để đi tiếp tục, tôi và 2 con đứng bên cửa sổ của phòng chờ đợi,
hướng mắt ra xa. Nhìn qua cửa kiếng, hướng về những cao ốc, tôi đoán rằng đó là
trung tâm thành phố Frankfurt . Lòng mình xôn xao làm sao!. Suy nghĩ về quá khứ,
nhớ về quê hương rồi nhìn vềtương lai, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Nghĩ về
cuộc đời binh nghiệp, đã bao nhiêu năm chinh chiến, tôi suy tưởng, ít ra mình
cũng đóng góp phần nào cho quê hương, cho Tổ Quốc để bảo vệ tiền đồn Tự Do. Bây
giờ có rời xa quê hương mình cũng không ân hận cho lắm.
Rồi tôi
thầm nghĩ, nếu không có ngày 30.4.1975 thì hy vọng vào năm 1975 mình cũng sẽ có
cơ hội được qua Mỹ du học 153 tuần thuộc chương trình đào tạo Master of Art hoặc
Master of Science hoặc cao hơn cho những sĩ quan quân lực VNCH có văn bằng cử
nhân nhằm sau nầy góp phần tái thiết đất nước thời hậu chiến sau khi Hiệp định
Paris được ký ngày 27.1.1973, chiếu theo Thông Tư của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực
VNCH năm 1974. Đến tháng 4 năm 1975 tôi đã học xong chương trình Ban Cử nhân
thuộc Đại học Luật Khoa Sài Gòn. Niềm mơ ước ngày ấy không trở thành sự thật.
Và giờ đây hiện diện nơi quê người tôi thì thầm:
„Nhớ
nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia“…
Tây Đứcmùa nắng hạ 2008
Nguyễn văn Phảy, vgpgermany@gmx.net
Ghi chú: Một số hình ảnh trên được trích trong cuốn sách “Thế Kỷ Người Tỵ Nạn”(Das Jahrhundert der Fluechtlinge) do UỷBan Bác Sĩ Cấp Cứu Đức (Deutsches Komitee NOT-Aerzte) biên soạn năm 1981.
Hình chụp trong dịp Lễ Kỷ Niệm 35 Năm Tỵ Nạn và Tri Ân Nước Đức
No comments:
Post a Comment