Cõi già trên đất
lạ
Thứ Ba, 23 tháng Tư năm 2013 11:49
Tác Giả: Andrew Lâm
Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa
ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm
thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim
ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks).
Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.
Ảnh minh họa
Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất
những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi.
Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi
nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết.
Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền. Một khi ta đã
quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết.
Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Ngày nay, bạn bè và
thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới. Tại Mỹ, càng già
càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý
nghĩ của chính mình.
Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los
Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại
lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống
khoảng vài tháng.
Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất
như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm
sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ
nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến
viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.
Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè
tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân
nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây
đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như
không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã
bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện
duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ. Điều
mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều.
Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu.
Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi,
người con gái trưởng trong nhà.
Nhưng không một đứa con nào của tôi biết
được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người
em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ
nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con
cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải
viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.
Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và
tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có
một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng
gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những
niềm vui nhỏ của tôi.
Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày
con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến
chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống
trải sau đó?
Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai
người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe
buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã
biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung
mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có
phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống
của người Việt Nam”.
Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão,
ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này
qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn
những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người
con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy
trong sự cô đơn!
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta
kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì
được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho
những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói
của người già.
Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ
hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được.
Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi. Vào những buổi
chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng.
Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương
trầm.
Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới,
đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai
ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện
gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất
khao khát những ngày quá khứ xa xưa.
Andrew Lâm (Aging in a Foreign Land) Cõi Già Trên Đất Lạ [Nguyễn Đức
Nguyên chuyển ngữ] thuật lại theo lời kể của mẹ anh, bà Ngọc B. Lâm. Andrew
Lam là một biên tập viên của NAM (New American Media) và cũng là tác giả
cuốn Perfume Dreams: Reflection on the Vietnamese Diaspora ( Những Giấc Mơ
Hương: Hoài Niệm Cuộc Sống Xa Quê) (Heyday Books, 2005). Cuốn sách này gần
đây đoạt giải thưởng Beyond Margins 2006 của Trung Tâm Văn Bút Mỹ (PEN
American Center)
|
No comments:
Post a Comment